Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

PHIỀN

Gadhafi, bây giờ ông ở đâu, Bến Hải hay Cà mau? Khi tôi viết những dòng này thì tại Lybia quân nổi dậy đang truy lùng tận sào huyệt cuối cùng Sirte, nơi sanh quán của Gadhafi. Tùy tùng và binh sĩ trung thành với ông lãnh tụ nhi nhô này đang bỏ chạy sang các nước láng giềng. Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ thương yêu chi anh chàng mát dây hạng nặng này mà chỉ thắc mắc về số phận của đoàn nữ vệ sĩ xinh đẹp bao quanh chàng.

Gadhafi luôn có một đội nữ vệ sĩ trẻ đẹp vây quanh khi xuất hiện trước công chúng hay khi đi công du. Thường thì các nhà lãnh đạo trên thế giới sử dụng những nam vệ sĩ to khỏe để bảo vệ. Họ mặc đồ lớn đi lẫn vào đoàn tùy tùng nên chìm lỉm trong đám đông. Anh khùng Gadhafi không vậy. Anh chơi nổi. Đám vệ sĩ cái vây quanh anh là những thiếu nữ trẻ đẹp lại được anh cho ăn mặc màu mè khi xanh khi đỏ, lúc quân phục của binh chủng này , khi quân phục của binh chủng kia, lúc là những đồng phục riêng, cứ như phường tuồng. Phải chăng Gadhafi muốn dùng những nữ cận vệ xinh đẹp để che bớt đi phần nào nét xí trai man dại của chàng chăng?

Từ khi tình hình căng thẳng không có lợi cho nhà độc tài thì người ta không thấy đội nữ vệ sĩ xuất hiện nữa. Chắc nhà độc tài diêm dúa này cũng biết là phần trình diễn tới đây là chấm dứt. Giờ là phút của sự thực. Báo Ả Rập Al Kuds Al Arabi phỏng đoán là đội nữ vệ sĩ này đã bị Gadhafi sa thải. Nhưng một số báo khác cho rằng đội cận vệ xinh đẹp này vẫn ở bên ông Gadhafi, chỉ có điều là họ không xuất hiện trước công chúng như trước nữa. Những người đẹp ngang ngửa với những mỹ nhân chân dài này là những người tuyệt đối trung thành với nhà độc tài Gadhafi. Năm 1998, khi Gadhafi bị một nhóm phần tử Hồi giáo phục kích, một cô trong đoàn cận vệ này đã dùng thân mình che chắn cho ông đến toi mạng. Trông họ hấp dẫn như vậy nhưng họ không phải là những cây cảnh. Bởi vì họ đều được huấn luyện rất gắt gao, biết sử dụng các loại võ khí hiện đại nhất và có một tinh thần quyết tử để bảo vệ lãnh tụ. Họ đã thề không bao giờ lập gia đình vì họ đã hiến dâng cả cuộc đời cho Gadhafi.

Anh chàng phường tuồng nhố nhăng này quả có phúc vì tất cả các cận vệ xinh đẹp này đều là trinh nữ. Có phải vì thề “hiến dâng” nên điều kiện còn trinh là điều bắt buộc cho họ trước khi được sống bên cạnh lãnh tụ? Tôi nghi như vậy quá. Vì nếu chỉ cần bảo vệ thì cần chi phải là trinh nữ? Hay là trinh nữ mới có sức bẻ gãy sừng trâu? Hay là anh chàng độc tài này nghiện mùi trinh nữ? Quả có vậy. Năm cô trong số 30 trinh nữ này vừa tố cáo là đã bị Gadhafi chấm dứt đời trinh nữ của họ. Báo The Sunday Times ở Malta cho biết: “Các nạn nhân dường như bị Gadhafi hãm hiếp đầu tiên, sau đó qua tay của các con trai của Gadhafi, thậm chí cả các viên chức cao cấp như những đồ vật”!

Trinh được “cầu chứng tại tòa” bằng chiếc màng do con tạo chế ra. Đây là một sản phẩm hết sức phiền toái. Phiền toái ngay từ khâu chế tạo. Có những thiếu nữ bị ông trời bỏ quên không ban cho cái màng nho nhỏ này. Y khoa gọi đó là dị tật bẩm sinh. Lại có người được gắn cho chiếc màng tốt quá, dày cùi cụi phải nhờ các dụng cụ y khoa phá…lô cốt. Lại có những chiếc màng loại xịn, được chế tạo bằng chất liệu đàn hồi quá tốt nên dù có tù ti rồi, thậm chí đã sanh nở rồi mà màng vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Ông trời là thợ đúc nên những chiếc màng nên có lẽ khi xuất xưởng không được kiểm tra chất lượng. Ai mà dám kiểm tra hàng hóa của trời!

