Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

TÌM

Thời buổi chộn rộn ngày nay, con người thất lạc nhau như cơm bữa. Có nhiều lý do: chiến tranh, loạn lạc, di dời, kinh tế. Xa nhau, tới một lúc nào đó, người ta có nhu cầu tìm lại nhau, nhất là những người ruột thịt. Chuyện ruột thịt thấy lại nhau sau nhiều chục năm xa cách mới xảy ra nhất có lẽ là chuyện của hai chị em người Đại Hàn.

Họ xa nhau vì…kinh tế. Bố mẹ không đủ khả năng nuôi nên cho cả hai chị em vào viện mồ côi ở Nam Hàn. Cùng vào viện mồ côi nhưng hai chị em đi vào chốn này mỗi người một cách. Cô chị tên Pok-nam Shin vô trước sau khi bà mẹ mất. Ông bố tái giá sau đó và  có thêm cô Eun-Sook. Không may ông bị tai nạn xe lửa chết. Vậy là cô em cũng chung thân phận trong một viện mồ côi khác. Năm 1978, cô chị Pok-nam Shin được 9 tuổi và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi và đem về Mỹ. Cô được đổi tên thành Holly Hoyle O’Brien. Cô em sau đó cũng được một gia đình người Mỹ nhận nuôi và đổi tên thành Meagan Hughes. Họ sống cách nhau gần 500 cây số. Cô chị ở Kingston thuộc tiểu bang Nữu Ước. Cô em ở Virginia. Thất lạc nhau từ Đại Hàn qua Mỹ, tên tuổi không còn, việc tìm kiếm nhau coi như vô phương. Nhưng cô O’Brien vẫn canh cánh bên lòng về nỗi xa cách của hai chị em. Cô nói với cha mẹ nuôi về ý muốn của mình. Hai ông bà cũng hết lòng giúp cô. Họ liên lạc với các viện mồ côi và cả chính phủ Đại Hàn nhưng không kết quả. Đầu năm 2015, bà O’Brien được nhận vào làm phụ tá điều dưỡng tại bệnh viện Bayfront Health Port Charlotte ở thành phố Sarasota, tiểu bang Florida. Bà làm tại tầng bốn của bệnh viện. Hai tháng sau, cô em Eun-Sook tức bà Meagan Hughes, cũng được tuyển vào làm tại bệnh viện này. Cũng ngay tại tầng bốn! Tin tức không cho biết rõ làm sao họ nhận ra nhau nhưng tôi đoán là cùng gốc Đại Hàn, họ có thể đã tâm sự với nhau và nhận ra nhau. Họ thử DNA. Đúng y chang!

Chuyện tái hợp của hai chị em người Đại Hàn, khi đó cô chị đã 46 tuổi, là một chuyện hi hữu. Tìm lung tung không thấy bỗng định mệnh cho hai người, mang hai cái tên Mỹ lạ hoắc, từ hai tiểu bang khác nhau cùng về làm việc tại một bệnh viện ở một tiểu bang khác nữa. Rồi, hình như định mệnh là một thứ vô hình nhưng có tính cẩn thận nên run rủi cho cả hai cùng làm tại tầng bốn của bệnh viện. Định mệnh thích chơi trò trốn tìm như vậy. Nhưng định mệnh cũng là “người” có lòng.

Lần này định mệnh chơi đẹp với nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam. Đầu năm 1972, gia đình bà Nguyễn Thị Quý dắt díu nhau trốn chạy Cộng Sản. Khi tới ga Đà Nẵng, đứa con út tên Tống Trọng Hoàng, 3 tuổi, bị thất lạc. Bà Quý bôn bả khắp nơi tìm con nhưng không kết quả. Ai cũng khuyên bà nên coi như đứa con út đã chết nhưng bà vẫn vững tin con bà còn sống. Mặc những lời khuyên của chòm xóm nên xin lễ cầu hồn cho con, bà Quý vẫn một mực cầu nguyện xin cho gia đình đoàn tụ.

