Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

GAY

Tổng Thống Pháp Francois Holland vừa làm khó Giáo Hoàng Francis. Ông đã bổ nhiệm ông  Laurent Stefanini làm Đại Sứ Pháp tại Tòa Thánh Vatican vào tháng giêng năm nay. Lý do bổ nhiệm nghe ra rất hữu lý: ông Laurent là một nhà ngoại giao Công giáo chuyên nghiệp rất xuất sắc của Pháp. Năm nay mới 54 tuổi, ông đã từng là Giám Đốc Nghi Lễ của Tổng Thống và là nhân vật số hai tại  tòa Đại Sứ Pháp ở Vatican từ năm 2001 đến 2005. Xem ra như đây là một vụ bổ nhiệm thông thường và hợp lý. Nhưng có một điều khác thường: ông này gay!

Một ông Đại Sứ gay tại Tòa Thánh thì…ghê quá. Trước đây, Vatican đã nhiều lần từ chối các ông đại sứ được chỉ định chỉ vì những ông này ủng hộ chuyện Vatican không ủng hộ. Năm 2009, họ đã từ chối ba vị đại sứ được ông Obama đề cử vì những người này ủng hộ chuyện phá thai. Một ông đại sứ được Argentine đề cử cũng bị từ chối vì ông này đã ly dị vợ và sống với một cô bồ. Bằng vào những tiền lệ như vậy thì việc chấp nhận việc bổ nhiệm ông Laurent Stefanini coi bộ khó. Nhưng đó là với các Giáo Hoàng trước đây, chứ với Giáo Hoàng Francis ngày nay, Vatican đã thoáng hơn nhiều. Thoáng tới đâu thì Giáo Hoàng Francis vẫn kẹt, vì vào tháng 7 năm 2003, Giáo Hoàng Francis đã nói một câu về những người đồng tính làm chấn động giới truyền thông: “Nếu một người là đồng tính và người đó muốn tìm về Chúa và có lòng lành thì tôi là ai mà có quyền xét xử?”.

Nay đụng vào thực tế, Giáo Hoàng mới kẹt. Từ chối không xong mà chấp nhận cũng khó quá. Thông thường thì trong vòng 6 tuần lễ kể từ khi được chỉ định, Vatican sẽ quyết định chấp nhận một vị đại sứ hay không. Nay đã qua thời hạn đó nhiều tuần lễ, mà Vatican vẫn nhì nhằng. Hãng thông tấn Reuters đưa tin là ngày 18 tháng 4, Giáo Hoàng đã cho mời ông Laurent Stefanini tới gặp. Hai người đã cùng cầu nguyện.

Giới ngoại giao coi như Vatican đã từ chối nhưng không tiện nói trắng ra. Massimo Faggioli, một sử gia chuyên về Công giáo của Đại Học Thánh Thomas ở Saint Paul, tiểu bang Minnesota,  cho rằng nước Pháp đã “chọc một ngón tay vào mắt Vatican”. Ông cũng nghĩ là không có cơ may là Vatican sẽ chấp nhận một vị Đại sứ đồng tính nhưng nếu nói công khai trước dư luận là vi phạm “luật lệ căn bản của ngoại giao. Nói thẳng ra lý do từ chối một vị Đại sứ là không thể. Đó là vấn đề nguyên tắc. Ngoại giao là một lãnh vực của những điều thực tế”.

Vậy thì cứ ngầm hiểu là ông Laurent Sefanini không được hoan nghênh ở Vatican. Chuyện này đã có tiền lệ. Năm 2007, Pháp đã đề cử một đại sứ gay có vợ (hay chồng?) được luật pháp của Pháp chính thức công nhận nhưng Vatican đã lờ tịt không trả lời. Lần này Pháp  không bằng lòng để cho sự việc cứ lửng lơ con cá vàng như trước đây. Họ nhất định không đề cử một người khác. Một nguồn tin trong chính phủ Pháp đã nói với hãng thông tấn Reuters: “Chúng tôi vẫn chờ câu trả lời của Vatican. Ông Laurent Stefanini là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc nhất của chúng tôi, vì vậy nên chúng tôi đề cử ông”. Nếu Vatican không chấp nhận thì Pháp sẽ để trống ghế này. Thiệt gay go!

