Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

HÉT

Năm nay giải quần vợt Rogers Cup của Canada có một thay đổi. Cả phía nữ chơi ở Toronto lẫn phía nam đánh ở Montreal đều cùng thi đấu một lúc. Các năm trước thì chơi xen kẽ tuần trước tuần sau. Sự thay đổi này khiến dân chẳng bao giờ tốn tiền tới sân đấu mà chỉ coi ké trên ti-vi như tôi bận rộn hơn. Và cũng điếc tai hơn. Vì phải nghe cả nam lẫn nữ đấu thủ hét cùng một lúc!

Hình như hét khi đánh trái banh nỉ chỉ mới…rầm rộ vào thời sau này. Trước đây sân đấu rất êm ả lịch sự. Như thời làm mưa làm gió của thần tượng Martina Navratilova. Ngày nay, coi tụi trẻ vừa đánh vừa hét, bà kết tội họ là ăn gian vì hét như vậy làm đường banh của họ mạnh hơn. Có thực vậy chăng? Bác sĩ Dennis O’Connell bảo đúng vậy. Ông giáo sư về vật lý trị liệu của trường Đại Học Hardin Simmons ở Abilene, tiểu bang Texas, đã làm một cuộc thí nghiệm với các sinh viên chơi thể thao và đưa ra kết luận: hét có thể làm cú giao banh nhanh hơn được khoảng 7 cây số rưỡi/giờ. Độ ồn trung bình của tiếng hét trong cuộc thí nghiệm này là 73 décibels.

Độ ồn như vậy ăn thua chi so với độ ồn của các nàng quần vợt trên sân đấu ngày nay khi các nàng hét. Nữ đấu thủ có giọng hét lớn nhất là cô Michelle Larcher de Brito. Cô là người Bồ Đào Nha, năm nay 28 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghe tới tên cô này. Vậy mà vào năm 2009 cô được xếp thứ 76 trong làng quần vợt nữ chuyên nghiệp. Độ ồn khi hét của cô lên tới 109 décibels. Bị cả khán giả lẫn các đối thủ phàn nàn, cô trả lời rất vô tội: “Tôi không thể ngưng hét vì tôi cảm thấy không được tự nhiên. Như thiêu thiếu một cái gì trong trận đấu của tôi!”.

Á hậu…hét là cô nàng Maria Sharapova. Cô này thì tôi phải biết. Đẹp và ăn mặc chic như vậy khi ra sân đấu thì chỉ có mắt cặp bờ lời mới không thấy. Thấy nhưng tôi không thích cái mặt lúc nào cũng chầu bầu như muốn…hét vào mặt người khác của cô! Độ ồn của nàng Sharapova lên tới 101 décibels.

Đứng thứ ba là nàng Monica Seles với độ ồn là 93,2 décibels. Đứng thứ ba nhưng cô nàng đã từng làm người mẫu này bị chỉ mặt nhiều nhất. Vì cô được coi như người đầu tiên mang tiếng hét vào sân đấu. Nữ đấu thủ Navratilova đã có lần ví tiếng hét của cô với tiếng hét của một con heo bị trói! Dĩ nhiên cô không thích câu ví von đầy ác ý của Navratilova. Cô cãi: “Nếu coi lại các video cũ thì từ năm lên 9 tuổi tôi đã hét y chang như bây giờ. Tôi nghĩ là thật tai hại khi chỉ trích tôi vì bên đàn ông họ hét từ trước đó nữa. Như Jimmy Connors chẳng hạn. Vậy mà chẳng ai nói một câu gì. Với đàn bà thì, như quan niệm của một số người, thật khó mà chấp nhận tiếng hét trên sân đấu của họ”.

Thứ tư và thứ năm là hai chị em nhà Williams, cô chị Venus và cô em Serena, với độ hét 88,9 decibels. Tiếp theo đó là Lindsay Davenport, 88 db; Victoria Arazenka, 83,5 db; Elena Dementieva, 73 db.

Độ ồn như vậy là ồn ra sao? Người ta so sánh với tiếng máy cưa điện là 100 decibels được liệt vào loại “rất ồn” và tiếng còi báo động hú là 140 decibels. Như vậy thì tiếng hét của các chị Michelle Larcher và Sharapova ăn đứt tiếng máy cưa điện! Nhưng cả hai còn thua tiếng cọp gầm là 110 decibels!

