Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

BỘ

Nhà văn Sơn Nam là người cả đời chỉ cuốc bộ. Văn giới Sài gòn trước năm 1975 gọi ông là “vua đi bộ”. Sau 1975, có hai ông Chế Lan Viên, nhà thơ, và ông Hoài Anh, nhà văn, cũng đi bộ một cây, vào định cư trong Nam. Vậy là Sơn Nam mất ngôi! Ông vua…chân này tuyên bố thoái vị một cách rất nhịn nhục: “Tưởng gì, cuốc bộ mà cũng có người giành!”.

Đi bộ thì thiếu giống chi. Những khi rỗi rảnh, ngồi nhìn mông qua cửa sổ, tôi thấy hoài những người rảo bước với đôi tai bịt kín bằng ống nghe nhạc. Nhà văn Nguyễn Xuân Tường Vy, ra trước hiên nhà, cũng thấy y chang như tôi. “Tôi bước ra hiên trước. Mùa thu treo trên ngọn thông trước nhà. Sắc thông xanh sáng mãi những giấc mơ. Buổi sáng về thật nhẹ. Tôi nhìn ra sông. Mặt nước lung linh mờ ảo. Sương sớm lãng đãng quanh nhánh liễu mềm. Lác đác vài bóng người chạy bộ. Những đôi chân kiên nhẫn đều đặn. Một ngày nào đó những hình ảnh trước mắt sẽ trở thành ký ức của tôi. Rặng thông xanh, mặt nước dát sương, và những người chạy bộ” (Hoài Vọng, Hợp Lưu số Xuân Tân Mão 2011).

Đi bộ hay chạy bộ kiểu nhà văn Nguyễn Xuân Tường Vy và tôi thấy là thứ khác với lối đi bộ của nhà văn Sơn Nam. Đi bộ kiểu Sơn Nam mang tính thực dụng, di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tới đích. Đi bộ kiểu mà tôi thấy không nhắm tới một nơi chốn mà đi khơi khơi để vận động thân thể. Có lẽ vì không có ý vận động nên nhà văn Sơn Nam mang một hình hài không làm vẻ vang cho chủ nhân của nó. Tháng 7 năm 2007, ngồi sau một ông xe ôm, Sơn Nam bị một ông xe ôm khác tông phải bị bể xương đùi. Vậy là hết…dụng cụ đi bộ! Ông xe ôm gây tai nạn bỏ chạy mất tiêu, dĩ nhiên chạy bằng xe chứ không phải chạy bộ. Nhà văn tỉnh queo bình luận về việc bỏ chạy này như sau: “Tội nghiệp cái thằng đụng nhằm ông già này. Chắc nó cũng nghèo rớt mùng tơi!”. Sơn Nam bị nằm liệt 7 tháng ở nhà trước khi được đưa vào bệnh viện. Một ông bạn vào thăm thấy Sơn Nam nằm khiêm tốn trên giường bệnh mới hỏi ông nặng bao nhiêu ký. Ông nói áng chừng bốn chục ký. Ông bệnh nhân giường bên cạnh thấy chướng, xía vô: “Bác làm gì được bốn chục ký! Chỉ 37 ký là cùng!”. Sơn Nam không cãi được, xí xóa: “Ừ thì tự trấn an mình một chút có sao đâu. Hồi nào tới giờ có cân đâu mà biết!”.

