Baby
Bầu
Bộ
Café
Cầy
Chân
Chay
Cơm
Cửa
Đình
Đuya
Gondola
Hên
Hét
Hít
Hôn
Hứng
Kirpan
Nặng
Nhũ
Phiền
Phục
Ráy
Sách
Sụp
Tận
Thần
Tịch
Tình
Trùng

CẦY

Khi tôi viết bài này thì máy bay và hỏa tiễn của Anh, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Ý..v..v.. đã thẩy bom đạn xuống đầu anh chàng độc tài Gadhafi của Libya. Khi bom đạn nói chuyện thì chuyện hơi ồn ào. Nhưng thực ra tình hình ở Libya đã tơi bời hoa lá từ trước rồi. Từ khi dân chúng cho nhà độc tài Gadhafi ngửi mùi hoa nhài. Có hai thành phần dân chúng: những người cầm súng chiến đấu và những người chạy loạn qua biên giới tới các nước lân cận. Trong số những người bỏ của chạy lấy người này có những người Việt Nam. Họ là những công nhân được nhà nước Việt Nam cho đi làm thuê làm mướn ở Libya. Tất cả có khoảng 10 ngàn người.

Tôi mới đọc một bản tin trên báo mạng Vietnamnet nói tới một đoàn 300 lao động Việt Nam chạy từ Libya sang phi trường Djecba của Tunisia. Họ phải băng qua sa mạc cùng với những dân chạy loạn khác. Chạy loạn nên khi cùng quẫn giữa sa mạc, con người trở nên…sói. Ba trăm con dân đất Việt đã phải quây thành một khu, dùng đá xếp thành chiến lũy, thay phiên nhau canh gác khi bị những thanh niên địa phương vác mã tấu và những vũ khí tự chế xông vào cướp. Vũ khí từ bên trong đánh trả ra là những viên đá và những tảng bê tông. Sau vài lần tấn công không kết quả, đám thanh niên này đành bỏ cuộc. Bài báo cũng ghi lại một câu chuyện cảm động như sau: “Có một câu chuyện cảm động về sự tương trợ của những lao động Việt Nam trên đường chạy loạn. Đó là chuyện anh Phạm Quang Úy, quê Hà Tĩnh bị gãy chân, vỡ xương chậu trong một lần sập giàn giáo, phải nằm bẹp một chỗ. Đúng lúc đó, tình hình bất ổn nổ ra ở Libya. Nơi Úy làm việc bị cướp phá. Hầu hết, anh em đồng nghiệp không kịp mang theo đồ trong lúc bỏ chạy. Úy thấy thế rơm rớm nước mắt, nói: “Các anh cứ chạy đi, mặc kệ em. Thân em tàn tật thế này, trước sau gì cũng chết”. Tuy nhiên, bạn bè đồng nghiệp đã không bỏ rơi người đồng hương tội nghiệp. Người dìu, người dắt, có những lúc nếu buông tay, Úy đã có thể bị dòng người di tản giẫm nát. Gặp Úy tại trại tị nạn trên đất Tunisia, cậu cười tươi: “Giờ sống rồi anh ạ, nhờ sự đùm bọc của anh em”.

Nhưng chuyện mà tôi khoái hơn hết là chuyện đám công nhân chạy loạn này đã không bị đói trong khi các sắc dân khác đói rã người tới phải đi ăn cướp thực phẩm. Họ có phép lạ chi chẳng? Không, họ chỉ có cái hơn người là biết ăn thịt chó. Bài báo viết như sau: ”Trên đường chạy loạn qua sa mạc, để vượt biên giới Libya đến sân bay Djecba (Tunisia) nhóm lao động Việt Nam đã hò nhau vây bắt nhiều chó hoang làm thức ăn. Những chú chó lang thang vốn không thể chạy nhanh trên cát đã bị dân lao động bố trí chặn các ngả và cầm gạch đá ném chết.

Trong khi nhiều nhóm lao động khác đói ăn, thì những công nhân này xì xụp mì tôm với xáo thịt chó. Những chú chó bắt được trong hành trình chạy loạn còn được luộc chín và tích trữ cho tới khi về tới sân bay Djerba. Hôm tôi có mặt ghi nhận tình hình, những lao động đó đã mời một đùi chó luộc. Nửa chú chó luộc được chén sạch bách chỉ trong mấy chục phút”.

