Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

ĐÌNH

Mấy ngày nay tôi có một job mới: rình các ông bà cô cậu dân biểu của Hạ Viện Canada. Coi mấy ông bà vừa già vừa trẻ này cãi lộn nhau trong căn phòng tối tăm bí rị thì chán chết. Chẳng thà coi màn chửi mất gà của bà già nhà quê đất Việt còn thú vị hơn. Được cái là quốc hội bây giờ vừa được đổi mới, thêm nhiều khuôn mặt trẻ sau kỳ bầu cử vào tháng 5 vừa qua nên cũng đỡ buồn. Không phải vì bây giờ tôi huởn nên có thời giờ làm cái công việc chán hơn cơm nếp nát này mà vì các ông bà này đang bàn tới một công việc thiết thân của tôi: cuộc đình công của Bưu điện Canada.

Chuyện chắc mọi người đã biết trừ những người ở các nước khác không dính dự chi tới bưu điện xứ này. Số là hai bên chủ và công nhân bưu điện đã thương thuyết hợp đồng mới từ bảy, tám tháng nay nhưng không có kết quả. Bên công nhân tức khí đình công từ đầu tháng 6 để làm áp lực cho cuộc thương thuyết. Họ cũng không dám làm mạnh sợ ảnh hưởng tới cuộc sống của dân chúng nên chỉ đình công luân phiên. Mỗi ngày một chỗ thôi. Khi  thì Montreal, khi thì Ottawa, khi thì Toronto. Luân phiên mỗi nơi một ngày như vậy thì không xáo trộn lắm. Trễ thư một ngày có chết ai đâu! Nhưng sự bất ổn của cuộc đình công luân phiên này thì phải tính tới. Ai cũng sợ bất thần sẽ biến thành cuộc đình công toàn diện nên e dè không gửi thư nữa, nhất là các cơ sở làm ăn. Chậm một ngày là thương vụ bị thương tích liền. Họ xoay qua các cách khác: hoặc dụ khách hàng xài internet, hoặc nhờ các hãng đưa thư tư nhân đảm trách dùm. Số lượng thư gửi qua bưu điện tụt xuống. Bưu điện than mất cả trăm triệu. Vậy là Bưu điện phải tính sau khi cuộc đình công luân phiên đã diễn ra được 12 ngày. Họ đóng cửa luôn không cho công nhân tới làm việc nữa kể từ ngày 14 tháng 6 vừa qua, tiếng Anh gọi là lockout. Làm vậy họ có cái lợi là không phải trả lương những người đình công. Luơng của 50 ngàn nhân viên chứ ít chi! Tôi không có con số tiền lương của 50 ngàn người này trong một ngày nhưng một trong những điều khoản tranh chấp giữa hai bên là lương khởi đầu của nhân viên mới. Hiện nay lương bắt đầu này là 17 đô một giờ, công nhân đòi tăng lên 23 đô một giờ. Làm cái tính thì biết mỗi ngày lockout Bưu điện tiết kiệm được biết bao nhiêu đô. Trong khi đó lương tối thiểu của công nhân do nhà nước qui định, tùy theo từng tỉnh bang, xê xích trong khoảng 10 đô một giờ. Như vậy là mấy ông bà đưa thư có số lương gấp đôi lương tối thiểu!

Chuyện lương tiền là chuyện của Bưu điện, kệ họ. Nhưng bị…thương vì vụ đình công và lockout này là ông Trà Lũ. Từ Toronto, ông bạn văn này a-lô sang tôi than van. Sách vừa mới ra, chưa kịp gửi thư thông báo cho các độc giả mua sách qua bưu điện thì các ông ấy dỗi không chịu đưa thư nữa có…chít ngộ không! Ông bạn tôi lên chức cụ từ lâu mà vẫn còn sung lắm. Ông in liền một lúc hai cuốn sách. Cuốn “Đất Thiên Đàng” và cuốn “400 Chuyện Cười”. Đây là cuốn thứ 13 và 14 trong bộ sách vừa “cười” vừa…đất của ông ấy. Thường thì khi ra sách, ngoài việc bán sách khi ra mắt sách, còn bán cho các độc giả đặt mua qua bưu điện. Số này mới nhiều. Bây chừ, thư giới thiệu chưa gửi đi, cheque đặt mua sách chưa nhận được, sách để lâu chắc mốc thếch hết. Có mà cạp…đất!