Nhân loại thường đặt lòng tin vào trời nên không tin có sự hiện diện của những sản phẩm thiếu chất lượng này. Họ cứ dựa vào cái màng để luận về sự trinh tiết. Nếu thử mà không thấy có tí ti đo đỏ là la ầm lên. Tôi cứ thắc mắc mãi mà không hiểu được ý trời khi ổng tạo ra cái màng phiền phức này. Nghĩ  thêm mãi thì cũng ra lẽ. Hóa ra ổng cũng như người. Khi làm ra được một sản phẩm thì đóng khằng giữ cho được dzin. Cứ như các kỹ nghệ gia sản xuất máy móc vậy. Xuất xưởng là phải chứng minh với khách hàng tiêu thụ là còn nguyên si chưa sử dụng. Khách mua về, bóc cái dấu khằng ra, vui vẻ vì mình là người đầu tiên bóc dzin.

Nhưng con người là thứ thiếu lòng tin nên xảy ra biết bao nhiêu phiền phức vì cái màng này. Họ coi cái màng này như một ranh giới phân biệt rõ ràng bên trong bên đục. Còn màng là còn nguyên, mất màng là đồ…second hand! Vậy nên phiền trước hết là chính những con người thuộc giống cái mang cái màng này. Phải giữ gìn, lỡ một cái là màng rách toang ngay. Đó là nói chuyện ngày xưa chứ ngày nay, các vưu vật của hóa công coi bộ không mặn mà chi với thứ màng miếc lôi thôi. Họ thả cửa vứt bỏ. Trinh nữ ngày nay là một loài thú hiếm. Tìm mỏi mắt không ra.

Phiền tiếp theo là những con người mang giống đực được coi như người thụ hưởng những chiếc màng này. Nói thụ hưởng là nói chuyện hưởng…phước. Ngày nay thì giới mày râu xông pha đi phá màng. Càng phá được nhiều càng vênh mặt lên. Ra cái điều ta là dân sành điệu.

Ngày xưa khác. Đàn ông không dám làm…phiền các cô vợ mới cưới. Thời cổ đại tại miền đất ngày nay là phía nam Trung Quốc có một tập tục kỳ lạ: các ông chồng không dám động phòng với vợ. Thời đó thần linh là…thần. Có cái chi mới phải dâng cho thần linh trước. Mùa thu hoạch ngũ cốc mới phải dâng lên thần nông những của cải đầu mùa để thần nếm trước, dân mới ăn sau. Rồi đứa con đầu tiên của một cặp vợ chồng cũng phải dâng lên thần linh trước bằng cách mang ra giết để cúng. Làm như vậy thần linh mới cho con cháu đầy đàn. Cái chi mới cũng hiến tế cho thần linh. Cô vợ mới cưới cũng vậy. Cũng phải dâng cho thần linh xài trước rồi anh chồng mới được sái nhì. Nếu không dâng sự trinh tiết của vợ cho thần linh mà tự mình khai phá thành trì thì đó là một điều phạm thượng và thần linh sẽ trừng phạt. Thần linh là một đấng vô hình làm sao có thể làm công việc trần tục được. Vậy là phải có trung gian. Đó là các thầy mo hay các trưởng bộ tộc. Họ sẽ nhân danh thần linh để hưởng của cải trần gian trước. Vậy là vui vẻ cả. Thầy mo cũng vui mà anh chồng cũng vui. Chỉ có thần linh bị các thầy mo hớt tay trên, chắc cũng tiếc hùi hụi. Nhưng lỡ ngồi trên cao, xuống đâu có được!

Người Ai Cập thời cổ đại rất tôn sùng thần Kim Ngưu. Các thầy cúng là những người nuôi dưỡng những chú bò vàng Kim Ngưu này. Khi bò được bốn tháng tuổi sẽ được mang tới miếu Kim Ngưu để làm lễ hiến tế. Các thiếu nữ sẽ tham dự lễ hiến tế này. Họ phải trút bỏ quần áo và dâng trinh tiết cho các chú bò. Chuyện nghe vậy thì biết vậy nhưng tôi nghi quá. Dù là bò vàng thì chắc cũng vẫn cứ ngu như bò. Làm sao mà biết hưởng của trời. Chắc phải nhờ các thầy cúng tiếp tay quá!

