Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

NẶNG

Hôm nay, 21 tháng 6, mùa hè chính thức bắt đầu. Trời đất hình như cũng biết giữ trật tự. Mấy ngày trước trời ủ ê, hôm nay mặt trời chói chang trên cao. Ngồi vào computer, mở hộp thư, nhận ngay được bản nhạc “Hè Về” của nhạc sĩ Hùng Lân do chị Trần Thị Lai Hồng gửi. Nhớ tới người bạn nhạc sĩ vong niên có nụ cười chẳng bao giờ tắt trên môi, có lối sống lúc nào cũng lạc quan yêu đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi cùng nhau sống ở bên Washington cuối thập niên 1960 cũng như khi gặp nhau ở Việt Nam sau khi Sài Gòn đổi chủ. Lòng đang phơi phới với hè về thì đụng ngay một cái tin nặng chình chịch trên nhật báo The Gazette. Thông báo chung của Viện Thông Tin Y Tế Canada (Canadian Indtitute for Health Information) và Cơ Quan Y Tế Công Cộng Canada (Public Health Agency of Canada) cho biết là 25% người lớn và 9% trẻ em từ 6 đến 17 tuổi ở Canada bị phì. Nghe mà chảy mồ hôi!

Như vậy là nơi đất nước tôi tạm dung, ra ngoài đường cứ 4 trự thì có một trự thuộc loại người Canada gốc voi! Số bạn bè của tôi chắc chắn có hơn 4 người nên việc có bạn bè hơi phát triển hơn người khác không thể tránh khỏi. Không nói thì…nặng lòng mà nói thì nhẹ tình bạn, thôi thì né một chút vậy. Tôi bẻ qua chuyện nặng kí của con nít tuy chúng chỉ có 9% quá khổ. Dù sao cũng an toàn hơn tuy bị mang tiếng là bắt nạt trẻ con. Nhưng cũng được tiếng là chăm lo cho các mầm non của đất nước!

Nói tới tình trạng u nần của con nít, người ta thường chỉ ngay thủ phạm là McDonald’s và đồng bọn. Đúng nhưng chưa đủ. Phải kể thêm một anh tưởng như vô tội nữa. Đó là anh Walmart. Tại sao lại kéo cái đứa không bán fast food này vào vậy? Không phải vì trong các cửa hàng Walmart thường có tiệm McDonald’s nằm vùng mà vì chính những kệ hàng của anh chàng thuộc loại…vũ phu trong thương trường. Nếu chúng ta vào một cửa hàng Walmart (mà chúng ta ai chẳng có lần vào chốn bán đồ giá rẻ này!) sẽ thấy họ có bán thực phẩm, thường là thực phẩm đóng hộp. Đó là cái tổ con chuồn chuồn. Hai nhà kinh tế của Mỹ, Charles Courtemanche, giáo sư môn kinh tế Đại Học North Caroline ở Greensboro, và Art Carden của Rhodes College, đã nghiên cứu về cái tổ con chuồn chuồn này. Cuộc nghiên cứu diễn ra từ năm 1996 tới 2005, thời kỳ mà 1569 cửa hàng Walmart được gọi là “supercenter” ra đời ở Mỹ. Supercenter là loại cửa hàng, ngoài những đồ gia dụng và điện tử mà các cửa hàng Walmart thường có, còn bán thực phẩm nữa. Tại Canada chúng tôi, trong 323 tiệm Walmart thì có 119 cửa hàng supercenter. Tội của những supercenter này ra sao, Giáo sư Charles Courtemanche cho biết: “Tôi nghĩ điều hiển nhiên nhất là Walmart đã hạ giá đồ thực phẩm, mà những thực phẩm họ bán lại thuộc loại biến chế không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Các tiệm khác, để cạnh tranh với Walmart, cũng hạ giá theo. Vì vậy nên có những người chưa hề bước chân tới Walmart cũng vẫn được hưởng giá rẻ tại các cửa hàng khác”. Các bà nội trợ của những gia đình có lợi tức thấp, cứ thấy lợi là mua nên đã rước về nhà những thứ thực phẩm có hại cho sức khỏe của con em. Càng rẻ càng mua nhiều, nhiều hơn là cần thiết. Vậy là con em trong nhà cứ ăn thừa mứa những thứ độc địa. Theo tính toán của hai nhà kinh tế này thì cứ mỗi supercenter của Walmart được mở ra trong vùng có 100 ngàn dân chẳng hạn thì mỗi người sẽ tăng thêm 1,5 pound, khoảng 0,678 kí. Tỷ lệ người phì cũng tăng thêm 2,3%, nghĩa là cứ trong 100 người thì có thêm 2,3 người được phong danh hiệu phì!

