Các bà vừa la làng về chuyện kỳ thị…béo. Tôi dùng chữ “béo”, nghe ra màu mỡ, nhưng vẫn thích hơn dùng chữ “mập”, hình dung ra hình tượng nàng cá mập! Thực ra đây là chuyện thuộc loại không có gì mà ầm ỹ. Các bà tới nhà thuốc mua thứ thuốc “sáng hôm sau” bị các dược sĩ từ chối không bán. Thuốc “sáng hôm sau” là thuốc chi, chắc nhiều bà thơ ngây không biết.
Phải vòng vo trên trời dưới đất một chút. Ông trời ở tuốt trên cao được cho là tác giả của thế giới chúng ta sống. Ông này có tính cả lo. Ông lo con người không chịu truyền giống nên mới dụ bằng cách biến việc truyền giống thành một việc thú vị. Chắc lúc đó không có chiếc cân nên ông bỏ chất “thú vị” vào hơi mạnh tay. Con người từ đó cứ hăng hái…thú vị. Kết quả khiến ông Tú Xương la làng: lẳng lặng mà nghe nó chúc con / sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn / phố phường chật hẹp người đông đúc / bồng bế nhau lên nó ở non. Trước viễn ảnh chen chúc khổ sở, con người mới tìm cách bịt lại. Vậy là có thuốc tránh thai. Thú vị cứ việc thú vị nhưng chuyện bồng bế là chuyện không phải lo. Thường thì thứ thuốc này hình như phải uống đều đều. Tôi nói hình như vì quả thực tôi không biết rõ. Không có tí thuốc vào là bồng bế ngay. Con người vốn là giống tinh khôn. Thấy như vậy còn khiếm khuyết nên bày ra chuyện “sáng hôm sau”. Nghĩa là khi thú vị mà lỡ không thuốc thang chi cũng đừng có lo. Có ngay thứ chữa cháy bằng cách uống…hồi tố.
Chuyện rắc rối là có nhiều nhà thuốc ở Canada từ chối không bán thứ thuốc…lỡ này cho các bà nặng kí. Bà Lauren Vogel, bỉnh bút của tập san Canadian Medical Association Journal, tập san y học hàng đầu của Canada, đã bị một dược sĩ ở Ottawa từ chối không bán thuốc và bảo bà đi gặp bác sĩ. Bà kể: “Tôi bước tới quầy thuốc và nói tên thuốc, bà dược sĩ nhìn tôi (lúc đó tôi mặc áo choàng mùa đông) và dựa vào đó nói với tôi: “Bà có biết thuốc này có hạn chế với những người nặng cân không?”. Bà Vogel không nặng kí nhưng bà dược sĩ cũng không thèm hỏi cân kéo của bà. Bác sĩ Edith Guilbert, cố vấn của Viện Sức Khỏe Cộng Đồng Québec (Québec’s Public Health Institute) nói với bà Vogel là ở Quebec cũng có tình trạng như vậy. Sao lại có thứ thuốc không thèm chơi với người béo như vậy? Chuyện khá dài dòng. Thứ thuốc “sáng hôm sau” có tên là Plan B. Tôi đoán cái tên này ám chỉ kế hoạch dự phòng như trong một cuộc hành quân. Khi kế hoạch A (Plan A) vì một lý do nào đó không thi hành được thì lập tức phải chuyển qua kế hoạch B. Trong trường hợp này, kế hoạch A là thuốc ngừa thai và kế hoạch B là thuốc …chữa cháy! Thuốc này có thể ngừa to bụng trong vòng 72 tiếng sau khi hành sự. Tại Canada Plan B đã được chấp thuận cho dùng từ năm 2008 và không cần toa bác sĩ. Chỉ có một điều kiện là phải từ 18 tuổi trở lên mới được sờ vào thuốc. Nhưng dựa vào hai cuộc nghiên cứu thì thuốc này ít hiệu nghiệm với các bà nặng từ 75 đến 80 kí, và hoàn toàn vô dụng cho các bà nặng từ 80 kí trở lên. Năm 2014, cơ quan Y Tế Canada đã phổ biến sự hạn chế này đối với các bà lớn con. Nhưng hiệp hội các bác sĩ sản và phụ khoa Society of Obstetricians and Gynaecologists of Canada không ủng hộ chuyện này. Bác sĩ của hiệp hội, bà Jennifer Blake, cho rằng “kết luận này đã dựa trên những nghiên cứu chưa đầy đủ” nên quyền lựa chọn là của bệnh nhân chứ không nên từ chối bán thuốc. Theo thống kê chính thức của Canada thì trong độ tuổi từ 25 tới 34, tuổi được cho là thích hợp để thụ thai, có 23% các bà dư kí.
