Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

MÙNG

Sau mười năm định cư ở Canada, tôi về thăm gia đình. Điều làm tôi chán nhất là chuyện mắc mùng. Thực ra tôi dị ứng với chuyện này từ lâu. Ngay từ hồi còn nhỏ. Ngày đó, buồn ngủ muốn chết, mắt đã nhắm tít, vậy mà bị kêu dậy mắc mùng trước khi ngủ, chán thiệt chán. Cái mùng lúc đó là một của nợ chỉ muốn tung hê đi, muốn ra sao thì ra. Ra sao đây là chuyện muỗi đốt. Muỗi lúc nào cũng chầu chực bên mình, kêu vo ve, thấy đáp được xuống một mảng thịt nào là sà ngay xuống, cong đít lên, hút tí máu. Mắt chẳng muốn nhướng lên, vậy mà tay, lúc đập đen đét, lúc gãi muốn trầy da tróc vẩy.

Khi đã khôn lớn, chuyện treo mùng cũng vẫn còn là chuyện ngại ngùng. Lấy mùng ra, kiếm bốn đầu dây, dướn người treo lên, hết đầu này qua đầu khác. Người đã muốn kềnh ra cho…phẻ, vậy mà còn phải giắt mùng dưới chiếu, khép cửa mùng cho kỹ sau khi chui vào. Mất biết bao nhiêu thời giờ ngủ quý báu. Co mình trong giường cũng chưa yên. Có khi vì dắt mùng ẩu hay chui vào mùng chậm chạp, vài chú muỗi theo vào đòi ngủ chung. Nếu chúng ngủ như mình thì chẳng có chuyện chi, nhưng chúng bay tứ tung, vo ve bên tai rất khó chịu. Lơ chúng đi để dỗ giấc ngủ đâu có đặng. Nằm chung với kẻ chỉ rình hút máu không dễ. Lại phải lổm ngổm bò dậy, chong mắt nhìn cho kỹ trong bóng đêm để đập mấy tên phá thối cho nát bét ra mới yên thân. Nhưng mắt người không phải là mắt dơi nên nhìn đâu có thấu qua màn đêm. Lại phải lỉnh kỉnh thức dậy, bật đèn, thanh toán cho hết quân nằm vùng mới yên thân ngủ được.

Ngày nhỏ, chúng tôi có trò chơi cho việc thanh toán mấy anh nằm vùng này. Thay vì bật đèn điện, chúng tôi đốt đèn dầu, vừa lấy ánh sáng, vừa dùng làm vũ khí chiến trận. Chờ cho muỗi đậu vào mùng, dí cây đèn dầu phía dưới, hơi nóng làm địch quân buông chân rơi xuống, nằm gọn trong đèn chết kiểu barbecue. Sau đợt hành quân, nhìn xác quân thù nằm đen kịt trong đèn khoái cách chi đâu!

Nhưng cái khoái đó đâu có thấm chi với cái khoái muốn ngủ là lăn kềnh ra ngủ. Chẳng phải mất công mùng miếc lôi thôi. Ngày được định cư ở Canada, tôi được hưởng cái khoái này. Sao nó dễ chịu dữ vậy! Cái mùng rơi khỏi trí óc tôi. Chỉ tới khi về lại Việt Nam, cái mùng mới lại vướng víu.

Mùng để cản muỗi. Ai chẳng biết. Nếu không có mùng đêm đêm muỗi sẽ xơi tái người liền một khi. Nhưng có mùng chưa hẳn là an toàn. Hồi trẻ, ngủ mùng đàng hoàng nhưng sáng ra tay chân đầy những vết muỗi cắn đỏ. Chỉ vì con nít đâu có nằm yên, nhúc nhích liên hồi, tay chân cận kề mùng, vậy là quân địch thoải mái tấn công từ phía ngoài mùng. Có mùng cũng như không.