Bên phía đàn ông thì, như cô Monica Seles đã chỉ mặt, chàng Jimmy Connors là người đầu tiên mang tiếng hét vào sân banh. Hai cao thủ hét khác là Andre Agassi và Rafael Nadal. Tôi không tìm thấy độ hét bằng decibel của ba chàng đấu thủ mang họ Hét này. Chắc đàn ông hét là chuyện thường nên chẳng phải tốn công đo đạc! Hay là ngày nay chỉ còn mỗi chàng Rafael Nadal hiện diện trên sân đấu nên chẳng bõ bèn vác máy đo ra sân.

Dù sao tiếng hét cũng đã vang vang trong dư luận. Nhiều người có ý kiến là nên cấm béng việc hò hét trong sân cho môn thể thao được mệnh danh là quý phái này thêm phần quý phái. Nhưng làm sao cấm hét? Đó là một hành động tự nhiên của con người. Ai lại cấm người ta thở. Các đấu thủ hay hét chẳng đã tự bào chữa là họ chỉ thở mạnh thôi chứ có hét hò chi đâu! Đấu thủ Jelena Jankovic không tin chuyện…thở này. Cô cho biết: “Tôi đã từng đánh tập bên cạnh một nữ đấu thủ. Cô đánh banh rất yên lặng. Nhưng khi ra sân đấu thì khác. Cô hét như đang ở trong phòng sanh! Tôi thực không hiểu lý do tại sao cô ta lại làm như vậy”.

Andre Agassi không sanh đẻ chi. Anh hét thực thụ. Trong giải US Open năm 1988, anh bị đối thủ Ivan Lendl cự nự vì tiếng hét của anh. “Khi Agassi đánh một cú mạnh thì tiếng hét của anh vang ầm lên. Nó làm tôi không tính toán chi được cho đường banh đánh trả của tôi”. Trong giải French Open năm 2009, cô Aravane Rezai đã khiếu nại với trọng tài về tiếng hét của “nữ hoàng hét” Michelle Larcher de Brito. Trọng tài không biết giải quyết làm sao bèn gọi một thanh tra giải đấu ra sân phân xử. Ông này cũng không biết xử ra sao. Cuối cùng chính khán giả làm trọng tài. Họ hét từ đầu sân tới cuối sân để chọc quê cô nàng hét!

Hét trên sân quả có làm mọi người khó chịu. Ngồi coi ti-vi ở nhà mà tôi cũng thấy khó chịu. Nhất là một nhan sắc như Sharapova mà cứ tru tréo lên từng chập thì cái nhan sắc đó cũng phôi pha mất nhiều. Tôi…lập trường như vậy nên đồng ý ngay với tay vợt ít nhan sắc nay đã về già là Martina Navratilova khi bà hoan nghênh sự im lặng trên sân của Roger Federer: “Roger Federer chẳng bao giờ gây một tiếng động nào khi đánh banh. Cứ thử đi coi thì biết!”. Một bà già khác là nữ đấu thủ Chris Evert phê bình chung chung: “Tôi thấy là các đấu thủ bây giờ ngày càng hét to hơn”.

Bên phía chống đỡ cho hét dĩ nhiên có cô nàng Michelle Larcher de Brito đi hàng đầu. “Nếu người ta không thích tiếng hét của tôi thì họ có thể rời sân ra về!”. Nghe hách xì xằng dễ sợ! Trong một dịp trả lời phỏng vấn khác, cô nàng còn hách hơn nữa: “Không ai có quyền bắt tôi thôi hét. Quần vợt là một môn thể thao cá nhân và tôi là một đấu thủ cá nhân. Nếu họ muốn phạt tôi thì cứ việc phạt vì tôi thà chịu phạt còn hơn chịu thua một trận đấu chỉ vì tôi ngưng hét!”. Dĩ nhiên cô nàng hétcỡ 101 decibels cũng lên tiếng biện minh. Người đẹp Sharapova nói: “Tôi đã hét như vậy từ khi tôi mới bắt đầu chơi quần vợt và tôi không định thay đổi chi hết!”. Serena Williams tỉnh bơ: “Chẳng có chi ảnh hưởng tới tôi nếu đối thủ của tôi hét. Tôi vẫn cứ chơi như thường. Tôi thì có khi hét có khi không. Tôi không ý thức được khi tôi hét. Tự nó phát ra thôi”.

