Anh ta chỉ là một phó thường dân ở đất nước mà mỗi gia đình chỉ được sanh một con. Vậy mà vợ anh ta lại có bầu đứa thứ hai. Cái bầu đã được 7 tháng, chỉ còn 2 tháng nữa là đứa con của anh ra đời. Một đêm kia, một đám người xông vô nhà anh, bắt vợ anh đi. Anh vội đi theo vợ. Tới một bệnh viện địa phương, bất chấp mọi lời van xin của sản phụ, họ thọc chiếc kim to tổ chảng vào bụng vợ anh. Anh kể lại: “Họ vật vợ tôi như vật một con heo. Bốn hoặc năm người giữ tay chân và đầu, rồi một người đâm chiếc kim vô bụng. Hai vợ chồng tôi không ai ký vào bản thỏa thuận do họ đưa ra”. Dĩ nhiên người chồng đau khổ này phải dấu tên tuổi. Lộ diện để chết sao? Mười tiếng sau vợ anh ta sanh một đứa con trai, tiếng kêu yếu ớt. Bác sĩ không cho vợ anh ôm đứa con, bỏ nó vào một túi nhựa và bắt anh ta trả tiền thuê người mang cái túi đó ra nghĩa địa bên cạnh để chôn!
Hoạt cảnh đau lòng trên xảy ra tại Trung Quốc, không phải dưới thời cai trị điên cuồng của Mao trong những thập niên 1950 và 1960, mà vào năm 2011, khi đã có internet và Trung Quốc đang bước vào thế giới bên ngoài như một cường quốc thương mại. Theo thống kê chính thức thì chỉ trong năm 2012 đã có 6 triệu 700 ngàn sản phụ ở Trung Quốc bị cưỡng bách phá thai theo luật mỗi gia đình chỉ sanh một con. Trước đó, số liệu còn kinh hoàng hơn. Mỗi năm ít nhất có tới 10 triệu vụ phá thai như vậy. Hệ quả là số phụ nữ tự tử tại Trung Quốc nhiều hơn số các ông, một điều trái ngược với các nơi khác trên thế giới.
Một cựu nhân viên của chương trình kế hoạch hóa gia đình, năm nay 56 tuổi, đã tiết lộ một số chuyện ông gặp khi còn tại chức. Ông cho biết: “Nhiều bà mang thai tới tháng thứ bảy hay thứ tám vẫn bị bắt buộc phá thai. Các bệnh viện không bao giờ từ chối thi hành việc phá thai này dù biết rằng rất nguy hiểm. Vì đó là lệnh của nhà nước. Không ai có quyền nói không!”. Ông kể lại một trường hợp thương tâm. Một bà đã có một đứa con gái nay muốn có một đứa con trai để nối dõi, đã phải trốn tránh. Khi đoàn kế hoạch gia đình tới thì chỉ còn bà mẹ già 80 tuổi ở nhà. Họ phá căn nhà, đập hủy tất cả đồ đạc, chà đạp tất cả thực phẩm để trong nhà. Căn nhà biến đi chỉ trong vòng 20 phút. Ông kể tiếp: “Tôi bảo viên chức cầm đầu đoàn: “Làm vậy là quá đáng”. Ông trả lời tôi: “Đó là chính sách!”. Tôi không bao giờ quên được cảnh này: một bà lão 80 tuổi ngồi trên một tảng đá, than khóc trước căn nhà đã thành bình địa. Nó như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi không còn chịu đựng được nữa và xin thôi việc ngay”.
Độc tài, nhất là độc tài cộng sản, cai trị bằng cách cấm đoán người dân. Cái chi không vận hành có lợi cho chế độ là bịt lại. Bịt mồm bịt miệng, bịt tai bịt óc, họ bịt luôn cả nơi ra đời của các hài nhi. Giữ mồm giữ miệng, giả lơ giả ngu là chuyện thanh thiên bạch nhật, tương đối dễ. Giả lơ với chuyện gối chăn khó hơn, nhất là sống trong một xã hội chẳng có chi vui ngoài chuyện phải đóng kịch suốt ngày đêm.
