Tôi thật dại dột khi chọn viết chuyện bếp núc. Đó là sự khiếm khuyết lớn lao nhất trong đời tôi. Lỗi vì bà cụ thân sinh của tôi. Ngày nhỏ, cứ mỗi lần luẩn quẩn trong bếp là cụ đuổi ra với lý do: con trai không được vào bếp! Vậy nên chuyện bếp núc của tôi rất hạn chế. Có lẽ chỉ kể ra được hai chuyện: nấu nước sôi và nấu mì gói bằng microwave. Tài nấu ít ỏi như vậy nhưng tôi cũng ăn đứt ông Luân Hoán. Ông này chỉ có hâm đồ ăn cũng để cháy khét lẹt. Chuyện này là chuyện chẳng nên phổ biến nhưng ông đã phôn than thở với tôi nên tôi mới có cái hạnh phúc là tài nấu của tôi cũng có hơn người. Thực ra tôi chỉ khôn lỏi. Mỗi khi cần hâm đồ ăn, tôi cứ microwave mà chơi cho chắc ăn còn ông Luân Hoán ngây thơ hâm bằng bếp lò. Làm thơ quả có mơ mộng hơn viết văn!
Còn làm nhạc thì sao? Số dách! Đó là tôi bằng vào ông Từ Công Phụng. Chuyện bếp núc của ông này rất khởi sắc. Không những ông tự lo nấu nướng được mà còn có thể nấu…đặc sản được nữa. Tôi từng được ông cho thưởng thức một đặc sản. Đó là món thịt dê hầm. Bữa đó tôi sang Portland ở chơi với ông được ông quý mến. Tôi biết vậy vì ông bảo tôi là không phải ai cũng được ông nấu nướng cho ăn đâu. Ông bảo tôi lên xe đi chợ với ông. Ông cho biết khi ông nấu đặc sản thì ông phải làm từ A tới Z. Khởi đầu là việc đi chợ. Ông chọn thứ nào ra thứ nấy. Khi nấu ông đuổi mọi người ra khỏi bếp cho rộng chỗ. Chuyện ra khỏi bếp là chuyện tôi rành từ nhỏ nên không thành vấn đề. Nhưng khi ra ngoài rồi tôi mới nghĩ: phải chăng ông này muốn dấu nghề? Nếu quả đúng như vậy thì, với tôi, ông đã làm một chuyện không cần thiết. Dù ông có nhã ý chỉ cho tôi thì bảo đảm trăm phần trăm cũng chỉ là chuyện huề vốn! Nhưng đó là chuyện quá khứ, trước khi ông bị anh chàng ung hỏi thăm sức khỏe. Sau này, khi đánh gục được anh ung, ông treo miệng tối đa. Cái chi ông cũng lắc nhất là thịt đỏ vì đó là nạp đạn cho các tế bào ung thư chúng bắn lại mình. Thịt dê đích thị là đỏ, đỏ hơn bất cứ thứ thịt nào khác! Ngoài thịt đỏ, danh sách “không” của ông còn dài dằng dặc!
Tôi kính phục ông Từ Công Phụng một phần thì kính phục các ông chef cook triệu phần. Chuyện bếp núc, theo bà cụ tôi, là chuyện của đàn bà con gái, vậy mà mấy vị thần nấu ăn lại phần lớn là các đấng nam nhi. Thời thế quả đã có nhiều thay đổi. Tôi không theo kịp thời, mất mặt bầu cua ráng chịu. Nấu thì tôi là con số không nhưng lại thích coi các chương trình bếp núc trên ti-vi. Không hiểu sao bây giờ có nhiều chương trình nấu nướng thế. Hai đài Food và Gusto chỉ rặt nấu nướng từ đầu tới cuối. Các đài khác phần lớn cũng có giờ cho “bếp nhà ta nấu”. Ngay đài chuyên môn về tin tức như CNN cũng có ông Anthony Bourdain bếp núc. Trong số các chef cook lừng danh hoàn vũ, tôi kết anh chàng Luke Nguyễn. Dĩ nhiên vì cái tên Nguyễn. Anh chuyên trị nấu nướng trẻ tuổi đẹp trai này hiện ở Sydney, Úc. Tại đây anh có một nhà hàng bán món ăn Việt tên Red Lantern rất thành công. Một trong những người trong gia đình anh tên Pauline Nguyễn đã viết cuốn “Secrets of the Red Lantern” bật mí chuyện gia đình anh qua định cư tại Úc. Lồng vào câu chuyện là công thức chế biến 275 món ăn do Luke Nguyễn hướng dẫn làm. Cuốn sách này đã đứng trong Top 2 về sách dậy nấu ăn bán chạy nhất tại Mỹ trong năm 2009 do tạp chí hàng đầu US Food and Wine chọn. Trên bình diện thế giới, cuốn “Lồng Đèn Đỏ” đứng Top 8 về sách dạy nấu ăn hay nhất do website hàng đầu thế giới là Epicurious.com bình chọn.
