Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

TÌNH

Báo Newsweek số ngày 4 tháng 7 vừa cho đi một hình bìa làm chấn động dư luận. Đó là một bức hình không có thật. Hình công nương Diana đi bên cạnh cô con dâu Kate Middleton. Ai cũng biết công nương xinh đẹp Diana đã ra người thiên cổ từ năm 1997, tính tới nay thì nàng đã làm ma được 14 năm. Vậy thì phép lạ nào đã đưa nàng về đi cạnh cô con dâu mới toanh vừa được rước về dinh vào ngày 29 tháng 4 năm 2011 vừa qua. Đó là phép lạ photoshop! Photoshop ngày nay như một đứa bé nghịch ngợm. Nó có thể chơi trò râu ông nọ cắm cằm bà kia tạo nên nhiều oan ức cho các người đẹp nổi tiếng bằng cách ghép khuôn mặt vào những thân hình nhộng cái của thiên hạ. Nó có thể cho ông này đứng cạnh bà kia, hai ông có mối thâm thù bá vai bá cổ nhau hoặc cho một nhân vật quan trọng vào những nơi tai tiếng. Tất cả những tấm hình giả mạo trên sẽ bay tùm lum trên internet cho bá tánh chiêm ngưỡng. Có cải chính thì cũng đã muộn. Vậy thì photoshop có cho Diana hiện về đứng cạnh cô con dâu chỉ về nhà chồng khi nàng đã mồ yên mả đẹp được gần tròn một vòng oan nghiệt của Thúy Kiều cũng không lấy chi làm lạ. Cũng không lạ khi Diana được photoshop cho già đi theo tuổi thật của nàng. Nếu còn sống thì vào ngày 1 tháng 7 năm nay, Diana sẽ được chẵn 50 tuổi. Hình Diana trên bìa báo Newsweek cũng có những nét nhăn và khuôn mặt của người năm chục cái…sồn sồn.

Hôn lễ của Diana và Thái Tử Charles vào năm 1981 được giới báo chí cho là đám cưới của thế kỷ 20. Đám cưới của thế kỷ bị bể sau 15 năm chung sống, lại số năm của cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều. Đám cưới của con trai trưởng của Diana, Hoàng Tử William, với cô nàng Kate lại được phong làm đám cưới của thế kỷ 21 tuy thế kỷ mới vừa được 11 tuổi.

Hai người trẻ tuổi số đẻ bọc điều đang làm cuộc công du đầu tiên sau lễ thành hôn tại Canada chúng tôi để chủ tọa lễ Quốc Khánh của Canada vào ngày 1 tháng 7, trùng với sinh nhật của Diana. Cặp vợ chồng vương giả này được đón tiếp nồng hậu bởi những công dân Canada bảo hoàng vẫn đang đội Nữ Hoàng Anh làm Quốc Trưởng xứ sở của mình. Trong số người bảo hoàng này không có tôi. Bởi vì tôi vẫn cứ ấm ức khi phải đi làm hộc xì dầu, đóng tiền thuế lợi tức ná thở mà tiền đóng góp của tôi lại được mang ra làm những chuyện phù phiếm là nuôi cho một gia đình ăn không ngồi rồi (mà ngồi cái kiểu đè trên đầu trên cổ tôi) chuyên gây sì căng đan! Tôi có đồng minh tại Montreal. Vào ngày thứ ba của chuyến…đi chơi của cặp vợ chồng vua chúa, họ đã gặp một cuộc biểu tình phản đối của những người ấm ức như tôi. Một đám đông chống hoàng gia  đón tiếp hai thành viên trẻ của hoàng gia trước cửa bệnh viện nhi đồng Sainte Justine đã trưng bảng “Parasite Go Home” ( Parasite có nghĩa là ăn bám)!

