Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

ĐÊM

 

Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng gương lồng bóng đồ mi chập chùng.
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Cái đêm đó, ai chẳng biết. Nó chập chùng những hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn... Nó là cái mốc của cuộc sống. Nó... đêm dài một đời! Ai đã chồng vợ, đố có quên được cái đêm... không thể quên được đó. Thì ai chẳng biết nó... bóng lồng bóng! Nhưng cái lồng này nó lạ lắm. Chẳng cái nào giống cái nào. Biết là đêm của mỗi người có một dấu ấn riêng, không ai có được cái đêm của người khác, nhưng đêm của người khác, nó ra sao? Muốn biết phải hỏi các ông nhà văn, các bà nhà thơ, họ tài lắm. Họ biết hết, và họ kể ra vanh vách.

Trong Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, cô gái quê Mịch đã bị Nghị Hách đè ra hiếp trên ghế xe hơi riêng trên quãng đường làng khi lằng nhằng đòi mua rơm của Mịch để... nhồi vào bánh xe bị xẹp! Ăn vụng chóng no, bụng Mịch to dần lên, buộc Nghị Hách phải cưới về làm vợ lẽ. Đêm động phòng, Nghị Hách thấy ra một Mịch khác.

“Đoạn lão tần mần lột những cúc áo của Mịch ra. Tự lão, lão cởi cho Mịch cái áo nhung dài, và bỏ vòng hoa, xuyến, hột. Lão ôm xổ lấy Mịch một cái, lại hôn đánh choét một cái. Mịch hãi hùng đẩy mặt lão ra mà rằng:
- Ấy chết! Thế không tế tơ hồng hay sao? [.....]
- Ôi chà! Vẽ! cô dâu về nhà chồng bụng to bằng cái thúng, lại còn vẽ tế với lễ! Mày cũng lắm chuyện lắm.
Nói thế xong, lão lại mân mó vợ lẽ, làm đủ những trò của một người mới cưới vợ, vào buổi tối tân hôn.
Mịch giữ lấy  tay lão mà rằng:
- Ấy chết, tôi đã có chửa đấy!
Lão nghị vênh mặt lên mà rằng:
- Biết! Biết! Không có, thì ông cưới làm thèm vào!
Mịch cũng đã đến lúc nhờn, gắt.
- Ăn nói đến hay thôi!
- Chứ lại gì! Ấy may mà mày lại có mang đấy. Thế là có phúc lắm đấy.
- Thôi đi! Nỡm lắm nữa!
Nghị Hách cười một cách đa dâm mà rằng;
- Ông... ông lại... hiếp cho chuyến nữa bây giờ.
Rồi đứng lên, vươn vai và, sau khi ngáp dài một cái:
- Lạ thật! Hôm hiếp nó thì thế, mà bây giờ nó lấy mình thì thế!
Lão ra ngồi bàn, nhìn mình trong gương một lúc lâu. sau cùng, lại đến ngồi giường, ôm lấy Mịch mà hôn hít một hồi vào khắp mọi chỗ, hai tay cũng thám hiểm khắp mọi chỗ. Trong lúc ấy Mịch nhắm nghiền mắt lại, tưởng tượng nghị Hách là Long...
Nhưng chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên:
- Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!
Thế là nghị Hách, không ân cần được nửa lời, lại tất tả xuống thang. Vài phút sau, tiếng máy xe hơi nổ lên sình sình sình.
Đêm hôm ấy Mịch nằm một mình, nghĩ đến Long, hối hận.”

Cái đêm tân hôn này lãng xẹt! Một đêm tân hôn không ra một đêm tân hôn. Nó khập khiễng đủ thứ. Một đêm tội nghiệp!
Trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, đêm động phòng của Loan và Thân cũng là một đêm tội nghiệp. Một đêm hằn dấu khinh ghét của Loan, một cô gái tân tiến, với người chồng hủ lậu mà nàng bị ép buộc kết duyên. Nàng hiến thân trong khinh bỉ.