Thon thả như Sơn Nam là kết quả của môn thể dục đi bộ. Nhà văn không cố ý tập thể dục khi dùng đôi chân của mình nhưng cố ý hay không kết quả vẫn có đó. Nói nhỏ: thon tới thuôn như Sơn Nam thì chẳng ai ham! Đôi chân nhúc nhích là eo iếc ngon lành. Cỡ tuổi tôi thì eo iếc là chuyện xưa tích cũ, để ý tới mà chi. Nhưng tôi vẫn đi bộ hàng ngày. Trời đẹp, ít lạnh, thì tung tăng ngoài đường phố, ngắm trời ngắm đất nhưng cũng không quên ngắm người. Trời xấu, tuyết hoặc mưa, hay lạnh teo  bu di thì chơi với cái máy đi bộ trong nhà, ngắm cái màn hình  ti vi trước mặt cho thời gian chóng qua. Chẳng phải nhằm cho thân hình thon thả đẹp đẽ mà cho việc giữ gìn sức khỏe. Người ta thường nói: người già đôi chân già trước!  Muốn khỏi già…chân thì bắt nó vận động. Vận động chân là một kiểu vận động tốt. Vì chân có nhiều đầu mối dây thần kinh liên quan đến các tạng phủ trong người. Như mu ngón chân út liên quan tới bàng quang, mu ngón chân thứ hai ăn với dạ dầy, ngón chân cái liên hệ tới gan và tì, lòng bàn chân liên quan đến thận… Cho đôi chân nhúc nhích là đụng tới các thứ trong bụng. Tốt cho tim, tốt cho giấc ngủ, giảm đau nhức, duy trì trí nhớ, bảo vệ xương. Trăm ngàn thứ tốt. Nhưng tốt nhất là đi bộ làm người ta cảm thấy yêu đời hơn. Dĩ nhiên không phải vì được liếc ngang liếc dọc ngoài đường nhưng vì đi bộ đều đặn hàng ngày giúp cơ thể sản sinh ra chất endorphin, một hóa chất có thể cải thiện được tâm trạng, làm cho con người có cảm giác lạc quan hơn. Đây là một hiệu quả mà chúng ta ít ngờ tới.

Anh Jean Béliveau ở thành phố Montreal với tôi chắc biết chất endorphin trong người anh thiếu tới mức nào. Có vợ, có con, mới 45 tuổi mà anh đã bị trầm cảm. Để chống lại sự…buồn ngủ của cuộc đời, anh ngày ngày đi bộ. Chữa trị bằng cách đi như vậy là OK, ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng riêng anh, anh thấy đi hàng ngày như vậy coi bộ chưa đủ đô, vẫn cứ…trầm! Một bữa, khi đang rảo bước trên cầu Jacques Cartier, anh bỗng tính toán. “Tôi nghĩ trong đầu, phải mất bao nhiêu ngày mới cuốc bộ tới thành phố New York?”. Cái ý tưởng vẩn vơ đó theo anh về tới nhà. Anh vội lấy tấm bản đồ thế giới ra, vớ tờ giấy trắng và cây viết, thử vạch ra vài con đường coi thử ra sao. Anh ước tính phải mất 10 năm mới cuốc bộ quanh hết các lục địa! Anh gọi vợ ra nói ý định đi bộ vòng quanh thế giới của mình. Tưởng sẽ gặp cặp mắt chế nhạo sự điên rồ của mình, anh lại gặp tấm lòng của người đầu gối tay ấp. Vợ anh tán thành ngay dự tính của anh. Chị lại còn khuyên anh nên kết nối sự kiện này với một mục đích nhân đạo. Thật may, lúc đó nhằm đúng vào dịp Liên Hiệp Quốc công bố thập niên 2001-2010 là “Thập Niên Quốc Tế về Hòa Bình và Bất Bạo Động cho Trẻ Em trên toàn Thế Giới”. Vậy là ngời ngời chính nghĩa! Ngày 18 tháng 8 năm 2000, anh hôn từ giã vợ, hai con và ông bố để lên đường đi bộ, khởi hành từ ngã tư đường Sherbrooke và đường Wolfe. Anh kéo theo chiếc xe ba bánh đựng quần áo, vài vật dụng nấu bếp, ít thực phẩm, một chiếc lều và một túi ngủ. Anh dự tính mỗi ngày đi khoảng từ 35 tới 40 cây số. Anh sẽ sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ trong suốt mười năm. Nghe mà thấy ớn! Cuộc đi bộ của anh tới nay đã qua thời hạn mười năm và anh đã về tới Vancouver ở phía tây Canada. Vợ anh đã tới đón anh đặt chân trở lại đất mẹ. Anh đã nghỉ ngơi ba tuần lễ trước khi lại lên đường vào ngày 20 tháng 2. Lần này anh sẽ vượt qua 5800 cây số để trở về Montreal, dĩ nhiên vẫn bằng đôi chân đi bộ! Anh Jean Béliveau dự tính sẽ về tới thành phố Montreal vào ngày 16 tháng 10 năm 2011. Anh nói với các phóng viên: “Đó là dự trù. Các bạn hãy ghi nhớ ngày này tới lúc đó. Tôi sẽ giữ đúng ngày này!”.

