Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

SÁCH

Mới đây, khi phát hành cuốn Phiếm 9, như thông lệ, tôi e-mail hỏi nhà sách Việt Nam ở Toronto cần bao nhiêu cuốn. Mail trả lời của anh Trần Nhựt làm tôi sững sờ: nhà sách đã đóng cửa trước tết Tân Mão! Như vậy là Canada không còn một nhà sách nào cả. Trước đây ở Montreal có hai nhà sách: Tự Do và Trung Việt. Cả hai đã chỉ còn là dĩ vãng. Ở Vancouver đã không có nhà sách từ lâu. Đó là ba thành phố lớn nhất và có đông người Việt nhất ở Canada mà tôi biết. Các thành phố khác ở Canada tôi chưa có dịp tới nên không biết rõ nhưng tôi không hy vọng là có nhà sách nào trụ được.

Sách là thứ thiết thân của những người cầm bút chúng tôi, đồng thời cũng là món ăn tinh thần cần thiết của nhiều độc giả mến sách. Ngay khi nhà sách Việt Nam ở Toronto đóng cửa, tôi nhận được một thư order sách của một độc giả. Ông cho biết là đang…bơ vơ khi nhà sách đóng cửa nhưng rất may đọc trên báo thấy địa chỉ của tôi nên chưa mất cơ hội mua sách. Những người quý sách như vậy rất nhiều. Nhiều nhưng không nuôi nổi nhà sách mặc dầu nhà sách đã kinh doanh cả CD nhạc và DVD ca nhạc và phim bộ.

Sách tơi tả vì bị đánh tơi bời hoa lá trên hai…mặt trận. Thứ nhất là, ở hải ngoại, độc giả phần lớn là lớp người luống tuổi. Họ đang mai một dần đi. Lớp về dưỡng già ở Việt Nam, lớp theo về với đất, lại có những độc giả không còn đọc được sách vì mắt kém hay tuổi tác. Tôi đã nhận được thư của một độc giả ở Montreal buồn bã cho biết là mắt quá yếu nên không còn đọc được sách nữa mặc dù rất còn yêu sách. Đó là những bức thư không muốn nhận nhưng vẫn phải chấp nhận. Có ai cưỡng được sự phũ phàng của thời gian. Lớp trẻ thì hầu như không còn nhu cầu đọc sách tiếng Việt. Thứ hai là internet đang giết dần sách báo. Báo văn học nay chỉ còn tờ Hợp Lưu. Những Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 của một thời sum suê ngày nào nay đã mồ yên mả đẹp. Xuất bản thì chỉ còn nhà Văn Mới hoạt động cầm chừng. Những Sóng Mới, Xuân Thu, Đại Nam, Văn Nghệ đều đã ra nghĩa địa. Những người viết lách đã tự cứu bằng những nhà xuất bản nghiệp dư in sách cho mình và cho bạn bè. Những chiếc bè cứu…sách này rất hạn chế. Giúp nhau bằng kỹ thuật thì được chứ tài chánh và phát hành thì phận ai nấy lo. Nhà xuất bản Nhân Ảnh do nhà thơ Lê Hân, Luân Hoán và tôi thành lập để in sách của mình và bạn bè cũng thuộc dạng này. Anh em giúp nhau mọi thứ trừ tài chánh và phát hành. Vậy mà cũng lai rai in được tới mấy chục đầu sách.

Tôi nhớ mãi lần mang sách của nhà Nhân Ảnh sang Cali tặng nhà văn Võ Phiến. Trong căn phòng khách sang trọng đậm nét Việt Nam, nhà văn lão thành đã bầy tất cả sách lên chiếc bàn thấp trước mặt và ngồi ngắm say mê. Ngắm chán chê rồi ông gật gù nói: “Anh em vẫn còn in được sách, vui quá!”. Người đã viết một số lượng sách đáng nể chưa bao giờ hết mê sách.