Đầu năm 2008, một người đàn ông 39 tuổi tên Trung, đạp xe lôi tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tạt vào một quán hủ tiếu để ăn trưa. Chủ quán là một người nói giọng Huế. Nghe giọng nói, anh Trung bỗng nhớ lại nhiều chi tiết vốn đã chìm sâu trong ký ức. Anh nhớ gia đình anh cũng nói giọng giống như ông chủ quán hủ tiếu này. Thất lạc gia đình từ nhỏ, anh không thể nhớ vì sao mình thất lạc gia đình. Ký ức anh chỉ còn giữ lại được thời gian sau đó khi anh được một phụ nữ tốt bụng ở Bình Dương mang anh về nuôi. Lúc đó anh mới được 7 hoặc 8 tuổi. Số anh là số…mồ côi. Chỉ được vài năm thì người phụ nữ nhận nuôi anh bỗng chết bất thình lình. Đời anh lại ở ngoài đường phố. Đói, rét anh hưởng đủ cả. Thậm chí còn có lúc anh tưởng anh suýt chết. Một ông chủ tịch xã thời đó thương tình mang anh về nuôi. Nhưng chẳng bao lâu ông này cưới vợ, anh lại khăn gói quả mướp ra đường phố. Anh phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như chăn trâu, làm lơ xe đò. Có làm nhưng không có ăn, anh vẫn bữa đói bữa no rất vất vả. Năm 14 tuổi, anh Trung mới được ông bà Nguyễn Quý và Giằng Thị Anh ở Bến Cát nhận nuôi. Tuy hai ông bà cũng chỉ là công nhân, chẳng khá giả chi nhưng họ cũng mang lại cho anh Trung một cuộc sống ổn định. Năm 28 tuổi, anh lập gia đình. Vợ anh là Trần Thị Xuân, một cô gái mất mẹ từ sớm, cha lấy vợ khác và bỏ không nuôi. Bà Xuân kể lại: “Tuy cha mẹ nuôi rất tốt, gia đình tôi rất đầm ấm nhưng lúc nào chồng tôi cũng trăn trở, muốn tìm lại gia đình của anh ấy. Không biết căn cứ vào đâu mà anh ấy vẫn tin là sẽ có ngày gặp lại gia đình của mình. Anh kể là anh thường nằm mơ thấy một ông cụ khuyên anh ấy vững tin và hứa sẽ giúp anh tìm lại được gia đình”. Bây giờ, ngồi trong quán hủ tiếu, nghe giọng nói tiếng Huế của chủ quán, anh nhớ lại và tin chắc Huế là quê hương của gia đình anh, nơi mà anh nhớ mang máng nhà anh nằm “rất gần một ngôi nhà thờ rất lớn”. Ông chủ quán thấy một đồng hương trong hoàn cảnh đáng thương nên ra tay giúp đỡ. Ông thu xếp đưa anh Trung về Huế. Ông nghĩ ngôi nhà thờ lớn mà anh Trung nói chính là nhà thờ Phú Cam. Hai người hỏi thăm những gia đình sống quanh khu vực này nhưng không ai biết chi. Một người khuyên anh nên vào hỏi thẳng cha xứ. Cha xứ mang chuyện của anh kể lại trong bài giảng lễ ngày Chủ Nhật. Con cháu bà Quý nghi ngay đây chính là đứa con thất lạc của gia đình năm xưa nhưng họ chưa dám cho bà Quý biết vì sợ bà sẽ thêm thất vọng nếu anh Trung không phải là người bà vẫn âm thầm hối hận khóc thương hết nước mắt. Nay mắt bà đã mờ, lưng còng, đi đứng khó khăn. Những người trong gia đình tới nhà trọ gặp anh Trung. Vừa bước vào cửa, mọi người đã giật mình vì họ giống nhau như đúc. Để cho chắc ăn, họ dẫn nhau tới bệnh viện Trung Ương Huế để xin xét nghiệm DNA. Kết quả cho biết họ cùng huyết thống với nhau. Họ vội về báo tin với mẹ. Bà Quý khóc hết nước mắt vì xúc động. Ông Trung muốn lấy lại tên cũ là Tống Trọng Hoàng và cái tên này còn có trong “sổ rửa tội” mà nhà thờ Phú Cam còn giữ được. Đó là bằng chứng duy nhất cho việc anh Trung xin sửa tên nhưng chính quyền cộng sản lại không công nhận thứ sổ đạo “cũ rích” này!
Chuyện cũ của đất nước chúng ta là chuyện bị cuộc chiến xâm lược của cộng sản đào rối tung cả lên. Tôi muốn nói tới chuyện những chiến binh Mỹ qua tham chiến tại Việt Nam. Họ là những chàng trai trẻ, tuổi đời chưa bao lăm, rời cuộc sống bình yên tới vùng lửa đạn, nơi cái sống và cái chết kề cận nhau hàng ngày. Cuộc sống bấp bênh này đã khiến họ lao vào những chốn ăn chơi tràn đầy trên khắp đất nước chúng ta. Ngày nay, sống tại xứ sở tạm dung này, hưởng được sự an bình và đầy đủ, chúng ta mới cảm thông với tâm trạng rối bời của những chàng trai Mỹ phải dứt bỏ tất cả để tới chốn gió tanh mưa máu ngày đó. Cũng chẳng có chi lạ vì chuyện sống nay chết mai kề cận đã xô cả lớp thanh niên chúng ta ngày đó vào những thú vui vội vã. Ngày mai là một khoảng trống lạnh người, chắc chi còn có họ trên cõi đời này.

