Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

THỌ

 

Ngày tết chúng ta thường chúc nhau những điều mọi người đều mong ước. Có một số câu chúc đã đi vào nề nếp, mở miệng ra là... trả bài. Người ta chúc mà câu chúc hình như chỉ từ miệng đi ra chứ không phải từ tim đi lên miệng. Những câu chúc này có lẽ lấy cảm hứng từ ba ông già đứng trong tủ gương ở phòng khách. Trong ba ông già muôn năm mỉm cười này thì ông Phúc có lẽ lỗi thời nhất. Bây giờ mà “đầu năm sanh con trai, cuối năm sanh con gái” e rằng câu chúc sẽ không được welcome. Ông Lộc, may phúc hơn, vẫn còn được đón tiếp linh đình. Tiền bạc như nước. Buôn may bán đắt. Tiền bạc thời nào mà chẳng là thú vui sưu tầm của mỗi người trong chúng ta. Nhưng muốn bỏ tiền vào túi thì cái tay còn phải nhúc nhích được. Cái tay mà xuôi theo sáu tấm thì tiền bạc chỉ tổ làm cho con cháu tranh dành đánh phá nhau. Luận như vậy mới thấy cái... oai của ông Thọ!

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu!

Nhà thơ Tú Xương không phải là businessman. Bây giờ mà đi buôn cối giã trầu coi bộ sớm... bankrupt. Còn mấy ai nhai trẹo hàm rồi nhổ ra từng vũng... máu cho Tây nó đi kêu phú lít tới. Thời buổi hưởng thụ, ai cũng muốn bảo đảm cái chữ Thọ của mình, chẳng ai muốn rời cái nhà bạc triệu, cái xế Lexus, cái sổ băng chi chít những con số để đi nằm ngửi hoa. Buôn cái gì cho kéo dài được chữ Thọ là chắc ăn nhất. Như buôn thuốc trường sinh chẳng hạn!

Thuốc trường sinh? Ông Tần Thủy Hoàng ngày xưa đã thèm nhỏ giãi cái thứ thuốc quý giá này. Xui cho ông vua khét tiếng, nếu còn sống tới ngày nay, ông có thể tới Đồng Xoài đếm vàng mang thuốc trường sinh về uống chơi. Cũng không đắt lắm đâu. Cứ tính theo số tuổi thọ được kéo dài mà giá thuốc khác nhau. Tính ra một năm thọ chỉ tốn có hơn một cây vàng. Mua ở đâu? Ở quán nhậu Hồng Dương nằm trong thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Chủ quán nhậu tên Hùng có cả một danh mục các loại thuốc có thể kéo dài thêm tuổi thọ từ 10 đến 20 năm. Danh mục này nghe thú vị hết biết. “Giấc Mơ Bành Tổ!”, “Trường Sinh Biệt Dược!”,  “Thái Thượng Lão Quân!”. Thuốc gồm có những thứ gì? Mật gấu, cao hổ, nhung hươu, xương và óc khỉ phơi khô, máu nhím và kỳ đà được bào chế với một số loài thảo dược có những cái tên khá lạ mà, theo lời bào chế viên, thì phải hái từ trên các ngọn núi ở tận Thượng Lào, Kampuchia, Tây Tạng và Mông Cổ! Tất cả những thứ thượng hảo hạng này phải được pha với các thứ bình dân như: gân gà, máu dê, đuôi chuột đồng cho thêm phần độc đáo. Cũng trong tỉnh Bình Phước nhưng ở huyện Bình Long, có một lò biệt dược khác do bà T.T.H. làm chủ. Thuốc trường sinh của bà gồm: bột sừng tê giác, mật chó sói và chó bẹc giê Pháp trộn với đuôi bò rừng, máu mèo, đuợc nấu thành cao. Một thang thuốc giá 500 triệu đồng. Thứ cao cấp hơn gồm thêm nửa lạng bột sừng tê giác pha với cao hổ cốt thì giá là 1 tỷ đồng! Thuốc có công hiệu chăng? Ông chủ trường sinh tên Hùng gắt gỏng: “Bộ không thấy toàn là những thứ bổ dưỡng cao cấp sao? Không bổ bề dọc thì cũng bổ bề ngang chứ!”. Bà T.T.H. thì khỏa lấp: “Thì cũng có người trẻ ra chứ. Nhưng mà tui chưa gặp lại họ”. Nhà trường sinh T.D.N., cũng ở thị xã Đồng Xoài, thật thà hơn: “Nhiều khi mình cũng áy náy vì đi lừa dối người khác. Thuốc trường sinh chỉ có trong... truyện cổ tích. Chẳng qua chỉ là những loại biệt dược bổ dưỡng trộn lẫn với nhau để qua mắt khách hàng. Nhưng mình không bán thì người khác cũng bán, ai biểu có người dư dả tiền bạc rồi phát sinh nhu cầu này nọ!”
Thuốc trường sinh, đừng tưởng bở, muôn đời đó chỉ là giấc mộng của những người lắm bạc nhiều vàng. Muốn trường sinh, tự ta thôi! Một danh nhân sống trong thế kỷ 18 đã nói: “Không kẻ lười biếng nào có thể sống lâu. Những người trường thọ đều có lối sống cần cù, chăm chỉ và hăng hái.”