Cứ thử tưởng tượng 11 năm ròng rã cuốc bộ qua sáu lục địa, 64 quốc gia thuộc nhiều nên văn hóa khác nhau trên thế giới, vượt qua 6 sa mạc, ngủ lều ngủ trại, ngủ tại khách sạn, nhà thờ, khoảng 1500 nhà riêng của dân chúng, và…nhà tù! Anh có một kỷ niệm vui về chuyện ngủ trong nhà tù. Tháng 7 năm 2003, buổi sáng anh thức dậy trong một nhà tù ở Nam Phi. Anh không phạm tội chi nhưng đêm hôm trước anh hỏi một anh lính canh tù để xin ngủ nhờ một đêm. Anh lính bằng lòng và đưa anh vào một xà lim. Sáng hôm sau, anh lính này đã xuống ca gác và một anh lính khác thay thế. Vậy là rắc rối. Anh chào anh lính để ra đi tiếp, anh lính này tưởng anh là một tù nhân nên không cho ra. Lúc đó anh đã vượt được 21 ngàn cây số. Anh nói với anh lính: “Tôi không phải là tù nhân. Tôi là người Canada đang đi bộ vòng quanh thế giới. Xin anh cho tôi ra để tiếp tục cuộc hành trình. Đã tới giờ tôi phải đi rồi!”. Anh lính gác vẫn nhất định không thả anh Beliveau ra. Một tù nhân khác, đúng là tù nhân thực thụ, nhảy vào cãi với anh lính gác. Cuối cùng anh này mới chịu phép tìm hiểu ca tù rắc rối này. Khi biết sự thực, anh mới cho anh tù…giả này ra!

Cũng chính tại Nam Phi, Jean Beliveau đã được gặp Nelson Mandela, người đã được giải Nobel Hòa Bình. Lúc đó là tháng 10 năm 2003. Anh Jean cho biết đây là giây phút cảm động nhất trong chuyến đi của anh. Anh nhớ lại: “Ông ta nói với tôi: thế giới cần những người như anh. Đó là những lời khuyến khích rất lớn lao giúp tôi tiến về phía trước”. Nelson Mandela là một trong bốn người đoạt giải Nobel Hòa Bình mà anh đã gặp trên bước đường cổ võ hòa bình cho trẻ em.

Có điều trớ trêu là chuyến đi cổ võ hoà bình của anh đã có lúc cần tới sự canh gác của quân đội địa phương.  Chuyện cần hộ tống này xảy ra tại 9 quốc gia trong đó có Ai Cập, Tunisia, Ma Rốc và Macedonia. Nhưng rầm rộ nhất là tại Phi Luật Tân. Anh đã đi giữa ba chục lính hộ tống, tay cầm súng, băng đạn vắt quanh khắp người. Anh cảm thấy ngượng. Mang đôi chân ra đi bộ cho hòa bình mà cặp kè tới ba chục tay súng! Anh than: “Tôi không biết có nên dùng chữ “hổ thẹn” không, tôi đang đi bộ cho hòa bình mà! Cứ tưởng tuợng ra hình ảnh này: anh chàng đi bộ cho hòa bình với binh lính trang bị võ khí hộ tống chung quanh!”.