Quả tôi có khoái chí vì những tấm bảng nói hộ nỗi ấm ức của tôi này, nhưng tôi vốn dễ tính nếu không muốn nói là ba phải, nên cũng chịu khó ngồi coi ti-vi cuộc đón tiếp vua và hoàng hậu…chờ này coi xem sao. Thấy dân chúng coi bộ mến “chuẩn hoàng hậu” hơn nhà vua tương lai. Một tấm bảng giơ lên trước mặt William: “We want Kate!”. Cả cuộc tiếp đón tôi thấy coi bộ chỉ có tấm bảng này là được nhất!

Kate đẹp, sang cả, thân thiện và dễ thương, kết hợp với chân mạng quân vương là phải. Nhưng nàng công nương thời nay có tình bằng nàng Hồ Thị Chi ngày xưa không? Mà Hồ Thị Chi là ai vậy, tính tôi cứ hay quên trước quên sau! Phải giới thiệu sơ qua về cô Chi này một chút. Cô sanh vào năm đầu tiên của thế kỷ 20, là con gái của Thượng Thư bộ Học Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Ngọc Lương, nổi tiếng là một giai nhân quốc sắc thiên hương. Vừa thông minh, vừa học giỏi, vừa đàn hay. Nàng thông thạo cả tiếng Pháp lẫn Hán và Việt. Đầu thế kỷ 20 mà biết như vậy kể là giỏi. Nhưng về nhan sắc, nhìn hình tôi thấy phúc hậu, hiền lành thì có nhưng tâng bốc là quốc sắc thiên hương thì hơi quá. Dĩ nhiên tôi chẳng đủ khờ khạo để so cô Chi với cô Kate ngày nay. Đầu thế kỷ 20 và đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 21 phải khác chứ.

Mối tình của cô Kate với hoàng tử William cũng khác với mối tình của cô Hồ Thị Chi với vua Duy Tân. Ông vua…cách mạng này lên ngôi từ năm mới được 8 tuổi. Tám tuổi thì hỉ mũi chưa sạch chứ trị vì chi. Ở vào cái thời quân chủ xưa kia con vua thì lại làm vua chuyện cứ là con trai cả là nắm chắc cái ngai là chuyện thường. Thể chế quân chủ ngày nay còn rơi rớt lại tại một vài quốc gia nhưng trong thời buổi khó khăn ngày nay, con vua chưa chắc đã được làm vua. Như Thái Tử Charles, bố của Hoàng tử William đó. Chờ dài cổ ra mà bà mẹ chưa chán ngồi trên ngai. Tuổi bà đã cao nhưng sức khỏe của bà coi bộ còn tốt lắm, anh Charles chắc còn phải mỏi cổ. Nhưng chờ chưa chắc đã được vì tin đồn cho biết là có thể Nữ hoàng Elizabeth chơi trò…nhảy cóc. Không truyền ngôi cho con trai Charles mà truyền cho cháu nội William. Nếu sự thể xảy ra đúng như tin đồn thì tôi thấy cũng phải thôi. Trông Thái tử Charles chán thấy mồ. Nếu là tôi , tôi cũng làm như bà vua Elizabeth.

Bởi vì Duy Tân làm vua từ năm 8 tuổi nên các quan cận thần phải trị nước dùm cho vua. Một trong các quan này là ông Hồ Đắc Trung, bố của cô Hồ Thị Chi. Theo sử thì vào năm 1913, khi vua Duy Tân được 14 tuổi và đã ở ngôi vua được 6 năm, người Pháp cho xây toà Thừa Lương ở Cửa Tùng, Quảng Trị để nhà vua có chỗ nghỉ ngơi và giải trí. Thâm tâm của người Pháp là muốn tách vua ra khỏi kinh đô để nhà vua…con nít không vướng vào chính trị như vua cha Thành Thái. Hàng năm, cứ vào dịp hè, nhà vua thường ngự ra Cửa Tùng để tắm biển. Ông Hồ Đắc Trung phải đem cả gia đình ra tắm với vua để vua có bạn chơi. Các con của ông Trung gồm có: Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ thị Chi và Hồ thị Hạnh. Khi đó Hồ thị Chi được 12 tuổi, kém nhà vua 2 tuổi. Tuy mới 12 nhưng cô Chi đã trổ mã, vừa xinh xắn, vừa yểu điệu, lại hay thẹn thùng e lệ rất dễ thương. Hai người vừa gặp nhau đã tình trong như đã mặt ngoài còn e. Về điểm này cô Chi ăn đứt cô bé 13 tuổi trong thơ Nguyên Sa.

