Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

THẦN

Thần họ hàng với Thánh. Ai vai trên ai vai dưới, tôi không biết. Tôi vốn rất mù mờ về những gì thuộc về cõi trên. Nhưng theo cảm nhận của tôi thì Thánh oai hơn Thần. Đó cũng là một cảm nhận rất mù mờ. Vì trong các chốn thờ phượng hình ảnh của Thánh oai phong và đầy rẫy hơn Thần. Thánh át Thần thấy rõ. Vì vậy, để chỉ một đứa trẻ có sự siêu việt của cõi trên thì chữ “Thần Đồng” là hợp. Chẳng lẽ lại gọi là “Thánh Đồng”. Nghe lụ khụ chết! Tôi bỗng nghĩ tới những bộ râu rậm rạp che lút miệng của các tượng thánh trong giáo đường.

Thần đồng là những trẻ em xuất chúng hơn các đứa trẻ khác. Nếu cần có một định nghĩa đầy đủ hơn thì thần đồng là “những trẻ có khả năng nổi trội và làm được những việc mang lại kết quả phi thường”. Khả năng nổi trội có thể là về trí tuệ hay năng khiếu. Năng khiếu có thể là năng lực học tập, khả năng lãnh đạo, tư duy hình ảnh, biểu diễn nghệ thuật, tư duy sáng tạo hoặc khả năng thể thao. Tóm lại có hai loại thần đồng. Một: trẻ có khả năng tự nhiên ưu việt. Hai: trẻ có năng khiếu về một lãnh vực đặc biệt nào đó.

Làm cha mẹ ai cũng khoái con mình là thần đồng. Cứ hơn người là cha mẹ nở mũi rồi. Dưới cặp mắt thương yêu của cha mẹ hay cô giáo, hình như trẻ nào cũng là thần đồng hết trọi! Đứa cháu tôi, mới hai tuổi rưỡi, đi nhà trẻ mỗi ngày, được cô giáo thương. Khi cô cho các em chơi trò xếp các mảnh của một bức hình lại với nhau, trò puzzle, cháu làm nhanh và có…kỹ thuật hơn các trẻ cùng lớp, vậy là cô giáo đã khen cháu là thần đồng!

Muốn biết một đứa trẻ có phải là thần đồng hay không thì chúng ta phải quan sát trẻ thường xuyên qua cách nói chuyện, cách chúng hành động thường ngày, cách chúng tiếp thu, học hỏi từ cuộc sống. Đặc điểm phổ biến của một đứa trẻ thần đồng trong độ tuổi từ 4 tới 6 có rất nhiều. Đại khái đó là những trẻ: hiếu kỳ về thế giới xung quanh; đặt ra những câu hỏi thông minh và sâu sắc; vốn từ vựng phong phú và sử dụng các cấu trúc câu phức tạp; bày tỏ ý kiến một cách trôi chảy; giải quyết vấn đề một cách độc đáo; có trí nhớ tốt; thể hiện năng lực khác thường trong các lãnh vực văn hoá và thể thao; trí tưởng tượng phong phú; vận dụng những điều đã học một cách linh hoạt; sắp xếp mọi thứ một cách hợp lý; biết tranh luận và đưa ra ý kiến; học hỏi rất nhanh; thích làm việc độc lập và có óc sáng kiến; tỏ ra mưu trí và hài hước; kiên nhẫn tập trung và sẵn sàng nỗ lực giải các bài tập khó; quan sát tốt và tinh ý; sáng tác ra những câu chuyện và kể lại chúng; rất thích đọc sách.

Thần đồng có nhiều không? Dĩ nhiên không nhiểu. Nếu cứ hơi xuất sắc một chút là được cha mẹ, ông bà hay thầy cô phong là thần đồng thì thần đồng sẽ nhan nhản đầy đường phố. Vậy thì quí hoá chi. Cái chi phải hiếm mới quý. Vậy mà rất may trong cộng đồng người gốc Việt chúng ta ở hải ngoại lại xuất hiện khá nhiều thần đồng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.

