Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

TU

Chuyện tu hành là chuyện tôi ít khi nghĩ tới. Mấy ông bạn tôi cũng lơ mơ chẳng buồn động não về một chuyện mà mấy ông ấy thấy chẳng có liên quan chi tới các ổng. Một ông lơ là nói: hình như đó là nơi lánh nạn của những người chán đời hay thất bại trong cuộc sống. Có ông cho đó là một thế giới mà những người yêu đời chẳng bao giờ muốn héo lánh tới. Nhưng khi có những người trẻ đẹp, có cuộc sống choáng lộn nhiều người ao ước, bỗng bỏ tất cả để khép mình vào tu viện thì mấy ông bạn tôi bỗng chú ý tới chuyện tu. Sự chú ý này cũng chẳng tốt lành chi bởi vì mấy ông ấy…tiếc!

Đang phây phây hưởng thụ một cuộc sống huy hoàng như bước trên thảm nhung đỏ, vậy mà bỗng nhiên xỏ chân vào đôi dép gai, cất bước đi vào sạn đạo, sống một đời mà mấy ông ấy cho là rầu rĩ thì đáng giận biết bao. Tôi nghĩ khác. Tu là cái duyên lành, dứt được cái nghiệp của cuộc sống thế tục là một điều hay. Nhưng đang sống phây phây, người đón kẻ rước, được thương yêu chiều chuộng, bỗng dứt bỏ tất cả cũng làm người khác ngẩn ngơ. Mà không phải chỉ một cô em nhan sắc bỏ cuộc chơi mà hàng hàng lớp lớp kéo nhau tới nơi rau dưa tương cà mới đáng…sốt ruột! Vậy thì chúng tôi chơi với ai?

Chuyện mới xảy ra tại hang ổ của người Việt tại Mỹ: tiểu bang California. Ngày Chủ Nhật 10 tháng 8 năm 2014, cô Kayala Jaramillo, 17 tuổi, cư ngụ tại thành phố Ontario, California, xinh như mộng, làm lễ quy y tại ngôi chùa Việt Nam, chùa Thiền Viện Chân Nguyên. Nhìn hình chụp những mảng tóc vàng sợi nhỏ bị cắt lìa khỏi cái đầu nho nhỏ xinh xinh, chắc gỗ đá cũng phải mủi lòng. Cái tên trần tục Kayala Jaramillo được thay thế bằng pháp danh Thích Nữ Chân Giác. Cô học sinh trường trung học Ontario này thường theo cha mẹ tới chùa và tìm hiểu Phật pháp qua những tài liệu bằng tiếng Anh sẵn có tại chùa hay trên internet. Cô nhỏ đã tìm thấy con đường giải thoát cho cô cũng như cho các chúng sinh bằng cách cắt tóc đi tu. Chủ lễ là Thượng Tọa Thích Đăng Pháp củng với cả trăm tăng ni và phật tử. Bố mẹ của cô nhỏ nhân dịp tiễn cô con gái xinh đẹp vào cửa Phật, cũng xin quy y. Ông bố Keray Jaramillo có pháp danh là Nguyên Đạt. Bà mẹ Aramida Jaramillo nhận pháp danh Chân Thành.

Gia đình Jaramillo có truyền thống tôn giáo không phải là đạo Phật nhưng thỉnh thoảng có tới Thiền Viện Chân Nguyên để chiêm bái tượng Quán Thế Âm rất linh ứng và thỉnh sách Phật viết bằng tiếng Anh về đọc. Buỗi lễ xuất gia của cô gái 17 tuổi và quy y của cha mẹ cô được bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng bằng bài tập thể dục dưỡng sinh Hồng Gia. Tiếp theo là Tam Bộ Nhất Bái và Thiền Hành. Đúng 9 giờ 30 sáng buổi lễ xuất gia được cử hành với phần dâng hương trước chánh điện. Sau đó, Thượng Tọa Viện Chủ Thích Đăng Pháp dá kéo. Dá kéo là cắt trọn chỏm tóc thắt bím, kế đó là cắt sạch toàn bộ tóc của cô Kayala trong tiếng tụng niệm liên tục của mọi người dự lễ.

