Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

CỬA

Phải chi ông Bùi Giáng còn sống! Khi nghe tin cô đào chiếu bóng Elizabeth Taylor an nghỉ, tôi nghĩ ngay như vậy. Thi sĩ Bùi Giáng là một người tài hoa rất thương hoa tiếc ngọc. Cái chết của cô tài tử chỉ thích người ta gọi mình bằng cái tên thân mật Liz chắc cũng kiếm thêm được ít thơ của chàng thi sĩ nòi tình. Nhưng không sao, chúng ta còn em của ông Bùi Giáng. Ông em này cũng thuộc loại nòi tình rất ít khi làm ngơ với cái đẹp, nhất là người đẹp.

không dám như Bùi Giáng
mê tài tử minh tinh
nhưng thú thực có thuở
vơ vẩn như si tình

năm tròn hăm hai tuổi
“nàng” đẹp nhất hành tinh
chỉ một thoáng mắt liếc
đủ run rẩy rùng mình

nhan sắc còn trọng vọng
nhất thế kỷ hai mươi
điều hiển nhiên đến với
lòng ái mộ của đời

Nay nghe hung tín “nàng” ra người thiên cổ, ông mần thơ tiễn.

hôm nay “nàng” nhắm mắt
đi về một cõi xa
tôi vô danh vọng tưởng
bẻ chữ làm nhành hoa

xin đưa “nàng” một chặng
mơ hồ qua không gian
trời xanh mây trắng lắm
thanh thản vút bóng “nàng”.

Mấy lời tiễn đưa một thiên quốc sắc về với cát bụi này là của ông Luân Hoán. Ông này khoái đưa người qua sông lắm. Người ta chưa nhắm mắt ông đã đưa. Tôi cũng đã được ông tiễn bằng một bài thơ rất cảm động. Ông không trù dập ai qua cửa tử nhưng ông nói là ông có thể đi trước , sợ không có dịp tiễn đưa bằng hữu, nên tiễn trước cho khỏi áy náy! Một người khoái tiễn đưa như vậy làm sao không tiễn đưa “nàng” được. Ngày tôi vừa bước lên trung học nàng lúc đó đúng là người chiếm trọn trái tim những anh vừa chập chững nhận thấy cái giống tóc dài khác với tóc ngắn ra sao. Lúc đó nàng mới mười tám đôi mươi, đẹp như một bức tượng, được khắp mặt địa cầu tôn thờ. Bây giờ, người đi vào lúc 79 tuổi, trải qua 8 lần lên xe hoa với 7 ông chồng (ông Richard Burton may mắn được nàng cưới 2 phùa) nên khó dùng chữ “nàng” quá. Vậy nên ông Luân Hoán mới nhốt chữ “nàng” trong hai cái móc. Dù sao, Liz cũng một đời thiên hương quốc sắc.

Nữ tài tử Elizabeth Taylor đẹp ở điểm nào, chuyện không còn phải bàn cãi. Nàng ám ảnh nhân loại bằng cái cửa sổ tâm hồn kỳ lạ của nàng. Chỉ một cái liếc mắt / Đủ run rẩy rùng mình. Mắt chi mà quyền uy! Đó là cặp mắt màu tím! Trong chốn nhân gian mấy ai lại được chơi trội màu mắt như vậy. Màu mắt của mỗi người được quyết định bằng lượng sắc tố melanin. Melanin có màu nâu đen ở trong mống mắt. Mống mắt là cái màng trước nhãn cầu mắt. Nếu ít melanin sẽ có màu mắt xanh, dồi dào melanin mắt sẽ có màu nâu hoặc đen. Màu mắt đi với màu da và màu tóc. Cái thứ tóc vàng sợi nhỏ thì đi với mắt xanh hoặc xám. Tóc đen, da sậm thì đi với mắt nâu hoặc đen. Con nít thường có màu mắt nhạt hơn vì còn ít melanin, khi lớn, lượng melanin nhiều hơn nên mắt sậm màu hơn. Đó là những cặp bài trùng thông thường của cái giống người. Nhưng mắt tím thì chắc là người nhà trời! Mắt của cô đào Liz thì tím từ khi mới sanh. Kể cũng là lạ!

