Đức Giáo Hoàng Francis lại vừa đi một bước đột phá trên con đường cải cách giáo hội Công giáo của Ngài. Ngài đã công bố vào ngày 8 tháng 9 vừa qua một Tự Sắc đơn giản hóa thủ tục tiêu hôn. Một khi người nam và người nữ dắt nhau lên bàn thờ chịu phép bí tích hôn nhân, họ hứa trung thành với nhau trọn đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Sau khi trao nhau nhẫn cưới, thề thốt trung thành, vị chủ tế ban phép lành và đọc…phán quyết: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Vậy là hai người bị trói vào nhau suốt đời, bất khả…rời.
Trước khi làm phép hôn phối, linh mục chủ lễ đã hỏi hai người phối ngẫu là họ có tự do tới để nên vợ nên chồng không. Thường thì họ trả lời có. Tôi đã chứng kiến một trường hợp bất thường. Bữa đó, tại nhà thờ Hàm Long Hà Nội, tôi giúp lễ cho một đám cưới. Khi vị linh mục hỏi cô dâu có được tự do tới nhận bí tích hôn phối không, cô trả lời không. Lập tức bà mẹ đang ngồi ở hàng ghế dưới chạy lên, nắm tóc và tát cô dâu lia lịa. Mọi người phải xúm vào gỡ ra. Đám cưới bị hủy bỏ ngay tức khắc. Không hiểu khi về nhà, người con gái bị ép duyên tội nghiệp này còn nhận những hình phạt nào nữa từ bà mẹ hung dữ.
Vậy là một khi đã chấp nhận vợ chồng trong phép hôn phối thì chồng vợ suốt đời. Con người không được rời xa nhau. Nhưng trên thực tế, luật đạo không cứng ngắc như vậy. Vẫn có lối thoát cho các cặp vợ chồng rời nhau bằng cách xin tiêu hôn. Tiêu hôn nghĩa là hai vợ chồng xin hủy bí tích hôn phối với nhiều lý do khác nhau. Sự việc sẽ được một tòa án hôn phối của mỗi giáo phận giải quyết. Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt ở California, Linh Mục Trần văn Kiểm, người điều hành Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, giáo phận Orange, cho biết: “Nhưng để được giải quyết rất khó. Nên nhớ, khi đã thành vợ chồng, không có quyền lực nào trên thế gian này có thể giải được, ngay cả Đức Giáo Hoàng, Tổng Thống hay vua chúa. Những nguyên nhân có thể được xét để tiêu hôn vì hôn nhân đã “không thành ngay từ lúc đầu” bao gồm: cưới nhau quá sớm, chưa chín chắn; có sự lừa dối, ví dụ như có bệnh nan y, vô sinh; cưới nhau do sự sắp đặt hoặc ép buộc; vợ chồng không chung thủy, tức là có nguyên nhân tiềm ẩn, bây giờ mới lộ ra”. Như vậy, theo tôi hiểu, chỉ được tiêu hôn vì những nguyên nhân đã có trước khi có bí tích hôn phối. Ngay cả việc vợ chồng không chung thủy, tuy bây giờ mới xảy ra nhưng đã có “nguyên nhân tiềm ẩn bây giờ mới lộ ra”.
Lối thoát có đó nhưng vô cùng phức tạp để hoàn tất việc rời xa nhau của những cặp vợ chồng không còn thấy hạnh phúc. Linh mục Kiểm nói: “Khi gặp hai người muốn tiêu hôn, tôi phải hướng dẫn, bắt họ nghiên cứu lý do xem có áp dụng được trong trường hợp của họ hay không. Rồi phải trả lời 21 câu hỏi của tòa án hôn phối”. Giấy tờ phải bổ túc cũng rất gay go: giấy rửa tội bản chính hoặc bản trích lục mới nhất, nếu không phải có nhân chứng tuyên thệ; bản hôn thú cũ; giấy ly dị chính thức do tòa án hành chánh cấp. Chưa hết, mỗi bên phải có ba nhân chứng biết rõ đời sống của hai vợ chồng. Vẫn theo linh mục Kiểm thì “một vụ xử tiêu hôn ngày nay vô cùng phức tạp vì lệ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như hồ sơ mất, con người, ..v..v.. có nhanh cũng phải mất cả năm hoặc năm rưỡi trời. Như vậy là nhanh rồi, chứ trước đây có khi đến hai hoặc ba năm mới xong. Có người thấy lâu quá đành bỏ ý định xin tiêu hôn luôn vì không thể chờ đợi lâu được”.
