Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

TRỐN

Dân có điều kiện ở tỉnh bang Québec chúng tôi thường trốn chạy mùa đông. Họ chọc quê cả anh chàng lạnh lẽo lẫn cô nàng tuyết bằng cách bỏ ngỏ phòng tuyến nhà. Thường dân trốn chạy này là dân bản xứ. Nơi tới thường là xứ ấm Florida. Người thì mua hẳn nhà, người thì thuê tạm một condo hoặc thuê hẳn một căn nhà nếu phái đoàn chạy trốn đông đảo. Trong số các ông bạn tôi chỉ có ông Nguyễn Vy Khanh, dân Montreal như tôi, cũng oai như tây, mua hẳn một căn nhà ở vùng Naples để mỗi năm qua trốn lạnh. Khi biết năm nay tôi cũng bày đặt đi trốn, ông ấy rủ tôi tới nhà chơi. Nơi tôi ở kỳ này là Orlando, cách Naples ba giờ lái xe, tới chơi với bạn kể ra cũng gian nan, vậy nên tôi cho qua luôn mặc dù thấy ông ấy để hình cây ăn trái trong vườn trên Facebook coi cũng hấp dẫn.

Trái cây nhiệt đới coi bộ là một mục hấp dẫn, nếu không muốn nói là hấp dẫn số một, của dân da vàng máu đỏ chúng ta. Nhớ, lần trước, khi tới Miami đúng mùa trái cây, tôi đã được vào vườn tha hồ hái nhãn, ổi ăn mệt nghỉ. Khi về lại còn mua hẳn một trái mít chín cây thơm lừng. Lần này, tới lúc trái mùa, ít hy vọng, nhưng tháng ba là mùa vú sữa nên cũng háo hức. Trái vú sữa da bóng lộn, bóp nặn cho ra sữa cũng đã sướng, nói chi tới mút sữa vào miệng, cam đoan sẽ mê tít thò lò. Vậy nên từ Orlando ở miền Bắc Florida, lái xe bốn tiếng mới tới Miami ở miền Nam Florida, để được tận tay hái vú sữa là cả một kỳ công. Than ôi, tới nơi mới thấy vườn xưa giờ cửa đóng then cài, chủ nhân để lại một mảnh giấy cho biết đi nghỉ hè một tháng. Mình đi nghỉ đông, người ta đi nghỉ hè, huề cả làng! Quanh quẩn, gặp một anh nhà vườn người Việt, hỏi ra mới biết sự tình. Mùa này, cây trái xác xơ, các trại vườn thường lợi dụng lúc nhàn nhã để đi hè hoặc đi thăm bà con ở các tiểu bang khác. Hỏi về vú sữa, anh lắc đầu thương hại, cuối tháng ba mới đúng mùa, giờ mới cuối tháng hai, vú sữa còn non, chát lè, ăn chi nổi. Vươn cổ nhìn vào vườn mới thấy trái bộn bề trên cây nhưng còn xanh lè. Vậy là vỡ mộng được sờ vào vú sữa chín cây!

Cố vớt vát, cuối cùng cũng tới được một vườn cây mà chủ nhân còn mở cửa. Lượm được một mớ sa-bô-chê an ủi. Lòng vòng trong vườn, ngắt thêm được một ít trái cóc Thái Lan, vội cắn thử thấy còn chua lè. Chỉ có mấy buồng chuối chín cây là ngọt. Ngọt sắc sảo của thứ trái vàng ngay trên cây bằng bàn tay của thiên nhiên. Cóc Thái Lan là thứ bé hạt tiêu. Trái nhỏ xíu, chỉ bằng một phần tư trái cóc chúng ta thường ăn ở Việt Nam, nhưng khác là khi ăn cắn ngang luôn vì trái không có hột. Phải khi tới Houston, tiểu bang Texas, tôi mới được ăn thứ cóc này. Chẳng phải cắt gọt chi, cứ nguyên trái mà cắn ngang. Tiện lợi hết biết!

Dân Québec trốn lạnh là một…bộ lạc có tên hẳn hoi. Tiếng Anh gọi là snowbird, chim trốn tuyết. Cứ khi tuyết trải thảm ở Montreal là chim bay. Tôi đã tới một hang ổ của loài chim này là bãi biển Hollywood. Nhìn những chim cái chim đực nói tiếng Québec, chim nào chim nấy bự tổ chảng, lạch bạch trên bãi tắm, chẳng ai nghĩ là loại chim này có thể bay được. Đó là thứ chim cánh cụt chỉ chuyên nghề trốn! Họ sống trong những phòng trọ cho thuê nhỏ xíu dọc theo bãi biển. Trời nắng, họ ngồi la liệt trước cửa phòng, ngay sát vỉa hè, cởi trần trùng trục, uống bia liên tu bất tận. Nắng ấm làm họ phơi phới nói cười, la lối, cứ như đang sống trong mùa hè tại Montreal.

