Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

KIRPAN

Tin này kể cũng lạ. Ngày 8 tháng 6 vừa qua, Lực Lượng An Ninh Kỹ Nghệ Trung Ương ( The Central Industrial Security Force) đã rút lại lệnh cấm nhân viên an ninh mang kirpan khi làm việc tại sân bay Amritsar, thuộc Punjab, Ấn Độ. Tôi thấy lạ vì kirpan là thứ Ấn Độ ròng mà ngay cả hành khách Ấn đi máy bay nội địa đều được phép mang lên máy bay. Vậy mà, vào ngày 28 tháng 4 năm 2011, một nhân viên làm việc bảo trì máy bay tên Nirmal Singh đã được lệnh tháo kirpan  ra mới được làm việc cạnh bên máy bay đang đậu tại phi trường. Lý do được chỉ huy trưởng Sharad Kumar nêu ra: “Amritsar là một phi trường quốc tế rất nhạy cảm nên chúng tôi không muốn có thiếu sót với an ninh của hành khách”. Anh công nhân bất bình khiếu kiện với giới chức đạo Sikh. Họ can thiệp và làm áp lực. Cuối cùng, vào ngày 7 tháng 6 vừa qua, lệnh cấm được bãi bỏ, anh Nirmal Singh lại được mang kirpan trên người trong lúc làm việc. Anh khoái chí: “Cám ơn Thượng Đế. Nhờ Ngài mà bây giờ tôi lại được mang kirpan trong lúc làm việc”.

Cái tin lạ làm tôi…quê! Cứ thao thao đưa tin mà chẳng cho độc giả biết kirpan là cái chi chi. Đó là một trong năm thứ mà một tín đồ đạo Sikh buộc phải có trên người kể từ khi được rửa tội, thường vào khoảng 10 tuổi. Năm thứ đó có tên, theo tiếng Ấn, đều bắt đầu bằng phụ âm K. Đó là Kesh, Kangha, Kara, Kachh Kirpan.

Kesh là đầu tóc không cắt, tạo hóa sinh ra sao cứ để nguyên như vậy, tượng trưng cho sự vâng phục Thượng Đế. Kangha là chiếc lược giữ cho tóc được gọn ghẽ và sạch sẽ. Lược này phải làm bằng gỗ, không được thay thế bằng lược kim loại. Theo một nghiên cứu khoa học thì cài một chiếc lược gỗ trên tóc sẽ làm giảm từ tính giúp cho tóc lâu dơ. Tín đồ đạo Sikh phải chải tóc mỗi ngày hai lần và mang chiếc khăn từa tựa như khăn xếp của đàn ông Việt Nam mang khi mặc quốc phục. Chiếc khăn này là một thứ cần thiết trong trang phục hàng ngày của nam tín đồ Sikh. Tại Canada, những người Sikh trong lực lượng cảnh sát và quân đội không đội mũ của binh chủng mà vẫn mang khăn xếp. Tối qua, trước trận đấu hockey vòng chung kết mùa 2010-2011 giữa hai đội Boston và Vancouver, có lễ chào quốc kỳ Canada và Mỹ. Một trong hai quân nhân thủ kỳ là người đạo Sikh cũng đội khăn trong buồi lễ. Kara là chiếc vòng kim loại đeo trên cổ tay mặt của tín đồ tượng trưng cho việc ngăn cản làm những việc đáng xấu hổ hay tôị lỗi. Nhìn vào chiếc vòng, tín đồ đạo Sikh sẽ phải nghĩ đi nghĩ lại trước khi tay phạm tội. Chiếc vòng chỉ được làm bằng sắt chứ không được làm bằng vàng, bạc, đồng và phải đúc liền chứ không được nối. Kachh là chiếc quần ngắn của binh sĩ. Khi mặc chiếc quần này tín đồ sẽ được nhắc nhở giữ mình không theo dục vọng và bản năng. Cuối cùng là thứ mà chúng ta đề cập tới: kirpan. Kirpan là một thanh gươm nhỏ tượng trưng cho sự can đảm và tự vệ, nhắc nhở phẩm giá và sự tự tin, khả năng và sự sẵn sàng bảo vệ những người yếu đuối và bị áp bức. Kirpan được mang theo người như một biểu tượng tôn giáo chứ không phải là một vũ khí. Nhưng khi tất cả các phương cách tự vệ khác không hiệu quả thì có thể dùng kirpan để bảo vệ chính mình hay người khác trước kẻ thù.