Mùng là một cách chống muỗi. Ngày nhỏ chúng tôi có một cách chống muỗi khác kiểu bất chiến tự nhiên thành. Không cố ý chống mà lại là chống. Đó là đi bắt bọ gậy. Muỗi cái đẻ ra trứng, trứng trưởng thành biến thành bọ gậy hay loăng quăng, sau đó bọ gậy vươn vai đứng dậy thành muỗi bay được. Bọ gậy thường…loăng quăng trong các vũng nước ao tù hay nơi bùn lầy nước đọng. Chúng tôi dùng một chiếc vợt, vớt từng đám bọ gậy lên, bỏ vào một cái chai có chứa nước. Dĩ nhiên ngày đó chúng tôi không nghĩ mình là cán bộ diệt trừ sốt rét nhưng bắt bọ gậy chỉ để nuôi cá đá và cá vàng. Đó là thứ thực phẩm loại xịn của cá. Thả bọ gậy vào bể cá, cá ngóc miệng lên thanh toán nhanh như chớp. Chúng tôi đi bắt bọ gậy một cách tài tử khi cần thực phẩm cho cá. Những quầy bán cá đá cá cảnh ở Chợ Cũ Sài Gòn cũng có bán những túi ni lông bọ gậy. Họ treo lủng lẳng từng chùm. Biết bao nhiêu bọ gậy sẵn sàng làm mồi cho cá. Họ là những người bắt bọ gậy chuyên nghiệp, giết biết bao nhiêu muỗi tương lai.

Vậy mà sao vẫn không hết muỗi? Khó mà hết được. Muỗi có từ 170 triệu năm trước, ngày nay vẫn dai dẳng tồn tại. Sơ ý một chút khi ngồi ngoài vườn lúc chiều tà là tay chúng ta phải đập ben bét. Mùa hè, đang chén chú chén anh, hứng khởi biết mấy, vậy mà chỉ vài con muỗi phá rối là chúng ta mất vui đi. Cứ khi chạng vạng là chúng ta phải co rút vào thế phòng thủ thụ động. Pháo đài phòng thủ bán đầy rẫy ở Home Depot, Rona, Canadian Tire hay Réno Depot. Đó là những chiếc lều có lưới chống muỗi bao kín, rộng đủ chỗ cho một bàn nhậu hay cho vài chiếc ghế lắc lư để các cụ hưởng gió mát trăng thanh. Ngồi trong lều cũng như ngồi trong mùng, muỗi chỉ có nước liếm mép!

Nếu không muốn lích kích hoặc ngại móc túi tiền mua lều có lưới chống muỗi thì thắp nhang trừ muỗi chung quanh chỗ ngồi. Mùi nhang sẽ làm muỗi chạy có cờ. Muỗi chạy nhưng nhiều khi người cũng chạy vì dị ứng với mùi nhang trừ muỗi, vốn nặng mùi hơn thứ nhang cây dùng để cúng kiếng. Không dùng nhang thì dùng các hương liệu tự nhiên. Vừa nhẹ cho cái mũi, vừa nhẹ cho túi tiền. Đó là cách đốt sả, vỏ cam vỏ quýt, bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi, bã mía…đã được phơi khô. Dùng những thứ này coi bộ tiện lợi. Trái bỏ vào miệng, vỏ đốt trừ muỗi.

Muỗi cũng như người, thấy cái chi hấp dẫn là nhào vào bất kể hiểm nguy. Lợi dụng tính hảo ngọt của muỗi, người ta có thể bẫy muỗi bằng nước đường. Lấy một chai bia rỗng, đổ vào một chút nước đường, đặt vào nơi có nhiều muỗi. Muỗi ngửi thấy mùi đường ngọt sẽ nhào vào và bị dính vào chai. Nếu bạn là dân nhậu thì có thể mời muỗi về nhậu chung cho vui. Thay vì đổ nước đường vào chai, bạn chỉ việc chừa lại chút bia dưới đáy chai. Muỗi sẽ bay vào và dính vào chai khi ngửi thấy mùi bia. Cách mời nhậu này không được…quân tử, nhưng chết vì đam mê cũng là một yên ủi cho đời muỗi. Ngẫm ra thì muỗi đâu có khác người bao nhiêu!

