Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

RÁY

Bộ thế giới hết chuyện rồi hay sao mà nhật báo Mercury News ở San Jose đã cử ký giả John Boudreau về tận Sài gòn để viết bài về…ráy! Bài này đựợc đăng trên trang nhất số báo ngày 23 tháng 1 năm 2011 vừa qua. Ráy đây là ráy tai, thứ già trẻ lớn bé nữ cũng như nam ai cũng có. Ông ký giả Mỹ này đã mở đầu bài phóng sự viết từ Sài Gòn: “ Đối với người phương Tây, cái ý tưởng phải trả tiền để người ta thọc cây nạo và cái nhíp gắp vào lỗ tai là chuyện vô vọng. Với người Việt Nam, đó là một nghệ thuật”. Vì nghệ thuật nên có những người nghiện lấy ráy tai đến nỗi vừa trải qua một chuyến bay dài từ Mỹ về Sài Gòn đã vội chạy tới một nơi mà ký giả Boudreau viết nguyên văn là “hot toc” giơ tai ra cho người ta ngoáy.

Chuyện mà người Mỹ không hiểu được, người Việt chúng ta lại…say mê. Tôi là người Việt nên đã có thời chỉ chờ cho tóc dài để chạy tới với ông thợ hớt tóc. Tôi vốn không khó tính với cái thứ…góc con người lắm nhưng ngày xưa, khi còn ở Sài Gòn, vẫn coi hớt tóc là phụ, lấy ráy tai là chính. Ngả người nằm dài trên ghế, mắt lim dim, hơi nghiêng một bên tai lên cho ông thợ hớt tóc chiếu đèn điện vô tai, dùng cái móc mân mê trong tai. Sướng cách chi đâu! Cứ mỗi một…phi vụ là ông thợ lại quệt chút ráy tai vàng vàng lên mu bàn tay khách. Sau đó, những ông thợ loại xịn thường chi thêm một màn tẩm quất mặt đã đời và kết thúc màn trình diễn thú vị bằng một chiếc khăn nóng lau khắp mặt làm tê mê…thượng đế!

Ngày đó hớt tóc, lấy ráy tai còn rất…vô tội. Những ông thợ hớt tóc có thêm tài lấy ráy tai vừa nhẹ nhàng vừa thú vị thường rất đông khách. Hình như hồi đó ai cũng có một ông thợ quen. Tới tiệm nếu ông thợ ruột này đang bận khách thì chờ bao lâu cũng chờ, nhất định không thay lòng đổi dạ, mềm lòng nghe theo lời dụ dỗ của cô giữ két quảng cáo ông thợ khác đang đói khách mà phụ lòng nhau. Tiêu chuẩn chọn thợ ruột hình như nghiêng về tài lấy ráy tai hơn là hớt tóc. Nếu được cả hai thì số dách!

Tôi dùng hai chữ “ông thợ” vì hồi đó thanh nữ hớt tóc rất hiếm, nếu có cũng không tài nghệ bằng các ông thợ nam tuy có thể…điệu nghệ hơn. Cũng nhớ lại chuyện hồi nẳm thì phòng hớt tóc nam và “viện” uốn tóc nữ thường là riêng biệt nhau, tuy có thể cả hai đều có cái ống  chạy xoắn xuýt màu xanh xanh đỏ đỏ ở phía trước làm dấu hiệu. Và tôi hầu như không nghe thấy chuyện  các viện uốn tóc có thêm màn lấy ráy tai. Các bà thường không giơ tai ra cho người ta ngoáy. Theo ông ký giả Boudreau thì ngày nay các bà cũng thích lấy ráy tai. Chứng nhân được kể ra trong bài báo là cô Katie Dang, khoảng hơn hai chục tuổi, là một ca sĩ thường bay qua bay lại giữa Mỹ và Việt Nam. Cô cho ông ký giả biết: “Lần đầu ai cũng sợ, nhưng sau đó thì oh my God!”.