Rời Montreal vào đúng ngày mùng hai tết Ất Mùi, âm hưởng của cái tết như còn vương theo vòng quay của bánh xe. Chúng tôi đi tìm lại những cánh mai ngày tết. Tìm mai ở Florida phải tới cơ sở Mai Vàng Florida của anh Sang ở Sarasota. Mai nằm xếp lớp trong những nhà ươm cây. Anh Sang cho biết đây là giống mai của Việt Nam được anh mang sang ươm trồng. Nhìn những chậu mai được uốn rất mỹ thuật, tôi như thấy lại được cái tết trên quê hương xưa qua dáng mai. Anh Sang tận tình chỉ cách uốn mai từ những cây mai nho nhỏ, cành nhỏ như một cây nhang, đang được ươm trong luống. Phải mất bao nhiêu công lao anh mới tạo được một chậu mai vừa ý. Những chậu mai có thế uốn nghệ thuật với phần đế uốn éo đẹp mắt. Mai được đồng hương ở khắp nơi trên đất Mỹ thỉnh về chơi tết. Anh gửi mai mỗi tuần với chỉ dẫn cặn kẽ về cách chăm sóc. Anh luôn bận rộn với chiếc cellphone đeo dính bên người, tận tình trả lời khách hàng ở khắp nơi gọi về. Khi thì hướng dẫn cách chăm sóc mai, khi thì bày cách đặt mua mai. Riêng với các đồng hương ở Canada, anh cho biết không thể gửi thẳng mai tới nhà được vì trở ngại nhập cảnh cây trái. Muốn thỉnh mai, dân Canada phải đặt qua một cửa hàng hoa có môn bài nhập cảnh.


Với anh Sang Bùi, chủ nhân cơ sở Mai Vàng Florida.

Hơn năm ngàn chậu mai 12 cánh, 5 cánh và mai chiếu thủy nằm ngăn nắp trong ba nhà kính. Anh Sang cho biết dân Canada rất chuộng mai chiếu thủy vì dễ trồng trong thời tiết lạnh. Với tuổi đời khoảng bốn chục, mới sang Mỹ theo diện HO vào năm 1998, anh Sang khiến tôi ngạc nhiên với vườn mai bề bộn của anh. Những gì anh cho biết còn khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa. Anh cho biết anh ít học, thuở nhỏ đi ở đợ cho người quen có vườn mai ở Vĩnh Long. Kề cận bên mai ngày đêm, anh mê mai lúc nào không biết. Qua Mỹ, chỉ vì lòng đam mê mai mà anh khổ công nhất định tạo được vườn mai nơi xứ người. Ba năm đầu anh thất bại hoàn toàn. Nhờ người vợ làm nail tần tảo khuyến khích mà anh ra công nghiên cứu thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu để cuối cùng tạo nên sự nghiệp.


Mai vàng

Ngoài mai, nơi đây còn có đủ thứ hoa trái Việt Nam. Ngay trước mắt tôi là một khu bonsai rộng lớn với đủ loại hoa giống nhiệt đới khác. Đập vào mắt tôi là những chậu bonsai đỏ rực hoa giấy. Đi quanh quẩn trong vườn rộng lớn gồm cả khu đất mà anh dự định đào ao, nuôi cá, làm cầu, xây nhà thủy tạ để mọi du khách từ khắp nơi có thể tới uống trà, uống rượu thưởng hoa. Du khách thăm vườn mai của anh Sang không chỉ từ các tiểu bang trong nước Mỹ, hoặc từ quốc gia hàng xóm như dân Canada chúng tôi, mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Đang lúc chúng tôi còn tha thẩn nơi vườn thì có một chiếc xe hơi chở một gia đình từ Đức tới thăm.


Bonsai hoa giấy đỏ.

Cơ sở Mai Vàng Florida chẳng chỉ có hoa mà còn có chim nữa. Anh Sang dẫn chúng tôi vào một nhà kính nuôi chim. Mỗi chuồng chim là một ô vuông rộng rãi, có đặt một chậu cảnh bên trong cho chim nhảy nhót, bay lượn. Đặc biệt là anh nuôi toàn chim…Việt như chào mào lửa, chào mào than, họa mi, chích chòe, sáo. Chim được gây giống và bán cho những ai thích nuôi chim. Chưa hết, anh cho biết là anh có một vườn cây ăn trái rộng, tọa lạc gần đó, có trồng đủ thứ cây ăn trái như vải, nhãn, khế, măng cầu, ổi, cóc…Rặt một thứ cây trái quê nhà! Tháng 6, mùa trái cây, khách vãng lai có thể vào vườn cây, tự tay bẻ trái, sống lại khung cảnh cây vườn miền Nam xưa, như Vĩnh Long, quê hương anh Sang. Tôi được anh Bùi Sang dắt trở lại quê nhà khi anh nắm vai tôi ca tặng câu vọng cổ mùi tận mạng!

Đi tìm chất Việt trong chuyến đi trốn lạnh, tôi đã tới Lousiana và lạc vào đất Việt. Đó là xóm đạo ở Versaille. Chẳng tốn nhiều công khi tìm vào nơi thân thương này. Ngay đầu đường có một kỳ đài chào mừng to lớn trên bồn cỏ: “Michoud Blvd Chào Mừng Quý Khách”. Michoud là tên con phố đầu tiên dẫn vào làng Việt Nam. Nằm chính giữa tấm bảng là hai lá cờ Việt và Mỹ. Vào trong làng, hầu như nhà nào cũng có tượng Đức Mẹ đứng trong khu vườn trước nhà. Cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Vatican nửa vàng nửa trắng treo trước cửa nhà. Đi sâu vào khu phố Việt,chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà thờ thấp, chỉ có một tầng, không tháp chuông, trang trí giản dị với cây thánh giá mỏng nằm chính giữa, bên trái là hàng chữ: “Nhà Thờ Maria Nữ Vương Việt Nam”, bên phải là tiếng Anh: “Mary Queen of Vietnam Church”. Ngay trước nhà thờ là một tượng đài Đức Mẹ màu trắng mặc quốc phục Việt Nam. Bên trong nhà thờ được trang trí rất mỹ thuật và cũng giản dị không kém bên ngoài. Các dãy ghế gỗ bóng lộn có hoa văn trống đồng nơi đầu ghế. Đặc tính Việt hòa hợp với phong cách trang trí tân kỳ nơi những nhà thờ Mỹ.