Các cách diệt muỗi trên là cách thủ công, chẳng cần máy móc chi. Thời buổi khoa học ngày nay mà cứ chậm tiến như vậy coi bộ lạc hậu. Bi chừ người ta diệt muỗi bằng…khoa học. Nói tới diệt muỗi bằng âm thanh trước. Muỗi có một số hung thần mà nghe tới tiếng bay của chúng, muỗi phải lảng xa liền. Như loài dơi chẳng hạn. Gặp thứ này, muỗi…hiến thân liền. Lợi dụng sự né tránh của muỗi với dơi, người ta chế ra một phần mềm bắt chước âm thanh của dơi. Muỗi nghe thấy âm thanh này là chạy có cờ. Người ta tải phần mềm này vào chiếc điện thoại cầm tay để dùng được ở mọi nơi mọi chỗ. Khi ngủ, cho phần mềm này chạy, muỗi không dám bén mảng đến bên cạnh bạn. Bạn cứ thoải mái mà…ngáy! Nhiều bạn khó ngủ vội thắc mắc: ngủ mà có âm thanh bên cạnh, yên ổn nhắm mắt sao đặng? Đừng lo bò trắng răng. Âm thanh này là các sóng âm cực nhỏ, chỉ từ 15 đến 17 KHz trong khi tai chúng ta chỉ nghe được các âm thanh có tần số từ 20 đến 20 ngàn KHz. Vậy dù có thính tai đến đâu, chúng ta cũng không bị âm thanh này làm rộn trong giấc ngủ. Phần mềm này cho phép chúng ta điều chỉnh từ 9 KHz đến 23 KHz nên chúng ta có thể lựa sao cho âm thanh đuổi muỗi có tác động lớn nhất mà tai chúng ta không bị làm ồn.

Chuyện muỗi đốt không phải chỉ là chuyện ngứa ngáy khó chịu. Chuyện lớn hơn nhiều. Bởi vì khi đốt người, chúng còn truyền cho chúng ta những chứng bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt vàng, sốt xuất huyết hay nhét cho tí virus West Nile. Muỗi chơi xấu với con người như vậy nên chuyện diệt muỗi là chuyện bận tâm của các nhà khoa học. Khi các đầu óc loại xịn này ra tay thì họ ra đòn cực độc. Giáo sư Roger L. Miesfeld của Đại Học Arizona cùng với các cộng sự viên Patricia Y. Scaraffia, Guanhong Tuan, Jun Isoe, Vicki H. Wysocki và Michel A. Wells, đã nghiên cứu việc…ám sát muỗi. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là biến bữa ăn của muỗi cái thành bữa cuối cùng trong đời nó”. Tại sao lại “muỗi cái”? Vì chỉ có muỗi cái hút máu người để sinh sản thôi, muỗi đực vô tội. Các nhà nghiên cứu này đã tìm ra là loài muỗi aedes aegyptie phải bài tiết ra chất nitrogen có độc sau khi hút máu người, nếu không chúng không thể đẻ trứng và sẽ chết. Dựa vào khám phá này, các nhà khoa học này đang tìm kiếm một loại phân tử vô hại với người nhưng lại có thể ức chế việc trao đổi chất ở muỗi, buộc muỗi không thể bài tiết nitrogen. Vậy là muỗi hết đường sanh đẻ. Chúng sẽ bị tiêu diệt. Chất ức chế này sẽ được dùng trong thuốc diệt côn trùng để phun lên những nơi có muỗi ẩn náu. Các nhà khoa học này cũng đã nghĩ tới việc chế tạo một loại thuốc diệt muỗi uống được để dùng cho con người. Những người đã mắc bệnh sốt vàng hay sốt rét sẽ được cho uống loại thuốc này. Nếu muỗi chích vào những người này, nó sẽ hút cả thuốc lẫn máu người và sẽ bị triệt đường sanh sản và chết sau đó. Giáo sư Miesfield phấn khởi nói: “Cả cộng đồng chúng ta sẽ trở thành một cái bẫy muỗi khổng lồ!”.

