Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

DÂM

Tiểu thuyết “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện” của tác giả miền Nam Lê Hoằng Mưu chắc ít người biết tới. Tôi cũng chỉ mới nghe tới cuốn truyện này khi đọc bài “Hành Trình Đi Tìm Hà Hương Phong Nguyệt” của Võ Văn Nhơn được post lên mạng vào tháng 2 năm 2015. Một cuốn truyện đã được đăng làm nhiều kỳ trên Nông Cổ Mín Đàm vào năm 1912 và được xuất bản vào năm 1914 tại Sài Gòn thì làm sao mà phải có tới một “hành trình” đi tìm kiếm? Thời gian có xa xôi chi đâu mà phải mất công như rứa.

Nhưng theo như tác giả kể thì đúng là một hành trình thật. Người đi tìm Võ Văn Nhơn kể lại: “Dù rất chú tâm đi tìm tác phẩm này, nhưng đi khắp các thư viện ở Việt Nam chỉ tìm được một tập thứ ba ở Thư viện Thông tin Khoa Học Xã Hội (Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam). Biết tác phẩm đã từng đăng báo Nông Cổ Mín Đàm từ năm 1912, chúng tôi tìm đọc trên báo giấy và microfilm ở Thư viện Tổng Hợp TP.HCM, Thư viện Khoa học xã hội TP.HCM, nhưng đáng tiếc là các số báo cũng không đầy đủ, vì thế không thể có cái nhìn khái quát về quyển tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi này được. Đầu tháng 10-2014, nhờ sự giúp đỡ của các nghiên cứu sinh tại Pháp như chị Lê Thị Dương, chị Nguyễn Giáng Hương (thủ thư của kho sách tiếng Việt tại Thư viện Quốc Gia Pháp), chúng tôi tìm được sáu tập đầu của tiểu thuyết này ở Thư viện Quốc Gia Pháp”.

Lý do cuốn tiểu thuyết này hầu như mất tích là vì ngay hồi đó nó đã bị tịch thu. Nói tới chuyện tịch thu sách thời Pháp thuộc, chúng ta nghĩ ngay tới nguyên nhân chính trị, nhưng không phải, cuốn truyện bị tịch thu là vì nó được coi như một cuốn dâm thư! “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện” không phải là cuốn truyện đầu tiên của miền Nam. Trước đó đã có những cuốn “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản vào năm 1887, “Hoàng Tố Oanh Hàm Oan” của Trần Chánh Chiếu (1910), “Phan Yên Ngoại Sử - Tiết Phụ Gian Truân” của Trương Duy Toản (1910). Nhưng những cuốn này là loại truyện…cũn cỡn, chỉ dài từ 32 trang tới 54 trang là hết cỡ. Cuốn “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện”, mới chỉ tìm thấy có 6 tập, đã dài tới 284 trang. Sự cách biệt thật rõ ràng. Lượng thì như vậy, phẩm mới là điều đáng nói. Trước cuốn tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu, các tác giả chỉ dùng hình thức kể chuyện để viết truyện. Lê Hoằng Mưu đã xử dụng nghệ thuật miêu tả, đào sâu vào tâm lý nhân vật trong tác phẩm của ông. Đó là một điều rất mới. Một đột phá trong nền tiểu thuyết Việt Nam

Nhân vật chính là Nghĩa Hữu, một công tử con nhà giầu ăn chơi hết mực. Anh cưới Hà Hương, một cô gái cũng con nhà giầu, có nhan sắc nhưng tính tình xấu xa. Một thời gian sau, hai người chia tay nhau. Nghĩa Hữu kết hôn với người khác tên Nguyệt Ba, nhà nghèo nhưng vừa có nhan sắc, vừa nết na. Hà Hương sau một thời gian ăn chơi, quay lại dụ dỗ Hữu Nghĩa trở về với nàng. Nguyệt Ba quá uất ức khi bị chồng bỏ nên đã tự tử chết.

Rõ ràng là truyện được kết thúc không có hậu. Người xấu nhởn nhơ sống, còn người tốt phải tìm tới cái chết. Đầu thế kỷ thứ 20, khi xã hội vẫn đề cao những giá trị của Nho giáo, “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện” đi ra ngoài quy ước xã hội. Vậy mà truyện đã được in tới 10 ngàn bản, bán chạy như tôm tươi. Trên các báo hồi đó đã xảy ra một cuộc bút chiến sôi nổi về tác phẩm của Lê Hoằng Mưu. Công Luận Báo, số 48, năm 1928, đã kết tội tác giả là “một đứa tội nhơn lớn nhất của nước An Nam”! Trước áp lực của dư luận, nhà cầm quyền đã phải tịch thu và tiêu hủy sách.