Hai ông giáo sư này cũng công nhận là bệnh…nặng kí, ngoài nguyên nhân ăn nhiều những thứ thực phẩm không tốt, còn do lười biếng ít vận động. Cũng là cái tội của Walmart! Bởi vì họ bán với giá rẻ hơn các cửa hàng khác các loại máy móc điện tử như TV, DVD nên người dân có thêm cơ hội nẳm khểnh ra nghe nhạc, coi TV trong khi tay liên tục bốc chip bỏ vào miệng một cách vô thức. Hai ông kinh tế gia này có…tư thù chi Walmart không? Thù oán chi! Đây là nghiên cứu khoa học đàng hoàng đã được công bố trên tạp chí Journal of Urban Economics số tháng 3 vừa qua.

Tôi vốn nhiều từ tâm nên cảm thấy thương hại cho các anh Walmart, McDonald’s, Harveys, Burger King và một số lau nhau các chủ nhân đang làm ăn phát đạt khác. Tại các nước Á châu, nơi mà các hệ thống làm ăn này đâu có nhiều tiệm mà sao trẻ em vẫn cứ nặng cân một cách bất thường. Vậy có oan ức cho các ông đông bạc này không? Lấy trường hợp em bé Lu Hao ở Quảng Đông bên Tàu làm ví dụ. Mới có ba tuổi mà bé đã nặng sơ sơ có 60 kí, gấp 5 lần các bé cùng tuổi! Cậu bé này đâu có biết hamburger là chi, mỗi bữa cơm cứ ba bốn chén đầy mới tạm no. Thấy bé là một khối thịt to tát, gia đình cắt bớt khẩu phần thì cậu khóc miết. Bà Chen Huan, mẹ của bé, cho biết: “Chúng tôi đã hạn chế việc ăn uống của con nhưng khi không được ăn như mong muốn, Lu Hao kêu khóc không ngừng và chúng tôi phải đầu hàng!”. Sỡ hữu một khối thịt nặng nề như vậy nên các sinh hoạt thường ngày của bé rất cấn cái. Đi đứng khó khăn, cử chỉ chậm chạp lại còn khó thở khi hoạt động nhiều. Lúc mới sanh Lu Hao chỉ nặng 2 kí rưỡi. Được coi là bình thường. Có nhiều bé mới sanh còn chui ra với thân hình ba, bốn kí nữa. Nhưng cái đức ăn của Lu Hao thì bất trị. Lúc nào cũng thèm ăn. Vậy là cái miệng hại cái xác. Đúng ra tính háu ăn chỉ phát triển khi bé được một tuổi. Cha của Lu Hao , ông Lu Yuncheng, tâm sự: “ Thậm chí Lu Hao còn ăn nhiều hơn cả bố mẹ nữa!”. Khi nhà báo hỏi Lu Hao có muốn bay như các siêu nhân không, bé cười: “Không, cháu mập lắm!”. Biết vậy mà cái miệng vẫn không ngưng được. Thế mới tội. Gia đình cũng đã đưa bé đi khám bác sĩ. “Chúng tôi đã đưa cháu đến ba bệnh viện. Một bác sĩ nói cháu có một khối u trong đầu, hai bác sĩ khác thì bảo không có khối u nào cả. Các bác sĩ đều nói hormone của cháu ở mức độ bình thường. Cháu béo chẳng biết vì lý do chi. Cả hai bên gia đình chẳng có ai bị phì như vậy cả!”.

