Hè đã về, nắng rực rỡ, thiên hạ đua nhau ra làm vườn. Người có vườn ngay trong sân nhà thì lúi húi suốt ngày, người không có vườn thì thuê một miếng đất trong khu vườn công cộng để cũng rau trái như ai. Vườn công cộng ở Montreal này khá nhiều. Quanh nhà tôi ở khu Anjou có vài vườn, trên đường Christophe Colomb tôi hay đi ngang qua cũng có một khu vườn khá lớn. Những ngày nắng ấm, dân làm vườn nhộn nhịp tưới trồng, xe đậu kín một bên đường. Nơi đây người ta đi làm vườn bằng xe hơi nhà. Kể ra như vậy để chứng tỏ dân chúng nơi thành phố này khoái làm vườn. Nhưng phải nói ngay là tôi không có trong số đó. Bi chừ mà bắt đứng lên ngồi xuống, lê la bới bới trồng trồng nghe thấy mệt lắm. Tuy không làm vườn nhưng tôi biết nhiều về vườn. Chẳng hạn như kiểu làm vườn tôi sắp nói tới đây.
Không biết những người lúi húi làm vườn có biết là có một ngày làm vườn quốc tế không? Đó là ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5. Ngày này đã có từ chục năm nay, từ năm 2005. Chính ra năm đầu tiên, ngày này được tổ chức vào ngày 10 tháng 9. Tới năm 2007 mới đổi lại. Như vậy là phải, vì tháng 9 thì dân Montreal chúng tôi sắp vào mùa đông, trồng cái chi cho nó lên!
Ngày làm vườn quốc tế này được gọi với cái tên chính thức là World Naked Gardening Day. Hơi phiền vì chữ naked. Và hơi bất tiện nữa. Con cháu ông Adam và bà Eve ngày còn chưa ăn trái táo cấm trong vườn địa đàng, chưa biết “mặc” chiếc lá nho lá vả chi đó trên người, kể ra thì mát mẻ nhưng hơi nguy hiểm. Nơi cây cỏ kín mít thì thiếu khối chi sâu bọ, con ong cái kiến, muỗi mòng cứ như máy bay tiêm kích tấn công. Lại nữa, dao kéo, cuốc xẻng kế bên lỡ tay có thể mang hận suốt đời!
Những người khởi xướng ngày toàn thế giới tô hô làm vườn chắc là những người can đảm, không sợ hiểm nguy. Họ chỉ nhìn thấy những điều lạc quan về lối làm vườn mát mẻ này. Họ cho kiểu làm vườn này rất có lợi cho sức khỏe tinh thần. Dân làm vườn sẽ thấy tự tin về hình ảnh của mình. Chuyện này tôi hơi nghi. Có những thân hình soi tỏ dưới ánh mặt trời khiến không thể tự tin được dù lạc quan cách mấy. Họ còn hài ra lợi ích cho sức khỏe thể chất. Cứ phơi hết ráo trọi ra ánh sáng mặt trời thì sẽ hấp thụ được nhiều sinh tố D hơn, toàn thân sẽ được mặt trời thiêu cho da nâu đều trông khỏe mạnh hơn, không chỗ trắng chỗ nâu như chó vá, khỏi phải đi vào những phòng tan nhân tạo có hại cho da. Còn lợi ích về kinh tế nữa: không tốn tiền giặt quần áo, không tốn nước tắm vì vòi nước tưới cây sẵn đó, cứ phun lên người là xong. Thật là tiện tứ bề.
Nhờ đọc sách tôi biết thêm được một thứ tiện khác là hà tiện được phân bón. Chuyện kể như thế này: hai nhà hàng xóm có vườn sau nhà. Chủ nhân một bên là một ông, bên kia là một bà. Cả hai người đều là hội viên của hội làm vườn tú-nuy. Một ngày kia họ ra làm vườn cùng một lúc. Bà ngó vườn của ông qua hàng rào và phân bì: “Sao cà chua trong vườn của ông trái nào trái nấy đỏ tươi vậy?”. Ông ngó sang vườn bà trả lời: “Bà nói đúng đấy. Nhưng đừng có ganh tị. Dưa leo trong vườn bà trái to và dài hơn bên tôi nhiều!”.