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn: ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải dỗ như là tôi mới lớn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa sêu
Phải nói vơ vào, rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?

Hồi tôi hai mươi tuổi, đọc thơ Nguyên Sa, tôi đã quở: cô bé này hư quá! Đó là hư với ông nhà thơ, còn nếu hư với tôi thì chuyện lại khác. Ai nỡ vùi dập kẻ chạy lại với mình! Cô Hồ Thị Chi chỉ mới 12 tuổi, còn nhỏ hơn cô bé của ông Nguyên Sa một tuổi, có thể bảo là hư được không?

Đối với anh con trai còn non choẹt là vua Duy Tân, chắc chẳng có tí kinh nghiệm nào với gái gung, thì mắc cở là cái chắc, dù là bậc quân vương. Theo hồi ký của cô Hồ Thị Hạnh, em của cô Chi, sau này đi tu trở thành sư cô Diệu Không thì… cái thuở ban đầu lưu luyến ấy xảy ra như sau: "Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thầy tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người thường, nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thầy chúng tôi quở. Khi mùa hè gần hết, vua tôi chia tay, chị tôi khóc. Ngài nói nhỏ với tôi: Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta gặp lại”.

Tuy là vua nhưng không phải muốn gì cũng được, hè năm sau nhà vua không được gặp lại cô bé Hồ thị Chi, vì cô đã lớn nên không được đi tắm biển với cả nhà nữa. Hồ thị Chi thương nhớ vua nên nước mắt tuôn trào xin đi nhưng bà mẹ vẫn nhất định không cho đi. Phần nhà vua cũng bi lụy như vậy. Thấy không có người đẹp trong đoàn tùy tùng, vua Duy Tân cũng ra ngẩn vào ngơ. Vậy nên khi hai bà Hoàng Thái Hậu cho phép nạp phi, nhà vua chọn ngay người chàng đã thầm yêu trộm nhớ. Sư cô Diệu Không kể lại chuyện…hồi hộp này: "Mãn hè một tháng, một hôm có thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội cho hai ngài Thái hậu xem mặt. Một tuần sau, hai Ngài cho đòi thầy mạ tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mạ tôi quỳ lễ bái lãnh... Đó là lễ hỏi của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố".

Chuyện tình tưởng đã có happy ending nhưng năm 1915, lúc nhà vua được 16 tuổi, tình lại bỗng có mà không. Vào lúc cuối năm, nhà vua đã cho mời Thượng Thư Hồ Đắc Trung vào cung gặp riêng. Vua Duy Tân đã cho cha vợ…chờ biết quyết định của chàng là rút lại việc hôn nhân. Sau đó nhà vua vẫn lấy vợ nhưng cô dâu là cô Mai Thị Vàng, con gái ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán của nhà vua.

Khỏi phải nói, gia đình Thượng Thư Hồ Đắc Trung buồn xiết bao. Người buồn nhất dĩ nhiên là cô Hồ Thị Chi. Chỉ nửa năm sau, vào tháng 5 năm 1916, vua Duy Tân bị người Pháp bắt vì tội tham gia vào cuộc khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quang Phục Hội. Bấy giờ mọi người mới biết lý do từ hôn của nhà vua. Theo lời khai của nhà vua với người Pháp thì sở dĩ ông đành phải phụ tiểu thư Hồ Thị Chi vì lúc đó ông đã nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa nên không muốn người nhà vua sủng ái và gia đình đông đảo của nàng phải chịu liên lụy. Cũng nhờ lời khai này mà Thượng Thư Hồ Đắc Trung đã được vô can vì trước đó người Pháp đã nghi ngờ Thượng Thư là đồng phạm với nhà vua. Tiểu thư họ Hồ biết được như vậy nên rất cảm phục và yêu mến nhà vua, tuy không được chính thức là vợ của vua Duy Tân nhưng nàng cũng đã tự coi mình như đã là vợ của bậc minh quân, quyết tâm ở vậy thờ chồng…hụt!