James H. Nguyen vào trường Santa Ana College năm 12 tuổi và chứng tỏ mác…thần ngay bằng cách dạy kèm môn toán cho các sinh viên có số tuổi gấp đôi tuổi của James! Em tốt nghiệp năm 14 tuổi và nhập học University of California, Irvine mà dân Việt ta thường gọi tắt là UCI vào năm 1998. Theo học chương trình Tiền Y Khoa, nhỏ hơn các bạn đồng khóa nhưng James H. Nguyen vẫn thuộc loại xuất sắc trong tất cả các học kỳ. Năm 2000, trong khi các bạn cùng tuổi chỉ mới tốt nghiệp trung học, James đã tốt nghiệp Đại Học UCI. Với hạng danh dự! Khó ai có thể hình dung ra được thần đồng này khi em còn nhỏ. Thuở đó em là một học sinh phá phách nghịch ngợm thuộc hạng siêu. Điểm học thì không C cũng D. Năm 19 tuổi, James H. Nguyen được nhận vào trường Y Khoa St George’s University. Năm 23 tuổi, lứa tuổi mà những sinh viên khác hoàn tất chương trình Bachelor , em đã là thực tập viên ở bệnh viện Orlando Regional Hospital ở Florida. Trong ba năm ở bệnh viện, James Nguyen đã làm nhiều nghiên cứu trong những giờ rỗi rảnh. Nghiên cứu có tên “Multi-Slice Computer Tomography versus Stress Test on Low-Risk Chest Pain Patients” của em đoạt giải danh dự tối cao trong cuộc thi của Hội American College of Physicians, khu Florida. Sau đó, với nghiên cứu này, James đã đánh bại 420 nội trú viên bệnh viện để đoạt giải vô địch toàn quốc National American College of Physicians Champion! Lúc đó Bác Sĩ James H. Nguyen của cộng đồng gốc Việt chúng ta mới có 25 tuổi. Một năm sau, lúc mới 26 tuổi, Bác sĩ “thần đồng” James đã trở thành Chief Resident tại Trung Tâm Y Khoa Đại Học (University Medical Center), viết tắt là UMC ở Tucson, tiểu bang Arizona. Ông hiện là một thành viên của Phân viện Tim Mạch của Trung Tâm này. Tại sao ông chọn ngành tim mạch? Bởi vì cha của em đã bị heart attack và lúc đó em đã chứng kiến các bác sĩ tận tình cứu chữa. Ngay lúc đó em đã quyết định sẽ trở thành một chuyên viên về tim mạch. Em vượt biết bao thử thách để nhất định tiến theo con đường này. Con đường mà Bác sĩ James Nguyen đã cho biết: “Như Tổng Thống J.F. Kennedy đã nói, ‘Chúng ta chọn lên mặt trăng không phải vì đường đi dễ dàng, nhưng bởi vì nó khó khăn’. Thượng Đế đã cho tôi tài năng và kiến thức để theo đuổi ngành tim mạch (cardiology). Tôi phải sử dụng món quà tặng này. Như Martin Luther King đã nói, ‘Thượng Đế cho tôi tín hiệu, nhưng Gandhi cho tôi phương pháp’, đó là tặng lại và dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân”. Năm nay, 2011, Bác sĩ James Nguyen sẽ được khắc tên vào Bảng Vàng Danh Dự của Santa Ana College.

