Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

TỊCH

Mùa đông là một anh chàng hèn chuyên đánh người già cả. Năm nay anh ấy hơi mạnh tay. Chơi toàn những cây đại thụ. Ngày 31 tháng giêng năm 2011, anh hạ người đàn bà nhiều tuổi nhất thế giới Eunice Sanborn ở Jacksonville, Texas. Bà ngã khi thọ được đúng 114 năm và 195 ngày. Bà là người già vô địch thứ 43 được sách kỷ lục Guinness chính thức ghi nhận. Bà sanh ngày 20 tháng 7 năm 1896 tại Lake Charles, Lousiana, con của một di dân, mang hai dòng máu Đức và Ái Nhĩ Lan. Sống lâu như vậy nên chẳng có ông chồng nào chịu nổi. Cả ba ông chồng đều qui tiên trước bà. Ông cuối, Grant Sanborn, qui hàng vào năm 1979, 32 năm trước đây! Chọn người già nhất cũng như thi hoa hậu tuy tiêu chuẩn của cuộc bình chọn này rõ ràng hơn. Cứ sống lâu là lên lão làng. Cũng như thi hoa hậu, bà tiến dần lên, đầu tiên là người già nhất nước Mỹ vào tháng 4 năm 2010 sau khi bà Neva Norris từ giã cõi đời. Chỉ 7 tháng sau, vào tháng 11 năm đó, bà tiến lên đội vương miện là người già nhất thế giới sau khi bà phước người Pháp tên Eugénie Blanchard về với Chúa. Nay bà Eunice Sanborn chán sống, vương miện của bà được trao lại cho bà Besse Cooper ở Georgia, 114 tuổi và 158 ngày. Bà này chơi luôn một lúc hai vương miện trên đầu: người già nhất nước Mỹ kiêm già nhất thế giới!

Cây cổ thụ thứ hai bị đánh gục trong mùa đông năm nay là bà Elizabeth Buhler, người già nhất Canada, mất tại Winkler, tỉnh bang Manitoba, vào ngày Chủ Nhật 23 tháng giêng vừa qua, trước bà “hoa hậu” thế giới Eunice Sanborn đúng một tuần. Đau một cái là anh thần chết đến hơi sớm một chút. Nếu anh chờ 17 ngày sau mới ra tay thì bà Elizabeth Buhler đã ăn sinh nhật 112 tuổi. Bà sanh ngày 8 tháng 2 năm 1899 ở Ukraine và cùng chồng di dân tới Canada vào năm 1925. Người kế vị là bà Pearl Lutzko, cũng gốc dân Ukraine, hiện sống tại Saskatchewan. Bà này sanh ngày 15 tháng 2 năm 1899, chỉ thua bà…tiền nhiệm có đúng một tuần lễ!