Cổng vào làng Việt Nam tại Lousiana.

Trước nhà thờ, phía bên kia đường là một khu đất rộng lớn, có hàng rào bao bọc, nơi sẽ xây cất ngôi nhà thờ mới trong tương lai. Nhìn sơ đồ treo ngay bên cổng, tôi thấy công trình này quá lớn. Không kể ngôi thánh đường uy nghi, còn có nhiều khu khác nhắc lại những địa danh hành hương tại Việt Nam. Gặp một linh mục, tôi hỏi và được biết dự án công trình đồ sộ này mới chỉ là…mơ ước, không biết tới bao giờ mới thành hình được vì kinh phí đòi hỏi tới 30 triệu đô!

Loanh quanh trong khu chỉ nói tiếng Việt này, tôi gặp được một thanh niên hết sức niềm nở. Anh cho biết dân làng sống bằng nghề đánh cá. Anh kể những ngày đầu anh tới đây, khoảng gần hai chục năm trước, anh chỉ vác một cần câu đi câu mà cuối ngày bắt được cả một xe truck cá! Anh sẵn sàng đưa chúng tôi tới bến cá của dân Việt, cách làng khoảng hai giờ lái xe, nhưng rất tiếc chúng tôi không có thời giờ. Nhìn hai bà Việt Nam mặc áo bà ba, đội nón lá đi bên đường, tôi hỏi thăm anh về ngôi chợ huyền thoại mang tên chợ chồm hổm nơi đây. Anh vội vàng dẫn chúng tôi tới vì anh nói chợ sẽ tan vào lúc 9 giờ sáng. Quả vậy, khi chúng tôi tới thì các bạn hàng nghiệp dư đang dọn hàng về. Chợ họp vào mỗi thứ bảy hàng tuần, từ 5 giờ tới 9 giờ sáng. Các ông già bà cả trồng được gì nơi vườn nhà đều mang ra đây bán. Nơi họp chợ là  parking của một cái mall nhỏ do một người Việt làm chủ, đủ chỗ cho gần một trăm ông già bà cả làm vườn ngồi bán. Tiền thuê tượng trưng mỗi chỗ là 2 đô. Tới 9 giờ, khi mall gồm khoảng chục cửa hàng nhỏ mở cửa, thì chợ phải vãn, lấy chỗ cho khách mua bán đậu xe. Vậy nên mới có giờ họp chợ sớm sủa như vậy. Tôi vốn dân lè phè, đi chơi lại càng lè phè hơn, nên 9 giờ mới tới chợ. Đi chợ mà chỉ coi được màn dẹp cửa hàng! Gọi là cửa hàng cho oai vậy thôi, chứ đó chỉ là những tấm bạt nho nhỏ bày rau trái vườn nhà trao đổi với nhau. Không được coi chợ, tôi được coi dẹp chợ! Rau cỏ còn ế lại được thu gọn nhẹ vào bên trong những chiếc xe van hoặc xe pick-up, chủ nhân lái ào ào ra về. Điều lạ là các bà già đậm vẻ quê mùa lái xe như điên!

Khi xe chạy ngang qua tiểu bang Mississipi để tới Lousiana, chúng tôi ngừng tại trạm đón tiếp của Mississipi, tôi bỗng chú ý tới những thân cây gầy guộc giơ cành khẳng khiu nằm rải rác trên bãi cỏ phía trước. Dưới mỗi cây có một tấm bảng nhỏ. Tò mò đọc mới biết đây là những công trình điêu khắc trên những cây chết trong trận bão Katrina. Từ khổ đau vẫn lóe lên mầm sáng tạo. Bão Katrina, xảy ra vào năm 2005, càn quét khắp vùng duyên hải Đại Tây Dương từ Florida lên tới Lousiana, làm tử vong 1833 người, phần lớn là cư dân của thành phố New Orleans trong tiểu bang Lousiana. Đây là trận bão kinh khủng làm cả vùng ngập lụt, thiệt hại vật chất lên tới 108 tỉ đô, dân chúng phải di tản ra khỏi nơi sinh sống. Năm đó, tôi có mặt tại Houston ngay sau khi trận bão xảy ra vào tháng 8 và gặp gia đình nhà thơ Quan Dương, nhà văn Nhật Nguyễn chạy bão. Khu thương mại Hongkong IV ở đường Bellaire là trung tâm cứu trợ dân di tản, tấp nập những quầy cứu trợ của các hội đoàn. Dân tị nạn lui tới đông nghẹt. Nay đứng giữa địa điểm đã bị tàn phá chục năm trước, dấu tích bão hầu như không còn. Chỉ lác đác có vài căn nhà còn bỏ không, sập nát, không được sửa chữa. Nhiều cư dân tởn hồn đã bỏ nơi này đi luôn. Phần lớn là ở lì tại Houston. Hỏi anh thanh niên tên Vinh vui tính, anh cho biết cả nơi này lúc đó ngập hết, nay đã trùng tu lại hoàn toàn nhờ tiền trợ cấp khá hậu hĩnh của chính phủ và tiền đền của các hãng bảo hiểm.


