Chuyện gì cũng có chỗ của nó. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Cho ra đời một con người, đó là chuyện lớn. Vậy nên cái chỗ cũng phải lớn. Đó là những nhà hộ sanh, có bác sĩ, có y tá giúp cho những người đi biển. Người ta đi biển có đôi / Tôi nay đi biển mồ côi một mình. Xưa thì mồ côi thiệt thọ, nay thì hết mồ côi. Thế hệ tôi, khi vợ vào phòng hộ sanh, chồng chỉ biết sốt ruột đi loanh quanh bên ngoài, rất tốn thuốc lá và cà phê. Chuyện bên trong phòng sanh là chuyện của người…mồ côi. Cấm ngoại thủy không ai được biết. Ngày đó, chuyện lâm bồn của các bà là chuyện…kín. Các cô mụ dĩ nhiên đều là phe ta. Bác sĩ thì bần cùng bất đắc dĩ mới nhờ tới các nam bác sĩ. Vậy thì đó là chuyện đàn bà nhưng người gây ra chuyện lại là đàn ông. Khi tới hồi gay cấn thì anh đàn ông bị nhốt ở ngoài.
Ngày nay đã khác. Bụng làm dạ chịu. Anh gây ra chuyện thì anh có bổn phận chia sẻ. Anh chồng được vào phòng sanh, cầm tay vợ, an ủi, giúp đỡ vợ (tinh thần thôi!) đẩy ra đời cái kết quả của cuộc hợp tác song phương chín tháng mười ngày trước đó. Nhìn thấy vợ vất vả banh da xẻ thịt nhiều anh toát mồ hôi cùng với vợ. Có anh phản tỉnh thề sẽ không có vụ banh da xẻ thịt nữa. Thường thì các anh rất nghiêm túc khi thề thầm trong bụng trước thảm cảnh tan nát đang diễn ra trước mặt nhưng thề cá trê chui ống, thời gian bào mòn dần lời thề. Chỉ một năm sau, vợ chồng lại dắt tay nhau vào phòng sanh!
Chuyện một sinh mạng góp mặt với đời là chuyện quan trọng. Chỉ thêm một con số trong con số hàng tỷ nhân loại lúc nhúc trên mặt đất nhưng mỗi con số là một con số đặc biệt. Sự xuất hiện của mỗi đứa trẻ trong gia đình là một biến cố mang lại buồn vui cho cộng đồng nhỏ bé nhưng thân thiết này. Vậy nên chuyện ra đời thường là chuyện từ tốn. Thông thường ra thì phải tính bằng giờ, nhiều giờ. Có bà câu giờ hãm tới vài ngày. Nghĩa là dư thời gian để bồng bế nhau vào nhà hộ sinh. Có khi báo động giả, vào nhà hộ sinh rồi lại dắt nhau về chờ vì cửa chưa rộng mở. Chuyện lỡ độ đường là chuyện khó, nếu không muốn nói là khó dàn trời. Vậy mà vẫn xảy ra.
Hồi 1945, gia đình tôi tản cư về vùng quê trong ít tháng để tránh hòn tên mũi đạn trong khói lửa Hà Nội. Khi đó tôi còn rất nhỏ nên dễ hòa nhập với đám trẻ làng quê nơi chúng tôi trú ngụ. Tôi rất ngạc nhiên về tên lũ bạn quê này. Đứa thì là Rớt, đứa thì Rơi, đứa thì Ruộng, đứa thì Bờ. Hỏi ra thì tất cả đều là thứ…rớt cả! Chúng được sanh ra ngay thanh thiên bạch nhật giữa trời đất khi mẹ chúng đi làm ruộng. Tôi được người lớn giải thích là vì dân quê nghèo khó nên dù có mang gần tới ngày sanh vẫn cứ phải đi ra đồng làm ruộng như thường. Vậy nên mới có bà lỡ trút đứa con ra giữa ruộng đồng. Những đứa trẻ bị rơi ra đời đó được đánh dấu bằng những cái tên gợi lại nơi chốn lần đầu tiên chúng nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Những cái tên tưởng là tầm thường nhưng đôi khi cũng có “danh phận” như tên Mụ Rớt bán bún bò mà dân ta ít người không nghe tiếng. Thực sự tôi không biết rõ nhưng tôi nghi, và nghĩ có nhiều phần đúng, là mụ cũng thuộc category ra đời một cách vội vã.