Mười một năm trời, trung bình mỗi ngày đôi chân anh đã nuốt một khoảng đường ba chục cây số. Khởi hành từ Montreal, anh xuôi nam theo phía đông Hoa Kỳ rồi chuyển qua miền tây Nam Mỹ. Hết lục địa Mỹ châu, anh chẳng thể đi bộ qua biển nên phải dùng máy bay qua Nam Phi. Từ đây anh đi bộ về phía bắc. Ngày 18 tháng 8 năm 2004, anh tới Addis Abeba, thủ đô của Ethiopia. Không biết cái tên nước này có làm bạn đọc gợi nhớ được chút gì không? Đây là quê hương của những anh chàng chạy bộ đã đoạt rất nhiều giải thế vận và nhất là giải các giải marathon tổ chức tại nhiều thành phố trên thế giới trong đó có Montreal. Cuộc hành trình của anh bị gián đoạn tại Libya. Lúc đó dĩ nhiên chưa có cuộc vùng dậy của dân chúng chống lại nhà độc tài Ghadaffi như bây giờ nhưng anh không xin được visa vào xứ sở của nhà độc tài này. Anh phải dùng máy bay vượt qua Libya. Từ cực bắc Phi Châu, anh bay từ Ma Rốc vào Anh. Từ Anh, đúng theo chương trình thì anh sẽ tới Nga, nhưng vì lúc đó là mùa đông nên anh vòng xuống vùng Trung Đông, qua Ấn Độ, Trung Quốc. Tháng 8 năm 2008, anh tới Nam Hàn rồi xuyên qua Phi Luật Tân, Mã Lai và Úc Châu. Cuối năm 2010, anh tới Tân Tây Lan và từ đây bay về đất mẹ Canada.

Trong hơn 10 năm xa xứ dài đằng đẵng đó những chuyện gì đã xảy ra trong gia đình anh? Cha anh, người hết lòng ủng hộ chuyến đi của anh, chuyến đi mà ông biết thời gian không cho phép ông chứng kiến ngày về của con, người đã nồng nhiệt tiễn anh ở Montreal, đã ra người thiên cổ vào năm 2006 khi anh đang ở Bỉ. Anh cũng đã hai lần lên chức ông. Anh đã có dịp hội ngộ với đứa cháu đầu tiên tại Đức cũng vào năm 2006 nhưng chưa biết mặt đứa cháu thứ hai. Anh đã phải chữa răng hai lần, một tại Ai Cập và một tại Úc, bị mổ khẩn cấp một lần tại Algeria và thay kính một lần tại Ấn Độ. Tất cả đều miễn phí! Vợ anh thì mỗi năm gặp anh một lần trong ba tuần lễ. Đó là…nghỉ hè của anh! Có vậy chứ. Nếu không thì nhớ vợ chết!

Hai vợ chồng này chắc không giống mọi người. Họ đều…can đảm. Chính bà vợ đầy can đảm này đã khuyến khích anh từ khi anh mới manh nha ý định…giang hồ. Và có một lần anh đã chán nản muốn bỏ cuộc. Lúc đó là năm 2004, khi anh đang ở Ethiopia. Một đám trẻ em vây quanh anh, cười nói. Nhưng chúng nói chúng hiểu, anh như vịt nghe sấm. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp, trên bước đường tha hương anh đã học thêm được tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha. Nhưng với đám trẻ này, anh chịu không nói năng chi được. Chúng chỉ biết nói nhại theo anh chữ “Hello”. Anh bỗng cảm thấy chán nản, cô đơn, bị shock trước các khác biệt văn hóa tại những vùng anh đã đi qua. Anh điện thoại nói chuyện với vợ tỏ ý muốn bỏ cuộc. Nếu như các bà vợ khác chắc đã mừng húm trước tin này, nhưng vợ anh thì khác. Đã ủng hộ anh ngay từ khi ý định giang hồ khắp thế giới của anh còn trong trứng nước, chị phải đỡ anh vào lúc anh suy sụp ý chí này. Chị khuyến khích anh tiếp tục. Chính sự nâng đỡ của…hậu phương này đã giúp anh vững tâm đi bộ thêm bảy năm tiếp! Người ta thường nói đằng sau mỗi vĩ nhân đều có bóng một người đàn bà. Đằng sau một anh chàng đi bộ cũng rứa! Hình như tôi chưa viết tên của người đàn bà này thì phải! Đó là chị Luce Archambault. Người mà anh Jean đã ca ngợi: “Tôi đã thật may mắn, và còn đang tiếp tục may mắn vì có Luce. Nàng là người đã giữ anh chàng đi bộ trên đường đi”.

