Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

TẬN

Đáng lẽ tôi không viết được bài này và độc giả cũng không có dịp đọc bài này vì chúng ta đã điêu đứng hoạn nạn hết rồi. Ông Harold Camping đã phán quyết như vậy. Harold Camping là cha nào mà hách xì xằng quá vậy? Ông là một mục sư thuyết giảng trên đài phát thanh và là sáng lập viên của đài truyền giáo Family Radio phát sóng rộng rãi trên toàn cầu. Năm nay ông đã 89 tuổi. Không biết có phải vì ông đã sống đủ rồi hay vì ông được đấng bề trên rỉ tai mà ông dõng dạc phán là ngày 21 tháng 5 vừa qua là ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế. Theo ông thì vào lúc 6 giờ chiều ngày này, những người theo đạo Chúa một cách tốt lành sẽ được đưa lên thiên đàng, những người chưa được tốt sẽ bị bỏ lại để chịu trừng phạt nơi hỏa ngục trần thế cho tới khi tận thế. Tận thế sẽ xảy ra ở từng vùng bắt đầu bằng trận động đất kinh hoàng vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ năm 21 tháng 5. Tới ngày 21 tháng 10 năm nay thì Chúa sẽ tiêu diệt vĩnh viễn trái đất.

Ông Luân Hoán không tin chuyện này. Nhưng hình như ông ấy không vững tin cho lắm nên ông cũng muốn hưởng cuộc đời tí chút trước khi có thể bai bai trò chơi mà ông ấy thường chơi trong suốt cuộc đời kéo dài đã qua hai thế kỷ của ông.

sáu giờ chiều tận thế
hôm nay là tháng năm
năm hai ngàn mười một
ngày hăm mốt, trời trong

ta khỏe hơn mọi bữa
khi hôm đã trả bài
có chết không tiếc lắm
cái trần thế, trần ai!

Không đi nước đôi như ông Luân Hoán, tôi chẳng thèm nhớ tới cái ngày mà ông Harold Camping mang ra nhát thiên hạ này tuy tôi đã được cảnh báo từ hồi năm ngoái rồi. Tháng 11 năm 2010, trên một du thuyền, tôi gặp một đoàn năm người, trong đó có một cô gái Á châu mà tôi đoán là người Hoa. Họ mặc áo thun trắng, trước ngực và sau lưng có in hàng chữ cảnh báo thế giới hãy dọn mình chờ ngày tận thế 21/5/2011. Du thuyền chạy trong vùng Caribbean, có ghé bốn đảo để du khách xuống chơi. Trong khi chúng tôi lo đi tắm biển, đi thăm những thắng cảnh, vui hưởng những ngày nghỉ an nhàn thì đoàn người này lễ mễ mang đồ đạc xuống tàu. Khi đám du khách chúng tôi tới khu thị tứ hay chợ búa sầm uất đông người trên các đảo, tôi mới thấy hoạt động của những người cuồng tín này. Họ dựng bảng, chia nhau đứng tại các góc đường để phân phát truyền đơn hay  giảng đạo cho những người tò mò xúm quanh họ. Trên tàu họ ít giao thiệp. Có một lần, cùng đứng chờ thang máy với một người da đen trong đoàn cảnh báo này, tôi gợi chuyện. Anh không bỏ lỡ dịp mạt sát những người chỉ biết ăn chơi mà không nghĩ tới những hình phạt Chúa dành cho những người tội lỗi. Bằng vào giọng nói của anh, tôi nghĩ tôi cũng thuộc loại…tội lỗi sẽ bị bỏ lại không được Chúa vác về thiên đàng.