Thần không có giới tính. Sống ở cõi…không thì giới tính làm chi cho rắc rối. Có khác gì nhau đâu. Thần đồng ở cõi người chúng ta dĩ nhiên phải khác. Có trai có gái. Tôi muốn nói tới em Alexandria Huynh. Năm ngoái, 2010, trong khi các em cùng tuổi giỏi lắm là tốt nghiệp trung học thì em Alexandria Huỳnh, 17 tuổi, tốt nghiệp hạng ưu bằng BA về Sinh Học tại Đại học Cal State L.A. Em đã vào Đại Học này từ năm em mới 13 tuổi. Tuổi đó thì ai cho vào? Vậy mới là…thần! Thực ra em Huỳnh được nhận vào học qua chương trình dành cho các sinh viên vào Đại học sớm trước tuổi mang tên University’s Early Entrance Program. Em xứng đáng với chương trình này vì em vừa tốt nghiệp là được nhận ngay vào chương trình Tiến sĩ Y Khoa của trường Đại học danh tiếng Harvard với học bổng toàn phần. Trường Đại học này nhanh tay nhận em chứ các trường danh tiếng khác như Đại học Yale và Đại học Pennsylvania cũng đã dành học bổng cho em. Học giỏi, quá giỏi, Alexandria Huynh còn chơi đàn dương cầm và trượt băng nghệ thuật.

Nói tới trượt băng nghệ thuật, tôi muốn nói tới môn figure skating, tôi phải giới thiệu một thần đồng gốc Việt khác về môn này. Đó là em Nam Nguyễn ở Canada chúng tôi. Không phải người gốc Việt chúng ta tâng bốc nhau nhưng chính người Canada cũng phải tôn em Nam Nguyễn lên bậc…thần. Họ kỳ vọng vào chiếc huy chương vàng mà họ tiên đoán em sẽ đạt được cho Canada trong kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 sắp tới. Em Nam của chúng ta tài cán chi mà làm xôn xao giới trượt băng nghệ thuật Canada như vậy? Năm 2007, khi được 8 tuổi, em đã đoạt chức vô địch Canada dành cho lứa tuổi nhi đồng. Hai năm liên tiếp sau đó, em Nam vẫn vô địch trong hai giải của lứa tuổi nhỉnh hơn là giải cho prenovice novice. Với ba chức vô địch liên tiếp trong ba năm, em trở thành vận động viên trẻ tuổi nhất của Canada dành được vinh dự này. Nam Nguyễn sanh ngày 20 tháng 5 năm 1998 tại Ottawa. Năm nay em chỉ cao có 1 thước 50 và nặng 35 kí. Sức nặng này không bằng ai, hoặc không ai bằng, vì chưa hế có vận động viên môn này có số kí khiêm nhượng như em. Với sức nặng không bằng ai, em đã làm say mê khán giả với sự dạn dĩ của em. Mới đây, ngày 20 tháng 1 năm 2011, tại giải vô địch trẻ Canada được tổ chức ở Victoria thuộc tỉnh bang British Columbia, em đã lại đoạt chức vô địch. Tuổi em chỉ vỏn vẹn có 12! Em đã từng biểu diễn với những vận động viên tầm cỡ thế giới như Even Lysacek, huy chương vàng Thế Vận Hội 2010, vô địch thế giới 2009 và Patrick Chen, ba lần vô địch Canada.

Cũng là nhà vô địch từ khi 8 tuổi là em Đinh Đình Hải Hoàng ở Mecklenburg, Đức. Em là vận động viên môn võ karate đã đoạt hai huy chương vàng cấp quốc gia. Năm 2007, em Hoàng đoạt giải vô địch karate thế giới cỡ tuổi 13 và lên hạng đai đen. Em trở thành huấn luyện viên trẻ nhất toàn nước Đức của môn võ phổ thông karate. Năm 2009, lúc được 15 tuổi, em lại đoạt chức vô địch thế giới của lứa tuổi này. Với những chiến tích sáng ngời này, dĩ nhiên Hoàng là vận động viên loại con cưng của đội tuyển quốc gia Đức.