Cũng ngang ngửa với bé Lu Hao là bé gái Fan Sijia, chào đời tại làng Dongniu, thành phố Vạn Thành, cũng ở Trung Quốc, vào tháng giêng năm 2008. Khi bé mới hai tuổi đã cân được tới 45 kí, cao tới 1 thước 7 phân! Cũng như bé Lu Hao, bé Fan cũng rất có tâm hồn ăn uống. Nói vậy cho văn nghệ chứ bé Fan chỉ cốt ăn nhiều. Ngon dở là chuyện không cần thiết.

Đưa ra hai mẫu…nặng đều ở Trung Quốc khiến mọi người có thể hiểu nhầm những sản phẩm có sức nặng siêu như vậy là thứ độc quyền của Trung Quốc. Vậy nên phải đưa ra một trường hợp ở Ấn Độ cho sức nặng không  nghiêng về phía anh to xác ( xấu bụng?). Đó là cô bé Suman Khatun, 6 tuổi, sống ở phía tây Bengal. Mới 6 tuổi mà đã cao đúng 1 thước và nặng 91 kí! Phải 5 em bé cùng tuổi cộng lại mới bằng số kí của bé Suman. Đức ăn của bé gái này cũng thuộc loại thày chạy. Buổi sáng ăn hai xuất ăn sáng gồm cơm, trứng, chuối, bánh qui. Buổi trưa xực luôn hai xuất nữa gồm hai thố cơm lớn, hai đĩa cá rán và 10 quả trứng. Ăn bằng 4 phần ăn của người lớn vậy mà vẫn còn đói. Sau khi ăn trưa xong, bé Suman thường chạy qua hàng xóm xin ăn thêm. Không có ai cho thì…chôm đồ ăn! Chỉ mình cô bé mỗi tuần đã thanh toán hết 14 kí gạo, 8 kí khoai tây, 8 kí cá, 180 trái chuối, các loại kẹo và trái cây khác. Ăn như vậy thì núi cũng lở. Cha mẹ em làm ruộng nên không đủ tiền mua thực phẩm cho em. Mọi người phải nhín ăn nhường cho bé Suman…quất. Bác sĩ Subodh Bandyopadhyay điều trị cho bé Suman đã cho biết: “Em này bị mắc căn bệnh không tự kiểm soát ăn uống được. Hiện em đã nặng gấp năm lần các trẻ cùng tuổi. Nếu không chữa trị bệnh phì, bé sẽ chết sớm vì bệnh tim”.

Béo phì là một tai họa cho mọi người. Cứ tưởng tượng bạn bè chung quanh ngày càng trương ra. Cứ tưởng tượng đi ngoài đường mà mắt không nhìn thấy đường. Cứ tưởng tượng đang ngồi trên xe buýt mà có người leo lên xe mà xe phải nghiêng xuống. Cứ tưởng tượng lên máy bay mà lổn nhổn những chiếc ghế bị lấp kín. Hãi chứ! Đến bà Michelle Obama cũng hết hồn nói chi tới dân lục tục thường tình như chúng ta. Bà này đã phải nhiều lần lên truyền hình quảng cáo cho chương trình “Let’s Move” của bà. Đây là một chương trình kêu gọi mọi người thường xuyên tập thể dục để chống béo phì. Bà tonton kêu thì cứ kêu nhưng dân thừa thịt có…mu không là chuyện khác. Sức mấy mà họ nhúc nhích. Họ còn đang bận nghiên cứu các quảng cáo của các tiệm fastfood đang ngày càng hấp dẫn. Một hệ thống các tiệm bán thức ăn nhanh mà tôi không muốn tiết lộ tên (nhưng đọc thì ai cũng biết) đã quảng cáo chỉ bán 5 đô một ổ bánh mì dài 30 phân nhân thịt bò với một lớp xúc xích cộng thêm một lát fromage dày cộm! Một công ty bán pizza tăng gấp đôi lượng thịt và fromage lại còn nhét thêm một lớp fromage trong lớp bột. Một chaine cửa hàng bán hamburger rao hàng loại bánh mới  “Enormous Ommelet” gồm hamburger, hai trứng ommelet, ba lớp bacon và một lớp fromage. Để cạnh tranh, một hệ thống khác chơi nguyên một monster thickburger ăn lặc lè bụng luôn. Nghe đã thấy…cholesterol. Vậy mà cửa hàng nào cũng kẻ ra người vào tấp nập. Vừa rẻ, vừa no, vừa tiện lợi. Có khách còn có…não đã kêu thêm một ly nước loại diet để xóa bỏ mặc cảm!

