Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

TRÙNG

Tháng 6 vừa qua, nữ tài tử Angelina Jolie đưa hai con nuôi gốc Á Châu sang Campuchia nhân dịp cô đào nổi danh này thực hiện bộ ảnh quảng cáo cho bộ sưu tập mới của Louis Vuitton. Hai cậu công tử tốt số này là Maddox, 9 tuổi, dân Campuchia và Pax Thiên, 7 tuổi, dân Mít. Theo báo US Weekly cho biết thì cả mẹ lẫn con đều thử ăn những thứ độc đáo của xứ sở này. Họ nếm nhiều món ăn côn trùng. Cô đào chiếu bóng có con nuôi thuộc nhiều xứ sở rất chịu khó sục sạo nhưng có một món cô vẫn không thể nào ăn được. Đó là món canh nhện Tarantula. Cô rùng mình: “Chúng trông không giống những thứ có thể ăn được. Nhất là phần lông của chúng. Nhưng dù sao bạn cũng nên ăn thử mọi thứ”. Bạn có muốn nịnh đầm mà theo cô Angelina thì đó là tự do của bạn. Ăn lông nhất định không có tôi, vì tôi đâu có ở lỗ!

Món mà hai cậu công tử Maddox và Pax Thiên thích nhất là món dế. Ăn như điên. Bà mẹ Angelina, 36 tuổi, kể lại: “Dế là món ăn chúng thích nhất. Lần đầu cho con ăn thứ đó, ý định của tôi là để cho bọn trẻ làm quen với một nét văn hóa của quê hương chúng. Vậy mà các con tôi ăn dế như thể ăn snack Doritos vậy! Chúng không chịu ngừng”. Ăn tại chỗ chưa thỏa, hai cậu số đẻ bọc điều này còn mua về nhà ăn tiếp. Bà mẹ trẻ lại phàn nàn một cách âu yếm: “Lũ trẻ mang theo những hộp dế đó về nhà và tôi buộc phải ra lệnh cấm ăn quá nhiều dế một lúc vì tôi sợ các con sẽ đau bụng”.

Tôi bỗng thấy gần gũi hai anh nhóc này quá thể. Bởi vì hồi nhỏ tôi cũng là dân ăn dế có nghề. Làng tôi ở ngay sát nách Hà Nội. Xưa kia thuộc tỉnh Hà Đông. Sau khi hồi cư về được đôn lên làm Ngoại Thành Hà Nội. Bây giờ thì là Hà Nội. Sơn Tây mà còn nhập vào Hà Nội thì làng tôi bây giờ Hà Nội quá đi chứ. Đầu năm 2002, lần đầu tiên và cho tới nay là lần duy nhất tôi trở về làng cũ, chỉ thiếu hai năm là đúng nửa thế kỷ xa quê. Ông Tú Xương ngày xưa vẫn còn ở quê cũ mà đã ngậm ngùi cho sự đổi thay của nơi chôn nhau cắt rốn. Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Nay tôi đi biền biệt gần nửa thế kỷ mới quay về thì còn sông siếc chi nữa. Nhà tôi biến mất tiêu trong hàng rào một cơ sở gì đó. Nghĩa địa làng, những đồng ruộng, cây soan cây gạo ngày xưa um tùm làm chỗ cho chúng tôi ngồi nghỉ mát khi đi học về, bao nhiêu ao, giếng, truông, lạch đã biến mất tiêu, nhường đất lại cho nhà cửa chen nhau xúm xít.