Cần cù trong công việc là một yếu tố kéo dài tuổi thọ. Công việc trí óc cũng như công việc chân tay. Đại văn hào Victor Hugo hoàn tất tác phẩm “Truyền Thuyết Của Các Thế Kỷ” vào năm 84 tuổi. Nữ văn sĩ ngưới Úc Mill Humphrey vẫn tiếp tục sáng tác khi đã 86 tuổi. Nhà văn Trương Bảo Sơn đã chín chục có dư mà xuân năm nay vẫn có bài cho báo Tết. Họa sĩ Thái Tuấn, năm nay đã 87 cái xuân... xanh mà vẫn sáng tác đều tay. Nhà doanh nghiệp Nhật Bổn Hitachi ở tuổi 80 vẫn miệt mài kinh doanh. Theo thống kê thì 95% các cụ sống trên trăm tuổi là những nông dân lao động từ nhỏ và đến già vẫn làm việc. Thọ không có chỗ cho những người... ăn no lại nằm!

Nếu cần cù làm việc lại sống trong môi trường trong sạch thì chữ thọ lại càng bảo đảm. Môi trường trong sạch sẽ làm giảm đi các nguyên nhân gây bệnh, hạn chế những bệnh nhiễm khuẩn. Ăn uống lại là một yếu tố khác. Ăn sao cho vừa đủ, không thiếu không thừa, dùng những thực phẩm giầu sinh tố. Nếu ăn được nhiều rau quả, mật ong, sữa tươi thì càng tốt hơn. Ăn uống thanh đạm theo phép ăn uống Oshawa đã được nhiều người áp dụng và có hiệu quả rất tốt. Giáo sư Oshawa, Giám Đốc Viện Khoa Học Viễn Đông ở Paris, đã đưa ra chế độ ăn dinh dưỡng dựa vào công thức sau: tăng ngũ cốc, giảm thịt cá; ít thức ăn động vật, không ăn các thức ăn trong đồ hộp và các thức ăn chế biến; nên ăn gạo lức, muối vừng, tầu hũ.

Uống cũng quan trọng không kém ăn. Phải uống đúng và uống đủ. Sống trong môi trường có nhiệt độ từ 25 tới 30 độ, trung bình cần uống từ 1 lít đến 1 lít rưỡi nước mỗi ngày. Khi làm việc ra mồ hôi nhiều hoặc thời tiết nóng nực hơn, cần uống thêm 0.6 lít nữa. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều nước một lúc mà nên uống từ từ, chia làm nhiều lần trong ngày.