Ông bà ngoại của Sa Di Ni Thích Nữ Chân Giác cho biết rất vui mừng trước việc xuất gia của cô cháu cưng quý. Hai ông bà cũng hứa sẽ tìm hiểu Phật pháp nhiều hơn. Thích Nữ Chân Giác sẽ được gửi tới tu viện Vạn Phật Thánh Thành ở San Francisco để tu tập.

Cũng trong năm 2014, giới trẻ Trung Quốc tiếc hùi hụi khi cô Hoa Hậu Á Châu Vương Dự Lâm cũng xuống tóc quy y. Vương Dự Lâm là một tên tuổi khá quen thuộc trong giới trẻ. Cô đã đoạt giải thí sinh được yêu thích nhất  do khán giả bình chọn trong cuộc thi Miss Asia ATV 2008. Qua năm sau cô đoạt giải trong cuộc thi người mẫu. Sau đó cô chuyển qua lãnh vực kinh doanh và khá thành công.

Là một khuôn mặt được ưa chuộng của công chúng nên khi hình ảnh cô xuống tóc đi tu được phổ biến, giới trẻ Trung Quốc ngơ ngẩn. Họ bị sốc vì họ không biết chi về việc cô hoa hậu trẻ tuổi trước đó đã đắm mình vào việc nghiên cứu kinh Phật và say mê ngồi thiền. Cô cho biết: “Ngồi thiền có thể giúp ta quên đi những điều xấu xa, những chuyện mệt nhọc trong cuộc sống”. Thiền là cách thanh lọc tâm hồn, tạo được niềm vui thanh thản cho cuộc sống. Nói về việc xuống tóc giữa khi cuộc sống đang tươi đẹp, cô Vương Dự Lâm tâm sự: “Cạo đầu giúp tôi bỏ đi những thói quen xấu, làm tâm thanh tịnh, bình lặng hơn”.

Trình tự đưa tới việc những cọng tóc đen nháy được cắt rụng xuống chân bắt đầu từ một năm trước đó, năm 2013. Khởi đầu là việc đọc cuốn sách “Đạo Làm Con” của người xưa dạy đạo làm người. Cuốn sách đã xoay đổi được ý nghĩ và hành động của cô hoa hậu. “Trước đây, với vòng xoáy của công việc kinh doanh, mỗi ngày tôi đều vui chơi không dứt, bạn bè tụ tập đều nói về công ăn việc làm, đàn bà thì bàn về các thương hiệu thời trang, các thương hiệu xe giúp đánh bóng tên tuổi…Nội dung các câu chuyện thường là làm thế nào kinh doanh có lời, phụ nữ mặc đồ hiệu gì, phối hợp với túi xách loại nào, đi xe nào mới chứng tỏ được đẳng cấp…”. Những chuyện đời thường đó làm cô chán ngấy. Cuộc sống đâu có phải vụ vào những thứ phù du như vậy. Thứ này hôm nay là mốt, ngày mai sẽ trở thành lỗi thời. Cứ chạy theo những quẩn quanh của cuộc sống sẽ thấy cuộc sống phi lý làm sao. Cô hoa hậu Vương Dự Lâm ngộ ra đâu là cuộc sống giả trá, đâu là cuộc sống thật. Đời cô thay đổi hoàn toàn. Không vác tiền chạy theo thời trang, cô chỉ dùng những thứ vừa đủ cho nhu cầu, tránh xa những đồ xa xỉ. Số tiền tiết kiệm được, cô mang ra làm việc thiện. Những thứ đồ xa xỉ sẵn có, cô mang ra cho hết. Hội hè ăn uống, cô từ bỏ không thương tiếc. Thời giờ của cô bây giờ dành hết cho việc gặp gỡ các bạn đồng đạo và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2010, cô được tôn phong là “nhân vật từ thiện” trong năm. Tiến lên một mức khác, cô xuất gia tu hành. Xuất gia, theo kinh sách, là xuất ly khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh, giữ giới thanh tịnh, dứt bỏ các phiền não. Khi cạo đầu là bước vào cuộc sống không nhà cửa, bỏ tài sản lớn lẫn tài sản nhỏ, bỏ quyến thuộc lớn và quyến thuộc nhỏ, đắp y vàng bỏ lại tất cả để ra đi.