Bất bình trước những phê phán, Lê Hoằng Mưu chỉ nói: “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì, chỉ thích điều lả lơi phong nguyệt. Tôi mỉm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề có xem phong nguyệt của người các nước, còn lả lơi quá mười của tôi. Tôi thầm nghĩ nếu phong hóa vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hóa các nước suy đồi biết mấy. Thoảng lại phong hóa nhà Nam suy đồi từ chưa có bộ Hà Hương Phong Nguyệt!”.

Tác giả sau đó vẫn cứ đường ta ta đi. Ông viết thêm các bộ truyện Hồ Thể Ngọc, Đỗ Triệu Kỳ Duyên, Người Bán Ngọc. Vẫn nặng chất tính dục. Hơn nữa, sau “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện”, tại Nam Kỳ còn rộ lên phong trào viết tiểu thuyết tính dục và diễm tình như “Lỗi Bước Phong Tình” của Nguyễn Thành Long, “Cô Ba Trà” của Nguyễn Ý Bửu, “Hà Hương Hoa Nguyệt” của Nam Tùng Tử.

Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn  Bình Nguyên Lộc đã tiết lộ: “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện” của Lê Hoằng Mưu”.

Chuyện ném đá cuốn “Hà Hương Phong Nguyệt Truyện” có lẽ oan cho tác giả Lê Hoằng Mưu. Trước ông cả trên trăm năm trước, Việt Nam ta đã có truyện “Hoa Viên Kỳ Ngộ” mà, xét về khía cạnh dâm, tác giả Lê Hoằng Mưu theo không bén gót. Truyện kể về cuộc tình của Triệu Kiệu, con trai thứ hai của quan Tham Chính họ Triệu, người đất Nam Xang thời Cảnh Hưng (1740-1786). Chàng họ Triệu khôi ngô, tuấn tú, học rộng, tài cao. Trong một buổi đi dạo, chàng gặp hai chị em Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự Sử họ Kiều. Sau một thời gian quen biết, họ yêu nhau say đắm. Quan Ngự Sử mến tài của Triệu công tử nên cho ở trong nhà để tiện việc đèn sách. Triệu công tử đâu có bỏ lỡ cơ hội. Chàng lân la tới khuê phòng của hai nàng với sự giúp đỡ của hai thị tỳ Xuân Hoa và Thu Nguyệt. Trai tài gái sắc, họ say đắm đến vượt qua vòng lễ giáo, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa. Sau khi thi đỗ Giải Nguyên, Triệu công tử được quan Ngự Sử gả cả hai tiểu thư cho.

Những đoạn tình tứ gái trai ăn nằm được tác giả tả chân rất rõ ràng. “Sinh cả mừng, đưa tay vuốt ve Lan mà nói rằng: “Nàng hết lòng vì tôi như vậy, có thể gọi là con người hữu tâm đó. Bèn kéo Lan vào lòng, một tay kéo đùi nàng, tay kia mân mê đôi vú, cười mà bảo rằng: “Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm, hệt như thịt đầu gà”.

Chúng ta chắc ngỡ ngàng với đoạn truyện trên. Các cụ ngày xưa coi bộ cũng táo bạo dữ! Nhưng chưa hết, còn có những đoạn lâm ly hơn. “Lúc này lòng dục của Sinh chợt nổi lên. Chàng bước tới ôm lấy mà nói: “Nàng đâu có giữ lời hứa như Quý Bố, tôi đã biết rồi. Phen này tôi quyết chẳng chịu ra về không nữa. Nói xong cố sức đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không chống cự. Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chăn phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương. Thật là một khắc ngàn vàng, chỉ giận đêm vui quá ngắn…Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian, không còn biết Sinh là Sinh, Lan Huệ là Lan Huệ nữa”.