Với Tự Sắc mới, Đức Giáo Hoàng Francis ấn định phải đơn giản hóa thủ tục và thời gian xét chỉ còn 45 ngày.
Linh Mục Kiểm còn tiết lộ: “Lý do chính cho việc tiêu hôn hiện nay là không chung thủy”. Chắc ai cũng đồng ý về nguyên nhân chính khiến các cặp vợ chồng muốn rời xa nhau như Linh Mục Kiểm cho biết. Từ xưa, các cụ cũng đã biết như vậy. Văn mình, vợ người. Văn của tôi là nhất, vợ của người khác cũng nhất! Một kẻ hậu sinh, nhà thơ Bảo Sinh, diễn tả chuyện này vui hơn. Vợ là cơm nguội của ta / Nhưng là đặc sản của cha láng giềng! Chuyện léng phéng là chuyện rất phổ thông. Từ ông lớn đến ông nhỏ, ông nào cũng mắt la mày lét. Dĩ nhiên các bà cũng không được miễn nhiễm chuyện “hoạt động” ngoài vòng hôn nhân này. Các cụ cũng đã tiên liệu vụ này rồi! Ông ăn chả, bà ăn nem. Tôi bỗng thắc mắc. Có ăn uống chi đâu mà chả với nem, cơm nguội với đặc sản. Thời nay còn phở với cơm. Hay là có ăn mà tôi không rành!
Cứ phở, chả với nem riết rồi dẫn nhau ra tòa để tách rời. Hình như ngày nay các cô các cậu mang kính cận thị nhiều nên việc chọn lựa coi bộ không được chính xác. Tỷ lệ ly dị ngày càng cao. Chuyện ly dị xưa hiếm nay tràn lan. Riết rồi quen đi. Ngày xưa vợ chồng ngoảnh mặt với nhau là chuyện nhiều dị nghị, ngày nay chuyện thành cơm bữa nên trở nên nhẹ nhàng. Rất nhẹ nhàng. Chẳng giống như chuyện anh chàng người Đức vừa xảy ra vào tháng 6 năm ni. Khi bị vợ ly dị, tòa phán chia đôi tài sản, anh này chấp hành ngay. Anh về nhà cắt đôi mọi thứ từ chiếc xe hơi, phôn tay, laptop tới chiếc bàn chiếc ghế, thậm chí cả con búp bê nhồi bông! Để cho đã nư, anh quay video khi cưa hai tài sản bằng cưa và post lên YouTube ngày 16 tháng 6. Chỉ mới có bốn ngày mà ba triệu rưởi người nhào vô coi. Anh ký tên là Der Julivà nói câu tiếng Đức với bà vợ nay đã thành thù: “Cám ơn em với 12 năm “đẹp đẽ”, Laura! Em đã thực sự kiếm được một nửa. Chúc mừng kẻ sắp thay thế anh”. Chưa đã nư, anh còn rao bán những món đồ phần của anh mà anh cưa chỉ còn một nửa. Cục giận của anh lớn như vậy là vì cô vợ đã không chung thủy mà tòa vẫn bắt anh chia đôi tài sản chung. Giá cả những món đồ một nửa này rất mềm, nửa chiếc xe hơi chỉ rao bán có 50 đô!