Trượt băng nghệ thuật phải dùng tới cặp chân, đánh võ karate phải dùng tới đôi tay, đánh võ mồm chắc chắn phải dùng tới cái miệng. Nói cho vui vậy thôi chứ việc làm của thần đồng Nguyễn Tường Khang, sanh ngày 31 tháng 2 năm 1999, làm tôi ngưỡng mộ hết sức. Nói năng không phải nghề của tôi. Mỗi lần phải nói là tôi uốn lưỡi muốn chết. Vậy nên tôi hết sức tâm phục cậu bé Khang này khi được coi đoạn video quay cậu bé nhỏ chút xíu đứng trên bục giảng Đại học. Làm sao mà một cậu nhỏ 12 tuổi đầu lại có thể chững chạc ăn nói đến thế! Mọi sự bắt đầu khi cậu mới có 8 tuổi. Thấy con có khả năng, cha cậu đã ghi danh cho cậu vào học về môn diễn thuyết trước công chúng tại Câu Lạc Bộ Những Diễn Giả Trẻ (Young Speaker Club). Ông bố đã đặt cậu vào đúng chỗ. Cậu bé kể lại với ký giả Hoàng Lan Chi về những ngày đầu này: “Lúc cháu mới 8 tuổi, ba cháu đưa cháu tới một lớp học về diễn thuyết trước công chúng tại một trung tâm cộng đồng địa phương. Cháu không biết gì về lớp này; cháu cũng không biết gì về diễn thuyết. Cháu đến vì ba cháu bảo rằng lớp này rất quan trọng. Sau khi xem xét lớp, cháu nghĩ rằng ý của ba cháu rất hay vì những gì cháu làm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cháu”. Năm 2010, trong cuộc thi tài năng diễn thuyết dành cho lứa tuổi từ 11 tới 19 với chủ đề giáo dục do Hiệp Hội Thăng Tiến Cho Người Da Màu (NAACP) bảo trợ được tổ chức tại thành phố Suffolk, tiểu bang Virginia, cậu bé còn đang học tại trường tiểu học Hunters Woods ở Fairfax này đã đoạt giải nhất với bài diễn thuyết mang đề tài “Hoà Bình Có Ý nghĩa Thế Nào Với Tôi”. Nghe nặng ký ra gì! Nhưng bài hùng biện về giáo dục của bé Khang mới nổi danh trên Youtube, và được đánh giá là bổ sung vào bài phát biểu về giáo dục của Tổng Thống Obama! Danh cậu nổi như cồn khiến một trường Đại Học ở tiểu bang Virginia đã mời cậu bé  đang học tiểu học chưa đầy 12 tuổi này làm giảng viên môn “Thuyết Trình”, mỗi tuần 4 tiếng, mỗi tiếng cậu được trả 250 đô! Đúng là…thần! Nếu những thành tích trên chưa đủ thì tôi có thể hài thêm những tài phụ của bé Khang như sau: đàn vĩ cầm, chơi cờ vua, chuẩn đai đen Thái Cực Đạo, đai xanh võ Wushu, đã tham dự bơi lội dai sức swim-a-thon bơi luôn một lèo 198 vòng hồ bơi tổng cộng gần 5 cây số, học diễn xuất, hội họa. Có cần thêm là hiện bé Khang còn đang học tiếng Việt tại trường Việt Ngữ Thăng Long không?

Bé Wendy Võ cũng nói nhưng nói ngoại ngữ. Cô bé có tên thuần Việt là Võ Thị Ngọc Diễm, sanh ngày 20 tháng 9 năm 1999 tại Charlotte, tiểu bang North Carolina, cùng tuổi nhưng kém  bé Nguyễn Tường Khang 7 tháng. Mới tí tuổi đầu mà bé Ngọc Diễm đã nói thông thạo được 11 thứ tiếng. Không kể tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ bé nói hàng ngày trong gia đình, bé Diễm còn xí xô được các thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Quan Thoại, Quảng Đông, Pháp, Nhật, Ấn Độ, Ả Rập, Nga, Bồ Đào Nha. Nói lung tung các ngoại ngữ như vậy nhưng bé Diễm chưa bao giờ tới trường học một môn sinh ngữ nào. Toàn là học lóm nơi bạn bè đủ các quốc tịch trong lớp. Tôi đã được coi một video quay lại cảnh em đàm thoại với các ký giả quốc tế bằng 11 ngoại ngữ mà em biết. Thấy em xử dụng nhiều ngoại ngữ trơn tru, không hề phải xoay bản lề một cách vất vả như chúng ta, tôi thật sự khâm phục và ngạc nhiên. Tại sao con tạo lại cho ra được một sản phẩm…thượng hạng như vậy!