Chuyện tô hô làm vườn cũng chỉ là một cách khác của lối sống ngày nay. Hơi một tí là người ta cởi quần áo. Chạy bộ truồng, đạp xe đạp truồng, bơi truồng. Có nhiều anh chị rửng mỡ cứ nhè sân quần vợt, sân đá banh mà truồng chạy cho đã trước những cặp mắt của hàng chục ngàn khán giả. Rồi phản đối chuyện chi cũng giơ hình hài ra như mấy mụ trong các tổ chức bảo vệ súc vật, chống áo lông thú, chống lung tung. Cứ kiếm chuyện chống để có dịp cho thiên hạ thưởng thức free cả nạc cả mỡ dưới ánh mặt trời. Đó là chuyện tô hô tầm ruồng. Chuyện tô hô ở nước ta thì khác. Dân oan bị cướp nhà cướp đất, kêu oan khắp cửa quan mà chẳng quan nào thèm lý tới, không còn cách nào khác hơn là tô hô khi bị công an và công an giả danh côn đồ đàn áp. Đó là vũ khí chống đối cuối cùng của họ. Tô hô như vậy là tô hô có chính nghĩa.
Ngày ông Adam và bà Eva còn định cư tại vườn Địa Đàng, quần áo không phải là thứ cần thiết. Chỉ trần xì có hai người thì che chắn làm chi cho mất công. Nhưng từ khi hai ông bà liều mình ăn trái cấm, bị đuổi nhà, biết bộ phận nào dùng vào việc chi thì phải phòng thủ. Con cháu đầy đàn sau đó càng khiến việc che chắn phức tạp hơn. Từ thuở bình minh của con người, chuyện áo quần càng ngày càng phức tạp. Tới khi các xã hội loài người thành hình thì y phục đã quá phức tạp. Xem các phim ảnh có khung cảnh thời đó, chúng ta thấy áo quần lớp trong lớp ngoài, mặc vào cởi ra phát mệt. Càng văn minh, con người càng giản tiện bớt đi. Lớp trong lớp ngoài rơi rụng dần tới thời bikini thì con người hầu như đã trở về thời nguyên thủy. Lịch sử là một cuộc đi vòng. Chuyện áo quần cũng là chuyện lịch sử!
Lịch sử đi vòng tới các ông hoàng bà chúa còn rơi rớt tới ngày nay thì phải nói chút chuyện về Hoàng Tử Harry của nước Anh. Con vua cháu chúa ngày xưa áo quần nhiều lớp, lấp la lấp lánh. Nếu sinh vào đầu thế kỷ trước thì vị hoàng tử này chắc chẳng bao giờ bị cảm vì gió máy. Nhưng ngày nay thì hoàng tử cũng tô hô như thần dân. Chuyện xảy ra tại khách sạn Encore Wynn ở Las Vegas vào tháng 8 năm 2012. Hoàng Tử và bạn bè xuống quầy rượu trong khách sạn vui chơi. Tại đây họ gặp một đám thiếu nữ choai choai. Hoàng Tử liền mời tất cả lên phòng VIP. Phòng này được thuê với giá 5.100 bảng Anh một đêm. Họ chơi bài ăn thua nhau bằng cách lột dần quần áo. Cuối cùng tất cả đều tô hô và trửng giỡn với nhau. Một người nào đó đã chụp được cảnh này. Báo chí sau đó phổ biến hai tấm hình chụp hoàng tử Harry không có mảnh vải che thân. Một hình thật tội nghiệp: hoàng tử không có đến cái lá nho. Một hình hoàng tử ôm một cô gái cũng chẳng lá lẩu chi ngoài cái lá trời cho. Vậy là sóng gió. Hoàng Tử khi đó là một Đại Úy Không Quân trong quân đội Hoàng Gia Anh nên tình đồng đội trong quân ngũ nổi lên. Các quân nhân chụp hình tô hô bỏ lên internet để ủng hộ cậu hoàng Harry. Vui nhất là các quân nhân thuộc các quốc gia khác như Do Thái và Mỹ cũng tô hô chụp hình hỗ trợ tinh thần cho Harry. Vui hơn nữa là không chỉ các nam quân nhân mà cả các nữ quân nhân cũng tô hô ủng hộ cậu hoàng tử. Trang web phổ biến những tấm hình này do cựu quân nhân Jordan Wylie, 28 tuổi, ở Blackpool, thiết lập. Tờ báo lá cải The Sun ăn theo liền khiến dư luận ồn ào làm nhức đầu hoàng gia. Ăn nói sao bi chừ!