Cũng trong lần tới Little Saigon đó, khi tới thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tôi đụng đầu với một người từ trong phòng bước ra. Nhìn thấy tôi, ông tự giới thiệu: “Văn Gừng đây!”. Tuy đã có liên lạc điện thoại vài lần trước đây nhưng chưa bao giờ tôi gặp mặt ông…gừng này, vậy mà tôi toác miệng cười, biết ngay đó là ông Văn Nghệ. Ông này mê sách vào loại số một. Từ nhà xuất bản Lá Bối ở trong nước trước kia với cái tên Từ Mẫn tới  nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại với tục danh Võ Thắng Tiết, ông là người…sản xuất những cuốn sách đẹp và giá trị số một. Trắng tay vì sách, ông vẫn giữ một tình yêu không bao giờ phai nhạt với những trang chữ. Phải thấy cung cách ông thưởng thức một cuốn sách mới vừa tới tay ông mới thấy tấm lòng của ông với sách. Ông ngắm tới ngắm lui, lật trước lật sau, ngắm cái bìa coi có cân cái không, mở trang sách coi kiểu chữ gì, co chữ có thích hợp không, trang sách có chỉnh không, đọc qua vài dòng coi có lỗi chính tả không, gấp cuốn sách lại lặng người trong cái hạnh phúc có thêm một người bạn. Nhắc tới thầy Từ Mẫn thì không thể không nhắc tới thầy Thanh Tuệ của nhà xuất bản An Tiêm. Đây cũng là một người có nợ với sách. Cả hai ông đều đứng sau những trang sách, khuất trong hậu trường, không hưởng tiếng vỗ tay, nhưng chính là những người có công với sách nhất. Nhà thơ Khế Yêm là người thấy sự thiệt thòi này của hai ông thầy mê sách khi ông viết: “Nếu những tờ tạp chí văn học là mặt nổi, thì những nhà xuất bản chính là những lực đẩy mạnh mẽ thúc đẩy một nền văn học. Không có sự yêu nghề và tận tụy với nghề, quí trọng những tác phẩm giá trị, không vì những lợi nhuận tiền bạc, thì làm sao nền văn học miền Nam có được một thời kỳ rực rỡ? Cái công lao không nhỏ đó, tiếc thay, lại chẳng ai buồn nhắc tới”.

Thầy Thanh Tuệ đã mất vào ngày 16 tháng 8 năm 2004 tại Cali khi từ Pháp qua chơi Cali, thọ 68 tuổi. Tuy đã hoàn tục nhưng mọi người vẫn quen với cái tên Thanh Tuệ của ông, hoặc giản dị hơn, “ông An Tiêm”. Chính ra ông thầy này vẫn yêu cầu văn giới gọi là “anh” cho thân mật hơn! Vậy nên mới có mấy dòng nhớ “anh An Tiêm” của tiến sĩ Thái Kim Lan ở Đức: “Mặc dù  “thân sơ chưa định”, lạ nhiều hơn quen, nhưng khi nghe giọng nói từ tốn nhuốm đầy từ bi và mẫn cảm của anh, khi nghe anh lưỡng lự một cách khiêm nhường trong lựa chọn hay đề nghị mẫu chữ cho một quyển sách mới, khi nghe anh khôn ngoan mà nhẫn nại khuyên nên viết thêm một vài bài mới, khi nghe anh nhẹ nhàng mà tinh tường đưa ý kiến trình bày hình bìa, khi nghe anh rành rẽ và kính trọng khen nghệ thuật đóng sách của người Ðức là giỏi, và mới đây từ San Jose, trước khi đi về quận Cam để mãi mãi không còn trở về lại Paris, anh còn gửi cho tấm ảnh của anh để nhận diện và  gọi về căn dặn kỹ càng cách chọn giấy cho quyển sách dự tính,  tôi biết mình không gặp một “nhà xuất bản” theo nghĩa thường, mà đang gặp một NGHỆ SĨ  tài hoa của thế giới sách vở - có lẽ còn hơn - linh cảm chỉ cho tôi một vùng sáng tưởng tượng trong đó thấp thoáng bóng anh như trong bức tranh xưa đã thấy treo một lần nào đó nơi thiền viện Vạn Hạnh, Sài gòn, nơi anh đã có lần là Thầy Thanh Tuệ  - vẽ một khất sĩ mê sách – hay Bồ tát tóc dài lang thang mang túi đãy -  đi lượm các sách trong kho chứa của trời đem về cõi trần”.