Ngoài tài nói ngoại ngữ, bé còn nổi trội trong lãnh vực âm nhạc. Vừa chập chững biết đi, em đã thích thú với các nhạc cụ. Thấy em thích, cha mẹ em cho em đi học nhạc lý và sử dụng nhạc cụ vào năm mới 4 tuổi. Chỉ một năm sau, lúc được 5 tuổi, em đã bắt đầu sáng tác nhạc. Hai năm sau, em đã ra CD gồm 14 bản nhạc do em sáng tác vào năm lên 6 và 7 tuổi. Tính tới nay em đã sáng tác được tới 45 nhạc phẩm, nhiều bài được đánh giá khá cao. Chẳng thế mà, vào tháng 11 năm 2007, em được mời làm hội viên danh dự trẻ tuổi nhất của Hiệp Hội Nhạc Sĩ, Tác Giả và Xuất Bản Nhạc Hoa Kỳ (American Society of Composer, Author and Publisher). Tháng giêng năm 2008, em bé Diễm lại được chọn là một trong 10 khuôn mặt trẻ tuổi rạng rỡ nhất do tạp chí Forbes tổ chức. Đây là những khuôn mặt từ 8 đến 18 tuổi, là kiểu mẫu về sự chăm chỉ, đầy cống hiến, được thôi thức bằng những động lực mạnh mẽ chứ không chỉ cốt thu hút sự chú ý của giới truyền thông và tìm kiếm danh lợi.

Không “chính thống” như các thần đồng Việt Nam tại hải ngoại trên, bé 6 tuổi Đàm Đăng Khoa có chút tài mọn làm sửng sốt mọi người. Đó là tài nói được ngay ngày thứ mấy trong tuần của bất cứ một ngày tháng nào thuộc quá khứ hoặc tương lai bất kể xa đến bao lâu. Tôi được biết về bé Khoa qua bài báo của ký giả Hà Giang trên báo Người Việt ở Cali nhưng ngay cả báo Mỹ OC Register số ra ngày 18 tháng 11 năm 2009 cũng có bài viết về cậu bé thần đồng này dưới tựa đề Calendar Master. Bài báo mở đầu như sau:“Khi được hỏi về sự quan trọng của ngày 11 tháng 9 thì William Dam chẳng biết trả lời sao mà chỉ biết ngớ ngẩn nhìn lại, nhưng khi hỏi ngày đó là ngày thứ mấy trong tuần  thì em đáp lại ngay lập tức là ngày thứ ba. William trả lời được ngay, tuồng như không hề suy nghĩ. Em nói được bất cứ ngày dương lịch nào từ quá khứ đến tương lai, với độ chính xác 100%”. Hỏi em học được khả năng này ở đâu thì em chỉ nói: “Thượng Đế ban cho!”. Trong lãnh vực này thì Thượng Đế không được rộng lượng cho lắm. Theo tường thuật của một show truyền hình mang tên “60 Minutes” được phát vào năm 2007 thì trên khắp thế giới chỉ có khoảng 50 người có khả năng đặc biệt này. Các em này có khả năng nhớ ngày tháng một cách kỳ diệu. Cứ như cuốn lịch nằm sẵn trong đầu. Không, còn hơn cuốn lịch nữa vì nhiều em còn nói được cả thời tiết của ngày đó nữa. Bé William Đàm Đăng Khoa của chúng ta chưa có nội công thâm hậu đến vậy. Khi được hỏi, em lắng nghe chăm chú câu hỏi, lập lại thành lời con số , mắt nhìn ngước lên và trả lời trong vòng hai ba giây, giọng nói không chút do dự dù ngày tháng được hỏi xa đến cả tỷ năm trong tương lai. Ký giả báo OC Register hỏi ngày 9 tháng giêng năm 900.000 là ngày thứ mấy. Em Khoa mỉm cười đáp ngay: “Chủ Nhật”. Hỏi tiếp: “Ngày 19 tháng 12 năm 110.000.000.000?”. Trong đúng ba giây, em trả lời: “Thứ Ba!”. Ký giả kiểm lại trong computer. Cả hai câu đều đúng boong!