Ông Bưu điện, cả chủ lẫn công nhân, chơi cú này hơi nặng với bạn tôi. Và cả với tôi nữa. Khi tôi viết bài này thì bên cạnh tôi vẫn còn ba gói sách đang  chờ được gửi đi tứ phương. Một gói sang Mỹ, một gói đi Toronto và một gói đi Úc. Gói đi Úc tiền cước rất mắc, không thể gửi bằng máy bay được mà phải gửi bằng đường thủy, hành trình mất khoảng hai tháng. Thường ra đã hai tháng, bi chừ mấy ổng chơi ác, ngồi khoanh tay không chịu nhúc nhích thì tới…tết chắc bên Úc mới có sách! Đâu đã hết cơ cực, còn bị mắng vốn nữa. Các độc giả đã gửi thư đặt mua sách nhưng thư còn nằm đâu đó trong kho của bưu điện nên tôi chưa nhận được. Mà có nhận được thì cũng huề! Làm sao mà gửi. Vậy là cái phôn cứ réo ầm lên với những lời thở than, của cả bên này lẫn bên kia đầu phôn. Chỉ muốn mang mấy ông nhà giây thép ra mà…đốt!

Có độc giả hỏi sao không nghỉ chơi ông Bưu điện để qua bên UPS hay Purolator chẳng hạn. Có đình công đình kiếc chi ở những nơi tư nhân đó đâu. Biết vậy nhưng mấy ông tư nhân này tính tiền cước hơi nặng tay. Sách không thể để các ông ấy cõng được. Có mà…bán nhà!

Nhưng kể ra ông Bưu điện ngày nay không oai bằng ông Bưu điện ngày xưa. Ngày xưa thư từ phải qua tay ông ấy hết. Ngày nay internet đã làm quê ông bưu điện nhiều. Cứ vào computer mà gõ, tha hồ trao đổi tin tức, chẳng phải thư từ lôi thôi, lại nhanh chóng, nhấp nháy một cái là có thể nhận tin nhau được, lại free chẳng tiền bạc chi. Chắc mọi người cũng như tôi, đã  bỏ mất thói quen gửi thư, may lắm thì tới dịp Giáng Sinh , Tết hoặc sinh nhật, thi đậu, sanh con hoặc các dịp đặc biệt cần gửi card mới làm phiền tới ông Bưu điện. Bưu điện ngày xưa được gọi là “nhà giây thép”, không biết còn bao nhiêu người nhớ được cái tên cổ lỗ sĩ này. Nhớ những ngày xưa đó, khi cần báo những tin khẩn cấp, chúng ta ra bưu điện đánh giây thép. Chắc các bạn trẻ ngày nay chẳng có thể tưởng tượng được cái…giây thép nó ra làm sao. Người gửi sẽ nhận được một mẫu giấy, điền vào những chữ muốn đánh, đưa cho bác thư ký nhà giây thép. Bác này sẽ đếm từng chữ để tính tiền. Cần phải nhấn mạnh: tiền tính từng chữ. Chữ lại không có dấu nên phải lựa chữ sao cho người nhận hiểu được mình muốn nhắn nhủ chi. Nhiều khi muốn cho chữ rõ nghĩa phải dài dòng thêm chữ, tốn tiền thêm. Thường thì chỉ một ngày giây thép sẽ tới tay người nhận ở tỉnh khác bằng một tờ giấy màu xanh. Nếu bất ngờ nhận được tấm giấy màu xanh đặc thù này thì đau tim là cái chắc. Không biết chuyện dữ hay lành đây. Thường thì dữ hơn lành. Có thể là tin người thân mới mất, có thể là tin tai nạn, hoặc có thể chỉ là ông con đi học xa cần tiền gấp. Ngày nay những tấm giấy dây thép màu xanh đó đã biến mất, cũng như cái máy chữ một thời lộng hành xa xưa. Vật đổi sao dời. Nhớ lại những lá thư màu xanh trên giấy pelure mỏng dính, có khi có mùi thơm của nước hoa ấp ủ, có khi ôm một chiếc lá ép khô, có khi dính những vết son, của một thời tình nhân, sao mà ngọt ngào! Nhớ những ngày sách vở ngổn ngang trên chiếc bàn học cạnh cửa sổ, một mắt cho sách, một mắt đăm đăm ngóng bước đi của bác đưa thư lướt qua cửa sổ. Những bác đưa thư, quen như người thân, lọc cọc chiếc xe đạp cũ, túi thư đeo vai, dừng lại từng nhà, rung chiếc chuông xe đạp inh ỏi với tiếng gọi: “Có thư đây!”. Nghe gọi, lòng mở hội, lóng ngóng chạy ra đón những thân tình gửi tới từ xa. Ngày nào bóng bác phắc-tơ lẳng lặng vượt qua, chiếc xe không dừng lại, là thêm một ngày chờ đợi.