Vì ở lưng chừng giữa tỉnh thành và thôn quê như vậy nên hồi nhỏ tôi hưởng được tất cả các thú vui của dân tỉnh cũng như dân quê. Thú vui đồng quê tôi nếm đủ. Cưỡi trâu, bẫy chim,  bắn ná, đá dế, câu cá, hái trộm trái cây… Chẳng thiếu thứ chi. Những buổi tụ tập nhau trên những bãi cỏ, đốt lửa nướng châu chấu và dế thơm phức, chia nhau ăn một cách ngon lành. Châu chấu thì ăn nhưng cào cào thì không vì chúng thường hay đậu trên những bãi phân trâu bò. Dế thì chỉ ăn dế trũi hay dế cái, dế đực được coi là…tráng sĩ để ra thi đá ngoài trận tiền chứ không phải là món ăn. Dế mà hai cậu nhỏ Maddox và Pax Thiên ăn là thứ dế…thương mại. Họ nướng dế dòn như…chip rồi xâu vào những cây xiên, mỗi cây chừng năm bảy con. Ăn dế loại làm sẵn như vậy tôi chắc thua xa những chú dế tôi ăn hồi nhỏ. Đâu còn cái vị bùi bùi ngầy ngậy của thứ thịt dế vừa chín tới. Nhìn hình những xiên dế tôi cảm được trong miệng. Chắc như ăn…giấy!

Châu chấu và dế  nướng rơm là những món ăn tự phát của lũ trẻ nghịch ngợm. Nhưng những món chính thống được bày trên mâm chén trong những bữa cơm đàng hoàng cũng có mặt anh châu chấu. Nhưng không phải là châu chấu nướng dã chiến như một trò chơi mà là châu chấu được rang chín trên mâm cơm. Đĩa châu chấu vàng hườm trên mặt được rắc lá chanh xắt nhỏ như những sợi tơ. Vị thịt hòa với hương thơm của lá chanh đủ giúp có những bữa cơm nhà quê ngon lành. Cùng một trường phái rang vàng và lá chanh còn có các chú nhộng. Thịt nhộng bùi và béo hơn châu chấu, lại không vướng những đầu và chân, cánh lêu nghêu như châu chấu. Mồm miệng coi bộ dễ chịu hơn. Nhộng là chú sâu nằm trong kén. Tôi đã từng hưởng cái thú nuôi tằm dệt vải. Những con sâu tí hon màu xanh lá ăn lá dâu rào rạo như…tằm ăn rỗi. Tằm ăn rỗi chẳng phải rỗi không ăn mà là ăn bạo cho mau lớn. Lớn tằm sẽ đồi thành màu nâu và bắt đầu kéo kén. Tu trong kén một thời gian chúng sẽ cắn kén chui ra và trở thành con ngài bay như những con bươm bướm nho nhỏ đầy phấn bụi. Tôi vẫn còn rất mù mờ về giai đoạn này của cái kén. Tại sao có những cái kén được để nguyên để cho những chú ngài bay ra và tại sao có những chiếc kén khi đã vàng óng thì bị hấp luộc trong nước sôi để lấy tơ dệt vải. Chính những chú sâu nằm trong kén chưa được thành ngài đã bị luộc chín trong kén được gọi là nhộng. Trông chúng nằm thông thoáng không một chút gì che thân, Cứ trần như…nhộng!