Nguyên nghĩa chữ kirpan là “tha thứ, khoan dung hay độ lượng”. Kirpan tại chính gốc Ấn Độ dài tới 90 phân trong khi bản thu nhỏ thường được dùng cho các tín đồ sống ở các nước khác chỉ dài khoảng 22 phân. Kirpan được bao bằng một vỏ kim loại và một túi bằng vải. Tín đồ đạo Sikh phải đeo kirpan sát vào da thịt, dưới lớp quần áo. Thường thì nó được cột vào người bằng một sợi dây choàng vào cổ và một sợi quấn quanh bụng. Kirpan nhắc nhở người đeo luôn đứng về bên lẽ phải, chống lại những bất công. Người đeo kirpan không bao giờ được tháo ra!

Thiệt vậy chăng? Bộ lúc tắm cũng cứ gươm dáo sát vào người chăng? Chứ sao! Tất cả đều có bài bản hẳn hoi. Khi gội đầu thì giữ kirpan trên người và gài cái lược Kangha vào. Khi tắm thì cột trên đầu. Nghe…cấn cái làm sao. Càng thấy cấn cái hơn khi mang tất cả các linh vật trên người lên giường ngủ. Cứ tưởng tượng thôi cũng đã thấy bất tiện! Đã có những người muốn cải cách bằng cách thay cây gươm dài thoòng cấn cái bằng bức tượng kirpan nho nhỏ móc vào sợi dây chuyền đeo trên cổ. Như người ta vẫn đeo những cây thánh giá. Vừa văn minh, vừa tha hồ kiểu cọ, vừa thoải mái. Nhưng đạo Sikh chưa bao giờ là một tôn giáo thích thay đổi. Đeo như vậy không đúng với lời dạy của giáo chủ. Nhưng tôi đã gặp một tín đồ Sikh chịu chơi. Hắn là đồng sự của tôi.

Tên hắn dĩ nhiên phải có chữ Singh làm tên họ. Hình như tất cả các tín đồ đạo Sikh đều có họ Singh cả thì phải! Chúng tôi đều gọi hắn là Singh. Nhiều tên thích pha chè còn kêu anh Ấn Độ râu ria rậm rạp này là “Sing A Song”! Hắn cũng cười tươi như thường. Đôi khi nổi hứng hắn còn hát tướng lên cho chúng tôi cười vui, nhất là khi có ly cà phê trên bàn. Tật nghiện cà phê của hắn hết thuốc chữa. Hắn nói mỗi ngày hắn có thể uống ba chục ly! Nghe hắn nói vậy thì biết vậy chứ chưa bao giờ chúng tôi thử tài hắn. Tiền ba chục ly cà phê đâu có ít! Thường thì vào ngày tết nguyên đán, tôi đãi cà phê cả bọn. Singh rất thích…tập tục này. Nhà hắn ở gần chùa Quan Âm. Đêm giao thừa chùa đốt pháo ầm ĩ làm gia đình hắn phải thức dậy giữa khuya. Vợ con hắn cằn nhằn. Sáng hôm sau, gặp tôi, hắn nói: “Tao bảo vợ con tao không nên cằn nhằn như vậy vì có pháo nổ là sáng hôm sau tao sẽ được uống cà phê free!”. Khi mới vào làm thì hắn còn cái khăn trên đầu. Ít lâu sau hắn lột khăn để lộ mái tóc đã cắt ngắn. Lúc đó tôi chưa biết cái vụ kirpan nên không lần vào người hắn coi có gươm giáo chi không. Tôi nghĩ là có. Nhưng sau này tôi thấy xuất hiện trên cổ hắn sợi dây chuyền có tượng kirpan. Bằng vào cách nói chuyện của hắn tôi không nghĩ hắn là người ngoan đạo. Giọng hắn rất khinh bạc, coi chuyện  thánh thần như chuyện thần thoại. Hắn thường nheo mắt kể những chuyện hấp dẫn của xứ sở  sản sinh ra cuốn sách kim chỉ nam tình dục nổi tiếng thế giới kamasutra. Hắn khuyên những tên chưa vợ con nên lấy vợ Ấn Độ vì đàn ông ở Ấn thường được tù ti với các cô em vợ thoải mái! Tôi không đặt lòng tin nơi tên ba láp này nhưng mấy anh chưa vợ coi bộ suy nghĩ dữ! Dù sao cái miệng hắn, tuy bị lấp gần kín bởi bộ râu xum xuê, là cái miệng trơn như mỡ, nói chuyện rất có duyên.