Mỗi gia đình một con coi bộ khó, nhất là trong một đất nước trọng nam khinh nữ. Vậy nếu đứa con đầu là nữ thì họ bị bịt lối ra của một trẻ nam. Vậy nên muốn có nam phải bịt đường ra của nữ. Kết quả là tỷ số trai gái chênh lệch. Bình thường thì tỷ lệ sanh gái trai trên thế giới là cứ 100 bé gái thì có 107 bé trai nhưng tại Trung Quốc thì tỷ lệ này là 100 bé gái có tới 119 bé trai. Dư! Theo nghiên cứu của Giáo sư Wei Xing Zhu của Đại Học Chiết Giang và Therese Hesketh của Đại Học London thì nguyên trong năm 2005, Trung Quốc dư ra 1 triệu 100 ngàn con trai. Hơn 1 triệu anh bơ vơ không kiếm được vợ là một vấn đề xã hội to lớn. Tình trạng còn bết bát hơn khi các cô gái Trung Quốc thường tìm đường ra ngoại quốc để đổi đời bằng cách lấy chồng xứ lạ.
Một cô hướng dẫn viên du lịch người Tô Châu đã vui miệng nói với đám du khách Việt Nam trên xe buýt đưa chúng tôi tới Tô Châu, nơi nổi tiếng là có nhiều gái đẹp nhất Trung Hoa từ xưa tới nay: “Tới Tô Châu, các ông đừng thất vọng. Các cô gái đẹp của Tô Châu không còn ở Tô Châu đâu. Những cô đẹp hạng nhất đã lấy chồng ngoại quốc hết, đẹp hạng hai đã lên thủ đô Bắc Kinh tìm kiếm cơ hội, đẹp hạng ba đang ở những tỉnh có triển vọng khác. Tô Châu ngày nay chỉ còn những cô hạng tư!”. Nhìn vào vóc dáng cô hướng dẫn viên, người của vùng vua chúa ngày xưa phải tới để tìm cung tần mỹ nữ, tôi biết cô không nói sai.
Thanh niên không kiếm được vợ ở trong nước phải bương bả ra ngoại quốc để kiếm vợ. Việt Nam là một nơi đến được ưa thích vì giá cô dâu Việt khá rẻ. Ngoài Việt Nam, danh sách cung cấp vợ cho các chàng trai Trung Quốc còn gồm Thái Lan, Lào, Kampuchia, Miến Điện và Bắc Hàn. Nhưng bản đồ tìm vợ của các chàng trai Trung Quốc còn tới những nơi chắc giá cả nới hơn là các quốc gia Phi Châu.
Theo dữ liệu mới đây thì hiện nay Trung Quốc thừa tới 33 triệu 700 ngàn thanh niên. Không lo vợ cho những ông…thừa này thì xã hội sẽ loạn to. Ông Giáo sư kinh tế học Tạ Tác Thi của Đại Học Chiết Giang có lẽ là người lo nhất. Ông vừa đưa ra đề nghị các thanh niên này nên lấy chung vợ. Ông tính toán đàng hoàng: cứ 3 anh lấy chung một vợ là vừa! Đề nghị của ông bị mọi người tận tình ném đá. Ông lý giải là các cô chỉ thích lấy chồng giầu nên các anh chàng nghèo không có cơ hội lấy được vợ. Thôi thì phận nghèo chỉ nên lấy 1 phần 3 cô vợ cũng hạnh phúc chán! Ông còn biện luận là tại một số vùng nông thôn ở Trung Quốc nhiều anh em ruột lấy chung một vợ mà vẫn sống hạnh phúc. Ông cũng cho rằng giải pháp nhập khẩu cô dâu hiện nay không giải quyết được vấn đề: “Nhập khẩu cô dâu từ các nước láng giềng chỉ chuyển mâu thuẫn ra bên ngoài mà không giải quyết được vấn đề. Những người chửi bới tôi không hiểu được luận điểm tinh tế về đạo đức khi tôi nói tới số phận của trên 30 triệu đàn ông ế vợ”. Bị phản ứng mạnh của các tầng lớp dân chúng, ông giáo sư Tạ gân cổ lên cãi: “Luật lệ phải được sửa đổi để cho những người muốn theo chế độ đa phu được quyền làm như vậy. Trong thâm tâm, tôi không thích chế độ đa phu, nhưng một vợ một chồng là vô đạo đức nếu chúng ta nghĩ tới số phận của 30 triệu đàn ông côi cút”. Ông nhấn mạnh thêm: “Hãy nhìn vào thực tế và đưa ra những giải pháp tốt hơn giải pháp của tôi đi!”.
