Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

CAFÉ

Cà phê vừa làm được một cú ngoạn mục. Một thương gia người Hoa đã chụp được tấm hình ông tân Đại Sứ Mỹ tại Trung Quốc đang đeo ba lô đứng mua cà phê tại quầy hàng Starbuck ở phi trường Seattle trên đường đi Bắc Kinh nhậm chức. Mua cà phê Starbuck là chuyện thường tình thôi. Các ông Đinh Cường và Nguyễn Xuân Hoàng cũng đã từng xếp hàng như vậy. Tôi đã mục kích rõ ràng khi sang thăm hai ông này. Chuyện bất thường là khi ông thương gia Đường Triệu Huy post tấm hình lên mạng Ngụy Bác ở Trung Quốc thì dư luận xôn xao lên. Tấm hình đã được các trang mạng khác post lại tới 40 ngàn lần! Và biết bao nhiêu lời bình luận của dân mạng người Hoa. Có lẽ vì ông Đại Sứ Locke mặt mũi y chang như dân Trung Hoa chính cống. Thì chính cống đứt đuôi rồi chứ còn chi nữa. Ông là người Hoa sanh đẻ tại Mỹ, thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình di dân. Nhưng điều mà người dân trong chế độ cộng sản nửa mùa này ngạc nhiên bàn tán chính là việc ông Locke tự xếp hàng mua cà phê. Họ không thể tin vào mắt mình được vì ở nước họ, ngay một quan cách mạng cấp thấp, cũng sai bảo thuộc hạ đi mua cà phê chứ không bao giờ đích thân làm một công việc được coi là hạ tiện như vậy. Ly cà phê của ông Đại Sứ đã làm quê mặt mấy anh cầm quyền Tầu cộng.

Cà phê Starbuck ở Mỹ hay cà phê Tim Hortons ở Canada không phải là cà phê ngon. Đối với tôi thì nó chua lét uống qua quít cho xong. Cà phê ở Mỹ rất vất vả. Cứ sáng sáng, trên đường đi làm, người nào như cũng có ly cà phê bằng ly xốp có cắm một chiếc ống hút, vừa đi vừa…húp. Tôi gọi đó là cà phê chạy. Bẽ mặt cà phê quá lẽ!

Cà phê là một thức uống nhưng nó không đứng cùng với nước và các loại pha phách khác. Nó đứng riêng một góc trời một cách kênh kiệu. Nó hơn một thứ để uống. Nó bè bạn với dân ghiền. Nó làm cái gạch nối cho những tình thân. Hẹn nhau chẳng đâu bằng quán cà phê. Cũng chẳng cần quán nữa, bất cứ một vỉa hè, một góc phố nào có vài chiếc bàn ghế thấp lè tè và một chiếc bàn nho nhỏ làm chỗ pha cà phê là có thể tụ tập đấu láo với nhau được. Vậy mà những nơi chốn xập xệ tưởng sẽ bị quên lãng hóa ra còn bám víu dai dẳng trong tâm trí chúng ta.

Tôi vừa gặp tại Houston một anh bạn đồng sự chuyên cà phê cà pháo vỉa hè với tôi từ bốn chục năm trước. Chúng tôi hẹn nhau cũng tại một quán cà phê nằm trong khuôn viên của nhà hàng Kim Sơn: quán “Café ông Già”. Cái tên nghe đã ngộ nghĩnh lại càng ngộ nghĩnh hơn khi chủ quán là một ông già người Mỹ. Ông này có vợ người Việt. Tiếng Việt của ông tới đâu, tôi không được biết vì lúc chúng tôi ngồi đồng ở đây, quán không có mặt ông. Chung quanh tôi là những khuôn mặt người Việt tụm năm tụm ba đấu láo, chắc cũng đã một thời cà phê Sài Gòn. Trầm ngâm bên người bạn cà phê vỉa hè năm xưa, tôi nghĩ anh già Mỹ này chắc ảnh hưởng lối xưng hô của vợ nên nhận nhãn hiệu “ông già”!