Nếu cứ đeo kirpan loại mini trên cổ như tên đồng sự Singh của tôi thì đã không xảy ra chuyện. Toàn những chuyện rắc rối làm phiền tới các ông tòa. Chuyện ồn ào nhất xảy ra vào năm 2001. Tại trường Ste Catherine Labouré ở LaSalle, chỉ cách Montreal một cây cầu dài khoàng chục thước, trò Gurbaj Singh, 12 tuổi, đã làm rớt kirpan trong khi chạy nhảy với bạn bè. Ban giám đốc trường thấy đây là một vật nguy hiểm nên cấm không cho cậu Singh này mang kirpan trong người nữa. Chuyện xảy ra vào tháng 11 năm 2001, chỉ hai tháng sau vụ 9/11 bên Nữu Ước. Gia đình cậu bé phản đối không cho cậu đi học nữa. Nhà trường thương lượng bằng cách đề nghị cậu mang một cây kirpan bằng nhựa hoặc đeo một cây nhỏ bằng dây chuyền trên cổ. Nếu bố cậu Singh này là ông bạn đồng sự Singh của tôi thì chuyện này đã xong. Bạn tôi sẽ OK liền. Nhưng ông bố của Gurbaj lại là một tín đồ sùng đạo nên nhất định không thỏa hiệp chi hết. Ông kiện nhà trường ra tòa. Tháng 4 năm 2002, tòa án Quebec xử cho cậu bé được tiếp tục mang kirpan đi học. Ngày thi hành án tòa, cậu Gurbaj được cảnh sát hộ tống tới trường. Một vài học sinh la ó khi cậu bé đi ngang qua. Một số các bậc phụ huynh đã phản đối bằng cách biểu tình trước cửa trường, ký kiến nghị và không cho con đi học. Họ lo cho an ninh của con họ khi họ thấy rõ ràng kirpan là một đe dọa cho học sinh. Bà Sylvie Blais cho biết: “Đối với tôi, kirpan tượng trưng cho bạo lực vì đó là một con dao. Kề từ vụ 9/11 xảy ra nơi tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi không ở ngoài tầm với của những hành động như vậy”. Tham dự phiên xử, ông Real Nadeau phát biểu: “Quý vị có chấp nhận được việc một học sinh tới trường với một con dao trong người dù nó được gói kín trong cái bao gỗ không? Tôi không chấp nhận chuyện đó. Tôi không để cho con em chúng tôi bị đe dọa như vậy!”. Phía đối nghịch phản ứng lại. Ông Manjit Singh, Chủ Tịch Hội Đồng Sikh ở Canada đã mạnh bạo chỉ trích nhà trường về quyết định mang tính kỳ thị của họ khi nói  “cái tên Quebec đã bị hoen ố”.

Nhà trường được sự ủng hộ của đảng Partie Québecois lúc đó đang cầm quyền nên đã đưa sự việc lên Tòa Phá Án Quebec. Ngày 4 tháng 3 năm 2004, Tòa phán quyết là an ninh của học sinh quan trọng hơn quyền của học sinh đạo Sikh mang kirpan vào khuôn viên trường nên hủy bản án của Tòa Thuợng Thẩm Quebec. Gia đình học sinh Gurbaj Singh thuê luật sư Julius Gray kiện lên Tòa Tối Cao Canada.

Ngày 2 tháng 3 năm 2006, Tòa Tối Cao Canada, với số phiếu áp đảo 8-0, đã tuyên án là sự cấm triệt để việc mang kirpan vào trường học là vi phạm Hiến Chương Canada vốn công nhận quyền tự do tín ngưỡng. Bà Chánh Án Louise Charron viết: “Có rất nhiều vật trong khuôn viên nhà trường có thể dùng để gây nên những hành vi bạo lực và học sinh có thể dễ dàng tiếp cận chúng hơn, thí dụ như kéo, viết hay gậy chơi baseball… Khoan hòa tôn giáo là một giá trị rất quan trọng của xã hội Canada. Việc hoàn toàn ngăn cấm mang kirpan vào nhà trường làm tổn thương giá trị của biểu tượng tôn giáo này và đưa ra cho học sinh một thông điệp là một vài tập tục tôn giáo không được coi trọng và bảo vệ đồng đều”.