Giải pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc vừa đưa ra vào ngày 29 tháng 10 năm nay có lẽ là một giải pháp tốt. Họ bãi bỏ lệnh mỗi gia đình một con có từ 35 năm nay và cho phép mỗi gia đình có hai con. Người đàn ông giấu tên, có vợ bị bắt buộc phá cái thai 7 tháng tuổi vào năm 2011 mà tôi nói tới ở trên, cho biết là vợ anh bị bệnh tâm thần sau biến cố đó. Về lệnh mới của chính phủ, ông nói: “Nó tới quá trễ!”.
Cũng quá trễ với gia đình bà Feng Jianmei. Năm 2012, gia đình bà đã tung lên mạng bức hình chụp bà nằm trên chiếc giường trong một bệnh viện, ngay sau khi bị cưỡng bách phá thai, xác đứa con trai còn nằm bên cạnh. Bà đã không có đủ số tiền tương đương với 6.300 đô Mỹ để mua giấy phép được có đứa con thứ hai. Bà bị trầm cảm nặng một thời gian dài sau đó. Đứa con gái duy nhất của bà luôn miệng hỏi em nó đâu. Chồng bà, ông Deng Jiyuan, chỉ biết nói với con: “Em con đang ở trên trời”. Khi đứa con gái hỏi trời ra sao, ông không biết làm sao trả lời con. Trong khi đó dân làng kết tội ông là “tên phản bội”. Khi nghe tin về quyết định mới, ông than thở: “Đáng lẽ phải có từ nhiều năm trước rồi!”.
Tại sao có số tiền 6.300 đô Mỹ mà bà Feng Jianmei nhắc tới ở trên? Từ năm 2002, nhà nước thu một khoản tiền gọi là “phí bảo trì xã hội” cho những người muốn có thêm con. Vậy là cứ có tiền là ăn trên ngồi trốc, vô sản đi chỗ khác chơi cho được việc nhà nước. Chắc cầm đồng tiền để tạo ra khác biệt giữa người có tiền và người “mậu dậu xìn” cũng hơi kỳ nên nhà nước giải thích thứ “phí bảo trì xã hội” này là để “trang trải những thiệt hại cho xã hội gây ra bởi đứa con thứ hai”. Riêng năm 2010, số tiền nhà nước thu được khoảng 20 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 3 tỷ 200 ngàn đô Mỹ. Nếu dân xăng xu không đóng được khoản phí này thì đứa con sẽ bị đặt ra ngoài vòng luật pháp và xã hội: không được đăng kí khai sinh, không có tên trong hộ khẩu, không được cấp chứng minh thư, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm, không được hưởng hệ thống giáo dục và y tế của nhà nước. Vậy là vất vưởng! Đó là những đứa trẻ ngoài chính sách nhưng các bà bầu giấu được trước khi sanh. Nếu bị phát hiện mang thai ngoài chính sách mà không có tiền đóng “phí bảo trì xã hội” thì, như chị Feng Jianmei, bị bắt buộc phá thai dù cái thai đã bảy tám tháng.