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
(Nguyễn Bắc Sơn)

Vậy nên những anh lính mắt xanh trẻ tuổi ngơ ngác từ nơi chốn an bình tới vùng chiến tranh có chia sớt nỗi buồn với các cô gái trong các quán bar đầy rẫy ngày đó cũng chẳng có chi lạ. Họ phải sống như vậy. Cái đuôi của những cuộc tình tạm bợ này là những đứa trẻ chẳng ai mong đợi ra đời. Ngày đó, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, họ trở về cố hương. Tuổi trẻ khiến họ chỉ nhìn thấy những gì trước mắt. Khi xách ba lô lên máy bay rời chốn tên bay đạn réo họ ít khi nhớ tới những ngày sống bấp bênh nơi không phải là quê hương của họ. Ngày nay, thời gian chồng chất tuổi lên vai họ, họ chín chắn hơn, và nghĩ về cuộc sống khác hơn. Họ tìm về quá khứ để vỗ về lương tâm.

“Công việc quan trọng nhất của đời tôi bây giờ là tìm lại đứa con mà tôi đã ruồng bỏ ở Việt Nam”. Anh Allan đã nói như vậy. Anh qua tham chiến tại Việt Nam khi mới 20 tuổi. Đó là vào tháng 6 năm 1972. Anh bị thương nên chỉ sau 9 tháng phục vụ anh được lệnh về lại Mỹ. Tuy nhiên chỉ với 9 tháng đó anh đã để lại một mối tình và một bào thai khi anh trở về vào tháng 2 năm 1973. Người con gái chung sống với anh là một cô gái bán bar tên Kim. Khi anh bỏ đi để về lại Mỹ, cô Kim đã chạy theo và cho biết bào thai trong bụng là con của anh. Allan nhớ lại: “Lúc đó tôi không tin cô ấy. Thời đó, những người lính Mỹ chúng tôi cho rằng con gái Việt Nam nói dối về việc mang thai. Chúng tôi vẫn nghĩ mong muốn lớn nhất của họ là cưới được lính Mỹ, theo chúng tôi về nước và thoát khỏi chiến tranh. Còn lính Mỹ như tôi thì vô trách nhiệm, chỉ muốn hưởng thụ để quên đi chiến tranh. Chúng tôi sống buông thả, chơi gái và phê thuốc”. Ngày nay Allan hối hận vô cùng về cách hành xử của anh khi đó, một thanh niên ít tuổi, nhìn đời bằng con mắt hẹp hòi. Anh thổ lộ: “Mong Kim hãy tin tôi, trong suốt 42 năm qua tôi đã phải sống với cảm giác dằn vặt, xấu hổ vì những gì tôi đã làm!”. Anh quyết đi tìm Kim và đứa con cho yên ổn đầu óc. Anh không có nhiều chi tiết về người yêu. Chỉ biết cái tên Kim, không biết họ của cô. Mà cái tên Kim đó chắc chi đã là tên thật. Với chỉ một chi tiết mù mờ như vậy, Allan không thể làm gì khác hơn là thử ADN qua tổ chức FamilyTree.com. Họ sẽ đối chiếu ADN của anh với những khách hàng của họ coi có đúng không. Giá mỗi dịch vụ thử ADN này khoảng 100 đô. Đây là một số tiền lớn đối với cuộc sống chật vật của anh ngày nay. Tuy vậy anh vẫn dự tính bỏ thêm 200 đô nữa để thử ADN với hai tổ chức khác là Ancestry.com23andme.com.