Thời nhà Nguyên, quân Mông Cổ thống trị thế giới, họ cũng cho phép các sếp cầm đầu các cuộc chinh phục được xài các trinh nữ trong đêm đầu tiên khi các cô này lập gia đình. Họ là các thầy mo tân thời nhưng không có thần linh trong vụ thụ hưởng hương hoa đầu mùa này. Thâm ý của họ là muốn gieo cấy huyết thống bách chiến bách thắng trong các cộng đồng. Việc gieo cấy này coi bộ mất sức nên đoàn quân hung hãn hết xí quách tàn lụi dần chăng!

Một số các nước Âu Châu thời Trung cổ cũng áp dụng văn hóa…thầy mo như quân Mông Cổ. Các thầy mo của thời này là các nhà quí tộc, các địa chủ và các nhà cầm quyền từ vua đến quan.

Ấn Độ là đất của các tăng lữ. Họ cũng đại diện thần linh để bóc tem các cô dâu. Ngay các bậc vua chúa cũng không được miễn trừ. Vua cưới vợ về, sống với vợ được ba đêm nhưng không được động chạm gì tới vợ. Chỉ ngửi hương thôi. Sau ba đêm chay tịnh, vua phải mang tân nương tới cho ngài tăng lữ cấp cao nhất trong nước để ông thần này hái lộc. Sau đó vua mới tiếp tục…làm việc với tân nương.

Ngày nay mấy anh đực rựa có óc chinh phục vẫn tìm kiếm. Họ bày ra nhiều chuyện, chuyện nào cũng cần có cái màng làm bằng chứng…nguyên si. Xả xui khi thua bạc, kiếm tí hên khi làm ăn, cứ xé được cái màng là có tất cả. Họ bày đặt ra như vậy để hưởng của trời. Hưởng thì ai chẳng muốn hưởng. Các trự đực rựa ngày nay đều là hậu duệ của dân săn bắn thời tiền sử. Ngày xưa tiền nhân đực săn thú, ngày nay dân đực rựa săn…thú vui. Họ lục lọi bằng đủ cách. Nhiều khi lảng xẹc làm phiền các sở hữu chủ của cái màng mỏng dính. Chẳng hạn như tại Indonesia, lấy lý do hạn chế tình trạng tù ti trước hôn nhân, chàng Nghị sĩ Bambang Bayu Suseno của tỉnh Jambi đã đề nghị việc kiểm tra trinh tiết các nữ sinh khi nhập học bậc trung học. Chỉ có các nữ sinh còn trinh trắng mới được nhập học. Ông nghị đầy sáng kiến này cho rằng, với việc kiểm tra, các nữ sinh sẽ phải giữ gìn cẩn thận, không cho không biếu bừa bãi vì ảnh hưởng của lối sống phóng khoáng trước làn sóng khiêu dâm trên internet. Giải pháp be bờ của ông nghị sĩ Bambang lập tức bị bà Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Trẻ Em Seto Mulyadi làm phiền liền. Bà lý luận: “Việc này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức, trí tuệ và tinh thần của học sinh, thành phần được cả xã hội quan tâm để phát triển lành mạnh. Nếu ý tưởng này được thực hiện thì đây sẽ là một hình thức xâm phạm và phân biệt đối xử với phụ nữ một cách trắng trợn”. Hội Đồng chính phủ Indonesia bác bỏ tức khắc đề nghị này.

Bác bỏ là phải, ai lại bắt các nữ sinh lộ cái sự đời ra như vậy. Phiền phức chết. Một anh bạn cùng học trung học thời xưa của tôi vừa gửi cho cái mail nhắc lại một kỷ niệm khá phiền phức. Ngày đó, các nam sinh tới 18 tuổi chúng tôi phải khám sức khỏe để tham gia lớp quân sự học đường. Đo tim, xét phổi, cân kéo, đo chiều cao, bác sĩ dí ống nghe vào ngực, đủ các món ăn chơi. Cuối cùng tới món…phiền phức. Tất cả tô hô xếp hàng trong căn phòng kín để khám cái sự đời. Không hiểu sao bữa đó người cầm chiếc que nâng niu…ngọc lại là một nữ bác sĩ. Cả một đoàn trai, từ khi chấm dứt chuyện trần truồng tắm mưa, chưa bao giờ phải lộ hàng hóa, đứng nhong nhong xếp hàng, mặt đỏ ửng, diễu qua cái thanh tre của bà bác sĩ. Tên nào tên nấy che che chắn chắn. Chỉ có những tên rắn mắt mới phơi phới cười cợt nhìn thẳng vào mặt người đàn bà…diễm phúc.Chuyện đã trở thàng dĩ vãng, ai ngờ một tên rắn mắt ngày đó nay đã nhắc lại cho tất cả lũ chúng tôi cái ngày nhông nhông đó bằng một giọng điệu hết sức…phiếm. Được cái ngày nay chúng tôi, sự đời đã tỏ tường, không còn cái e lệ đáng yêu ngày cũ, nên rất lấy làm vui với nhau. Dù sao diện mạo chú bé của chúng tôi ngày nay đã khác xưa, như hai…người xa lạ, liên hệ chi mà phiền! Nam sinh còn e dè như vậy, nữ sinh chịu chi nổi cuộc khám xét vào vùng thầm kín.

