Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

BẦU

Cuối tháng 3, chính phủ Liên Bang Canada của Thủ Tướng Stephen Harper đổ. Tôi bỗng dưng nhớ tới cái tranh khôi hài được coi từ thuở nhỏ trên một tờ báo nào đó, không nhớ ở Hà Nội hay  Sài Gòn. Tranh vẽ hai bác nhà quê, một bác thông báo cho bác kia: “Này bác, chính phủ vừa đổ rồi”. Bác nhà quê thứ hai hỏi liền: “Có ai bị đè chết không?”

Kỳ đổ nhào của chính phủ thiểu số của đảng Bảo Thủ lần này không có ai chết nhưng có rất nhiều chiếc ghế bỗng nhiên gẫy chân. Kết quả của cuộc bầu cử như một cơn địa chấn tsunami, tuy không lớn bằng trận động đất ở Nhật Bản nhưng cũng thổi bay lung tung rất nhiều giấc mộng. Trung tâm động đất nằm ở hai tỉnh bang Ontario và Quebec. Ontario từ trước tới nay là đất của đảng Tự Do Liberal. Kết quả các cuộc bầu cử trước đây để lại một vùng đỏ thắm, màu của đảng Liberal. Lần này màu đỏ đổi thành màu xanh lè của đảng Bảo Thủ Conservative. Đảng Tự Do tại tỉnh bang này đang giữ 38 ghế tụt xuống còn 11 đảng viên đắc cử. Đảng Bảo Thủ đang từ 51 ghế nhảy lên 73 ghế. Đảng Trưởng đảng Tự Do Michael Ignatieff cũng lăn quay mất ghế luôn! Ngày hôm sau chàng tuyên bố từ chức đảng trưởng.

Cơn bão ở tỉnh bang Quebec chúng tôi còn phũ phàng hơn. Đây là nơi xưng hùng xưng bá của Khối Bloc Quebecois từ ngày Khối này được thành lập 20 năm trước đây. Bloc Quebecois chủ trương tách vùng Quebec nói tiếng Pháp ra khỏi Canada để trở thành một quốc gia độc lập. Họ đã suýt thành công trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1995. Dân ta ngụ cư ở Quebec rất phiền phức vì sự nhì nhằng này. Trào lưu của thế giới ngày nay là hợp lại mà cứ đòi xé nhỏ ra, làm chi mà ăn! Nhất là những anh dân Quebec gốc Pháp chính cống có tiếng là nhác nhớm. Các nhóm di dân khác chắc cũng nghĩ vậy nên trong cuộc trưng cầu dân ý tách rời khỏi Canada năm đó, mọi di dân đều hè nhau đi bỏ phiếu thật đông. Kết quả phe chủ trương chống tách rời chỉ thắng vỏn vẹn bằng  1 % phiếu. Suýt chết! Lãnh tụ phe ly khai năm đó là Jacques Parizeau đã tức giận qui tội cho di dân ngay khi kết quả được công bố. Lời buộc tội đó là một sỉ nhục trong lịch sử chính trị của tỉnh bang. Năm nay tới lượt anh Bloc Quebecois chết thật. Đang từ 48 ghế trong Hạ viện, Khối Quebecois bị tan nát chỉ còn 4 ghế! Ngay anh đảng trưởng Gilles Duceppe cũng bị dân chúng cho ra rìa. Ngồi coi ti-vi quay cảnh chàng Duceppe xuất đầu lộ diện khi vừa có kết quả, mọi người thấy sự khốn khó của người bị ném đá. Một rừng máy quay phim và máy hình của các phóng viên chĩa vào cửa chiếc xe buýt của Khối. Chiếc cửa đã mở. Chờ mãi chả thấy bóng dáng chàng Duceppe đâu. Tôi ngồi trước màn hình trong chiếc ghế êm ái không bị lạnh giá như dàn phóng viên đứng chờ bên cửa xe buýt ở ngoài trời mà cũng thấy sốt ruột. Không biết bao nhiêu phút trôi qua, tôi sơ ý không rình đồng hồ. Cuối cùng Duceppe cũng xuất hiện. Mặt rõ ràng còn vết nước mắt, chân đi không vững, cười không nổi, miệng như mếu. Chàng Duceppe loạng quạng cố tự trấn tĩnh bằng cách ôm hôn bà vợ đi bên cạnh nhiều lần! Trong bài nói vắn tắt trước những người ủng hộ, không đẫm nước mắt trên mặt thì cũng héo hắt như nhà vừa có tang, Duceppe tuyên bố từ chức ngay tức thì. Mạng sống chính trị của ông bị ám sát bằng một viên đạn súng cối!