“Thân, sau khi đã khóa cửa cẩn thận, tiến đến sau lưng nàng. Hai người lặng yên hơn một phút đồng hồ, không ai dám cất tiếng nói trước.
Bỗng Loan thấy một bàn tay nhẹ để lên vai nàng. Nàng vẫn không quay lại, ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó, hình ảnh Dũng lại hiện ra trong trí tưởng của Loan rõ rệt như trông thấy trước mắt. Các ngôi sao trên trời biến hết, mắt nàng vẫn mở mà không nhìn rõ vật gì, nàng chỉ thấy toàn một màu đen thẫm như mực.
Một lát, nàng thấy cánh tay Thân đỡ nàng và đặt nàng ngồi xuống ghế. Thân lúng túng nói mấy câu rất sẽ, nàng không nghe rõ. Trong lúc nàng ngồi lặng yên cúi mặt, thì Thân ra phía giường loay hoay xếp dọn. Nàng đưa mắt nhìn mới hay rằng Thân đương giải một miếng vải trắng lên trên chiếu. Bỗng nàng hiểu và cảm thấy tất cả cái mọi rợ trong cử chỉ của Thân lúc đó. Nàng mỉm cười khinh bỉ, nghĩ thầm:
- Chỉ có sự trinh tiết của tâm hồn là đáng quí thôi.
Nghĩ vậy rồi nàng đứng dậy, bỏ chiếc khăn quàng xuống bàn và lạnh lùng cởi áo ngoài.”

Những nhân vật tiểu thuyết, họ không giống chúng ta. Hai cảnh động phòng trên là hai màn kịch. Họ bị tác giả bắt vác theo một gánh nặng, làm thành một cá tính riêng, một biểu tượng riêng. Mỗi hành động của họ trong đêm khó quên này cũng chỉ là một cách họ đóng trọn vai trò của họ trong cuốn truyện. Chúng ta không tìm thấy mình trong đó. Đêm tân hôn của chúng ta chỉ mang dấu ấn của chúng ta, một mình mình biết một mình mình hay. Nói theo Hồ Xuân Hương thì... cấm ngoại thủy không ai được biết!

Đêm động phòng của Quang Trung Nguyễn Huệ, hơn hai trăm năm trước, ai mà biết được nó ra sao. Nhưng các nhà văn, họ biết. Đúng hơn, họ cảm được. Họ tài lắm. Họ đi vào từng nhân vật. Họ nghĩ, họ hành động với những nhân vật của họ. Đêm đó, Ngọc Hân trong Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác có tâm trạng ra sao?

“Đôi hài trước mắt Ngọc Hân hơi xoay hướng, như dợm bước về phía cửa phòng. Nhưng sau đó, đôi hài vẫn bất động. Rồi đột nhiên, Ngọc Hân cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai phải mình. Nguyên Súy đặt yên bàn tay lên vai Công chúa một lúc, rồi bóp nhẹ lên cái vai mềm. Bàn tay mơn man ve vuốt khắp bên vai phải, rồi vuốt nhẹ lên chiếc cổ trắng. Công chúa hồi hộp liếc nhìn, trong hoảng hốt chỉ nhận ra được ống tay áo gấm đỏ và một bàn tay gân guốc da ngăm.
Ngọc Hân xúc động đến nghẹn thở, hoang mang, lúng túng chưa biết phải làm gì, nói gì. Đúng lúc đó, bất ngờ Nguyên Súy quì chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của Công chúa. Ngọc Hân không ngờ Nguyên Súy làm như vậy, đôi tay chới với không biết phải làm gì, phải đặt vào đâu. Mái tóc dày và quăn phủ lên vạt áo lụa của Công chúa. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến Công chúa đưa tay ôm lấy vai Nguyên Súy.
Nguyễn Huệ ngửng lên vui mừng, và lần đầu tiên, Công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn cả Bắc hà.
Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của Công chúa, miệng mỉm cười gượng gạo như cách cười một kẻ phạm tội, nói nho nhỏ:
- Công chúa còn nhỏ quá, và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết Công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép bất cứ ai, dù là quỉ thần, được làm cho Công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm.”

Nguyễn Huệ, viên tướng đánh nam dẹp bắc lừng lẫy đó, trước khi bước chân vào phòng hợp cẩn, là một Nguyễn Huệ không yên tâm. Ông nói những lời vô nghĩa với thuộc hạ chung quanh, chậm chạp bước những bước ngắn trên hành lang, lòng nặng trĩu những ngần ngại khi sắp phải giáp mặt với một nàng Công chúa cành vàng lá ngọc. Viên tướng gốc nông dân tự cảm thấy mình như một kẻ mộc mạc, quê mùa, sần sượng.