Tại sao mà phải kêu tới…Chúa một cách thất thanh như vậy? Ông Boudreau bật mí: “Trong tai có một điểm mà nếu đụng vào đúng cách sẽ rất phê. Có người chỉ thấy đã ngứa nhưng cũng có người nhớ đời. Đó là lời của cô thợ 26 tuổi Nguyễn Thị Lệ Hằng. Thực vậy, theo Bác sĩ Todd Dray, chuyên về tai mũi họng của Trung Tâm Y Khoa Kaiser ở Santa Clara, thì trong tai có một điểm G. Lớp da trong tai rất mỏng, mỏng như tờ giấy, rất nhậy cảm và là nơi quy tụ nhiều đầu giây thần kinh”. Điểm G trong tai là điểm tương tự như điểm G trong đóa hoa thầm kín của phụ nữ. Nhậy cảm là cái chắc!

Trong bàn tay của phái nữ thì chuyện gì cũng…vui hơn. Bởi vậy tôi mới nói là chuyện lấy ráy tai của chúng tôi ngày xưa rất vô tội. Ông bạn tôi, người về Việt Nam xoành xoạch, được hỏi lý do chỉ cười trừ. Bỗng một hôm, trong một phút lỡ miệng, đã ca tụng chuyện hớt tóc ở Việt Nam. Tài tình vô cùng. Hớt phía bên trái thì các cô đứng ở phía bên phải với qua, hớt phía bên phải thì với qua từ phía trái. Lấy ráy tai cũng vậy. Cứ bên đoài nhoài qua bên đông, rồi bên đông ép qua bên đoài. Cái với đó là một màn ăn tiền. Tôi nghe vậy thấy cũng lạ. Sao người ta lại rắc rối như vậy nhỉ? Đó là những cô gái không…hợp lý! Đọc một bài phóng sự trên báo trong nước lại biết được nhiều cái lạ hơn. “Theo quy trình phục vụ, đầu tiên khách đến tiệm được các cô thợ đưa vào phòng trong để gội đầu, massage mặt thư giãn. Vách ngăn giữa căn phòng này với bên ngoài thường chỉ là một tấm màn vải kéo ra kéo vào. Trong lúc gội đầu, vừa tán chuyện với khách, các cô nhanh nhẹn luồn tay lách từng kẽ tóc tạo cho khách cái cảm giác vừa lâng lâng vừa... rờn rợn cả người. Xong công đoạn gội đầu, massage mặt khoảng 30 phút, khách được dẫn ra bên ngoài để làm tiếp phần hai đó là cạo mặt và ráy tai. Phần cạo mặt được thực hiện rất nhanh, chỉ 5 phút là xong. Riêng màn ráy tai có lẽ là hấp dẫn nhất vì các cô làm rất từ từ, nhẹ nhàng để "thượng đế" dần dần chìm vào... giấc ngủ”.

Tôi thật nhà quê. Thời buổi này là thời buổi “dzậy mà không phải dzậy”. Nói là hớt tóc nhưng hớt tóc là chuyện qua quít. Cái góc của con người bị dẹp vào một góc. Chuyện chính là tê mê. Mà tê mê thì cứ điểm G mà nhắm. Thời buổi kinh tế thị trường nên điểm G bị oanh kích dữ dội. Cứ cho que ngoáy vào tai mãi cũng nhàm, người ta kiếm cách khác. “Hoành tráng” hơn! Chơi bằng lửa!

