Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

CHAY

Trương Thị May là một cái tên nổi lên từ năm 2006 khi cô đoạt chức Á Hậu trong cuộc thi Hoa Hậu Phụ Nữ Việt Nam qua hình ảnh do báo Thế Giới Phụ Nữ tổ chức. Cô đã làm người mẫu, đóng phim, lãnh vực nào cũng nổi đình nổi đám cả. Là một trong 10 người mẫu được chú ý nhất trên sàn catwalk, May còn đoạt giải Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc thể loại phim truyện trong liên hoan phim Cánh Diều Vàng năm 2009. Vậy là có tài thứ thiệt chứ không phải vì…may.

Thấy cô bé có vẻ đẹp pha trộn Âu Á, vóc dáng thon thả lại là người nổi tiếng mà không vướng vào scandal nào cả tôi phất phơ tìm hiểu. Hiểu rồi mới thấy mến mộ, không phải vì vẻ đẹp mà vì cô là người ăn chay trường. Được sanh ra trong một gia đình Phật giáo, lớn lên trong một xứ sở có lắm chùa chiền là An Giang, May đã quy y ngay từ lúc còn rất nhỏ, trở thành Phật tử và ăn chay trường cùng gia đình. Chính lòng mến mộ đạo Phật đã khiến May sống trong môi trường nghề nghiệp khắc nghiệt, nhiều cám dỗ mà vẫn giữ được thanh danh. May tâm sự: “Tôi luôn cố gắng sống tốt và làm tròn trách nhiệm với công việc của mình từng ngày, không ghen ghét hay hận thù ai. Biết an ủi, giúp đỡ những người hoạn nạn, có thắng cũng không kiêu hãnh mà thất bại cũng không quá đau buồn”. Cái tâm an lạc đó là nhờ trường chay. Và cái vóc dáng thon thả đó cũng là do chay trường. “Ngoài vóc dáng bẩm sinh, ăn chay đã giúp tôi có thân hình tươi trẻ và vóc dáng thon thả như bây giờ. Dù rất bận nhưng mỗi sáng tôi vẫn dành thời gian để lắng lòng, tự kiển điểm bản thân, thanh tẩy ý nghĩ, hướng đến những việc lành, không tỵ nạnh, không làm điều ác. Nhờ đó tôi có được sự an lạc trong cuộc sống”.

Tôi không có ý định giới thiệu người mẫu, cũng không xác quyết là ăn chay có vóc dáng thon thả như Trương Thị May, lại cũng không có ý định viết về sự ăn chay theo đạo giáo. Nhưng tôi thấy có nhiều người nổi tiếng  mặn mà việc ăn chay nên tôi, một người đớp thịt  một cách không e dè, cũng đã tự vượt mình để đi vào thế giới chay của những người ăn chay vì sức khỏe. Thiện chí của tôi bị dội ngay tức thì khi đụng vào một bậc thánh: thánh Gandhi của Ấn Độ. Thánh nói chắc nịch: “Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó”. Vậy là vỡ cái mặt…thịt! Cũng như cô Á hậu Trương thị May, Mohanda Gandhi được sanh ra trong một gia đình đạo đức và ăn chay từ nhỏ. Chỉ khác chút xíu là bậc thánh nhân ăn chay theo giáo lý đạo Hindus chứ không phải đạo Phật. Lớn lên trong khung cảnh đất nước Ấn Độ bị nước Anh đô hộ, giới thanh niên chạy theo thời thế chê bai việc ăn chay trường và đạo Hindus bản xứ là hủ lậu, họ chạy theo lối sống tây phương coi việc ăn thịt sẽ tăng cường sức khỏe, nghị lực và can đảm, Gandhi vẫn nhất định giữ vững lập trường ăn chay của mình. Họ chê bai ông là người lạc hậu. Ông vẫn trì chí và viết tới năm cuốn sách chuyên về ăn chay. “Đã tới lúc chúng ta cần phải sửa sai một số tư tưởng lầm lẫn cho rằng ăn chay sẽ làm cho tinh thần chúng ta bị bạc nhược, thụ động và nhụt chí phấn đấu. Dù trong tình huống nào, tôi vẫn không xem việc ăn thịt là cần thiết”. Vậy là ông cứ chỉ dùng giá, bột hạnh nhân, rau xanh, chanh và mật ong trong những bữa ăn thanh đạm hàng ngày để dẫn dắt cuộc cách mạng bất bạo động đến thành công mang lại độc lập cho Ấn Độ vào ngày 15 tháng 8 năm 1947.