Biết ăn thịt cầy lợi như vậy tại sao người ta vẫn dè bỉu những người răng giắt thứ thịt ba ngày còn thơm này? Câu hỏi tưởng dễ hóa khó. Nó dính líu tới...văn minh! Điểm qua những sắc dân hậu duệ của nhà sư Lỗ Trí Thâm này có: Hàn Quốc, Trung Hoa, Phi Luật Tân và dân Mít ta. Toàn dân Á châu. Dân các nước khác coi chó như...bạn nên nhìn những dân đớp thịt cầy như một đám man ri mọi rợ chuyên hại bạn. Trong một phiên tòa xử một vụ liên quan tới chó vào năm 1870, Thượng Nghị Sĩ Mỹ Vest đã...giảng cho bồi thầm đoàn như sau:  ”Thứ bạn hoàn toàn vô vị lợi mà con người có thể có được trong cái thế giới đầy vụ lợi này, thứ bạn không bao giờ bỏ rơi con người, thứ bạn chưa bao giờ vô ơn và phản phúc, đó chính là con chó. Nó luôn luôn ở bên cạnh con người trong thịnh vượng cũng như trong nghèo khó, trong lúc khỏe mạnh cũng như trong lúc bệnh tật. Nó ngủ dưới đất, nơi gió thổi tuyết rơi dữ dội, chỉ để được ở bên cạnh chủ. Nó hôn những bàn tay không có thực phẩm cho nó ăn. Nó liếm những vết thương của con người khi đương đầu với sự tàn bạo của thế giới. Nó canh chừng giấc ngủ cho chủ như đó là một hoàng tử. Trong khi mọi thứ bạn khác bỏ đi, nó ở lại. Khi của cải cất cánh bay đi, khi danh vọng tan tành từng mảnh, nó vẫn nhẫn nhục trong tình yêu như mặt trời trong cuộc lữ hành tới chốn địa đàng”.

Có được chú bạn thập phần hoàn hảo như vậy ai nỡ xẻ thịt chú!

Truyền thống dân ta chưa bao giờ cho chó có một địa vị bình đẳng với người như vậy trừ lúc sau này các anh cán có tiền triệu và các đại gia học đòi cái tưởng là văn minh, coi chó như con, chó chết làm đám ma rình rang hơn đám ma người. Vậy nên chẳng bạn bè chi cả, chúng ta coi chó như một thứ súc vật để ăn thịt như bò, gà hay heo. Dùng chữ ”chúng ta” coi bộ hơi hàm hồ. Thực ra không phải toàn thể người Việt chúng ta đều đớp thịt cầy. Có rất nhiều người Việt nhìn những đệ tử của thịt cầy bằng ánh mắt xa lạ.

Nhưng đôi khi có những ông mắt xanh mũi lõ không hề xa lạ với cầy. Họ cũng...ngộ ra chuyện cẩu nhục. Như hoàng thân Henrik của xứ Đan Mạch. Ông này là bố chồng của công chúa Mary, cha của hoàng tử Frederik. Ông đã tuyên bố với báo Ud...Se một câu xanh rờn vào tháng 5 năm 2004: ”Thịt chó có vị như thịt thỏ. Cũng hơi giống như thịt dê non. Hoặc có thể, như tôi nghĩ, giống như thịt bê, hơi khô hơn một chút!”. Câu tuyên bố này của ông hơi tréo cẳng...chó vì ông là Chủ tịch danh dự của Câu Lạc Bộ chó Dachshund Đan Mạch. Ông còn làm thơ ca tụng giống chó này. Tôi tạm dịch mấy câu trong bài thơ ca tụng bạn chó Evita của ông: Ta thích vuốt mớ lông của em / Và nhìn nó mượt mà ép xuống / Em chó thân yêu, thật đặc biệt của ta”. Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông hoàng tử chịu chơi này còn bày tỏ ước mong sẽ được tái sinh làm một chú chó Dachshund! Vì sao có sự nghịch lý như vậy? Bởi vì ông đã sống 5 năm tại Việt Nam khi cha ông điều hành một thương vụ gia đình tại đây. Và ông đã...nhúng chàm, đớp thịt chó. Ông bảo vệ...chính nghĩa: ”Tôi không hối hận chi khi đã ăn thịt chó. Những con chó này được nuôi để giết thịt, như gà vậy!”.