“Nguyễn Huệ bước vào phòng. Trước mắt ông, rõ ràng hiển hiện hình ảnh một đứa trẻ lạc loài. Một nàng tiên nhỏ lỡ mê cảnh tục lụy lạc lại cõi thống khổ! Đôi vai nhỏ ấy, dáng ngồi thu mình để sẵn sàng chịu đựng tất cả bất trắc ấy, khuôn mặt non nớt sượng sùng cúi xuống và đôi tay chới với tìm bấu vào chéo áo, nhất là chiếc cổ cao và trắng nuốt yếu đuối, bao nhiêu hình ảnh cam chịu giữa cảnh màn trướng lộng lẫy khiến Nguyễn Huệ bối rối chùn bước. Lạ lùng thay, ông cảm thấy bất nhẫn. Yếu đuối. Hổ thẹn nữa. Ông nghĩ nếu mình làm bất cứ điều gì, dù là đưa chân bước tới hay phát một cử động nhỏ cũng phạm cái tội tày trời là phá phách sự toàn mỹ của trời đất. Những gì xảy ra sau đó, ông chỉ ý thức  được có một phần rất nhỏ. Đôi vai yếu, chiếc cổ trắng của Công chúa thu hút, lôi cuốn ông. Khi đặt tay lên vai Công chúa, ông cảm thấy lần vải mịn mơn man mấy ngón tay, và một thứ ấm áp dịu dàng truyền qua bàn tay lan man khắp người ông. Bàn tay đưa lên vuốt ve cổ Công chúa nhè nhẹ. Ông sợ mấy vết chai trong lòng bàn tay làm sước làn da non nớt trinh bạch đó, nhưng đồng thời, có một thúc giục ma quái xui ông nắm chặt lấy chiếc cổ ấy. Ông hoang mang, sợ hãi. Máu chảy rần rật trong người ông. Cho nên khi quì xuống gục mặt vào đầu gối công chúa, ông làm đúng cử chỉ của một kẻ sám hối.
Làm sao Ngọc Hân có thể hiểu được ý nghĩa những điều bất thường ấy nơi một viên tướng từng xô ngã cả hai triều đình ở phương Nam và phương Bắc, và sẽ còn đảo lộn trật tự của một đất nước ổn định, dù là ổn định vá víu, suốt mấy trăm năm.”

Nhà văn Trần Vũ không mặn với Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác. Ông cho Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác lành quá, lụy quá. Trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai trong Văn Học số 221, tháng 9/2004, Trần Vũ vạch rõ: “Ngay khi gấp sách, tôi quyết định viết một truyện ngắn phác họa lại Nguyễn Huệ, đúng theo suy nghĩ của mình. Hoàng Đế Quang Trung trong tâm trí tôi phải mang hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa trường chinh, bách chiến bách thắng và có chất... thổ phỉ! Phần khác, tôi không tin Lê Ngọc Hân có thể yêu Nguyễn Huệ ngay phút đầu tiên, dễ dàng và say đắm. Khác biệt giai cấp, văn hóa, tâm lý quá lớn. Chưa nói tới thù cha, thù nhà, nợ nước, khiến Ngọc Hân khó mà... vô tư. Sau 75, các tiểu thư Saigon trong một thời gian dài đã không vô tư, trừ phi làm Vương Thúy Kiều liều mình chuộc cha đi học tập, đa số đã từ chối các “anh hùng quân đội nhân dân”. Tôi muốn thể hiện lại điều đó, sự chối từ áo vải cờ đào của những thiếu nữ kinh kỳ sinh sống nơi kinh đô bị chiếm đóng.”

Trong truyện ngắn đó, truyện Mùa Mưa Gai Sắc, Nguyễn Huệ động phòng với một phong cách khác, phong cách của một con mãnh thú chiếm đoạt một con mồi chưa bị khuất phục.

“Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc. Bằng hành động của con mãnh thú, Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh dẻ tưởng như giải lụa bạch đang oằn mình chịu đòn. Huệ quất như thúc voi, thúc ngựa, tiếng roi đáng chát chúa toé lửa vun vút cuồng nộ. Rồi không kềm chế được, như Nguyễn Nhạc ngày xưa mất tự chủ trước da thịt mời gọi của Phú Xuân, Huệ đè ngửa lên biểu tượng trinh trắng của Thăng Long. Những bắp cơ Huệ còn nhớp nháp mồ hôi quấn lấy mình Ngọc Hân đang nghiến chặt răng chịu đựng. Huệ vục gáy xuống ngực Ngọc Hân cắn như xé thịt. Dáng đè của Huệ, hai đùi chống xuống giường, mình trần phủ lên người Ngọc Hân y như dáng hổ đang ngoạm hoẵng. Đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn được, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết. Đao phủ Tây Sơn xử trảm bằng cách chém ngửa nghịch nhân, mã tấu phập xuống tiếng thét của tội đồ bị đứt ngang ở cuống họng chỉ phát ra được tiếng nấc khô. Tiếng nấc khô của Ngọc Hân lúc nãy.
Mùi mỡ trong đèn chai cháy èo uột ngọn lửa lúc tối lúc sáng, căn phòng của Trịnh Cán đóng xong vai trò lịch sử rơi chìm vào giấc ngủ đẫm mùi rượu đế của Huệ. Cơn dông chùng xuống sau gần suốt đêm quất qua lầu Tử Các. Những hột mưa gai sắc như muốn trổ mái bắn xuống mình Ngọc Hân ẩm ướt, tủi hổ.”

Cùng một đêm động phòng của Nguyễn Huệ, hai nhà văn tả theo hai phong cách khác nhau. Nguyễn Huệ nào mới chính là Nguyễn Huệ? Chẳng có Nguyễn Huệ nào đơn độc chỉ là Nguyễn Huệ. Chỉ có Nguyễn Huệ-Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Huệ-Trần Vũ. Nguyễn Huệ chỉ là một nhân vật, mà một nhân vật thì nhà văn mặc tình nhồi nặn. Chúng giả đấy mà như thật. Cái tài của nhà văn nằm trong cái mà người ta gọi là hư cấu. Nhân vật là hình nộm mà nhà văn muốn giật dây theo tưởng tượng của mình như thế nào cũng được.
Tối Tân Hôn của Vũ Hoàng Chương có thật không?

Gió bỗng đổi chiều trên táp xuống
Nặng chĩu hai vai nàng cố gượng
Thắt vòng tay ghì riết lưng ta
Những luồng run chạy khắp thịt da ngà
Run vì sợ hay vì ngây ngất
Ta chẳng biết, nhưng rời tay chóng mặt
Toàn thân lạnh ngắt
Thuyền chìm sâu sâu mãi bể Hư Vô
Mà hương ngát đâu đây còn phảng phất
Mà bên tai đàn sáo vẫn mơ hồ.

Ngửa trông lên cung Quế tít mù xa
Dần dần khuất
Dưới chân ta
Thuyền mây sóng lật.
Không gian vừa sụp đổ chung quanh
Một trời đêm xiêu rụng tan tành.
Dư hưởng yếu từng giây
Dư hương dần loãng nhạt
Trong tay níu, đôi thân liền sát
Nhè nhẹ rơi vào lớp sóng khinh thanh.
Sao lìa ngôi phương hướng ngã bên mình
Cơn lốc nổi
Đờn tiên thôi gọi
Âm thầm xa bặt tiếng tiêu
Những mê man say uống miệng người yêu
Ta cũng như nàng
Cảnh mộng chốn bồng lai đâu nhớ tới.

Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.

Năm học Đệ Nhị ban Văn Chương tại trường Chu Văn An Saigon, giáo sư Việt văn của tôi là thi hào Vũ Hoàng Chương. Trong chương trình văn chương Việt Nam năm đó có phần Thơ Mới. Chúng tôi được chính Vũ Hoàng Chương dạy thơ Vũ Hoàng Chương. Bữa giảng tới bài Tối Tân Hôn, thầy Chương say sưa đọc, nói về hoàn cảnh sáng tác, tâm trạng của thi sĩ khi sáng tác bài thơ này. Và, bất ngờ, Thầy Chương đã nói thật. “Khi làm bài thơ này, tác giả chưa hề biết đàn bà!”

Thế là thế nào?

11/2004