Tòa phán như vậy thì biết vậy, nhưng kirpan có thể xử dụng như một vũ khí không? Theo sự tin tưởng của tín đồ đạo Sikh thì đây chỉ là một biểu tượng mang tính cách tượng trưng của đạo chứ không hề được dùng để ám hại người khác. Đó là lý thuyết. Nhưng khi kirpan ở trong tay một tín đồ hung bạo không tự kiểm soát được hành động của mình, đó chính là vũ khí. Đã xảy ra những trường hợp…vũ khí như vậy.

Chuyện xảy ra ngay ở LaSalle, thành phố ồn ào với vụ học sinh Gurbaj Singh bị cấm rồi được Tòa Tối Cao Canada cho phép mang kirpan vào trường kéo dài từ 2001 đến 2006. Ngày 11 tháng 9 năm 2008, một học sinh 14 tuổi của trường Cavalier de LaSalle đã bị cáo buộc ba tội vì dùng kirpan tấn công bạn. Hung thủ đã được giải tới xét xử ở tòa án thiếu nhi ở đường Bellechasse. Một giới chức của cộng đồng Sikh ở LaSalle cho biết đây là lần đầu tiên ông nghe thấy chuyện này. Theo ông, nếu bị xét là có tội thì có thể cấm em này mang kirpan.

Giới chức này coi bộ ngây thơ cụ. Kirpan được dùng như vũ khí xảy ra không ít. Ngay cả ở Ấn Độ, nơi mà các tín đồ đạo Sikh sống trong môi trường của đạo. Tháng 2 năm 2003, tại Ludhiane ở Ấn, hai người đàn ông tên Amrik Singh Kang và Shromani Akali Dal đã dùng kirpan tấn công người anh của con rể họ là Amandeep Singh. Nguyên do là con gái ông Kang có chuyện bất hòa với chồng nên cầu cứu tới người anh chồng là Amandeep Singh. Anh này mới hai ông Kang và Dal tới nhà ăn cơm để bàn chuyện. Họ tranh luận về chuyện vợ chồng của con gái ông Kang. Và họ không đồng ý được với nhau. Vậy là hai ông khách đã rút kirpan ra tấn công chủ nhà.

Mới đây hơn, vào ngày 2 tháng 4 năm 2010, ông Manjit Mangat, 53 tuổi, một luật sư nổi tiếng và là Chủ tịch Trung tâm Sikh Lehar Center trên đường Bramsteele ở Brampton, phía tây Toronto, đã bị hai người dùng kirpan đâm ngay tại bên ngoài ngôi đền trước mặt đám đông khoảng 150 người. Vết thương dài tới 12 phân. Thủ phạm là Sukhwant Singh, 52 tuổi, đã bị quy tội hành hung và toan tính sát nhân. Các chức sắc đạo Sikh coi bộ lúng túng trước sự việc rõ ràng liên quan tới kirpan, thứ mà họ cố biện minh cho là hiền khô chẳng hại ai. Điều Hợp Viên địa phương của Tổ Chức Sikh Toàn Cầu, ông Amanpreet Singh Bal, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CBC, đã cho biết vụ này là một khía cạnh tiêu cực của kirpan: “Bạo lực có hay không có liên quan tới kirpan là không bình thường trong thời đại ngày nay. Nó đi ngược lại với các giá trị của Canada”. Ông than thở: “Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ và rồi sự kiện như thế này xảy ra khiến chúng tôi bị ném trở lại cả thập kỷ trước”.

Chưa hết. Kirpan còn là một vũ khí xuyên quốc gia nữa. Đó là nói cho vui chuyện nhưng hình như cũng có chỗ đúng. Đó là vụ giết người bằng kirpan do một công dân Canada gốc Ấn cư ngụ tại Calgary thực hiện tại Ấn. Cặp vợ chồng Gurdial Singh, 57 tuổi và Ranjit Kaur, 55 tuổi được cậu con Kamaljit bảo lãnh sang sống tại Calgary được hơn một năm. Cậu Kamaljit đã định cư ờ Canada được bảy năm. Cả ba người về Ấn Độ để tổ chức đám cưới cho cậu con  thứ tại làng Raipur thuộc tiểu bang Punjab. Hai vợ chồng cãi lộn với nhau. Người thì bảo vì chuyện đám cưới, người thì bảo vì chuyện đất đai chi đó. Tức giận, ông chồng rút kirpan ra cứa cổ bà vợ chết tốt. Giết vợ xong ông này bò trốn nhưng bị cảnh sát địa phương bắt lại. Cảnh sát Calgary được thông báo nội vụ để hợp tác điều tra.