Bà thứ ba bị anh mùa đông mang đi là bà Bùi Thị Phượng. Cụ thuộc gia đình Bùi Quang nổi tiếng ở Mỏ Cày, Bến Tre, là em ruột của cụ Bùi Quang Chiêu và cô ruột của bà bác sĩ Việt Nam đầu tiên Henriette Bùi. Bà này là con gái của cụ Bùi Quang Chiêu, người đã bị Việt Minh thủ tiêu ở Chợ Đệm vào năm 1945 cùng với 4 người con trai và cô gái út lúc đó mới 16 tuổi. Tên cụ được đặt cho một con đường ở gần chợ Bến Thành, Sài Gòn, mà theo nhà văn Bình Nguyên Lộc thì đường này xưa kia mang tên đường Cá Hấp. Cụ Phượng tịch vào một ngày cuối năm con cọp, thọ 106 tuổi. Tịch chữ Hán là “hoàn toàn yên lặng” nhưng cũng thường được dùng để chỉ việc nhắm mắt bước qua thế giới khác. So với hai bà có vương miện…già trên thì cụ Phượng của chúng ta vào tuổi em út nhưng trong số người Việt định cư tại thành phố Montreal chúng tôi thì có lẽ cụ là vô địch. Tôi chẳng thấy ai nhiều tuổi hơn cụ. Dám  cụ là người nhiều tuổi nhất trong số người Việt định cư tại Canada lắm. Nghĩ nhích lên một chút, không chừng cụ là người Việt hải ngoại già nhất không chừng! Chúng ta không có số liệu chính xác về các bậc via hải ngoại nên tôi cứ mập mờ phong chức cho cụ. Kể cũng hơi thiên vị nhưng dù sao cụ cũng là hàng xóm ngày xưa của tôi. Xin thông cảm dùm cái tình lối xóm của người Việt chúng ta. Hồi đó, cũng gần ba chục năm trước, ấp của cụ nằm gần ấp của tôi. Hai ấp bên hai building chỉ cách nhau một con hẻm trong khu Place Darlington thuộc khu người Việt Côtes des Neiges. Ngày đó, dân mới qua hầu như tụ tập nhau ở cả khu này. Cái công viên nho nhỏ trước nhà hầu như toàn bóng người Việt, nghe tiếng Việt 24 trên 24. Người già không còn đi làm và trẻ con Việt thường tụ tập nhau trong khu công viên này bất cứ giờ khắc nào trong ngày. Cụ Phượng ngày đó còn…trẻ, thường ra ngồi hóng mát cùng các cụ đồng trang lứa. Trong các ngày nghỉ cuối tuần, tôi cũng thường ra công viên ngồi nhìn đám trẻ, trong đó có những đứa con còn nhỏ của tôi, và tiếp chuyện với những đồng hương hàng xóm. Tôi thấy cụ có đôi tai lớn và dày, tướng của những người thọ. Thọ nhưng rất minh mẫn. Cho tới những ngày cuối đời, với trăm tuổi trên vai, cụ vẫn hàng tuần tới hội già đánh tứ sắc với các cụ khác. Cụ còn rất tinh tường nên chẳng bao giờ bị đền làng cả.

Ba cây đại thụ bị anh mùa đông bứng gục đều là phái nữ. Các cụ kế tục cũng rứa. Thế mới biết ông trời cũng nịnh đầm ra gì. Huống chi cánh đàn ông chúng tôi. Các cụ rủ nhau đi chắc đã có các cụ ông đứng chờ ở dưới đó. Đàn ông chúng tôi bao giờ cũng chu đáo. Nhưng cảnh giới dưới đó ra sao, chẳng ai có kinh nghiệm. Tin tức nghe được thường qua hai con đường. Thứ nhất là suy đoán qua những tín hiệu. Thứ hai là qua các người trung gian. Ngày xưa là các cô đồng, ngày nay là các nhà ngoại cảm.

Ông bạn Trường Kỳ của tôi chọn con đường thứ nhất. Ông tự về. Ngày 22 tháng 3 sắp tới, bạn tôi đã rong chơi được hai năm. Ngay khi vừa ra đi, có lẽ vì nhớ vợ nên ông đã về. Chuyện về này, chị Thu Huyền có kể lại cho tôi nghe khi vợ chồng tôi ngồi ăn với chị trong tiệm ăn mà ngày xưa Kỳ thường lui tới. Anh không chỉ “bay” về với vợ, anh còn bay về khi có sự hiện diện của bạn. Cô ca sĩ Thái Hà kể lại chuyện bướm Trường Kỳ như sau: “Nhớ hôm tháng 11 năm ngoái, tôi ghé thăm chị Huyền sau khi chị vừa dọn tới căn appartement mới. Lúc đó khoảng 10 giờ tối, tôi đang chăm chú nghe chị kể câu chuyện bướm trắng: “Khuya hôm đó Huyền không ngủ được mặc dù đã 4 giờ sáng, Huyền mới lấy quyển sách mà anh Kỳ rất tâm đắc “Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống” và khi đọc được vài trang, thì tự nhiên không biết từ đâu có một con bướm trắng đáp ngay xuống trang sách. Huyền giật mình hết hồn, không hiểu từ đâu có con bướm, nhưng một phút sau là Huyền lấy lại bình tĩnh và hỏi nhỏ có phải anh về phải không? Anh muốn cho em biết là anh yên tâm với căn nhà mới của em? Rồi sau đó con bướm bay đi”. Chị Huyền vừa khóc vừa kể lại đoạn đường dài thăm thẳm khi chị lái xe chạy theo sau chiếc xe chở xác anh từ nhà thương đến nhà xác…Chị vừa kể vừa khóc sướt mướt khiến tôi không cầm được nước mắt cũng sụt sùi khóc theo. Bỗng từ đâu một con bướm trắng bay đến, tôi giật mình quan sát thật kỹ con bướm. Bướm bay chung quanh chị nhiều vòng, và sau cùng đậu ngay trên lòng chị, gần đầu gối. Đôi cánh bướm trắng xếp lại và yên lặng đậu một hồi. Tôi và chị cùng đưa mắt nhìn nhau. Tôi buột miệng: “Anh về an ủi chị đó, thấy chị khóc quá nên anh về với chị”. Chỉ vài phút sau, con bướm vỗ cánh bay, biến mất hẳn. Tôi tò mò nhìn khắp căn phòng nhỏ nhắn ấm cúng, tất cả cửa đều đóng kín, gió cũng khó có thể thổi vào, vậy chú bướm trắng này bay vào từ đâu? Chị Huyền giải thích: “Bướm vẫn là biểu tuợng cho người thân trong gia đình đã mất. Ngày trước, mỗi khi gần đến ngày giỗ của bố hoặc bà nội anh là y như có bướm bay vào nhà trước đó một hay hai hôm, và anh Kỳ thường nói: “Bà nhắc mình sắp đến giỗ của bà đó!”. Đối với anh bà cũng như mẹ vì bà đã thay mẹ chăm lo cho anh từ lúc còn bé”.  