Không cay cú kiểu cưa đôi như anh chàng người Đức, bác sĩ phẫu thuật tim của bệnh viện Nassau Medical Center ở Long Island, New York, tên Richard Batista cay cú kiểu khác: ông đòi bà vợ ngoại tình Dawnell một trái thận khi ly dị. Đúng là bác sĩ giải phẫu! Tháng 6 năm 2001, ông hiến tặng cho vợ một trái thận. Hai năm sau bà này bị thương ở đầu gối vì tập võ karate. Trong thời gian điều trị, bà tòm tem với ông chuyên viên vật lý trị liệu. Tháng 7 năm 2005 bà nộp đơn xin ly dị. Trái thận của ông nằm trong bụng bà mới có bốn năm mà bà đã ôm cầm sang thuyền khác. Người ta không yêu nhau bằng thận nhưng cũng cay chứ! Thận đã nằm sâu trong bụng bà thì dù có là bác sĩ giải phẫu ông cũng chịu thua, không móc ra lại được. Ông đòi trị giá của trái thận là 1 triệu rưởi đô. Ông than thở: “Tôi đã từng cứu bà ấy rồi bị phản bội như thế này. Thật không thể hiểu nổi! Bả đã ngoại tình còn từ chối gặp chuyên viên cố vấn hôn nhân để hàn gắn với tôi. Đã vậy bả còn ném vào mặt tội một xấp giấy ly dị trong phòng giải phẫu, đúng lúc tôi đang tìm cách cứu mạng sống của một bệnh nhân!”. Kể từ khi nạp đơn ly hôn, bà Dawnell cấm cửa không cho ông gặp ba đứa con nhỏ từ 8 đến 14 tuổi.
Anh chàng Der Juli và ông bác sĩ Richard Batista này là một thứ hiếm ngày nay. Chuyện ly dị như cơn gió thoảng, có chi mà cay cú đến như vậy. Cứ coi gương một cặp vợ chồng ở tỉnh bang Alberta của Canada chúng tôi mà học hỏi. Cuối tháng 8 vừa qua anh chị Chris và Shannon Neuman tới tòa án để ly dị. Khi đã được án ly dị, hai anh chị dắt nhau ra phía ngoài, ngay trước cửa tòa án, chụp hình selfie với nhau, cả hai cười tươi rói! Chị Shannon post tấm hình chia ly trong tiếng cười này lên Facebook. Chỉ nội trong vài tiếng đồng hồ, có 11 ngàn người vào chia sẻ với chị. Hai anh chị này không phải là của hiếm, nếu bạn vào Instagram bạn có thể coi được cả trăm tấm hình vui vẻ của cả trăm cặp đổ vỡ nhưng mặt mũi không nhăn nhó. Như là một trào lưu, người ta muốn chứng tỏ lòng “can đảm” trước chia lìa. Câu thiệu của họ là: “Đừng khóc khi chuyện đã qua, cười lên vì chuyện đã tới”. Triết lý chia tay ngày nay: đó không phải là một thảm kịch, không phải là một thất bại, không phải là chuyện đáng xấu hổ nhưng là một chuyển tiếp tự nhiên và thân thiện.
Ly dị chia tay ngày nay ấm áp như vậy nên tỷ lệ ly dị lên khá cao. Theo thống kê năm 2012 thì tại Mỹ có tới 29% các bà trong tuổi từ 15 đến 44 kết hôn lần đầu, ly dị trong vòng 10 năm sau đó, 43% trong vòng 15 năm và có tới 50% ly dị trong những năm tiếp sau thời gian 15 năm.
Có tới hai phần ba các vụ ly dị là do các bà đâm đơn. Lý do thông thường nhất là bị chồng chửi mắng và lơ là trong tình cảm vợ chồng. Có bà than thở: “Tôi chỉ quan trọng với ông ấy khi ông ấy muốn sex”. Lại có bà phàn nàn: “Ông ấy đi làm về, ăn, coi TV rồi biến mất. Trong khi đó, tôi chùi bếp núc, tắm cho lũ nhỏ, gấp quần áo giặt. Tới tối ông ấy giận khi tôi mệt không chiều theo đòi hỏi của ông ấy”. Một bà khác tức tưởi: “Ông ấy thay đổi từ khi chúng tôi cưới nhau. Không gặp bạn bè, không đi ăn ngoài với nhau và không xi nê chi cả. Hầu như ông ấy đi riêng lẻ, chẳng cần biết tới tôi trừ phi ông ấy muốn sex. Khi tôi bảo ông ấy là tôi có cảm tưởng bị bỏ rơi, ông ấy trí trá đổ hô là tôi đòi hỏi quá đáng. Có một lần ông ấy còn dám nói với tôi là có cả đống phụ nữ muốn làm vợ ông ấy!”.
Mùa ly dị ở Anh là mùa xuân, chính xác hơn là vào ngày 7 tháng 1 hàng năm. Các văn phòng luật sư chuyên về ly dị tấp nập thân chủ trong ngày này. Bộ có chuyện ly hôn tập thể nữa sao? Gần như vậy. Ông Derek Bedlow, quản lý trang mạng Insidedivorce, cho biết: “Dịp nghỉ lễGiáng Sinh và năm mới là cơn ác mộng với bất kỳ ai mà tình trạng vợ chồng đang bấp bênh. Đây là thời điểm thuận lợi để ‘giọt nước tràn ly’”.