Tương tự như thuốc Plan B là thuốc Next Choice với cùng hoạt chất lovonorgestrel và cùng cách dùng như nhau. Được cái là thuốc này rẻ hơn.
Kể ra thuốc “sáng hôm sau” là một loại thuốc thần kỳ. Chuyện tưởng chừng đã lỡ, vậy mà lại cứu vớt được. Nói theo kiểu bóng đá thì đây là chuyện cứu được một bàn thua trông thấy! Thứ thần kỳ này gồm có hoạt chất levonorgestrel vốn dùng trong thuốc ngừa thai nhưng với liều lượng lớn hơn. Các nhà bào chế cho biết thuốc ngăn ngừa trứng rụng, không cho trứng thụ tinh và không cho trứng bám vào niêm mạc tử cung. Thuốc gồm có hai viên: viên thứ nhất uống càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi tù ti. Viên thứ hai uống 12 tiếng sau đó. Công hiệu của thuốc cũng tính theo thời gian. Nếu dùng trong vòng 24 giờ sau khi lỡ dại không bao bì chi cả thì công hiệu tới 95%. Nếu uống sau khi lâm trận khoảng từ 49 tiếng tới 72 tiếng thì chỉ công hiệu có 58% thôi. Vậy nên chuyện chữa cháy là chuyện khẩn cấp, chẳng nên trì hoãn.
Công ty dược phẩm HRA ở Paris cũng có thứ thuốc khẩn cấp tên ellaOne. Thuốc đã được bày bán trên 22 quốc gia. Theo nhà sản xuất thì thuốc này ngon lành hơn. Thời gian hiệu nghiệm kéo dài tới 120 giờ, nghĩa là chẵn chòi 5 ngày. EllaOne có hoạt chất ulipristal acetate tương tự như viên thuốc phá thai Mifeprex thường được biết với tên thương mại RU-486 hoặc mifepristone. Vì vậy nên thuốc này bị các nhóm chống phá thai phản đối với lý do đây không phải là thuốc ngừa thai mà đích thị là thuốc phá thai.
Viên thuốc chữa cháy này, như đã nói ở trên, ít công hiệu hoặc không công hiệu với các bà có từ 70 kí thịt trở lên. Bao nhiêu ký mới gọi là béo, và bao nhiêu kí mới được liệt vào loại béo phì. Có tiêu chuẩn cả đấy. Đó là chỉ số khối cơ thể, tiếng Anh là body mass index, viết tắt là BMI. Muốn có chỉ số này người ta lấy số cân tính bằng kí, chia cho bình phương chiều cao tính bằng thước. Nếu chỉ số này từ 18,5 đến 25 là bình thường, từ 25 đến 30 là mập, trên 30 là phì.