Mải mê thả hồn về những ngày xưa nồng ấm, tôi quên béng mất mấy ông bà cô cậu nghị mà tôi đang theo dõi. Nói theo dõi nghe có vẻ…công an. Thực ra là thỉnh thoảng tôi mở ti-vi ra coi mấy ông bà ấy cãi nhau tới đâu rồi. Rảnh rỗi đâu mà mất thời giờ họp với các ông bà ấy. Tôi phải kể cho có đầu có đuôi. Số là sáng ngày thứ năm 23 tháng 6, đảng Bảo Thủ cầm quyền đưa ra dự thảo luật bắt hai bên liên quan tới vụ đình công và lockout,  nếu không thỏa thuận với nhau được trước khi luật này được ban hành thì chính phủ sẽ cử một trọng tài đứng ra giải quyết. Hai bên sẽ đưa ra yêu sách của mình, vị trọng tài sẽ chọn một trong hai bản yêu sách và bắt buộc hai bên phải thi hành. Có một điểm cần lưu ý là trọng tài sẽ không dung hòa hai yêu sách mà chọn một yêu sách mà ông ta thấy là hợp lý hơn. Trước sau gì thì dự thảo luật này cũng sẽ được thông qua vì đảng Bảo Thủ đang cầm quyền nắm đa số. Biểu quyết là phe ta thắng ngay. Nhưng theo thủ tục quốc hội thì các dân biểu có quyền phát biểu ý kiến tranh cãi trước khi biều quyết. Thường thì các dân biểu thuộc đảng cầm quyền chẳng cần tranh cãi chi. Nắm đằng chuôi chắc mẩm rồi thì đâu cần nói năng cho mất thời giờ. Nhưng các dân biểu của các đảng khác trong quốc hội, nhất là đảng đối lập chính, thế nào cũng cãi lại. Job của họ là vậy. Không cãi văng xí mạng thì cử tri sẽ không thí cho tí phiếu trong các kỳ bầu cử sau.