Màu tím của cái mà thế gian ca tụng là “cửa sổ linh hồn” đã khác người, cái màn cửa sổ của Liz cũng khác người nữa. Tôi muốn nói tới bộ lông mi. Thường thì lông mi của chúng ta chỉ có một hàng mỏng. Nàng Liz lại có tới hai hàng. Chính bộ lông mi rậm rạp đã làm cho cặp mắt mơ huyền hơn. Khi còn nhỏ, bộ lông mi đúp này khiến Liz như già hơn. Nhưng khi trổ mã, bộ lông mi trời cho này đã tôn vẻ đẹp của mắt lên. Các nhà trang điểm công nhận đôi lông mi này lá thứ lý tưởng. Có gắn lông mi giả loại xịn tới đâu cũng chẳng bằng bộ lông mi natural của người đã được tôn là “người có bộ lông mi đáng ghi nhớ nhất” theo như một cuộc thăm dò của các báo thời trang. Ngày nay, các nữ tài tử, ca sĩ khổ vì lông mi giả. Chơi thêm lông trên mắt là một sự nặng nề khó chịu. Nhưng dưới ánh đèn sân khấu hay trên sàn quay, lông mi giả là cái bắt buộc để có cặp mắt đẹp. Nghe một nữ ca sĩ đứng hát trên sân khấu ít người trong chúng ta cảm thông được nỗi khổ cực của người đang nặn ra những âm thanh mua vui cho đời phải chịu. Một trong những nỗi khổ là cặp lông mi giả như muốn cuốn mắt xuống. Có lần, sau một xuất hát, cô cháu ca sĩ Diễm Liên đi ăn với vợ chồng tôi đã than: “Giờ mà chùi được cái mặt phấn thì sung sướng biết bao!”.

Elizabeth Taylor không có nỗi khổ đó. Nàng không cần xài đồ giả. Cứ trời cho sao xài vậy. Với người đẹp, trời lại quá hậu hĩnh. Hai món quà trời cho nàng, màu mắt tím và hàng lông mi hai lớp, ngay từ khi mới sanh. Bà mẹ coi bộ không vui. Cô con gái vừa lọt lòng trông như già dặn hơn. Vị bác sĩ săn sóc cho hai mẹ con đã phải trấn an bà mẹ đây chỉ là một ca đột biến (mutation). Theo tác giả J. Randy Taraborrelli của cuốn tiểu sử “Elizabeth” thì khi nghe được như vậy, bà mẹ thở phào: “Vậy hả! bây giờ mọi chuyện coi bộ không trầm trọng chút xíu nào!”. Ông bác sĩ cố giải thích một cách giản dị như vậy chứ thực ra cặp lông mi đúp là kết quả của gene đột biến FOXC2. Danh từ chuyên môn y khoa gọi lớp lông mi bonus này là “distichiasis”. Đây là một đột biến ít khi xảy ra. Bác sĩ Aaron Fay, chuyên gia mổ mắt tại bệnh viện Mắt và Tai Massachusetts ở thành phố Boston, cho biết là lông mi thường mọc ở vành phía ngoài của mí mắt. Tuy nhiên: “Distachiasis là loại lông mọc ở chỗ đáng lẽ là một hạch mỡ được coi như phần ướt của mi mắt”. Sự mọc lông mi extra này có thể gây ra ba phản ứng: ngứa mắt, hay chảy nước mắt hoặc làm thương tổn tế bào ngoài của giác mạc khiến tầm nhìn bị giảm thiểu”. Không biết cô nàng Liz có bị những khó chịu này không mà không thấy ai đề cập tới. Chỉ biết sự đột biến này đã làm Liz mất một vai điện ảnh ngay từ khi nàng mới lớn. Ông đạo diễn của hãng phim Universal đã chê là đôi mắt khác thường làm cô bé già hơn tuổi của vai diễn tuy tuổi nàng vẫn còn ít xỉn!