Vậy mà người ta vẫn cứ tìm mọi cách làm phiền nhau. Thập niên 1970, các phụ nữ Ấn Độ và Pakistan muốn nhập cư vào Anh đã phải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết do các nhân viên xuất nhập cảnh Anh tiến hành. Chuyện nghe như chuyện thời Trung cổ. Vậy mà có thật. Hai học giả người Úc Marinella Marmo và Evan Smith đã tìm thấy tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia ở Luân Đôn các tài liệu về những cuộc kiểm tra này dựa trên danh nghĩa “kiểm tra tình trạng hôn nhân” của những phụ nữ nhập cư vào Anh để kết hôn. Tình trạng phiền phức này kéo dài cho tới tháng 2 năm 1979 mới chấm dứt sau khi tờ Guardian đăng tải vụ một nữ giáo viên Ấn Độ 35 tuổi bị một bác sĩ đực rựa kiểm tra trinh tiết khi cô tới sân bay Heathrow. Bộ Nội Vụ Anh chối đây đẩy là không có chuyện này nhưng cô giáo người Ấn này đã cho phóng viên biết chi tiết vụ…lục lọi này. Cô đã phải ký vào một mẫu đơn bằng lòng để bác sĩ “khám phụ khoa và cả âm đạo nếu cần thiết”. Cô lo sợ nếu không ký sẽ bị trục xuất về Ấn Độ. Sau đó bác sĩ đã đeo găng cao su, bóp tuýp thuốc, bôi vào một miếng bông và nhét vào sâu trong người cô. Bác sĩ cho biết ông muốn xét coi cô đã có thai  trước đó hay không. Cô đã được đền bù 500 bảng Anh sau đó. Bộ Nội Vụ Anh cho biết đây không phải là tiền bồi thường mà chỉ là ngụ ý thừa nhận hành động không đúng của các nhân viên di trú. Không có một lời xin lỗi nào về hành động này. Hơn nữa cô còn phải ký vào một bản cam kết sẽ “không tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào đối với Bộ Nội Vụ”. Thủ Tướng Anh khi đó, ông Jim Callaghan, đã gửi thư tới Thủ Tướng Ấn Độ Moraji Desai xác nhận những việc lục soát như trên là có nhưng chỉ xảy ra hai lần trong vòng 7 năm và cam kết sẽ không để xảy ra nữa. Tuy nhiên, các tài liệu đã cho biết các cuộc lục soát này đã diễn ra thường xuyên hơn, không những tại các phi trường Anh mà ngay tại các văn phòng Cao Ủy Anh ở Ấn Độ và Pakistan. Theo các báo cáo của các viên chức Bộ Ngoại Giao Anh thì đã có 73 trường hợp tại New Delhi và 9 trường hợp tại Bombay trong vòng 3 năm từ 1976 đến 1979.

Chuyện khám trinh tiết một cách cụ thể này nghe quen quen. Các cô gái Việt Nam muốn lấy chồng Đại Hàn và Đài Loan đã bị lục lọi kỹ càng hơn nhiều ngay tại quê hương của họ. Những người nhởn nhơ lục lọi chính là các du khách ngoại quốc. Tôi đã từng nhận được qua internet nhiều tấm hình cả vài chục cô gái trần như nhộng đứng cho mấy anh Đài Loan hoặc Đại Hàn nhìn ngắm và rà soát. Chuyện nhục nhã cho phụ nữ Việt này tưởng như đùa mà có thật!