Châu chấu và nhộng là những thứ côn trùng làm thức ăn không gây phản cảm. Ai cũng có thể ăn được. Nhưng rươi là thức ăn mà cứ nhìn chúng không ai nghĩ có thể ăn được. Trong trí nhớ ngày càng mòn mỏi của tôi, rươi là những chú giun nho nhỏ màu xám hay đỏ, óng ánh như có lân tinh, bò lúc nhúc trong những chiếc thúng có quét nhựa đường cho nước khỏi rỉ ra. Mỗi lần có những gánh rươi ngồi bán trước cửa nhà, tôi chẳng bao giờ bỏ qua dịp ra ngó thứ côn trùng lúc nào cũng lậy nguyậy không yên này. Rươi có mùa và mùa này rất ngắn. Theo tác giả Nguyễn Tất Đắc, một người “từ khi sinh ra đã thấy rươi, đi vớt rươi hàng mấy chục năm”, thì rươi là một câu chuyện dài đầy ẩn số. Theo ông Đắc thì rươi chỉ có rải rác ở một số địa phương thuộc vùng trũng của đồng bằng, có diện tích đất ngập úng, có con nước thủy triều lên xuống của các con sông, con lạch nhỏ, nước lợ, như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ. Tại sao những nơi này lại có rươi, chưa ai giải thích được. Chúng sinh sản ra sao, vào lúc nào, sống ở đâu, ăn thứ gì, không ai biết và cũng chưa có một cuộc nghiên cứu khoa học nào làm sáng tỏ. Chỉ biết vào những tháng mùa đông, rươi bỗng nổi lên khoảng một, hai tiếng đồng hồ, dày đặc, từng về đỏ cả mặt nước, rồi bỗng biến mất. Người ta không tìm thấy bất cứ một dấu vết gì của rươi còn sót lại. Rươi tới từ đâu, về đâu, chịu không ai biết. Có những nông dân tò mò đã bới đất trong những thửa ruộng có bờ be kín để tìm đường chui rút của rươi mà cũng chẳng thấy chi. Theo kinh nghiệm dân gian thì rươi xuất hiện trong ba tháng chín, mười và mười một âm lịch. Người…rươi Nguyễn Tất Đắc mô tả sự xuất hiện của rươi như sau: “Rươi thường nổi nhiều vào các ngày cuối, đầu và giữa tháng như ngày 29, 30; mồng 1, mồng 2; ngày 14, 15 rằm. Các ngày khác chỉ nổi rải  rác, ít và khi có, khi không. Những ngày cuối tháng, rươi lại thường nổi vào lúc 1-2 giờ sáng; những ngày giữa tháng, ngày rằm, rươi lại thường nổi đồng loạt lúc 19-20 giờ. Các ngày khác có khi lại nổi lúc 7-8 giờ sáng. Tuy nhiên, các ngày, giờ rươi nổi cũng rất thất thường, thay đổi, không cố định. Không ai biết mà giải thích. Nhiều khi đến ngày rươi nổi, cả xóm, làng đều ra đồng, chờ để vớt, nhưng lại không thấy. Có khi bỗng nhiên thấy rươi nổi nhiều đỏ cả đồng, cả xóm, làng lại ùn ùn kéo nhau ra đồng vớt rươi”.

Rươi là người tình có tính đồng bóng, chẳng biết hẹn hò, lại mong manh…như một cành lan. Người tình này có thân hình rất mềm và dễ vỡ. Chỉ cần chạm nhẹ vào thân rươi là chúng có thể vỡ ra và chết! Mong manh như vậy nên bắt rươi phải biết cách và rất nhẹ tay. Ruộng có rươi thường được nông dân đắp bờ cao quá mặt nước và dành một chỗ để tháo nước ra từ từ đồng thời dùng lưới nhỏ để hứng rươi. Rươi vớt được phải giữ trong nhiệt độ lạnh khoảng từ 1 đến 8 độ C bằng cách ngâm rươi trong  nước đá lạnh mới tan ra để rươi có thể sống được trong vài ngày hầu có thể chuyên chở đi xa. Những thúng rươi ngày nhỏ mà tôi trông thấy chắc chắn không có đá lạnh. Thời mà con nít chúng tôi mỗi lần đưọc đi ăn kem mụ Béo ở bờ hồ Hoàn Kiếm là một ngày hội lớn thì đá mà ăn cũng chẳng có lấy chi đá cho rươi sống. Bởi vậy nên những bà gánh rươi đi bán hồi đó như những người đi chạy giặc. Hớt hơ hớt hải bán xong là quẩy gánh chạy tiếp. Chạy cho tới khi hết rươi mới thôi.

Khi gánh rươi đã hạ xuống ngoài ngõ, bà nội tôi thường vội vàng mang tiền ra mua. Người bán người mua đều lật đật. Bát rươi lúc nhúc được đưa ngay vào bếp. Tới đây thì đám con nít chúng tôi vãn tuồng rươi để chạy đi chơi những trò khác. Chỉ tới khi được lùa về ăn cơm thì rươi đã leo lên mâm cơm. Món tôi thích nhất là chả rươi. Rươi được làm thành bánh và chiên như chúng ta chiên chả trứng ngày nay. Chỉ khác chả trứng có thịt thì chả rươi chỉ có rươi. Đúng mùa rươi thì cứ chả rươi mà ăn. Ăn đến phát ngán nhưng may là cũng chỉ được vài ngày. Bởi vì sau đó rươi đã bỏ đi, có muốn cũng chẳng có mà ăn.