Nhưng cãi cũng vừa phải thôi, làm quá phiền cho hàng xóm chung quanh đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Ông Jack Layton, đảng trưởng đảng đối lập NDP, đứng hẳn về phía nghiệp đoàn công nhân nên xả thân bênh vực. Biết ở vào thế yếu nên ông dùng chiến thuật xa luân chiến cố kéo dài thời gian để hai phe bưu điện thương thuyết. Cuộc thương thuyết coi mòi tắc tị. Bên chủ nhân bưu điện, vốn là một cơ sở của chính phủ, nên cứ dằng dai chờ luật được ban hành để phần thắng sẽ về mình. Hết hy vọng nhưng chiến trận do ông Layton bày ra vẫn cứ tiếp diễn. Vin vào điều lệ của quốc hội cho phép các dân biểu tranh cãi và chất vấn phía chính phủ nên ông xua toàn thể dân biểu của đảng ông gồm tất cả 103 trự tiếp nối nhau nói câu giờ. Bữa đó, thứ năm 23 tháng 6 là ngày cuối cùng quốc hội họp để các dân biểu đi nghỉ hè. Như vậy nếu kéo dài được hết ngày thì dự luật sẽ bị treo lại cho tới khóa họp tới, biết bao nhiêu thời gian. Nhưng bên phía đảng cầm quyền của Thủ Tướng Harper cũng không phải vừa. Cũng vin vào điều lệ của quốc hội, họ đưa ra một dự luật khác ấn định vấn đề phải giải quyết trong một phiên họp, bất cứ kéo dài bao lâu. Vậy là nếu các ông đối lập muốn kéo dài thì cứ việc kéo, họp ngày không đủ tranh thủ họp đêm. Cho thức trắng mắt ra. Ác một cái là ngày hôm sau, thứ sáu 24 tháng 6 là ngày lễ thánh Jean Baptiste, quan thày của tỉnh bang Québec, lễ lớn nhất của tỉnh bang. Trong cuộc bầu cử vào tháng trước, đảng NDP của ông Layton đã được dân Quebec cho ăn lộc, đang từ 4 ghế trong tỉnh bang tăng lên 59 ghế trong khi ghế của NDP ở tất cả các tỉnh bang khác chỉ vỏn vẹn 44 ghế.Vậy là ông Layton phải mang ơn dân Quebec. Nếu ông kéo dài khóa họp thì ông đã ngăn cản không cho các dân biểu Québec được về mừng lễ với cử tri và chính ông cũng không về chung vui được với những người ơn của ông. Ông Harper thế mà thâm!

Tám giờ tối, biểu quyết dự luật đòi phải giải quyết ngay trong một session của đảng cầm quyền. Dĩ nhiên phía đảng cầm quyền thắng. Vậy là một hai ba chúng ta cùng…marathon! Tôi có coi cuộc biểu quyết này. Chán lắm! Thư ký kêu tên những người biểu quyết thuận. Cả một bên phía các dân biểu đảng cầm quyền lần lượt đứng dậy khi được kêu tới tên. Cứ răm rắp đứng lên. Rồi kêu tên phía chống. Cả một vạt chỗ ngồi của đảng đối lập đứng lên. Cứ như mọi sự đã được xếp đặt trước. Tôi ngồi nhà mà cũng muốn buồn ngủ. May mà mình không là dân biểu. Cái nghề chi mà chán! Chỉ được cái nhiều tiền! Cuộc tranh luận tiếp tục. Ông đảng trưởng đảng đối lập Jack Layton nói trước. Cứ sau vài câu là cả đàn dân biểu trong đảng đứng lên vỗ tay. Làm dân biều coi bộ phải đứng lên ngồi xuống hơi nhiều. Cứ như thời tôi đi học bị thày giáo bắt đọc bài! Đứng lên ngồi xuống nhiều nhất là ông Chủ Tịch Quốc Hội. Ông này ngự trên một cái ngai riêng biệt, mặc áo choàng đen có đeo thêm vài thứ phụ tùng, mũ mãng đầy đủ, trông phát ngốt. Mỗi lần một dân biểu nói xong, ông phải đứng dậy mời người nói kế tiếp cũng như mỗi lần muốn nói chi ông cũng phải đứng dậy. Cái khôi hài là khi ông đứng thì cả dàn thư ký ngồi ngay dưới chân ông cũng phải đứng. Việc này cứ lập đi lập lại hoài trông rất tuồng. Chỉ được cái đứng lên ngồi xuống liên chi hồ điệp như vậy tốt cho sức khỏe!