Người đao phủ giết chết tươi mạng sống chính trị của đảng trưởng Gilles Duceppe với số phiếu trội hơn tới 5 ngàn phiếu là bà Hélène Laverdière của Đảng Tân Dân Chủ New Democratic Party, viết tắt là NDP. Bà có bằng Tiến Sĩ tại Đại Học Bath ở Anh và đang dạy tại Đại Học Laval ở thành phố Québec. Bà là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp phục vụ tại Bộ Ngoại Giao Canada từ năm 1992 và đã làm việc tại các nhiệm sở ở Hoa Kỳ, Dakar, Sénégal và Chile trong 15 năm. Bà từ giã ngành ngoại giao vì không đồng ý với chính sách ngoại giao của chính phủ Harper.

Cùng với…đại tang của đảng Bloc Quebecois là tiểu tang của đảng Tự Do. Tại Quebec, đảng này đang từ 15 ghế dành được trong kỳ bầu cử kỳ trước vào năm 2008 tụt xuống còn vỏn vẹn 7 ghế. Đảng Bảo Thủ của Thủ Tướng Harper cũng không thoát khỏi bàn tay phẫn nộ của dân Còi (Còi là tiếng lóng của dân Việt đặt cho dân Quebecois). Đang từ 10 ghế tụt xuống còn 6 ghế. Họa của người này là phúc của người khác, đó là hai mặt của đồng tiền thơm như múi mít của một dân biểu. Người hưởng phúc là ông Jack Layton, đảng trưởng đảng New Democratic Party. Phúc rơi xuống tối tăm mặt mũi đến chính đương sự cũng ngây người ra mà…hốt. Ông là người vui tính, có khuôn mặt nhìn rất bắt mắt, có bà vợ người Hoa cũng là một dân biểu, tuy tay chống gậy vì hậu quả của lần điều trị ung thư tuyến tiền liệt, nhưng vẫn rất tươi khi tranh cử. Đảng NDP của ông từ trước tới nay chưa bao giờ vừa lòng dân chúng Quebec nên đảng của ông chỉ khiêm nhượng chiếm có mỗi một ghế trong kỳ bầu cử trước. Ghế này do ông Thomas Mulcair đoạt được. Ông Mulcair đắc cử chẳng phải vì cái oai của ông đảng trưởng mà vì ông này vốn là một khuôn mặt sáng giá của đảng Tự Do trước kia nhảy dù sang đảng NDP. Từ vẻn vẹn một ghế kỳ bầu cử trước, kỳ này đảng NDP dành được tất cả các ghế mà cử tri Quebec lấy của ba đảng kia tặng cho đảng NDP nâng tổng số ghế của đảng NDP tại Quebec lên tới 58 ghế! Món quà hậu hĩnh này không ai tiên đoán trước được kể cả các hãng thăm dò danh tiếng.

Làm sao mà tiên đoán được khi đảng NDP của ông Jack Layton không có đủ người để dàn trải ra tất cả các đơn vị bầu cử. Ông phải vơ bèo gạt tép đưa ra những ứng cử viên dưới cơ chưa từng có trong lịch sử bầu cử tại Canada. Tất cả đều dựa vào ông Mulcair, đại diện của đảng NDP tại Quebec. Ông này đã phải để đại tên các tình nguyện viên giúp ông tranh cử làm ứng cử viên tại các vùng xa xôi mà chính các ứng cử viên cũng chưa biết nó ở đâu. Ngay ông Mulcair cũng biết mình chỉ đưa họ ra làm trái độn chứ không có một tí hy vọng đắc cử nào. Ngay chính các ứng cử viên…tài tử này cũng nghĩ vậy. Vậy mà kết quả bầu cử không phải vậy. Họ trúng cử trở thành dân biểu liên bang tại Ottawa với tất cả các quyền lợi mà có nằm mơ họ cũng không dám nghĩ đến!