Những ngày cuối năm 2014, một cô gái Trung Quốc xinh đẹp, yêu đời khác cũng theo chân hoa hậu Vương Dự Lâm. Đó là một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Thanh Đảo. Xuống tóc, khoác áo nâu, cô trở thành ni cô Cai Zhen Wang Mu. Ngay từ khi còn nhỏ, cô thường theo bà ngoại đến chùa tụng kinh nhưng không nghĩ nhiều về đạo Phật. Nhưng có thể đó là cái duyên khiến sau này cô thích nghiên cứu về đạo. Vào năm 2009, khi cô còn là sinh viên năm thứ hai, trước mặt là cuộc sống đầy đủ và vui nhộn của một cô gái thành công trong việc học, vậy mà cô chỉ thích đọc kinh sách. Năm năm sau, cô quyết tâm tìm vào nương nhờ cửa Phật. Cha mẹ cô tán thành quyết định của con. Nhiều người cho rằng quyết định của cô là một hành động can đảm nhưng vị ni sư trẻ tuổi này coi việc xuống tóc như một việc làm thuận theo tự nhiên.

Những sợi tóc tơ của những thiếu nữ nhiều nhan sắc thi nhau rơi xuống hình như là một trả lời cho những vấn đề về cuộc sống của giới trẻ hiện nay. Cuộc sống mang nhiều bế tắc làm họ chựng lại và nghĩ ngợi. Phải công nhận những người trẻ bây giờ tự tin hơn các thế hệ trước. Họ dám nghĩ và dám làm.

Năm 2014 hình như là năm bội thu của chùa chiền. Một vóc dáng đình đám của làng điện ảnh, ca nhạc và người mẫu của Miến Điện, ngôi sao Moe Yu San, cũng xuống tóc vào năm 22 tuổi. Đúng ngày sinh nhật năm 22 tuổi, thần tượng của giới trẻ Miến Điện, cô Moe Yu San, đã tới ni viện Suvarnabhumi Khay Mar Yar Ma cắt đi mái tóc kiều diễm.

Hình ảnh lễ xuống tóc của cô đã làm người dân Miến Điện, nhất là các chàng thanh niên , xôn xao bàn tán. Nhiều người đã bất bình trước sự “phản bội” của thần tượng. Khởi nghiệp từ năm 2007 lúc vừa tốt nghiệp trung học, cô đã mau chóng dành được vương miện của các cuộc thi hoa hậu Miss Now How Popular, Miss Favourite, Miss Shwe Mingalar Sone Twe, Miss Now How, Miss Moe Yan Miss Angel or Demon. Từ nhan sắc được công nhận và quảng bá trong các cuộc thi hoa hậu, cô Moe Yu San được mời đóng phim. Tính từ năm 2007 tới nay, cô đã tham gia đóng hơn 70 bộ phim. Ngoài tài diễn xuất, Hoa Hậu Moe Yu San còn có tài ca hát. Tháng 5 năm 2009, cô đã sang Việt Nam tham dự liên hoan “Duyên Dáng Truyền Hình Asean”. Có một điều an ủi cho các thanh niên Miến Điện hâm mộ cô hoa hậu cắt tóc đi tu này là cô sẽ không trường tu mà chỉ tu ngắn hạn trong 5 ngày. Sau đó cô trở lại sân khấu và sàn quay. Nhưng chắc với một tâm hồn mới, một tâm hồn vừa được lau chùi sáng bóng!

Thiệt ra khi có ý định viết về những người đẹp dứt bỏ cuộc sống trần thế, vui thú cảnh chùa, tôi đã đọc được bài báo viết về một nữ tài tử màn bạc của thời xa xưa, đã đi tu một cách lặng lẽ từ 52 năm trước trong nhà dòng Công giáo Regina Laudis ở thị trấn Bethlehem, tiểu bang Connecticut. Đã hơn nửa thế kỷ qua đi, tại sao bây giờ đống tro tàn lại được nhắc nhở tới? Chỉ vì một cuộc quyên góp để sửa chữa tu viện đã quá cổ lỗ, cần phải tu sửa lại.
Nữ tài tử đó, chắc nhiều người có tuổi còn nhớ: Dolores Hart. Cái tên đã lâu quá không được nhắc nhở tới này chắc còn làm nhiều người nặn đầu suy nghĩ. Nhưng nếu nói tới người đẹp đóng cặp với thần tượng nhạc trẻ Elvis Presley trong cuốn phim làm tuổi trẻ chúng tôi say mê từ đầu thập niên 1960, phim Loving You, thì có lẽ mọi người sẽ nhớ ra ngay.