Luce đã có mặt tại Vancouver để welcome home anh Jean. Anh có quà gì cho chị không? Không nghe nói tới chuyện…vợ chồng này. Chỉ biết là trong hành trang ngày trở về của anh có thêm 49 đôi giầy rách. Đó là những đôi giầy anh đã dùng tới tanh banh trong chuyến cuốc bộ dài hơn bảy chục ngàn cây số vòng quanh thế giới. Anh sẽ làm gì với mớ giầy rách đó? Anh cho biết sẽ tặng chúng cho một bảo tàng viện về chân.

Ngày 20 tháng 2 vừa qua, Jean đã xỏ chân vào đôi giầy thứ 50 bắt đầu đoạn hành trình cuối cùng dài 5400 cây số mà anh dự tính sẽ nuốt trong vòng tám tháng. Lần này khác với các lần khởi hành trước: anh sẽ đi trên đất nước của anh. Những ngày một mình lội bộ trên 64 quốc gia khác, anh đã được tiếp đón, được giúp đỡ, được nhiều đoàn người tháp tùng trong từng đoạn đường, được giới truyền thông địa phương nâng đỡ tinh thần, chuyến hành trình chót này anh có được đồng hương vồn vã như những người ngoại quốc kia không? Anh…phiếm: “Nếu khi tôi vượt qua rặng núi Rockies, dân Canada không tiếp sự ấm áp cho tôi, tôi sẽ bảo họ là dân Úc và dân Kiwis đã hơn họ nhiều!”. Tuần lể đầu tiên đi bộ trên đất Mỹ, anh Jean chỉ có trong tay tấm bản đồ cũ anh đã vạch đường đi trước khi lên đường. Sau đó, đi tới đâu, anh xin bản đồ tới đó. Anh chỉ cần có quyết tâm. Anh khuyên những người muốn làm những chuyện…trời ơi như anh: “Hãy lên đường, bước đi bước thứ nhất, bạn sẽ có lối đi của bạn trên đường thiên lý”.

Kể ra tôi khá dài dòng về anh chàng có ý chí phi thường này. Chẳng phải vì anh ta cư ngụ cùng một thành phố với tôi. Nhưng vì sự nể phục anh ta. Tôi đặt chỉ tiêu cho tôi mỗi ngày đi bộ nửa tiếng để giữ gìn sức khỏe. Vậy mà tôi cứ cóc nhảy hoài. Khi vì cớ này, khi vì chuyện khác, cứ có dịp là giở thói lười biếng ra. Có lẽ phải học sự trì chí của anh Jean. Và của thầy Thích Tâm Mẫn.

Ngày mùng hai tết Kỷ Sửu 2009, thầy Tâm Mẫn đã bắt đầu cuộc đi bộ từ Sài Gòn ra Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh ở ngoài Bắc. Đoạn đường dài 1800 cây số và dự trù đi trong 4 năm. Tại sao có cái tốc độ…rùa như vậy? Bởi vì thầy đi kiểu rất nhàn nhã, nhất bộ nhất bái. Thầy sẽ bước một bước, lại quỳ xuống lạy một cái. Thầy cho biết đây là một pháp tu của Phật giáo khá quen thuộc ở Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc nhưng còn xa lạ với người Việt. Bởi vậy nên đi tới đâu thầy và hai tùy tùng mang hành lý cho thầy cũng được tiếp đón bằng những đám đông hiếu kỳ. Pháp tu này nhằm rèn luyện tâm ý và niềm tin kiên định để hoàn thành chí nguyện. Vậy thầy phát nguyện những gì trong hành trình này, thầy xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân và chỉ cho biết là thầy vừa đi hành hương vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an. Hành trình của thầy mỗi ngày chia ra làm hai thời: từ 4 giờ tới 9 giờ sáng và từ 4 giờ chiều tới 9 giờ tối. Như vậy mỗi ngày thầy đi được 2 cây số! Đi tới đâu thầy cũng được người dân quét đường và lót chiếu trước đường đi của thầy để tỏ lòng kính trọng.