Cái thứ giun rẻ rề ngày tôi còn nhỏ bây giờ đã trở thành đặc sản. Ông Đắc cho biết: “Gần 7, 8 năm nay, rươi ít dần, giá cao vọt, dù thèm nhưng hầu như trong làng không ai dám bỏ ra hàng trăm ngàn để mua rươi ăn. Những nhà đánh bắt được cũng chỉ bán đi lấy tiền. Chỉ cần 10 kí thì họ cũng đã có gần một triệu rưởi, bằng thu nhập bình thường của cả gia đình trong một tháng”. Vậy mà rươi ngày đó dân làng tôi ăn không hết còn mang ra làm mắm. Mắm rươi là một thứ dung dịch đặc sền sệt. Thịt heo ba chỉ, gừng thái miếng nhỏ, các thứ rau thơm được chấm vào mắm rươi, rút đũa lên, mắm rươi còn cuốn theo bằng những sợi mắm sền sệt. Đưa vào miệng, mùi mắm thơm phức quyện vào chân răng một vị ngòn ngọt không dễ chống được sức cám dỗ để quấn đũa thứ hai, rồi thứ ba…

Cái miệng tuổi thơ của tôi làm quen được với từng ấy thứ côn trùng. Khi tản cư về, vào đầu năm 1946, vì an ninh, gia đình tôi phải lên ở thành phố, khu Chợ Hôm Hà Nội. Vậy là giã từ châu chấu, dế, nhộng, rươi. Tuổi tiểu học và trung học tôi làm quen thêm được với những chú ve sầu. Chỉ chơi chứ ai lại ăn cái thứ ra rả suốt mùa hè này. Di cư vào Nam, những ngày Sài Gòn, sau khi trả xong nợ đèn sách, biết nhậu nhẹt tôi quen thêm một thứ khác. Lần này bỏ vào miệng hẳn hoi. Những con đuông béo ngậy ở nhà hàng Tài Nam, khu Chợ Cũ. Đuông ở đây tôi chỉ nhậu có một món: đuông chiên bơ. Món này đi với la-de lạnh thì nhất. Ngoài cửa nhà hàng luôn luôn có những đọt dừa nằm ngổn ngang. Đuông nằm trong đó. Bỏ đuông vào miệng theo hớp la-de thì tôi rành nhưng thân thế đuông thì tôi mù câm. Ông Nguyễn Hữu Tiến rành hơn tôi nhiều. Đuông nằm ngay trong vườn nhà thì ông rành là phải. “Đuông là một loại côn trùng ký sinh, nó đặc biệt thích ăn củ hũ dừa. Con kiến vương hay có nơi người ta còn gọi là con bọ rầy - là một loài bọ cánh cứng, khi tới tuổi trưởng thành, sau khi giao phối thì nó tìm cây dừa nào khỏe nhất để đục lỗ và đẻ trứng vô đó. Trứng phát triển thành ấu trùng trong thân cây dừa cho đến khi ấu trùng lớn cỡ bằng ngón tay thì gọi là đuông. Con đuông là loại ấu trùng…ăn được. Đuông nhờ ăn củ hũ dừa mà sống, mà củ hũ là phần lõi non nhất – là phần “tủy sống” của cây dừa, nó trắng, dòn, ngọt và ngon… không thể tả. Nhờ vậy mà con đuông có vị ngọt, béo và rất hấp dẫn, Với con đuông người ta có thể làm rất nhiều món khác nhau như tẩm nước mắm ăn sống nè, lăn bột chiên nè… rang, nướng nè, luộc nước dừa, nấu cháo, trộn gỏi củ hũ dừa nữa nè…Nếu có dịp nào đó về quê tui ngay dịp người ta hạ dừa bắt đuông là bạn sẽ được dịp thưởng thức món đuông. Bảo đảm ăn một lần bạn sẽ nhớ suốt đời !”