Đây là một chiêu lấy ráy tai tân kỳ ở Việt Nam được quảng cáo là nhập vào từ nước ngoài. Đọc tài liệu thấy viết lối lấy ráy tai này có ở Trung Quốc, Ai Cập, Tây Tạng và nhóm thổ dân Hopi. Nhưng lập tức Hội Đồng thổ dân Hopi lên tiếng cải chánh. Họ chưa bao giờ chơi trò mà tiếng Anh gọi là ear-candling này cả. Chiêu lấy ráy tai này sử dụng một cây đèn làm bằng sáp ong thiên nhiên và vải thấm nước. Ruột cây đèn sáp này rỗng. Khi khách đã nằm yên trên một chiếc ghế nệm dài, tiếp viên sẽ để một đầu đèn sáp vào lỗ tai khách rồi châm lửa đầu kia. Khói sẽ theo đường rỗng trong ruột cây đèn đi vào tai. Khi cây đèn cầy đã cháy được hai phần ba chiều dài, tiếp viên sẽ lấy đèn cầy ra và dùng một dụng cụ để lôi ráy tai ra một cách dễ dàng. Theo giải thích của chủ tiệm thì áp lực nóng từ bên ngoài vào sẽ làm khách cảm thấy như được xông tai, rất dễ chịu. Sức nóng cũng tạo ra lực hút chân không, làm chênh lệch áp xuất trong và ngoài vành tai giúp kéo ra được những bụi bẩn trong tai và hút được nhiều ráy tai hơn. Đèn cầy loại nhập cảng giá tới 8 đô Mỹ nhưng nay trong nước đã chế tạo được nên giá thành rẻ hơn.

 

Nằm cho người ta…đốt tai như vậy cảm giác ra răng? Nếu tôi có về Việt Nam chắc cũng chẳng dám đưa tai cho người ta đốt, dù “người ta” là những cô em vừa xinh vừa ngại mặc nhiều áo quần lấn cấn. May thay tôi vào internet vớ được bài viết của một…chứng nhân kể lại. “Sau một vài động tác xoa bóp làm nóng, cô thợ tên L. cầm ra hai cây đèn cầy. Thoạt nhìn nó giống như cái bánh tráng Trảng Bàng cuộn lại nhưng khi tôi cầm lên xem kỹ thì mới biết đèn cầy làm bằng một lọai sáp. Theo cô L. đây là hàng xách tay từ nước ngoài về, giá 8 USD một cặp… Tôi nhìn xuyên qua cây đèn cầy thấy thông ruột không có chất gì bên trong nên tạm thời an tâm, nhắm mắt chờ “thổi lửa”. Lửa đốt lên, cô thợ khác tên T. cầm cây đèn cầy đang cháy hừng hực đưa vào lỗ tai tôi. Bên dưới có lót một tấm cạc tông tròn, nhỏ, bọc giấy bạc để phòng trường hợp tàn đèn cầy rơi xuống làm cháy tai. Bạn tôi chồm lên hỏi: “Thấy sao? Phê chưa?”. Tôi thì thào: “Lấy máy hình chụp vài tấm làm kỷ niệm để đưa lên blog cho bạn bè coi chơi”. Bạn tôi chụp lia lịa. Tiếng cháy xèo xèo của ngọn nến và làn khói đen bốc lên. Bạn tôi hỏi cô thợ: “Sao nhiều khói đen vậy?”. Cô T. chắc cũng không biết tại sao nên nín thinh. Tôi xen vô: “Chắc đang hút âm khí từ tai ra”. Mắt tôi bắt đầu lim dim. Bạn tôi nói: “Chắc đang phê kìa!”. Thật ra tôi không thấy có cảm giác gì khác lạ như vài người diễn tả trên mạng. Tôi lim dim buồn ngủ vì bàn tay cô T. đang vo tròn sau gáy tôi như mẹ xoa đầu để ru con ngủ. Chừng 20 phút, ngọn nến sắp tàn, cô T. rút đèn cầy ra dụi tắt. Ông chủ Bình dùng kéo mổ cây đèn cầy ra cho tôi xem. Bên trong có một vài cục vàng vàng và một ít bột ngà ngà. Tôi hỏi: “Ráy tai đó hả anh? Ghê vậy!”. Ông Bình giải thích: “Không hẳn là ráy tai, cũng có một ít, nhưng cái này là  thuốc trong đèn cầy khi hút ráy tai ra nó đọng lại”. Tôi tò mò hỏi thuốc đó là thuốc gì, có hại cho tai tôi không? Ông Bình bảo: “Cũng chỉ nghe là thuốc chứ không biết là thuốc gì! Nhưng không sao đâu, cả trăm người làm từ ngày khai trương tới giờ, chưa nghe ai nói gì”.