Ngày xưa chúng tôi thường tụ tập dưới tấm bạt căng từ hàng rào ngôi nhà qua cây me trên lề đường. Bàn ghế toàn là thứ cho người…lùn. Tấm bạt căng lấy có không ngăn cản được những chiếc lá me rơi lả tả lên mặt bàn thấp. Cô hàng không dư một cái tên đặt cho quầy cà phê của cô. Chúng tôi gọi là “cà phê gốc me”. Ngồi lộ thiên có cái thú của tự do suồng sã, chẳng cần giữ gìn ý tứ. Muốn hét thí hét, muốn cãi thì cãi, muốn văng tục cũng…xin mời. Cứ phơi phới. Hai thằng thanh niên xưa, nay tóc đã trắng gần hết đầu, ngồi nhắc lại chuyện cũ mà giọng vẫn chưa hết thiết tha. Hóa ra cà phê níu kéo cũng dữ dằn ra chi. Chúng tôi nhắc tới những khuôn mặt của một thời gốc me cũ. Nhớ tới thằng bạn mười năm cải tạo quay về, vợ đã thay thuyền, quay quắt trong cơn lốc mới. Hai thằng lại tìm tới vỉa hè cũ. Tôi đã bê cảnh hàn huyên này vào truyện ngắn “Cay Đắng”. “Chúng tôi thắng xe bên quán cà phê lề đường ngày xưa chúng tôi vẫn thường hay la cà tới. Chủ quán vội đưa ra hai chiếc ghế gấp lùn tịt và một chiếc bàn dã chiến. Khách chung quanh hầu như anh nào cũng có chiếc mũ chụp trên đầu. Tôi không hiểu vì sao mà Sài gòn lại sản sinh ra một loại “văn hóa mũ” nở rộ đến thế. Hầu như mọi người chẳng ai muốn chường mặt ra dưới những tia nắng quái. Tôi lột chiếc mũ có vành màu ka ki trên đầu xuống. Vũ cũng làm theo. Chiếc mũ của hắn mang từ trại cải tạo về nhão nát thảm thương. “Chút nữa về nhà nhớ nhắc tao đưa cho mày chiếc mũ khác nhé. Chụp chi chiếc mũ tổ đỉa đó cho mất giá trị đi!”. Vũ ngượng nghịu: “Giá trị chó gì nữa. Thời buổi này cần chi cái mặt tiền. Sao mà chẳng được. Dân Sài Gòn bày vẽ quá”. “Mày làm như mày chưa bao giờ là dân Sài Gòn hết cả đấy!”.

Những ngày xa xưa đó chúng tôi đã có tí địa vị, cũng đủ tiền ngồi quán Cái Chùa, nhưng vẫn cứ khoái cái không khí cà phê vỉa hè. Khi cuộc đổi đời úp chụp xuống, thằng nhanh chân tếch đi được, thằng mút mùa cải tạo đến quên mình đã từng là dân Sài Gòn, gặp lại nhau vẫn cứ cà phê gốc me làm chuẩn. Hình như con ma cà phê cư ngụ tại gốc me. Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân cũng bị con ma cà phê vỉa hè bắt xác. Ông viết trong bài “Saigon, Quán Cà Phê và Tuổi Lang Thang”. “Anh em nào có ở Đại Học Xá Minh Mạng những năm 1966-67, đã từng lê la ngồi ngắm đất trời ở Ngã Sáu Chợ Lớn, chỗ quán cóc ngay góc đường Minh Mạng và Nguyễn Tri Phương, từng ít nhiều là thân chủ có ký sổ dài hạn với chú Tàu con phì lũ, xin nhận một lời nhắn: “Hồi đổi đời mấy anh tứ tán muôn phương hết, ba bốn cuốn sổ đầy những con số em không lấy được đồng nào nhưng em không buồn. Nhớ lại những ngày vui cũ mà rầu thúi ruột. Ước gì có được không khí hồi đó, con người hồi đó. Mấy anh đi ra đi vào, hớn hở kể chuyện tán đào, rầu rĩ ôm gối thất tình, nồng nhiệt tính chuyện lấp biển dời sông, bàn tán tính đường trốn lính, cái gì cũng ồn ào bộc trực, thoải mái tự nhiên, không màu mè rào đón, không kiểu cách đóng trò gì cả, sống đã thiệt. Vui kiểu đó em bán cà phê cho mấy anh ký sổ hoài cũng được.” Đầu năm 1980, giữa rừng già Bình Long tôi đã tình cờ gặp lại người chủ, người bạn nhỏ này. Tôi là tù cải tạo, bạn khổ sai kinh tế mới, cả hai đều thảm như nhau nhưng đều có chút rộn ràng nhịp thở khi nhắc lại những chuyện mới đó nhưng như đã lâu lắm rồi. Người bạn nhỏ đã nói với tôi những lời ấm áp, không nguyên văn thì cũng đúng ý như đã ghi ở trên và tôi muốn gởi những lời này đến các bạn như một kỷ niệm chung và tôi cũng muốn mượn dịp này để nói về cà phê Sài Gòn, ngày đó”.