Tác phẩm điêu khắc chim trên cây chết của trận bão Katrina.

Thành phố nổi tiếng nhất tiểu bang Lousiana là New Orleans. Nghe tên chắc ai cũng biết. Đó là quê hương của nhạc blue. Nhưng New Orleans được du khách biết tới nhiều vì ngày hội Mardi Gras. Ngày “thứ ba béo” này là ngày dân chúng thả cửa ăn nhậu trước khi vào mùa chay của Thiên Chúa Giáo. Năm nay Mardi Gras rơi vào ngày 17 tháng 2. Tôi tới chậm mất hai tuần, chỉ còn thấy những băng vải màu mè nằm sót lại trên những chiếc lan can nơi đoàn diễn hành đi ngang qua. Chậm chân là bệnh…già, đành chịu.

https://sp.yimg.com/ib/th?id=HN.608035492648979636&pid=15.1&P=0
Ngày hội Mardi Gras.

Chậm nhưng hình như lễ hội lớn nhất trong năm này vẫn còn nơi những du khách đeo trên cổ những chiếc chuỗi đủ màu sắc đi lên đi xuống trong khu French Quarter. Tôi biết những chiếc chuỗi này qua những video quay lại ngày hội mỗi năm do mấy ông bạn nhiều tuổi nhưng lòng vẫn thanh xuân chuyển cho coi. Người đeo các dây chuỗi này thường là các cô gái. Buổi tối ngày hội, các cô được những người đứng chung quanh hò reo khuyến khích tốc áo lên, khoe gò bồng đảo. Khoe xong, họ được choàng cho một chuỗi hạt đầy màu sắc. Suy ra thì cô nào càng đeo nhiều chuỗi càng hao hụt vẻ riêng tư. Hình như khu French Quarter vuông vức nằm ngay sát nách khu downtown của New Orleans này hội hè đình đám quanh năm. Trai tài gái sắc, hầu như người nào cũng đính những hạt óng ánh trên tai, trên mũi, trên môi, trên lưỡi và trên rốn, uống rượu, la hét, nhảy múa trên những đường phố chật hẹp và nhơ nhớp của khu trung tâm thành phố này. Nghe danh French Quarter từ lâu, nay mới có dịp đặt chân đến tôi tung tăng hai ngày liền, ngắm cô đi qua, cậu đi lại trong tiếng nhạc vang vang của các nghệ sĩ vỉa hè trấn đóng ở từng con phố. Đình đám nhất là ban nhạc gồm năm người kèn trống to tổ chảng làm ầm ĩ suốt ngày đêm. Một nơi mà tôi đã được các ông bạn dặn dò kỹ lưỡng phải tới là tiệm cà phê Café du Monde với món bánh beignet  nổi tiếng. Đây là thứ bánh tròn hoặc vuông được chiên lên và phủ một lớp đường bên trên. Giống loại bánh beigne ở Montreal. Chắc là cùng nguồn gốc Tây với nhau cả. Không biết các ông bạn tôi có vui miệng dặn mọi người hay không mà tiệm lúc nào cũng có một đoàn người rồng rắn dài khoảng vài trăm thước xếp hàng chờ vào ăn uống. Đi chơi, thời gian có hạn, hơi đâu mà xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ để vào ăn chiếc bánh coi bộ cũng chẳng có chi xuất sắc này. Nhất là khi thứ Café du Monde được bày bán cho du khách trên quầy hànglà những hộp màu vàng được bày bán rẻ rề nơi các tiệm tạp hóa hay siêu thị Á châu ở khắp nơi. Ngay tại Montreal, bước vào chợ là gặp ngay những hộp màu vàng này. Vậy thì báu chi mà phí thời giờ chờ đợi. Để thời giờ rong chơi nơi bờ sông ngay bên cạnh khu French Quarter coi bộ thú vị hơn. Bờ sông rộng rãi, người vui chơi la liệt, ghế đá công viên đầy rẫy, không khí trong lành mát rượi. Bến tàu có những du thuyền ghé thăm, có tàu du ngoạn trên sông chạy bằng hơi nước cổ kính thổi còi síp-lê liên hồi thúc dục khách mau mua vé xuống tàu. Tôi như mường tượng lại những hồi còi tàu biệt ly trong những áng văn xưa. Tiếng còi tàu như còn rền vang trong tôi ngày tôi được đi tàu thủy từ Hà Nội xuống Hải Phòng với bà nội tôi thuở xưa, khi tôi còn là một thằng nhóc mới bước chân vào trường tiểu học. Ngày đó, lâu lắm rồi! 


Bích chương có hình cờ vàng của hội cựu chiến binh tại Lousiana.

* * *

Tới vùng biển phải ăn đồ biển. Đó là…chân lý! Chúng tôi không thể rút chân ra khỏi cái lý này. Bèn săn đồ biển. Bãi biển Cocoa Beach, cách Orlando hơn một giờ lái xe có một tiệm bán cua tươi vớt từ biển lên, làm chín cho du khách ăn tại chỗ. Cái thứ tươi này ngon hết biết. Vài năm trước, tôi đã được thưởng thứcthứ cua tươi rói này tại bờ biển Vancouver do một nhóm dân ta tổ chức. Nhóm có một chiếc ca-nô và khoảng chục chiếc lồng bắt cua lớn. Chạy ca-nô ra ngoài biển, bỏ vào lồng mấy cái cổ gà, dìm xuống nước, ca-nô lạch tạch về bờ chờ. Khoảng một tiếng sau, chạy ra lại, vớt lên từng lồng. Cua lổn nhổn trong lồng coi sướng con mắt. Lựa những con còn nhỏ, chưa đủ kích thước được phép săn bắt, vứt lại biển, số còn lại là chiến lợi phẩm của phe ta. Nồi niêu bếp núc đã sẵn sàng trên bãi biển, chỉ việc cho những chú cua ngờ nghệch vào hấp lên. Cua chín, muối tiêu đã sẵn sàng, xé ra chấm khan. Ngọt cách chi đâu. Nốc thêm ngụm bia là đời vui chi kể!