Ông blogger này quả là một người can đảm, giơ tai ra cho người ta đốt! Nhưng phải nhờ có những người đầy tính mạo hiểm như vậy ta mới biết cách lấy ráy tai kiểu…hỏa hoạn đó ép-phê ra sao? Có lẽ đây chỉ là một cách trình diễn có vẻ mới lạ để lấy tiền của khách hàng. Theo Bác sĩ Võ Quang Phúc của bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn thì việc lấy ráy tai bằng lửa không có cơ sở khoa học: “Ngay cả để thư giãn, y học cũng không nói đến. Tuy nhiên phải hết sức lưu ý, nếu đèn cầy không sát trùng sẽ gây viêm tai. Khói đốt đèn cầy có những thành phần hoá học như thế nào chưa rõ nhưng khói vào tai sẽ gây nguy hiểm cho tai. Có thể ảnh hưởng đến sức nghe và gây chóng mặt. Ngoài ra, nếu lấy ráy tai không đúng cách, không vô trùng vật dụng ngoáy tai còn dễ gây ra bệnh nấm tai”

Trong tiếng Việt ta, ráy tai còn được gọi là “cứt ráy”. Nghe như một thứ đồ phế thải. Bộ tai cũng biết…bài tiết sao? Thực ra cái thứ tưởng là vô dụng đó có ích cả đấy. Con tạo chẳng dư thời giờ tạo ráy tai để chúng ta giơ tai ra cho các kiều nữ chọc chọc cho đã ngứa đâu. Ráy tai nằm ở ống tai ngoài, do một loại chất nhờn tựa như mồ hôi tiết ra từ những tuyến hạch nhỏ trộn lẫn với những tế bào chết rơi ra trong lỗ tai tạo thành. Nó có công dụng riêng. Khi những hại bụi bẩn trong không khí hoặc những loại côn trùng nhỏ chẳng may bay vào lỗ tai thì chất nhờn này ngăn chặn lại, không cho chúng đi sâu vào bên trong, tránh gây tổn hại cho cơ quan thính giác. Một số côn trùng nhỏ đôi khi bị…lạc đường chui vào lỗ tai, nhấm phải vị đắng của ráy tai sẽ lập tức…ô-rơ-lui liền một khi! Ráy tai là một chất sát trùng, nếu các vi khuẩn lọt vào trong lỗ tai, đụng phải nó thì sẽ lăn quay ra chết khiến tai không bị nhiễm khuẩn.

Tai dùng để nghe, ai chẳng biết như vậy. Âm thanh từ bên ngoài lọt vào lỗ tai, nhờ dao động của màng nhĩ nằm ở độ sâu 25 milimetre nên chúng ta mới nghe được âm thanh. Khi âm thanh đi qua ống tai ngoài để vào bên trong tai, ráy tai có nhiệm vụ làm giảm bớt cường độ của các sóng âm, tránh cho màng nhĩ bị kích thích quá mạnh. Nhờ vậy mà chúng ta không bị…rách tai khi nghe những thứ tiếng…vũ phu như tiếng sấm, tiếng máy bay hay tiếng la của các hiền phụ! Thông thường khi chúng ta ngáp, há miệng, lắc đầu, chạy nhảy, nói chuyện, nhất là cãi lộn thì những mảnh ráy tai sẽ tự động…nhảy ra ngoài. Cần phải mở dấu ngoặc ở đây: chẳng nên cãi lộn chỉ vì ráy tai! Chuyện ráy tai nhảy ra ngoài chắc ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm. Tôi thì kinh nghiệm đầy mình mỗi khi tập thể dục (hoàn toàn không có ý khoe mình có tập thể dục đâu đấy nhé!). Rất nhiều lần, khi nghiêng đầu hay nhảy cao một chút là có thể…ngứa ở lỗ tai và ráy tai nhảy dù ra! Đó là chuyện thông thương thường tình của ráy tai. Để khảo sát chuyện thường tình này, một nhà sinh lý học người Mỹ đã làm một thí nghiệm khá lý thú. Ông bôi một thứ thuốc nhuộm không độc hại vào lỗ tai của 60 người tình nguyện rồi chụp hình để quan sát. Sau một thời gian, chất thuốc nhuộm dần dần bị tống hết ra ngoài cùng với ráy tai.