Kể ra cũng khó cho Vatican có một quyết định. Đồng tính vẫn là một vấn đề còn gây tranh cãi trong các xã hội, dù cởi mở đến thế nào. Dân chúng vẫn còn chưa quen với đồng loại mà cuộc sống tính dục và hôn nhân không ở trong khuôn khổ sẵn có từ ngày có ông Adam và bà Eve tới nay. Mấy ông bạn tôi, tính…phiếm đầy người đã phát ngôn: Chúa dựng nên một ông Adam và một bà Eve chứ đâu có dựng nên hai ông Adam hoặc hai bà Eve. Việc chi không theo ý Chúa thì Vatican nhất định phải bối rối.

Tôi có một ông anh họ xa ở vùng quê ngoài Bắc. Khi chiến tranh tràn lan tới quê, ông bỏ lên tỉnh và tới ở nhà tôi. Lúc đó nhà tôi có máy xay gạo cho các bạn hàng gạo nên ông giúp việc cho nhà máy. Thời gian đó ông đã hơn hai chục tuổi. Ngoài giờ làm, ông hay đan len, thêu thùa, làm hoa giấy để múa dâng hoa như trong nhà thờ. Phải công nhận ông rất khéo tay trong những việc mà hồi đó chúng tôi chế giễu là việc “đàn bà”. Giọng nói, dáng đi của ông cũng ưỡn ẹo khác người. Tính khí hay giận dỗi. Khi đó chưa có chuyện gay nên mọi người chỉ coi ông như có tính đàn bà thôi. Về sau, khi gia đình tôi đã di cư vào Nam, ông trở về với gia đình ở vùng quê ngoài Bắc. Nhưng khi vào Sài Gòn, một ngày nọ ông đã tìm đến gia đình tôi. Hóa ra ông trở về quê và cũng di cư theo họ đạo của ông và ngụ cư tại Cái Sắn. Khi tới thăm gia đình tôi, ông có dẫn theo vợ và bốn đứa con. Bây giờ, nhìn lại, tôi thấy ông này đúng là gay. Nhưng bối cảnh xã hội ngày đó không cho phần gay của ông phát triển nên ông thành một người đàn ông đúng nghĩa.

Xã hội ngày nay khác. Những người đồng tính đã ra công khai. Vậy nên cứ có khuynh hướng khang khác một chút là người ta chiều theo bản thân. Số dân đồng tính tăng nhanh như nấm kể từ khi họ được công khai sống theo chiều hướng của họ. Ông anh tôi, nếu ở vào thời nay, chắc cũng sẽ chẳng bao giờ lấy vợ là đàn bà.

Đồng tính tiếng Anh gọi là gay cho đàn ông và lesbian cho đàn bà. Tại sao lại là gay? Theo tiếng Anh tôi được học ở trường ốc thì gay có nghĩa là vui vẻ, vui tươi, hớn hở. Quả thật những người gay thường là những người vui vẻ, dễ thương, nhẹ nhàng. Có lẽ vì vậy mà họ được gọi là gay chăng? Thắc mắc khiến tôi tìm hiểu thêm. Từ gay có từ khoảng thế kỷ thứ 12 ở Anh, do từ gai của tiếng Pháp. Gai đích thị có nghĩa là vui tươi. Vậy mà không hiểu sao, khoảng đầu thế kỷ thứ 17, gay biến nghĩa thành “vô đạo đức”. Theo từ điển Oxford thời đó thì gay được định nghĩa là “ham thú vui và phóng đãng” hay “buông thả và sống vô đạo đức”. Qua thế kỷ thứ 19, gay được dùng để chỉ người đàn bà làm điếm và người đàn ông ngủ với nhiều người đàn bà, phần nhiều là với điếm. Thời đó, người ta dùng từ “gay it” có nghĩa là “làm tình”.