Đang trên đà thăng tiến sự nghiệp, nữ tài tử Dolores Hart bỗng bỏ hết, vào tu tại nhà dòng vào năm 1963. Bà sống kín đáo trong nhà dòng hơn nửa thế kỷ, dứt bỏ những danh vọng của một tài tử ăn khách của Hollywood. Cái tên Dolores Hart đã thật sự chìm vào quên lãng trong đời sống tu trì mà bà say mê sống. Tu viện Regina Laudis hiện nay có 40 nữ tu ẩn náu và đang bị xuống cấp trầm trọng. Nếu không được tu sửa kịp thời thì tu viện sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, các sơ không còn chỗ để tu. Mẹ Bề Trên Lucia Kuppens cho biết việc kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài là việc rất khó khăn vì các nữ tu đã quen với cuộc sống ẩn dật, tu kín, việc ra ngoài gặp gỡ mọi người để kêu gọi sự giúp đỡ là cả một thách thức. Trước sự bế tắc khó cứu gỡ, nữ tu Dolores đã hy sinh bằng cách xuất hiện lại hầu mong hình ảnh năm xưa của bà sẽ giúp ích cho việc quyên góp.

Năm 2011, nữ tài tử đóng cặp với Elvis Presley, nay đã trên 70 tuổi, quyết định hành động. Bà viết một cuốn hồi ký kể về những bí mật thú vị trong cuộc đời tài tử Hollywood của bà. Cuốn sách đã lập tức gây sự chú ý của mọi người. Bà được mời đi diễn thuyết và phỏng vấn trên truyền hình. Năm 2012, lần đầu tiên sau năm thập niên, bà trở lại Hollywood để tham dự lễ trao giải Oscar. Cuốn phim ngắn mang tên “God Is The Bigger Elvis” nói về cuộc đời bà đã được đề cử tham dự giải trong năm này. Quá khứ của bà đã được vực dậy trong trí nhớ của công chúng yêu thích điện ảnh.

Ngay sau khi cuốn hồi ký của nữ tu Dolores Hart ra mắt độc giả, tu viện bắt đầu nhận được tiền quyên góp. Bà ghi nhận: “Những người hâm mộ Elvis Presley đã gửi tiền quyên góp về cho chúng tôi”. Những món tiền lớn có, nhỏ có tới tấp bay về khiến tổng số tới nay đã lên tới 3 triệu đô, đủ để sửa chữa tu viện.

Nữ minh tinh Dolores Hart đã một thời là thần tượng của thế hệ chúng tôi, lúc chúng tôi còn tuổi xuân. Câu chuyện về cựu nữ diễn viên yêu mến này đưa tôi về một thuở xa xưa, khi chúng tôi còn rất ngây thơ yêu đời. Ngày đó, tôi còn nhớ rất rõ, trong sân nhà thờ, thấy một sơ trẻ đẹp đi ngang qua nơi lũ học sinh chúng tôi đang đứng, tôi bỗng buột miệng nói: “Trời! Người đẹp thế kia mà đi tu, uổng thiệt!”. Không ngờ lúc đó, vị linh mục dậy giáo lý đi ngang qua nghe được. Tôi tái mặt. Ông cha dừng lại, cười hiền hòa với tôi, nhỏ nhẹ hỏi: “Bộ con tưởng thế gian chỉ dâng cho Chúa toàn những người xấu cả sao?”. Cả bọn học trò chúng tôi bẽn lẽn cười theo. Trong số bọn trẻ ngày đó, sau này có một tên đi tu. Đó là tên bạn thân nhất của tôi.