Huấn luyện viên quần vợt Nick Bollettieri, người đã làm coach cho nhiều cây hét cho rằng đó là tự nhiên. “Tôi muốn dùng từ “thở ra” hơn. Tôi nghĩ là nếu chúng ta nhìn sang các môn thể thao khác, chẳng hạn như cử tạ hoặc đánh golf hay hockey, thở ra là xả năng lực một cách hợp lý”. Nhà tâm lý thể thao Louise Deeley cho rằng hét là một phần của hòa điệu nhịp nhàng của các đấu thủ.  Nó làm nhịp cho một đấu thủ biết khi nào phải đánh, khi nào phải sửa soạn đánh.

Sư nói sư phải vãi nói vãi hay, cứ tranh luận thì chẳng biết tới bao giờ mới ra lẽ. Trên thực tế, trọng tài thường làm lơ với tiếng hét trên sân. Coi như không nghe thấy. Nhưng họ có quyền trừ của đấu thủ hét một điểm nếu tiếng hét cố ý làm đối phương lỡ nhịp chơi. Luật thì như vậy nhưng tôi chưa bao giờ thấy trọng tài dùng hình phạt này. Ai lại nỡ phạt một tiếng…reo!

May mà bà Jill Drake không chơi quần vợt. Nếu bà ra sân thì…vỡ sân không chừng. Bởi vì bà có tiếng hét lớn hơn tiếng gầm của sư tử hay tiếng cưa máy. Tiếng hét của bà đạt tới 129 decibels được ghi là kỷ lục thế giới. Tôi phải viết ra nơi ở của bà to miệng này để chúng ta liệu đường mà tránh. Bà ngụ tại Tenterden thuộc Kent bên Anh.

Như đã nói ở trên, đấu thủ Jelena Jankovic so sánh hét ở ngoài sân banh với hét trong phòng sanh. So sánh như vậy là khập khiễng. Hét trong phòng sanh là…chính nghĩa. Banh da xẻ thịt mà không hét sao được. Vụ hét này phe ta được điểm hơn phe…đầm. Các bà vẫn tự hào là chịu đau giỏi hơn đầm. Đầm hơi đau một chút là hét nhặng lên trong khi phe ta nề nếp hơn nhiều. Nhưng đứng về mặt…kỹ thuật thì hét trong khi lâm bồn có nên chẳng? Theo y học thì không nên vì không có lợi chi cho việc đưa hài nhi ra khỏi bụng mẹ. Thứ nhất, la hét có hại ngay cho sản phụ. Hại vì năng lượng bị tiêu hao sinh ra mệt mỏi khiến không còn sức để rặn làm nguy hại cho tánh mạng đứa trẻ. Hơn nữa, khi la hét sản phụ thường phải nuốt một lượng khí lớn vào bụng, dẫn đến việc ruột bị đầy hơi khiến việc ăn uống không bình thường kèm theo nôn mửa, khó tiêu, ảnh hưởng đến nhịp co bóp của tử cung. Thứ hai, la hét làm bác sĩ và các nữ hộ sinh căng thẳng, bối rối trong khi đỡ, khó phối hợp với nhau để giúp ca sanh tốt hơn.

Nghe vậy thì biết vậy nhưng đau quá thì phải hét chứ. Hét không đã phúc, nhiều sản phụ còn réo tên chồng ra chửi toáng lên. Cũng hợp lý thôi! Ai bảo khi vui thì vỗ tay vào / Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.

“Vỗ tay” là một hành động kín đáo kiểu “chỉ hai đứa mình thôi nhé”. Muốn kín đáo thì phải tuyệt đối im lặng. Tiếng sột soạt của áo quần nhiều khi cũng gây phiền hà nhất là khi có con nhỏ chung giường. Ai cũng vậy, giây phút riêng tư thường là những giây phút thinh lặng. Có ai như vợ chồng Caroline và Steve Cartwright ở Wearside, bên Anh. Chuyện kín mà hở ra tùm lum. Cũng chỉ vì hét. Hai vợ chồng này, vợ 48 tuổi, chồng 46 tuổi, cứ đêm đêm là hét vang lên làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Lâu lâu thì được chứ cặp vợ chồng ồn ào này đêm nào cũng giở cuộc cờ người ra. Theo như bà hàng xóm Rachel O’Connor thì ngay từ khi bà mới dọn nhà tới làm hàng xóm của cặp vợ chồng này vào tháng 11 năm 2007 thì bà đã nghe thấy tiếng hét vào đúng lúc nửa đêm và kéo dài cho tới 3 giờ sáng. Sau đó họ đổi chương trình, bắt đầu lúc 6 giờ rưỡi sáng và kéo dài cho tới 9 giờ sáng. Bà kể lại: “Tôi nghe thấy tiếng la hét khi làm tình. Nghe thật lớn và phối hợp tiếng rên rỉ, kêu gào và la hét giống như người bị đau đớn lắm. Không phải chỉ có tiếng đàn bà mà là tiếng của cả hai người”. Ngoài tiếng la hét còn tiếng của chiếc giường va vào tường từng chập. Không phải chỉ có hàng xóm lãnh đủ mà một ông phát thư và một bà đưa con đi học vào buổi sáng thường đi ngang qua nhà cặp vợ chồng này cũng bị ảnh hưởng. Bà hàng xóm Margery Ball vốn bị điếc một phần mà cũng cho biết bà đã không ngủ ngon trong 2 năm liền vì tiếng hét này.