Cũng trường chay như thánh Gandhi là nhà vật lý học lừng danh thế giới Albert Einstein. Thuyết tương đối là đỉnh cao của nhà bác học, sanh năm 1879 và mất năm 1955, đã đưa ông tới danh dự của giải Nobel về Vật Lý năm 1921. Ông là người yêu chuộng hòa bình và tôn trọng sự sống của muôn loài. Người ta còn nhắc nhở mãi câu nói của ông: “Không có gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên trái đất này bằng cách ăn chay”.

Các nhân vật lỗi lạc mặn mà với chay còn nhiều. Như nhà toán học Pythagore, danh họa Leonardo da Vinci, triết gia văn hào Jean Jacques Rousseau, kinh tế gia Adam Smith, khoa học gia Benjamin Franklin, văn hào Leon Tolstoi, nhà soạn nhạc Richard Wagner, kịch tác gia Bernard Shaw… Toàn những tay tổ của nhân loại. Nhiều vị có những ý tưởng và lời nói để đời cho sự nghiệp ăn chay của họ nhưng tôi mạn phép thông qua để chú ý tới một người tôi rất khoái. Kể như vậy cũng có tí thiên vị nhưng biết làm sao được khi đụng tới vấn đề của con tim! Người đó là cựu Tổng Thống Bill Clinton.

Ông này mặn đứt đuôi khi phải phơi mặt ra chịu đấm trong vụ scandal với em bé Monica  Lewinsky. May nhờ từ tâm của bà vợ khôn ngoan Hillary mới vượt qua sóng gió. Kể cũng oan ức cho Bill. Ngày xưa vua chúa thê thiếp tưng bừng xài không hết có ai nói chi đâu. Nay làm chúa tể vũ trụ, hét ra lửa mửa ra khói, vua nào ngày xưa sánh được bằng, vậy mà mới sơ sơ với em bé đã suýt thân tàn ma dại. Chuyện đã cũ. Ngày đó ông tonton hào hoa phong nhã này chẳng chay chiếc chi cả. Ông mặn hai ba thứ mặn. Khi xuống ngôi tonton ông mới chay. Thực ra ông cũng chẳng tự ý muốn chay mà bị cô con gái rượu Chelsea ép. Bởi vì cứ thịt thà thoải mái nên ông thành…bé bự. Sự nhiều thịt của thân hình khiến vóc dáng ông không vừa mắt cô con gái độc nhất Chelsea. Nhân dịp lễ vu quy của cô vào ngày 31 tháng 7 năm 2010, cô ra tối hậu thư cho ông bố. Nếu ông không chay tịnh để giảm được 15 pounds thì cô không cho ông dắt tay cô lên bàn thờ. Thiệt hại kể chi xiết. Vì có mỗi một cô con gái nên mất dịp khoác tay đưa cô lên trao cho chú rể như nghi lễ đã định thì đâu có còn dịp nào để khoác tay nữa. Vậy là ông tuân lệnh tức khắc. Thôi thì một công đôi việc. Năm 2004 ông đã bị mổ tim vì tim bị nhồi máu. Chính ra ngay sau khi giải phẫu ông đã phải kiêng cữ ngay. Cô Chelsea cũng đã khuyên ông nên chay tịnh từ ngày đó. Chính cô cũng là một tín đồ của đạo…chay. Nhưng ông cũng như tôi, nói bỏ thịt thà thì dễ nhưng làm thiệt thì hơi khó, nên quyết tâm cứ bị hoãn đi hoãn lại hoài. Lần này thì hết trì hoãn. Từ khi tuân lệnh con gái ông bỏ hết thịt thà và bơ sữa, chịu khó tập thể dục. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Foxnews: “Tôi chỉ ăn các loại đậu, rau xanh, trái cây. Mỗi buổi sáng tôi uống thêm protein, nước trái cây, không uống sữa. Nhờ vậy tôi vẫn có đủ dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe”. Chỉ trong vòng nửa năm ông đã vượt chỉ tiêu. Cô Chelsea định mức 15 pounds, ông đã khử được 24 pounds trọng lượng! Vậy là hiên ngang khoác tay con gái lên bàn thờ trong ngày vui của gia đình.