Cà phê vỉa hè tưởng là chốn cùng mằng, nơi trú thân của những chàng trai nhẹ túi, tương lai còn lắc lư, chẳng có một mối tình vắt vai, nhưng không phải vậy, vẫn có cái lãng đãng của những cuộc tình.

Vẫn biết người đi không trở lại
Quán vỉa hè đã thiếu vắng em
Giọt cà phê chờ ai rơi chậm
Trên từng nốt nhạc vẫn còn quen.

Góc phố Nguyễn Du chiều chủ nhật
Muỗng khua đáy tách gọi em về
Bóng ai hiu hắt như giọt lệ
Pha buồn sóng sánh khói cà phê

(Hư Vô)

Ngồi ở quán La Pagode, Givral hay Continental được cái sang lại gặp được các bạn bè văn nghệ ngồi thả khói tính chuyện viết lách. Khói thuốc lá và vị cà phê là thân tình của văn nghệ. Đó là một thứ…yên sĩ phi lý thuần (lối phiên âm chữ Hồng Mao inspiration rắc rối qua chữ Nho của các cụ xưa). Các cụ xưa, thế hệ của Đinh Hùng, Vũ hoàng Chương trở lên, họ đi tìm anh yên sĩ phi lý thuần một cách nặng kí hơn bằng ả tiên nâu hãm bằng những tách trà đặc quánh. Thuốc lá ngày nay bị coi như cùi hủi. Chỉ còn cà phê. Nói vậy nhưng thuốc lá vẫn kiên trì bám trụ. Nhiều ông bạn văn của tôi vẫn cứ thả khói tơi bời lại còn ngông nghênh “đời chỉ còn tí khói làm vui sao nỡ bắt nhau chia lìa!”.

Cái sang cả của mấy tiệm cà phê hạng…siêu sang trên không phài là chốn lui tới của dân nghiền không khí cà phê. Họ có những nơi chốn riêng tại những tiệm chuyên trị cà phê. Như tiệm cà phê Nhân chẳng hạn. Tác giả Nguyễn Phú Long trong bài “Cà Phê Còn Nhỏ Giọt” đã luận như sau: “Làm ngụm cà-phê, rít hơi Cotab, bóc phong bánh đậu xanh Bảo-Hiên, mấy cử chỉ này “đi” với nhau nhịp nhàng rất hợp, rất gần gụi, không giống như khi dùng trà. Uống trà là một nghệ thuật cao hơn, thanh nhã hơn, trịnh trọng hơn thậm chí còn phải biết cách pha, cách uống nên nó đã được nhiều người nâng thành Đạo. Trà Đạo. Chả hiểu phải vậy không, ông Lưu-Văn-Vịnh đã viết trong cuốn Bốn-Lần-Leo-Núi-Tản: “Uống trà giống như nắm tay Thúy-Vân, mà uống cà-phê như nằm ngủ với Thúy-Kiều.” Sự ví von này gợi ra những hình ảnh thật lãng mạn, trữ tình.Chúng tôi kéo nhau tới đóng vai khách hàng thường xuyên của tiệm Cà-phê Nhân nhiều năm tháng nắng mưa, nhẵn mặt,  từ lúc còn ở trung học đi xe đạp, cho tới khi mặc áo trận vẫn “chung thủy” lái xe nhà binh đến đậu trước cửa mỗi lần về SàiGòn, thế nên hễ có dịp tới đều được đón tiếp thân mật, chuyện trò niềm nở nhất là vào những lúc vắng vẻ. “Lâu quá, không thấy ghé, lại tưởng là..”  Ông chủ tiệm thường “chào” tôi một câu bỏ lửng như vậy, là vì có thể, đôi khi ít khách, ngồi nhìn mưa Sài Gòn trút nước ào ào từng chập, nhớ khách quen, nhớ tôi, ổng đã nghĩ đến những màn phục kích, đến những cuộc giao tranh mịt mù khói lửa.Một lần tôi hỏi, phải đây là tiệm cà-phê từ Hà-Nội “di cư” vào chăng, thì được trả lời: Không hẳn vậy,hai bên chỉ là họ hàng với nhau. Ông chủ ở Sài-Gòn dáng cao lớn, khoảng hơn bẩy chục, nhưng trông còn khỏe mạnh lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, thẳng thắn. Là một cựu sĩ quan Tây, có thời gian phục vụ bên Tầu, nay về hưu ở Sài-Gòn, mở tiệm, hoạt động cho bớt thì giờ nhàm chán, đã mượn đỡ cái tên hiệu của người nhà để mời gọi thêm khách Bắc Kỳ cũ”.