Anh Luke Nguyễn dĩ nhiên cũng có những sách dạy nấu ăn riêng của anh, trong đó cuốn “My Vietnam – Stories and Recipes” do nhà xuất bản Lyons Press ở Mỹ ấn hành vào năm 2011, kể chuyện anh đi nấu nướng trên khắp ba miền đất nước, được đặc biệt chú ý. Không những người Việt Nam khoái cuốn sách này vì Luke chỉ dẫn cặn kẽ cách nấu mà còn vì những hình ảnh quê hương rất đẹp anh chụp được trên đường đi múa đũa. Dân ta khoái cuốn sách “quê hương tôi” vì tự hào dân tộc, một dân tộc mà Luke Nguyễn đã giới thiệu một cách hết sức hấp dẫn về phương diện ẩm thực cũng như những phong cảnh đẹp trải dài khắp đất nước. Người ngoại quốc cũng khoái vì tiếp cận được cách chế biến những món ăn Việt Nam, thứ ngày nay đã chinh phục được những chiếc miệng sành ăn trên khắp thế giới.
Loại người lơ là với bếp núc như tôi mà cũng say mê theo bước chân của Luke Nguyễn. Anh đã đi biểu diễn nấu ăn tại khắp nơi. Ngoài việc biểu diễn làm bếp, anh còn cho khán giả thưởng thức những cảnh đẹp đến mê hồn tại các nơi anh đặt chân tới. Theo tôi, anh là một nghệ sĩ biết thưởng lãm những công trình mỹ thuật của Hóa Công và biết chọn lựa, đưa những công trình tuyệt diệu đó tới khán giả. Nơi nấu ăn trên đường lưu diễn của anh không chỉ là căn bếp mà tùm lum đủ chỗ. Anh có thể nấu ăn ngay trên đường phố, trên các kè đá cổ kính, trên các hòn đá chập chùng sóng biển, trên những đỉnh núi với ngàn hoa dại phất phơ theo gió. Nhưng cái tôi khoái nhất trong cung cách nấu bếp của anh là hầu như món nào anh cũng dùng nước mắm. Thấy chai nước mắm là nghe như quốc hồn quốc túy ẩn nấp đâu đây!
Hình như loại người xa lạ với bếp núc như tôi cũng khá đông. Chẳng vậy mà những tiệm cơm chỉ mọc lên như nấm. Kể cũng tiện lợi. Chỉ cần giơ ngón tay chỉ là cơm canh đầy đủ. Muốn cá thịt có cá thịt, muốn rau dưa có rau dưa, cứ như hạng ông hoàng bà chúa cơm bưng nước rót. Thấy vậy mà không phải vậy. Tôi đã có thời bơ vơ khi vợ đi nuôi cháu ở tỉnh xa. Để sống còn, tôi giao du thân mật với các tiệm cơm chỉ. Chỉ mãi cũng chán, không phải vì mỏi tay mà vì ngán. Từng ấy món, món nào cũng không được hoàn hảo, ngày nào như ngày nấy, có ngày nổi cơn lười còn mua trước về để trong tủ lạnh ăn dần. Chịu không nổi. Quay ra bún, phở, hủ tiếu. Cũng chỉ được ít ngày là thấy phở cũng không bằng cơm nhà. Vậy là…xoay trục. Lúc đó ông Hoàng Xuân Sơn, cũng đang độc thân tại chỗ, thương tình giới thiệu cho chỗ nấu cơm tháng ông ấy đang là khách ăn. Vậy là sửa soạn gà-mèn tuần hai lần tới lãnh cơm canh. Nghĩ rằng ăn cơm tháng chắc cũng như cơm nhà chăng? Tưởng vậy mà không phải vậy. Cũng ba món xào, canh, mặn nghe rất hấp dẫn nhưng bột ngọt làm đắng miệng, thịt thà ít thấy, rau cỏ cắt ẩu tả to xù không thấm tháp chi cả. Được vài tuần bèn chào thua. Phôn cho ông nhà thơ họ Hoàng, ông cũng hết chịu nổi và đã nghỉ chơi với cơm tháng.