Đuông có nhiều trường phái...nhậu như vậy. Ai mà biết được. Tôi chỉ biết có bọc bột chiên bơ. Con đuông ủ trong bột coi dễ thương hơn con đuông trần trụi vì chúng có hình dạng như con sâu, màu trắng sữa. Mềm nhũn, thân phủ nhiều lông măng, chẳng chân cẳng chi, cử động bằng cái mình thun ra thun vô thấy phát ớn. Bỏ cái thứ ghê rợn này vào miệng, khiếp! Nhưng đã nuốt được một con đuông, người ta sẽ nghĩ khác. Lại phải để nhà...đuông học Nguyễn Hữu Tiến nhem thèm chúng ta. “Bà con cứ tưởng tượng con đuông như cái túi nilon nhỏ cỡ ngón tay cái có hình dạng như con sâu nghen, rồi bà con gom hết tất cả chất béo trên đời này như bơ, sữa, phô mai, dầu mỡ…đem xay nhuyễn…trộn chung lại với nhau rồi đem nhét thật chặt vào cái túi đó, cột chặt hai đầu cho căng cứng rồi đem lăn bột, chiên giòn…Khi ăn, bà con cứ gắp nguyên cái túi chất béo đó mà cho vô miệng, ngậm chặt miệng lại và một, hai, ba…cắn…! Một tiếng “phụp” rất là “thanh tao” sẽ vang lên trong họng như là bom nổ, vỏ túi bể ra, ngay sau đó là vô số chất bổ trong túi sẽ bung ra …giải phóng chất béo ra tràn ngập họng. Nó len lỏi vào tận kẽ răng, thiếu điều như muốn chui qua kẽ răng mà xịt ra ngoài luôn vậy. Lúc đó thì bà con chỉ còn “biết câm nín nghe tiếng em nuốt” thôi chứ không thể làm gì khác hơn nữa. Bà con chỉ còn có thể tận hưởng tất cả hương vị thơm ngon, béo ngọt của con đuông qua  đầu lưỡi mà thôi. Nói chung là bà con sẽ không nhai được gì hết, một cảm giác vừa ngon vừa ngán, vừa muốn phun ra ngoài. Nhưng khoan hãy phun ra vội. Chỉ cần vài giây định thần lại thôi, bà con hãy cứ nghĩ đây là một món ăn mà mình có thể ăn được lần này là duy nhất trong đời thì bà con sẽ không nỡ nào phun ra được cho dù rất muốn. Cố gắng nuốt “ực” một cái, rồi bắt đầu tiếp tục “chép chép” miệng vài cái nhe, đưa đầu lưỡi quét dọc theo hai hàm răng, vét sạch hết mọi chất béo còn lại, nuốt một lần nữa. Bảo đảm là bà con sẽ bước sang một thế giới khác liền. Cái thế giới của sự lâng lâng lên tới óc, thế giới của “tá lả” mùi vị xông lên tới mỏ ác, thế giới của hàng vạn tinh túy của cây dừa đang từ từ lan tỏa khắp cơ thể, xâm nhập vào từng mạch máu, thẩm thấu đến tận đơn vị tế bào hay “na nô”, hơn nữa là vào tới tận từng đơn vị ADN trong cơ thể của bà con luôn”.