Béo phì chắc chẳng cần tới viên thuốc “sáng hôm sau” vì chuyện tù ti là chuyện phải…khắc phục! Không phải lúc nào muốn là có thể bày bàn cờ ra được ngay đâu. Tôi mới đọc được trên mạng tâm sự của một người vợ béo. Bà này rất tội vì thân thể cứ…trương lên kể từ khi sanh con. Bà thổ lộ: “Có lúc tôi đã phải nói dối bạn khi bị hỏi về “chuyện ấy”. Cô bạn thân thiết của tôi vô tư nên hỏi đùa thôi, nhưng quả thật tôi thấy mặc cảm vì đó là sự sợ hãi của tôi. Cô ấy hỏi tôi và ông xã của mình “xử lý” “chuyện ấy” như thế nào, tôi chỉ biết cười nhẹ và nói cũng bình thường như vợ chồng nhà người ta thôi. Tôi cũng ngại không dám nhìn thẳng vào mắt cô bạn vì tôi thừa biết cô ấy hiểu tôi đang trả lời cho có và kiểu gì cô ấy chả đoán ra người béo làm “chuyện ấy” khó khăn hơn người bình thường. Thậm chí, nếu có bị đùa ác hơn, tôi cũng quen rồi và không thấy mặc cảm nữa. Trừ lúc tôi tăng cân nhiều nhất, hơn hẳn anh ấy 20 kg, mọi người trêu tôi, tôi thường nhìn thẳng vào họ và tỏ vẻ khó chịu. May sao ông xã của tôi là người tâm lý nên thông cảm cho tôi. Và dù anh ấy ít hơn tôi cả 10 kg, anh ấy cũng không hề “yếu” như mọi người nghĩ. Đôi lúc, tôi chỉ cảm thấy hơi buồn khi cố gắng giảm cân mà không được, còn chuyện khó nói này thì đây là lần đầu tiên tôi giãi bày cho mọi người biết”.
Bà này bao nhiêu kí, bả không nói. Nhưng tôi nghĩ là cũng không quá đáng. Những người leo lên là vẹo bàn cân còn bất tiện hơn. Cặp vợ chồng Steve và Michelle Beer cân nặng tổng cộng 350 kí khi kết hôn. Chàng chiếm 200 kí và nàng 150 kí. Người ta phong cho họ là cặp vợ chồng béo nhất nước Anh. Cưới xong là…xong. Không có chuyện động phòng hoa chúc chi cả mặc dù cả hai người đều là thứ rổ rá cạp lại đã quen việc. Nàng đã có bảy tí nhau và chàng chỉ thua có một con số, cũng đã sáu trự. Vậy mà việc ráp nối phi thuyền vẫn không thể thực hiện được. Chỉ nguyên việc ôm nhau cũng đã thiên nan vạn nan. Họ tìm lối thoát bằng cách phải quyết tâm giảm cân. Họ theo một lớp huấn luyện sáu ngày một tuần và theo chế độ ăn uống hết sức cẩn thận. Ngoài ra họ phải uống thuốc đặc trị bệnh thèm ăn. Hai người giảm được 80 kí. Và họ “yêu” nhau được. Chẳng biết anh chồng có phải là lính pháo binh hay không mà mục tiêu trúng phóc. Chị Michelle cấn thai. Chị mừng rơn: “Đây là tin hoàn toàn bất ngờ với vợ chồng tôi. Chúng tôi đều đã có con riêng nhưng cả hai rất muốn có một đứa con chung. Tôi không thấy quan trọng đó là bé gái hay bé trai nhưng tôi thực sự hạnh phúc vì được lên chức mẹ một lần nữa. Chúng tôi không thể gần nhau trong hơn một năm sau khi kết hôn nhưng từ khi giảm cân cuộc sống đã dần đi đúng hướng”.
Chị Michelle vui mừng là phải. Vì các phụ nữ phì nộn thường có những bất thường trong trứng khiến họ khó thụ thai. Theo các nhà nghiên cứu về vô sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Ấn Độ thì sau khi nghiên cứu 300 trứng không thụ tinh được thì trứng của các phụ nữ béo phì có dấu hiệu bất thường về nhiễm sắc thể. Thừa cân lượng cũng là nguyên nhân khiến cơ thể sản xuất thừa insulin và PCOC làm kinh kỳ không đều và buồng trứng sản sinh lượng trứng nhỏ, chậm chín. Phụ nữ dư cân cũng có nguy cơ sảy thai cao hơn.