Bít đường thải nitrogen để muỗi hết đường sinh sản, các nhà khoa học còn nghĩ ra một phương cách khác cũng bằng cách can thiệp làm thay đổi tiến trình sinh sản của muỗi. Đó là làm cho muỗi sanh ra toàn muỗi đực! Nhà nghiên cứu Nikolai Windbichler của trường Imperial College ở Luân Đôn đã vui mừng cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy gót chân Achilles của muỗi”. Muỗi có khoảng 400 bản sao một loại gen đặc biệt trên nhiễm sắc thể X. Đó là nhiễm sắc thể mang những tính trạng hình thành muỗi cái. Giáo sư Windbichler tìm ra một loại mốc sản xuất ra loại protein có thể cắt gen và đưa loại protein này vào muỗi. Loại protein này sẽ hoạt động bằng cách cắt nhiểm sắc thể X ở 400 chỗ khi muỗi sản xuất ra tinh trùng. Ông nói: “Bạn có thể tưởng tượng nó sẽ làm tổn hại nhiễm sắc thể và không thể truyền lại được vào thế hệ kế tiếp”. Vậy là chỉ còn lại toàn muỗi đực vô tích sự. Cả quần thể muỗi sẽ tiêu vong!

Nghiên cứu của Giáo sư Nikolai Windbibichler đã được công bố trên tạp chí Nature Communications. Ông cho biết sẽ cần thêm nhiều thử nghiệm nữa để đảm bảo phương pháp này an toàn và hiệu quả. Ông giải thích: “Nếu bạn so sánh những gì chúng tôi đang làm với thuốc diệt côn trùng thì sẽ thấy phương pháp của chúng tôi rất cụ thể”. Giáo sư Peter Hotez của Đại học Y Khoa Baylor cho đây là một phát hiện thú vị và đầy hứng khởi.

Một phương pháp trừ muỗi khoa học khác là phương pháp The Sterile Insect Technique, viết tắt là SIT. Phương pháp này dùng tia phóng xạ để tạo ra những con muỗi đực vô sinh. Thả những anh đực mất khả năng này vào quần thể muỗi cái. Đặc điểm của muỗi cái là chỉ giao phối một lần duy nhất trong đời với muỗi đực. Không có lần thứ hai. Vậy nên khi tù ti với những anh muỗi đực handicap này, muỗi cái sẽ đẻ ra những trứng bị ung chẳng nở niếc chi được. Vậy là rồi đời dòng dõi muỗi!

Muỗi là thủ phạm của cả triệu người chết vì bệnh sốt rét hàng năm. Các phương pháp sinh học kể trên nhằm vô hiệu hóa việc sanh sản của muỗi. Đó là cuộc chiến phía trong. Cuộc chiến phía ngoài với muỗi ngày càng tinh xảo. Nhớ lại, ngày xưa hàng đoàn cán bộ diệt trừ sốt rét dùng những bình sịt muỗi đi vào các miền hoang dã rậm rạp, hang ổ của muỗi, để phun thuốc trừ muỗi. Ngày đó hình như chúng ta dùng thuốc DDT thì phải. Ngày nay khoa học đã đi tới việc dùng súng để diệt muỗi. Dĩ nhiên không phải súng thường (ai lại bắn muỗi bằng súng!) mà là súng laser. Đây là loại vũ khí mà người ta gọi là “vũ khí hủy diệt muỗi hàng loạt”. Nghiên cứu này hiện đang được tiến hành tại Seattle dưới sự bảo trợ của Quỹ Từ Thiện của tỷ phú Bill Gates. Súng laser này tạo ra các tần sóng liên tục làm gẫy cánh muỗi, đốt cháy các cánh này và giết muỗi nhanh chóng trong phạm vi hoạt động. Loại súng này không làm tổn hại sức khỏe con người như các loại dùng hóa chất hay các thiết bị điện diệt muỗi hiện nay. Hai nhà vật lý nổi tiếng, Tiến sĩ Lowell Wood và Tiến sĩ Jordin Kane, tác giả của loạt phim Star War, phụ trách việc nghiên cứu phương pháp này.