Lần này khác. Không phải là thứ cua Vancouver chắc nịch mà là ghẹ. Quán là một cái chòi trên bãi biển chia làm hai khu. Khu bán ghẹ gồm những chiếc bể nông, thả ghẹ vào, ghẹ bò ngổn ngang, khách cầm cái gắp chọn từng con. Chọn xong, nhà hàng sẽ cân tính tiền, hấp hoặc rang tùy ý khách. Muốn cay hay không cay cũng được. Chờ lấy ghẹ xong, ra khu…nhậu. Khu này gồm vài chiếc bàn gỗ, giữa bàn là một cái búa được ràng bằng một sợi dây xích dài, cả bàn tha hồ gõ để gỡ thịt ghẹ. Dọc theo bờ tường gỗ chỉ cao tới bụng là một dãy quầy dài, khách ngồi trên những chiếc ghế cao, kiểu như ngồi nhậu tại quầy rượu, gõ ghẹ bằng những chiếc búa cũng được cột dính liền vào quầy. Khách có thể mang theo bia, rượu, bánh mì, cơm tùy thích.

Tôi khoái cái quán này vì hai chuyện. Thứ nhất, nó nằm cạnh một cửa tiệm nhỏ bán mồi và dụng cụ câu cá, câu ghẹ. Một góc nhỏ trong tiệm là trụ sở của hội cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam tại địa phương. Tôi đọc được một thông báo mời dự đại hội thường niên của hội, trên đó có cờ vàng ba sọc đỏ. Thứ hai, bảng chào đón khách của tiệm có chữ Việt: “Chào Đón”. Thêm một lý do nho nhỏ nữa: cô chủ tiệm là một người Thái lấy “thương danh” là Ms. Apple với tấm hình đội mũ bảo vệ, lái mô-tô có vẻ rất chịu chơi. Hình thì như vậy,  khi gặp và nói chuyện với cô thì thấy hơi…tỉnh tỉnh, dung nhan chẳng có vẻ…apple mà cũng chẳng giống…ghẹ! Chúng tôi tới vào lúc hơn 10 giờ, sau giờ quán mở cửa được một tiếng, vậy mà cạn ghẹ. Vớt vát cả những chú ghẹ gãy gọng sứt càng mới được mỗi người ba con, ăn chẳng thấm tháp chi. Đành hẹn dịp khác, chẳng biết có còn dịp mò được tới đây không!

Thịt cá sấu có phải là một thứ seafood không? Trong lệ bất thành văn của loài đồ biển, không thấy kê mục cá sấu. Đây là thứ thực phẩm khá mới mẻ tuy cá sấu đã có từ lâu. Chỉ thấy chuyện cá sấu ăn thịt người chứ chưa nghe chuyện người ăn thịt cá sấu. Vậy mà tôi đã…cắn cá sấu cả chục năm trước rồi. Trong một chuyến đi tắm biển ở Varadero bên Cuba, tôi đã tham dự một tua đi ca-nô ra đảo của dân thiểu số. Tại đây họ ăn cá sấu. Họ mời ăn thử. Cũng ăn, mấy dịp được trả thù những anh cá sấu chỉ thích đớp người. Miếng thịt nhỏ xíu được xiên bằng một cây tăm chẳng thấy ngon lành chi, chỉ thấy nhợn nhợn. Mấy bà đầm nhìn mấy tên trân mình ăn thịt cá sấu như những tên…mọi!

Bi chừ, khi lang thang trong khu chợ French Market, nằm trong khu French Quarter của New Orleans, tôi thấy bán thịt cá sấu lềnh khênh. Đủ thứ chiên xào rang nấu. Còn có cả xúc xích cá sấu nữa. Cá sấu là thổ sản của vùng này. Ông bạn Nguyễn Vy Khanh kể là sau nhà ông, đôi khi có cá sấu về chơi. Vậy mà thịt cá sấu lại đắt hơn các thứ thịt khác. Tôi chẳng hiểu tại sao. Không hiểu thì không nên móc bóp ra, đó cũng là…chân lý!