Vitamin giúp bồi bổ sức khỏe tuổi già, mang lại trường thọ cho con người. Công dụng của các loại vitamin, nhiều người đã rõ từ khuya, nhưng nhắc lại thêm một lần ở đây về sự quan trọng của vitamin đối với người cao tuổi chắc cũng chẳng thừa. Vitamin A giúp hạn chế suy giảm thị lực, giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống bệnh tật, chống xơ mạch máu, chống đóng sạn trong thận. Vitamin B tăng cường hoạt động cơ bắp; đặc biệt nhóm B1, B6, B12 ngăn cản được xơ vữa động mạch và viêm thần kinh. B6 và B12 thường bị thiếu hụt trong khẩu phần ăn và hấp thu rất kém qua đường ruột của người cao tuổi. Vitamin C tăng cường hoạt động của tế bào, giảm mệt mỏi, làm bền vững thành mạch, chống chảy máu ở người cao tuổi. Vitamin D  chống lại hiện tượng mất calcium gây loãng xương ở người cao tuổi. Nếu bổ xung calcium mà không có vitamin D thì calcium sẽ bị đào thải qua thận và dễ làm sạn trong thận. Vitamin E có vai trò rất quan trọng cho người cao tuổi vì đề phòng được xơ vữa động mạch, chống  oxy hóa, tăng khả năng tình dục và phòng chống được ung thư tuyến tiền liệt. Vitamin F giúp phòng chống xơ vữa động mạch và ung thư ở người cao tuổi. Vitamin PPP làm vững thành mạch, chống lại tác động phóng xạ của các tia tử ngoại cũng như các bức xạ khác, đồng thời hạn chế được sự thoái hóa tế bào.

Cuộc sống tinh thần lành mạnh và thoải mái cũng giúp tăng tuổi thọ. Khi nghiên cứu và phân tích về mặt tâm thần kinh những cụ trường thọ, các nhà khoa học nhận thấy họ sống hiền hậu, bao dung, điềm đạm, không xích mích với mọi người, ít giận dữ và rất yêu đời. 98% các cụ trường thọ là những người thủy chung, thương yêu con cháu, không gặp biến cố lớn về tình cảm cũng như nghề nghiệp. Nói các cụ đừng mắng là tào lao, các cụ cao tuổi thường có cuộc sống tình dục rất tốt đẹp cho tới khi tuổi rất cao. Nói tới vụ... đánh cờ người, các cụ thường làm lơ không muốn nghe tới, nhưng các nhà khoa học đều đồng ý là  cứ đều đều bầy cuộc cờ một cách điều hòa sẽ hoàn toàn không có hại mà còn có tính chất trị liệu đối với người cao tuổi. Nếu vẫn không tin các nhà khoa học, các cụ cứ thử thì biết. Rõ nỡm cái anh lắm chuyện này!

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu! Trăm tuổi có được không? Ngày nay thì dễ rồi. Ngày xưa coi bộ khó. Vào thời kỳ đồ sắt, tuổi thọ trung bình của con người là 18. Đến thời kỳ đồ đồng, tăng được lên đến 20. Khoảng 200 năm trước Công nguyên, tuổi thọ trung bình là 22. Đến thế kỷ 18 nhích lên tới 35,5. Thế kỷ 19 là từ 40 đến 49. Sống trong nửa đầu thế kỷ 19, cụ Nguyễn Khuyến, khi tới tuổi 55, đã mừng reo bằng thơ.

Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm ông cũng lão đây mà
Anh em làng xóm xin mời cả
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là
Chú Đáo bên làng lên với tớ
Ông Từ hàng xóm lại cùng ta
Bây giờ đến bực ăn dưng nhỉ,
Có rượu thời ông chống gậy ra.

Năm lăm tuổi như cụ Tam Nguyên Yên Đổ, chúng ta ngày nay dư sức qua cầu. Nhờ những tiến bộ của khoa học và y khoa, tuổi thọ của con người càng ngày càng được nâng cao hơn. Kỷ lục Guinness, vào ngày 5 tháng ba năm 2004, đã ghi cụ Fred Hale Sr., sinh ngày 1 tháng 12 năm 1890, ngụ tại The Nottingham thuộc vùng ngoại ô Syracuse, Hoa Kỳ, là người già nhất thế giới. Cụ già nhưng còn gân hết sức. Năm 103 tuổi, cụ vẫn sống tự túc một mình và còn leo lên xúc tuyết trên mái nhà! Cụ cũng còn giữ kỷ lục về tài xế cao tuổi nhất thế giới. Tới năm 108 tuổi, cụ còn cảm thấy lái xe chậm thì chán chết! Cụ có 9 cháu, 9 chắt và 11 chút. Cụ mất vào năm 113 tuổi. Tiếc một điều là chỉ còn có 12 ngày nữa là cụ ăn sinh nhật 114 tuổi! Người nối ngôi già nhất thế giới còn sống là cụ Hermann Dornemann, người Đức, năm nay vừa 111 cái xuân xanh. Đó là chỉ kể phía các cụ ông. Các cụ bà gân hơn nhiều. Hiện trên thế giới có 26 cụ bà nhiều tuổi hơn cụ ông Dornemann này!