Rơi con, rớt con tưởng là chuyện năm thì mười họa mới có, vậy mà có liêng chiêng. Kỷ lục về chuyện rơi có lẽ không ai tranh nổi với chị Đặng thị Hải, 45 tuổi, ở Hà Nội. Vợ chồng chị Hải nghèo rớt mùng tơi, ở trong một túp lều rách nát nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Một ký giả tới thăm đã mô tả: “Trước mắt chúng tôi là một túp lều rách nát, lụp xụp trơ trọi giữa cánh đồng, được trùm bạt trông mỏng manh đến độ chắc chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ nhấc bổng lên”. Chồng làm thuê làm mướn, việc khi có khi không. Vợ mò cua bắt ốc. Hơn hai chục năm họ vẫn nghèo rớt như vậy. Nhưng về đường con cái thì họ giàu hơn ai hết. Chị Hải sanh 14 lần tất cả, lần nào cũng…rớt! Đứa lớn sanh năm 1988, đứa bé nhất sanh vào cuối năm 2013. Đẻ rơi nhiều lần như vậy nên chị rất thành thạo. Chị sanh đứa bé nhất khi đang cắt cỏ vào lúc 4 giờ sáng. Chị tự đẻ tự đỡ. Xong xuôi mới kêu chồng con ra bế em bé về. Chuyện rơi rớt là chuyện chị đã quen nết từ lâu. Chị vẫn tự hào chẳng có ai đẻ dễ như chị. Không biết thành tích của chị Hải có được ghi vào sách kỷ lục Guinness không?
Các bà là những người sáng tạo đầy sung mãn khi đánh rơi con. Chỗ nào cũng có thể sanh rớt được. Thời buổi mà chuyện đồng áng không còn như thời dân nước ta 80% là nhà nông, các bà kiếm chỗ khác ngoài đồng ruộng để đánh rơi cái bụng lặc lè. Tôi tìm thấy một trường hợp gần với ruộng đồng nhất: đẻ rơi trên xe công nông. Chuyện mới xảy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 2015 vừa qua. Người đẻ rơi con là chị Hyo, 23 tuổi, ngụ tại Gia Lai. Thực ra nói chị vụng về đẻ rơi là oan cho chị. Anh Phâng, chồng của sản phụ, kể lại là chị chuyển bụng từ chiều ngày 12/5. Tới sáng ngày 13/5 thì chị đau bụng dữ dội. Anh vội vã chở chị tới bệnh viện. Nói là vội vã nhưng cũng đã trễ vì…phong tục. Anh chị là người Bahnar. Theo phong tục thì sản phụ phải chờ tất cả anh em nội ngoại đông đủ mới được vào bệnh viện sanh. Không biết đoàn người rồng rắn này đóng vai trò chi cho một sản phụ lâm bồn mà bắt phải chờ. Chờ cho đông đủ anh em, lúc đó xe công nông mới chuyển bánh. Xe công nông không phải là loại xe chạy nhanh nên nó không biết vội. Vậy là chị Hyo phải chơi ngay một màn…rớt vào lúc 7 giờ rưỡi sáng. Anh Phâng kể lại: “Lúc đó mình chỉ biết ôm vợ thôi, không biết làm gì, thấy người vợ đầy máu mình sợ lắm. Sợ Yang bắt vợ với con mình đi”. Một người anh cột chèo với anh Phâng vội chạy vào bệnh viện cầu cứu. Bác sĩ và cô đỡ chạy ra xe đỡ cho chị Hyo. Bé gái nặng 2,9 kí. Đây là con thứ hai của cặp vợ chồng này.
Đã nói các bà bầu là những người đầy sáng tạo nên chuyện rớt cũng là chuyện cập nhật theo sát thời thế. Ngày nay, xe công nông không phải là thứ thông dụng mà xe hơi mới chạy đầy đường. Vậy thì các bà cho rớt trên xe hơi. Chuyện xảy ra hà rầm, nói không hết. Tôi chỉ chọn ra vài trường hợp đặc biệt mới xảy ra để tán chơi. Như chuyện một bà bầu ở Reading, Berkshire, bên Anh, cho rớt ngay trên xe cảnh sát vào tháng 12 năm 2014. Vì kẹt đường mà bà bầu trong tình trạng báo động khẩn cấp nên cảnh sát phải đưa bà lên băng sau của xe tuần tiễu phóng như bay vào bệnh viện. Nhưng dù phóng như bay vẫn trễ. Chỉ trễ có hai phút. Bà cho rớt ngay trên xe. Khi tới bệnh viện thì bà đã bồng con trên tay!