Tới Lousiana, đất của crawfish thì nhậu thứ sản phẩm đặc biệt của địa phương này mới đúng chỉ số. Không hiểu sao tên cái thứ hình hài rõ ràng là một con tôm, chẳng chút dấu vết cá này lại gọi là crawfish. Tôi théc méc mà tìm không ra. Chỉ biết là nếu tới Lousiana mà bạn kêu là crawfish thì người ta biết ngay là bạn không phải dân Lousiana. Dân Lousiana kêu là crayfish. Tên này bắt nguồn từ chữ Pháp cổ escrevisse biến thành crayfish. Đó là con mini lobster. Trông y chang như con tôm hùm tí hon. Người ta bắt crawfish ra sao, tôi không biết. Nhưng hình thức…tươi nhấtmà tôi nhìn thấy là khi crawfish được đổ từ những bao lớn như bao gạo ra thùng tại các chợ. Crawfish giẫy tê tê trông rất nhức mắt. Crawfish trên bàn ăn đã đổi thành màu nâu đỏ vì được hấp với một thứ nước sốt đặc biệt, cay cay, the the, mằn mặn, ăn ngon đến nhức răng. Thổ sản của vùng, vậy mà crawfish, cũng như cá sấu, mắc thấu trời. Loanh quanh trong khu French Quarter, nhìn bảng giá crawfish chỉ muốn bỏ đi. Khoảng từ 10 đến 15 đô một pound. Khi ăn crawfish, người ta chỉ nhậu phần mình, cái đầu to hơn bị bỏ đi, vậy thì có tới ba phần tư con crawfish là…rác, một pound phỏng được bao nhiêu thịt bỏ bụng! Anh Sĩ, con người xông xáo chẳng sợ anh tây nào, chịu khó dò hỏi mới được mách tới một tiệm buffet của người Hoa ở Metairie, cách French Quarter khoảng 45 phút lái xe. Nơi đây tràn trề đồ biển, tha hồ ăn mà giá chỉ có 15 đô một người. Gì chứ chuyện ăn là chuyện khẩn cấp, chúng tôi vù tới liền. Đúng là chúng tôi lạc tới…thiên đàng đồ biển. Ngoài crawfish còn có ghẹ nguyên con, càng cua tuyết, nghêu sò ốc hến đủ thứ. Đặc biệt là hào tươi rói, con nào con nấy mũm mĩm, vắt chanh vào ăn quên đếm. Khay thức ăn trên quầy hết thứ nào là nhà hàng lại mang ra thêm, lia chia không ngừng nghỉ. Thứ nào cũng đầy ụ. Ngoài đồ biển, nhà hàng cũng có đủ các món thịt khác nhưng chúng tôi làm lơ, cứ đồ biển mà thời! Tôi còn giữ địa chỉ nơi thiên đàng đồ biển này nhưng chẳng lẽ lại quảng cáo không công cho nhà hàng. Bạn nào tấp tểnh đi New Orleans có thể liên lạc với tôi. Mách free!

https://sp.yimg.com/ib/th?id=HN.608012926890149522&pid=15.1&P=0
Crawfish.

Crawfish  còn theo chúng tôi trên bước đường…trốn, qua Houston, Dallas tới Kansas City. Từ những con mắt sáng lên khi lần đầu diện kiến crawfish, càng ngày chúng tôi càng lơ là với những chú tôm hùm loại mini này. Tại một nhà hàng ở Kansas City, crawfish lớn và trông rất hấp dẫn nhưng tôi vẫn thờ ơ không đụng tay tới.Cái chi quá tải cũng chán chết!

Con đường Bellaire ở Houston là con đường thuần Việt. Ngoài tượng đài chiến sĩ, tượng đài thuyền nhân, cờ xí phấp phới bay, tại phía trước các mall, cờ vàng cũng phập phồng theo gió. Hai bên đường rặt những cửa hàng Việt. Thức ăn Việt Nam nơi đây được kể là xuất sắc. Không thua chi ở Little Saigon, nếu không muốn nói là có phần trội hơn. Nơi mà hầu hết du khách thường phải tới là buffet Kim Sơn. Cơ man nào là thức ăn Việt. Trong đầu nghĩ tới món gì thì hình như món đó có nằm trên quầy thức ăn. Bánh khọt, bánh bèo, nem nướng, bánh tầm bì đều có. Nguyên góc đồ nước đã có trên hai chục thứ. Ngoài bún riêu, bún ốc, bún bò Huế, phở là thứ thông thường, còn có những độc chiêu như món cao lầu Hội An, món bún cá Trà Vinh hay An Giang chi đó! Đầu óc của tôi không còn đủ chỗ để nhớ tới tất cả các món ăn. Nhiều món lần đầu tôi nghe thấy tên.

Say sưa nói tới chuyện ăn, coi bộ phàm phu tục tử, không văn nghệ chút nào. Thì văn nghệ! Bạn văn của tôi ở Houston khá nhiều. Tới Houston tôi muốn gặp hết nhưng thời gian lưu lại lần này quá ngắn. Nhân ra nhà sách Phương My bàn chút việc, tôi gọi cầu âu cho hai ông Phan Xuân Sinh và Lương Thư Trung hẹn cà phê cà pháo ngay tại Bellaire. Hai ông ra liền. Bạn bè, tới tuổi mỗi lần đi là một lần khó, còn tìm được nhau lúc nào hay lúc đó. Chúng tôi nhìn nhau, tóc đã bạc thêm kể từ lần gặp nhau trước, dễ cũng đã năm năm. Dung nhan có thay đổi nhưng tiếng cười vẫn không giảm bớt cường độ. Còn nắm được tay nhau còn vui. Chúng tôi cứ nắm phần thua trước, để coi chuyện gặp gỡ như một lần được.

DSC02260
Với nhà thơ Phan Xuân Sinh và nhà văn Lương Thư Trung tại Houston.