Nếu hai thầy Từ Mẫn và Thanh Tuệ là những người mê sách hơn là những nhà xuất bản kiếm lợi nhuận trên lưng sách thì ông nhà văn Trần Hoài Thư là người khổ vì sách. Đã lâu tôi không gặp Trần Hoài Thư nhưng lần gặp mới nhất cách đây cả hơn chục năm tại Montreal thì anh có dáng của một người gầy gò thiếu sức khỏe. Mắt anh là một cặp kính cận cỡ...đít chai coca cola! Ngày nay thấy hình anh trên báo cũng vẫn vậy. Có lẽ cái nợ của anh với sách không thể cho anh có một dáng dấp ngon lành hơn được. Anh nợ sách là một chuyện dĩ nhiên, vì tên khai sanh của anh là Trần Quý Sách! Anh viết sách, thơ cũng như văn. Anh có nhà xuất bản “Thư Ấn Quán”. Nghe tên có chữ “ấn quán” thấy ngợp. Tưởng là một cơ sở xuất bản bề thế có thể ngang ngửa với những “ấn quán” lớn trên thế giới nhưng  thực ra anh tự tay in sách, đóng sách bằng những cái gọi là “máy” do anh tự chế. Đây có lẽ là một nhà xuất bản ở trên đất Mỹ nhưng không làm vẻ vang cho nước Mỹ! Trong một bài viết vào tháng 12 năm 2010 trên báo Người Việt, mang tên “Trần Hoài Thư, “Hiệp Sĩ Lẻ Loi” của Văn Chương Miền Nam” ký giả Đỗ Dzũng đã...bóc trần cái “ấn quán” tội nghiệp của một con nợ của sách. “Có lẽ không ai yêu và quý văn học miền Nam Việt Nam bằng Trần Hoài Thư, một người sống ở hải ngoại, không có nhiều phương tiện, nhưng đã bỏ ra hàng ngàn giờ để nghiên cứu, sao chép, và đóng thành sách những tác phẩm không còn xuất bản nữa. Những công trình chỉ để tặng bạn hữu khắp nơi”. Người đưa Trần Hoài Thư vào...sạn đạo là nhà thơ Thành Tôn. Ông này cũng là một con nợ của sách. Hồi ở Việt Nam, Thành Tôn trụ tại Đà Nẵng. Bao nhiêu sách của hai ông thầy Từ Mẫn và Thanh Tuệ in ở Sài Gòn được gửi ra miền Trung là do Thành Tôn take care tuốt. Phương tiện của anh chỉ là chiếc xe đạp cũ. Có lần anh ra bến xe đò chở cả đống sách lặc lè trên xe, rớt lung tung xuống đất. Ai cũng tưởng anh làm ăn lớn nhưng thực ra anh chỉ làm chùa cho hai ông thầy...chùa! Chịu đựng vất vả chỉ vì mê sách, muốn sách tới tay người đọc miền Trung. Qua hải ngoại, khi thầy Từ Mẫn, nay đã hoàn tục thành ông Võ Thắng Tiết, làm nhà xuất bản Văn Nghệ, anh cũng vẫn, ngoài giờ đi làm, lụi cụi với sách của Văn Nghệ. Cũng vẫn...chùa. Bây giờ, anh lại cõng Phiếm của tôi tới các nhà sách và bạn bè tại vùng Little Saigon. Lại làm...phiếm. Tất cả chỉ vì tấm lòng với sách.

