Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

ĐUYA

Thành phố Montreal bây giờ đang sôi lên vì hockey. Đây là đất thánh của môn thể thao vua ở Canada này. Chúng tôi ở trong đất thánh nên cũng thành thánh tất cả. Tối ngày tụng niệm kinh…khúc côn cầu. Chúng tôi là các ông Hoàng Xuân Sơn, Luân Hoán, Hồ đình Nghiêm và tôi. Con mắt cứ miết theo bước chạy của đội Canadiens de Montreal. Cứ điên hết cả lên! Nhớ hai năm trước, khi nhà thơ họ Hoàng và tôi nghỉ hè ở đảo Saint Martin cũng đúng vào mùa play off của hockey này, tối tối, cơm nước xong, hai chàng lại âm thầm dzọt qua sòng bài trước khách sạn. Lủi lủi tìm vào tuốt phía trong, nơi có những hàng ghế sa lông và hàng tá màn hình lớn treo trên tường, ngồi say sưa coi hockey quên cả việc đánh bài. Nói cho vui lòng ông chủ sòng bài chứ có bao giờ chúng tôi có thiện ý bước vào sòng bài của ông để đánh bài đâu. Năm nay, cứ sau mỗi trận đánh là phôn cứ nhặng lên để bình luận theo cảm tính, chẳng có chút chuyên môn nào.

hockey kiểu không bỏ tiền ra mua vé mà cứ ti vi nhà ai người ấy nghển cổ lên nhìn như chúng tôi chắc chẳng vừa lòng mấy ông chủ các đội banh. Có móc được chút chi của những anh say mê…ké này đâu! Phải mua vé, những chiếc vé có giá trên trời, chen vai thích cánh với những khuôn mặt căng lên hồi hộp mới gọi là dân nghiền đúng nghĩa. Ghiền như vậy chúng tôi chẳng dại. Nhưng mỗi trận đấu có tới vài chục ngàn người dại. Nhưng dại nhất có lẽ là ông già 75 tuổi George Retek. Tuần trước, tối ngày 5 tháng 4, trong trận đấu giữa đội Blackhawks của Chicago và đội Canadiens, hình ảnh ông được chiếu lên màn hình lớn giữa hội trường Centre Bell. Ông thú vị cho biết: “Thứ bảy vừa rồi tôi ăn mừng sinh nhật 75 tuổi đồng thời là mùa thứ 40 của tôi với đội Canadiens”. Vậy ra ông là khán giả mua vé suốt mùa đấu từ năm 1971 tới nay. Chuyện mua vé mùa của ông là một chuyện lâm li!

Phải nói rõ thêm một chút. Muốn vào hội trường Bell để coi hockey bắt buộc phải có vé. Đó là chuyện dĩ nhiên. Nhưng vé có ba loại. Loại đi coi một trận đấu, loại đi coi một số trận đấu và loại coi suốt mùa đấu. Ông George Ratek, một di dân gốc Hung Gia Lợi, kể lại: “Tôi là một di dân nghèo khi tôi tới thành phố này vào năm 1957. Lúc đó bóng tròn là môn thể thao tôi mê nhất, nhưng một khi đã tới thành phố này thì hockey đã mau chóng thay thế. Tôi mê say đội Canadiens của thành phố nhưng tôi chẳng có đủ tiền để coi các trận đấu, dù chỉ trên ti vi. Tôi không có cả một cái ti vi nữa! Khi tôi tốt nghiệp Đại Học McGill thì lại khác. Tôi trở thành một chuyên viên kế toán và bắt đầu sự nghiệp bằng cách mở một văn phòng. Tôi có tiền đi coi hockey với vợ. Tôi cưới vợ vào năm 1971 và cũng trong năm đó một bữa tôi tới hội trường Forum  để mua vé, người bán vé cho biết là có một người vừa trả lại một vé mùa hai chỗ và hỏi tôi có muốn lấy không? Tôi trả lời “dĩ nhiên”. Người bán vé bảo tôi phải quyết định ngay. Tôi ừ liền. Và rắc rối bắt đầu!”.

