Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

HẾT

Cụ Nguyễn Văn Hết, 97 tuổi, ở quận 11, thành phố Sài Gòn, đã ăn tết  năm Canh Dần 2010 thật lớn. Lớn hết biết. Ngày 28 tết, cụ trúng số độc đắc, bỏ túi được 7,6 tỷ đồng. Trong một đất nước ai cũng là triệu phú thì 7,6 tỷ đồng có lớn không? Nghe bạc tỷ là tôi phát khiếp nên chẳng biết cụ Hết đã trúng được bao nhiêu đô. Lò mò vào internet để đổi tiền dùm cụ Hết mới biết cụ bỏ túi được 348.944 đô theo thời giá hiện nay. Kể cũng đáng công vì cụ, tuy nghèo rớt mùng tơi, nhưng vẫn mua vé số đều đặn từ 30 năm nay. Trừ tiền thuế và cho tiền hàng xóm xung quanh, cụ còn gửi ngân hàng được 6 tỷ đồng và giữ lại chi tiêu vài trăm triệu.

Tính đâu ra đấy rồi nhưng cụ vẫn bị bất ngờ. Cụ có hai đời vợ nhưng không có con. Vậy là tạm thời cụ chẳng phải chia chác cho ai. Nhưng nghe tin cụ trúng số độc đắc, họ hàng của cụ bỗng đông hẳn lên. Họ lũ lượt kéo đến nhà đòi cụ chia tiền trên trời rơi xuống. Họ là con cháu của hai người em gái họ của cụ ở Long An. Cụ chóng mặt vì bỗng nhiên có một gia đình đông đúc đến như vậy. Cụ than thở: “Nhiều người lần đầu tiên tôi gặp nên cũng không biết là ai. May mắn trúng số, vui cũng có, mà nhiều khi tui thấy hoa cả mắt vì họ”.

Ba chục năm nghèo đói không ai héo lánh tới, vậy mà nay thì cả trăm người nhận họ hàng kéo tới nhà, cắm dùi ở, nhất định không chịu ra đi nếu chưa nhận được chút bổng lộc. Ông hàng xóm của cụ tên Nam cũng phải…bức xúc: “Không thể tin được, mấy chục năm nay, ông bà Hết sống đơn độc, thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường, sống bằng những tấm lòng từ thiện, chẳng thấy có con cháu nào đến thăm. Vậy mà chỉ một ngày sau khi ông may mắn thành tỷ phú, người quen ở đâu không biết kéo đến chật cả ngõ, bít cả lối đi. Nhiều người đã xông luôn vào nhà, lục lọi từ xó bếp đến đầu giường để tìm tiền trước sự kháng cự yếu ớt của ông lão. Khi được hàng xóm can thiệp, nhiều người cho rằng đây là chuyện trong nhà, người ngoài biết gì mà xía vô”.

Ông Nam này khéo ngây thơ. Con kiến còn biết chỗ có chất ngọt để bu vào thì con người thấy tiền mà không xúm vào mới là lạ. Tôi nhớ tới bài hát “Chiếc Áo The Thâm Tàn” của Đan Trường mà ngày xưa tôi mê mẩn mỗi lần nghe ban hợp ca Thăng Long trình diễn.

Hồi xưa áo the thâm còn lành 
Dân làng quen đều ham đón mình 
Người thân thích đâu ra nhiều thế 
Không đấu đong anh em bà con! 
….
Hồi xưa áo the thâm còn cừ
Lo phiền luôn vì đâu cũng mời
Tìm phương tránh nhưng không đường thoát
Không phút giây yên thân trời ơi!