Giới quan sát cho rằng việc nhà nước Trung Quốc phải giải tỏa cho mỗi gia đình có hai con là vì sự mất cân bằng trong xã hội. Mất cân bằng về giới tính khi nam nhiều hơn nữ tới 20%. Mất cân bằng về dân số khi tình trạng già nua về dân số ngày càng cao. Người ta tính là trong vòng 15 năm nữa, dân số Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về già nua với 400 triệu người trên 60 tuổi. Số người già này sẽ là gánh nặng về y tế và xã hội. Giáo sư Wang Feng của Đại Học Fudan, một chuyên gia nhân khẩu học hàng đầu của Trung Quốc, đã nhận định: “Lịch sử sẽ nhìn lại để nhận thức rằng chính sách một con là một trong những sai lầm nặng nề nhất mà Trung Quốc đã áp dụng và hậu quả tai hại sẽ còn tồn tại trong nhiều thập niên nữa”.
Với việc xả xú bắp cho mỗi gia đình có hai con, Trung Quốc đã tiến bộ bằng…Việt Nam. Các bà nhà ta đã được “cởi trói”, có quyền mở cửa tới hai lần từ lâu rồi. Đó là quốc sách được nhắc nhở bằng những bảng dựng đầy rẫy trên đường phố: “Gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc”. Huyện Vũ Thư thuộc tỉnh Thái Bình cũng dựng bảng nhưng ý nghĩa khác hẳn. Tấm hình chụp cho thấy câu khẩu hiệu này được ngắt ra bằng cách viết làm hai dòng. Dòng trên: “Gia đình hai con vợ”. Giòng dưới: “chồng hạnh phúc”! Vậy là khuyến khích hai con thành khuyến khích đàn ông có “hai con vợ”. Tấm hình này được truyền tá lả trên mạng internet làm mấy ông sướng rơn, tạo nên một lợi ích kinh tế cho đất nước. Các ông ở hải ngoại, trong đó có vài ông bạn tôi, thi nhau mua vé máy bay về Thái Bình để được hưởng ơn mưa móc.
Với thế hệ cha mẹ chúng tôi, chuyện con cái là chuyện của trời đất. Cửa chẳng bao giờ khép. Mở được tới đâu cứ mở. Vậy nên gia đình nào cũng đông đúc vui cửa vui nhà. Bà cụ tôi sơ sơ có 11 trự. Vậy cũng chưa là nhiều. Hàng xóm láng giềng có bà mở của tới gần hai chục lần! Các cụ cứ hồn nhiên vào bảo sanh viện vì “trời sanh voi, trời sanh cỏ”. Cứ mặc cho cụ trời lo liệu là đâu vào đó hết! Tới thế hệ chúng tôi thì có màn màn nhưng thường thường cũng trên hai lần bận bịu tã lót. Ngày nay, thế hệ con chúng tôi coi bộ lơ là với bảo sanh viện. Chúng làm y như những bạn bè người bản xứ. Cũng chỉ một, hai là hết nước.
Tại Mỹ, người ta có một câu đố. Đố những cái tên danh tiếng sau giống nhau cái chi? Tổng Thống Franklin Roosevelt, tài tử Cary Grant, nhà văn John Updike, Ngoại Trưởng C. Rice, tay đua L. Amstrong, ca sĩ Frank Sinatra, tiểu thư Chelsea Clinton và ca sĩ Elvis Presley. Câu trả lời: họ đều là con một!
Những tên tuổi sáng chói trên không cô đơn. Rất nhiều người bình thường cũng…một như họ. Bộ dân Mỹ cũng bị bịt chỉ có một con như dân Trung Quốc sao? Không! Họ cũng chỉ sanh môt con nhưng không bị bịt chi cả. Họ tự do hành động như vậy. Lý do trước hết là vì kinh tế. Nuôi một đứa con ở Mỹ không giản dị như ở các nước đang phát triển. Có rất nhiều nhu cầu. Thứ chi cũng đụng đến tiền bạc cả. Chúng ta cứ thử nhìn vào mấy đứa cháu của chúng ta khắc biết. Chúng được nuôi dưỡng đầy đủ, học hành tử tế, muốn chi được nấy: nhạc, thể thao, múa hát. Rồi còn chạy theo đồ chơi mà các nhà kinh doanh không bao giờ cạn nguồn cảm hứng tạo ra những thứ ngày càng hấp dẫn. Rồi lại còn tablet với những game mà, thú thật, tôi chóng cả mặt khi nhìn chúng thoăn thoắt ngón tay quẹt vào màn hình dù chỉ mới 2 tuổi đời! Thứ nào cha mẹ cũng phải tốn bộn tiền bạc. Đâu còn phải chuyện con voi và đống cỏ!