Như cô Ruth Ellen Brosseau, bà mẹ độc thân có một con, hiện làm phụ tá quản lý một quán ăn trong khuôn viên trường Đại Học Carleton ở Ottawa. Cô có theo học trường St Lawrence College ở Kingston, hiện cư ngụ tại Gatineau, cách xa địa phương cô ứng cử là Trois Rivières khoảng 3 tiếng lái xe. Cô nói tiếng Anh trong khi dân vùng Ba Ngòi ( dịch cái tên Trois Rivières một cách rất Việt Nam của mấy ông bạn tôi định cư tại vùng này) đều nói tiếng Pháp. Cô cũng cố gắng nói tiếng Pháp trong một cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh địa phương nhưng chương trình phỏng vấn này không được phát sóng vì không ai có thể hiểu được thứ tiếng Pháp thảm hại của cô! Nhưng điều mà báo chí thấy lạ lùng nhất nơi cô ứng cử viên tréo cằng ngỗng này là trong thời gian chót của cuộc vận động tranh cử, đúng lúc dầu sôi lửa bỏng của các ứng cử viên muốn câu phiếu, thì cô thản nhiên đi chơi Las Vegas! Vậy mà cô đã dành được 39,6% phiếu đánh bại ứng cử viên Guy André của Bloc Quebecois, viết tắt là BQ.

Dàn ứng cử viên bất đắc dĩ của ông Thomas Mulcair gồm một số sinh viên đang theo học tại Đại Học McGill ở Montreal. Thế mà có tới 5 tay mơ này đắc cử! Cô Mylène Freeman, mới có 22 tuổi,  đang theo học năm chót về chính trị, ứng cử khu vực Argenteuil - Papineau – Mirabel. Cô chẳng bao giờ đặt chân tới khu vực này trong suốt thời kỳ vận động bỏ phiếu. Cô còn bận lo vận động cho ông Mulcair ở khu vực Outremont! Không ai ngạc nhiên hơn chính cô khi cô đắc cử với 8 ngàn phiếu hơn ứng cử viên của khối BQ Mario Laframboise. Cô là một trong số bốn ứng cử viên không thèm vận động tại khu mình ứng cử mà vận động cho ông sếp Mulcair tại khu vực ứng cử của ông ta. Khi hay tin mình trúng cử, cô bé 22 tuổi này la lên: “Thật là siêu thực!”.

Cô Lauren Liu cũng ngạc nhiên không kém về số phiếu cử tri dồn cho cô. Ngày đầu phiếu, khi cô bé 20 tuổi, sanh quán ở Calgary này đang làm việc cho ông Mulcair ở Outremont thì nhận được text  của một người bạn báo cho biết cô đang dẫn đầu tại đơn vị ứng cử Rivière-des-Mille-Iles. Cuối dòng nhắn text là một lô dấu chấm than đầy ngạc nhiên! Cô này tốt nghiệp trường tư thục nổi tiếng ở Montréal Jean-de-Brébeuf và Royal West Academy trước khi theo học tại Đại Học McGill. Hiện cô mới ở năm thứ hai của môn nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, cô Liu còn thông thạo tiếng Quảng Đông và là trưởng đài phát thanh của trường. Cô nhỏ người gốc Hoa không có xe, thậm chí chưa có bằng lái xe, cũng chẳng biết làm sao đi từ nhà ở Mile End tới đơn vị ứng cử của cô.

Già nhất trong ngũ…dân biểu từ trường McGill là Jamie Nicholls, 39 tuổi. Chàng đã từng theo học tại Vancouver, Nam Hàn và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ghi danh vào ban Tiến sĩ, ngành kiến trúc, tại McGill. Chàng sinh viên liên quốc gia này chính quán tại St.Lazare nhưng ứng cử tại Vaudreuil – Soulanges. Chàng cũng làm việc cho ông Mulcair và thỉnh thoảng tạt về đơn vị ứng cử bằng…xe đạp!

Trẻ nhất trong các tân dân biểu thuộc đảng NDP là Pierre-Luc Dusseault, một sinh viên của trường Đại Học Sherbrooke, mới 19 cái xuân xanh! Anh trúng cử ngay tại đơn vị Sherbrooke và trở thành dân biểu trẻ nhất trong lịch sử quốc hội Canada!

Tất cả các sinh viên hầu như không có lợi tức này coi như trúng số vì sẽ lãnh số lương 157 ngàn đô một năm với các phụ cấp và chi phí để điều hành văn phòng riêng. Dĩ nhiên họ có xe hơi. Anh chàng Jamie Nicholls chắc sẽ nhớ cái xe đạp dữ. Cô nàng gốc Hoa Laurin Liu chắc cũng lưu luyến chiếc xe buýt công cộng của thành phố Montreal phải biết!