Chỉ có một chiếc áo the mới mà dân làng đã săn đón kỹ càng như vậy, huống chi có bạc tỷ! Họ hàng của cụ đông đúc hẳn lên là phải. Ngay từ ngày 28 tết, ngày cụ trúng số, cụ không thể ngủ yên được vì đám con cháu mà cụ nói là “đại bác bắn không tới” liên tục tới làm rộn cụ. Con hẻm 341 đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, không còn lối đi, phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Tuổi già lẩm cẩm của cụ Hết làm khuyết đi một góc số tiền thần tài ưu ái dành cho cụ. Ngay khi lãnh tiền về, cụ phát cho hàng xóm từng cục tiền không biết bao nhiêu. Số tiền hao hụt tính ra lên tới cả tỷ bạc. Cụ phải nhờ người hàng xóm là anh Phạm Hữu Đức giữ giùm. Ôm mớ tiền không phải của mình, anh Đức cũng trầy da tróc vẩy vì đám tự nhận là con cháu của cụ Hết vây quanh đòi chia. Anh khổ sở thổ lộ: “Người ta trúng số mà mình mang họa. Công việc riêng bỏ hết, ngủ cũng chẳng yên. Thứ nhất, mọi người cứ nghĩ mình giữ tiền vì trục lợi. Thứ hai, con cháu ông Hết bám theo đòi tiền quá khiến tôi xanh mặt. Đâu có ai nghĩ mình chỉ làm phước giúp ông cụ!”.

Một năm sau, ngày 7 tháng 1 năm 2011, báo Thanh Niên chạy một cái tít  khá bất ngờ: “Cụ Già Tỷ Phú Độc Đắc Sắp Nghèo Trở Lại?”. Theo bài báo thì ông Cao Hoàng Khương, Phó Chủ Tịch Phường 5, Quận 11, cho biết cụ Hết, 98 tuổi, có thể chỉ còn vài trăm triệu. Cụ dành ra 250 triệu để lo ma chay khi cụ qua đời. Khoảng bảy tháng sau khi trúng số, cụ chỉ còn 850 triệu đồng gửi ngân hàng và ủy quyền cho một người cháu tên Liễu quản trị. Cụ sống bằng tiền lời ngân hàng được rút ra hàng tháng. Cụ nay lại độc thân vì cụ bà Nguyễn Thị Ba đã ra người thiên cổ chỉ nửa năm sau khi trúng số.

Nhiều người hàng xóm của cụ Hết đã cho rằng cụ không trúng số chắc cuộc đời cụ đã bình an hơn. Cụ nghĩ sao, không ai biết. Chỉ biết rằng cụ lại tiếp tục mua vé số và vững tin mình sẽ lại trúng số nữa trước khi tới số! Tôi thấy thương cụ Hết này quá. Tới tuổi 98 mà còn đòi trúng số nữa sau khi đã được thần tài ưu ái hỏi thăm một lần khiến cuộc đời cụ thêm nhiều rắc rối. Dù cụ có trúng số lần nữa thì cụ cũng…hết. Tên cụ đã là…tiền định!

Nói đi cũng phải nói lại. Có nhiều người có cái tên không hết mà khi trúng số vẫn hết như thường. Hết còn hơn cụ Hết nữa. Như trường hợp anh Michael Carroll ở bên Anh.

Michael là một đứa bé bị bỏ rơi sau khi bố chết và mẹ tái giá nhiều lần. Sau khi học hết trung học, anh sống một cuộc đời công nhân vất vả và túng thiếu. Năm 2002, khi được 19 tuổi, anh trúng số độc đắc 9 triệu 730 ngàn bảng Anh. Theo thời giá lúc đó, số tiền này tương đương với 15 triệu rưởi đô Mỹ. Từng nghèo khổ lại thêm trẻ tuổi, anh sống vung vít khi có bạc triệu trong túi. Kể anh cũng là người có hiếu khi tặng mẹ, dì và cô em gái mỗi người một triệu bảng. Với bạn bè anh cũng hào phóng, hết tặng đồ tới đãi đằng những bữa tiệc xa hoa. Anh khoái thể thao nên chi tiền cho các đội bóng anh thích. Sở thích của anh là xe hơi nên anh sắm toàn xe xịn. Có xe chẳng lẽ cất trong nhà xe, anh phóng xe trên đường để khoe xe sang. Xe chạy bằng xăng nhưng tài xế chạy bằng sự ngông cuồng coi trời bằng vung nên anh bị phạt lia chia. Chỉ hai năm sau khi trúng số, anh ngông nghênh lái xe BMW loại xịn mà không thèm gắn bảng số và không mua bảo hiểm nên bị phạt treo bằng lái trong sáu tháng. Một năm sau anh lại ngông nghênh. Anh say rượu, bắn ra từ trong chiếc xe Mercedes những viên sắt làm thiệt hại 32 chiếc xe và kính các cửa tiệm. Tiêu tiền như rác vào những việc vô bổ, anh là khách hàng thường xuyên của cảnh sát và tòa án. Thiên đàng ngông cuồng của anh cuối cùng cũng vỡ vụn. Năm 2010, anh lại lao động là vinh quang để kiếm sống.