Nghe kể, trong đầu tôi hiện ra hình ảnh ông Trường Kỳ hóa bướm. Không biết với cái thân hình không được thon thả lắm lại vác thêm một cái bụng quá khổ mà bỗng chuyển hóa thành một chú bướm bay nhởn nhơ thì đó là loại bướm chi? Đúng là đến chết ông bạn tôi cũng không bỏ được cái tính khôi hài!

Ông bạn Trường Kỳ chọn về bằng cách hóa bướm. Đó là ông về bằng cách thứ nhất. Cách thứ hai nhiều kịch tính hơn. Trong đời chúng ta không biết tới bao nhiêu lần đã nghe kể về chuyện gọi hồn. Các cô đồng bà cốt và, văn minh hơn, là các nhà ngoại cảm có thể liên lạc được với những người ở cõi âm và triệu hồn về cho gia đình gặp. Tin hay không tùy bóng vía của từng người. Tôi vẫn coi những chuyện này như chuyện nghe qua rồi bỏ. Nhưng mới đây, tôi được đọc những bài viết về chuyện tiếp xúc với cõi dưới của hai vị bác sĩ. Ít nhất họ cũng là những nhà khoa học nên chuyện họ kể cũng có ép-phê hơn.

Chuyện thứ nhất do Bác sĩ Bùi Duy Tâm kể. Bác sĩ Bùi Duy Tâm tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ và Tiến Sĩ Sinh Hóa ở Mỹ. Năm 1964, Bác sĩ Tâm về Sài Gòn dậy tại Đại Học Y Khoa, sau đó ra Huế làm Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Huế cho đến cuối năm 1972. Từ Huế, ông về làm Khoa Trường Đại Học Y Khoa Minh Đức tại Sài Gòn cho tới năm 1975. Bác sĩ Tâm tự giới thiệu trong bài “Linh Hồn và Cõi Âm” như sau: “Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh túy của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “linh hồn” và “cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể. Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”.

Ông đọc được bài viết của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, nguyên Phó Thủ Tướng thời Việt Nam Cộng Hòa, trong tờ Y Tế Nguyệt San  số 5, tháng 5/2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong bài viết mang tựa đề “Thế Giới Vô Hình và Việc Tìm Kiếm Mồ Mả tại Việt Nam” , bác sĩ Viên đã kể lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ Sư Trần Lưu Cung, nguyên Thứ Trưởng Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hòa. Người giúp gia đình ông Trần Lưu Cung là cô Phương ở phía bắc cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

Trong lần về Việt Nam làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ, ông Bùi Duy Tâm đã cùng gia đình tìm tới nhà cô Phương. Trước khi rời Hà Nội, ông đưa mẹ tới một tiệm may để may một chiếc áo dài nhung đỏ mặc vào ngày lễ Đại Thọ. Mẹ ông Tâm là  người mộ đạo Tin Lành nên không chịu vào, ngồi ở một quán nước phía ngoài. Nhưng khi tới lượt, bà cũng vào. Ông Tâm kể: “Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất lúc chưa đầy một tuổi.) Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…”. Vong nói qua miệng cô Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn anh Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con”. Rồi quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”. Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi…. Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…”. Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu! Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!”. Mẹ tôi rên rỉ: “Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”. (Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)”. Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”. Tôi vội thưa: “Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh” (cô Hai là chị ruột bố tôi.) Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị chỉ về quê nội có một lần!”. Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại khó khăn. Và, con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”.