Khi tôi viết những dòng này thì ngày…phán xét đã qua được bốn ngày. Thấy vẫn êm ru, đài truyền hình CNN mới hỏi chuyện ông Camping thì ông này tỏ ra bối rối. Nhưng trong một buổi phát thanh dài tới 90 phút trên Family Radio vào lúc khuya ngày thứ hai 23 tháng 5, ông…thiên sứ này đã nói lại: “Chúng tôi không thay đổi ngày một chút nào cả; chúng tôi vừa được học hỏi là chúng ta nên suy nghĩ tâm linh hơn một chút. Vào ngày 21 tháng 10 sắp tới, thế giới sẽ bị tiêu diệt. Không phải kéo dài sự tiêu diệt trong 5 tháng. Tiêu diệt tức thời!” Vậy là Chúa của ông Camping đã thay đổi chương trình. Có lẽ Chúa sơ ý không báo trước cho ông nên ông hơi quê. Bây giờ ông lại có thêm 5 tháng sống trong sự mê tín của ông. Thực ra việc nói đi nói lại này ông Camping cũng đã quen rồi. Cách đây hai thập niên, ông đã viết trong cuốn “1994” cảnh báo tận thế từ hồi đó! Vậy là ông Luân Hoán có thể thở phào. Kéo thêm được năm tháng nữa tha hồ…trả bài! Cứ như được lên thiên đàng!

Chốn gọi là thiên đàng mà ông Camping cho biết là Chúa sẽ vác những đứa con ngoan cỡ ông Camping lên được thiết lập ở đâu. Không ai có kinh nghiệm. Khi nói tới thiên đàng thì chúng ta cứ ngẩng mặt lên trời. Chắc chốn  bồng lai tiên cảnh này phải ở tít trên cao, giữa trùng trùng lớp lớp mây ngũ sắc. Người đầu tiên bay xuyên qua những đám mây vào không gian là nhà phi hành vũ trụ Yuri Gagarin của Liên Xô, lúc đó còn là một nước cộng sản. Ông lái phi thuyền Vostok I bay một vòng quanh quỹ đạo trái đất vào ngày 12 tháng 4 năm 1961. Khi ông trở về, được hỏi ông thấy gì nơi chốn cao vòi vọi mà con người lần đầu tiên xâm nhập vào được đó, ông nói: “Tôi không thấy Thượng Đế trên đó”.

Ông phi hành gia vô thần này trả lời rất bài bản. Đã vô thần thì làm gì có Thượng Đế, làm gì có thiên đàng. Câu trả lời đầy chính trị của nhà phi hành gia không xóa bỏ được thiên đàng. Nhưng câu tuyên bố mới đây của nhà vật lý học Stephen Hawking lại rất nặng ký. Ông nói: “Tôi đã sống với viễn cảnh chết sớm trong 49 năm qua. Tôi không sợ cái chết nhưng tôi không vội vàng muốn chết. Tôi có quá nhiều chuyện muốn làm. Tôi xem não như một cái computer, sẽ ngừng làm việc một khi các bộ phận của nó bị hỏng…Không có thiên đàng hoặc thế giới bên kia cho các máy tính bị hỏng – đó là chuyện thần tiên cho những ai sợ bóng tối”.

Chắc rất nhiều người trong chúng ta biết nhà khoa học ngồi xe lăn này. Ông là một nhà vật lý người Anh rất nổi tiếng, được coi như ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới. Trong 30 năm qua, ông là Giáo Sư Lucasian, chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại Học Cambridge cho tới khi ông hưu vào năm ngoái. Trước ông, những nhà khoa học lừng danh như Isaac Newton và Paul Dirac đã từng đảm nhận vai trò này. Ông sanh ngày 8 tháng 1 năm 1942. Phải nói rõ ngày sanh này vì đây là đúng ngày kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà thiên văn học Galileo. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hawking theo học tại University College ở Oxford. Có một điều tức cười là ngay từ trung học ông rất thích toán và giỏi toán nhưng ông chọn trường Đại học này vì cha ông đã từng học tại đó tuy trường không có môn toán. Ông phải quẹo qua môn vật lý. Vậy mà ông tốt nghiệp loại xuất sắc và thành danh về vật lý! Ông tiếp tục theo học ban Tiến sĩ tại Đại Học Cambridge chuyên về vũ trụ học. Trong thời gian làm luận án tiến sĩ Hawking bị  một chứng bệnh về thần kinh có tên là bệnh Lou Gehrig làm ông mất gần hết khả năng cử động. Các bác sĩ chẩn đoán ông sẽ không sống đủ thời gian để hoàn thành luận án này. Bệnh khiến ông bị cắt khí quản và không còn nói chuyện bình thường được. Đời ông gắn chặt vào chiếc xe lăn, chỉ có thể nói được qua một thiết bị tồng hợp âm thanh gắn với một máy tính để ông gõ chữ. Khó khăn vậy nhưng ông vẫn hoàn thành được luận án tiến sĩ vào năm 1966. Ông là người duy nhất tại Đại học Cambridge chuyên nghiên cứu vũ trụ học. Sau khi bảo vệ thành công luận án, ông làm nghiên cứu một thời gian cho viện Thiên Văn Học rồi chuyển qua khoa Toán học Ứng Dụng và Vật Lý Lý Thuyết của Đại Học Cambridge cho tới ngày về hưu vào năm ngoái.

