Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

CHỤP

Đúng vào ngày đầu tháng 7 năm nay, tòa Bạch Ốc làm một cử chỉ thoáng, thoáng như nắng hè đang trở về. Đó là bãi bỏ lệnh cấm du khách chụp hình trong tòa Bạch Ốc. Lệnh cấm này có từ bốn chục năm trước. Sở dĩ du khách từ trước tới nay không được chụp hình khi vào thăm tòa nhà trắng, chẳng phải vì lý do an ninh mà vì sợ ánh sáng đèn flash của máy hình làm hư những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Ngày nay kỹ thuật chụp hình đã tiến bộ, không cần flash vẫn chụp hình rõ ràng, đâu ra đấy đàng hoàng, vậy nên lệnh cấm đã được bãi bỏ.

Người tuyên bố lệnh bãi bỏ này không ai khác là chủ nhân đích thực của tòa Bạch Ốc: bà Michelle Obama. Tôi có được xem vidéo bà Michelle tuyên bố sự kiện “lịch sử” này. Bà ngồi, khuôn mặt tươi vui, cầm một tấm bảng bằng bìa cứng khổ lớn, thứ chúng ta vẫn thường thấy cắm trên các bãi cỏ. Bà nói: “Nếu bạn vào thăm tòa Bạch Ốc, bạn có thể nhìn thấy tấm bảng này”. Bà giơ cao tấm bảng mà du khách phải nhìn thấy khi vào thăm tòa nhà quyền lực nhất nước. Tấm bảng này có ghi hàng chữ: “No Photos or Social Media Allowed”. Các máy hình đi chỗ khác chơi. Vẫn giơ tấm bảng hơi quá khổ với tư thế ngồi, bà nói tiếp: “Không còn nữa!”. Và bà làm một cử chỉ tượng trưng, xé toang tấm bảng làm đôi.

Những du khách vào thăm tòa Bạch Ốc lúc 10 giờ sáng ngày thứ tư 1/7, toán du khách đầu tiên sau lệnh bãi bỏ chụp hình, lại thấy một tấm bảng có nội dung khác đập vào mắt: “Photography is Encouraged”. Việc chụp hình được khuyến khích. Nhưng cũng có một tấm bảng khác chi tiết hơn: “Việc chụp hình được khuyến khích. Nhưng xin nhớ tắt đèn flash và không quay video”. Vậy là có hạn chế. Theo thông báo của tòa nhà trắng thì danh sách cấm gồm: máy quay video, máy hình với ống kính rời, tablet, chân đỡ máy hình và gậy selfie.

Lệnh là cấm máy hình, nhưng nhìn vào những hình du khách đầu tiên chụp tòa Bạch Ốc, người ta thấy hầu như họ chỉ chụp bằng điện thoại thông minh. Chiếc điện thoại thông minh ngày nay đã láo lếu lấn sân máy chụp hình. Điện thoại dùng để alô. Đó là nhiệm vụ chính. Khi điện thoại còn dính vào chiếc bàn trong nhà, nó chỉ được nhấc lên khi người ta cần nói chuyện. Tới khi nó được giải thoát khỏi chiếc bàn và sợi dây loắn xoắn nối vào tường, nó cũng chỉ làm nhiệm vụ căn bản là alô.

Khoảng cuối thập niên 1980, điện thoại cầm tay còn rất hiếm, một anh bạn của tôi đã bỏ tiền mua một chiếc. Chiếc điện thoại cồng kềnh, nặng nề, dùng để ném chó cam đoan chó sẽ không còn ngáp nổi. Tuy nặng nề nhưng chiếc điện thoại đã làm khuôn mặt của anh bạn tôi vênh lên cao, rất cao. Phải là dân có tiền và chịu chơi mới chơi thứ đồ độc như vậy.