Hai năm sau, năm 1917, quyết tâm của nàng bị thử thách. Vua Khải Định ngự giá ra chủ lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Nhà vua thấy một nữ sinh xinh đẹp, khoan thai kính cẩn dâng lên ngài chiếc khay bọc gấm điều đựng chiếc kéo cắt băng khánh thành, bèn bị hớp hồn. Khi biết được cô nữ sinh khả ái này là cô Hồ Thị Chi, con gái của Thượng Thư Hồ Đắc Trung, nhà vua cho vời ông vào cung. Sư cô Diệu Không ghi lại lời vua Khải Định nói trong cuộc gặp gỡ này: "Tôi cần một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người đó là con gái Thầy. Trước đây, tôi đã có người vợ con cụ Trương Như Cương nhưng bà ấy đã xin về ba năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con Thầy làm Hoàng phi vợ chính. Thật ra, tôi cũng đã có một người hầu và một con mới 4 tuổi, nó sẽ là con của bà Hoàng phi”. Nghe lời nhà vua như nghe sét đánh ngang tai vì ông Thượng Thư biết con gái rất nặng tình với vua Duy Tân không dễ gì chấp nhận làm vợ vua Khải Định. Quả đúng như vậy. Cô Hồ Thị Chi một mực thưa không với cha khi được ông cho biết ý định của nhà vua. Cô vừa khóc vừa nói: “Con xin nguyện ở với cha mẹ trọn đời, không lấy ai nữa hết!”. Đối với ông, câu từ khước này là một bản án vì tuy vua Khải Định mới ngỏ ý nhưng đây là “khẩu dụ” của nhà vua, nếu không nghe theo thì cả nhà sẽ không tránh được tội khi quân, tai họa sẽ khôn lường.

Khi đó, anh của cô Chi là Hồ Đắc Khải cũng đã làm quan cùng với thân phụ. Nếu không tuân lệnh vua thì chắc chắn cả hai chức quan sẽ tiêu ma. Trước viễn ảnh tăm tối, cả nhà xúm vào khuyên cô Chi nên chấp nhận. Nhưng cô vẫn khăng khăng sống chết với tình. Hai cha con họ Hồ đã nghĩ tới chuyện từ quan về làm ruộng. Cô em Hồ Thị Hạnh nằm chung giường với chị một đêm đã phân giải điều hơn lẽ thiệt: "Thầy và anh Khải đều là văn nhân, nay về làm ruộng sao được. Huống nữa còn bốn anh em đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không biết hy sinh thì chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài Duy Tân đã vị quốc gia, vậy sao chị không vị gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?". Sáng hôm sau, đôi mắt còn sưng húp, nét mặt buồn phiền, tiểu thư Hồ Thị Chi sang phòng cha và thưa: “Con xin nghe lời thầy và anh!”.

Lễ nạp phi được tiến hành ngay. Lúc đó tiểu thư Hồ Thị Chi mới được 15 tuổi. Vua Khải Định giữ đúng lời hứa phong cho Hồ Thị Chi làm Đệ Nhất Ân Phi và rất sủng ái cô vợ mới cưới. Bà Ân Phi thường xuất hiện bên cạnh nhà vua trong những lần tiếp tân , yến tiệc khoản đãi các viên chức người Pháp và người ngoại quốc. Với vẻ người xinh đẹp, thông minh, vừa có kiến thức về văn hóa Đông phương lại am hiểu nếp sống Tây phương nên bà rất được các vị khách ngoại quốc kính phục. Nhưng tâm sự bà vẫn ngổn ngang trong héo ngoài tươi. Sư cô Diệu Không ghi lại: “Tuy được gả cho vua mà tình người con gái vẫn còn quyến luyến vua cũ không nguôi, còn thầy tôi làm quốc trượng mà lòng vẫn buồn nên thường lui tới chùa Trúc Lâm để tâm sự với Hòa Thượng Giác Tiêu cho vơi bớt nỗi sầu thế sự”.