Nhưng tại sao cũng chỉ có một con mà không có nạn trai thừa gái thiếu như ở Trung Quốc? Bởi vì người ta quan niệm trai gái như nhau. Một con là một con, dù trai hay gái. Không có chuyện những đứa con gái bị coi rẻ, thậm chí bị vứt bỏ như ở đất nước trọng nam khinh nữ.
Xa Diễm là một cô bé như thế. Ngay khi được sanh ra vào ngày 20 tháng 10 âm lịch, nhằm ngày 30 tháng 11 năm 1996, em đã bị vứt bỏ trên lề đường. Em thoi thóp thở, thân hình lạnh toát trong một đống cỏ, ngay dưới chân một cây cầu nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Tứ Xuyên. Trên người em có cài một miếng giấy ghi vỏn vẹn “20/10, 12 giờ đêm”.
Anh Xa Sĩ Hữu, 30 tuổi, nhà nghèo đến nỗi không lấy được vợ, tình cờ nhìn thấy bọc hài nhi bên cầu. Tình người khiến anh bồng đứa bé lên nhưng nghĩ đến việc phải tốn tiền nuôi, thêm nếu nhận làm con thì càng ế vợ hơn nữa, anh bỏ hài nhi xuống. Cứ bồng lên bỏ xuống như vậy tới mấy lần, anh không đành lòng dứt bỏ tiếng khóc yếu ớt, tặc lưỡi vừa ôm đứa bé vừa thầm nói: “Thôi thì tao ăn gì, mày ăn nấy”. Anh đặt tên đứa bé theo họ của anh: Xa Diễm! Đứa bé gái không phụ lòng anh. Từ nhỏ Xa Diễm đã rất ngoan hiền. Lên 5 tuổi, bé đã biết giúp cha làm việc nhà, giặt giũ, nấu cơm, cắt cỏ. Vào học lớp một, em đã xuất sắc đứng đầu lớp làm người cha nuôi mù chữ nở mày nở mặt.
Nhưng tai họa ập đến. Tháng 5 năm 2005, em bị chảy máu cam nhiều lần. Có những buổi sáng ngồi rửa mặt, chậu nước đỏ hồng vì máu. Rồi trên đùi em xuất hiện nhiều vết châm kim đỏ. Anh Hữu mang con tới bệnh viện. Em bị ung thư máu! Tiền đâu mà chữa bệnh khi bệnh viện đòi tới 300 ngàn nhân dân tệ? Anh chạy vạy vay mượn khắp nơi mà chẳng đủ tới đâu. Anh quyết định phải bán nhà. Nhưng nhà anh quá xập xệ làm bằng đất chưa nung nên chẳng ai thèm mua. Anh chỉ biết khóc. Xa Diễm biết tình cảnh của cha nuôi, em nói với cha không cần chữa chạy chi, em muốn chết! Ngày 18 tháng 5, bệnh nhân 8 tuổi Xa Diễm tự ghi vào cuốn sổ bệnh án thay cho người cha mù chữ: “Tự nguyện từ bỏ chữa trị cho Xa Diễm!”.
Cha con dắt nhau về nhà, cô bé từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ đòi hỏi một điều chi đã xin cha hai điều: mua một cái áo mới và chụp một tấm ảnh. Em giải thích: “Để sau này, khi con không còn nữa, nếu cha nhớ con, cha có thể nhìn thấy con trong ảnh”. Chiếc áo mới giá 30 nhân dân tệ. Khi chụp hình, em giơ ngón tay thành hình chữ V, cố nở ra một nụ cười nhưng không gượng được dòng nước mắt chảy ra. Khi về gần tới nhà, em dừng lại, nhìn về phía ngôi trường em theo học, mắt ướt nhẹp.