Cũng dân Anh, cô bé Callie Rogers trúng số độc đắc 1.875.000 bảng Anh vào năm 2003, tính ra khoảng 2 triệu 8 trăm ngàn đô Mỹ. Khi đó cô mới 16 tuổi. Trẻ người non dạ nhưng cô này thực sự không non chút nào, cô nói với phóng viên báo Telegraph: “Tôi không điên rồ tiêu xài hoang phí. Tôi tới vấn kế một chuyên gia tài chánh. Tôi nghĩ mình sẽ ngon lành: giúp đỡ gia đình, có một căn nhà thường thường, một chiếc xe thường thường. Vậy thôi!”. Đang ngon lành như vậy, cô bỗng bốc đồng, tiêu tiền như nước. Tám năm sau, năm 2011, cô đã nâng ngực hai lần, tự tử bốn lần, nghiện ngập và có hai con. Tới nay, số tiền trúng số đã tan tành, cô mới thổ lộ: “Tôi không nghĩ tôi là người trúng số nữa. Tôi cố quên việc lên voi xuống chó của tôi và nghĩ tôi chỉ là một người bình thường. Đã có lúc tôi là một người trẻ tuổi có quá nhiều tiền. Ngay cả khi bạn muốn đời bạn không có chi thay đổi, nó vẫn thay đổi, thường là về phía không tốt đẹp chi”. Cô Callie Rogers đang đi học lớp y tá để làm lại cuộc đời.

Cô Callie Rogers này cho là vì trẻ người non dạ mà tiền vào rồi tiền lại ra. Kể cũng không sai. Anh chàng Michael Carroll trúng số năm 19 tuổi nói trên là một bằng chứng. Dĩ nhiên tuổi trẻ vốn nông nổi nhưng khi bỗng dưng có tiền triệu từ trên trời rơi xuống thì trẻ hay già đều quớ. Biết bao người trúng số khi tuổi đã trọng, suy nghĩ đã chín chắn, nhưng tiền vẫn đội nón ra đi, cách này hay cách khác. Thường thì người ta bị mất thăng bằng và vung tay ném tiền qua cửa sổ. Tuổi tác nhiều khi không giúp ích chi cho việc đón nhận số tiền bất ngờ này.

Bà Evelyn Adams là một thí dụ. Trong bài báo kể ra 10 ca trúng số bi thảm nhất mang tên “The 10 Worst Lottery Win Disasters”, tác giả Tanya Ghahremani đã liệt bà vào trường hợp bi thảm nhất. Bà trúng hai lần số độc đắc của tiểu bang New Jersey trong hai năm liền, năm 1985 và 1986. Tổng cộng bà ẵm được 5 triệu 400 ngàn đô. Tất cả số tiền này bay theo gió vì cách ăn xài phung phí, đầu tư dở, quà cáp hậu hĩnh cho gia đình và bạn bè và nhất là cờ bạc. Các cụ đã dậy: cờ bạc là bác thằng bần. Ngay cả tiền rừng bạc bể cũng lên chức “bác” được như thường.

Nếu cần một ví dụ khác thì có thể mang ông William Post ra đại diện được. Ông trúng số của tiểu bang Pennsylvania năm 1988, ẵm được 16 triệu 200 ngàn đô. Có tiền ông tiêu thả cửa vào nhà, xe, tàu, máy bay. Chỉ một năm sau ông nợ một triệu đô!