Đọc bài viết “Linh Hồn và Cõi Âm” của Bác sĩ Bùi Duy Tâm, ngày 12 tháng 12 năm 2009, một bác sĩ khác, Bác sĩ Nguyễn Thanh Châu ở San Jose cũng tò mò về Việt Nam để gặp cô Phương. Ông kể lại: “Chúng tôi về đến Hà Nội ngày 12 tháng 12 năm 2009, một tuần trước khi vào Saigon để tham dự  35 năm Hội Ngộ của lớp Y Khoa 1967-1974. Dự định của tôi là thăm họ hàng, và cũng nhân dịp này  tìm đến đến cô Phương ở Thanh Hóa cho thỏa chí tò mò sau khi đọc bài viết " Linh Hồn và Cõi Âm " của BS Bùi Duy Tâm. Một người bạn quen, không biết gì về các anh em hay họ hàng chúng tôi cho biết không cần phải đi Thanh Hóa vì ngay tại Hà Nội có nhiều nhà ngoại cảm , và có thể thu xếp để chúng tôi gặp cô Nguyệt ở ngã tư Sở, cuối đường Trường Chinh …. Hai ngày sau , chúng tôi đang sửa soạn ra phố cổ Hà Nội dạo chơi , anh bạn điện thoại cho biết cô Nguyệt đã có mặt tại Hà Nội và đã lấy hẹn lúc 11 giờ 30 sáng ngay hôm đó. Vợ tôi - Bác Sĩ Phạm Thị Bích Liên - là người Công Giáo gốc , ngần ngại không muốn đi vì quan niệm rằng chúa Giê Su đã cất ai đi thì làm gì có chuyện trở về . Tôi phải thuyết phục mãi bà ấy mới chịu , và bà đeo dây chuyền có hình Đức Mẹ ở cổ , đồng thời cũng đeo tràng hạt có Thánh Gíá ở cổ tay. Chúng tôi đến ngõ 192, ngay Ngã Tư Sở Hà Nội , chờ khoảng vài phút thì người bạn chạy xe máy đến đưa vào ngách 29, rồi vào một căn nhà ba tầng , bề mặt khoảng hơn ba thước, giữa nhà và căn nhà đối diện chỉ có một khoảng cách chừng  hơn một thước. Vào nhà , một cậu bé trai khoảng hai mươi tuổi mời chúng tôi vào phòng khách và nói " mẹ cháu ra ngoài chốc lát , sắp về đến rồi ". Khoảng mười phút sau, một người đàn bà khoảng hơn bốn mươi  chạy xe máy về , cô này mặc quần jean và áo ngắn như người bình thường, nói chuyện lặt vặt với anh bạn tôi rồi mời chúng tôi lên lầu. Căn phòng trên lầu ba khoảng ba thước bề ngang , bốn thước bề sâu , có bàn thờ Phật, bên cạnh là một bàn thờ khác giống như bàn thờ gia tiên , nhưng không có hình trên bàn thờ này. Cũng không có bàn ghế , chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu đơn giản. Anh bạn tôi để một tờ một trăm ngàn VN trên bàn thờ, cô Nguyệt châm ba nén hương , lâm râm khấn vái trước bàn thờ Phật khoảng một phút, ngồi xuống chiếu rồi hỏi tôi:" Anh muốn gặp ai?". Tôi nói : " Tôi muốn gặp bố tôi hay anh cả tôi " Tôi cố ý không tiết lộ những chi tiết về những người đã khuất để xem ra sao . Thực ra bố tôi mất tại Saigon năm 1977, còn anh cả tôi - BS Nguyễn Thanh Giá - mới mất vì heart attack tháng  5 năm 2008. Cô Nguyệt nhắm mắt, lâm râm khấn vái , rồi mở mắt nói với tôi : " Gia đình anh có một bà mất hồi trẻ lắm, chết đưối, nhưng bà về và bảo không có chuyện gì để nói " Tôi giật mình vì ngày xưa bố tôi  kể là có bà cô - em ruột ông nội tôi- lúc còn trẻ đi dự đám cưới bằng thuyền  rồi thuyền lật , chết đuối. Chuyện này xẩy ra lâu lắm rồi, có lẽ ở thập niên 1910. Cô Nguyệt nhắm mắt lại khoảng ba mươi giây, rồi mở mắt nói: "Bây giờ có một cụ ông rất uy nghi muốn nói chuyện với anh, nhưng không nhập, em nghe được những gì  ông nói thì nói lại cho anh biết". Cô Nguyệt nói : " Ông giận  cháu lắm, cháu về Hà Nội bao nhiêu lần mà không bao giờ nghĩ đến chuyện thăm ông, ông luôn luôn theo cháu để giúp ch́áu, cháu còn nhớ có cái sẹo lúc trước mổ bụng không? " Tôi giật mình, quả đúng như vậy , về Hà Nội trên mười lần tôi không bao giờ có ý định đi thăm mộ ông nội, vì  ông nội mất từ năm 1951, lúc đó tôi mới chưa đầy hai tuổi. Còn cuối năm học APM, độ mười ngày đến kỳ thi lên năm thứ nhất y khoa, tôi bị Acute Appencitis và được thầy Nguyễn Hữu mổ ở bệnh viện Bình Dân, cũng may năm đó tôi qua được kỳ thi này, trong khi có khoảng gần một trăm người phải ở lại lớp. Ông tôi nói tiếp : " Anh cả có gặp ông, anh mất nhanh lắm, ông cố cứu mà không được". Rồi ông nói:" Tro của bố cháu để ở chùa, gần cái cầu".  Điều này cũng đúng vì tro của bố tôi để trong chùa Vĩnh Nghiêm, gần cầu Công Lý ở Saigon. Ông nói thêm: "Cháu , anh cả cháu, và thằng M. và con H.  vẫn nói với nhau chết là hết ". Điều này cũng đúng, tôi lớn lên trong một gia đình Phật Giáo, bố mẹ tôi ngày niệm Phật ba lần, bảy anh chị em tôi thì năm người tin hoàn toàn vào đạo Phật, riêng anh cả tôi và tôi thường hay bàn luận  và vẫn có quan niệm chết là hết, còn M. là con lớn nhất của anh tôi, và H. là vợ nó. Ông nhắc thêm : " Ông giận lắm, năm thằng cháu nội không lo gì được cho ông, để thằng cháu ngoại nó lo hết, cả anh Giản về Hà Nội mà cũng không thăm ông".  Anh Giản là BS Nguyễn Thanh Giản, anh thứ hai, anh em tôi thuộc dòng trưởng và có năm anh em trai. Còn cháu ngoại là con của cô ruột tôi, gia đình  duy nhất ở lại Hà Nội không vào Saigon năm 1954, và em họ tôi đã lo việc bốc mộ ông tôi về quê khi chính quyền CS giải tỏa nghĩa trang ở Hà Nội. Tôi nói : " Ông mất từ ngày cháu còn bé, cháu không biết mặt ông, bây giờ cháu cũng không biết mộ ông ở đâu?". Ông trả lời:" Gọi điện thoại vào Saigon hỏi thằng Hùng thì biết". Tôi lại kinh ngạc vì em họ  tôi ,( GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó Khoa Trưởng - VC gọi là Hiệu Phó- thời GS Tôn Thất Bách làm hiệu trưởng , và làm Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Y Tế, thời GS Đỗ Nguyên Phương làm bộ trưởng ) đang ở Saigon. Trước đó lúc mới đến Hà Nội tôi điện thoại cho Hùng mới biết anh ấy vào Saigon , tuần tới mới về Hà Nội. Ông nội nói thêm: " Ông tức cháu lắm , tối hôm qua ông làm cháu đau bụng". Quả thật tối hôm trước đang ngủ trong hotel, tôi thấy đau nhói ở bụng độ ba mươi giây, thức dậy cơn đau hết . Cuối cùng ông nói:" Thôi bây giờ  ông cũng đầy đủ mọi thứ, mộ ông đẹp lắm, ông không cần gì cả ". Thế là sau đó ông thăng. Khoảng mấy phút sau, cô Nguyệt quay sang hỏi vợ tôi:" Chị muốn gặp ai ?". Vợ tôi nói:" Muốn gặp bố tôi". Tôi nhắc thêm:" Và cậu em trai nữa". Cô Nguyệt nhắm mắt khoảng ba mươi giây, rồi nói :" Cậu này nhanh nhẩu lắm , nhập rồi". Người em trai nói chuyện trực tiếp , không như ông nội tôi chỉ nói cho cô Nguyệt nghe rồi nói lại với tôi. Và cứ thế những chi tiết mà chỉ có những người trong gia đình mới biết được cậu em kể cho vợ tôi, những chi tiết này quá riêng tư và có liên quan đến một người khác nên vợ tôi không cho phép tôi viết lại, và cuối cùng bà ấy cũng kết luận: " Không còn nghi ngờ gì nữa,  đúng là đứa em đã về nói chuyện với chị ".