Khi về nhà, George Retek cười toe, ỡm ờ đố cô vợ mới cưới: “Đố em biết có chuyện vui gì mà anh muốn khoe với em?”. Không cầm giữ được, ông nói ngay: “Chúng ta vừa có vé mùa, hàng thứ nhất, khu ghế xanh!”. Tưởng cô vợ sẽ nhảy lên bá cổ thưởng cho một cái hôn, ông chờ. Nhưng những gì ông nhận được chỉ là một câu hỏi lạnh tanh: “Anh có hỏi ý kiến em không vậy?”. Ngớ người ra, ông chống chế: “Sao cần hỏi? Không phải là chúng ta cùng mê đi coi hockey sao?”. Câu trả lời lại vẫn là câu hỏi: “Anh có hỏi ý kiến em không?” Thấy tình thế coi mòi căng thẳng, George giải thích: “Không…Xin lỗi em. Anh phải quyết định trong một tích tắc”. Vẫn giọng lạnh nhạt, cô vợ trẻ ra lệnh: “ Ngày mai anh tới trả lại vé đi!”. George không trả lại. Điều đó quá khó khăn với ông. Ông mong muốn tấm vé này hết sức. Cô vợ ra ngay bản án: “Em sẽ không bao giờ đặt chân tới hội trường Forum nữa…Suốt đời em, em sẽ không bao giờ đi coi hockey nữa”. Và cô vợ trẻ này đã giữ đúng như vậy. Chuyện nhỏ chút xíu này đã suýt làm tan vỡ cuộc hôn nhân đẹp đẽ của cặp vợ chồng son. Họ phải đi bác sĩ tâm lý mới tiếp tục sống được với nhau. Được hỏi về biến cố này, 40 năm sau, cô vợ còn…đuya: “Anh ấy không hỏi ý kiến tôi, như vậy anh ấy không xứng đáng làm một người chồng. Chuyện lại xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới. Tôi nhất định giữ nguyên tắc của tôi. Nguyên tắc là nguyên tắc!”. Cái nguyên tắc ghê gớm đó đã làm ông George phải đi coi hockey một mình, rồi đi coi với con trai, rồi đi coi với cháu nội Justin cho tới ngày nay khi Justin đã lớn thành một teenager! Trong khi đó, cô vợ trẻ nay đã già thêm 40 niên kỷ, vẫn không bỏ coi bất cứ một trận hockey nào trên ti vi!

Chuyện…đuya có nguyên tắc này được ký giả thể thao Stu Cawan kể lại trên báo The Gazette số ra ngày thứ bảy 16 tháng 4 năm 2011. Đọc xong, tôi phone cho mấy ông bạn mê hockey để ca tụng lòng mê say của ông tín đồ George Retek. Một ông đặt lại cho tôi câu hỏi: “Nếu các bà vợ của tụi mình đều đuya như vậy thì…hãi quá nhỉ!”. Ông này thậm vô duyên. Đang nói chuyện hockey ông quẹo qua chuyện các bà. Mà quẹo đúng chỗ cái vòng cua độc. Một ông khác, nhà văn, chắc vốn giầu óc hư cấu nên nhỏ  nhẹ hỏi lại: “Này ông này! Bà vợ ông Retek mặt trông hiền khô, mới lấy chồng còn đang mặn nồng trăng mật mà sao lại có thể đuya đến thế nhỉ! Vậy thì các bà lớn cỡ tổng thống thủ tướng hay giàu quyền lực lắm bạc tiền thì đuya đến thế nào nhỉ!”. Tôi không có vợ cỡ như vậy nên chẳng biết trả lời ông nhà văn thể tích thì khiêm nhượng nhưng nỗi lo sợ lại lớn như con voi này ra sao. Bèn lẳng lặng tìm kiếm xem các bà lớn này mặt mũi ra sao. Hóa ra các bà làm lớn trên thế giới này cũng khá nhiều. Thành viên mới nhất của câu lạc bộ các bà lớn là bà Thủ Tướng Úc Julia Gillard. Bà góp mặt cùng các nữ anh thư trên thế giới như bà Thủ Tướng nổi tiếng của Đức Angela Merkel. Bà này mới có một ông phó đẹp trai người gốc Việt là ông Philipp Roesler. Cầm đầu một nước hùng mạnh mà dân chúng có tiếng là đuya, chắc bà đuya phải biết. Cứ nghe hai người nói tiếng Đức với nhau thì biết. Tôi đã có thời tối tối ôm cặp đi học tiếng Đức tại Trung Tâm Văn Hóa Đức tại Sài Gòn được vài năm nên biết thứ ngôn ngữ…hùng dũng này. Nói mà cứ như cãi nhau. Bởi vậy nên dân ta, vốn là một dân tộc dí dỏm, so sánh việc người ta hờn mát một cách to tiếng và hùng hồn với nhau là nói tiếng Đức. Đồng nghiệp với bà Merkel là bà Tổng Thống Phần Lan Tarja Halonen, Tổng Thống Thụy Sĩ Doris Leuthard, Thủ Tướng Iceland Johanna Sigurdardottir, Tổng Thống Ái Nhĩ Lan Mary McAleese. Các nước Đông Âu cũng…mẫu hệ chẳng kém với Tổng Thống Lithuania Dalia Grybauskaite, Tồng Thống Kyzgyzstan Roza Otunbayeva, Thủ Tướng Bảo Gia Lợi Boiko Borisov. Nam Mỹ có Tổng Thống Á Căn Đình Cristina Fernandez de Kirchner. Ngoài ra còn có nữ Tổng Thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf. Bên Á châu chúng ta đã từng có Tồng Thống Phi Luật Tân Gloria Macapagal Arroyo vừa mất chức vào tháng 6 năm 2010 và nữ Tổng Thống Ấn Độ Pratibha Patil.