Ông hoàng tử Đan Mạch này đã phân chia rành rọt được hai loại chó. Chó cảnh và chó thịt. Tôi ngờ rằng người phương Tây lẫn lộn hai thứ này. Và từ sự mù mờ này, họ không thông cảm được với dân nhậu cầy tơ của chúng ta. Tôi cũng đã từng để thịt chó dính răng và cũng đồng ý với sự không nhậu thịt cầy của người phương Tây. Nghe ra có vẻ ba phải nhưng thực ra có cho tôi ăn thịt cầy...tây tôi cũng lắc đầu. Tôi chưa thử nhưng nghe nói hôi lắm nuốt không trôi. Vậy thứ dog meat của dân nhậu Á Đông là phải trong category nhất bạch nhì vàng tam khoang tứ đốm mới đặng. Mà cái thứ cây còn này, ngoài các thứ rau, ngoài giềng, còn phải chấm mắm tôm. Thịt chó mà không đi kèm với mắm tôm thì ăn vào phí thịt đi! Không hiểu sự...giao hưởng đậm đà và tối cần thiết này nên ông ký giả Slinger của báo The Star mới ngạc nhiên. Bài báo được viết vào cuối năm 2008, đúng lúc ở Việt Nam có lệnh cấm mắm tôm vì nhiều người bị trúng độc mà mắm tôm bị nghi là thủ phạm. Ông ký giả này viết: ”Lý do duy nhất mà tôi thảo luận về ăn thịt chó là bởi vì khi tôi ở đó, chủ đề này đã tạo ra một câu trích dẫn hết sức ngạc nhiên mà tôi từng đọc trên báo. Tôi thậm chí sẵn sàng cược rằng đây là câu trích dẫn ngạc nhiên nhất trong lịch sử báo chí. Ở Việt Nam, những người thường ăn thịt chó là cánh đàn ông tụ tập nhau, ăn thịt chó và uống thứ rượu được rót từ những chiếc bình ngâm nguyên cả con rắn. Họ ăn thịt chó bởi vì họ nghĩ loại thực phẩm này tăng cường sức lực đàn ông. Rồi họ về nhà trong tâm trạng lâng lâng. Ở Hà Nội, có một tin quan trọng là ai đó trong một nhà máy mắm tôm đã làm liều khi dùng nước trực tiếp từ dưới sông để làm mắm. Mẻ mắm đó là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp và khiến Chính phủ cấm tiệt loại gia vị này. Lệnh cấm chẳng có nghĩa gì lắm với chúng tôi, nhưng với chủ nhà hàng thịt chó Trần Mục lại là một đòn giáng lớn. Thường thì nhà hàng của ông tấp nập thực khách còn giờ thì vắng teo, Trần Mục than vãn với báo VietNamNews. “Nhưng” – và đây là câu trích dẫn đó – “không ai muốn ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Nếu bạn có đọc một câu trích dẫn nào ngạc nhiên hơn thế thì tôi thực sự muốn biết nó là gì”. Ông này đích thị dân tay mơ ăn thịt cầy không mắm tôm. Vậy là mất nửa cuộc đời! Vậy nên ông mới ngạc nhiên. 

Ông ký giả này hơi kém về chuyện ăn thịt cầy nhưng khá rành rọt về chuyện cầy tây cầy ta. Ông viết tiếp: ”Chẳng có tác dụng gì bất kể là tôi có giải thích thế nào với con chó của tôi rằng nó không phải là loại chó mà tôi ăn thịt hồi tôi tới thăm Việt Nam. Vì một điều, chú chó của tôi quá lớn. Loại chó để ăn thịt chỉ nặng chưa đầy 10kg móc hàm. Còn con chó của tôi có gầy trơ xương cũng phải 35kg. (Nếu bạn hỏi tôi rằng to bé thì có gì khác nhau, tôi sẽ không biết phải trả lời thế nào. Có rất nhiều điều về ăn thịt chó mà tôi không biết, hơn nữa tôi cũng không muốn biết)”.