Vua Khải Định qua đời vào năm 1925,  lúc bà Ân Phi Hồ Thị Chi mới 25 tuổi, không có con với nhà vua. Hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi lấy tên là Bảo Đại, phong cho mẹ đẻ là bà Hoàng Thị Cúc chức Đôn Huy Hoàng Thái Hậu tức bà Từ Cung uy quyền bậc nhất trong nội cung. Bà mẹ đích là Ân Phi Hồ Thị Chi không được phong Hoàng Thái Hậu, không sống trong nội cung mà sống ờ cung An Định. Bà Ân Phi tỏ ra rất phiền muộn, mắc bệnh trần cảm nặng và sau này trở thành bệnh điên. Ông anh ruột Hồ Đắc Di lúc đó là một bác sĩ giỏi, tốt nghiệp ở Pháp, cũng đành bó tay. Năm 1985, Ân Phi Hồ Thị Chi qua đời tại bệnh viện Trung Ương Huế vì suy kiệt và mắc bệnh tiêu chảy, hưởng thọ 83 tuổi. Bà được an táng dưới chân mộ song thân tại nghĩa trang gia đình họ Hồ Đắc trên một ngọn đồi thông tại xã Dương Xuân Thượng, thành phố Huế, gần chùa Hồng Ân do ni trưởng Diệu Không, tục danh Hồ Thị Hạnh, em của bà sáng lập và trụ trì.

Chuyện tình của tiểu thư Hồ Thị Chi tới đây tưởng đã có thể khép lại được, nhưng không, còn có chuyện nói. Sử sách chép lại là vua Khải Định vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1916 đến 1925, bị bất lực! Ông có tất cả 12 bà vợ nhưng trong suốt 10 năm làm vua, Khải Định chẳng ban ơn mưa móc cho bà nào cả. Ai cũng biết bệnh của nhà vua. Ngay chính nhà vua cũng công nhận điều đó. Nhưng các quan đại thần vẫn muốn tiến cung con gái để mong được làm ông nhạc của ngài ngự hầu được hưởng nhiều quyền lợi và bổng lộc. Những khi đó, nhà vua thường nói với các quan: “Nội cung của Trẫm là một cái chùa, ai muốn vào tu thì cứ vào!”. Trong chùa thì chỉ có ăn chay chứ mặn mà chi được!

Cả 12 bà vợ chẳng bà nào có con cả. Không gieo làm sao mà gặt. Vậy thì ông hoàng Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại, con của vua Khải Định, ở đâu mà ra? Người ta đồn rằng có một lần nhà vua dùng thuốc. Chẳng rõ thuốc gì mà nhà vua bỗng nổi cơn ham muốn. Chẳng lẽ Viagra có từ thời đó! Lúc đó không có bà vợ nào ở kế bên. Nhà vua bỗng thấy một cung nữ ở gần, bèn…ban lộc. Cung nữ trúng số độc đắc mà cả đời trị vì nhà vua mới xổ một lần chính là bà Hoàng Thị Cúc. Bà này trúng đậm. Vua chỉ khai pháo có một phát duy nhất mà dính. Bà mang bầu và sinh ra hoàng tử Vĩnh Thụy.

Tội cho bà Ân Phi Hồ Thị Chi. Không muốn lấy chồng, dù chồng là quân vương quyền uy, vậy mà vì muốn cứu gia đình nên gật đầu ưng thuận. Tới khi lấy chồng thì cũng như không. Một lần yêu, một lần làm vợ, cả hai lần đều dính dáng tới nhà vua, người đàn bà trong con người của Ân Phi vẫn phải ngủ yên. Lạnh tanh. Tình không vẹn mà nghĩa cũng không xong. Cô độc vẫn hoàn cô độc. Trong suốt 83 năm nơi trần thế.

Tình như Ân Phi Hồ Thị Chi, liệu công nương Kate có theo kịp không? Tôi xin nhường câu trả lời cho mỗi người.

07/2011