Thiên tài vật lý ngồi xe lăn này có dính dáng tới Việt Nam khi, vào năm 1990, ông nhận bé gái mồ côi Nguyễn Thị Thu Nhàn, sanh năm 1980, sống tại Làng Cô Nhi SOS ở Hà Nội làm con nuôi. Bảy năm sau ông đã sang Việt Nam thăm cô bé Thu Nhàn. Cô Nhàn kể lại: “Mọi người nói, tôi thật may mắn khi một nhà bác học nổi tiếng như vậy nhận làm con nuôi, nhưng ban đầu tôi cũng thấy bình thường thôi vì các bạn trong làng ai cũng có bố mẹ đỡ đầu. Tuy nhiên, khi được gặp bố, thấy bố phải ngồi trên xe lăn, mọi hoạt động của bố rất khó khăn, nhưng bố vẫn luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan khiến tôi thấy thương bố lắm. Ông bị bệnh tật cướp đi sức sống cơ thể, nhưng bù lại ông đầy nghị lực và giàu tình cảm. Tôi rất yêu và quí trọng bố. Hôm bố đến làng chơi, ấn tượng đầu tiên của tôi là hình ảnh bố biểu diễn đi xe lăn cho lũ trẻ trong làng xem. Chiếc xe lăn được ông điều khiển tiến, lùi, quay, lắc chỉ bằng thao tác ấn nút. Tụi trẻ con chúng tôi đứng xung quanh vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, hò reo. Rất là vui!”. Tháng 7 năm 2000, Thu Nhàn qua Anh trong một tháng để sống với gia đình bố Stephan. Cô kể lại những điều thú vị nhất về người cha bác học này. Mỗi khi bà Elaine, vợ ông, mua quần áo cho cô con nuôi, ông bắt cô phải mặc thử cho ông coi. Bộ nào ưng ý ông sẽ cười. Bộ nào không ưng, ông lắc đầu. Khi cô sửa soạn về lại Việt Nam, đích thân ông đi chọn quần áo cho cô. Bộ nào cũng màu xanh!

Trời xanh màu thiên thanh. Cái màu thiên thanh này không có thiên đàng trong đó. Thiên đàng là niềm tin của tôn giáo, vậy mà ông vua vật lý vũ trụ này khơi khơi thủ tiêu thiên đàng, đâu có được. Vậy là một ông Stephen khác, ông Stephen Green, thuộc nhóm vận động Tiếng Nói Thiên Chúa Giáo nói lại ngay: “So sánh cái chết cũng giống như tắt máy cho thấy ông ta chỉ có thể suy nghĩ mọi chuyện thiên về vật chất. Đó là quan điểm u tối của một người muốn hiểu một điều mà tâm linh của ông ta không làm được. Người ta tin vào thế giới bên kia không phải vì họ sợ cái chết. Niềm tin vào Thượng Đế xóa tan nỗi sợ bóng tối – cái chết. Tôi không hiểu tại sao Hawking thấy khó khăn để hiểu góc cạnh tâm linh!”.

Mất thiên đàng coi bộ cũng gay go cho mấy ông thánh chiến jihad. Lò sản xuất trinh nữ cho mấy thanh niên dắt bom vào người đi hành đạo khủng bố bị phá sản, lấy đâu ra phần thưởng thơm như múi mít để dụ các chàng trẻ người non dạ khoái vơ vào một lúc cả bày trinh nữ sau khi hy sinh mạng sống nơi trần thế nhiều bom đạn và hận thù này.