Hai ông tây trên, một ông Đan Mạch và một ông Mỹ, xem ra có thể chơi được. Các ông ấy có nếm thịt cầy và công nhận chó lên bàn nhậu ở Việt Nam là chó...thịt. Chó thịt thành thịt chó là đúng chỉ số. Ông Tùy Viên Hải Quân của sứ quán Mỹ ở Hà Nội Robert Lucius không được...can đảm như hai ông trên. Trong một lần ngự xe lên Lai Châu vào năm 2006, ông thấy một chiếc xe máy chở đầy những chú chó kêu oăng oẳng vượt lên đi trước xe ông. Ông nhìn chăm chăm vào những chiếc lồng chó và bị cuốn hút vào cặp mắt của một chú chó: ”Có một cảm giác kết nối lập tức đến với tôi. Tôi có thể thấy nỗi sợ hãi, sự chết chóc và nỗi vô vọng”. Ông nghĩ ngay là phải cứu thoát mấy chú chó tội nghiệp này. Lập tức ông bảo tài xế vượt qua chặn đầu chiếc xe...chó. Ông rút ví ra chi tiền. Ông không thể làm gì hơn. Ông tâm sự là lúc đó ông không muốn bị xem là một ”độc tài văn hóa” muốn thay đổi những tập quán văn hóa của người khác chỉ vì chúng phản cảm với ông. Lúc đó ông sĩ quan tùy viên này mới 42 tuổi, vẫn còn khá năng nổ. Vậy mà ông không làm gì hơn được. Sau một thời gian, trong một lần đi ăn với các bạn Việt Nam tại một nhà hàng, ông tận mắt thấy một con chó đã bị làm lông và mổ phanh bụng nằm trên sàn nhà trong bếp. Ông bị sốc nặng trước cảnh tuợng này. ”Con chó đó cũng như mọi con chó khác. Giống như chạm phải công tắc đèn, từ khoảnh khắc đó cuộc đời tôi được bật lên từ tối sang sáng!”. Từ đó ông không ăn thịt, bất cứ thịt con gì. Ông ăn chay. Chẳng vì một niềm tin tôn giáo nào. Chỉ vì ông phải kiêng thịt. Không thể khác được. Và ông đã thực sự hành động khi lập ra Tổ Chức Liên Minh Kairos. Kairos là tiếng Hy Lạp có nghĩa là ”đúng lúc”. Lucius nay đã là một Trung Tá và là Giám Đốc Học viện Ngôn Ngữ Quân Sự tại Monterey, California. Tổ chức của ông nhằm ”chặn đứng những đối xử tàn tệ với động vật”, một phương cách chuộc lại cho sự hèn nhát của ông trên đường đi Lai Châu ngày nào.

Một chuyên gia nấu bếp Việt Nam, Andrea Nguyễn, người đã di tản qua Mỹ từ năm 1975, tôn trọng mục đích của nhóm của Lucius muốn chấm dứt thói quen ăn thịt chó của người Việt Nam nhưng cô cũng không nghĩ là Lucius sẽ thành công. ”Tôi tôn trọng nỗ lực thay đổi suy nghĩ của người khác, và Việt Nam cũng thực sự đang chuyển biến. Tuy nhiên có nhiều người rất thích vị ngon của thịt chó. Và cả tác dụng cường dương nữa. Đó là một thứ thịt có protein lâu phân rã. Lucius đang đối mặt với những quan niệm này”. Nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, con trai của Trung Tướng Lâm Quang Thi, cũng cho biết: ”Chiến dịch của Lucius có thể hiểu là một thái độ xử sự kiểu Tây phương. Tôi không tin là ông ấy có thể thay đổi quan niệm của họ. Tôi thấy nó như một hành động nghĩa hiệp kiểu Đông Ki Sốt!”. Ông Đông Ki Sốt tân thời mang tên Lucius vẫn lạc quan. Ông cho biết là chó mèo ở Việt Nam đã được nuôi như bạn trong nhà nhiều hơn. Người ta không ăn thịt bạn bao giờ!

Ông Mỹ này quả thật là lạc quan ...tếu! Làm sao mà chó ngưng leo lên bàn nhậu được. Từ ngàn xưa, thịt chó ở Việt Nam vẫn ngang hàng với các thứ thịt khác. Con gà cục tác lá chanh / Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi / Con chó khóc đứng khóc ngồi / Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng. Còn giềng là chó còn được giao du với thứ cay cay rất hợp với thứ sống trên đời này. Trong bài ”Người Việt ở Praha”, tác giả Đăng Trình đã kể lại những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc viếng thăm thủ đô Tiệp Khắc: ”Chúng tôi được biết ở Praha có mấy khu doanh nghiệp của người Việt gọi nôm na là chợ Việt Nam. Chúng tôi có dịp được anh bạn mới quen đưa đi khu chợ ở Praha 10, dân ở Praha quen gọi là chợ ”đổ hàng”. Ban đầu chúng tôi cứ tưởng là tên người lập chợ là Đỗ Hàng, sau mới vỡ lẽ đó là khu chợ bán sỉ quần áo giầy dép và các thứ linh tinh các nơi nhập vào rồi phân phối cho bạn hàng Tiệp lẫn Việt, do đấy mà có tên này. Đó là một khu biệt lập, muốn vào phải qua cổng chính có nhân viên an ninh người Tiệp gác. Bên trong có tới chín chục phần trăm là các gian hàng của người Việt, còn lại là người Tàu và rất ít người tây. Cửa hàng của người Việt thì đủ thứ tiệm giống như một Little Saigon ở Cali thu nhỏ (hay tiểu Hà Nội cũng nên?), nào tiệm ăn tiết canh cháo lòng, café trung Nguyên, tiệm cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, băng nhạc, sách báo, rau trái, ngay cả đến tiệm thịt cầy, đi ngang nghe mùi chả nướng thơm phức, tôi nhìn vào thấy có mấy anh Tây đang ngồi thưởng thức! Nghe nói nhiều người Việt ở Áo, Đức không quản ngại đường xá xa xôi đã lái xe đến nơi đây để thưởng thức món đặc sản ”sống trên đời” này!”. Nghe mà mát ruột!