Các thần đồng về lịch có thể bị bệnh tự kỷ nhưng em Khoa không mắc bệnh này. Bác sĩ riêng của em, Tram Nguyen Mok, ở Fountain Valley, cho biết em vẫn phát triển bình thường. Chỉ có một điểm phát triển bất thường nho nhỏ nơi em: đến 3 tuổi rưỡi em mới biết nói và em đã phải theo những lớp học nói speech therapy lúc còn học mẫu giáo. Bây giờ em đã nói năng bình thường. Bác Sĩ Darold A. Treffert, chuyên về tâm thần thuộc Trung Tâm Y Khoa Wisconsin, cho biết: “Có trường hợp người ta nghiên cứu về trình tự ngày tháng, nhưng trong nhiều trường hợp có người không nghiên cứu nhưng vẫn biết được nhờ bẩm sinh. Cơ chế nào để có được như vậy vẫn còn là một bí ẩn”. Các chuyên gia cho rằng những thần đồng này thấy được bằng thị giác, nghĩa là các em không dựa vào con số hay toán học để tính ra như người bình thường mà câu trả lời được thấy ngay trong đầu. Các em chỉ việc đọc ra. Trường hợp em Khoa, Bác sĩ Treffert cho rằng: nếu em không  là một savant thì lớn lên em sẽ trở thành người phi thường, một thiên tài phát triển thành những năng khiếu khác”.

Em Trần Lộc, một thần đồng khác về lịch, đúng là mắc bệnh tự kỷ. Em sinh vào ngày đầu năm dương lịch 1992 tại Việt Nam,cùng bố mẹ sang Mỹ khi em được 1 tuổi rưỡi với cặp mắt hầu như không còn trông thấy gì. Trước đó, tại Việt Nam, cha mẹ em đã đưa em từ Nha Trang vào Sài Gòn để thực hiện liên tiếp nhiều cuộc mổ mắt. Không có kết quả. Khi sang tới Mỹ, một nhóm bác sĩ khám và cho biết những cuộc phẫu thuật trước đó đã “phá hỏng võng mô, gây nhiều sẹo sau giác mạc của Lộc”. Họ đã phải mổ cho Lộc 12 lần nữa để hy vọng giữ lại được một phần thị lực. Hiện em chỉ có thể nhận thấy màu sắc và mọi vật chung quanh một cách rất lờ mờ. Lộc cho biết là em “chỉ có thể thấy được khoảng 10% bằng mắt phải, còn mắt trái thì hầu như chẳng thấy gì”. Trong chương trình Amazing Gifts trên đài ti-vi WCCO, Lộc Trần được giới thiệu là đang theo học “những lớp toán, âm nhạc, ngoại ngữ ở trình độ đại học”. Ngoài ra Lộc còn sáng tác nhạc, học dương cầm bằng tai và đoạt giải thưởng từ năm còn học lớp 5.

Lộc còn là một thần đồng về lịch. Em có thể nhớ được thời tiết của từng ngày trong vài năm trước. Ký giả Ngọc Lan của báo Người Việt, California đã có dịp test Lộc. Cô hỏi về một ngày bâng quơ là ngày 15 tháng 10 năm 2009. Lộc nhanh nhẹn đáp ngay: “Dễ thôi! Lộc nhớ bữa đó có mây, 54 độ. À mà cô nhớ check lại theo thời tiết ở Minnesota nhá. Bữa đó gió nhẹ. Trời mây, không nắng. Chỉ nhớ vậy thôi à. Bữa đó là ngày thứ năm!”. Ký giả Ngọc Lan hỏi tiếp: “Lộc sanh ngày mấy?” “Ngày 1 tháng giêng năm 1992, hôm đó là ngày thứ ba”. Tôi hỏi Lộc có biết thời tiết hôm đó như thế nào không thì Lộc cười ngất, “Trời ơi, làm sao nhớ được”. Bởi rất đơn giản là ngày đó Lộc mới sinh ra thôi. Lộc chỉ có thể nói được thời tiết của những ngày mà Lộc hiện diện trong cuộc đời này”.