Tìm được ngần ấy nữ lưu nắm đầu các quốc gia trên thế giới tôi phờ râu ra. Vừa mệt mỏi vừa ái ngại. Ái ngại cho các ông chồng của các bà…trời này. Không một tài liệu nào đề cập tới các ông chồng lép vế này. Ngay cả cái tên không thôi cũng không kiếm được. Là nguyên thủ một nước không đuya không được. Cứ mềm mại như vợ các ông bạn tôi thì xã tắc chắc mất hết kỷ cương. Toàn dân còn bị lép vế nói chi tới ông chồng tội nghiệp ngày đêm hầu hạ dưới trướng.

Thương vay khóc mướn cho các ông chồng của các bà quyền lực ngất trời, tôi cũng thương cho các ông chồng của các bà vợ tài giỏi cầm đầu những tổ hợp toàn tiền ơi là tiền trên thế giới. Nói tới các công ty hùng mạnh phải nói tới nước Mỹ. Vậy thì tại Mỹ bà xếp nào có số tiền lương lớn nhất? Đó là bà Tổng Giám Đốc Irene Rosenfeld của công ty Kraft Foods với số lương 16 triệu 700 ngàn vào năm 2009. Theo tạp chí chuyên đề cập tới các nhà giầu Forbes thì bà này là một trong số 15 bà nắm đầu các tập đoàn lớn nhất của Mỹ. Bà có mức lương lớn thứ nhì là bà Susan Ivey, Tổng Giám Đốc công ty thuốc lá Reynolds American, với số lương mỗi năm là 11 triệu 800 ngàn đô. Thứ ba là bà Carol Meyrowitz, xếp của Công ty bán lẻ TJX với số lương 11 triệu 100 ngàn đô. Nếu các nữ độc giả không biết Công ty TJX là công ty chi thì chắc bà nào cũng phải biết các tiệm Winner hay Home Sense nếu ở Canada và Marshal hay TJMax hoặc Home Goods nếu ở Mỹ. Tôi cá một ăn một trăm là không những các bà các cô mà các ông thích xí xọn nhưng không muốn chi nhiều địa đều biết những cái tên cửa hàng hấp dẫn đó. TJX là công ty mẹ của hệ thống các tiệm bán lẻ trên! Tiếp theo là bà Indra Nooyi, xếp của hãng Pepsi. Cái tên này thì hầu như toàn thể nam nữ lớn bé đều đã có…uống. Tuy không bằng chị bằng em nhưng bà này cũng bợ vô két sắt mỗi năm 10 triệu 700 ngàn đô. Hạng năm là bà Andrea Jung, xếp công ty mỹ phẩm Avon. Cái tên này chắc chắn cũng nằm trong bộ nhớ của các bà các cô. Bà nảy lãnh mỗi năm 9 triệu 100 ngàn đô thôi! Tôi lại ái ngại cho các ông chồng của các bà xếp này. Chỉ nội việc mang tiền ra đè các ông đã dẹp lép, huống chi lại mang cái…đuya từ sở về nhà thì chịu sao thấu. Xin có lời chia buồn với các ông tuy trong cái buồn cũng có cái lợi!

Những người đàn ông của các bà đầy quyền lực hay đầy túi tiền tuy vậy cũng còn có phúc. Chẳng gì các ông vẫn còn có cuộc sống. Những người đàn ông gặp các phụ nữ đuya một cách tuyệt đối không có được cái diễm phúc đó. Họ vội vã bước qua bên kia thế giới.

Không biết có bạn nào đã coi phim Monster (Quái Vật) chưa nhỉ? Đó là cuốn phim nói về cuộc đời của người đàn bà tên Aileen Wuornos, sát thủ hàng loạt tại Mỹ. Trong hai năm 1989 – 1990, người đàn bà có cái tên dễ thương Aileen này đã hạ thủ 7 người đàn ông tình nhân của bà. Trước tòa bà khai là những người này định cưỡng dâm bà nên bà buộc lòng phải hạ thủ. Người nào cũng lãnh nhiều viên đạn trên người. Tòa án không thể hiểu nổi tại sao một người có thể bị hiếp dâm nhiều đến thế nên tặng bà bản án tử hình cho khỏi bị hiếp dâm nữa. Bản án được thi hành vào năm 2002. Bà được uống một liều thuốc độc cho hết…đuya!