Cũng vì yêu sách mà anh xúi dại ông nhà thơ Trần Quý Sách. Ông này kể lại: “Ban đầu, một người bạn, nhà thơ Thành Tôn, đề nghị tôi nên lập tài liệu sưu tầm văn học miền Nam Việt Nam. Tôi liền vào internet tìm kiếm, thấy Đại Học Cornell có một kho tàng sách in tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 rất đồ sộ. Thế là tôi rủ vợ lái xe lên đó, vào thư viện tìm tòi, quả đúng thật như vậy. Mỗi lần đi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, lái xe năm tiếng đồng hồ mới tới nơi, chiều lái năm tiếng về nhà, hai vợ chồng thay phiên nhau lái, cứ thế mà đi. Có ngày trời tuyết cũng đi, vì không thể ngồi nhà. Thấy kho sách ở Cornell không thể ngồi yên được”. Bỏ công như vậy nhưng làm sao mà bê những trang sách quý ngày xưa về được? Phải photocopy. Cứ 25 xu một trang. Nhà thơ Trần Hoài Thư vốn là giáo sư toán trường Trần Quý Cáp, Quảng Tín, Tiến sĩ Toán của Viện Stevens Institute of Technology, tính ngay: “ Cứ tính đi, 25 cent mỗi tờ, tiền nào chịu cho thấu. Thế là tôi mua chiếc máy scan. Mỗi lần đến thư viện, tôi và vợ cùng nhau scan những trang sách, lưu vào máy điện toán mang về. Ban đầu đóng và cắt bằng tay, riết rồi chịu cũng không xuể. Thế là tôi tự chế máy đóng sách dã chiến. Dần dần rồi quen. Còn khâu đóng sách thì vẫn làm bằng tay”. Cứ thủ công như vậy mà ông đã “xuất bản” được tới hơn một trăm tựa sách! Không coi sách như tình nhân thì làm sao “điên” đến như vậy được. Người điên vì sách tâm sự: “Tự đánh máy, tự layout, tự khâu, rồi tự in bằng tay, chẳng dễ dàng gì. Có điều, đó là tấm lòng của mình nên cố gắng làm. Nếu không thì ai làm đây? Khi làm, tôi cảm thấy có hai phần thưởng. Thứ nhất là an ủi tấm lòng và tinh thần của mình. Thứ hai là làm để cho con cháu mình sau này thấy văn chương miền Nam là vậy đó, tình người vậy đó, nhân bản vậy đó và cao cả vậy đó. Nếu mình không làm thì rất uổng...Có đêm ngủ không được vì sách chưa đóng xong, tôi lò mò xuống garage đóng tiếp. Khi xong rồi, cầm cuốn sách trên tay, sung sướng làm sao”. Bạn đọc nào muốn được hưởng cái sung sướng như ông bạn tôi, xin liên lạc với địa chỉ tranhoaithu@yahoo.com để tiếp tay với người yêu sách hiếm có này.

Người mê sách thì nhiều nhưng mê sách đến như ông Quý Sách này chắc chỉ có một. Khi cầm một cuốn sách trên tay, người ghiền sách có được nhiều thứ. Không chỉ một khối giấy lạnh tanh. Nhân vật Ba Sinh trong truyện ngắn “Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ” của nhà văn Nhật Tiến là một mẫu người yêu sách điển hình. “Những ngày cuối tuần, Ba Sinh thường tiêu hết thì giờ vào việc đi la cà ở những tiệm sách. Và chỉ cần như vậy, chàng cũng đã nắm rất vững tình hình sinh hoạt sách trong tuần. Tác giả nào có sách mới ra, tác giả nào có sách tái bản. Một nhà xuất bản nào mới ra lò. Nhóm văn nghệ nào chính thức gia nhập sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng một tuyển tập. Tuy không phải là người viết sách, nhưng Ba Sinh đã cảm nhận được rất nhiều ý nghĩ xao xuyến, rung động tùy theo tình hình xuất bản của thế giới viết sách và in sách. Chàng sung sướng một cách say mê trước một bìa sách mới. Chàng quan sát kỹ lưỡng từng cách trình bày. Chàng so sánh từ kiểu chữ này với kiểu chữ khác, mẫu bìa này với mẫu bìa khác. Chàng cũng thấy lòng dào dạt sung sướng khi mở từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mực, như chàng đã nhìn thấy tấm lòng của từng tác giả dàn trải lên những dòng chữ cả tâm tư, tình cảm của mình trong suốt thời gian thai nghén và hình thành tác phẩm”. Ba Sinh đi tha sách về mỗi cuối tuần nên tủ sách của anh ngày càng nhiều. Gọi là tủ sách nhưng thực ra chỉ là những mảnh ván ghép làm cái ổ cho sách, từ phòng trong ra phòng ngoài.