Thực ra cà phê Nhân Hà Nội ngày nay vẫn còn. Trong truyện “Cà Phê Hàng Hành”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc tới tiệm cà phê Nhân này. “Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh bàn đặt của nhóm hoạ sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thúy và đám”thuộc hạ” của cô thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập phương và Tây ba-lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mỳ sốt vang và trứng ốp-lếp. Café Nhân không phải là đệ nhất café Hà Nội. So với café Bằng ở chợ Hàng Da thì thâm niên của café Nhân chẳng ăn thua gì. Café Bằng có từ khi Hà Nội vừa mới Tây hóa. Con thạch sùng ghép bằng sứ ở chợ Hàng Da là biển hiệu của café Bằng. Đấy mới đích thị là đệ nhất đồ cổ café Hà Nội”.

Nói tới chuyện cà phê Nhân để thấy là cà phê cũng có chân chạy chẳng thua gì phở. Ngày tôi mới di cư vào Nam dân uống cà phê ở Sài Gòn vẫn phải ghé những tiệm hủ tiếu để làm một cái xây chừng được lọc bằng những chiếc vợt đen kịt. Lối uống cũng rất Nam kỳ. Ngồi xổm lên chiếc ghế đẩu, đổ cà phê ra đĩa cho nguội bớt rồi uống cà phê bằng đĩa. Cà phê lúc đó rất lùi xùi. Chuyện văn chương có lẽ chưa dính tới với cà phê. Theo nhà báo Tâm Triều thì phải tới thập niên 1960 cà phê mới đổi lốt làm sang. “Vào thập niên 60 Nhà hàng Kim Sơn (nằm trên góc Lê Lợi-Nguyễn Trung Trực) mở cú đột phá ngoạn mục bằng cách bày bàn ghế ra hàng hiên dành cho các văn nghệ sĩ trẻ chiều chiều ra đó bàn chuyện văn chương và. . . rửa con mắt. Hồi đó cà phê Kim Sơn chỉ có một đồng một cốc bằng giá vé xe buýt dành cho học sinh. Mặc dù chủ quán Kim Sơn lúc đó vẫn là người Hoa nhưng đã tiếp thu phong cách cà phê hè phố của dân Paris (Pháp). Theo lý thuyết, những giờ uống cà phê là những giờ thư giãn hoàn toàn vừa nhăm nhi từng ngụm nhỏ cà phê đặc sánh vừa ngắm quang cảnh sôi động đông vui của đường phố. Thuở ấy con đường Lê Lợi vẫn còn những hàng me. Vào những ngày me thay lá, dưới ánh nắng chiều phớt nhẹ, lá me vàng khô rơi tản mạn như hoa “com-phét-ti” lấp lánh làm cho đường phố trở nên...“mộng mị” và thơ. Kim Sơn biết tận dụng ưu thế chiếm lĩnh một góc ngã tư, tầm nhìn rộng bao quát để khai thác dịch vụ cà phê hè phố. Cái phin đã trở nên quen thuộc, cao cấp hơn cái vợt cái vớ của cà phê kho trên cái siêu đất “phản cảm” xưa”.