Anh Allen không cô đơn trong hành trình tìm đứa con thất lạc. Dennis Hall cũng đang tìm kiếm  như anh. Dennis sang Việt Nam vào năm 1972 khi được 20 tuổi. Anh được làm việc ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực quanh sân bay là “thiên đường” của lính Mỹ ngày đó. Dennis la cà tại những quán rượu trong vùng. Anh gặp Thyna tại một quán rượu và hai người yêu nhau. Họ thuê nhà và sống chung với nhau tại nhà số 281/50/3 đường Trương Minh Ký. Chỉ một thời gian sau, hiệp định Paris được ký kết. Anh buồn rầu vì biết mình sẽ phải về Mỹ nên không dám nói sự thật với Thyna. Nhưng rồi Thyna cũng biết. Nàng van nài anh ở lại, hứa sẽ kiếm việc làm cho anh. Đồng thời nàng cho anh biết là nàng đã có thai với anh. Nhưng anh vẫn lên đường, bỏ lại Thyna với cái thai mà anh không chắc là giọt máu của anh. Từ đó anh không có tin tức gì của Thyna. Ngày nay, cũng như Allen, anh cũng bị dằn vặt về hành xử của anh ngày anh rời Việt Nam. Nhưng anh Dennis chơi ngon hơn Allen nhiều. Anh đã trở lại tìm kiếm người yêu và đứa con của anh. Anh về lại phố cũ, tới căn nhà xưa. Một phụ nữ hiện ở trong căn nhà này cho anh biết là Thyna có tên Việt là Nga. Sau khi sanh, cô đã lấy chồng khác và theo chồng về Canada. Dennis liền đăng quảng cáo tại các báo ở Canada tìm một người tên Nga đã sống tại đường Trương Minh Ký vào thời gian đó. Anh nhận được hồi âm nhưng người phụ nữ tên Nga đó không phải là Nga của anh! Thất vọng nhưng anh nhất định không bỏ cuộc vì anh tin chắc là Nga của anh vẫn có mặt ở đâu đó trên trái đất này. Và anh sẽ tìm được cô.

Trường hợp của anh Barry Cochren có nhiều chi tiết dễ tìm kiếm hơn. Barry sang Việt Nam vào ngày tết dương lịch năm 1970. Lúc đó anh mới 21 tuổi và đóng quân ở Long Bình. Anh là một cây si tình. Gặp và bồ với cô Trương Thị Đào, anh thường dù về Sài Gòn để chung sống với người yêu tại căn nhà số 261/38 Trương Minh Ký. Có lẽ anh là người cẩn thận nhất trong số các cậu lính Mỹ bồ bịch với gái Việt Nam. Đã biết rõ cả họ tên của tình nhân, anh còn biết quê nàng ở Củ Chi, mẹ tên Đỗ thị Nam, cha tên Trương văn Lợi và Đào đã có một con riêng sanh năm 1960 hoặc 1962. Khi được lệnh về nước, anh muốn mang theo Đào lúc đó đang mang thai. Anh tin đó là máu mủ của anh. Nhưng cấp chỉ huy của anh khuyên anh không nên làm như vậy. Barry rời Việt Nam vào ngày 25 tháng 11 năm 1970. Sau khi về Mỹ, Barry đã nhờ một người bạn tới thăm Đào. Anh bạn này đã mang về Mỹ cho Barry tấm hình chụp đứa con gái của anh và một bức thư của Đào. Hai người tiếp tục thư từ cho nhau và chỉ mất liên lạc khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm. Cũng như Allen, anh Barry cũng thử ADN để nhờ các tổ chức tìm kiếm giúp tìm con. Kết quả anh chờ đợi chưa có, anh muốn về Việt Nam một lần để tìm con nhưng anh chưa có đủ tiền bạc để làm một chuyến trở lại nơi cũ.