Kẹt xe là chuyện thường ngày, nhất là vào giờ tan sở. Nhưng trường hợp kẹt xe khiến một bà bầu đẻ rơi này là lỗi ở ông Obama. Ông tới Kentucky vào tháng 4 năm nay và đoàn xe có còi hụ của ông đã làm gián đoạn giao thông. Bà bầu được chồng lái xe tới bệnh viện để lâm bồn bị kẹt cứng bên đường. Kẹt xe nhưng chu trình đòi tham gia vào cuộc sống của đứa bé không bị kẹt. Nó cứ lừng lững thúc hối ra đời cho bằng được. Vậy là rớt! May là trong đám xe bị kẹt có xe của một cô y tá. Cô mụ này liền chạy tới giúp sản phụ lâm bồn ngay trên băng sau xe hơi.
Tội của ông Obama không phải chỉ một lần. Trước đó, vào tháng 7 năm 2014, ông cũng làm một em bé rớt ngoài bệnh viện. Chuyện xảy ra ở Los Angeles. Sản phụ bị kẹt khoảng nửa giờ bên đường khi đường bị cấm dành cho đoàn xe của ông Obama chạy qua. Những người chung quanh chạy vào nhà thương báo động. Bác sĩ và y tá tức tốc chạy bộ băng qua đường để đón em bé sơ sanh ra đời. Cuộc đẻ rớt vì ông Obama này được những người chung quanh thu hình lại và tung lên mạng Twitter khiến dư luận xôn xao bàn tán. Không biết ông Obama có nhột không!
Nhưng oai hùng nhất về chuyện rớt trên xe có lẽ là bà Devi Mariah Ostler ở Utah. Một ngày trong tháng 2 năm 2015, bà lái xe chở đứa con 6 tuổi tới gửi tại nhà mẹ. Trước khi lên xe bà đã thấy chuyển bụng nhưng bà ráng. Khi xe đang chạy trên xa lộ thì bà hết ráng nổi. Bà gọi 911. Hiệu thính viên nghe thấy giọng bà rất bình tĩnh. Tưởng là chuyện chưa khẩn cấp lắm. Nhưng bà Devi bỗng cao giọng cho biết đã vỡ đầu ối. Bà nói tiếp: “Tôi đang cố lái xe qua làn đường trong. Tôi cần phải rặn!”. Bà cho hiệu thính viên biết tên của bà và mô tả hình dáng chiếc xe bà đang lái. Bỗng nhiên bà la lên: “Đứa bé chui ra rồi!”. Hiệu thính viên Brittney Chugg hướng dẫn bà những chuyện phải làm như ngừng xe bên đường, nằm ra ghế, giữ nhịp thở và giữ luôn đầu đứa bé để nó đừng chui ra nhanh quá. Nhưng đã quá trễ. Hai xe cảnh sát, một của cảnh sát trưởng Jean Loveland của thị xã Willard gần đó và một của cảnh sát tuần lưu xa lộ Josh Carr vội nhào tới. Chưa đầy một phút sau khi họ tiếp cận được chiếc xe của sản phụ 32 tuổi này, đứa bé nặng 4 kí rưỡi chào đời và được bọc trong chiếc áo. Hai mẹ con được đưa vào bệnh viện ở Brigham, cách Salt Lake City khoảng 60 dặm. Hồi tưởng lại cú rớt ngoạn mục này, sản phụ Devi nói: “Tôi biết đứa nhỏ đang đòi ra nên chẳng có chi mà hốt hoảng. Vì vậy tôi rất bình tĩnh và nói thầm với mình: “Nếu tôi phải sanh một mình thì sanh một mình, Nếu có người tới kịp thì họ sẽ tới kịp. Chuyện như thế, tôi chẳng làm chi được hơn”.
Rớt trên xe hơi, chưa đình đám. Thời buổi bi chừ, các bà còn biểu diễn cho rớt con trên máy bay. Chuyện nghe ra khó tin. Vì các bà bầu sắp tới ngày tháng lâm bồn không được leo lên máy bay. Theo khuyến cáo hiện hành thì nếu có bầu quá 36 tuần thì xin miễn bay cao. Thường thì các bà phải tới bác sĩ trước khi mạo hiểm với cái bụng chình ình. Vậy thì tại sao vẫn có những vụ đẻ rớt trên máy bay? Rớt lia chia. Năm 2006, một bà người Ai Cập cho ra đời một bé gái trên máy bay của một hãng hàng không Canada. Bé được mang quốc tịch Canada. Năm 2009, một bà người Samoa đã đẻ rớt trên máy bay mà không ai biết. Bà lẳng lặng vứt đứa bé vào thùng rác. Bà bị buộc tội sau đó. Tháng chạp năm 2010, trên máy bay từ Trung Đông tới Philippines, một bà cũng…rớt và cũng cho đứa bé vào một bao rác trên máy bay. Năm 2012, trên chuyến bay Delta từ một nước Phi Châu tới Atlanta của Mỹ, bà Katherine Oyedoh cũng đã sanh trên cao. Đầu năm 2013, một bà người Armenia đập bầu trên máy bay khi đang bay trở về thủ đô Yerevan. Đại khái nếu thống kê đầy đủ thì năm nào cũng có vụ sanh trên cao của các bà bầu thích cưỡi máy bay.