Từ triều đình đến thứ dân khắp thiên hạ đều thoải mái không làm giầu cho các nhà buôn áo quần. Thôi, không chọc quê hoàng tử nước Anh nữa, đây là chuyện hoàng tử nước…lạ. Hoàng tử đang vùng vẫy trong nước, cố ngoi lên cho khỏi chết đuối. Một nàng tiên cá bỗng bơi ngang qua. Hoàng tử vội gọi cấp cứu, giọng hốt hoảng: “Người đẹp làm ơn cứu ta. Ta sẽ đền ơn bằng một va-ly quần áo toàn hàng xịn”. Nàng tiên cá nhìn hoàng tử bằng cặp mắt long lanh thương hại: “Không, cám ơn, em ở truồng quen rồi!”.
Rất nhiều người cũng quen “tự do” như nàng tiên cá. Chẳng thế mà các bãi tắm nude mọc ra đầy rẫy khắp nơi. Hầu như nước nào cũng phải tạo một vương cung cho những thần dân của đạo…truồng. Các bãi tắm này không là nơi cấm kỵ cho những người chỉ thích đi “tham quan” cảnh vật đồi núi miễn là đừng đeo thêm chiếc máy hình hay máy quay phim. Trong một lần đi tắm biển ở Saint Martin, ông Hoàng Xuân Sơn và tôi rủ nhau đi tìm vần thơ tại vườn địa đàng. Ra đi hết sức hăng hái, tưởng chộp ngay được thơ. Khi về hai chúng tôi nhìn nhau thở dài. Vườn trái cây toàn thứ héo úa, èo uột, vàng võ. Mắt chẳng muốn nghía nói chi quan sát. Cũng đúng định luật kinh tế thôi! Hàng free bao giờ cũng kém chất lượng.
Nhưng cũng có thứ free mà chất lượng khỏi chê. Mấy ông bạn tôi, tuổi thì chồng chất bó nọ bó kia nhưng con tim thì vẫn cứ thanh niên. Thỉnh thoảng các ông ấy lại gửi cho tôi những clip video vui hết biết. Tôi không chỉ mở xem mà còn suy nghĩ nữa dù trong tình huống mà sự suy nghĩ là…lạc đề. Đó là clip những cô gái trẻ đẹp, đẹp như bà Eva, đi tung tăng giữa đám đông, trần xì chỉ có những chi tạo hóa ban cho, không có những thứ ngoại vật che chắn, mắt lúng liếng, miệng cười như hoa, chẳng một chút ngại ngùng. Tôi phục quá. Cứ nhông nhông giữa phố phường, coi cặp mắt của thiên hạ như pha. Tài thật. Nếu là mình thì ngượng chết, đâu có tự nhiên như không được. Nói ra sự suy nghĩ của mình cho bạn bè nghe, tôi bị sát xà bông ngay: “Cái thứ ông có đi nhong nhong cả ngày cũng chả ma nào thèm dòm. Nghèo mà ham!”. Vậy mà các cô gái trẻ đẹp chẳng áo quần, chẳng chừa chỗ nào mà không tới. Ngồi ghế công viên với các cụ già, đứng chụp hình chung với các thanh niên, vào siêu thị mua đồ, mua cây kem vừa đi vừa mút cho thêm phần ngây thơ…Tôi nhìn mà vẫn không quên suy nghĩ. Có đất nước nào cho tự do chọc vào mắt thiên hạ như vậy? Ngày còn ở Việt Nam, còn khuya mới có cái trò nhông nhông như vậy. Phú lít sẽ mời về bót ngay vì tội “công xúc tu sỉ”.