Thành công của ông Clinton là thành công đúp. Vì tổ chức đối xử nhân đạo với động vật PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) đã chọn ông là “Nhân Vật của năm 2010” vì ông đã dùng ảnh hưởng của mình để phát huy tác dụng và ích lợi của chế độ ăn chay. Phó Chủ Tịch PETA là nhà khoa học Dan Mathews cho biết: “Ông Bill Clinton được tôn vinh là “Nhân Vật của năm 2010” không chỉ vì là nhân vật nổi tiếng nhất nêu gương ăn chay mà còn vì ông đã soạn thảo cương lĩnh phân tích lý do tạo sao việc ăn rau, củ, quả có lợi nhất cho sức khỏe  con người”. Tại sao việc ăn chay lại dính dáng đến PETA? Tổ chức này giải thích: “Bằng cách chọn lựa việc ăn chay với các loại rau xanh, ông Clinton đã góp phần cứu được khoảng 200 gia súc mỗi năm và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch và nhiều chứng bệnh khác”. Coi bộ có động chạm lớn. Nói như PETA thì mỗi người đớp thịt như chúng ta đã phạm tội giết 200 gia súc mỗi năm. Tội lỗi quá! Vậy mà hàng ngày đụng đầu heo bò gà vịt trên bàn ăn có thấy chúng nói chi đâu!

Dân ăn thịt chúng ta có phải là lạc hậu không? Vì ăn chay đã trở thành một phong trào lan rộng khắp nơi trên mặt đất. Càng trí thức người ta càng chay dữ! Theo một thống kê chưa đầy đủ thì có tới 5% dân số tại Anh và Mỹ đang ăn chay trường hoặc ăn chay thường xuyên. Dân Mít ta có bao nhiêu phần trăm không đụng đến thịt cá như người mẫu Trương Thị May, chúng ta không có con số thống kê. Ăn chay theo như dân Việt hiểu là không đụng tới đạm động vật. Nhưng bên phương Tây có tới ba loại ăn chay. Loại thứ nhất gọi là ovolacto chỉ ăn rau, đậu, hạt, trứng và bơ sữa. Loại thứ hai lacto cũng ăn uống như nhóm ovolacto nhưng không ăn trứng. Nhóm thứ ba là vegan hoàn toàn không ăn đạm động vật. Nhóm này gần gũi nhất với cách ăn chay của người Việt chúng ta hoặc của các tu sĩ Phật giáo.

Trường phái chay nổi tiếng nhất mà ai cũng biết đó là phương pháp Oshawa. Nói tới Oshawa là nói tới gạo lức muối mè. Cũ xì. Nghe thấy là nhiều người đã nản. Cứ gạo lức muối mè ngày này qua ngày khác vừa ngán đến cần cổ, vừa thiếu chất bổ dưỡng, khỏe chi nổi. Thực oan cho ông Oshawa. Thực ra gạo lức muối mè chỉ là một trong chín cách ăn khác từ chay đến mặn của phương pháp Oshawa. Phương pháp gạo lức muối mè này là thực đơn số 7 trong 9 thực đơn và chỉ được áp dụng để chữa một số bệnh nan y. Theo bài viết “Ăn Chay Đúng Cách và Đầy Đủ” của tác giả Thiện Tuệ, người đã nghiên cứu về phương pháp Oshawa từ năm 1965 đến nay và đã được tiếp chuyện ông Oshawa vào năm 1973 tại Boston thì phương pháp Oshawa đâu có giản dị như vậy. Đúng là ông Oshawa đã tự chữa được nhiều chứng bệnh nan y của chính mình bằng gạo lức muối mè. Chuyện xảy ra vào lúc ông Oshawa được 16 tuổi và bị bệnh lao phổi nặng. Mẹ ông lúc đó cũng lao phổi và đã từ trần. Năm 18 tuổi, ông bị thổ huyết nặng ba lần. Các y sĩ tây y bó tay không có cách chi chữa nổi. Ông sanh năm 1893, vậy năm ông 18 tuổi là năm 1911. Một năm sau, năm 1912, ông Oshawa đã tự chữa lành bệnh lao phổi nhờ áp dụng phương pháp “Thực Dưỡng” của ông Sagen Ishizuka mà ông là đệ tử. Năm 1937, Oshawa được cử làm Hội trưởng “Thực Dưỡng Hội” và trước tác cuốn “Tân Thực Dưỡng Liệu Pháp”. Đây là một cuốn sách gối đầu giường của các đệ tử của phương pháp Thực Dưỡng, đã được in tới 700 lần bằng Nhật ngữ. Ngoài việc tự chữa khỏi bệnh lao khi còn nhỏ, năm 1945 Oshawa đã tự chữa bệnh mắt gần như mù lòa khi bị quân phiệt Nhật cầm tù và năm 1965 tự chữa bệnh ung thư khi đang ở Gabon, Phi Châu. Bà Lima, vợ của ông Oshawa cũng là một…đại lý bệnh tật, mắc rất nhiều bệnh nhưng cũng được chồng chữa khỏi và bà chỉ mất vào năm 2000, thọ 101 tuổi.