Đi như vậy không còn là thứ đi bộ thể dục nữa. Hành động đi đã biến thành hành động tâm linh. Đi bộ là để tỏ bày một mục đích. Cũng như chúng ta thường thấy cứ có dịp nào là người ta lại kéo nhau xuống đường đi bộ. Như đi bộ vì ung thư vú, đi bộ vì trẻ em tật nguyền, vì hoà bình thế giới. Vừa đi bộ vừa gây quỹ cho những việc từ thiện. Mới nhất là trong những phương thức dự định gây quỹ cho việc thành lập nghĩa trang cho quân cán chính tại Little Saigon do Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa khởi xướng cũng có mục đi bộ vận động tài chánh.

Từ khi có cuộc nổi dậy của người dân dưới các chế độ độc tài thì đi bộ lại là phương tiện của các cuộc tập trung nhằm tiến tới tự do dân chủ cho người dân. Thứ quyền đã bị những nhà độc tài ăn cắp của họ. Cùng với trào lưu lột xác của thế giới, người dân Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản cũng lăm le biểu tình đòi quyền sống. Tổ chức “Nhóm Thanh Niên Dân Chủ Việt Nam” đã cho việc đi bộ một công tác mới. Bản kêu gọi chỉ rõ: “Chúng tôi thiết tha kêu gọi sinh viên, học sinh và cô bác anh chị Việt Nam hãy tập họp đi bộ cho quê hương đất nước chúng ta. Chương trình rất đơn giản như sau: Ở Hà Nội, xin đi bộ quanh Hồ Gươm. Đi một mình hay đi từng nhóm nhỏ như đi tập thể dục. Không hô hào, không tỏ thái độ gì, cứ đi bộ và nhìn nhau, hiểu nhau. Ở Sài Gòn, đi bộ dọc theo đại lộ Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến tòa nhà Hạ Viện cũ. Cũng đi một mình hay đi từng nhóm nhỏ như đang đi mua sắm, tập họp đi càng lúc càng đông. Ở hai khu vực trên, bình thường cũng có nhiều người đi bộ, Việt Nam lẫn ngoại kiều, nên Việt Cộng không thể bắt tội gì. Chúng ta cứ im lặng đi bộ, nhìn nhau và hiểu nhau. Xin đừng nản chí, cứ đến địa điểm đi bộ hàng ngày, mỗi ngày một đông. Khi đã có số đông, quần chúng sẽ có sức mạnh, sự đàn áp sẽ khó khăn hơn, tiếng nói của chúng ta sẽ được lắng nghe và chúng ta sẽ bắt đầu đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam. Ở hải ngoại, tuần hành chung quanh các tòa Đại Sứ, tòa Tổng Lãnh Sự Việt cộng với các khẩu hiệu: “Freedom for Vietnam”, “Democracy for Vietnam”, VC step down”, “tear down Communism”…Chỉ cần hai đến mười người đi bộ, tay cầm bảng kêu gọi và thay phiên đi liên tục hàng ngày. Sự tuần hành liên tục là một hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ cho quốc nội, đánh động lương tâm và sự chú ý của toàn thế giới”.

Tôi sững sờ. Hóa ra đi bộ oai quá là oai. Nó tham gia cách mạng!

03/2011