Ba chục năm trước, chiếc điện thoại cầm tay trông nản như vậy. Vậy mà hồi đó những người ôm một cục sắt biết nói đó là một giai cấp khác, giai cấp thượng lưu! Người đầu tiên dùng điện thoại di động ở Canada là ông Victor Surerus ở Peterborough thuộc tỉnh bang Ontario. Ông này là chủ nhân một nhà quàn. Ông là người đầu tiên ký hợp đồng dùng điện thoại cầm tay với hãng Bell. Chiếc điện thoại đầu tiên giao cho khách hàng có giá 2.700 đô. Tiền dịch vụ ông phải trả mỗi năm lên tới 10 ngàn đô. Năm 1985, khi tôi tới định cư tại Canada, đồng tiền có giá trị hơn bây giờ nhiều. Ngay cả năm sau, khi tôi đã sắm được xe hơi, thì tiền xăng lúc đó chỉ khoảng trên 20 xu một lít! Vậy mà các cây xăng còn phải đua nhau tặng quà cho khách hàng. Quà tặng là ly uống nước, túi vải, các loại tournevis. Đó là những thứ tôi nhớ được. So như vậy mới thấy số tiền ông Victor Surerus phải trả lớn như thế nào. Đắt như vậy nhưng ông vẫn cho là đáng đồng tiền bát gạo. Ngày nay, nhớ lại thời đó, ông vẫn khoái chí: “Với cách này tôi có được tự do muốn làm chi thì làm và  không bị ràng buộc chi cả. Cái giá phải trả quả có cao nhưng rất xứng đáng”.
Ngày nay, nhìn vào hình cái cellphone của ông Victor Surerus thời đó, chúng ta dễ có cái cười khinh mạn. Cái phôn đó ngày nay có cho cũng chẳng ai thèm lấy. Cứ lấy mình ra làm ví dụ: tôi không phải là tay chơi phôn nhưng trong ngăn kéo đồ vứt đi của tôi cũng đã có tới gần chục chiếc phôn tay loại phế thải. Cái nào trông cũng gọn ghẽ, dễ thương hơn cái phôn của ông Surerus nhiều. Nhưng nói thế cũng ngặt cho ông này. Thời ông, có cái phôn như vậy là ăn trùm thiên hạ. Nghe vậy, cứ tưởng thời đó xa xôi lắm rồi. Có ai biết là mới chỉ đúng có ba chục năm. Tại Canada, làn sóng điện phôn cầm tay được khánh thành vào ngày 1 tháng 7 năm 1985 bằng cú gọi giữa Thị Trưởng Toronto là ông Art Eggleton và Thị Trưởng Montreal là ông Jean Drapeau.

Mới có ba chục năm mà chiếc cellphone đã tiến những bước của người khổng lồ. Phôn tay ngày nay không chỉ dùng để alô mà còn làm được đủ thứ chuyện khác, gần như một máy điện toán. Đại khái chúng ta có thể text, đọc e-mail, đọc báo, chơi đủ trò chơi, xem phim và chụp hình. Tại Montreal chúng tôi, phôn tay có thể cho biết chương trình dọn tuyết tại khu vực mình ở và làm việc, giờ xe buýt tới trạm. Thành phố vừa loan báo, trong tương lai không xa, hành khách metro và xe buýt có thể mua vé online vào phôn di động rồi dùng ngay chính chiếc phôn làm vé luôn, khỏi dùng thẻ lỉnh kỉnh. Tôi không muốn chạy theo những cái cell để ca tụng thêm nhiều trò của chúng nữa. Mình đang nói chuyện chụp hình bằng phôn tay nên chỉ giới hạn vào chuyện này thôi.

Điện thoại cầm tay ngày nay vẫn có thứ chưa…thông minh, chỉ dùng để nói chuyện với người khác. Thứ điện thoại mà du khách dùng để chụp hình bên trong tòa nhà trắng là thứ điện thoại thông minh làm được đủ thứ. Tôi, để khỏi mang tiếng là lạc hậu, cũng dùng thứ thông minh với mong ước là may ra nó làm cho mình thêm thông minh! Phôn tay của tôi cũng chụp được hình nhưng hình chụp coi bộ có chất lượng kém, không thể bằng máy hình được. Chỉ được cái tiện lợi. Lúc nào cũng có sẵn trong túi, cần nháy một cái là nháy được liền. Nó là cái iPhone 4. Ngày nay người ta đã có tới iPhone 6 rồi mà tôi vẫn lẹt đẹt lê chậm tới hai bước là vì tôi là dân ăn thừa. Con cái dùng cái mới, thải ra cái nào thì mình dùng cái đó. Chẳng phải mua bán chi mất công, có hại cho cái túi tiền. Vậy mà nó cũng giúp tôi chữa cháy được hai lần. Lần thứ nhất, trong một bữa ăn bất thần do một người bạn khoản đãi, tôi bất ngờ gặp lại nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Đã lâu không gặp nhau, phải chụp tấm hình kỷ niệm. Không sẵn máy hình, tôi móc chiếc điện thoại ra chụp với nhà nhạc sĩ ngụ cư cùng một thành phố nhưng ít khi chạm trán nhau. Sau đó, hứng chí, tôi post tấm hình lên facebook. Nó mờ mờ ảo ảo, màu sắc xanh lè, trông cứ như hai tội phạm chụp trong xà lim! Lần thứ hai, cũng tình cờ gặp cô cháu ca sĩ Diễm Liên. Bí quá, cũng rút điện thoại ra chụp. Tình trạng không khá gì hơn. Diễm Liên bữa đó tới trình diễn, trang điểm điệu đàng, sáng bóng, cười tươi, vậy mà cái cell chết tiệt của tôi chỉ ghi lại được một dung nhan mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm! Nếu vội vàng, tôi sẽ kết luận là hình chụp bằng cell phone dở hơn chụp bằng máy hình chính thống nhiều. Nhưng kết luận ngay như vậy là không fair tí xíu nào. Vì tôi đã từng được coi những hình chụp bằng điện thoại thông minh mà hình rất rõ nét, đẹp, màu sắc tươi rói, bóng bẩy. Vậy thì tại tôi hay tại cái cellphone của tôi?