Cuộc mây mưa tay ba đã làm kẻ hậu sinh bỡ ngỡ. Nhưng truyện còn tăng thêm mức…dâm khi ba người kéo cả hai thị nữ vào cuộc mây mưa. “Một đêm ánh trăng trong trẻo, hai nàng bèn sai Hoa, Nguyệt đi mời Sinh. Sinh đến, Lan bảo: “Đêm nay cảnh xuân dần đến, trăng sáng giữa trời, cho nên chị em thiếp thết tiệc mời chàng, gọi là Lan Đình thắng hội. Sinh nói: “Đối ẩm trước hoa, vào xuân dưới trăng có thể gọi là việc vui thú trên đời đó. Nhưng ta nay được cuộc gặp gỡ tốt lành này, thì cô Hoa cô Nguyệt quả là có công. Đêm nay hãy cùng các cô chung vui, hai nàng thấy thế nào?”. Hai nàng đồng ý. Bèn cho trải đệm Phù Lưu, rót chén thủy tinh, ba người vào tiệc. Rượu đã ngà ngà, Sinh ôm Lan vào lòng, sai Hoa, Nguyệt chúc rượu. Huệ thì hát mời Sinh. Ca vừa xong thì Sinh kéo Huệ đè xuống. Huệ nói: “Trăng sáng giữa trời thế kia, sao có thể làm vậy? Sinh nói: “Bể biếc trời xanh cũng chiều lòng, Quảng Hàn muốn vậy mà không được, há lại ghen nhau sao? Rồi đẩy ngã vào trong đệm, phỉ sức mây mưa. Xong rồi Sinh lại kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu chim vụ, phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian. Sau đó đến Xuân Hoa. Lúc Xuân Hoa giao hợp với Sinh, lòng Xuân rạo rực, mặc cho Sinh muốn làm gì, không hề mảy may khó khăn. Sau đó đến Nguyệt, Nguyệt không chịu. Sinh nói: “Đất đai trong thiên hạ, mười phần ta đã có được tám chín, nay chỉ còn mảnh đất nhỏ bằng viên đạn, sao dám chống cự vương sư? Rồi bế vào trong đệm, mặc sức mây mưa. Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành. Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng đối ẩm. Uống mãi cho tới khi trăng lặn sau núi, bất giác say mèm. Các nàng vực chàng vào ngủ”.

“Hoa Viên Kỳ Ngộ” không phải là truyện sex  lạc lõng trong thư tịch cổ. Trước đó đã có truyện “Tây Viên Kỳ Ngộ Ký” thuộc bộ “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ. Dĩ nhiên mức độ ghê gớm không thể bằng. “Tây Viên Kỳ Ngộ Ký” kể lại cuộc gặp gỡ giữa chàng Hà Nhân với hai hồn hoa là Đào và Liễu. Hà Nhân quen biết hai nàng nhân dịp lên kinh theo học cụ Ức Trai Nguyễn Trãi. Một bữa, Hà Nhân rủ hai nàng về chỗ mình ở rồi cùng nhau giao hoan. Xong, cả ba cùng làm thơ ngâm vịnh. Lời thơ hết sức bạo dạn.

Quê khách buồng văn giấc lạnh lùng, 
Mây mưa bỗng lạc tới Vu Phong. 
Đua bay bướm giỡn so le trắng, 
Liền cuống hoa phô rực rỡ hồng. 
Một ổ thỏa thuê oanh ấm áp, 
Đôi dòng san sẻ nước tây đông. 
Hữu tình cùng giống phong lưu cả, 
Mỗi vẻ nhưng riêng thú đượm nồng.
(Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch)

Dâm được các cụ ta xưa nhìn bằng con mắt khá dễ dãi. Không dâm sao bỗng nảy ra hiền. Vậy là dâm cứ y như là cơn sóng ngầm, có dịp là nổi dậy. Nó không nổi dậy khơi khơi mà tìm được cái vỏ bọc là nghi lễ tín ngưỡng. Tác giả Nguyễn Quang Long nhận xét: “Chúng ta vẫn quan niệm thế giới là mối quan hệ mật thiết giữa ba yếu tố: thiên – địa – nhân. Trong đó riêng yếu tố nhân –tức là con người bao giờ cũng phải tuân theo quy luật âm dương hòa hợp. Mà âm – dương cao nhất của con người chính là đàn bà – đàn ông. Đương nhiên khi đã gắn với nghi lễ thì tính dung tục đã mất đi, thay vào đó là sự hoa mỹ, nói bóng, phủ lên mọi sự một lớp màn thiêng liêng”.