Vào thập niên 1920 và 1930, từ gay biến thiên một lần nữa. Một người được gọi là “gay man” không phải là người ngủ với nhiều người đàn bà nữa mà lại chỉ thị một người nam làm tình với một người nam khác! Mãi tới năm 1955, gay mới chính thức chỉ thị một người đồng tính nam. Người đồng tính nữ được gọi là lesbian. Nhưng người đàn bà làm điếm cũng vẫn được gọi là gay. Cuốn phim Bringing Up Baby, quay vào năm 1938, do Cary Grant đóng, cũng đã xử dụng từ gay với nghĩa là đồng tính. Trong cảnh Cary Grant mặc chiếc áo đầm, khi được hỏi, anh đã trả lời: “Vì tôi vừa trở thành gay!”.

Dân gay chiếm khoảng từ 3% đến 5% dân số. Đứng về mặt y học thì người đồng tính có nội tiết, cơ quan sinh dục và hình thức bên ngoài hoàn toàn bình thường. Râu ria vẫn mọc như thường lệ. Nhìn bề ngoài có nhiều người đồng tính không có chi khác người bình thường nhưng họ chỉ thich tù ti với người đồng giới tính. Khuynh hướng tình dục của họ chỉ xuất hiện khi tới tuổi dậy thì và trong thời gian sau đó. Các bác sĩ cho đây không phải là một ca bệnh lý. Theo các nghiên cứu được thực hiện thì họ có cấu tạo não khác với người bình thường nên không thể điều trị. Thực ra họ cũng không cần điều trị.

Các nhà khoa học thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển, đã làm thí nghiệm quét não để tìm ra cấu trúc não của những người thường và người đồng tính khác nhau làm sao. Thí nghiệm được thực hiện trên 90 người tình nguyện gồm người bình thường và đồng tính thuộc cả hai giới nam nữ. Kết quả là những người đồng tính nam gay và những phụ nữ bình thườngcó hai bán cầu não tương đương nhau. Mặt khác, những người đồng tính nữ lesbian và nam giới bình thường có hai bán cầu não bất đối xứng, bên phải lớn hơn bên trái. Như vậy, về mặt cấu trúc, não của người gay giống với phụ nữ nhiều hơn trong khi não của người lesbian giống với nam giới hơn. Thí nghiệm tiếp theo đã tìm thấy trên vùng hạt hạnh nhân trong não của nhóm lesbian và đàn ông bình thường có nhiều kết nối thần kinh ở phía phải của hạt hạnh nhân. Ngược lại, ở nhóm phụ nữ bình thường và gay thì có nhiều kết nối thần kinh hơn ở phía trái. Tiến sĩ Qazi Rahman của Đại Học Queen Mary ở Luân Đôn kết luận là những khác biệt trong vùng hạt hạnh nhân này đã hình thành sớm từ trong tử cung. Vùng hạt hạnh nhân là vùng quan trọng vì nó định hướng phần còn lại của não. Ông cho biết tiếp: “Theo tôi được biết sẽ không còn tranh luận nữa. Nếu bạn là gay thì bạn sinh ra đã là gay. Nói một cách khác, vùng não quyết định xu hướng tình dục là tương tự giữa gay và phụ nữ bình thường, cũng như giữa lesbian và đàn ông bình thường”.

Tùy mức độ nặng nhẹ mà nhóm người này có những thể hiện tình dục khác nhau. Những người thuộc dạng nhẹ hay trung bình vẫn còn có đôi chút cảm giác với phụ nữ. Do đó họ có thể đánh cờ với cả hai giới. Những người này được coi là người lưỡng tính luyến ái. Tôi đồ chừng rằng ông anh họ tôi thuộc dạng này. Tùy theo cái nhìn của xã hội khắt khe hay thông thoáng mà họ đi theo một đường chứ không vơ vẩn tạt sang bên này một tí, bên kia một chút.