Ly dị bi chừ là chuyện không buồn nếu không muốn nói là chuyện vui. Vui như đám cưới. Vậy nên cũng phải như đám cưới. Các tiệm bánh có những kiểu bánh mừng ly dị to và đẹp như bánh cưới. Có nhiều kiểu lắm. Tôi thích nhất chiếc bánh có tượng hai vợ chồng chĩa súng vào nhau thay vì tượng cô dâu chú rể tay trong tay trên bánh cưới.
Một công ty Trung Quốc tên IfLove ở Hà Bắc còn chơi ngon hơn, chuyên tổ chức các buổi lễ ly hôn. Họ quan niệm: một nghi lễ chính thức là cách tiếp cận tao nhã đối với tình yêu. Trung bình mỗi năm có khoảng 98 ngàn vụ ly hôn ở Hà Bắc nhưng chưa có một order nào cho thứ lễ nghi tao nhã này.
Lại còn hội chợ ly dị được tổ chức ở Milan, Ý. Làm như ly dị đông đảo và náo nhiệt như chợ! Ly dị không có chi mà bi lụy. Các nhà tổ chức thứ hội chợ chia lìa này muốn việc ly dị trở thành một cơ hội để làm lại cuộc đời. Tham gia các gian hàng trong hội chợ có các luật sư, nhà địa ốc, cố vấn hôn nhân và các dịch vụ mối mai. Nghĩa là mọi thứ sẵn sàng để giúp những người vừa tái độc thân tái tạo cuộc sống mới. Số những vụ ly hôn tại Ý, nơi có tòa thánh Vatican, đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây. Ba chục năm trước, con số các vụ ly hôn mỗi năm không vượt quá 12 ngàn vụ. Thống kê năm 2007 cho thấy chỉ trong năm này, đã có trên 81 ngàn vụ ly thân và 50 ngàn vụ ly dị. Dân số Ý không đông, chỉ có 59 triệu dân.
Ly dị là cắt lìa vì vợ chồng không thể sống với nhau được nữa. Nhưng có ca ly dị mà vợ chồng không muốn dứt ra. Đó là chuyện của chị Phạm Ngọc Diệp. Nhà báo Ngọc Lan của tờ Người Việt đã gặp và phổ biến câu chuyện ly dị đầy nước mắt của chị Diệp. Cái đập vào mắt người phóng viên trẻ tuổi này là chị Diệp bị gù. Và mang một căn bệnh hiểm nghèo. Chị kể với nhà báo: “Tôi mắc bệnh lupus. Bác sĩ nói người bệnh lupus có thể sống từ 3 đến 5 năm, mà ở Việt Nam thì chưa có ai sống quá 6 năm. Người bệnh có thể tử vong trong vòng 24 tiếng nếu bệnh tấn công vào tim”. Chị Diệp mắc phải căn bệnh khốn khổ này khoảng 2 năm nhưng các bác sĩ không chẩn đoán ra. Chị gửi các xét nghiệm qua Singapore và họ xác nhận chị bị lupus, tiếng Việt gọi là bệnh “ban đỏ hệ thống”.Chị kể tiếp: “Khi đó tình trạng sức khỏe của tôi tệ lắm. Với bệnh này, một khi bột phát thì nó phá toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tôi hên là chưa bị bệnh tấn công vào nội tạng, chỉ mới bị ở da và xương thôi. Các khớp xương đều viêm. Đau nhức, không cử động được. Khi bệnh bột phát, mình cảm thấy mình không còn là người nữa, miệng lở hết, rồi tiêu chảy. Thức ăn phải xay hết ra rồi đưa ống hút vào hút, mà cổ cũng không nhúc nhích được do đau. Người cứ cứng ngắc, không nhúc nhích được, cử động như robot vậy đó”.