Nhân vật trong truyện này tưởng chỉ nằm yên trong những con chữ, vậy mà cũng có hậu duệ thật ngoài đời. Tôi muốn nhắc tới ông Phạm Chí Thiện, một thầy giáo nghèo sinh sống ở một vùng quê nghèo tại tỉnh Hải Dương. Nghèo tiền nhưng ông không nghèo sách. Tủ sách của ông có tới 10 ngàn cuốn được ông sưu tầm từ nửa thế kỷ nay. Bằng nhiều cách. “Có đồng nào là tôi lại đổ vào sách, thậm chí có những cuốn sách quý tôi còn phải bỏ cả đồ dùng ra để đổi lấy. Tôi đã từng phải đổi cả áo bay (ngày đó rất quý), đồng hồ đeo tay và hơn một triệu đồng để có được bộ sách Vĩnh Lạc Tự Điển 70 cuốn. Rồi còn những cuốn bách khoa toàn thư của các nước châu Á, châu Âu hay là các cuốn Dư Địa Chí của các tỉnh trong cả nước, tôi đều cố sưu tầm đầy đủ”.

Tủ sách gia đình là chỉ dấu của kiến thức nếu người sưu tầm sách chịu đọc. Thầy giáo Phạm Chí Thiện không đóng bìa da gáy mạ vàng cho sách nhưng ông tự hào là đã đọc hết các sách ông có. Bạn bè tôi hầu như người nào cũng có một tủ sách. Nhưng đọc hết thì không bảo đảm. Có ông cười toe than không có thời giờ. Có ông sưu tầm đủ nhưng chỉ thích đọc một vài tác giả. Đọc đi đọc lại. Tủ sách của tôi, chẳng dám khoe, chỉ có khoảng trên dưới ngàn cuốn, nhưng xin thú thực cũng chưa đọc hết. Công kia việc nọ, chương trình đọc cứ thay đổi lia chia!

Sách không chỉ là một tập hợp những tờ giấy mà có hơi thở của sách. Cầm cuốn sách trên tay như nâng niu một người tình thơm mùi tinh khôi, chất chứa bao nhiêu điều kỳ bí. Đang say cái đà ca tụng sách, tôi bỗng vấp phải bài “Chuyện Sách” của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Ông báo một điều phũ phàng. Đã tới ngày tàn của sách! Ông kể mẩu chuyện đau thương: Ngay ở Úc, tôi cũng có quen một người, không viết lách gì cả, nhưng rất mê sách, hầu như cả đời, hoặc ít nhất, từ lúc sang Úc, có được bao nhiêu tiền, anh lại loay hoay đi mua sách. Tủ sách của anh chỉ khoảng 4,5 ngàn cuốn. Bây giờ, về già, anh lại băn khoăn không biết cho ai. Cho cộng đồng ư? Nhưng cộng đồng lấy đâu ra phòng ốc để lưu giữ? Nếu có phòng ốc thì lấy đâu ra nhân viên để quản lý? Vất ngổn ngang trong một góc phòng nào đó thì chỉ vài ba tháng, số sách ấy nếu không biến mất thì sẽ bị nhàu nát cả. Tặng các thư viện ư? Nhưng đâu phải thư viện nào cũng cần sách tiếng Việt? Cần, có lẽ chỉ là thư viện ở các đại học có ngành Việt học. Có điều không phải đại học nào cũng có đủ ngân sách để mở rộng bộ phận sách tiếng Việt, bởi vì việc mở rộng ấy không những cần không gian mà còn cần cả nhân viên nữa: cả hai đều cần tiền. Mà tiền ở các đại học thì càng ngày càng khan hiếm. Hơn nữa, càng ngày người ta càng tập trung vào loại sách báo điện tử. Sách báo trên giấy có số phận của những thứ cổ vật mà nơi đến thường là các viện bảo tàng chứ không phải là thư viện”.