Vậy là mọi chuyện đã an bài. Gay thì đã sao! Dân đồng tính vẫn cứ xông pha vào mọi lãnh vực của cuộc sống như những người khác. Ở trên tôi đã nói chuyện nước Pháp làm khó Vatican vì đề cử một ông đại sứ gay, nhưng  “xuất cảng” đại sứ gay lại do Hoa Kỳ nắm chức vô địch.

Nguyên ông Obama đã bổ nhiệm tới bảy đại sứ đồng tính. Đó là các ông James Costos nhiệm sở Tây Ban Nha, John Berry trấn đóng ở Úc, Rufus Gifford ở Đan Mạch, David Huebner tới nhiệm sở Tân Tây Lan, Wally Brewster tới Cộng Hòa Domonican, Daniel Baer làm Đại sứ tại Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (Organization for Security and Co-Operation in Europe), và ông Ted Osius tại Việt Nam. Trước ông Obama, ông Bill Clinton đã bổ nhiệm vị Đại sứ đồng tính đầu tiên là ông Jame Hormel tới nhiệm sở Luxembourg vào năm 1999. Ông George Bush bổ nhiệm ông Michael Guest vào chức Đại sứ tại Romania vào năm 2001.

Đương kim Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius được tonton Obama bổ nhiệm vào tháng 3 năm 2013. Tốt nghiệp tại Đại Học Harvard và Đại Học Johns Hopkins, hai đại học danh tiếng của Mỹ, ông Ted Osius từng là Phó Đại sứ tại Indonesia từ năm 2009 đến 2012. Trước đó ông từng là Tùy viên tại tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội và tòa Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn từ năm 1997 đến 2001. Ông thông thạo tiếng Việt.

Là một người đồng tính công khai, có chồng là một nhà ngoại giao khác, ông tới nhậm chức ở Việt Nam bằng một màn trình diện hết sức Á châu. Đó là đặt chân xuống phi trường Nội Bài với ba thế hệ gồm bà mẹ, hai vợ chồng đực rựa và đứa con nuôi. Vì là đại sứ đồng tính đầu tiên tới Đông Nam Á nên ông đã sửa soạn việc tới nhiệm sở một cách kỹ lưỡng. Trước khi lên đường, ông Ted Osius đã tâm sự với báo chí về việc ông sẽ xuất hiện như thế nào. “Chồng tôi là một người Mỹ gốc Phi, con tôi da nâu người gốc Nam Mỹ, tôi da trắng. Chúng tôi có một gia đình hiện đại. Mẹ tôi sẽ cùng đi với gia đình tôi. Bà năm nay đã 84 tuổi. Đó là một gia đình đa thế hệ, đa sắc tộc”.

Khi tới Hà Nội nhậm chức, ông Ted Osius đã trình diễn màn ra mắt được tính toán kỹ lưỡng. Ông dừng lại ở khu vực lấy hành lý ở sân bay Nội Bài, cách cửa ra chừng 10 thước. Ông đỡ lấy con trai, ngồi xuống, đặt con lên đùi và sửa sang lại quần áo cho con. Hình ảnh này khiến nhóm phóng viên đứng bên ngoài nhận ngay ra ông Đại sứ. Họ chĩa ống kính máy chụp hình và quay phim về phía cửa chờ đợi. Đại Sứ Ted Osius bế con lên trước ngực, bước ra, nụ cười tươi trên môi. Ánh đèn flash chớp lia lịa. Hình ảnh của tân Đại Sứ là hình ảnh một người cha bế con, một người của gia đình. Hình ảnh này lấy được thiện cảm của mọi người. Dân Việt Nam rất thích hình ảnh một người cha bế con trên tay. Huống chi người cha này lại là một người có địa vị, áo quần lịch lãm, với chiếc huy hiệu vẽ hai lá cờ Mỹ và Việt Nam trên ngực.