Được trời phú cho đôi mắt màu tím, Liz hầu như phá luật trời. Lý ra giống tóc vàng sợi nhỏ như Liz thì mắt phải xanh hoặc xám của người phương Tây. Và giống tóc đen của tôi và các bạn đích thị phải là giống phương Đông và mắt phải nâu hoặc đen. Có lẽ mắt của dân ta nâu nhiều hơn đen thì phải. Tôi nhớ trong tờ căn cước mà tôi mừng như trúng số khi cầm trên tay vào năm 18 tuổi có khoản ghi “màu mắt”. Ông cảnh sát làm căn cước hồi đó nhìn chăm chăm như muốn nhảy vào ngồi trong mắt tôi và cầm bút ghi “nâu”! Không biết có phải vì ít người mắt đen nên mắt đen là một thứ được ưa chuộng chăng? Trong bài ca dao hầu như ai cũng thuộc nằm lòng có kể ra mười cái thương mà mắt đứng vào hạng 10. Kể cũng hơi chậm. Mười thương con mắt hữu tình với ai. Không biết sao mà tôi cứ nghĩ con mắt hữu tình phải là mắt đen. Trong truyện ngắn “Con Bần” của Nhã Ca, cặp mắt cũng có hạng lắm. Con Bần là một con nhỏ người làm vừa dơ dáy vừa ốm tong teo. Được cái nó có cặp mắt thật đẹp. Đó là cái cửa mà cậu chủ mở vào đời nó khi nó vừa trổ mã. Cậu mở cửa vào lúc đang say rượu. “Cậu chủ lè nhè. Con Bần trố mắt nhìn. Cậu chủ cũng nhìn lại nó, rồi nó thấy mặt cậu chủ đỏ như trái lựu chín. Cậu vẫy: “Bần, mi lại đây tao biểu”. Nửa muốn bỏ chạy, nửa lại muốn bước tới. Con Bần không biết trong bụng nó nghĩ ra làm sao nữa. “Mắt mi đẹp rứa thê, Bần”. Cậu chủ ôm con Bần trong tay: “Đúng. Nói đúng, mắt mi đẹp chi lạ”. Cậu cúi hôn thật nhẹ vào đôi mắt con Bần. Lần đầu tiên con Bần ngửi được hơi hướm đàn ông, nhất là cậu chủ, nó đã nhiều lần nhìn lén cậu tắm, cậu thay quần áo. “Hun một cái nữa hỉ”. Cậu chủ đưa cái môi từ mắt xuống má, rồi từ má găn qua miệng. Con Bần choáng váng, hết biết. Rồi tay cậu mở từng khuy nút áo của con Bần ra. Bàn tay cậu điệu nghệ quá, đã có lần, con Bần leo lên cái thành tường ngoài cửa sổ, ngó vô phòng cậu, thấy cậu làm như vậy với cô Trâm, con Bần chết trân, mấy đêm sau không ngủ được. Giờ đây, chính cậu chủ đang làm với nó điều đó. Con Bần để yên”. Vậy là cậu chủ leo cửa sổ, cái cửa của tâm hồn, dễ ợt. Leo được cửa sổ cậu chủ không bỏ lỡ dịp lẻn vào cửa ra vào. Vì chủ nhân là con Bần không khóa cửa!

Cửa sổ màu đen là đặc trưng của dân Á châu chúng ta. Vậy mà sao người dân tại làng Liqian thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Cam Túc bên Tàu lại đổi màu? Toàn thể dân làng đều có mắt màu xanh! Sự vượt tuyến của những người mắt xanh này gây thắc mắc cho các nhà khảo cứu. Chẳng lẽ con tạo lại có lúc ngủ gục! Ngoài mắt xanh, dân làng còn có râu tóc màu vàng và sống mũi cao. Đích thị họ phải xếp hàng bên phía phương Tây. Trong thập niên 90, giới khảo cổ Trung quốc tới làng để nghiên cứu. Họ phát hiện ra một công sự cổ trong làng. Công sự này có nét cấu trúc của La Mã xưa. Tìm kiếm thêm, họ khai quật các ngôi mộ cổ và tại một mộ, cái xác được chôn có chiều cao tới 1 thước 80! Chỉ có…tây mới cao như vậy. Quan sát trong làng các nhà nghiên cứu thấy dân làng tôn thờ bò tót và rất khoái coi đấu bò như người La Mã xưa mặc dù toàn thể dân làng chưa bao giờ ra khỏi Trung quốc. Năm 2005, các nhà khoa học phân tích gene của dân làng và kết quả cho thấy họ thuộc giống người da trắng Caucasien. Toàn thể dân làng được lấy mẫu DNA để thử và có tới 56% là hậu duệ của người da trắng.