Theo các chuyên gia y tế thì chúng ta chẳng nên mò mẫm vào trong lỗ tai. Ráy tai cần phế thải thì nó sẽ tự phế thải. Ngay cả thói quen chọc cây quấn bông gòn vào ngoáy tai cũng chẳng nên. Bởi vì làm như vậy sẽ làm ráy tai dồn lại và bịt một phần ống tai. Thanh thiếu niên ngày nay ra đường là nhét ống nghe earplug  lắc lư nghe nhạc bằng Ipod là ngăn tiến trình tự rơi rớt của ráy tai. Chẳng nên! Hãy để cho tai được tự do và yên tĩnh. Không bịt, không chọt chẹt gì hết. Nếu tai có quá nhiều ráy tai, hãy chạy ngay ra nhà thuốc mua một ve thuốc nhỏ vào tai, hiệu nào cũng được, hoặc nếu ngại ra nhà thuốc thì có thể dùng nước muối hay nước khử trùng cũng OK, nhỏ vài giọt vào để làm lỏng ráy tai. Chỉ nhỏ không thôi, không có ngoáy, Còn việc ráy tai rớt ra ngoài là việc của tai, chứ không phải việc của...tay! Nếu ráy tai phong phú quá mức, có thể tới bác sĩ tai mũi họng để được lấy ráy tai bằng những dụng cụ chuyên dùng.

Ráy tai có hai loại: khô và ướt. Cái thứ ngiêng đầu là rơi ra phải là thứ khô chứ ướt thì còn bám trụ vào thành lỗ tai đâu có chịu buông mình nhảy ra ngoài được. Tại sao có người ráy tai ướt, có người khô? Dĩ nhiên không phải tùy sở thích của mỗi người. Chúng ta không có quyền hạn chi với ráy tai của chúng ta cả. Chúng tùy thuộc chủng tộc. Theo số liệu thống kê y học thì đa số người châu Âu và châu Phi có ráy tai ẩm và từ 90% đến 96% người châu Á có ráy tai khô.

Cái sự khô hay ướt này được quyết định bởi đột biến ở một gene duy nhất. Một nhóm gồm 39 nhà khoa học thuộc Đại Học Nagasaki đã tìm ra là nguyên nhân của sự khác biệt này chính là gene ABCC11. Gene này kiểm soát hành vi của một kênh tế bào mà kênh này lại kiểm soát dòng phân tử biến đổi ráy tai. Mọi đột biến ở gene ABCC11 có thể thay đổi cấu trúc của kênh tế bào. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự thay đồi cấu trúc của kênh tế bào này có lẽ phát khởi từ Đông Bắc Á Châu rồi lan ra khắp châu Á cũng như tới những thổ dân châu Mỹ và người Inuit có nguồn gốc châu Á. Các nhà khoa học đã dẫn chúng ta đi vào chỗ phức tạp. Thôi thì cứ căn cứ trên thực tế để thấy chúng ta phần lớn đều có ráy tai khô. Đây là một...ân sủng! Bởi vì cái sự ướt và khô này sẽ dẫn tới nhiều điều quan trọng hơn.