Anh Steve Beer cũng phải vui vì người béo phì thường có vấn đề về cương dương và sản xuất tinh trùng. Thường họ có số lượng tinh trùng thấp hơn 35% và nồng độ tinh trùng thấp hơn 38% so với những trang nam nhi có trọng lượng bình thường. Trong hoàn cảnh éo le như vậy mà anh dí trúng mục tiêu cho kết quả mỹ mãn như vậy kể cũng là…hên!
Anh chị Beer chỉ phải treo giò một năm sau khi cưới, anh chị Neil và Jennie Bakewell, cũng ở Anh, phải treo giò tới năm năm lận. Thời gian…cực thịnh, hai anh chị nặng tới 423 kí. Chẳng thế mà họ đã phải thay tới sáu chiếc giường! Anh nhớ lại, vào năm 2008 “tôi đã nặng 275 kí và không thể đi bộ quá 20 thước mà không phải dừng lại nghỉ”. Áp lực của sức nặng đè lên cột sống khiến anh vô cùng đau đớn. Họ phải quyết định giải phẫu thu hẹp bao tử để ăn ít hơn. Kết quả họ giảm được 200 kí! Chàng thanh niên mới 34 tuổi tâm sự: “Trước khi giải phẫu, mọi người nói rằng tôi không thể sống quá tuổi 40. Và tôi không dám ló mặt ra đường vì sợ ánh mắt nhìn của mọi người. Kể từ khi giảm cân, cả hai chúng tôi đã là những con người khác”. Họ có cuộc sống tình dục bình thường sau năm năm treo giò vì cấn cái.
Tội của sự béo phì chưa hết. Các đứa con của các bà mẹ nhiều kí thường bị tích mỡ ở bụng giống những người trưởng thành ngoài 50 tuổi. Các căn bệnh về tim, giòn xương, tiểu đường, hen suyễn cũng chực chờ để hành hạ những hài nhi đáng thương này. Trong một nghiên cứu với 105 trẻ, Giáo Sư Neena Modi, một trong những chuyên gia hàng đầu của Anh về các nguy cơ bệnh tật của trẻ sơ sinh, đã tìm thấy 33% các em bé có nhiều mỡ bụng hơn bình thường. Bà báo động: “Đây là phát hiện rất nghiêm trọng, mở ra cánh cửa mới để tìm hiểu bằng cách nào mà cơ chế trao đổi chất ở mẹ ảnh hưởng đến con. Nó cũng cho thấy thai nhi rất nhạy cảm với môi trường trong tử cung, và rằng tuổi thọ của thai nhi có lẽ đã được xác định từ trước khi chào đời”.
Thời khắc các bà mẹ nặng kí lâm bồn thường gây hồi hộp cho mọi người, thân nhân cũng như toán hộ sanh. Tháng 2 năm 2010, chị Victoria Lacatus, 25 tuổi, người Romania, chuyển bụng. Lúc đó chị nặng 240 kí. Khi chị vào bệnh viện Craiova ở miền Nam Romania một tháng trước khi sanh, phải có hàng chục lính cứu hỏa giúp di chuyển. Rồi cũng mẹ tròn con vuông. Sau khi sanh, các bác sĩ khuyên chị phải ăn kiêng cho giảm ký vì với sức nặng gần hai tạ rưỡi mà chiều cao chỉ có 1 thước 60, chị rất dễ bị hiện tượng máu cục, tiểu đường, chảy máu sau khi sanh và nhiễm trùng. Nhưng chị quá thèm ăn không thể nghe theo lời của các chuyên viên. Chị tiếp tục tăng thêm hai chục ký nữa. Kết quả thật thảm hại. Chỉ 5 tháng sau khi sanh, chị bị nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ đã cố cứu chị nhưng nửa tiếng sau, tim chị ngừng đập.