Houston còn một nơi chốn Việt mà, khi được biết, chúng tôi nhất định phải tới. Mà phải tới ngay. Trời không chiều lòng người, mưa tầm tã, đi chi nổi. May mà ngày chót trước khi rời Houston, trời nắng ấm, bèn tới. Nơi tới là nhà thờ Việt Nam mang tên Lộ Đức. Đây là một công trình đáng nể mới hoàn thành được vài năm. Nhìn ngôi nhà thờ hoàn toàn Việt Nam, cờ vàng phấp phới, tôi ngạc nhiên trước công trình tốn công tốn của này. Hỏi một giáo dân làm thiện nguyện trong nhà thờ tôi mới biết kinh phí toàn bộ là 11 triệu đô! Xây theo kiểu gothic, ngôi nhà thờ chính có ba tháp nhọn xuyên thấu lên trời. Bên cạnh nhà thờ là khu Lộ Đức được mô phỏng hoàn toàn theo núi Đức Mẹ tại Lourdes bên Pháp. Trong lòng ngọn núi giả này là một nhà nguyện ngày nào cũng có lễ. Khu chặng đường thánh giá chạy vòng quanh một khu đất rộng với 14 chặng bằng tượng thật cao bằng người. Phong cảnh giống như tại nhà thờ Saint Joseph ở Montreal.


Nhà thờ Lộ Đức của người Việt tại Houston.

Ác Diểu
Tượng đài chiến sĩ tại Houston.

Nếu kể những lần đặt chân tới Chicago thì tôi tới thành phố này đã nhiều lần. Chicago, với tôi, là phi trường O’hara. Và chỉ O’hara. Đây là phi trường thuộc loại khổng lồ làm chóng mặt khách vãng lai. Mỗi khi phải đổi máy bay ở đây là một lần…sụt ký. Nguyên chuyện lo làm sao chạy cho trót lọt từ máy bay vừa đáp xuống tới máy bay sắp bay lên trong một thời gian giới hạn là đủ mệt rồi. Vậy nên khi book vé máy bay đi đâu, tôi thường tránh phải đổi máy bay tại O’hara. Đau tim lắm. Nhưng Chicago đâu phải chỉ là O’hara, chuyện bây giờ tôi mới biết. Đó là một thành phố với những building chọc trời không thua gì New York. Khác với New York, những tòa nhà cao ngất trời này không đè dẹp thành phố xuống. Chúng chung sống hài hòa với quang cảnh xung quanh. Con sông nhỏ chạy dọc theo khu downtown là con tim của Chicago. Dân chúng đi dạo bên bờ sông với những cửa tiệm nho nhỏ dễ thương làm nhẹ bớt cái bóng của những tòa building bề thế. Khi tôi tới Chicago, thành phố đang xanh màu lá, không phải lá cây, mà là xanh từ quần áo của những người dân đang túa ra tràn ngập khu downtown. Chủ Nhật đó là ngày diễn hành St Patrick. Nhìn đoàn người túa ra đường, ai cũng có tí xanh trên người, tôi bỗng thắc mắc: lễ này là của người Ái Nhĩ Lan, hà chi thiên hạ trên toàn thế giới phải ăn theo? Montreal, nơi tôi định cư, như số đông thành phố khác trên khắp thế giới, năm nào cũng có cuộc diễn hành này mà tôi có thèm ngó ngàng chi tới đâu. Nhưng tôi đang lang thang trên những con đường ở trung tâm Chicago, không muốn ngó thì màu xanh cũng đập vào mắt. Ngay cả những con chó cũng mặc áo, đội mũ, đeo kính xanh. Trong cái lên đồng xanh chung của thành phố, con sông chạy ngang khu trung tâm cũng…lên đồng. Dòng nước bỗng đổi màu xanh lè! Dân chúng reo hò chụp ảnh lia chia. Tôi chắng hiểu làm sao người ta có thể nhuộm xanh cả một dòng sông như vậy.


Sông nước nhuộm xanh trong ngày diễn hành Saint Patrick.

Diễn hành Saint Patrick chỉ là một lễ hội. Ngày mai màu xanh lá cây sẽ biến mất hết để thành phố trở lại những ngày tháng đích thực của nó. Cái hấp dẫn du khách của Chicago phải là công viên Millennium Park cũng nằm ngay khu trung tâm thành phố. Khu đất rộng lớn, cho tới thế kỷ 20, vẫn chỉ là một khu đất bỏ hoang với những đường rầy xe lửa và bãi đậu xe chẳng một chút thẩm mỹ. Cho tới năm 1997, Thị Trưởng Richard M. Daley mới có ý tưởng biến khu đất rộng tới 24 mẫu rưỡi này thành một khu công viên cho dân chúng. Nhờ sự đóng góp của dân chúng, các kỹ nghệ gia và thương gia, cùng sự hợp tác của nhiều kiến trúc sư, nghệ sĩ, chuyên gia đô thị và các nhà vẽ kiểu mẫu, công viên của tân niên kỷ Millennium Park mới biến thành một công viên nổi tiếng trên thế giới.

Trong khu vui chơi rộng lớn này có nhiều công trình điêu khắc nghệ thuật nhưng điểm thu hút chính là cái…hạt đậu! Nghe tôi ví von tác phẩm điêu khắc này là cái hạt đậu, đừng tưởng nó chỉ là hạt đậu. Tôi quả có bình dân hóa công trình mỹ thuật lạ lùng này. Tên của nó văn vẻ hơn: Cloud Gate, Cửa Mây. Nếu muốn chữ nghĩa một chút có thể dịch là Vân Quan! Đây là công trình của nghệ sĩ người Anh Anish Kapur. Đứng từ xa nhìn vào…cửa mây, bầu trời phản chiếu trông bát ngát, phía dưới đường chân trời là phản hồi của thành phố Chicago. Sở dĩ được như vậy vì toàn thể…hạt đậu là những tấm kim loại bóng loáng được ghép khít vào nhau, có thể phản chiếu trung thực quang cảnh chung quanh. Cloud Gate có chiều dài 19, 8 thước và chiều cao đúng một nửa chiều dài: 9,9 thước. Toàn thể công trình cân nặng tới 110 tấn cong vòng khiến hình ảnh phản chiếu mỗi chỗ mỗi khác. Khi thì cái tôi trong…hạt đậu cao ngồng, khi thì ngắn ngủn một khúc. Phía dưới là một cửa vòm cao 3,6 thước. Cửa vòm này lúc nào cũng đông đảo du khách chui vào, ngửa cổ lên. Ai cũng phải cười khi thấy thân hình mình phản chiếu trên vòm lùn chút xíu!