Mặc cảm là thứ đeo đuổi những người nhiều cân. Hai mẹ con nhà Tiggeman vừa bị nhúng vào nước lạnh trước mắt cả trăm hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Southwest vào giữa tháng 5 vừa qua. Họ đáp máy bay quá cảnh Dallas và tại đây rắc rối xảy ra. Một nhân viên bảo họ là “quá mập để có thể bay”. Khi cô Kenlie Tiggeman hỏi lại  số cân để bị coi là quá mập, họ cho biết là nếu không lọt vào được mặt ghế rộng 17 inches, khoảng 42 phân rưỡi, thì coi như không được bay . Thông thường thì hãng máy bay Southwest đo bằng cách bắt hành khách ngồi vào một chiếc ghế ở một góc kín đáo nhưng người nhân viên này lại test trước bá quan văn võ làm hai mẹ con quê một cục. Hai bên đấu khẩu tới 45 phút rồi nhân viên này bằng lòng cho bay với điều kiện là hai mẹ con và một bà phì khác phải ngồi vào một dãy ba chiếc ghế. Ba người quá khổ không chịu. Nếu tôi là hành khách của chuyến bay, chắc chắn tôi cũng không chịu. Bởi vì như vậy rất nguy hiểm khi máy bay bị nghiêng về một bên! Cuối cùng một chức sắc của hãng muốn giải tỏa rắc rối và chiều khách nên đã chấp thuận cho bay lại còn xin lỗi tử tế và đền cho một voucher không biết trị giá bao nhiêu để dùng cho chuyến bay tới. Bà mẹ Joan Tiggeman vẫn còn ấm ức vì cho là bị xỉ nhục trước đám đông.

Hai mẹ con đều…quá tải. Bộ nặng kí là thứ di truyền chăng? Dám lắm. Căn nhà trước mặt nhà tôi vừa có chủ mới. Đó là hai vợ chồng và một cô con gái tuổi teen. Cả ba đều dư ký. Dư đến nỗi tôi thấy ái ngại cho căn nhà phải cưu mang gia đình này. Cảnh cả nhà dềnh dàng như nhau là cảnh chúng ta thường gặp. Chúng ta không phải là những nhà khoa học nên nhìn vậy biết vậy thôi. Các nhà khoa học thì khác. Họ tò mò lắm. Tại sao cả nhà đều nặng như vậy? Chắc phải có thứ di truyền nào đó. Và họ đã kiếm ra. Trên tạp chí Nature Genetics có đăng một bài khảo cứu về cái sự nặng kí tập thể trong gia đình này. Đây là công trình của các nhà khoa học Anh sau khi nghiên cứu 20 ngàn mẫu di truyền thể từ các mẫu mỡ lấy từ dưới da của 800 phụ nữ tình nguyện, tất cả đều là người Anh. Họ nhận thấy có sự liên hệ giữa di truyền thể KLF14 với nhiều di truyền thể tìm thấy trong các mô mỡ. Di truyền thể KLF14 hoạt động như một cái công tắc có thể chế ngự tất cả các di truyền thể này. Giáo sư Mark McCarthy của Đại Học Oxford, có đóng góp nhiều cho cuộc nghiên cứu đã cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để hiểu rõ các tiến trình này và làm sao áp dụng những dữ kiện tìm thấy để cải tiến cách chữa trị”. Giáo sư Tim Spector của trường King’s College ở Luân Đôn cũng đã phát biểu: “Đây là nghiên cứu quan trọng đầu tiên cho thấy chỉ vài thay đổi nhỏ nơi di truyền thể chủ cũng có thể gây nên cả loạt những hiệu ứng biến thể nơi các di truyền thể khác như thế nào”.