Các bà bao giờ cũng trên chân các ông về khoản sống dai. Tại Nhật bản, quốc gia đạt kỷ lục về số người sống trên 100 tuổi, các cụ bà đã chiếm tới 84,7%. Trong thống kê mới nhất của Bộ Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi Nhật Bản thì số người đạt tới mức trăm tuổi đã lên tới con số 23.038 người, vượt mức kỷ lục năm ngoái là 20.000 người. Kể từ khi thiết lập thống kê vào năm 1963, số người sống trăm tuổi ở Nhật đã tăng lên 150 lần, trung bình mỗi năm tăng 10%.

Ở Châu Âu, tại Thụy sĩ  vào năm 2000, có 796 cụ vượt bức tường trăm tuổi. Tại nước Anh và xứ Wales, trong năm 2001, có 6000 cụ trên trăm tuổi.

Trăm tuổi đã đủ chưa? Ăn thua chi! Mức sống của con người vừa được các nhà Tương Lai Học định lại là 500 tuổi! Làm sao được? Dễ ợt! Theo nhà Tương Lai Học nổi tiếng Ray Kurzweil và chuyên viên chống tuổi già, Tiến Sĩ Terry Grossman trong cuốn “Fantastic Voyage: Live Long Enough To Live Forever”  thì chỉ trong vòng hai thập niên nữa, khoa học sẽ có thể ngăn chặn được tuổi già. Kết quả là một sự thay đổi toàn diện về mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sức khỏe và tuổi thọ cho đến kinh tế, xã hội và ngay cả quan niệm về tâm linh. Để có được kết quả này, gene của con người sẽ có thể thay đổi được để tránh các bệnh tật, các bộ phận trong cơ thể con người được thay thế và những bộ phận máy móc nhỏ và tinh vi sẽ kiểm soát cơ thể con người để lấn át bệnh tật. Tại sao con người già nua? Các nhà khoa học cho biết là, theo các khảo sát đã thực hiện, thì chỉ có khoảng vài trăm gene trong cơ thể chúng ta thực sự dính líu vào chu trình làm già con người. Nắm được đầu những kẻ nội thù này ra rồi, khoa học sẽ cải tạo lại chúng để kéo dài đời sống. Thí nghiệm sự cải tạo này với những con trùng, người ta đã kéo dài đời sống của chúng được tới 6 lần lâu hơn. Nếu áp dụng được cho con người thì 6 lần có nghĩa là tuổi thọ của chúng ta sẽ là 500 tuổi.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Tiến Sĩ Terry Grossman cho biết là trong tương lai, tuy chưa đến mức sống trường thọ, nhưng con người sẽ dễ dàng sống hàng nhiều trăm tuổi. Mà sống khỏe mạnh hẳn hoi chứ không phải tật bệnh dề dề.

Tới khi con người sống được tới 500 tuổi thì tết của chúng ta ra sao nhỉ? Chúng ta có còn mặc quần áo đẹp rủ nhau đi chợ tết hay sẽ mỗi người một cái máy ngồi ăn tết một mình? Chúng ta sẽ vẫn còn xuýt xoa thưởng thức bánh mứt hay sẽ nhẹ nhàng bỏ một viên thuốc vào miệng để... chống ăn? Chúng ta có còn tụ họp nhau đấu láo bên ly rượu hay mỗi người sẽ thui thủi ngồi nói chuyện với máy? Và lúc đó chúng ta có thời giờ để tặng nhau một nụ cười chăng?

Tết mà thiếu những ăn uống, thiếu những lời chúc, vắng những quây quần, vắng những nụ cười thì Tết có còn là Tết nữa không nhỉ? À mà quên, lúc đó chúng ta còn có Tết hay không?

Thọ như vậy ai ham thì ham, tôi chẳng ham!

01/2005