Tôi hay lang thang vào internet nên hay vớ được những thứ lạ. Lần này vớ được một đoạn của một người ký tên Hồng Hà. ”Vào google tiếng Anh, đánh hai chữ ”thit cho” thấy hiện ra một loạt các trang có liên quan đến thịt chó, trong đó, có một dòng rao tìm rất chi ”thảm thiết”: ”Ai biết ở Cali chỗ nào có thịt chó không, làm ơn chỉ giùm”. Vào xem chi tiết hơn thấy trần tình: ”Ở Cali, tui đã đánh xe đi tìm khắp nơi mà không đâu bán, Từ hồi qua Mỹ ở San Diego tới giờ thèm thịt chó quá mà không ai bán. Hôm trước đi Santa Ana và San Jose nhưng kiếm hoài không gặp”. Thế mà nhận được rất nhiều hồi âm, trong đó có một lời mách nước rất giá trị: ”Nghe nói Nam Cali có bán đó nhưng bạn nên cẩn thận, gặp trúng hội bảo vệ súc vật là tiêu đời. Chúc bạn may mắn”. Thế đấy, tín đồ thịt chó, sang tới Hoa Kỳ còn lồng lên kiếm món cầy tơ!”. Vậy đó! Có tới mười ông Đông Ki Sốt Robert Lucius hoạt động hết ga cũng chẳng làm sứt mẻ được một chiếc cối xay gió nào!

Bởi vậy nên tôi giận hai anh Trung Quốc và Nam Hàn quá sức. Dân hai nước này đều ái...cầy như dân Việt chúng ta. Vậy mà tại sao khi anh Nam Hàn tổ chức Thế Vận Hội 1980 và World Cup 2002, anh Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội 2008 cả hai anh này đều đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng bán thịt cầy trong thời gian tổ chức để ra vẻ ta đây cũng văn minh không cầy cấy chi cả! Họ can tội dối gạt và hèn nhát. Việc chi phải...tiểu nhân như vậy. Cứ hiên ngang đường ta ta cứ đi, chó ta ta cứ...cầy coi tụi...bạch quỷ làm chi tốt!

Ít nhất mấy ông con trời cũng nẩy ra được một hiền tài coi được. Đó là ông phi hành gia Dương Lợi Vĩ. Ông này là phi hành gia Trung Quốc đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2003 trên tàu vũ trụ Thần Châu V. Ông mới tiết lộ với báo Telegraph về vấn đề ẩm thực trên tàu không gian. Ông cũng rào trước đón sau rất thận trọng: ”Nhiều người bạn của tôi muốn biết các nhà du hành vũ trụ ăn gì khi bay trong không gian. Họ nghĩ chắc hẳn chúng tôi chỉ ăn sơn hào hải vị như bào ngư hay vây cá mập. Nhưng thực ra chúng tôi chỉ ăn những món rất bình thường và chẳng cần phải giữ bí mật”. Vậy là anh bật mí. Các món ăn...bình dân được anh Dương Lợi Vĩ kể ra gồm có: cháo yến mạch, cá kho, đậu hũ, lươn xào ớt xanh, táo, lê, cam, khoai tây, xúc xích và...thịt chó! Sau phút nói thật, anh phi hành gia họ Dương bị nạo ra gì. Báo The Huffington Post cho biết ông Jill Robinson, sáng lập viên của tổ chức bảo vệ súc vật Animals Asia cho rằng anh Dương chằng nên nói như vậy vì anh là mẫu người lý tưởng của hàng triệu trẻ em.

Ngộ thật! Làm như nhậu cái thứ mà Diêm Vương cũng thèm đã hạ con người xuống tới...hỏa ngục không bằng! Tôi e rằng các ông công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động qua Libya chẳng cần tới chính biến mới nhậu thịt cầy tại quê hương của ông Gadhafi. Chắc các ông ấy đã làm tưới từ trước rồi! Có ai dám đánh cuộc một chầu thịt chó với tôi không?

03/2011