Họ đồng lòng khiếu nại với cơ quan phụ trách môi trường và sức khỏe địa phương. Cơ quan này liền đặt máy thu âm ở bên nhà đối diện để thu bằng chứng. Họ ghi âm 23 lần tất cả. Tiếng ồn mà chính quyền địa phương thu được có độ ồn trung bình từ 30 đến 40 decibels, có lúc lên tới 47 decibels. Và sự việc được mang ra tòa án. Chánh án Beatrice Bolton phán: “Tôi đã nghe một đoạn rất ngắn của cuốn băng ghi âm tiếng ồn mà bị cáo tạo ra và thấy rất rõ là hàng xóm của bị cáo đã phẫn nộ và căng thẳng vì việc này. Thêm vào đó là theo như những gì mà tôi nghe được trong một đoạn nhỏ của cuốn băng thì hai người không có thiện chí giữ im lặng bớt đi. Nếu bị cáo vẫn tiếp tục như vậy thì sẽ bị xử án tù”. Bị cáo Caroline Cartwright đã bị cảnh cáo bằng văn bản gọi là Anti-Social Behaviour Order (viết tắt là ASBO) cấm không được “gây tiếng động” khi tù ti. Lệnh này có hiệu lực trong 4 năm.  ASBO là một lệnh hành chánh được áp dụng ở Anh và Ái Nhĩ Lan để tống đạt cho những người “có hành vi phản xã hội”. Vậy mà chỉ trong vòng 10 ngày sau đó, Caroline đã lại vi phạm tới 3 lần! Bà…hét này tỉnh bơ như không: “Tôi sẽ không ngưng hét khi làm tình, đó là không tự nhiên và tôi không nghĩ là tôi làm ồn quá đáng”. Bà chằng này còn viện cả Điều 8 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền để xác định là bà có quyền “được tôn trọng cuộc sống cá nhân và gia đình” của bà! Hai người đã lập gia đình được 25 năm và vẫn hằng đêm giở cuộc cờ xô giường lệch chiếu kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Mấy ông bạn tôi suýt soa: quý hóa quá!

Các ông này cứ thấy chuyện hấp dẫn của người ta là …vỗ tay! Quý chi mà quý. Hét thì ai mà chẳng làm được. Ngay khỉ cũng biết hét! Các nhà khoa học thuộc trường Đại Học St Andrews ở Anh vừa hoàn tất một nghiên cứu về giống khỉ bonono. Bonono là loài linh trưởng được coi là họ hàng gần gũi nhất với con người. Khỉ bonono đực được coi như “những con khỉ đột có đời sống tình dục bừa bãi nhất”. Khỉ bonono cái sử dụng tình dục vì nhiều mục đích: giảm căng thẳng, hóa giải xung đột và thậm chí để hình thành những liên minh giữa những con cái với nhau nhằm chống lại con đực. Loài linh trưởng thường là loài hay la hét trong lúc ân ái. Nhưng loài khỉ cái bonono thì la hét ầm ĩ hơn khi giao phối với con đực cũng như khi đồng tính luyến ái với con cái. Chúng dùng tiếng la hét như một cách “quảng bá những lần giao hoan của chúng”. Tiến sĩ Zanna Clay, người cầm đầu cuộc nghiên cứu, cho biết là độ la hét của khỉ cái tăng lên theo khi chúng giao hoan với một bạn tình “có vai trò quan trọng trong bầy đàn”. Vậy là cũng vai vế dữ! Càng cao danh vọng càng to tiếng hét.