Trinh tiết không phải là thứ để đùa. Đó là nhân phẩm của nữ giới. Nhưng người ta vẫn cứ tò mò coi như chuyện đùa. Mắc mớ chi mà các cô gái hái trà lại bắt buộc phải là các trinh nữ. Lại chuyện dài kỳ cục của mấy anh ba miệt bắc. Công ty Cố Thử ở Hà Nam bên Tầu vừa ra thông cáo tuyển các trinh nữ để hái trà. Không những chỉ nguyên si mà còn phải có “sức khỏe tốt, yêu đời, thuần khiết, yêu thích văn hóa trà, vòng một từ chuẩn 90 phân trở lên, trên cơ thể không có vết sẹo lớn do bị thương”. Nghe ra như một cuộc tuyển thê của các đại gia. Hái trà thì cần gì tới cái trinh và vòng ngực mà bày đặt. Nhưng không, họ có lý do, những lý do hết sức… văn hóa. Họ muốn có một loại trà đặc biệt nên cần trinh nữ vì, theo ban điều hành công ty giải thích, trà do một thiếu nữ còn trinh nguyên, chưa vướng bụi trần hái sẽ có hương vị đặc biệt và thơm ngon hơn. Tôi đồng ý với các anh nhiễu sự này vì hương trinh là chuyện có thật. Chỉ có điều là búp trà không có mũi nên không biết có nhận ra được cái hương vẫn được các ông nhà văn nhà thơ ca tụng để ủ vào trà không. Còn chuyện vòng ngực phải trên 90 phân cũng có lý do. Trà sẽ được các trinh nữ hái bằng miệng và nhả vào trong một cái giỏ mây nằm trong ngực của cô gái. Vậy là có thêm hương ngực. Nếu ngực mỏng như chiếc đồng hồ Omega thì làm chi có hương! Trà được hái cỡ này là trà…tiên. Uống vào nhất định sẽ sảng khoái. Ông Li Yong, một lãnh đạo của công ty Cố Thử còn tố thêm: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội văn hóa uống trà. Trong chương trình sẽ có mười trinh nữ biểu diễn những nghi lễ truyền thống về trà đạo. Chúng tôi sẽ bán đấu giá số trà mà chính những trinh nữ này dùng môi để hái”. Lại trinh! Tôi vốn thích uống trà. Trà của tôi uống không được như vậy. Đó là một điều hậm hực. Cái gì có dính tới trinh nguyên vẫn quyến rũ hơn.

Cái gì còn nguyên vẫn đáng quý hơn. Chuyện này khỏi phải bàn. Nhưng chuyện quý cái trinh nguyên ở Iran thì cần nói tới. Tại nước của mấy anh đạo rậm râu, pháp luật quy định không được tử hình các trinh nữ. Nghe ra coi bộ đất nước này biết giữ…của. Nhưng luật pháp cũng không cho miễn án tử hình các trinh nữ. Nghĩa là cấm tử hình trinh nữ nhưng vẫn kết án tử hình. Coi bộ lấn cấn dữ. Để giải quyết tình trạng kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược này, các nhà tù được phép biến trinh nữ thành hết trinh nữ. Dễ thôi! Vào đêm trước khi mang các trinh nữ đi hành hình, họ tổ chức một đám cưới giả mà chú rể không ai khác hơn là các anh cai ngục. Sau đêm động phòng,  cô dâu được mang ra pháp trường một cách hợp pháp! Thực ra đối với các trinh nữ, chính đêm động phòng mới là pháp trường. Họ sợ bị phá trinh hơn là tử hình nên liều chết chống lại. Nhiều khi gặp phàn kháng dữ dội quá, các anh chồng một đêm này phải bỏ thuốc ngủ vào thức ăn đồ uống để thi hành phận sự. Một anh cai tù có bộ răng lương tâm còn tốt đã kể lại: “Tôi còn nhớ mỗi lần chuẩn bị kết hôn giả với những trinh nữ, họ đều rất hoảng sợ và kêu gào thảm thiết lắm. Tôi mãi mãi không thể quên hình ảnh thảm thương của một thiếu nữ khi cô ấy kêu gào và lấy tay cào rách mặt, rách cổ và cào xé thân hình rất đáng thương”.

Trinh mà đến thế thời thôi! Tôi vẫn hay trách ông xanh bày chi ra chuyện màng miếc cho thảm thương các trinh nữ. Nhưng ông xanh đâu có làm chi nên nỗi. Chính con người mới hành hạ con người. Phiền phức là vậy!Mà giận cũng là vậy!

09/2011