Tôi nhận được bài viết này qua e-mail do chú em tôi chuyển. Có lẽ chuyện này không được phổ biến rộng rãi ngoài những người thân. Bác sĩ Phạm Thị Bích Liên là em họ tôi. Bài viết của cả hai bác sĩ rất chi tiết. Tôi có lược bỏ một vài đoạn. Qua những chi tiết này tôi thấy cõi âm rất to lớn rộng rãi có thể chứa được một dân số đông đảo. Con người dưới đó cũng già thêm và cũng khoái có mộ to và đẹp. Tất cả các thế hệ trong một gia đình còn chung sống với nhau, ríu rít gọi nhau lên gặp người cõi trần. Như vậy gia đình họ hàng trên dương thế xuống đó vẫn còn giây mơ rễ má với nhau. Tôi có nhiều ông bạn, vợ mất, ngay sau đó đã bước thêm một bước, có ông vui chân bước tới hai ba bước. Tôi thấy lo cho sự an vui của các ông này một mai khi các ông tái ngộ một lúc nhiều bà vợ! Ngược lại, như bà Eunice Sanborn, người già nhất thế giới tôi đã nhắc tới ở trên. Bà mới mất, khi tới cõi âm chắc cũng gây ra nhiều rắc rối vì bà có tới ba ông chồng! Người cõi âm có thể làm người trên dương thế đau bụng. Chuyện này có thể tạo nên rất nhiều cuộc trả thù xuyên hai cõi. Với những bệnh loại hybrid này, liệu các bác sĩ dương gian có chữa trị được không?