Theo phái “Thực Dưỡng” (macrobiotic) thì các món ăn được chia từ cực âm tới cực dương. Phần âm là các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo còn cám, chưa chà xát thành trắng mất hết chất bổ. Ngoài ra còn các loại thực vật như các loại đậu, củ, rau và âm nhất là các loại trái cây, cà, nấm, măng. Bên dương là các loại đạm của động vật gồm các loại hải sản và thịt các loại gia cầm, chim, thú rừng và các sản phẩm của chúng như trứng, sữa, bơ. Như vậy khi chúng ta ăn chay, nhất là ăn chay trường, thì dễ bị các bệnh về âm vì ăn thực phẩm âm. Đó là các bệnh thiếu máu, huyết áp thấp, tiêu chảy, phổi và một vài loại ung thư vì quá âm. Trong khi đó người ăn mặn thường bị các bệnh như béo phì, huyết áp cao, sơ vữa động mạch, bón, trĩ, tim, ung thư, dạ dày. Nói như vậy là người ăn âm hay dương dễ mắc các bệnh chủ về âm hay dương chứ khôngcó sự phân biệt tuyệt đối.

Người ăn chay nếu ăn uống quá âm, mất quân bình thì sẽ phải bị bệnh. Đó là ăn chay không đúng cách như ăn quá nhiều trái cây, uống quá nhiều nước, ăn quá nhiều canh hay súp. Tác giả Thiện Tuệ kể ra một kinh nghiệm : “Mới đây một bạn ở Victoria điện thoại cho tôi hay vì anh ở nông trại có nhiều cây có trái nên anh ta lạm dụng ăn nhiều trái cây và uống quá nhiều nước nên sau đó bị bại liệt, nằm một chỗ không đi được phải ăn theo phương pháp Oshawa (gạo lức muối mè) trong hai năm mới lành bệnh”. Vậy thì ăn chay cũng phải ăn cho đúng cách, cứ một thứ mà ăn riết thì trước sau gì cũng nằm bệnh. Mà ăn quá kham khổ như cứ gạo lức muối mè mà…chay,  hay chỉ tương chao rau muống cho qua bữa, hoặc cứ muối mà nuốt cơm thì cơ thể sẽ không đủ chất bổ, thiếu nhiều chất như sinh tố, khoáng, đạm thực vật, sanh ra suy nhược thì bệnh là cái cẳng!

Ăn chay cho đủ chất không phải là khó. Trước hết là chất bột (glucide). Chất này có trong gạo lức còn cám. Trong các món ăn chay thì cơm gạo lức là món dương nhất. Chất đạm (protides) có trong các loại đậu. Đạm nhiều nhất là trong đậu nành mà người ăn chay thường chế biến thành đậu phụ, đậu khuôn, tương, chao. Kế đó là đậu xanh với các món làm từ giá. Rồi đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, đậu ván, đậu phụng. Rồi mè rất dễ chế biến thành thức ăn. Chất béo (lipide) có trong các loại dầu thảo mộc hay trong các loại hột, trái dừa, trái bơ. Sinh tố đã nằm vùng sẵn trong các loại gạo lức và các loại trái cây, các loại hột. Chất khoáng (mineral) có nhiều trong gạo lức, tương, nước suối thiên nhiên và nhất là trong các loại rong biển.