Trên đài truyền hình News12, giáo viên dạy nhạc Sieglinde Grivna giới thiệu Lộc khi chơi đàn dương cầm “những ngón tay như bay lượn trên các phím đàn”. Từ năm lên 7 tuổi, Lộc nghe anh trai chơi đàn rồi đàn lại những gì mình đã nghe. Lộc kể với khán giả của đài truyền hình: “Thoạt đầu chỉ là nghe cho vui, sau đó nghe lại đôi lần, rồi thử đàn trên piano, tựa như những âm thanh cứ lần lượt thoát ra từ trong những điều ghi nhớ”. Lộc còn sáng tác nhạc mà cô giáo dạy đàn khen là tuyệt vời. Lộc học đàn rất nhanh, học 3 năm bằng các em khác học 6 hay 7 năm. Em đoạt nhiều giải thưởng. Những tràng vỗ tay, những bẳng khen, những lời ca ngợi đã cuốn hút gia đình Lộc trong men say của danh lợi. Mẹ em, chị Thanh Mai, kể lại: “Được nổi tiếng, được nghe những lời khen và những tiếng vỗ tay rợp trời như vậy ai mà không say men. Chúng tôi cũng vậy. Cha mẹ ép con học. Con cũng tự ép mình. Tính Lộc cũng háo thắng, thích được khen, và nhất là làm ba má vui nên nó cũng cố gắng hết mình. Mà vợ chồng tôi thấy Lộc chịu học và học được thì cứ đôn đốc, không nghĩ đến sức khỏe của thằng con. Để rồi cho đến một ngày tai họa xảy ra”. Lộc không đoạt được giải thưởng nào. Ngơ ngáo như người vô hồn. Thấy con không tập trung vào bài vở, mẹ nồi nóng la nó um sùm. Mẹ Lộc kể lại: “Đêm đó, khoảng 12 giờ, tôi nghe thấy tiếng la sợ hãi trong phòng Lộc nên vội chạy qua xem. Nó đứng giữa phòng mặt đầy sợ hãi. Quần áo và chăn nệm tẩm nước tiểu. Tôi phải dỗ dành và đem Lộc lên phòng mình ngủ nhưng suốt đêm nó không ngủ được”. Lộc nhập viện thần kinh của trẻ em dưới 12 tuổi. Vào ra tới ba lần. Chị bàng hoàng trước nỗi bất hạnh to lớn: con bị điên loạn!

Cuối cùng, bác sĩ định bệnh: bipolar disorder. Đây là một loại bệnh trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở trẻ em, có lúc ở trạng thái thật vui, có lúc lại cực buồn, không phân biệt được thực hư, thường nghĩ về cái chết và có thể tự tử. Bệnh chỉ có thể chữa được bằng tình thương của gia đình và những người chung quanh và cất bỏ hết mọi sức ép. Chị Thanh Mai nói: “Mỗi ngày Lộc khỏi phải làm toán, tập đàn nhiều và làm cả đống homework như trước nữa. Thay vào đó, chúng tôi đưa cháu ra công viên dạo chơi mỗi ngày. Lộc vui vẻ, yêu đời, nhảy nhót như chim, hưởng thụ cuộc sống sinh động đầu màu sắc và đầy âm thanh này”.

Chị Thanh Mai tâm sự: “Biết con mình có những năng khiếu đặc biệt, cha mẹ nào lại chẳng vui mừng. Nhưng để đánh đổi, tôi vẫn muốn đổi tất cả để lấy đôi mắt và sức khỏe để thành con người bình thường. Tôi chỉ muốn con mình được sống một cuộc sống bình thường”.

Thần mà làm chi! Cứ làm một con người bình thường cho tiện! Nghe bù trất!

08/2011