Canada kể ra là một nước quá dễ dãi với kirpan. Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển và một số tiểu bang Hoa Kỳ đã không rộng lượng với kirpan như vậyCanada thì cho mang thả dàn trong hầu hết những chốn công cộng kể cả trong trường học. Mấy ông nghị sĩ hay dân biểu trong Quốc Hội Canada thì khỏi nói. Các ông kẹ này tự do đeo kirpan vào tòa nhà Quốc Hội ở Ottawa. Không cho mang, các ông ấy la làng lên có mà sập cả trụ sở Quốc hội. Như vụ mới xảy ra vào ngày 18 tháng giêng năm nay tại trụ sở Quốc hội của tỉnh bang Québec chúng tôi. Một phái đoàn gồm ba ông một bà người Sikh được mời tới để tham dự cuộc thảo luận về dự luật cấm bịt mặt bằng khăn choàng của phụ nữ Hồi giáo khi tới các nơi công cộng. An ninh canh gác trụ sở Quốc hội đã bắt các ông bà này để lại kirpan trước khi vào tòa nhà quốc hội. Họ nhất định không rời biểu tượng tôn giáo của mình. Đời nào các ông bà ấy chịu. Đi tắm đi ngủ còn kirpan dính vào người thì bỏ ra sao được. Vậy là các ông bà ấy bỏ về và gây chuyện. Chuyện ầm ĩ với những cuộc cãi vã từ hai phía. Phía các dân biểu tỉnh bang ủng hộ giới chức an ninh và phía các tai to mắt lớn của đạo Sikh. Quốc hội Quebec đã bỏ phiếu ủng hộ hành động của an ninh quốc hội với số phiếu tuyệt đối 133. Không có phiếu chống.

Mấy ông Sikh chỉ trích các dân cử Quebec đã đi ngược lại với chính sách khoan nhượng với các sắc dân thiểu số của Canada. Dân biểu liên bang người Sikh Navdeep Bains giận dữ nói: “Tôi vẫn đeo kirpan vào quốc hội liên bang, vào trụ sở Tòa Án Tối Cao và ngay cả vào trụ sở quốc hội Hoa Kỳ để gặp các giới chức quốc hội mà đâu có vấn đề chi. Tôi sanh đẻ và được dạy dỗ ở đất nước này. Tôi nghĩ họ phải suy nghĩ lại và phải hiểu sự việc”. Họ còn cho biết họ đang thuyết phục hãng hàng không Air Canada để được đeo kirpan  lên máy bay nữa.

Chúa ôi! Chuyện này thì tôi nhất định phản đối đến cùng. Đây là chuyện đụng tới mối thương tâm của tôi. Số là tôi đã hai lần gặp nạn khi đi máy bay. Lần thứ nhất tôi vô ý để quên chiếc cắt móng tay nhỏ xíu trong túi xách cá nhân và bị tịch thu. Lần thứ hai tôi bị mất con dao Thụy Sĩ mà tôi quý như vàng. Thực ra họ chẳng tịch thu chi. Họ chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi mang ra đưa cho người thân ở bên ngoài hay bỏ vào hành lý ký gửi. Cả hai chuyện này tôi đều không thực hiện được. Vậy là họ giữ lại. Chuyện mất cứ mất dù mất một cách nhẹ nhàng hay không. So với kirpan thì kích thước những thứ tôi bị mất ăn thua chi. Nếu tôi kể thêm những chai nước uống dở bị quăng vào thùng rác khi qua cửa kiểm soát thì mối thương tâm của tôi còn hừng hực biết bao. Vậy mà mấy ông Sikh này đòi mang kirpan đi máy bay thì có chướng hay không? Ông hàng xóm của tôi, da trắng mũi cao, dân Canada chính hiệu, nghe tôi tả oán đã nhỏ nhẹ vỗ vai tôi: “Có lẽ moa cũng phải viện dẫn Hiến Chương Canada ra để tìm lại quyền cho chính moa. Xin lỗi toa chứ dân ăn nhờ ở đậu như toa  ăn thua chi mà nổi nóng!”.

Nghe mà…mát ruột!

06/2011