Hồi đó mà có Cook It thì đỡ khổ biết mấy! Cook It chỉ mới xuất hiện tại Montreal chúng tôi vào mùa hè năm ngoái, 2014. Chủ nhân sáng lập là cô nàng Judith Fetzer, tốt nghiệp ngành thương mại của Đại học Université du Québec à Montreal mà dân Montreal chúng tôi biết dưới cái tên tắt là UQUAM. Cô Fetzer rất khoái nấu ăn và dự định sẽ sinh sống bằng bếp núc nhưng khi tốt nghiệp vẫn chưa biết sẽ làm cái chi chi. Một bữa cô được một người bạn cho biết là ở bên Đức có một loại hình kinh doanh thực phẩm mà bên Bắc Mỹ chưa thấy có. Cô bạn cho biết đại khái là không phải nhà hàng nấu sẵn, không phải chợ bán thực phẩm mà ở giữa hai cái đó. Cô Fetzer là dân Canada gốc Đức nên nhờ họ hàng ở bên Đức tìm hiểu dịch vụ này giùm. Tài liệu và hình ảnh này được gửi ngay tới cô. Và cô quyết định làm chuyện chưa ai làm ở ngay thành phố cô đang ngụ cư là Montreal chúng tôi. Vậy là Cook It ra đời.
Đại khái Cook It là một dịch vụ giúp mọi người có thể nấu ăn ngay tại nhà dù không phải là dân bếp núc. Họ có nhiều thực đơn cho mỗi bữa ăn và tùy theo khách thích món nào thì đặt mua món đó. Muốn đặt thì vào trang mạng của công ty, phải order từ trước 6 giờ chiều ngày hôm trước để có cook it vào bữa ăn ngày hôm sau. Không phải cứ order là có ngay món ăn trước mặt, chỉ cần muỗng nĩa là ăn ngay đâu. Công ty chỉ giao cho đầy đủ các thứ cần dùng và một bảng chỉ dẫn để khách hàng tự nấu lấy cho nóng sốt. Thứ không biết làm bếp như tôi cũng không sao vì họ chỉ dẫn cặn kẽ lại thêm tất cả các thứ cần thiết để nấu, kể cả gia vị, đều có sẵn trong hộp. Thứ nào cũng đúng cân lượng cần dùng nên cứ bỏ hết vào, không sợ mặn nhạt chi cả. Tóm lại, đáng lẽ phải đi chợ, phải nặn óc nhớ mọi thứ cần dùng cho một món ăn, thì cứ ngồi nhà, mở hộp ra là nấu. Thức ăn toàn thứ tốt, mua ngay tại chính nơi sản xuất nên tươi rói. Rau trái do Chez Louis ở chợ Jean Talon cung cấp. Thịt lấy ở La Maison du Rôti. Cá ở tiệm La Poissonnerie Falero. Tất cả đều được đựng trong bao đã hút hết không khí và được Bưu Điện hoặc các hãng giao hàng chuyên nghiệp giao tới bằng hộp giấy bìa có lót lớp giữ lạnh. Hãng bảo đảm giữ lạnh được tới 30 tiếng sau khi giao. Hộp đựng sau đó có thể bỏ tái chế. Đồ nấu được giao đúng một lượng đủ dùng, không phí phạm. Vậy là rất thân thiện với môi trường. Nấu ăn xong mà chẳng có tí rác nào cả!