Tôi nghĩ là ngày xưa các lễ hội “phồn thực” rất phổ biến để giải toả phần nào những trói buộc của lễ giáo Khổng Mạnh. Cái chi bít chặt quá thì cũng có lúc…nổ! Cho tới ngày nay, lễ hội phồn thực vẫn còn hiện diện tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Mỗi năm, vào đêm 11 tháng giêng âm lịch, hàng ngàn dân chúng trong xã, bất chấp mưa gió lạnh lẽo, vẫn tụ nhau lại để khai hội Trò Trám, còn gọi nôm na hơn là “linh tinh tình phộc”. Tất cả các trò diễn xướng trong lễ hội đều có một sự ẩn dụ về khả năng sinh sôi nảy nở của con người.

Lễ hội được bắt đầu với các trò: đi cày, đi cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân – bán Xuân và sau chót là dậy học. Đó là những hoạt động trong cuộc sống thường ngày của dân chúng. Sau đó là trò “tứ dân chi nghiệp”, miêu tả một cách dân dã những nghề xưa như Sĩ, Nông, Công, Thương.

Tâm điểm của “Trò Trám” là “lễ mật” diễn ra vào đúng lúc nửa đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Đây là thời khắc giao hòa giữa trời và đất.  Lễ tế vào lúc 11 giờ đêm do các cụ cao niên trong làng thực hiện. Sau đó, vào đúng nửa đêm, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và bắt đầu rước “nõ nường” làm bằng gỗ, sơn đỏ. Nõ nường là hai vật làm theo hình tượng sinh thực khí của nam và nữ. Một nam và một nữ đã được tuyển chọn từ trước được cụ trao cho nõ và nường. Đèn đuốc bỗng tắt hết. Cụ chủ tế hô  “linh tinh tình…phộc”. Hai người được chọn, nam cởi trần, đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm cầm nường làm các thao tác như giao hợp. Trong miếu tối thui, việc đâm cái nõ vào cái nường không hẳn là bao giờ cũng trúng. Sau ba lần hô của cụ thủ từ, nếu trúng cả ba lần thì năm đó mùa màng tươi tốt bội thu. Nếu trúng hai lần là được mùa. Nếu chỉ trúng một lần là mùa màng kém. Sau đó, đèn đuốc được thắp sáng, chiêng trống nổi lên để mừng và kính báo với thần linh, thiên địa biết lễ mật đã thành công.

Ngày nay, lễ mật tới đây là chấm dứt. Ngày xưa, còn thêm một đoạn thú vị nữa. Khi cụ thủ từ hô: “tháo khoán”, trai gái trong làng chạy ra rừng mặc sức “linh tinh tình phộc” bằng cái nõ nường của chính họ. Nếu may ra cô nàng nào mang thai vào ngày đó thì coi như lễ “hèm” của làng đã thành công, đem lại may mắn cả năm cho gia đình và làng xã. Những đứa trẻ được kết tinh trong đêm hội này được làng xã chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ đem lại sự phồn thực cho cả làng!

Dâm là cốt lõi của cuộc sống, không có nó trái đất sẽ hết bóng con người. Nhưng dâm bị coi như một thứ cấm kỵ không muốn nhắc tới là vì dâm là nạn nhân của con người. Con người đã lạm dụng dâm khiến chữ “dâm” bị biến nghĩa, nhắc tới là ngượng miệng. Nhưng con tạo cũng có phần lỗi. Ừ thì chính con tạo đã gài nhiều thú vị vào dâm như một thứ để nhử con người chăm chỉ truyền giống. Nhưng con người đã vặn vẹo ý của con tạo. Vui thú chỉ là phương tiện, sinh sôi nẩy nở mới là mục đích. Con người lại chỉ khoái thứ phương tiện mà làm lơ mục đích. Vậy nên từ một mục đích có chức năng đàng hoàng, con người biến dâm thành một thứ vui chơi giải trí. Mà lại tận tình giải trí như anh công tử họ Triệu với bốn cô nàng trong “Hoa Viên Kỳ Ngộ”. Ngày nay biết bao nhiêu hệ lụy trong các xã hội loài người cũng chỉ vì sex. Người ta lừa dối, đổi chác, cưỡng bức, mua bán sex làm xã hội đảo điên sanh ra lắm chuyện rắc rối loạn xà ngầu lên.

Tôi dại dột lên giọng với các ông bạn tôi như vậy. Bèn bị háy nguýt liền. Dâm có trật tự như ông nói thì chán chết. Trông ông cũng có vẻ hào hoa phong nhã, ai ngờ….!

04/2015