Tôi lại…tham khảo. Chẳng thấy luật lệ chi về vụ đuồn đuỗn ngoài đường phố. Chỉ thấy nói về hở ngực! Chuyện xảy ra vào tháng 6 năm 2011 tại Nữu Ước, một ông nhìn thấy hai phụ nữ để ngực trần đi nhong nhong ngoài phố, không “chuối chiên”, không áo, chỉ có ngực! Ông này chắc cũng thuộc loại ưa tìm hiểu như tôi. Ông gửi điện thư cho Cảnh Sát Nữu Ước hỏi cho ra lẽ và được trả lời như sau: “Cách đây đã lâu, tòa Tối Cao của Tiểu Bang Nữu Ước đã tuyên là phụ nữ có quyền để ngực trần như đàn ông tại nơi công cộng. Nếu không liên quan tới việc quảng cáo, người đàn bà trong trường hợp này không là vấn đề của cảnh sát”. Bản tuyên bố của tòa có từ năm 1992 sau vụ thành phố Nữu Ước kiện bà Ramona Santorelli và Mary Lou Schloss. Hai bà này bị cảnh sát bắt cùng với 5 phụ nữ khác tại công viên Rochester vì vi phạm luật quy định phụ nữ không được phô bày “phần ngực phía dưới của quầng vú”. Ra tòa, hai bà này lý luận là luật đã “kỳ thị khi chỉ rõ “phần riêng tư hay thân mật” của phụ nữ mà không nói chi tới nam giới”. Tòa đã xử cho hai phụ nữ này thắng. Hơn chục năm sau, năm 2005, bà Jill Coccaro đã bị bắt tại đường Delancey vì phô bày nhũ hoa ở nơi công cộng. Bà này cũng kiện và được thành phố dàn xếp ngoài tòa chịu đền cho bà 29 ngàn đô! Vậy là cứ thoải mái bày hàng. Họ còn họp chợ nữa khi ấn định ngày 21 tháng 8 hàng năm là ngày khoe ngực toàn quốc National Go-Topless Day. Để coi tới tháng 8 này chợ búa ra sao!
Tại Canada chúng tôi có tiền lệ từ năm 1991. Bà Gwen Jacob ở Guelph, tỉnh bang Ontario, đã cởi bỏ áo ra và bị kết tội khiếm nhã. Bà cũng viện dẫn lý do kỳ thị nam nữ ra nhưng tòa vẫn kết tội. Tòa Tối Cao sau đó đã phán ngược lại với lý do là hở ngực không phải là khiếm nhã theo định nghĩa của Hình Luật. Tiền lệ này được công nhận với các vụ kiện tại các tỉnh bang British Columbia và Saskachewan sau đó. Tuy mỗi tỉnh bang dành sự giải nghĩa luật theo cách họ muốn nhưng bản án ở Ontario vẫn có nhiều ảnh hưởng. Vì tòa Tối Cao Canada chưa có kết luận về việc này nên tùy sự giải thích của từng tỉnh bang. Tuy nhiên bây giờ quan niệm về chuyện hở ngực đã tiến bộ hơn.
Đó mới là chuyện hở ngực, còn chuyện phơi ra toàn bộ lại là chuyện khác. Tôi vẫn phân vân về những clip video do các ông bạn tôi gửi cho tôi…suy nghĩ . Có lẽ những cảnh đó được quay ở những nước…văn minh hơn Mỹ và Canada. Như ở Đức chẳng hạn. Tại đây, phô bày thịt da không phải là tội nếu không có sự hứng khởi. Một trường hợp điển hình là cảnh sát không thể kết tội cô Kaiser, 34 tuổi, vì tội trần truồng trước công chúng. Họ thú nhận là không thể nào biết được cô ấy có “hứng” hay không. Kể cũng khó thiệt! Cảnh sát cũng phải công nhận là khó: “Nếu một anh đàn ông tụt quần ra thì chúng tôi biết ngay anh ta đang có hứng khởi hay không một cách dễ dàng. Nhưng với phụ nữ thì vô phương!”. Cô Kaiser lên nước ngay: “Tôi muốn phơi bày cơ thể. Tôi muốn cho đàn ông mãn nhãn rồi tôi bỏ đi”.