Những người như Allen, Dennis và Barry đã kể về nỗi mất mát và đau đớn của họ trong một cuốn sách do Bonita J. Caracciolo biên soạn mang tên “Where is my Child? The Lost Families of Vietnam Veterans”(Con Tôi Đâu? Chuyện Những Gia Đình Thất Lạc của Cựu Chiến Binh Mỹ). Có rất nhiều trường hợp được kể lại trong cuốn sách này. Kể sao cho xiết. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại một cuộc tìm kiếm khác vì cái tình của người lính Mỹ này với người yêu và đứa con của anh.

Jim Reischl sang Việt Nam làm vô tuyến viên tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 4 tháng 7 năm 1969. Anh rất nhát, ở miết trong căn cứ không dám ra phố như những GI khác. Ba tháng sau anh mới lấy hết can đảm rời khỏi sân bay đi du hí cùng với một đám bạn. Ngay trong lần đầu tiên xuất quân anh đã gặp Linh Hoa, một cô gái cũng ít nói như anh. Sau nhiều lần gặp gỡ, Jim yêu cô gái lặng lẽ này. Hai người thuê nhà sống chung với nhau tại đường Nguyễn văn Thoại. Đầu tháng 5 năm 1970, anh được lệnh hồi hương. Linh Hoa cho anh biết là nàng đang mang giọt máu của anh. Còn trẻ và sợ trách nhiệm, anh nói dối với người yêu là không lo được giấy tờ cho nàng đi cùng. Ngày 1 tháng 6 năm 1970, anh lên máy bay. Từ Mỹ, anh viết thư cho Linh Hoa nhưng không nhận được hồi âm. Ngày nay, đã về hưu, Jim luôn bị dằn vặt về những hành động của anh hồi trẻ. Anh dành dụm tiền bạc trở lại Sài Gòn tìm kiếm Linh Hoa. Năm 2011, anh tới con phố cũ hỏi thăm tin tức. Kết quả là một con số không. Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh dự tính tới đầu năm 2016 sẽ về lại nữa. Lần này anh sẽ ở lại tới bốn tháng để tìm tung tích người yêu và đứa con của anh. Trong khi chờ đợi, anh bày tỏ nỗi lòng trong một lá thư không gửi. Tôi trích vài đoạn trong lá thư tình muộn màng này. “Anh đang đi tìm em. Đã bao năm trôi qua rồi, anh tìm không phải với ước muốn nối lại tình xưa. Anh chỉ muốn nói chuyện với người con gái mà anh đã biết vào những năm 1969 và 1970… Những ý nghĩ về em chưa bao giờ rời bỏ anh, có lẽ vì em đã luôn tốt với anh, em đã luôn bên anh. Và anh muốn xin lỗi em, xin lỗi vì anh đã bỏ mặc em trong thời gian đó. Anh hy vọng em hiểu rằng lúc đó anh là thằng con trai 21 tuổi, đầy sợ hãi, ở một đất nước xa lạ, và anh chỉ muốn được trở về nhà….Bây giờ anh cảm thấy mình có lỗi. Anh biết em đã nói với anh rằng em có thai nhưng lúc đó anh không chắc anh có thể tin em. Đáng lẽ anh không nên nghĩ thế. Anh mong em hiểu cho anh. Anh đang tìm em để nói với em những điều này…Tìm em để có thể cảm ơn em đã bên anh khi anh rất cần một người bên anh lúc đó. Em đã luôn tốt với anh. Anh muốn nói với em điều này khi gặp mặt. Bây giờ, cả hai chúng ta đã già rồi. Nếu em có gia đình, anh hy vọng sẽ được gặp gia đình em. Nhưng nếu em không đồng ý, anh hiểu….Trong trường hợp em không muốn gặp lại anh, anh cũng chấp nhận. Anh chỉ muốn biết rằng em bình an. Nếu biết chắc được điều đó, anh sẽ không đi tìm em nữa.”

Đọc lá thư này, chắc độc giả đã hiểu tại sao tôi lại cố kể thêm mối tình của Jim Reischl và Linh Hoa cùng đứa con mà Jim đang tìm kiếm.

10/2015