Trước hết là chuyện giữ con mắt của phôn. Chuyện này tôi phải đấm ngực lỗi tại tôi mọi đàng. Ống kính là con mắt của máy hình và phôn tay thông minh. Chúng cần phải được lau chùi luôn. Với máy hình, tôi cũng thường o bế cái ống kính, nhưng với chiếc phôn của tôi, tôi hầu như chẳng bao giờ lau chùi con mắt của nó. Bi chừ, vào internet, đọc được một bài nói về việc chụp hình bằng phôn thông minh của một anh bạn trẻ, tôi mới sực nhớ tới con mắt của chiếc phôn tội nghiệp của tôi. Có lẽ vì ống kính của máy hình to chàng ảng dễ nhắc nhở chúng ta nhớ trong khi con mắt của cellphone nhỏ chút xíu như một hạt đậu làm chúng ta quên béng mất chăng? Mắt của phôn bị bụi làm mờ thì hình làm sao sáng sủa cho được! Tôi phải xin lỗi ông bạn Phạm Mạnh Cương và cô cháu Diễm Liên về chuyện bất cẩn này. Để tạ lỗi, tôi vừa mới lau chùi kỹ càng con mắt của phôn. Lần sau nhất định sẽ đẹp trai và đẹp gái hơn nhiều!

Để chụp được một tấm hình rõ nét, không bị mờ, phải giữ cho máy hình không bị rung. Chuyện này chúng ta dễ dàng làm được với chiếc máy hình thường là lớn hơn chiếc phôn nhiều. Nhưng với chiếc phôn gọn lỏn trong bàn tay, việc giữ cho phôn đừng rung là chuyện phải cố gắng. Coi bộ đây cũng là một khuyết điểm của tôi. Cứ đưa phôn lên là bấm. Phôn không có nút bấm mà chỉ có một điểm tròn trên màn hình. Đụng vào điểm này là chụp xong. Cái đụng tay nhẹ nhàng này cũng gây rắc rối. Nó quá nhẹ nên thường thì phôn bị chao nhẹ đi, hình mất nét. Ông bạn trẻ khuyên nên hít sâu và nín thở vài giây khi chạm nhẹ vào điểm tròn trên màn hình. Chắc có lẽ phải cố gắng giữ như vậy.

Để giúp đỡ cho người sử dụng, các phôn thông minh loại xịn như iPhone 6 Plus, Samsung Galaxy Note 4, Galaxy S6, Galaxy S6 Edge, Lumia 930 đã có chức năng chống rung. Chụp hình bằng những phôn xịn này dễ có hình đẹp. Đó chưa phải là trường hợp của tôi, một người dùng toàn phôn loại cổ lỗ sĩ! Nhưng các nhà sản xuất cũng không đến nỗi bỏ rơi hoàn toàn những người không có phôn xịn như tôi, họ đã phát minh ra những software phần mềm giúp chống rung khi chụp hình. Nổi tiếng nhất có software ProCamera cho loại iPhone Camera FV-5 cho loại dùng hệ điều hành Android.

Đã lau chùi ống kính, đã nhất định không rung, nhưng đôi khi những bức hình chụp cũng chưa ưng ý, chỗ cần rõ nét lại mờ, chỗ không cần rõ nét lại nét, tại răng? Tại vì chúng ta chưa biết sử dụng điện thoại thông minh. Khi chụp hình bằng phôn tay, chúng ta xác định chủ thể nào là chính. Phôn có một chức năng chọn chủ thể mà ít người trong chúng ta biết. Đó là AF cho phép chúng ta lấy nét bằng cách chạm tay vào màn hình ngay chủ thể chính cần lấy nét. Khi thấy chủ thể trên màn hình đã gọn gàng nằm trong một ô vuông, chúng ta mới bấm.

Nếu đã làm tất cả các bước trên mà khi về nhà coi hình vẫn chưa thấy bằng lòng, không nên thất vọng. Dĩ nhiên là không cách chi chụp lại được tấm hình đã nằm chình ình trong phôn. Tôi không thể liên lạc để hẹn gặp nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương để chụp lại được nữa. Lóng rầy ổng rất bận rộn. Cũng không thể ới cô cháu Diễm Liên ở tận bên Cali qua để chỉ chụp lại một tấm hình. Vậy thì mần răng? Lại phải tìm vào các software như Snapseed, Pixlr để chỉnh lại tấm hình đã yên vị trong máy cho chủ thể rõ nét hơn, cho các phần khác mờ mờ hơn hầu có một tấm hình như ý.