Nếu xét về mặt giải phẫu sinh lý thì tuyến ráy tai và tuyến nách thuộc cùng một loại. Chúng đều là những tuyến mồ hôi lớn trong cơ thể. Nếu trong mồ hôi có nhiều chất béo và chất đạm thì khi bị phân giải sẽ phát ra một thứ mùi đặc biệt mà chúng ta thường biết như mùi hôi nách! Theo thống kê thì khoảng 93% người có ráy tai ẩm mắc chúng hôi nách! Cho nên chỉ cần quan sát kỹ lỗ tai cũng có thể biết gần như chính xác một người có bị hôi nách hay không. Điều này các cô cậu hoặc những người đang tìm hiểu ý trung nhân cần ghi nhớ!

Các nghiên cứu còn cho biết các tế bào tuyến sữa của người mẹ và tế bào tuyến ráy tai ở bé sơ sinh cũng thuộc cùng một loại. Nếu hài nhi có ráy tai ít và mềm thì bà mẹ có dư sữa cho con bú. Khi tuyến sữa của người mẹ hoạt động quá mạnh thì có nhiều nguy cơ sẽ bị ung thư vú. Vậy thì ráy tai có thể được dùng như một phương pháp đơn giản để chẩn đoán và dự phòng bệnh tật. Ráy tai còn có thể làm hơn nữa: chúng có thể là một vị thuốc chữa bệnh!

Sách “Nhật Hoa Tử Chư Gia Bản Thảo” xuất hiện từ thế kỷ thứ 10 cho biết ráy tai có thể chữa được bệnh điên và tật nghiện rượu. Sách “Thính Kiến Lục” có nói ráy tai chữa được bệnh sâu quảng. Sách “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân viết: “Ráy tai có thể dùng để trừ côn trùng rắn rết”. Trong sách “Nho Môn Sự Thân”, danh y Trương Tòng Chính cho hay ráy tai có thể chữa được bệnh “phá thương phong”, một chứng bệnh do da thịt bị tổn thương và nhiễm trùng. Sách “Phổ Tế Phương” bày cách dùng ráy tai chữa bệnh trẻ khóc dạ đề. Toàn là những bài thuốc của đông y.

Vậy mà vào tháng 10 năm 2007, trên YouTube có phổ biến một đoạn video quay cảnh ông Kevin Rudd, một chính khách tên tuổi của Úc, đang ngồi họp tại quốc hội. Trên diễn đàn, một dân biểu đang thao thao phát biểu thì máy quay chĩa vào ông Rudd. Ông ngồi ngó lơ chung quanh, có vẻ buồn chán, đút ngón tay trỏ của bàn tay trái vào tai, ngoáy vài lần trước khi rút tay ra, đưa vào miệng và nhai! Đoạn phim rất riêng tư và kỳ cục này kéo được 200 ngàn lượt người vào xem.

Chuyện có vẻ kỳ cục thiệt. Tại sao ông này lại xơi ráy tai của mình như vậy? Câu hỏi làm tôi suy nghĩ lung. Tôi không biết chữ Hán, thấy người ta nói sao về các phương pháp chữa bệnh của các sách thuốc ngày xưa thì chép lại như vậy. Bộ ông Kevin Rudd có đọc các sách này chăng? Và ngồi buồn chán (buổi họp quốc hội nào mà chẳng buồn và chán!) chẳng làm được như cụ Trần Văn Hương lúc ngồi buồn gãi cái lăn tăn, ông tự chữa bệnh theo đông y chăng? Nếu đúng thì ông chữa bệnh chi? Sâu quảng, phá thương phong, rắn rết cắn, khóc dạ đề, những bệnh này chắc ông không mắc phải. Chỉ còn bệnh điên!

04/2011