Khuya hôm đó, tôi tắt ti-vi đi ngủ. Các vị dân biểu vẫn phải họp. May quá, tôi không phải là dân biểu! Sáng hôm sau, tôi lại mở ti-vi. Mèng đéc ơi! Trông vị nào vị đó phờ phạc, nhan sắc xuống cấp trông thấy. Trông lên ngai của Chủ Tịch thấy một bà, cũng áo choàng mũ mãng ngồi chễm chệ. Chẳng lẽ qua một đêm ông Chủ Tịch đã đổi giống! Hóa ra Chủ Tịch và các Phó Chủ Tịch thay nhau chủ tọa qua đêm. Có vậy chứ. Người chứ có phải cục đất đâu mà cứ chễm chệ trên ghế qua đêm được. Mấy ông bà dân biểu vẫn thay nhau đứng nói. Giọng nói đã có chiều uể oải vì thiếu ngủ. Nhìn toàn cảnh tôi thấy những chiếc ghế xanh màu lá cây đã có nhiều chỗ trống. Các ngài đã thay nhau lỉnh đi nghỉ ngơi. Tôi cũng cần phải nghỉ tuy đêm qua tôi đã đánh một giấc thẳng cánh. Ăn tiền ăn bạc chi mà phí sức. Trong ngày, thỉnh thoảng tôi lại mở ti-vi có ý muốn chia sẻ sự mệt mỏi chán nản với các vị đại diện dân. Các ông các bà đứng lên, tay cầm tờ giấy đọc mà chẳng thấy một chút lửa nào. Cứ như đứng lên cho xong chuyện. Dường như tôi nghe thấy tiếng ông Tú Xương về đọc nhỏ vào tai tôi.

Nghị viên há phải chuyện con con
Nước có quyền dân nước mới còn
Được lúc mở mồm nên nhức óc
Dù ai bóp bẹp cũng vo tròn.

Trong một lần mở ti-vi cầu âu trong ngày tôi bắt gặp đúng lúc cô Quách Minh Thu đang nói. Cô này là một trong hai dân biểu gốc Việt của chúng ta vừa trúng cử vào quốc hội. Người kia là anh Hoàng Mai. Cô cũng cầm tờ giấy đọc lua lua. Tay mơ mà. Biết sao được! Cuộc trường chinh bằng miệng của đảng đối lập NDP leo qua ngày thứ bảy. Nghĩa là các dân biểu lại thức thêm một đêm nữa. Sau hai đêm không ngủ, quang cảnh quốc hội bèo nhèo thấy rõ. Người có nhiệm vụ nói thì uể oải mở miệng, người không có nhiệm vụ thì biến đâu mất. Các hàng ghế lỗ chỗ. Phần lớn trống hoắc. Tôi ngẫm nghĩ. Các ông bà này khôn thật. Lỉnh đi đâu mất tiêu hết. Chẳng lẽ đây là một chiến thuật khác của ông Thủ Tướng Harper. Không cần nghe, các dân biểu của đảng cầm quyền về nhà nghỉ hết cho phe đối lập nói với các chiếc ghế gỗ. Không, cũng còn có vị chủ tọa ở đó để đứng lên ngồi xuống cho phải phép. Tôi nghi vị này có cái tai cũng làm bằng gỗ quá! Mở tờ báo hàng ngày vừa được giao tới nhà, tôi thấy hình ông Thủ Tướng Harper  đang ở Quebec dự lễ Saint Jean Baptiste!