Một bữa ăn chay đúng cách phải gồm đủ các thành phần của chất bột, chất đạm, chất béo, sinh tố và chất khoáng. Năm 1965, khi tới thăm Việt Nam, chính ông Oshawa đã căn cứ vào khí hậu nhiệt đới của nước ta để đưa ra thành phần một bữa ăn chay như sau: khoảng 50 tới 60% chất bột gồm gạo lức và các loại ngũ cốc; từ 30 đến 40% các thức ăn phụ như các loại đậu, củ, các chất béo, rau, dưa; 5% canh hay súp rong biển hoặc các loại rau củ; 5% trái cây.

Chúng ta đang định cư trên các xứ lạnh nên cần gia giảm thành phần bữa ăn nói trên cho thích hợp với thời tiết. Vì phải chống lạnh nên cần phải tăng phần dương (canh hay súp rong biển) lên thêm 5% và bớt phần âm (trái cây) xuống còn 2% thôi. Phần gạo lức thì tăng tối đa cho tới 60% trong mùa đông để thêm calorie chống lạnh và giảm xuống còn 50% trong mùa hè.

Đó là thành phần thức ăn cho một bữa chay, ngoài ra còn phải biết cách ăn đủ và đúng. Muốn biết ăn bao nhiêu là đủ thì phải nghe ngóng sau khi ăn. Chuyện này cũng dễ dàng. Nếu sau khi ăn cảm thấy vừa no, không nặng nề, dễ chịu, làm việc bình thường cho đến bữa ăn sau bắt đầu thấy đói và thèm ăn, vậy là xà và, chúng ta đã ăn vừa đủ. Còn ăn đúng thì nếu thấy khi ăn xong không bị rối loạn về tiêu hóa như đau bụng, nặng bụng, thả bom ngạt, ựa chua, nấc cụt, nhức đầu, chóng mặt là OK. Nếu thực hành đúng cách ăn chay trên thì chúng ta sẽ làm việc bền bỉ, dẻo dai, không biết mệt, ít bị các bệnh lặt vặt, cơ thể đủ sức chống chọi với các loại vi trùng và vi khuẩn nên không dễ bị bệnh.

Ăn chay dễ như thế vậy mà sao vẫn khó. Tôi biết một bà bạn, trong một lúc bối rối vì chuyện nhà, đã chạy tới van nài trước bàn thờ Phật để xin gia ơn cứu giúp. Bà không xin không mà có màn mặc cả trả ơn đàng hoàng. Ơn được trả bằng lời hứa sẽ ăn chay trong một tháng. Rồi bà được tai qua nạn khỏi. Mừng hết lớn. Để giữ credit với Phật hầu có thể còn xin xỏ về sau khi cần nên bà bắt đầu thực hiện lời hứa ăn chay. Một tuần đầu thì OK. Tuần thứ hai bắt đầu khó khăn mặc dù bà đã ăn gian chút đỉnh bằng cách đi mua những món chay…cao cấp. Cũng đủ thứ: canh chua, cá chiên, mắm chưng, phở, mì Quảng, bún bò Huế, sườn sào chua ngọt và nhiều món ăn trông rất…mặn khác. Cũng chỉ được một tuần. Cái mắt bị đánh lừa nhưng cái lưỡi khôn ngoan hơn. Những thứ giả thịt không phải là thịt. Bà đành hoãn hai tuần còn lại. Không biết bà khấn vái ra sao, bà không tiết lộ cho ai biết mặc dầu bà có nhờ người chở tới chùa đàng hoàng. Rồi chẳng thấy bà nói chi nữa. Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu bà đã trả hết nợ…chay chưa!

Kể ra chuyện trên tôi không có ý chê bai chi bà bạn. Bởi vì tôi cũng rứa. Tàu hũ tương chao thì tôi chịu thua. Những đồ chay mang hình hài đồ mặn tôi cũng chê. Nghiệp còn nặng, duyên chưa có,  nên tôi vẫn còn rất mê hương vị của tô phở tái vè, mùi thơm điếc mũi của bún chả Hà Nội, vị thơm cay của bún bò Huế. Thứ thiệt chứ không phải thứ…mì căn. Tính tôi vẫn…thiệt như vậy. Đành chịu!

08/2011