Cloud Gate ở Chicago.


Chen chúc nhau phía dưới vòm Cloud Gate để lấy hình lạ.

Du khách quanh tôi chen chúc nhau chụp hình. Chỉ cần giơ máy hình về phía trước, tưởng như chụp một người nào đứng phía trước, nhưng thật ra là chụp bóng mình phản chiếu trong kim loại bóng lưỡng. Người nào cũng xoay đủ kiểu coi kiểu đứng nào được phản chiếu trông fun nhất! Các cặp tình nhân gây rối nhiều nhất, họ chạy loạn xạ, canh cho được những kiểu hình ngộ nghĩnh nhất để về khoe với thiên hạ. Có những trẻ em thú vị khi đặt tay vào sát mặt kim loại, thấy nguyên một thân mình khác nhe răng cười nhìn ra. Có những cô bé lăn đùng ra nằm sát cạnh hột đậu để chộp được kiểu ảnh độc đáo. Ai cũng say mê chụp, không biết sao cho đủ. Nếu thời gian trôi về phía sau chừng chục năm, khi các máy hình còn phải dùng phim, công trình này chắc sẽ được các ông Kodak, Fuji vinh danh vì làm đầy túi tiền của họ!

Khi tới Chicago tôi chíp trong bụng giá nào cũng phải tới thăm người đẹp Marilyn Monroe. Dĩ nhiên không phải bằng xương bằng thịt. Giờ mà nàng hiện về, giơ bộ xương thì chỉ có nước chạy mất đất! Nhưng tại Chicago có một bức tượng của MM cao tới 7 thước 80 đặt ngoài trời. Tượng được tạc phỏng theo bức hình quen thuộc cô nàng mặc chiếc váy trắng cũn cỡn tung bay trên miệng hầm metro có gió thổi từ dưới lên trong phim The Seven Year Itch. Chiếc váy của pho tượng khổng lồ này có thể che mưa che nắng cho đám đông núp phía dưới được. Nếu chui được vào chiếc váy này chắc chóng lớn! Tìm trong chỉ dẫn du lịch, không thấy bóng dáng cô nàng đâu, hỏi người đi đường người nào cũng ấm ớ. Mãi mới được một ông bán hàng trong một siêu thị tận tình chỉ dẫn là tượng đứng ở một công viên của đài truyền hình NBC. Tìm theo chỉ dẫn sao vẫn chưa thấy công viên này đâu. Đành phải níu áo người đi đường, may mà gặp một cô bé dân địa phương ham chơi. Cô báo tin buồn: tượng đã được dời đi New York! Thiệt bé cái lầm. Tôi cứ nghĩ tượng là phải chết đứng một chỗ, hóa ra đây là tượng…giả, nhẹ bâng, dễ dàng di chuyển. Thôi thì chịu phận vô duyên không được núp váy người đẹp! 


Tượng Marilyn Monroe trước trụ sở báo Chicago Tribune.


Đáng tiền chưa?

Chicago là chặng áp chót trên đường trở về Montreal của chúng tôi. Thành phố này đánh dấu đường về bằng một chuyện ít vui: tôi lại thấy tuyết trên đường đi. Gần một tháng trời sống trong nắng ấm, lòng đã quên đi cô nàng tuyết, giờ lại thấy cô ả! Nếu bảo là chúng tôi đi trốn tuyết cũng không hẳn đúng. Trốn tuyết là hành động thường xuyên, có tính toán, năm nào cũng trốn khi nàng tuyết xà tới. Trốn kiểu của tôi là trốn  giỡn chơi. Thực ra có định trốn lánh chi đâu. Ông bạn  Sĩ, năm ni chẵn tuổi hưởng tiền già, muốn thử sức nên định lái xe một cú ngoạn mục khoảng 8 ngàn cây số. Tôi, hơn ông bạn trẻ đúng một con giáp, cũng muốn thử sức…ngồi coi có đau lưng, nhức mỏi chi không. Vậy là hai cặp, bốn người, chúng tôi thử. Còn cục gân nào mang ra chơi tuốt. Ai ngờ dân già cũng còn gân. Chúng tôi đều qua cuộc thử sức mà mấy ông bạn tôi ở Montreal gọi là điên!

Xe nuốt những thước đường cuối cùng từ Toronto về Montreal, coi thời tiết trên internet thấy Montreal đang đổ một trận tuyết lớn. Chán mớ đời! Vậy là cuộc trốn chạy coi như huề. Tới nhà, tuyết trên lề đường trắng xóa, chúng tôi phải xuống va-li giữa lòng đường rồi tha vào dần.

Nhìn tuyết phủ trắng xóa, tôi muốn thở dài, mường tượng như cô ả tuyết, tay chống nạnh, miệng cười mỉa, phán: “Có giỏi trốn bà nữa đi!”.

03/2015