Tôi không có ý nhát các bạn trẻ mà cân kéo đã…già. Nhưng trong thời buổi mà thực phẩm dễ làm phì con người, nên cẩn thận việc ăn uống. Chẳng nên nhác nhớm mà phú cho các ông McDonald’s và đồng bọn lo liệu việc cơm nước của chúng ta. Miếng ăn miếng uống là việc không thể tùy tiện kẻo khổ cái thân màu mỡ khi lấy chồng lấy vợ.
Vậy mà hình như những người trẻ vẫn trửng giỡn với chuyện chết người này. Họ coi như pha. Tôi mới được đọc một bài trên mạng, không rõ tên tác giả, mang tựa đề “Hạnh phúc khi lấy được vợ béo”. Tôi có thể nhận ông này là bạn vì cái giọng rất phiếm của ông: “Các bạn, xin các bạn hãy tin tôi rằng không có gì hạnh phúc bằng và cũng không có gì sung sướng bằng lấy được vợ béo. Trước hết, xét về góc độ kinh tế. Chính sách một vợ một chồng của ta hiện nay mang nặng trong mình nó chủ nghĩa bình quân, “cá kể đầu, rau kể mớ”. Một vợ là một vợ, một chồng là một chồng. Bất kể béo hay gầy. Do đó, những người lấy được vợ béo là có lãi. Vợ 80 ký lô cũng bằng 40 ký lô vợ. Cứ theo thiển ý của tôi, chúng ta nên xem lại quy định bất công này. Thứ hai là về chất lượng. Các cụ ta đã dạy; “Xem mặt mà bắt hình dong”. Cứ theo lẽ ấy mà suy ra tấm lòng của một người vợ béo chắc chắn phải “ngon hơn, bổ hơn” tấm lòng của những người vợ chưa béo. Thứ ba là cảm giác. Ngày tôi chưa lấy vợ, lũ thanh niên làng tôi thường truyền nhau một quan niệm chọn vợ bằng hai câu lục bát: “Chẳng tham nhà ngói honda / Chỉ tham cái dáng đẫy đà vòng tay”. Dạo ấy, nhà ngói, xe gắn máy honda là quý lắm. Còn bây giờ, bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó, đi làm về, lòng dạ đang ngây ngất. Ta nhìn vào trong phòng. Chao ôi, vợ ta đang ngủ. Đầy chật một giường, nước da nàng hồng lên, mái tóc xõa xuống bờ vai trắng. Lúc ấy, khó mà cầm lòng không phạm vào chính sách kế hoạch hóa sinh đẻ. Và biết đâu, ta lại dạt dào cảm xúc mà thốt lên: “Vợ nằm đó khổng lồ vĩ đại / Thịt với da mê mải xung quanh”…Tôi có thể kiêu hãnh mà tuyên bố rằng: “Hạnh phúc là lấy được vợ béo”. Tôi chỉ nhắc khẽ các chị vợ béo một điều: hãy cảnh giác với những người phụ nữ có thân hình mảnh mai, thon thả. Bởi đó là những người có nhiều khả năng cuỗm đi đức ông chồng của bạn. Đơn giản chỉ vì cái lũ đàn ông xưa nay luôn muốn đi tìm kiếm cái gì mà mình không có. Khi đã có một chú cá quá mỡ màng, họ lại mơ về một…con cá mắm!”.
Cũng trên mạng, tôi bắt gặp được hai câu thơ tôi rất khoái. Bèn chép để coi như câu kết về một chuyện khó nói và, nếu nói, lại rất dễ mất tình bạn:
Vợ ta đó, rộng mênh mông,
Lăn đi lăn lại vẫn không ra ngoài”.
08/2015
|