Cô phóng viên Truyền Diễm của tờ báo địa phương “Thành Đô Buổi Chiều” nghe thấy chuyện, vội tới nhà thương và dò theo địa chỉ tới nhà em Xa Diễm để viết một phóng sự mang tên: “Đứa Trẻ 8 Tuổi Tự Lo Hậu Sự” đăng trên báo. Bài báo được bỏ lên internet khiến mọi người cảm động góp tiền cho em chữa bệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn em Xa Diễm đã có được 560 ngàn nhân dân tệ, dư sức chữa bệnh. Cô bé được trở lại bệnh viện. Bác sĩ phụ trách hóa trị là Từ Minh. Cô bé rất can đảm chịu đựng phản ứng. Bác sĩ cảm phục và mang lòng thương cô bé bệnh nhân khốn khổ. Bà nói: “Xa Diễm, làm con gái bác nhé!”. Cả đời em không có tình mẹ nên rất xúc động. Ngày hôm sau, khi bác sĩ tới khám bệnh, em bẽn lẽn gọi: “Mẹ!”. Bác sĩ Từ Minh lặng người, ngọt ngào vỗ về: “Con gái ngoan lắm!”. Hai tháng hóa trị rất khả quan. Bệnh ung thư đã bị khống chế nhưng những phản ứng phụ đã làm cô bé vốn yếu ớt nay càng thêm lụi tàn. Một bữa trong tháng 8, Xa Diễm móc dưới gối một cuốn vở, trao cho cô Truyền Diễm: “Dì ơi! Đây là di chúc của con!”.
Cô phóng viên Truyền Diễm đẫm nước mắt khi đọc “di chúc” của cô bé 8 tuổi. ““Tạm biệt dì, chúng ta sẽ gặp nhau trong mơ. Dì Truyền Diễm, nhà cha con sắp sập rồi. Cha đừng buồn, xin cha cũng đừng nhảy lầu. Dì Truyền Diễm xin dì trông coi bố con. Dì ơi, tiền chưa xài tới của con dì cho trường con một ít, nhờ dì chuyển lời cảm tạ tới Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự. Con chết xong, mang hết chỗ tiền còn lại chia ra cho những người mắc bệnh giống con, giúp họ đỡ bị bệnh hơn...”. Suốt một tháng trời Xa Diễm không được ăn, chỉ sống bằng dịch truyền vào máu. Em thèm thực phẩm. Và lần đầu tiên trong đời em ăn vụng một mẩu nhỏ mì ăn liền khô. Ngay lập tức ruột em bị xuất huyết nghiêm trọng. Em lăn lộn trên giường bệnh. Các bác sĩ và y tá bật khóc. Họ không còn làm chi được nữa. Em ra đi ngay ngày hôm đó.
Ngày 26 tháng 8, tang lễ diễn ra dưới cơn mưa lất phất. Đông đảo người dân Thành Đô tới tiễn cô bé về trời. Nhà quàn chật ních người. Rất nhiều “cha mẹ” của Xa Diễm đội mưa tiễn chiếc quan tài nhỏ xíu. Theo đúng chúc thư, số tiền 540 ngàn nhân dân tệ còn lại được chia cho bảy bệnh nhân nhí bị ung thư máu như Xa Diễm. Trên mặt trước bia mộ của em có ghi hàng chữ: “Con đã từng đi qua cuộc đời này và con rất ngoan! 30/11/1996 – 22/8/2005”. Mặt sau bia giới thiệu thân thế Xa Diễm. Câu cuối ghi: “Trong những năm em sống, em đã nhận được những ấm áp của con người. Xin em yên nghỉ. Thiên đường có em nên thiên đường càng đẹp hơn”.
Với Xa Diễm, lệnh bãi bỏ chính sách một con của nhà nước Trung cộng quả là muộn màng. Quá muộn màng!
11/2015 |