Có những người muốn đãi tiệc cánh đàn ông như vậy. Nhưng cô gái này dọn tiệc không đúng chỗ: ngay trong chùa. Cô gái đó là nhân vật chính trong truyện ngắn “Động…Cửa Thiền” của tác giả Tâm Không. “ Cô gái lạ lùng vì nổi bật giữa đám đông do có một sắc đẹp mê hồn, phải công nhận là tuyệt thế giai nhân. Dáng cao hơn một thước bảy. Tóc đen óng ả phủ dài xuống lưng. Những vòng đo lý tưởng. Đầy đặn và trắng trẻo. Gương mặt khả ái, sáng sủa. Nếu không là hoa hậu hoa khôi, thì cũng là người mẫu tầm cỡ ngôi sao. Không ai có thể nhăn mặt bực mình trước cái Đẹp bao giờ. Có điều, chỉ vì cô gái đã tự chọn cho mình bộ trang phục quá độc đáo, quá quái gở. Chiếc váy ngắn cũn cỡn, tưởng như không còn kiểu nào ngắn hơn, khoe cặp giò dài khêu gợi. Chiếc áo thun bó sát ôm lấy thân trên bốc lửa, thân áo trước và thân áo sau được liền lạc với nhau chỉ bằng hai sợi dây mỏng mảnh vắt qua hai bên bờ vai tròn trịa và đầy đặn. Đẹp không chê vào đâu được, nhưng nếu cô ta đang đứng trên sàn diễn, hoặc đi trên phố cờ hoa rực rỡ ngoài kia. Đằng này, cô ta lại xuất hiện ngay chốn già lam tôn nghiêm thanh tịnh mới gây nên những nỗi bất bình từ những người chung quanh”. Một huynh trưởng Phật Tửđưa cho cô chiếc áo già lam bắt cô mặc vào. Cô gái không mặc. Anh cho biết trang phục của cô không phù hợp trong cảnh chùa có đông thiện nam tín nữ và các chư tăng. Cô không biết hay giả bộ không biết? Cô gái hỏi lại: “Biết làm gì để vướng? Ai thấy chướng thì đừng nhìn. Mấy người đi chùa lễ Phật bái tăng hay là đến đây để nhìn ngắm nhau? Ai tu nấy chứng, hãy để cho tôi yên!”. Một vị tăng trẻ nhẹ nhàng khuyên cô nên mặc áo tràng vào. Cô cười duyên dáng hỏi lại: “Thầy thấy tôi ăn mặc như thế nào?”. Vị tăng lúng túng: “Ờ…Thì rất hở hang, không nghiêm chỉnh kín đáo”. Cô gái vuốt mái tóc, ưỡn bộ ngực đầy sức sống, thản nhiên nói: “Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ!”. Tiếp đó cô muốn vào vấn an sư trụ trì. Anh huynh trưởng xanh mặt nhưng cũng phải vào trình bẩm. Sư trụ trì ra lệnh dẫn cô gái vào. Đây là đoạn đối thoại giữa nhà sư và cô gái: “Con từng nghe rằng, ngọn phướng phấp phới bay trước gió, thật ra phướng không bay, gió cũng chẳng động, mà chỉ do Tâm của con người đang động. Phải vậy chăng?”. “Thật hay! Thật hay!”. “Vậy theo thầy thì con ăn mặc ra sao?”. “Bình thường”. “Đáng trách hay đáng khen ạ?”. “Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng. Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây thì thật là đáng khen ngợi. Nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách”…”Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?”. “Không trách mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không là một bộ phận của cơ thể con người.”. “Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm”. “Chỉ là đất, nước, gió, lửa do duyên nghiệp tạo nên. Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y?”. “Chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng?”. “Tĩnh động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có can đảm ăn mặc hở hang, thiếu thốn vải vóc để vào cửa thiền thì hãy phát huy thêm bản lãnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi!”. “A…ơ…ơ…”. “Trút bỏ hết đi!”. Sư trụ trì quát lên. Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu dập đất mấy cái. Sư lại quát: “Trút bỏ hết! Rồi đi ra ngoài dạo một vòng vãn cảnh mau đi!”. “Bạch thầy…Con không dám! Con không dám! Con xin đập đầu tạ tội. Đội ơn thầy đã khai tâm điểm đạo!”.
Thấy người ta tô hô làm vườn. Rồi còn đặt ra những ngày World Naked Gardening Day, ngày National Go-Topless Day, tôi khoái chí phiếm chuyện không áo quần, tưởng chỉ là chuyện chơi. Ai ngờ đụng phải cửa thiền, ló ra cái Tâm. Vậy mới khổ. Phải mất công nhìn vào phía trong của mình để coi cái Tâm. Tâm tôi ra sao? Phiền thiệt! Cũng chỉ vì cái tội vọng động với mấy ông bạn ham vui!
06/2015
|