Ngày đó, chúng tôi nhìn đời bằng những viên bi, những đồng xèng, những tấm hình làm tiền chơi đánh đáo. Toàn những thứ mà người lớn coi chẳng có chút giá trị nào. Những suy nghĩ của lũ nhóc chúng tôi ngày đó chắc cũng toàn là chuyện, dưới mắt người lớn, là chuyện trẻ con, chẳng đáng quan tâm tới. Vậy mà trong một lúc hai thằng đang dùng chiếc cần dài có bôi nhựa đi dính ve sầu trên các cành cây cao thì bạn tôi bỗng ngượng ngùng nói: “ Hết hè này tớ sẽ đi tu!”. Tôi ngạc nhiên nhìn bạn. Nhà hắn khá đông anh chị em, chỉ có người anh cả lấy vợ sanh con, còn tất cả chia nhau đi vào các dòng tu nam nữ hết. Tới hắn là con út nay cũng muốn đi tu. Tôi hỏi lại: “Sao cậu lại đi tu?”. Bằng cái giọng chậm rãi rất…tu, hắn trả lời: “Tớ không đi tu thì biết làm chi ngoài đời được đâu”. Ngày đó quả thực tôi không tiêu hóa được câu trả lời của bạn. Đi tu là làm ông cụ non, không được chơi đùa thỏa thích, không được tự do thích chi làm nấy, vậy thì tu có chi vui mà bó chặt đời vào những quy tắc luật lệ chán ngắt. Thấy tôi im lặng, hắn nói thêm: “Tớ đi tu để mai sau làm phép cưới cho cậu!”. Tên này quả là già dặn trước tuổi. Đang chơi đùa sướng chết, tôi đâu có ý niệm chi về vợ con. Nhưng câu nói của một đứa con nít  sắp bỏ mọi sự thế gian để vào dòng tu quả là thứ làm tôi băn khoăn khi tôi sửa soạn lấy vợ.

Lúc đó, vào khoảng năm 1972 – 1973, chiến sự đang tới hồi tàn khốc, tôi ở Sài Gòn, hắn ở Quảng Ngãi, đường xa vời vợi. Không biết rõ ràng hắn đang ở đâu, tôi cất công xuống tận Hố Nai gặp anh hắn đang làm cha sở tại đó, để hỏi địa chỉ. Viết thư cho hắn, tôi không nhận được hồi âm. Đám cưới tôi không có bàn tay ban phép lành của hắn. Sau năm 1975, một ngày Chủ Nhật, bỗng hắn gõ cửa nhà tôi, cười toe toét trước khi bước vào nhà. Hắn nói là có nhận được thư của tôi nhưng khi đó hắn đang bận tối tăm mặt mũi nên không thể về được. Hắn cũng không trả lời thư vì sợ tôi buồn. Tôi giữ hắn lại ăn cơm. Cơm nước xong, hai thằng ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Hắn cũng tếu một cây. Trong một lúc máu tếu lên tới đầu, tôi bảo hắn: “Cậu về trễ quá. Thôi thì đợi khi nào tớ cưới vợ bé, cậu làm phép cưới cho tớ nhé!”. Hắn không hề nao núng, vẫn giữ nụ cười: “Xong ngay! Tớ sẽ làm bằng tay trái!”.

Bạn tôi không phải là một người đẹp, cũng không phải là người đẹp trai, việc hắn đi tu chắc chỉ có tôi tiếc nuối. Đó là chuyện cũ, khi chúng tôi còn rất ngây thơ. Khi, sau bao nhiêu năm tu trì, bạn tôi còn tếu được với tôi thì tôi hiểu đời sống tu trì không phải là đời sống rầu rĩ, buồn tẻ. Đó là một đời sống phong phú của những người đã ngộ ra lẽ sống của kiếp người.

Vậy thì trước việc các người đẹp xuống tóc, tại sao những con người trần chúng tôi lại lấy cái tâm vương vấy để đánh giá rồi tiếc. Tiếc ngẩn tiếc ngơ. Mấy ông bạn nhìn tôi như nhìn một vật thể từ trên trời vừa rớt xuống, phán: “Này ông! Ông làm ơn xê ra cho chúng tôi tiếc!”.

06/2015