Valerie Solanas là một nhà văn Mỹ. Bà rất căm ghét đàn ông. Trong một cuốn truyện, bà đã xóa sổ toàn bộ giới mày râu để tạo ra một thế giới rặt các bà với nhau. Năm 1968, bà lại viết một vở kịch về một cô gái điếm thù ghét đàn ông và đưa cho nhà xuất bản của ông Andy Warhol. Ông này từ chối xuất bản. Ông này từ chối là phải, chẳng nhẽ phe ta lại hại phe ta! Bà tới đòi lại bản thảo với một khẩu súng giấu trong người. Bà chơi luôn ba phát vào người ông Andy Warhol. Nhà phê bình văn học Mario Amaya đứng léng phéng ở đó làm bà ngứa mắt bắn luôn. Chưa hả cơn tức, bà chĩa mũi súng vào ông quản lý nhà xuất bản. May cho ông này là súng bị kẹt đạn. May cho bà là tay cầm súng của bà không nhuyễn bằng tay cầm bút, cả hai ông bị bà bắn đều không chết nên bà chỉ lãnh bản án 3 năm tù về tội cố ý giết người.  Người đuya đến thế thời thôi!

Đuya đến thế cũng chưa đứng tới bụng bà Aafia Siddiqui, người Pakistan. Bà này tốt nghiệp học viện kỹ thuật MIT của Mỹ vào năm 1995 đàng hoàng. Được ăn học tại trường danh tiếng của Mỹ, tốt nghiệp, bà theo phò khủng bố ai-Qaeda. Giới tình báo dự đoán chính bà này đã hoạch định và tài trợ cho những cuộc tấn công khủng bố. FBI từng coi bà là người phụ nữ nguy hiểm nhất thế giới! Tháng 7 năm 2008, bà bị FBI bắt ở Ghazni, A Phú Hãn. Cuộc vây bắt khá gian nan. Bà…khủng bố này đã giật súng của một viên cảnh sát và bắn vào một nhân viên FBI. Và bà bị bắn lại hai phát vào bụng.

Kể về những phụ nữ…cứng, thiết nghĩ chẳng bỏ qua được một tên tuổi đang làm tốn nhiều giấy mực của báo chí. Chẳng có tiền, không được học nhiều nhưng người đẹp gốc Việt Lý Vi có một thứ đuya khác. Đuya trong tình cảm với các ông bồ đầy quyền lực. Lý Vi sanh năm 1963 tại Việt Nam. Năm 7 tuổi theo cha mẹ sang định cư tại Vân Nam bên Tàu. Nhà nghèo, bà phải đi bán thuốc lá dạo. Và thêm một nghề nữa là bắt tình với các ông lớn Trung quốc. Danh sách các ông lớn lọt vào lưới tình của bà rất dài: Trịnh Thiếu Đông, làm lớn tại Bộ Nội Vụ; Tỉnh Trưởng Vân Nam Lý Gia Đình; Đỗ Thế Thành, bí thư Thành ủy Thanh Đảo; Trần Đông Hải, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Sinopec. Tổng cộng có tất cả 15 tình nhân của bà bị sa lưới. Bà từ người bán thuốc lá lẻ lên tới mác tỷ phú giầu nứt đố đổ vách. Cuối cùng bà cũng bị tù 4 năm nhưng vẫn giữ được của cải sau khi ra tù. Bí quyết thành công của bà là…đuya. Ông bồ nào bị đưa ra tòa vì tham nhũng bà cũng hợp tác với tòa tố ông ấy không còn sót một chi tiết chi. Hợp tác như vậy nên bà thành ra có công. Tội vạ chi đâu các ông cứ việc lãnh. Bà Lý chẳng ngại ngần chi mà không đúc kết kinh nghiệm cho các bà học tập: không thể đầu tư vào quan hệ với riêng một người mà cần có mạng lưới quan hệ càng rộng càng tốt, như một chiếc ô vậy!

Cái đuya trong cuộc sống đầy lừa lọc của bà Lý Vi rất được các bà vỗ tay tán thưởng. Cô Lili, 24 tuổi, nữ thư ký, đã trầm trồ khen ngợi: “Bà Lý cho thấy là ở Trung quốc phụ nữ cũng có thể có quyền chẳng kém chi đàn ông. Tôi ước sao tôi cũng có thể mạnh mẽ như bà ấy!”. Mạnh mẽ là đuya chứ còn chi nữa.