Ăn đuông mà như nuốt cả thiên đàng của mùi vị vào miệng, dứt sao đặng! Hành trình đến với côn trùng của tôi chấm dứt và ở lại với đuông. Nhiều vị kén ăn và rét với các loại côn trùng chắc sẽ cho như vậy là đủ rồi. Nhưng tôi thấy mình còn rất kém cỏi. Có hơn chắc chỉ hơn được hai nhóc Maddox và Pax Thiên! Còn thua xa cô nhóc Daniella Martin ở bên Mễ. Cô bé này khác với các cô bé khác. Thấy côn trùng như thấy...bạn. Chẳng sợ sệt mà cũng chẳng gớm ghiếc. Mới 10 tuổi mà bọ cạp nhóc này còn coi như pha, lại còn có ý  muốn bỏ chúng vào miệng coi ngọt bùi ra sao. Vậy là chúng ta có một nhà...côn trùng nhậu tí hon. Daniella tìm hiểu các món ăn côn trùng và muốn nhẩy cẫng lên khi nghiên cứu thấy là tất cả các quốc gia trên thế giới đều có những món ăn chế biến bằng côn trùng rầt độc đáo. Vậy là cô bé bắt đầu hành trình bỏ côn trùng vào miệng. Cô đã thử ăn khoảng 20 loại côn trùng khác nhau. Tôi chắc là có các món dế, châu chấu, bọ cạp. Còn rươi và đuông chắc cô này chưa biết tới. Nhấm nháp thử như cô Daniella chắc chưa ăn thua chi vì trên thế giới này có khoảng 1500 món ăn chế biến từ côn trùng. Tuy vậy cô cũng muốn cả thế giới này, nhất là giới trẻ,  đớp sâu bọ như cô nên cô đã mở một website mang tên Girl Meet Bug để dụ các em tuổi teen nhậu côn trùng. Trong trang mạng này Daniella dạy bằng video cách chế các món ăn côn trùng. Cô rao giảng đạo nhậu côn trùng vì cho đây là nguồn thức ăn sạch hơn cả thịt lại dễ nấu và hương vị thì tuyệt vời!

Cô nhỏ Daniella không cô đơn. Cô có các nhà khoa học ở Hòa Lan hỗ trợ. Theo một nghiên cứu vừa được công bố thì các nhà khoa học này cho rằng: vào lúc mà hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển đe dọa môi trường của trái đất, nhân loại sẽ không có thể tiêu thụ thịt như thói quen hiện nay. Thịt rất giầu protein nhưng chúng cũng là nguồn phát ra rất nhiều khí methane, thứ khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn ô nhiễm hơn cả khí CO2. Sâu bọ sẽ thay thế thịt thà trên bàn ăn. Sâu bọ cũng chứa nhiều protein nhưng có ít chất béo mà lại thải rất ít khí CO2, giá lại rẻ hơn nhiều so với thịt. Với 10 kí cây cỏ ta sẽ tạo ra được 1 kí thịt trong khi cũng với số lượng cây cỏ này ta có thể tạo ra từ 6 tới 8 kí sâu bọ. Nhà côn trùng học Hòa Lan Arnold Van Huis, trong một hội nghị tại Đại Học Vagheninghen ở Hòa Lan, đã tiên đoán sẽ tới ngày thịt đắt hơn sâu bọ rất nhiều và số người ăn sâu bọ sẽ nhiều hơn số người ăn thịt. Theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc thì đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên tới 9 tỷ người, diện tích đất nông nghiệp sẽ không có thể cung  cấp đủ thịt thà cho tất cả mọi người. Tới lúc đó nhân loại sẽ phải nuốt sâu bọ. Mấy bà bạn tôi nghe tới đây thì hết hồn. Mới trông thấy những thứ lúc nhúc đã rợn tóc gáy thì làm sao mà bỏ vào miệng được đây! Các mẹ đừng có lo. Nếu không ăn được côn trùng nguyên con thì sẽ có những món ăn bằng côn trùng nghiền nát rồi chế biến thơm phức. Ngay cả bánh mì cũng có thể được làm bằng bột côn trùng.

Trước sau gì nhân loại cũng tiến tới thời kỳ...sâu bọ. Sửa soạn trước đi thì vừa. Chắc tôi phải nói với các ông bà bạn đang làm chủ các nhà hàng ăn uống để xin các ông bà chơi côn trùng vào thực đơn coi. Lúc đó sẽ có tôi đi hàng đầu. Không phải vì sự sống còn của nhân loại mà để chiều lòng ông thần khẩu!

09/2011