Hét là để biểu tỏ nhiều thứ. Tăng thêm sức mạnh như các đấu thủ quần vợt, giảm đau như các bà sản phụ, bày tỏ hoan lạc như cặp vợ chồng Caroline và Steve Carlwright, nhưng hét cũng là để giải tỏa stress. Đời sống xã hội ngày nay của chúng ta thiếu gì thứ để stress: công việc căng thẳng, cạnh tranh xã hội, đời sống gia đình, giao tiếp với người khác đều có thể có vấn đề bất cứ lúc nào. Các nhà tâm lý xã hội thường khuyên chúng ta, nếu gặp stress thì nên tìm người để tâm sự, chia sẻ những khó khăn về mặt tinh thần để giải tỏa. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được như vậy vì nhiều người không có thói quen bộc bạch chuyện riêng tư hoặc muốn giữ bí mật chuyện riêng  hay khó tìm được người tin cậy để có thể giải tỏa nỗi lòng.

Vậy thì làm sao để giải tỏa được sự căng thẳng đang đeo dính lấy mình. Các nhà tâm lý học khuyên chúng ta nên hét lên! Đây là một phương pháp rất hiệu quả nhưng nhiều người rất ngại thi hành. Bởi vì hét làm giảm giá trị con người. Trông thấy một người, nhất là phái nữ, hét lên, chúng ta dễ có cảm tưởng người này bị mát dây. Trong các phim bộ Hồng Kông hay Đại Hàn, các cô cậu đẹp đẽ, sang trọng, mỗi khi bị stress thường leo lên sân thựợng cao của một tòa nhà cao, ngửa đầu lên trời hét rống lên. Chỉ có trời nghe, người li ti bên dưới chẳng ảnh hưởng chi. Mà trời thì chấp chi lũ trẻ hơi một chút là hét!

Trong các loại stress thì stress trong gia đình là loại căng thẳng vừa cao độ vừa thường xuyên. Có nhiều cặp vợ chồng sau một thời gian chung sống thấy vướng víu bực bội với nhau. Vậy là một hai ba hai ta cùng hét cho hàng xóm điên cái đầu. Hai bên đều đầy nhiệt tình. Nhiệt độ tăng dần. Nóng ran cả lên. Một vị hiền triết lạc vào vùng nhiệt đới đó. Ông quay lại hỏi đám đệ tử theo hầu: “Tại sao con người khi giận dữ lại hét lên với nhau như vậy?”. Đám đệ tử lặng thinh chưa biết trả lời sao. Một anh lên tiếng: “Bởi vì con người mất bình tĩnh nên mới hét lên với nhau”. Nhà hiền triết hỏi tiếp: “Nhưng tại sao lại phải hét lên với người bên cạnh trong khi người ta có thể nói lên những suy nghĩ của mình một cách mềm mỏng hơn?”. Không đệ tử nào trả lời được câu hỏi này. Nhà hiền triết từ tốn giải thích: “Khi hai người giận dữ với nhau thì trái tim họ có một khoảng cách rất lớn. Vì khoảng cách đó họ phải hét lên để có thể nghe thấy nhau nói. Khi họ càng giận dữ thì khoảng cách càng lớn nên càng phải hét to hơn. Ngược lại, khi hai người yêu nhau thì không hề la hét mà nói chuyện nhỏ nhẹ dịu dàng. Bởi vì trái tim họ đang rất gần nhau. Không có khoảng cách nào giữa họ. Và khi họ yêu thương nhau đậm hơn nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ không nói, chỉ thầm thì, thậm chí trái tim của họ còn hoà quyện thành một khối. Cuối cùng, họ cũng không phải thì thầm nữa và chỉ nhìn nhau là hiểu nhau hết! Khi phải tranh luận với ai, đừng để trái tim hai người có một khoảng cách. Bởi vì  nếu khoảng cách ngày càng lớn hơn, sẽ tới lúc không thể quay về với nhau được nữa!”.

Cô vợ trong chuyện sau chắc đã học được bài học của nhà hiền triết. Chồng cô thường hay la hét với vợ. Bỗng một bữa anh nhỏ nhẹ hẳn. Không biết vì khí trời mát mẻ hay vì lương tâm của anh mọc răng lại. Anh hỏi vợ: “Anh hay giận dữ la hét với em mà chẳng bao giờ thấy em có phản ứng. Làm sao mà em có thể kiềm chế sự tức giận được đến như vậy?” Cô vợ cũng nhỏ nhẹ đáp lại: “Thì em đi chùi cầu tiêu!”. Anh chồng ngạc nhiên: “Làm sao mà việc chùi rửa cầu tiêu lại làm em hết giận được?”. Cô vợ vẫn nhỏ nhẹ: “Thì em cọ rửa cầu tiêu bằng cái bàn chải đánh răng của anh!”.

08/2011