Chuyện xa lìa dương thế của con người đâu có giản dị. Một ông tiến sĩ khác, cũng tiến sĩ vật lý, người Ai Cập, cũng tốt nghiệp Đại Học Oxford bên Anh, nhưng trước ông Stephan Hawking tới cả trăm năm, ông Hamud El Sarim, Tiến sĩ Vật Lý năm 1864, nói về chuyện hồn lìa khỏi xác một cách tỉ mỉ hơn. Ông Hamud cho biết, ngay từ thời sinh viên, ông đã say mê môn vật lý siêu hình (metaphysics). Theo ông, đến một mức nào đó thì khoa học phải bó tay, nhường đường cho khoa Huyền Bí Học. Ông đã sang Ấn Độ và Tây Tạng, tu nhập thất trong mười năm và khai mở được một vài giác quan đặc biệt. Việc khai mở này, mà ông gọi là khai mở các giác quan thể vía, giúp ông tiếp xúc được với cõi bên kia thế giới. Vậy, chết là gì? Tiến Sĩ Hamud cho biết: “ Chết là bước vào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài thì nay quay vào trong, linh hồn từ từ rút khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó, hai chân từ từ lạnh dần rồi đến tay và sau cùng là trái tim. Lúc này người chết thấy rất yên tĩnh, nhẹ nhàng, không còn bị ảnh hưởng vật chất. Khi linh hồn rút lên óc nó sẽ khơi động các ký ức. Cả cuộc đời sẽ diễn lại như cuốn phim. Hiện tượng này gọi là “hồi quang phản chiếu” (memory projection). Đây là một giây phút hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây từ điện liên hệ giữa thể xác và thể phách sẽ dứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể phách và thể vía bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách xếp lại từng lớp nguyên tử, lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến”.

Ông giảng giải tiếp: “…Dù ở cõi nào, tất cả cũng không ra ngoài các định luật khoa học. Thí dụ như vật chất có ba thể: thể lỏng, thể đặc và thể  hơi, thì bên cõi này cũng có những thể tương tự. Luật thiên nhiên cho thấy vật nặng sẽ chìm xuống dưới và vật nhẹ nổi lên trên, cõi vô hình cũng thế. Nguyên tử cõi âm rung động với một nhịp độ khác với cõi trần, các nguyên tử  rung động thật nhanh dĩ nhiên phải nhẹ hơn các nguyên tử nặng trược. Tóm lại, tùy theo nhịp độ rung động mà tạo ra những cảnh giới khác nhau, có bảy loại rung động nên có bảy cảnh giới”.

Ông tả cho chúng ta biết bảy cảnh giới này. Chót cùng là cảnh giới thứ bảy. Nơi đây lúc nào cũng tối tăm, nặng nề với các vong linh hình dáng ghê rợn nhưng hoàn toàn không có vụ quỷ sứ tra tấn tội nhân. Chỉ nguyên việc bị lưu đầy nơi cảnh giới này đã là một sự khổ sở vô vàn. Cứ tưởng tượng bị dục vọng hành hạ mà không thể thoả mãn thì khổ gấp trăm lần bị tra tấn. Vong linh thèm muốn nhưng không sao thỏa mãn được, như đói mà không thể ăn, khát không thể uống. Do đó, theo thời gian, vong linh sẽ học được bài học chịu đựng, nhẫn nhục cho đến khi dục vọng giảm bớt và tan ra thì vong sẽ được thăng lên cảnh giới thứ sáu.