Điện tử là một thứ vô tâm. Nó giết báo chí, giết tạp chí văn học, giết sách vở. Nhưng nó chỉ giết trên giấy. Văn học vẫn có đó. Có điều là nó nuốt vào trong cái dạ dày vô tri của nó. Nó dấu sách trong cái màn hình phẳng lì, trông đến lì lợm! Ghét nhưng bây giờ là thời đại của nó, trước sau gì cũng phải chấp nhận. Ông Nguyễn Hưng Quốc là người tương đối còn trẻ nên…đầu hàng ngay. “Các thư viện đại học càng ngày càng mua nhiều sách điện tử. Vào thư mục, đánh bất cứ vấn đề gì thuộc loại “nóng”, những tên sách mới nhất, đứng trên cùng, bao giờ cũng thường ở dạng e-book. Lúc đầu, đọc, cũng hơi khó chịu. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Ráng. Riết thành quen. Sau, tôi đọc sách điện tử trên màn ảnh cũng không thấy gì khác với sách in theo lối truyền thống. Quen nhanh nhất là loại sách biên khảo. Nhưng rồi đọc thơ cũng vậy. Cũng thấy được chữ trôi và thở. Cũng nghe được hơi ấm từ chúng. Y như trên trang giấy.Rồi tôi mua một cái Kindle, một loại máy chuyên đọc sách điện tử… Với Kindle, các chuyến đi xa trở thành nhẹ nhàng hơn hẳn. Trước, mỗi lần đi xa là một lần vất vả với sách. Đi càng lâu, sách càng nhiều. Nhưng không thể mang hết sách mình muốn và mình cần, nhất là đi máy bay với những quy định ngặt nghèo về trọng lượng hành lý. Bây giờ, trong chiếc Kindle nhỏ xíu, chỉ bằng một cuốn sách mỏng dưới một trăm trang, tôi có thể chứa hơn 200 cuốn sách. Tha hồ lựa và đọc”.

Vậy là tiêu điều những cuốn sách. Đọc bài...báo tử của ông Quốc, tôi buồn hiu ngắm những cuốn sách nằm im lìm trên kệ sách. Phần lớn là do bạn bè tặng. In được một cuốn sách, nâng niu như nâng niu đứa con vừa chào đời, lật từng trang giấy thơm phức, mắt dại đi vì niềm vui đang dâng tràn trong lòng, đóng gói cẩn thận gửi cho bạn bè, bao tới năm bảy lớp giấy và băng keo, sợ sách bị ông bưu điện hành cho bầm dập, mong ngóng từng ngày bạn nhận được sách, hy vọng đứa con được đón nhận trong tình thương. Cũng có cuốn thỉnh về từ tiệm sách, chắt chiu những đồng tiền hắt hiu, suy tính nên lựa cuốn nào, ôm sách về như đón thêm một người thân. Sách nằm đó, tăm tắp trên kệ, thân quen, như thể không có không được. Đó là một nhúm thịt da, một phần máu mủ của mình. Làm sao dứt được thịt da, lìa được máu mủ. Vậy nhưng cũng phải dứt, như ông Quốc đã vẽ ra trước một viễn ảnh đen thui. “Cứ tưởng tượng: một ngày nào đó, trên đường phố không còn, hoặc nếu còn, còn một cách vô cùng họa hoằn, các hiệu sách; và trong nhà của ngay giới trí thức, cũng không còn phòng sách hoặc kệ sách nữa. Buồn không? Chắc chắn là buồn. Lúc ấy, những người từng mê sách và từng bỏ tiền ra mua thật nhiều sách, hẳn sẽ ngậm ngùi ghê lắm…Trước những sự thay đổi của lịch sử, lòng ngậm ngùi thường rất yếu ớt. Và thường hoàn toàn bất lực”.

Mặc kệ, dù bất lực, dù đi ngược lại con đường một chiều, tôi vẫn cứ in sách. Để biết mình còn sống!

03/2011