Ra tới sảnh danh dự, ông trao bé trai Tabo cho người bạn đời là nhà ngoại giao Clayton Bond trước khi bắt đầu bài diễn văn. Trong khi ông nói thì ông chồng Clayton Bond bế con đứng cạnh tạo nên hình ảnh một gia đình hạnh phúc.

Cuộc tình của ông Ted Osius và Clayton Bond là một cuộc tình nổi tiếng trong giới ngoại giao Mỹ. Các trang mạng nói về người đồng tính thi nhau đưa tin. Ted gặp Clayton trong một buổi họp mặt hàng tháng của giới đồng tính trong ngành ngoại giao. Lúc đó là năm 2004, chuyện đồng tính trong các viên chức ngoại giao đã thoáng lắm rồi. Khi ông Ted Osius gia nhập ngành này vào năm 1989 thì nếu một nhân viên ngoại giao bị phát hiện là đồng tính sẽ bị trục xuất ra khỏi ngành liền một khi. Bởi vậy nên ông Ted phải giấu xu hướng tình dục của mình. Mãi tới năm 1996, Ngoại Trưởng Mỹ Warren Christopher mới loại bỏ chính sách phân biệt này. Khi đó các nhân viên ngoại giao mới công khai nhận mình là gay.

Chuyện tình của hai người bắt đầu từ 11 năm trước. Lúc đó ông Ted Osius là Phó Giám Đốc phụ trách các vấn đề về Hàn Quốc. Còn ông Clayton Bond là Giám Sát Viên của Trung Tâm Hoạt Động của Bộ Ngoại Giao. Bồ với nhau trong hai năm, họ quyết định tổ chức đám cưới tại Vancouver, Canada, vào tháng 6 năm 2006.

Đã có một thời gian dài sống ở Việt Nam nên ông Đại Sứ hiểu người dânViệt rất trọng cuộc sống gia đình. Ông xoáy vào điểm này để lấy điểm với dân Việt. Nhất là đứa con đã là một yếu tố then chốt cho ra một gia đình. Dĩ nhiên đây là con nuôi. Vợ chồng như vậy thì sao tạo ra được đứa con nối dõi!

Chuyện gay lesbian cho tới thời điểm hôm nay vẫn là chuyện gây tranh cãi. Tôi nhớ cách đây khoảng hai chục năm, tôi ra phi trường Dorval đón một người bạn từ xa tới. Lúc đó chuyện gay lesbian vẫn còn là chuyện lạ lẫm. Khi hành khách túa ra cánh cửa nơi các người tới đón thân nhân đứng chờ, tôi thấy một người đàn ông cao ráo chạy ra ôm một ông cao ráo khác vừa từ máy bay xuống. Và họ hôn nhau. Hôn môi. Mấy bà đứng cạnh tôi phản ứng liền. Bà thì bĩu môi quay lưng lại, bà thì nhìn trân hai người với đôi mắt tóe lửa, bà thì vội quay đi như tránh một cảnh chướng tai gai mắt. Bây giờ chuyện đồng tính là chuyện phổ biến trong các xã hội loài người. Người ta sẽ phải quen đi.

Mấy ông bạn tôi có tật nói chuyện gì cũng cứ lửng lơ con cá vàng. Một ông phán: “Các ông thấy cục nam châm không? Cực Bắc là Bắc, cực Nam là Nam, Bắc hút Nam và Nam hút Bắc chứ chẳng bao giờ hai cực cùng Bắc hay cùng Nam hút nhau cả. Chúng còn vội vã đẩy nhau ra”.

Tôi thấy mấy ông này vẽ chuyện. Nam châm khác, người khác chứ!

05/2015