Tôi nghĩ là tôi có thể nấu ăn được với công ty của cô Fetzer. Được là cái chắc vì cô bảo đảm dù là tay mơ tới đâu, cứ biết chữ, đọc được bảng chỉ dẫn là dư sức qua cầu. Ngày đó, nếu có Cook It thì anh em chúng tôi đỡ khổ biết bao. Ông Hoàng Xuân Sơn tha hồ thơ thẩn đăng khắp báo giấy báo mạng trên khắp thế giới. Khoái chí nghĩ như vậy nhưng nghĩ lại thì lại lòi ra vấn đề. Cái miệng ăn mắm muối đã quen nay chơi với toàn bơ sữa xì dầu liệu kham được mấy ngày? Phải chi dân ta có những người có lòng chơi ngay một phát Cook It kiểu Việt Nam thì những người như tôi đỡ khổ biết mấy. Lúc đó muốn cơm canh có cơm canh, muốn phở có phở, muốn bún có bún. Đời còn chi sung sướng hơn. Chừng nào mới có một Fetzer người Việt xuất hiện đây?
Cái miệng ăn mắm ăn muối quen nên đi đâu cũng phải mắm muối bên mình. Bởi vậy nên khi anh chàng Luke Nguyễn nấu ăn có chai nước mắm bên cạnh là tôi khoái cái bụng. Là người Việt thì nước mắm làm chuẩn. Cơm tây làm chi có cái thứ quốc hồn quốc túy đó. Nói vậy thì ai không thích nước mắm không phải là người Việt à? Đúng vậy, ai cũng nghĩ thế. Nhưng tôi thấy có khi không đúng. Ai Việt Nam bằng ông Luân Hoán? Nhà ông từ trong ra ngoài đặc sệt nét Việt Nam. Tới cửa nhà đã thấy cái hộp thư sơn màu vàng ba gạch đỏ đập vào mắt. Việt Nam chay chẳng chệch đi đâu được. Vậy mà ông ấy kị nước mắm. Ngồi ăn với ông, vô ý để chén nước mắm trước mặt ông ấy là ông ấy đẩy ra xa liền. Tôi là người Việt gốc nước mắm nên đôi khi thắc mắc trong bụng không biết ông ấy có phải là người Việt không? Nghĩ trong bụng thế thôi chứ bố bảo tôi cũng chẳng dám hỏi ông ấy, sợ bị mắng bằng thơ!
Vì là người gốc nước mắm nên khi du học bên Phi Luật Tân tôi chới với về chuyện ăn. Trường tôi học là Đại Học Quốc Gia Phi Luật Tân (University of the Philippines) gọi tắt là UP, nằm tại thành phố Quezon City, ngay sát thủ đô Manila. Dorm tôi ở là International Center dành cho sinh viên ngoại quốc, không có canteen. Toàn sinh viên ngoại quốc, mỗi ông mỗi bà ăn một thứ khác nhau, mở canteen chắc chỉ ngồi đuổi ruồi. Lười nấu nướng muốn ăn cơm ở canteen phải cuốc bộ qua các dorm khác, nơi sinh viên bản xứ ở. Ăn vài bữa là chán đến mang tai. Phần lớn sinh viên ngoại quốc đều nấu ăn lấy. Bếp của dorm chúng tôi đủ mùi vị của các loại gia vị từ Kampuchia, Ấn Độ, Hongkong, Malaysia đến mấy anh Iran, Iraq và cả mấy anh Pháp, Anh, Hoa Kỳ. Nước mắm dĩ nhiên cũng chen chân vô được.