Nếu kể ra hết những trường hợp trúng số mà nghèo vẫn hoàn nghèo có thể làm các bạn chán ngấy. Nhiều lắm! Tôi cũng nản chẳng muốn hài ra tiếp những trường hợp bi đát khác vì không cầm lái được chiếc xe đầy nhóc tiền bất ngờ tới tay.

Ngoài chuyện hết tiền, chiếc vé số trúng còn gây ra những hậu quả bất ngờ khác. Gia đình bà Trần thị Mai ở Long An nghèo khó, làm quần quật quanh năm mà chẳng đủ ăn. Bà phải đưa gia đình lên Bình Dương  để ông xin làm được chân bảo vệ cho một công ty ngoại quốc và bà buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Giật gấu vá vai, gia đình bà cũng đủ ăn, bốn đứa con được ăn học đàng hoàng. Cả bốn đứa đều học thành tài. Ba đứa đã lập gia đình, chỉ còn đứa con trai chưa có vợ tên Lâm ở chung với ông bà. Một bữa khi đang bán hàng ở chợ, bà nhìn thấy một bà lão bán vé số, khuôn mặt thiểu não đi ngang qua. Thấy tội nghiệp, bà gọi mua giúp một vé. Bà đưa tấm vé cho cậu Lâm giữ. Tới chiều, bà lão bán vé số lật đật tới báo tin cho bà Mai là tấm vé số bà mua đã trúng độc đắc 100 triệu đồng. Thời điểm năm 2003, số tiền đó rất lớn. Bà nói với Lâm và Lâm vội phóng xe đi lãnh thưởng. Một lúc sau, Lâm trở về, mặt buồn bã, cho biết là vé số không trúng, chắc bà lão bán vé số nói lộn. Tưởng thật, đôi vợ chồng già buồn so vì mừng hụt. Nhưng bà lão đưa ra cuốn sổ ghi số vé và quả quyết tấm vé đó trúng độc đắc. Lúc đó bà mới nghi cậu con trai hiền lành nói dối bà. Mọi người  trong nhà xúm vào tra hỏi khiến cậu Lâm phải thú nhận ý định chiếm đoạt tấm vé trúng. Cậu móc ví ra trả tấm vé lại cho cha mẹ. Bà thương con nên khuyên mọi người trong nhà bỏ qua chuyện lỡ lầm của Lâm. Bà bàn với chồng sẽ chia số tiền thưởng đồng đều cho các con có vốn làm ăn. Thế nhưng tiền vừa về, chưa kịp chia thì các con bà nổi máu tham, dựng chuyện nói xấu nhau, đồng thời đua nhau nịnh cha mẹ để mong có phần hơn. Tình cảm anh em rạn nứt. Riêng cậu Lâm, quá mắc cở vì dối trá với cha mẹ, đã âm thầm bỏ đi biệt tích, không liên lạc chi với gia đình. Bà Mai ngao ngán nói: “Bao nhiêu năm nhịn ăn nhịn mặc để lo cho chúng nó bằng bạn bằng bè, những tưởng bốn đứa ăn học thành người sẽ có hiếu với cha mẹ. Nào ngờ đồng tiền lại làm lu mờ hết tình mẫu tử”. Bà ước chi nếu ngày đó không trúng số!

Gia đình bà Lê thị Lũy, 47 tuổi, ngụ tại Quận Nhì, Sài Gòn, lại trúng cú boomerang kiểu khác của tấm vé số trúng. Bà và chồng là ông Nguyễn văn Nam, 49 tuổi, sinh sống bằng nghề bán vé số. Tháng 8 năm 2009, có một lần họ không kịp trả mấy tấm vé số bán ế cho đại lý nên đành ôm lấy. Ai ngờ một trong những tấm vé này trúng độc đắc 1 tỷ 500 triệu đồng. Lãnh tiền xong, ông Nam bảo vợ ra chợ mua nhang đèn lên chùa cúng tạ ơn. Bà nghe lời chồng đi chợ. Khi trở về, không thấy chồng trong nhà, chỉ thấy một gói vuông vắn để trên giường. Bà vội mở ra xem thì thấy một cọc tiền 10 triệu đồng và một mảnh giấy viết nguệch ngoạc: “Xin lỗi em, nhưng anh phải có đứa con trai để sau này còn có người bưng bát nhang, em hiểu cho anh”. Bà chỉ biết ngậm ngùi vì trục trặc đường sanh đẻ nên bà không thể cho ông đứa con trai nối dõi!