Nhìn những tấm hình do anh bạn trẻ chụp bằng phôn di động, không biết anh chỉnh sửa ra sao mà hình rõ nét và đẹp như chụp bằng máy ảnh nhà nghề, thứ mà chúng ta thấy mọc ra lia chia trong những trận quần vợt, bóng đá hay hockey như những khẩu đại bác. Chụp được như vậy thì điện thoại thông minh quả xứng danh “thông minh”, cho các máy chụp hình đi chỗ khác chơi là phải.

Các nhà sản xuất điện thoại thắng lớn như vậy nhưng coi bộ cũng chưa vừa lòng. Họ còn đang làm hơn nữa mỗi khi có kiểu cellphone mới ra lò. Càng ngày điện thoại di động càng tăng số điểm pixel để cho những hình chụp rõ ràng và tươi sáng hơn. Sony, Samsung, iPhone đang thi đua nhau biến chiếc điện thoại thành thứ máy chụp hình loại xịn. Hãng HTC còn làm hơn nữa khi cho ra lò loại UltraPixel.

Các nhà bán lẻ máy hình cho biết, so với năm 2011, năm có số bán cao nhất, thì ngày nay số bán các máy ảnh loại phổ thông đã giảm đi khoảng 10%. Đó là luật…nhân quả. Thập niên vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc máy ảnh số digital hủy diệt máy ảnh dùng phim. Tôi có một bà cô, thích chụp hình nhưng nhất định không chịu theo trào lưu dùng máy chụp hình số. Máy tao chụp hình rõ và đẹp hơn hình do tụi bay chụp! Con người tồn cổ này, mỗi khi có dịp tụ họp gia đình, nhất định chen cái máy hình đồ cổ này thi đua với những con chiến mã hiện đại. Cuối cùng, khi kiếm mỏi mắt không tìm được phim, khi muốn rửa hình thì phải trần ai khoai củ tìm tới những tiệm đặc biệt mới có, đành phải thúc thủ. Thúc thủ nhưng vẫn ngoan cố, nhất định từ nay không dùng máy chụp hình nữa!

Thời của máy ảnh số digital oanh liệt cho de chiếc máy chụp bằng phim cũng mới trên chục năm thôi. Vậy mà than ôi thời oanh liệt nay còn đâu! Chiếc smartphone thông minh đang hạ những đòn cuối cùng cho đo ván anh chàng máy hình digital. Đại khái đó là những đòn gồm các tính năng: chụp toàn cảnh, chụp ban đêm, chụp trong môi trường ánh sáng yếu, xóa bớt vật thể trong ảnh, gộp nhiều ảnh thành một, khắc phục lỗi ảnh nhòe, bổ sung hiệu ứng, kỷ xảo, bộ lọc…Ông Nick Yoshida, Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty TNHH Canon Marketing Vietnam, cho biết thêm một lợi thế của hình chụp bằng điện thoại di động là rất dễ dàng đưa hình lên các mạng Facebook, Twitter, hoặc đưa lên các trang web, hoặc dùng wifi gửi ngay cho bạn bè trong tích tắc.

Lợi thế này là một lợi thế mang tính chính trị đối với người Việt chúng ta. Ngày nay, các biến cố lớn nhỏ trong nước xảy ra ngoài đường phố hoặc các địa điểm công cộng đều được chụp hay quay ngay bằng điện thoại thông minh và lập tức gửi lên internet hoặc YouTube khiến người dân trong nước, người Việt hải ngoại cũng như người dân các nước khác nhìn thấy rõ ràng những gì mà nhà cầm quyền muốn che dấu. Cảnh công an đánh dân, cảnh cưỡng chiếm đất đai, cảnh công an giao thông ăn hối lộ, cảnh côn đồ đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, cảnh ngăn chặn và hành hung các bloggers lề trái, cảnh trấn áp man dã những cuộc biểu tình ôn hòa là những cảnh chúng ta được coi hầu như ngay lập tức khi xảy ra sự việc. Ngày nay, với chức năng chụp và quay phim của điện thoại thông minh, thứ mà người dân Việt Nam hầu như ai cũng dắt bên mình, nhà cầm quyền không còn có thể che dấu được những tội ác của họ. Những tội ác được phổ biến trên mạng internet sẽ là những nhát búa đập vỡ chế độ bạo tàn trong nước.                                                                                                              

Có nên “tổ quốc ghi công” cho smartphone không nhỉ?

07/2015