Tôi bảo đảm là không có bà nào qua mặt được bà chị người Đức Gisela Kandorfer, mới có 33 cái xuân xanh, về mặt đuya. Chị là người ăn nói rất ngọt ngào và quyến rũ. Mấy ông nghe là cứ mê tít. Chị lại không khó tính, chỉ tán tỉnh mấy ông di dân bất hợp pháp từ Maroc hay Albany. Mấy ông này cũng ở trong tình trạng chẳng thể khó tính được. Nếu lấy được chị thì vừa được hợp lệ tình trạng di trú vừa cơm no bò cưỡi, sướng là cái chắc. Vậy là chị đã lần lượt lấy tới bốn ông trong vòng bốn năm. Trung bình cứ mỗi năm chị lại thay chồng một lần! Phiền một cái là các ông chồng của chị Gisela lần lượt biến mất tiêu. Cơ quan an ninh ngửi thấy có chuyện lạ nên theo dõi điều tra. Theo điểu tra viên Werner Ryder thì việc theo dõi rất khó khăn vì các ông này đều là di dân bất hợp pháp. Việc xác định căn cước của các ông lại còn thập phần khó khăn hơn vì các ông này không có một dấu vết chi cả. Vậy thì các ông di dân lậu này biến đâu mất hết? Các ông đã lần lượt chui vào bụng chị Gisela tuốt! Chị sơi tái các ông sau khi làm vợ. Cứ như những nàng bọ ngựa cái nhậu thịt tình nhân sau khi ân ái. Không biết bằng cách nào chị vợ…đuya này phi tang được hết xương xẩu của các ông chồng? Bộ chị nấu…phở chăng? Giới chức an ninh phanh phui được manh mối nhờ chị chưa nhậu xong ông chồng thứ tư có tên là Oktoberfest người Maroc. Thám tử Ryder kể lại: “Chúng tôi bắt gặp chị ta đang nhậu bia với món nhắm là thịt ông chồng Oktoberfest. Gisela lôi ra từ một thùng ướp đá một bắp đùi và một số xương cổ còn lại và nói với chúng tôi là chị ta không muốn ăn thịt ông này nữa vì chúng bị ôi rồi!” Theo lời khai của bị can thì khi cưới được một ông chồng mới, chị tỏ ra rất yêu đương ra rít. Nhưng chỉ được ba tuần là chị ra tay phóng sinh anh chồng mới ngay. Phương pháp gửi chồng qua bên kia thế giới của chị rất êm ả. Chị cho các ông làm tình thả cửa, chờ cho các ông ngủ vùi sau đó, lẳng lặng lấy cây đánh baseball đập chết ngắc. Sau đó, vì có sẵn kinh nghiệm xẻ thịt thú rừng khi hồi nhỏ theo cha đi săn, chị làm thịt các ông chồng rồi cho vào tủ đá ăn dần. Khi bị bắt, chị Gisela rất…đuya. Vẫn thám tử Ryder kể lại: “Khi chúng tôi tuyên bố bắt chị ta thì chị vẫn ngồi xỉa răng, chẳng tỏ vẻ gì là xúc động hay sợ sệt chi cả”.

Đuya đến thế thì hết cỡ thợ mộc. Còn chuyện đuya nào hơn được nữa. Thôi thì đành ngưng vậy. Mà kể ra tôi cũng bậy thật. Từ cái thú coi hockey, tôi la cà sao mà tới chuyện ăn thịt người khủng khiếp như vậy! Căn nguyên là từ cái đuya “nguyên tắc là nguyên tắc” của bà vợ mới cưới của ông George Retek. Bậy là vì trong số độc giả của tôi có thể có các chàng thanh niên đang rắp ranh bắn sẻ. Các chàng tuổi còn son, nghe tôi kể chuyện mấy bà đuya này có thể bị…lãnh cảm với phụ nữ, nhất định không chơi với đàn bà nữa thì tội biết chừng nào mà kể. Vậy thì cho tôi nói lại. Đây chỉ là những phụ nữ đặc biệt rất hiếm có trên đời. Tạo hóa còn chế tạo ra được những phụ nữ thân hình mềm mại như không có xương. Đó là những tấm hình chụp những cô gái  cuộn mình như những con rắn mà tôi vừa nhận được qua e-mail. Mềm mại không xương như vậy thì…cứng vào đâu được! Cứng tức là đuya. Đuya là phiên âm của chữ Phú Lang Sa “dur” đó!

04/2011