Trúng số nghe ra rất ngậm ngùi! Đó là tôi kịp dừng bút, không kể ra nhiều trường hợp mất mạng vì trúng số cho thêm phần ngậm ngùi. Tôi không nỡ làm hại thu nhập của những người buôn bán thần tài tuy anh này cũng rất tệ! Anh cho tay này, tát vào mặt tay khác. Nói vậy kể cũng tội cho anh thần nhiều người muốn gặp này. Cờ đến tay là phất. Có người phất hay, người phất dở. Thực ra chuyện trúng số là chuyện của trời. Trời kêu ai nấy dạ. Chẳng ai thực tập trúng số cả. Vậy nếu muốn phất cờ cho hay thì chúng ta cần thực tập trước. Tôi vốn có tính lo xa (thiệt xa vì tôi đâu có mua vé số!) nên đã tìm bài bản để thực tập từ khuya rồi. Người trúng số thì ít nhưng người làm thầy cho người trúng số thì nhiều. Vào internet tìm thấy khối lời khuyên. Họ lập thành bài bản. Có bài đưa ra 5 điều phải làm, 10 điều phải làm, 12 điều phải làm hoặc 15 điều phải làm. Đại khái họ khuyên chẳng nên nhảy cẫng lên làm cho mọi người biết. Cứ lẳng lặng đi làm như thường, không bỏ job, trả hết nợ nếu mắc nợ, lẳng lặng dọn nhà, tìm chuyên viên tài chánh để đầu tư, tặng các hội thiện, chia cho gia đình và họ hàng, không vung tiền mua những thứ không cần thiết, giữ nguyên lối sống của mình. Tổng kết lại, tôi thấy điều nào cũng đúng. Nhưng điều quan trọng nhất là không ồn ào khiến nhiều người biết chuyện ông thần tài đã tới nhà chơi. Nhiều người còn tổ sư hơn khi nhờ luật sư lãnh tiền để giấu mặt.

Cụ Nguyễn văn Hết vi phạm điều này một cách rõ ràng. Cụ việt vị là phải. Cụ đã mang từng bao tiền ra cửa để phát cho hàng xóm một cách ồn ào. Sự vụng về của cụ đã kéo đám con cháu mà súng ca-nông bắn không tới ào ào đổ bộ tới nhà cụ đòi chia tiền.

Cụ Hết hết tiền là phải. Ở tuổi 97, khi trúng số, chắc cụ coi tiền bạc như giấy lộn. Sống bao nhiêu nữa mà giữ khư khư nắm giấy sắp biến thành vô giá trị vì không còn thời gian để tiêu. Cả một đời sống nghèo khó, nếu cụ có cơ hội làm cho mọi người bớt nghèo khổ chẳng là một điều sung sướng sao. Đó là ý nghĩ của tôi gán cho cụ Hết chứ cụ đã lẫn ai mà biết cụ nghĩ sao!

Dù sao riêng tôi cũng đã nhìn thấy trong sự tung hê bạc tỷ của cụ Hết có một triết lý hết sức nhân bản. Rải niềm vui tới mọi người. Làm được như vậy chỉ có những người 97 tuổi mới làm được. Cỡ già như cụ Trà Lũ chắc cũng làm được. Cỡ…nhất định không già như tôi thì còn khuya mới đắc đạo! Nhưng cái tôi thì nói làm chi vì, xin nhắc lại, tôi hết mua vé số từ lâu rồi!

07/2015