Tội là ở cái…công tắc mang ký hiệu KLF14. Chính hắn bật tắt loạng quạng nên thịt thà mỡ màng mới tụ họp một cách thái quá trong một thân thể ú nần. Vậy thì tôi có cân nặng quá cỡ thợ mộc là…ý trời. Bắt tôi có cha mẹ trong một dòng họ phì nhiêu thì tôi phì nhiêu. Lỗi chẳng tại tôi thì tôi cứ phải sống trong hoàn cảnh đó. Nghĩa là cơ thể nó bắt tôi ăn thì tôi phải ăn. Không ăn lỡ chết thì sao! Chết hay không là chuyện hạ hồi phân giải nhưng ăn nhiều thì càng ù nhiều, đó là cái chắc. Để tốp bớt lượng mỡ trong người phải biết điều hòa ăn uống. Nói thì dễ nhưng bóp mồm bóp miệng không phải là chuyện dễ. Cơ thể nó bắt ăn đâu có dễ cưỡng lại, nhất là đối với trẻ em.

Tại Canada, trong vòng 25 năm qua, số trẻ em bị phì đã tăng lên gấp ba lần. Ngày nay có tới 26% trẻ em từ 2 tới 17 tuổi bị phì. Cứ 100 em có tới 26 em…nặng. Sự phì nhiêu này là một gánh nặng cho xã hội. Không phải vì tốn thực phẩm mà vì nó đẻ ra bệnh cholesterol và bệnh tiểu đường loại 2. Cứ tiền bệnh viện và thuốc thang cho mấy trự nhỏ tuổi lớn xác này cũng đủ…nặng cho ngân sách quốc gia. Muốn cắt bớt đức ăn uống và khối thịt thà mỡ màng của các em người ta phải dùng tới dao kéo. Bác sĩ Thomas Inge ở Cincinnati còn nhớ lại ca mổ đầu tiên của ông vào mười năm trước. Bệnh nhân là một bé gái 16 tuổi nặng 160 kí. Tới nay ông vừa mổ cho bệnh nhân teen thứ 163 trong chương trình mổ cho 250 bé tốn hết hàng triệu đô của nhà nước. Mổ nói đây là cắt bớt dạ dày để bớt ăn. Bên Canada cũng có chương trình chống…nặng này với các trung tâm ở Vancouver, Edmonton, Hamilton và Montreal. Thu hẹp cái túi đựng thức ăn có ăn thua chi tới số cân dính vào người các bé bị phì không? Theo các bác sĩ thì ăn thua lắm chứ. Trung bình các em giảm được một phần ba trọng lượng sau một năm cắt thu hẹp bao tử. Nhẹ bớt mình mẩy, các em còn rũ đi được những chứng bệnh do sự thừa cân gây nên mà nguy hiểm nhất là bệnh tiểu đường loại 2. Bác sĩ  chuyên khoa nhi Stan Lipnowski ở Winnipeg nói về bệnh này: “Chúng ta thường nghĩ tiểu đường là bệnh của người già. Không còn đúng như vậy nữa. Cứ nhìn những đứa trẻ này. Chúng tôi phải thử máu cho chúng một cách đều đặn và thấy bất thường ở gan, ở lượng đường, ở cholesterol. Không phải chỉ các em ở lứa tuổi teen mà ngay các em ở tuổi mẫu giáo cũng vậy!” Chúng bị phì đến nỗi chỉ bước vài bước đã thở mệt nhọc, luôn bị mệt đứt hơi và bị trầm cảm. Có nhiều đứa không tới trường được. Mơ ước của chúng chỉ là có thể tự mình cúi xuống cột được dây giày và ngồi vừa trên ghế xe buýt hoặc métro!