Bệnh lupus là một bệnh không…nổi tiếng. Lần đầu tôi nghe tới tên bệnh này khi tới hớt tóc tại tiệm quen. Tiệm do một cặp vợ chồng trẻ tự làm chủ. Họ chỉ trên dưới ba chục tuổi và có hai con còn nhỏ. Người vợ rất vui vẻ, hoạt bát. Tôi biết chị từ khi chị được chồng bảo lãnh từ Việt Nam qua. Đang vui hưởng cuộc sống đầy hạnh phúc, chị bỗng bị bệnh lupus. Lúc nghe tên bệnh này, tôi ngẩn người vì cái tên lạ hoắc, cứ tưởng chỉ là một loại bệnh thông thường. Không cancer là tốt rồi. Phải tới khi chị từ giã cõi đời này chỉ vài tháng sau, tôi mới biết bệnh lupus quái ác như vậy. Theo tổ chức Lupus Foundation of America thì có khoảng 1 triệu rưởi người Mỹ và 5 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh này. Có tới 90% bệnh nhân lupus là phụ nữ. Tuổi thường bị bệnh là từ 15 đến 44 tuổi. Bệnh có di truyền. Khoảng 20% người bệnh có cha mẹ hoặc anh chị em đã mắc phải bệnh. Khoảng 5% trẻ em có cha mẹ bị bệnh có nguy cơ mắc bệnh này. Phụ nữ da màu gốc La Tinh, Á châu và các đảo trên Thái Bình Dương có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai tới ba lần nhiều hơn phụ nữ da trắng.
Trở lại với trường hợp của chị Diệp. Chị phát bệnh vào năm 2003, đúng năm chị cho đứa con lớn du học tại Toronto, Canada. Mới đi được hai tháng, con chị bị viêm phổi nặng vì đi lạc trong bão tuyết. Thương con, chị bay qua với con dù tình trạng sức khỏe của chị rất bết bát. Suốt chuyến bay chị nằm dài không nhúc nhích được. Ở với con được một tháng thì con hết bệnh, chị định quay về nhưng thấy con xuống tinh thần, chị nấn ná ở lại. Ở lại vì con nhưng bệnh của chị lại thuyên giảm. Chị nói: “Như có một phép màu, tuy trời lạnh, suốt ngày chỉ ở trong nhà nhưng tôi cảm thấy mình khỏe dần. Cứ mỗi sáng thức dậy lại thấy mình khỏe hơn một chút”. Một năm sau chị mới trở về Việt Nam. Về được một tháng, bệnh tái phát nhanh. Bác sĩ khuyên chị nên qua nơi “không nóng không nắng” cuộc sống của chị sẽ kéo dài hơn. Chị…phiếm: “Bệnh gì nghe có đáng ghét không? Bệnh “sính ngoại” mà!”.
Để chữa bệnh và gần con, chị quyết định sang Mỹ với giấy bảo lãnh của người chị ruột. Và tới lúc chị phải có một quyết định nghiệt ngã: ly dị chồng. Chị ngậm ngùi: “Lúc đó hai vợ chồng còn đang dễ thương lắm. Ảnh là người bạn trai đầu tiên và cũng là chồng tôi. Biết nhau thời đại học, những lúc hai đứa cùng đón xe buýt đến trường, rồi ra trường thì cưới nhau, sống rất êm đềm”. Chị nghĩ, sẵn cơ hội, chị cho chồng dứt khoát với người vợ bệnh tật. Chị nói với chồng: “Em đi không biết có trị được bệnh hay không, sống chết thế nào, bên Mỹ ra sao, chỉ hy vọng là thời tiết sẽ làm em đỡ. Anh lập gia đình đi, nếu như gặp được người vừa ý, bởi anh còn quá trẻ. Nếu anh có gia đình, em sẽ lo cho con. Anh phải có một cuộc sống mới, phải có người vợ khỏe mạnh chăm sóc anh. Chứ như bây giờ, anh phải nuôi bệnh suốt đời. Em cứ mỗi ngảy mỗi yếu đi chứ không mạnh lên được. Em không muốn kéo anh đi chung”. Dĩ nhiên chồng chị không đồng ý, nhưng chị kiên quyết ly dị. Chị rớm nước mắt: “Con đường đó là con đường nghiệt ngã, nhưng mỗi người có cái nghiệp. Tôi không muốn ai đi cùng mình hết”.
Và chồng chị đã khóc trong lúc ký đơn ly dị. Đó là một ngày cuối năm 2007.
09/2015 |