Cảnh giới thứ sáu có sự rung động giống như cõi trần. Tại đây các vong linh ít còn thèm muốn vật chất như ăn uống, dục tình, nhưng bận tâm với những nhỏ nhen của cuộc sống như thỏa mãn bản ngã, ích kỷ, ghen tuông, hờn giận..v..v.. Đa số có hình dáng như  người cõi trần nhưng lờ mờ không rõ. Vì sự rung động của nguyên tử gần giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi dương gian chúng ta. Họ thường nhập vào đồng cốt, các buổi cầu cơ, cầu hồn để chỉ dẫn bậy bạ nhằm thỏa mãn tự ái, bản ngã cá nhân. Vì đa số vong linh khi còn sống rất ham mê danh vọng, chức tước, uy quyền nên khi nhập vào đồng cốt họ thường tự xưng là đấng này đấng nọ. Theo thời gian, các rung động ham muốn, sự cố chấp về bản ngã hay danh vọng cũng tan biến nên họ được thăng lên cảnh giới thứ năm.

Cảnh giới thứ năm có sự rung động thanh nhẹ hơn cõi trần nên vong linh có thể biến đổi sắc tướng rất nhanh chóng. Đây là một cảnh giới với những âm thanh màu sắc lạ lùng dễ bị mê hoặc. Các vong linh ở đây đã bớt ham muốn về cá nhân nhưng còn ham muốn về tư tưởng, kiến thức. Đây là nơi cư ngụ của những kẻ đạo đức giả, những kẻ bảo thủ nhiều thành kiến, các nhà trí thức tự phụ.

Cảnh giới thứ tư sáng sủa hơn và nguyên tử cõi này rung động rất nhanh. Phần lớn những vong linh tiến hóa, thánh thiện, những nhà trí thức trầm mặc nhưng còn lưu luyến một chút dục vọng khi chết đều thức tỉnh ở cảnh giới này.

Cảnh giới thứ ba có những rung động nhẹ nhàng, chói sáng. Tại đây có những vong linh từ tâm nhưng vụng về, những tu sĩ thành tâm nhưng thiếu trí tuệ, những nhà lãnh đạo anh minh nhưng nhiều thành kiến.

Cảnh giới thứ nhì và thứ nhất được cấu tạo bằng những nguyên tử hết sức thanh thoát, rung động rất nhanh và tràn đầy ánh sáng. Đây là cõi của những người không còn dục vọng, ham muốn. Họ sẽ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các đức tính riêng trước khi siêu thoát lên cảnh giới cao hơn.

Chi lạ vậy? Đã lên tới cõi số dách rồi còn leo cao hơn nữa sao được? Hiểu như vậy là còn non. Theo Tiến Sĩ Hamud El Sarim thì cõi sống của chúng ta là hạ giới, bảy cảnh giới mà chúng ta vừa lược qua là trung giới và cao hơn nữa là thượng thiên, còn gọi là cõi siêu thoát. Để được siêu thoát, thể vía phải hoàn toàn tan rã hết. Khi chúng ta…tận, tùy theo sắp xếp của thể vía khi lâm chung mà chúng ta sẽ thức tỉnh ở một trong bảy cảnh giới thuộc cõi trung giới. Hồn của chúng ta sẽ ở đây bao lâu? Thời gian lưu lại đây hoàn toàn tùy thuộc vào dục vọng con người. Có người chỉ ghé lại vài giờ, coi như nghỉ chân, có người sẽ lưu lại hàng thế kỷ!

Nghe tới đây, mấy ông bạn tôi lắc đầu ngao ngán. Cỡ ăn tục nói phét chắc sẽ đóng đô ở cõi trung giới này luôn quá! Mà có được passport đi đầu thai siêu thoát chắc cũng thuộc loại không khá được. Một ông lo lắng ra mặt tâm sự với tôi. Moa nghĩ nếu moa có được đi đầu thai chắc cũng sẽ chỉ được làm tới con kiki là cùng. Nếu như vậy, moa chỉ xin cho con kiki là moa được mang quốc tịch Canada. Chứ nếu làm thân chó Mít, chẳng bao lâu sẽ trần truồng nằm phơi bụng ở Ngã Ba Ông Tạ thôi! Nếu làm kiki Canada hay kiki Mẽo thì sẽ được nằm gọn trong lòng các em đầm thơm phưng phức. Nếu lại được làm kiki của em Paris Hilton thì …thiên đàng là đây bạn hiền ơi!

06/2011