Cắt dạ dầy để giảm béo là phương pháp thích hợp nhất cho các em nhỏ. Người lớn có thể có nhiều cách khác ngoài cách này như: làm ruột ngắn lại, đặt bóng trong dạ dày và ngon lành nhất là thắt dạ dày. Thắt dạ dày hiện nay chỉ dùng để điều trị cho người lớn chứ chưa thích hợp cho trẻ em. Cả hai cách đều theo một nguyên lý: giảm hấp thu thức ăn. Nhưng cắt có những điều bất cập. Cắt là…phập, đi một đường thắng, một đi không trở lại, phần cắt không bao giờ…come back to Sorrento được. Cắt là phải banh bụng ra đau đớn hơn. Cắt bao nhiêu là đúng, các nhà giải phẫu không suya vì có thể với người này là đủ, người khác là quá hoặc chưa đủ gây nên việc không thể giảm cân hoặc giảm quá mức.

Thắt tránh được tất cả các nhược điểm trên của cắt. Bác sĩ giải phẫu sẽ dùng kỹ thuật nội soi để đặt một chiếc đai vào phần trên của dạ dày tạo thành một cái túi nhỏ đựng thức ăn.  Những gì ngốn vào miệng sẽ chỉ có thể trôi xuống chiếc túi nhỏ này. Bệnh nhân sẽ thấy ăn chóng no hơn và không muốn ăn tiếp nữa. Trong khi đó cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại nên lượng mỡ dư thừa lúc này sẽ được sử dụng khiến trọng lượng cơ thể giảm nhanh chóng. Khi cân kéo của bệnh nhân đã trở về mức gần bình thường thì các bác sĩ có thể nới vòng đai ra để bệnh nhân có thể ăn nhiều hơn dưới sự kiểm soát của bác sĩ để bảo đảm có một sức khỏe bình thường. Khi người đã gọn gàng thon thả như người ta, chiếc vòng oan nghiệt này có thể đưọc tháo ra giữ làm kỷ niệm!

Béo thì béo, phì thì phì, có nhiều ngưòi không care chuyện lặt vặt này. Như ba cô mập trong nhóm nhạc Đại Hàn có tên là Piggy Dolls. Mập thì mập, họ vẫn hát hò nhảy nhót trên sân khấu. Trong ca khúc Trend của họ có lời ngon lành như: “Tôi luôn tự tin, tôi không cần biết đến bất cứ thứ gì khác. Thân hình tôi thế này thì có gì sai? Gương mặt của tôi là độc nhất vô nhị!”. Thân hình của họ là thứ mà họ hãnh diện: “Như các bạn thấy, chúng tôi đều là những cô bé mập mạp như heo con (piggy dolls)….Cả ba chúng tôi đều mập tự nhiên. Chúng tôi thích ăn, vì thế chúng tôi ăn nhiều…Chúng tôi mập mạp vì thế chúng tôi khác biệt. Những người gầy ốm thường có chất giọng mỏng, nếu so sánh thì giọng của chúng tôi dày và có nội lực hơn”. Cắt hay thắt đều là đồ bỏ. Thật quê mấy nhà giải phẫu. Mập có cái đẹp của mập, ăn thua là sự tự tin. Cô Ji Yeon, thành viên trong nhóm tam ca, rao giảng: “Thời nay mọi người đều có xu hướng ưa thích sự mảnh mai và xinh đẹp. Chúng tôi chỉ muốn giúp những người có cân nặng như chúng tôi thấy tự tin hơn. Chúng tôi muốn phá vỡ chuẩn mực chung của các nhóm nhạc nữ là phải có vóc dáng chuẩn. Hy vọng sự ra mắt của chúng tôi có thể khích lệ những phụ nữ vốn bị tồn thương vì cân nặng của mình”.

Không biết có phải được sự khích lệ này không mà 11 cô gái ngoại khổ ở Singapore đã đưa hình ảnh của họ lên lịch. Bộ lịch…ngoại khổ này được bán rộng rãi để ủng hộ cho quỹ trẻ em bị ung thư. Để cho mọi người tường tận sự hấp dẫn của cơ thể các cô gái ngoại khổ nên các cô thuận chụp hình không mảnh vải che thân. Chắc sợ tốn vải!

Tôi ngắm những hình lột truồng sự thật…nặng nề này mà cảm thấy dễ chịu. Chẳng cần lên mục kỉnh của một người cứng tuổi mà mắt vẫn thấy rõ mồn một. Hoá ra trời đất dựng nên mọi sự đều có cái lý của nó cả!

06/2011