Từ những kết quả khả tín trên, các chuyên gia người Ý thuộc Đại Học Lan Châu, tỉnh Cam Túc cho biết họ sẽ khai quật một đoạn trên con đường được mệnh danh là đường Tơ Lụa nối liền Âu Á cách đây hai ngàn năm để tìm kiếm thêm chứng liệu về sự hiện diện của những người lính La Mã tại Trung quốc. Hậu duệ của đế quốc La mã xưa là dân Ý ngày nay rất thích thú với những phát hiện này. Người trong làng có diện mạo La Mã nhất là anh Cai Junnian. Anh chàng 38 tuổi này mang nặng dấu vết của tổ tiên xưa. Tóc vàng quăn quăn, mũi cao và nhất là mắt xanh màu trời. Người làng gọi anh là “Cai La Mã”. Anh đã được Lãnh Sự Ý tại Thượng Hải tiếp kiến và bỗng nhiên trở thành một người quan trọng. Các phóng viên, các nhà làm phim, sử gia và các nhà di truyền học tới tấp đến làng và người đầu tiên họ muốn gặp là anh Cai La Mã này. Một đài truyền hình Ý cũng đã quay một cuốn phim tài liệu về làng Liqian. Thấy chuyện mắt xanh này có vẻ ăn khách, một nhà làm phim ở Bắc Kinh cho biết sẽ bỏ ra một số tiền lớn để làm một cuốn phim truyện về sự kiện kỳ bí này.

Màu mắt có xanh, xám, nâu, đen. Thứ tím như mắt cô nàng Liz là thứ độc, thế gian ít có. Đó là những thứ màu được nhìn bằng những con mắt trần gian của các nhà khảo cứu. Dưới con mắt văn nghệ thì mắt, đôi cửa sổ tâm hồn đó, là nơi đón nắng. Nắng đã đi vào mắt để lung linh mắt bằng màu của nắng. Nhạc sĩ họ Trịnh đã bắt được màu mắt huyền ảo đó. Chiều đã đi vào vườn mắt em / Mùa thu qua tay đã bao lần / Ngàn cây thắp nến lên hai hàng / Để nắng đi vào trong mắt em. Mắt màu nắng là thứ màu mắt chỉ có trong mắt những người nhốt tâm hồn trong cánh cửa sổ đóng kín. Đó là thế giới riêng tư của anh và em. Và chỉ có những người yêu nhau mới nhìn được màu mắt thủy tinh trong nhau.

Từ mắt chia lòng sông cách núi
Sầu tôi như bụi khắp không gian
Ví dù bụi ố hoen màu trắng
Bụi cũng xin đừng vương mắt xanh
(Nguyễn Tất Nhiên)

Sao lại mắt xanh? Bộ nàng thơ của Nguyễn Tất Nhiên là dân làng Liqian chăng? Không, mắt xanh trong văn thơ là thứ mắt của người biết nhìn vào lòng người. Như Từ Hải hỏi Thúy Kiều: “Bấy lâu nghe tiếng má đào / Mắt xanh chẳng để ai vào có không?” Ý me sừ Từ hỏi coi Thúy Kiều chưa để một bóng hình tri kỷ nào lọt vào phải hôn? Chuyện mắt xanh này có điển tích đàng hoàng. Nguyễn Tịch, sống vào đời nhà Tấn, khoảng thế kỷ thứ tư, là một nhà thơ ưa rượu và đàn. Ông là một cây trúc trong “Trúc Lâm Thất Hiền”, bảy người hiền trong rừng trúc, sau khi cáo quan về nhà chỉ thích rong chơi rượu chè ngâm vịnh. Ông này có đôi mắt biết nói. Khi tiếp bạn quân tử thì nhìn bằng cặp mắt xanh, khi gặp bọn người tầm thường không vừa ý thì nhìn bằng cặp mắt trắng. Mắt hai màu đầy lập trường này là một thứ cửa lạ!