Cõi âm như vậy cũng còn rất mù mờ. Phải chi có một ông bà nào dùng phi thuyền về cho biết thì quý biết mấy. Có lẽ cùng mang tâm trạng này với tôi nên nhà phê bình Thụy Khuê đã có căn dặn những người bạn sắp ra đi. Bà dặn ba người tất cả: họa sĩ Lê Thị Lựu, nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp và nhà văn Ngọc Khôi. “Những người thân của tôi ra đi đều thế, không ai trả lời về việc bên ấy. Khi còn bà Lựu, tôi thường dặn: Khi nào bà đi, nhớ về báo cho cháu biết tình hình bên ấy nhá. Bà gật: Ừ, bà sẽ tìm cách. Nhưng từ hồi ấy không thấy bà về lần nào. Chắc không có cách! Anh Tạ Trọng Hiệp, hình như biết trước nên không hứa gì. Trước hôm đi, anh vẫn còn nhắc: Hôm nay thứ tư, TK không đi trông cháu còn vào đây làm gì? Anh nhớ thời biểu của anh, của bạn anh đến chót, anh giữ lễ đến phút chót. Không rên la. Mặc dù đớn đau khủng khiếp. Anh đi như bậc túc nho, coi cái chết nhẹ như cánh lông hồng. Ngọc Khôi thì không muốn chết. Em sợ lắm. Trên gò má, trũng mắt, những cơn đau đẽo dần em. Trùng nuốt dần em. Ba tháng cuối, hầu như mỗi ngày em đều nắm chặt tay tôi vặn hỏi: Tại sao em phải chết? Em chưa muốn chết. Chết là như thế nào? Làm sao trả lời em được. Chị đã chết lần nào đâu. Mà chị còn phản bội em. Cầu cho em thoát nạn. Chóng đi. Chóng dứt. Em đi rồi, chẳng thấy về nói cho chị biết chết như thế nào. Chắc không nói được nên ai cũng làm thinh”.

Những người đã nằm an nghỉ hình như đều ngại chuyện đi đứng!

03/2011