Chân ướt chân ráo tới học, tôi gặp may mắn có vài ông Việt Nam bên cạnh. May hơn nữa là có một anh nấu ăn rất giỏi. Chúng tôi bám vô anh ta liền. Nhóm ăn gồm ba dân Mít được thành lập. Anh nấu ăn giỏi dĩ nhiên giữ phần nấu nướng. Một anh phụ trách đi chợ. Anh bếp yêu cầu anh đi chợ phải kiếm cho ra nước mắm. Không có nước mắm thì nấu nướng chi được. Anh phụ trách đi chợ chạy tìm lung tung trong các tiệm bán thực phẩm người Hoa. Xì dầu thì có, nước mắm đâu ra! Một bữa, anh đi chợ xách về một chai có vẻ như nước mắm nhãn hiệu toàn tiếng Phi. Cầm chai gọi là nước mắm xoay qua xoay lại, anh đầu bếp phán có hy vọng là nước mắm lắm. Thôi thì cứ khui ra coi. Anh đưa lên mũi hửi. Mấy cặp mắt sốt ruột lóng ngóng hỏi: “Có thối không?”. Mùi nặng nặng tỏa ra. Thối thật. Anh đầu bếp reo lên: “Đúng là nước mắm!”. Mặt anh đi chợ vênh lên.
Tôi rất ngại nói về nhiệm vụ của tôi trong cái tổ tam tam nấu nướng này. Một anh nấu, một anh đi chợ, tôi chỉ còn cái job rửa chén bát! Thôi thì mình bất tài ráng chịu phận hèn. Ăn xong, người ta ngồi vểnh râu xỉa răng, bàn chuyện thế giới hoặc tung tăng đi chơi, mình nai lưng ra dọn bàn, bưng chén đĩa đi rửa. Vừa rửa vừa tức anh ách trong bụng. Phải chi ngày đó có cái nghiên cứu của trường Đại Học Florida! Mấy nhà nghiên cứu này hơi chậm chạp. Mãi tới mới đây, tháng 9 năm 2015, mới nghiên cứu xong và công bố trên tạp chí Time cũng như các tập san chuyên môn Medical Daily và Netdoctor. Kết luận của nhóm nghiên cứu là rửa chén giảm được tới 27% stress.
Cuộc nghiên cứu cũng hết sức khoa học như những cuộc nghiên cứu khác. Các tình nguyện viên được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, trước khi rửa chén bát, được đọc một đoạn trong cuốn sách “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Nhóm thứ hai không đọc chi cả. Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất giảm được 27% stress và tăng khả năng tỉnh thức được 22% sau khi rửa chén. Nhóm thứ hai không có thay đổi chi về tình trạng tâm thần.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết chi trong đoạn văn này mà ép-phê dữ vậy? Nguyên văn đoạn viết đó như sau: “Sự kiện tôi đứng đây và rửa những cái chén này là một sự kiện mầu nhiệm. Tôi hoàn toàn là tôi, làm chủ được hơi thở tôi, ý thức được sự có mặt, ý thức tâm ý và hành động của tôi, tôi không thụ động trong hoàn cảnh, như một cái nút chai bị những đợt sóng trên mặt biển vùi dập và lôi kéo, tâm ý tôi không tán thất trong loạn tưởng như một mớ bọt biển trên đầu sóng, tan nát thảm thương khi làn sóng đập đầu vào ghềnh đá…”. Mới nghe qua thì thấy rất khôi hài. Rửa chén thì có gì hay ho mà vẽ chuyện tập trung ý lực nhiều như vậy? Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì quả thực tất cả sự hay ho nằm ở chỗ đó.
Ngày tôi hậm hực đứng rửa chén, quả thực tâm ý tôi rất lang bang. Rửa như một sự bắt buộc, như trả nợ quỷ thần, chẳng có tí ti chánh niệm nào. Nếu ngày đó, được khai thông chánh niệm, coi sự rửa chén như một sự may mắn giúp tôi ý thức được hành động của mình thì tâm hồn tôi thanh thản biết bao. Biết đâu tôi đã chẳng trở thành một thiền nhân, nhìn chúng sinh với con mắt của người tỉnh thức, rủ lòng thương hại lũ chúng sinh còn trong vòng mê muội.
Trong lũ chúng sinh đó chắc chắn có anh chàng nấu bếp!
11/2015 |