Cái ông Nguyễn Tịch này chắc là một thần linh nên mới có cặp mắt deux couleurs, thay đổi chớp tắt theo cảm tính. Tôi không ưa ông này. Có tới hai màu mắt mà không có màu đen, màu của dân Đông phương chúng ta. Coi bộ hơi mất gốc! Không biết sao tôi chỉ thích mắt đen, thứ mắt mặn mà đằm thắm. Tôi không cô đơn trong ý nghĩ này. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường trong tiểu thuyết “Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma” cũng đã ca tụng đôi mắt đen. “Hồi ấy, cô Son đẹp nhất làng. Mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong. Đi một bước là có người theo, người ghẹo một bước. Nhưng  chưa có anh nào lọt được vào cặp mắt lá răm vừa đen vừa sắc của cô”.

Ngày xưa ông nhà thơ Rudyard Kipling, người Anh nhưng sanh ra tại Ấn Độ, giải Nobel Văn Chương năm 1907, nổi tiếng với câu thơ “Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet”. Đông là Đông và Tây là Tây, chúng chẳng bao giờ gặp nhau. Bắt chước nhà thơ, tôi cũng có thể ngâm nga: xanh là xanh và đen là đen, hai thứ chằng bao giờ gặp nhau. Thường thì như vậy nhưng nhiều khi thực tế không luôn luôn phải vậy. Đó là chuyện của chàng Charlie Haverstick, người có một mắt xanh, một mắt đen! Khi sanh ra, Charlie cũng có hai mắt xanh như bất cứ người phương Tây nào khác. Năm 26 tuổi, anh chàng người Mỹ này bị một tai nạn khi chơi bóng với bạn. Sau một cú va chạm mạnh, xương phía sau mắt bên phải của Charlie bị gẫy, gây chảy máu trong não và làm rách mống mắt. Sau vài tuần chữa trị, khi xuất viện, con mắt phải của Charlie đổi thành màu đen thay vì màu xanh da trời như trước! Vậy là chàng trở thành anh cọc cạch, một bên cửa sổ màu xanh, một bên màu đen. Tại sao lại có sự hòa hợp hòa giải kỳ quái như vậy? Nguyên do là vì sau cuộc giải phẫu, mắt phải không nhắm lại được và móng mắt bị thương tổn, ánh nắng mặt trời tự do chiếu vào. Tiến sĩ Kevin Miller, chuyên gia về mắt tại Viện Nhãn Khoa Jules Stein giải thích: “Trong ánh sáng ban ngày, kích cỡ của đồng tử thường là khoảng 2 ly mét. Nhưng vì bệnh nhân không có mống mắt nên kích cỡ đồng tử là 12 ly mét. Vì thế ánh sáng mặt chiếu vào mắt chói chang”. Tình trạng không có mống mắt không phài là hiếm. Trên thế giới, cứ khoảng 50 ngàn đến 100 ngàn ca sinh thì có một trường hợp bi dị tật khiến mất một phần mống mắt. Hầu hết các trường hợp chữa trị ngươi ta chỉ quan tâm tới việc hạn chế ánh sáng chiếu vào mắt chứ không chú ý tới khía cạnh thẩm mỹ là màu mắt!

Đọc được trường hợp mặt trời làm khó dễ con mắt của anh chàng Charlie Haverstick này, tôi nghi mắt của cô nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bên lở bên bồi quá! Ngồi làm điệu làm đàng cho ra vẻ nàng thơ, đầu nghiêng nghiêng, nắng đi vào một mắt là đúng chỉ số. Cửa nẻo chi nữa!

Nhân cô nàng Elizabeth Taylor, người có đôi cửa sổ tâm hồn khác lạ bỗng nhiên chán sống làm động lòng ông Luân Hoán, tôi cứ loanh quanh bên cửa. Dĩ nhiên chỉ bên cửa sổ. Ông Mỹ bạn đồng sự của một ông Việt Nam không vậy. Một bữa ông Việt Nam tình cờ gặp ông bạn Mỹ đồng sự trên đường. Ông giới thiệu bà vợ. Tiếng Mỹ ông chưa tinh thông nên ông cứ tiếng Việt dịch ra tiếng Mỹ: “This is my house!”. Đây là nhà tôi. Ông Mỹ nhanh miệng hỏi liền: “Vậy thì cái cửa đâu?”

04/2011