Tranh cử kiểu…xe đạp như vậy có tốn kém lắm không? Cũng tốn kém chứ. Ít nhất cũng phải chi tiền ra in poster để cười trên đường phố cho có với người ta. Tiền in poster hết bao nhiêu, cái đó còn tùy số poster được in. Dĩ nhiên các nhà làm chính trị không bao giờ tiết lộ số in của họ. Theo suy đoán của báo chí thì mỗi ứng cử viên in khoảng từ 200 tới 1000 tùy theo địa bàn tranh cử và tùy…túi tiền. Poster có ba loại. Loại kích cỡ nhỏ 60 phân x 1 thước 20 giá mỗi cái từ 3 đô đến 4 đô. Hai đảng Tự Do và NDP thường dùng loại này. Loại trung bình do Khối Quebecois dùng có kích cỡ 90 phân x 1 thước 20, giá từ 7 đến 12 đồng. Loại lớn hình vuông mỗi chiều dài 1 thước 20 do đảng Bảo Thủ dùng có giá từ 17 đô đến 18 đô. Các cô cậu sinh viên ứng cử một cách ỡm ờ của đảng NDP này chắc thuộc vào hạng…tối thiểu. Giả thử in 200 poster với giá 3 đô thì chỉ tốn có 600 đô. Phải kể thêm tiền dọn dẹp các poster sau ngày bầu cử. Dù đắc cử hay không, các ứng cử viên cũng phải dọn sạch các poster của mình cho đường phố được quang đãng. Họ có thời hạn 15 ngày kể từ sau ngày bầu cử để dọn…rác . Nếu không dọn sẽ bị phạt. Tiền dọn bao nhiêu, tôi không biết nhưng chắc cũng không nhiều. Rẻ như vậy thì tôi ứng cử cũng được! Tiếc là tôi không gặp ông Jack Layton chứ nếu gặp thì chắc tới 99 % là Quebec sẽ có thêm một dân biểu gốc Việt…già nữa bên cạnh hai dân biểu gốc Việt trẻ vừa đắc cử.

Hai cô cậu này đã…ăn theo làn sóng màu cam của đảng NDP. Đó là cô Anne Quách Minh Thu và cậu Hoàng Mai. Cô dân biểu trẻ họ Quách sanh năm 1982 tại Valleyfield và cư ngụ tại đó tới nay. Cô gái Việt tỉnh lẻ này trông rất duyên dáng. Tôi coi hình thấy cô có thể đi thi hoa hậu được. Vậy mà cô lại nhào vào chính trị, ra ứng cử tại đơn vị Beauharnois-Salaberry. Chắc cũng là loại ứng cử viên điền vào chỗ trống! Trưng hình mình lên các poster trên đường phố cho vui vậy thôi. Ai ngờ, cơn bão màu da cam, màu của đảng NDP, đã thổi tới Québec với tốc độ kinh hồn làm đảo lộn cuộc cờ khiến cô được đẩy vào tòa nhà quyền lực ở Ottawa. Mới 29 tuổi, được coi là trẻ, nhưng cô Minh Thu đã tốt nghiệp Đại Học Sherbrooke, ngành giáo dục, từ năm 2005 lận. Cô hiện là cô giáo dậy Pháp ngữ tại trường La Baie-St-Francois. Cô là cô gái Việt còn nói được thông thạo tiếng Việt mặc dù sinh trưởng tại Quebec. Tiếng Pháp, tiếng Anh thì khỏi phải bàn tới!