Khi cà phê đã nhập được vào cái hồn đích thực của nó, nó lại điệu đàng hết biết. Dân ghiền ngồi quán có cả chục nơi có thể chọn lui tới. Mỗi nơi là một kiểu cách. Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân cho biết ông là khách ruột của tiệm café Thu Hương nằm trên đường Hai Bà Trưng, Tân Định, ngó chéo qua trại hòm Tôbia. Quán này đặc biệt nơi ông chủ. “Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó, việc của bạn là uống vậy thì đừng táy máy đụng vào làm hư cà phê của tôi. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và chờ. Yên tâm đi, đừng nôn nóng gì cả, bạn sẽ có cà phê ngon để uống mà. Ông chủ sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường cho bạn, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là café Thu Hương. Đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Nhiều người mới đến lần đầu không biết, cà phê bưng tới là tự lo liệu cho mình đều bị chỉnh ngay. Ông nôn nóng mở phin lỏng như vậy nước chảy ào ào còn gì là Thu Hương! Ông bỏ đường ngọt như ăn chè vậy còn gì là Thu Hương! Ông khuấy cốp cốp kiểu đó cà phê sẽ chua lét là ông giết Thu Hương rồi! “Thằng cha” này rắc rối thật nhưng là sự rắc rối có thể hiểu được, thông cảm được miễn là cà phê ngon. Mà café Thu Hương ngon thiệt, ngon lắm”.

Vẫn cứ theo chân ông thần cà phê Nguyễn Mạnh An Dân, chúng ta sẽ bắt gặp một quán café đầy cốt cách khác: quán chị Chi ở phía sau rạp hát Văn Hoa. Gọi là quán nhưng chẳng có tên , cũng chằng có tiệm. Đó chỉ là gian phòng khách của một căn nhà nhỏ. Quán này đặc biệt nơi chị chủ. “Đến với chị Chi có cái thú vị là được hưởng một không khí thân mật, thoải mái như đang ngồi trong nhà của mình, điều thích nữa là không bao giờ phải bận tâm đến chuyện tiền bạc gì cả, muốn đến lúc nào cứ việc đến, không có tiền thì chỉ cần ngồi cười cười, chị Chi sẽ nói giùm cho bạn điều bạn khó nói, “Cuối tháng chưa lãnh măng đa phải không? Uống gì nói chị lấy.” Chưa hết đâu, khi đã thân, đã thành “bạn của chị Chi,” hai lần mỗi năm vào khoảng trước Giáng Sinh và hăm ba ông táo về trời bạn sẽ được chị Chi kêu “đến chị chơi.” Đến chị chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị Chi vui và khoẻ, “chơi” còn có nghĩa là có bánh bèo tôm chấy hay bánh hỏi thịt nướng kèm thêm nữa. Khách của chị Chi không đông, giá nước ở chị Chi không đắt vì vậy chắc chắn chị Chi không sống bằng “cửa tiệm”, chị bán cho vui, bán mà như kêu anh em góp chút tiền cho chị để chị nấu giùm chút nước uống cho vui. Mà quả tình ở chỗ chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghĩa”.

Cuối thập niên 1960, Sài Gòn nở rộ quán cà phê. Mỗi quán mỗi vẻ. Dân văn nghệ mặc sức mà ngồi đồng tán gẫu. Nào Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Biển Nhớ, Da Vàng theo dòng nhạc Trịnh Công Sơn, nào Hương Xưa, Hoàng Thị, Hoài Cảm theo tên những bản nhạc của Cung Tiến và Phạm Duy. Cách đặt tên này cho biết là nhạc đã chen vào đồng hành với cà phê. Khách ngồi quán phần đông là những chàng sinh viên tương lai còn mù mịt như đám khói phun ra từ những điếu thuốc không bao giờ tắt lửa. Không khó tính như ông chủ quán café Thu Hương, không ân tình như chị Chi, quán Gió Nam trên đường Phan Đình Phùng kéo mấy chàng nho nhỏ bằng những bóng hồng. Nhà báo Tâm Triều một thời…Gió Nam vẫn tha thiết. “Đường Richaud Phan Đình Phùng quả thật văn nghệ với quán café Gió Nam nổi tiếng vì cô hàng café tuyệt sắc giai nhân. Nàng có nước da trắng xanh liêu trai với mái tóc thề ngây thơ nữ sinh. Nhân vật đã đi vào truyện Duyên Anh, qua bao chàng trai say đắm, tranh đua nàng, từ trí thức đến du đãng yên hùng. Cũng tại đường Phan Đình Phùng với quán phở Con Gà sống thiến cùng hai kiều nữ con chủ quán, nổi danh tài sắc. Yến Vỹ cùng chị, cả hai để mái tóc bồng rối như minh tinh Brigitte Bardot. Bao thực khách đến chẳng phải phở ngon, nhưng vì Yến Vỹ đẹp lại hát hay. Thì ra ngoài quán café, nhà hàng phở giai nhân cũng khiến một chàng Cử Văn Khoa phải vào nhà thương điên vì tình si. Phan Đình Phùng còn thêm café quán Luật Khoa và cơm gà Xing Xing, với những giai nhân lai Pháp, càng làm thêm Sàigòn có một chút Paris”.