Cuộc chạy marathon chiến thuật của ông Jack Layton coi bộ tàn tạ. Tàn tạ thiệt chứ bộ chi nữa. Phòng họp vắng như chùa bà Đanh. Ông tưởng mình khôn hóa ra thua trí. Rõ ràng ông Harper đẹp trai hơn ông đầu hói Layton. Phóng lao thì phải theo lao nhưng cưỡi cọp tới lúc cọp quật lại biết làm sao xuống. Thời may, ông Chủ Tịch nghiệp đoàn công nhân bưu điện Denis Lemelin,vào chiều thứ bảy, gửi môt bức thư cám ơn ông Layton đã câu giờ nhưng cuộc thương thuyết giữa hai bên liên hệ đã hoàn toàn bế tắc. Ông đề nghị ông Layton thôi câu giờ cho dự luật được thông qua. Được lời như cởi tấm lòng, ông Layton ô kê cái rụp. Các dân biểu được gọi về bỏ phiếu. Quốc Hội lại đông vui. Cứ như nhà có đám cưới. Kết quả dự luật được thông qua với số phiếu áp đảo 160- 74. Tôi nghĩ ông Chủ tịch nghiệp đoàn chẳng cần cám ơn ông Layton. Ông đảng trưởng đảng NDP thua nhưng mà được. Ông được hai thứ lận. Thứ nhất ông đã lập kỷ lục mới cho việc tranh luận câu giờ ở Hạ viện với số giờ tổng cộng 58 tiếng nói liên miên. Kỷ lục cũ vào năm 1989 chỉ có 27 tiếng rưỡi. Thứ hai ông đã có dịp dùng diễn đàn Hạ viện như một buồi thực tập cho các dân biểu trẻ, thiếu kinh nghiệm. Nhiều người trong số họ là những dân biểu mà việc họ vào ngồi được trong Hạ viện như một cú trúng số độc đắc. Ông đã nhân dịp bằng vàng này lùa tất cả số dân biểu thuộc đảng của ông bắt buộc đứng lên nói.

Sau khi dự luật được Hạ viện thông qua vào tối thứ bảy, Thủ Tướng Harper đã nói với báo chí: “Chúng tôi biết công luận đứng về phía nào và tôi nghĩ là ngày hôm nay các dân biểu ở phía bên kia đã bắt đầu nhận được tín hiệu đó”.

Ông Harper nói không sai. Màn hát tuồng có một không hai này quả không được dân Canada hưởng ứng. Ngày thứ hai 27 tháng 6, một ngày trước khi bưu điện mở cửa lại,  tôi coi trên ti-vi kết quả của một cuộc thăm dò của đài CTV. Được hỏi có ủng hộ dự luật không, 77% trả lời có, chỉ có 23% lắc đầu. Trên báo chí còn có những độc giả mắng vốn là nhân viên bưu điện có voi đòi tiên. Có cái job nào chẳng cần bằng bíu mà thơm như vậy không? Được về hưu vào năm 55 tuổi, bây giờ Bưu điện tăng lên 60 lại không bằng lòng trong khi tuổi về hưu thông thường là 65, bên Mỹ lại tăng lên tới 67! Ngày nghỉ hè nếu không nghỉ cứ quy thành tiền bỏ túi, làm mỗi ngày khoảng 4 tiếng nhưng ẵm lương trọn ngày. Hậu quả của vụ đình công này coi bộ chưa hết. Ngay từ năm 1997, Harper đã có ý định chấm dứt độc quyền của Bưu điện để  “bảo đảm là người dân Canada sẽ không còn bao giờ bị giữ làm con tin cho các cuộc đình công của nhân viên Bưu điện nữa”. Dựa vào lòng dân, kỳ này ông Thủ Tướng có tiếng là bướng bỉnh chắc sẽ làm thiệt!

Tôi định phôn cho ông Trà Lũ để cười với nhau một phát nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi không a lô. Để cho ông ấy soạn thư quảng cáo sách. Chắc chắn ngày mai, khi bưu điện mở cửa, ông bạn già của tôi sẽ đứng hàng đầu. Chuyện sinh tử, làm sao mà…đình được!

06/2011