Anh Mai Hoàng thì ứng cử thiệt thọ chứ không phải là chỉ muốn trưng hình trên đường phố. Anh đã ra ứng cử lần trước, vào năm 2008, tại vùng Brossard-La Prairie rồi. Năm đó anh về thứ tư. Năm nay anh lại ứng cử tiếp cũng tại vùng đông dân Việt này. Anh sinh năm 1973 tại Brossard, năm nay 38 tuổi. Anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Thời Báo là anh vẫn còn độc thân. Vui tính hay không, tôi nghĩ là có vì trong hình trông anh rất vui vẻ, dễ gây được cảm tình. Con của một bà Chưởng Khế kỳ cựu, du học tại Quebec từ năm 1967, anh cũng theo con đường của mẹ. Anh tốt nghiệp ngành Luật, làm chưởng khế tại Brossard trước khi đậu bằng Tiến Sĩ về luật quốc tế. Sau đó anh du học ở La Haye, Hòa Lan để hoàn thiện ngành học. Anh đã từng làm việc tại Việt Nam, Tân Gia Ba và Hong Kong. Anh trở về Canada vào năm 2001 và từ năm 2002, tiếp tục hành nghề chưởng khế tại địa phương. Anh là một khuôn mặt thể thao trong vùng anh ứng cử. Chơi hockey thường xuyên, huấn luyện viên bóng tròn cho thiếu nhi trong vùng, dạy môn lặn dưới biển, huấn luyện môn ski trong đội Okpik Brossard trong nhiều năm. Anh là một đảng viên nhiệt thành của đảng NDP, một đảng thiên về xã hội mà anh rất tâm đắc. “Điểm chính yếu mà tôi chọn đảng Tân Dân Chủ vì đảng này có những giá trị đấu tranh nhân bản cao. Không giống như những đảng khác, khuynh hướng của đảng Tân Dân Chủ chủ trương bênh vực công bình xã hội và chú trọng về những quyền lợi của các gia đình nhằm giúp đỡ những người có thu nhập thấp. Đảng này coi trọng việc nâng cao quỹ hưu trí và giúp các gia đình được hưởng chương trình y tế một cách dễ dàng”. Vậy là đồng hương Mai Hoàng của chúng ta ứng cử một cách nghiêm túc chứ không phải ứng cử cho có tên. Kết quả bầu cử mang một số khuôn mặt trẻ của đảng NDP vào quốc hội khiến nhiều người lo ngại họ không có kinh nghiệm chính trường. Anh Mai Hoàng nhìn sự việc này một cách khác: “Tôi nghĩ đó là một điểm thuận lợi khi quốc hội có những thành viên không có lối suy nghĩ giống những người khác về cách chính trị phải như thế nào”. Với làn sóng người trẻ và mới được bầu vào quốc hội, không ít người nghĩ đây là một lối…dằn mặt của cử tri với những đảng phái kỳ cựu không được lòng dân chúng. Anh Mai Hoàng giải thích cách khác: “Dân muốn có sự thay đổi, muốn có cái gì mới. Quebec đã sẵn sàng cho những người có viễn kiến là Ottawa phải hành động như thế nào”.

Dù sao đi nữa, cộng đồng người Việt tại tỉnh bang Quebec chúng tôi cũng có được hai đại diện tại quốc hội Ottawa. Diều tôi muốn nhấn mạnh là chỉ có Quebec chúng tôi mới cung cấp được các dân biểu quốc hội Canada. Các tỉnh bang khác, tuy có người gốc Việt ứng cử nhưng chưa bao giờ có người đắc cử! Tại Quebec, kỳ bầu cử trước cũng đã có một dân biểu gốc Việt: bà Ève-Mary Thái Thị Lạc. Bà Lạc, người Kinh lai Chàm, sanh năm 1972 tại Qui Nhơn, Việt Nam và được một gia đình người Quebec nhận làm con nuôi từ lúc 2 tuổi. Gia đình bố mẹ nuôi có trang trại nuôi heo tại vùng Saint Hyacinthe, cách Montreal 50 cây số, nên bà rất thông thạo việc đồng áng và chăn nuôi. Tuy vậy bà cũng đã tốt nghiệp Đại Học chuyên ngành tội phạm học. Bà thuộc Khối Bloc Quebecois vàđắc cử dân biểu liên bang vào năm 2007. Khối Quebecois chủ trương tách rời Quebec ra khỏi Canada. Dĩ nhiên phần lớn dân gốc Việt, cũng như các di dân gốc khác,  không ưa Khối này. Bà là dân biểu trong khoảng 4 năm nên chưa được lãnh tiền hưu. Theo quy định thì phải ngồi tại quốc hội đủ 6 năm mới có tiền hưu trí. Bà sẽ được một khoản tiền thôi việc là 80 ngàn đô, tương đương với nửa năm lương.

Mất một dân biểu gốc Việt thuộc Khối Quebecois, không nói tiếng Việt, nhưng được thêm hai dân biểu gốc Việt thuộc đảng NDP, tiếng Việt thông thạo mặc dù cả hai đều được sanh ở Quebec này, cộng đồng chúng ta lời thấy rõ. Chuyện còn lại là hai người trẻ này sẽ làm được gì cho dân gốc Mít chúng ta?

05/2011