Trong những chàng trai trẻ năm đó có những ông bạn ngày nay tên tuổi vững vàng trong trận văn làng báo. Nhân ngày giỗ 5 năm của ông Đỗ Ngọc Yến vào ngày 17 tháng 8, ông Phạm Phú Minh đã kể lại chuyến mạo hiểm mang ba lô lều chõng đi Đà Lạt của những chàng trai còn lơ ngơ với đời ngày đó. Người đầu têu cho chuyến phiêu lưu này chẳng ai khác hơn là ông Đỗ Ngọc Yến, người luôn có chuyện muốn làm và dám làm. Họ đáp xe lửa và mang theo xe đạp lên cao nguyên. Ăn thì tùy tiện, ở thì cắm lều bên hồ Than Thở ngủ với ngàn sao. Một trong những cái phiêu lưu của mấy ông…ba lô này là phiêu lưu với cà phê. “Năm ấy những chiếc xe ủi đất đang làm việc để chuẩn bị xây khu chợ mới, làm vỡ ra những mảng đất đồi đỏ tươi. Chợ và phố xá chỉ mới quanh quẩn trên khu Hòa Bình. Với túi tiền học sinh, chúng tôi không dám vào bất cứ tiệm ăn nào, nhưng một hôm bỗng Yến đề nghị cả bọn đi uống cà phê! Thú thật hồi đó tôi chưa có thói quen uống cà phê, và chắc cậu nào cũng vậy, chưa thực sự biết cái ngon của cà phê, nhưng ai cũng háo hức đồng ý làm như ta là tay sành sỏi lắm. Sau khi kiểm điểm lại tiền bạc, tôi nhớ cả bọn vào một quán cà phê cùng dãy với hiệu Chic Shanghai, và kêu cà phê phin. Nhưng những cái phin xuống rất chậm, ngồi mãi ngồi mãi mà nó cứ lâu lâu mới nhỏ xuống một giọt, cả bọn đâm ra nóng ruột và lúng túng như vừa vào một trò chơi mà mình chưa nắm vững luật chơi. Mà quả thật như vậy, chầu cà phê đó chẳng ra làm sao cả, cuối cùng pha chế lung tung để uống cho xong, và chắc chắn chẳng thấy ngon lành gì. Nhưng đó là một mạo hiểm có tính cách văn nghệ đầu tiên mà Yến đã đem lại cho cả bọn, nhân chuyến đi chơi tại thành phố thơ mộng cao nguyên”.

Cà phê, cũng như thuốc lá, chúng làm lớn những chàng trai. Và chúng sống hoài sống hủy với cuộc đời của những người nợ nần với chữ nghĩa.

Sáng mồng một tết, bạn gặp ta ở quán
Bạn chúc ta năm mới phát tài
Ta chào lại bằng câu thông lệ
Xin cám ơn và bạn cũng ... you too

Ta kéo ghế gọi cà phê sữa
Quán thưa người mặc sức líu lo
Ta hỏi :
- hôm nay sao không đi làm cha nội?
- tết nhất lặn ở nhà một bữa ... don't care

(Quan Dương)

Tôi khoái cái thứ cà phê văn nghệ này hơn thứ cà phê vô tình dính vào chính trị của ông Đại Sứ Locke mặc dù cà phê của ông Đại Sứ coi bộ cũng được việc. Nói vậy mà cũng nói được, ai chẳng biết ông cũng viết lách lăng nhăng!

09/2011