Riêng Canada chúng tôi cũng có cô Ada Guan góp mặt trong vụ…rớt trên máy bay (xin đừng hiểu nhầm là rớt…máy bay!). Vụ này mới xảy ra vào tháng 5 năm nay. Cô Ada Guan leo lên máy bay của hãng hàng không Air Canada bay từ Calgary, Canada tới Tokyo, thủ đô của Nhật Bổn. Khi máy bay đang vượt qua biển Thái Bình Dương trên cao độ 11 ngàn thước, cô…rớt! Cô tỉnh bơ nói: “Tự nhiên tôi thấy có cái gì từ trong tôi rớt ra!”. Bồ của cô, chàng Wesley Branch đi cùng, cũng ngây thơ không kém: “Tôi kéo quần của cô ấy và thấy một cái đầu ló ra”. Cô được đưa lên ghế hạng nhất. Ba ông bác sĩ có mặt trên máy bay đã ra tay đỡ ca sanh hi hữu này. Chuyện khó tin nhưng có thật là cô Guan không biết mình có thai. Mà cô bé bỏng chi cho cam, đã tròn 23 tuổi. Thực ra cô cũng có nghi khi thấy tăng cân nên đã thử thai vài tuần trước khi đi du lịch. Kết quả âm tính. Tới phòng mạch bác sĩ, ông này cũng không biết là cô mang bầu gần tới ngày sanh. Cả chiếc que thử lẫn ông bác sĩ đều không có mắt!
Dân ta, ngoài ruộng đồng, có ai tham gia vào vụ đập bầu trên xe hay trên máy bay không? Không thấy tin tức nào nói đến. Nhưng đập bầu trên tầu biển thì có. Dân boat people mà! Tôi mới được đọc truyện ngắn “Bé Biển” của tác giả Nguyễn Trần Diệu Hương. Truyện nhưng không phải hư cấu mà là chuyện thật. Trong lời kết, tác giả đã viết: “Năm 2011, trong một lần đến họp và tập hát chuẩn bị cho hội ngộ cựu học sinh Ngô Quyền toàn thế giới lần thứ 2, ở phòng mạch của bác sĩ Huỳnh Quan Minh, một đàn anh Ngô Quyền, chúng tôi thấy một plaque hình thuyền vượt biển khá đẹp, và được nghe kể lại một chuyện cảm động trên tàu thời đó. Tấm plaque treo tường với chiếc ghe nhỏ bé chơ vơ giữa biển xanh đã thu hút sự chú ý của chúng tôi, một cựu thuyền nhân. Có những tình cờ trong cuộc sống để lại một dấu ấn suốt đời mang theo. Xin được ghi lại vài nét của một trong những chuyện không bao giờ quên trong lịch sử thuyền nhân. Hy vọng đời sống luôn có những người trọng tình nghĩa như những nhân vật trong truyện, và những hạnh ngộ bất ngờ luôn luôn làm cho đời sống đẹp hơn”.
Trên chiếc ghe vượt biên rời cửa biển Long Hải chở khoảng 70 thuyền nhân có một cặp vợ chồng trẻ. Người vợ ốm yếu mảnh mai, mang thai con so, mặc nhiều lớp áo quần khiến ít ai biết chị có thai. Mọi người được đưa xuống trốn dưới hầm tàu. Vào đêm thứ nhì trên biển, người vợ chợt thấy đau nhói ở bụng. Chị chưa có kinh nghiệm nhưng tính nhẩm cũng biết là phải một tháng nữa chị mới sanh. Nhưng “cơn đau chỉ lắng xuống một vài giây, rồi lại nhói lên quặn đau mỗi lúc một nhiều hơn. Chịu không nổi, chị đành lay vai anh: “Anh ơi anh, chắc em đang chuyển bụng đẻ”. Đang vật vờ say sóng, nghe vợ sắp sinh, anh tỉnh hẳn, mở mắt nhìn quanh, rồi hỏi chung quanh: “Có ai biết đỡ đẻ không? Xin giúp vợ tôi”.