Súng, chưa hết. Người ta còn dùng tới…máy bay để diệt muỗi. Nghe thì có vẻ lớn chuuyện chứ đây chỉ là loại máy bay không người lái siêu nhỏ có trang bị máy hình hồng ngoại tuyến, cân nặng chỉ gần 1 ký, chạy bằng pin, được hãng Condor Aerial chế tạo. Chiếc máy bay hình chim ưng này có thể xác định vị trí của các vũng cạn, nơi muỗi sanh sản, để phun thuốc tiêu diệt các loài ấu trùng và muỗi ngay khi chúng còn trong trứng nước. Giám Đốc Điều Hành  Fred Culbertson của hãng Condor Aerial cho biết: “Máy bay có thể bay trong vòng 90 phút. Camera hồng ngoại sẽ dễ dàng xác định vị trí của các vũng nước cạn, môi trường sinh sản ưa thích của muỗi, vì nước và mặt đất khô có sự khác biệt về nhiệt độ”.

Khoa học ngày nay có trăm phương ngàn kế để tấn công tiêu diệt những sát thủ của bệnh sốt rét và nhiều bệnh khác. Ngày xưa làm chi có những “đồ chơi” tối tân để khử dòng họ muỗi dễ ghét. Con người chỉ biết phòng thủ thụ động. Chui vào trong mùng né muỗi là cách phổ thông nhất. Thụ động nhất chắc là ông Ngô Mãnh trong truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Ông…mãnh này là người con chí hiếu sống trong đời nhà Tấn bên Tàu. Năm lên 8 tuổi, nhà nghèo, không có tiền mua mùng, đứa bé tên Mãnh đã cởi trần nằm không dám nhúc nhích bên cha mẹ để tự làm mồi cho muỗi đốt. Anh cu 8 tuổi này nghĩ rằng nằm chịu trận cho muỗi đốt như vậy thì muỗi sẽ tha cho cha mẹ. Cứ như muỗi cũng hiểu được lòng hiếu thảo của anh. Ngày đó có thơ ca ngợi như sau:

Hạ dạ vô văn trướng,
Văn đa bất cảm huy
Tứ cừ bảo cao huyết
Miễn sử nhập thân vi.

Diễn nôm đại khái: đêm mùa hè không có mùng, muỗi nhiều không dám xua, cho muỗi đốt no máu mình, để khỏi đến nơi cha mẹ nằm.

Mùng là một vật để chống muỗi, đó là công dụng chính của mùng. Tôi nghĩ mùng còn có công dụng khác nữa. Ngày xưa, chúng ta không có đủ phương tiện để có được mỗi người hay mỗi cặp vợ chồng một phòng ngủ. Cứ chỗ nào kê được cái giường là ngủ. Nhiều khi chỉ một phòng lớn là ông bà, cha mẹ, con cái giường ai nấy ngủ. Nếu không có mùng thì tơ hơ cả ra. Giả dụ như cặp vợ chồng trẻ ngủ giường bên cạnh giường cha mẹ, đêm khuya cần hoạt động du kích, nếu không có mùng sẽ bất tiện biết chừng nào! Vậy mùng còn có nhiệm vụ bảo vệ sự riêng tư.

Nhưng ngày nhỏ chúng tôi đã dùng mùng vui hơn nhiều. Mùng được chúng tôi biến cải thành nhà hộ sinh cho ve sầu. Mùa ve sầu, khi chạng vạng tối, chúng tôi tìm bắt nơi thân cây những sâu ve chưa lột xác, mang về để bám bên trong mùng. Sáng ngủ dậy, ve sầu đã lột xác trong đêm khuya bay phấp phới trong mùng. Sướng cách chi. Tưởng chỉ có mình chơi trò hứng thú này, ai ngờ cũng có tri kỷ. Tri kỷ là nhà thơ Trần Mộng Tú. Trong bài viết “Saigon và Tuổi Thơ của Tôi”, nhà thơ kể lại: “Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn. Đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác”.

Chẳng lẽ lại có chuyện chí lớn gặp nhau trong…mùng!

04/2015