May mắn trên tàu có một bác sĩ tên Vinh. Không dụng cụ, không thuốc men, không phương tiện, sản phụ lại sanh con so nên việc đỡ đẻ trở nên thập phần khó khăn. Chỉ có một điều thuận lợi là sản phụ rất can đảm, không hề rên la, môi cắn chặt đến rướm máu, tự đẩy được em bé ra ngoài. Đó là một bé gái. “Em bé gái mới ra đời được tắm bằng nước biển Đông, được cắt nhau bằng đầu móng tay cái và móng tay trỏ của Vinh. Những đầu móng tay Vinh bắt đầu để dài từ lúc bắt đầu chơi guitar với sự hướng dẫn của một ông thầy dạy môn nhạc từ những năm đầu Trung học, không ngờ lại được dùng rất có hiệu quả trong trường hợp hi hữu giữa biển khơi. Không có alcohol để tẩy trùng, Vinh đến bên mạn thuyền, múc nước biển lên rửa tay. Muối của đại dương cũng ít nhiều sát trùng những đầu ngón tay của Vinh trước khi Vinh cắt cuống rún của em bé sơ sinh”.
Bé được đặt tên là Biển để ghi nhớ phút ra đời gian nan trên biển. Bốn ngày sau, thuyền tị nạn được một tàu Ý vớt. Bé mang quốc tịch Ý. Bác sĩ Vinh được định cư tại Mỹ vào năm 1999 và học lại. Ông lấy được bằng và chứng chỉ hành nghề, tiếp tục làm việc tại các bệnh viện. Một ngày mùa hè, hết giờ làm việc, Bác Sĩ Vinh sửa soạn ra về thì được cô thư ký báo có một người quen cũ đến từ Âu Châu chờ xin gặp. Khách là một cặp vợ chồng đã qua tuổi trung niên và cô con gái chắc còn trong độ tuổi đôi mươi. Vinh không nhận ra họ là ai cho tới khi người khách đàn ông lên tiếng: “Thưa bác sĩ, chúng tôi từ Ý đưa bé Biển đến thăm bác sĩ, và để cảm ơn bác sĩ đã lo cho mẹ con cháu chu đáo trên biển đông năm xưa”. Vinh nhớ ngay họ là ai trên con tầu vượt biên ngày nào.
Cái tên Biển nôm na của cô gái chỉ dùng ở nhà. Tên trên khai sanh văn hoa hơn nhiều: Nguyễn Thị Đại Dương. Cả gia đình vẫn nhớ tới vị bác sĩ ân nhân của họ. “Cho đến một ngày nọ, tin tức địa phương từ một tờ báo về chuyện một người thuyền trưởng tài ba, nhân từ về hưu sau hơn 30 năm lênh đênh trên các đại dương, giúp họ tìm ra vị thuyền trưởng đã cứu vớt con tàu nhỏ bé năm xưa của những người Việt Nam tỵ nạn. Họ tìm đến gặp ông, và lần này đã có thể nghe ông kể lại câu chuyện và tâm trạng của ông năm xưa bằng tiếng Ý. Sau đó, họ được ông tặng tấm hình chụp con tàu tỵ nạn dạo nào, trên đó có họ gầy yếu xanh xao, có đứa con đầu lòng, bé Biển hãy còn đỏ hỏn, không có sữa uống, được nuôi bằng nước cháo. Tấm hình được họ mang đến tiệm, nhờ chuyển qua dạng một cái plaque treo tường. Họ làm cho mình một, và một plaque thứ hai để dành tặng cho ông bác sĩ trẻ năm xưa giúp bé Biển chào đời an toàn trên sàn tàu vượt biên”.
Họ vào internet tìm biết được bác sĩ Vinh đang sống ở San José. Ngày hè năm đó, cả gia đình đã qua San José để gặp người ân nhân ngày xưa. Bé Biển, nay không còn bé nữa, nhưng vẫn nói được tiếng Việt một cách trơn tru bằng giọng Huế pha giọng Sài Gòn: “Thưa bác, con cảm ơn bác đã giúp cho con chào đời an toàn trên biển. Nghe ba mẹ con kể lại, và nhớ ơn bác năm xưa, con đã học sản khoa. Có lẽ suốt đời con không có cơ duyên đặc biệt như bác đã làm ngày con ra đời. Nhưng con nhớ hoài chuyện đó và vẫn kể cho bệnh nhân của con nghe khi họ sắp chuyển dạ để giúp họ thêm can đảm. Con cám ơn bác rất nhiều”.
06/2015
|