Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi các con tôi cần một chiếc máy chữ để đánh bài làm nộp cho các giáo sư, tôi đi mua một chiếc. Ngày đó, máy đánh chữ bày la liệt trong các tiệm, tôi rối mắt chẳng biết chọn cái nào. Bèn hỏi cậu em lúc đó vừa tốt nghiệp Đại học ngành computer. Cậu gạt đi ngay, khuyên tôi không nên mua máy chữ mà mua một máy computer. Lúc đó giá một máy đánh chữ chỉ xấp xỉ 200 đô trong khi một computer phải trên 2 ngàn đô. Computer ngày đó cồng kềnh, màn ảnh không màu, không có hard disk, chỉ lưu trữ bài vở bằng những chiếc floppy disk to xù và mỏng dính.Tôi chọn mua máy đánh chữ cho thanh thản túi tiền. Chiếc máy chữ chỉ dùng được vài năm là phải bỏ xó nhường bước cho computer. Trên quầy các cửa tiệm ngày nay, chiếc máy chữ bỗng không cánh mà bay. Chúng biến mất hẳn!
Từ khi có computer, nhất là khi có internet, rất nhiều thứ biến mất chứ không chỉ có chiếc máy đánh chữ. Trước mắt chúng ta là bưu điện. Những năm gần đây, ngành bưu điện lâm vào một cuộc khủng hoảng tàn khốc. Nó diễn ra ngay từ những hộp thư của chúng ta. Từ những hộp thư trước kia đầy ắp mỗi ngày cách đây chẳng bao lâu, nay chúng trở nên…đói. Không đói sao được khi chúng ta đã mất thói quen gửi thư bằng bưu điện, dịp lễ dịp tết không còn chúc nhau bằng những cánh thiệp in, thư đòi tiền bill không còn dùng giấy. Tất cả đã chạy qua internet, vừa không tốn tiền vừa nhanh như gió. Những người viết chúng tôi trước đây gửi bài cho các tòa soạn bằng thư, sau đó bằng đĩa mềm, khi có internet thì không cần tới anh bưu điện nữa. Bài được gửi bằng mail tiện ba bốn bề. Tiện nhất là tòa soạn khỏi phải đánh máy lại, cứ bê nguyên con ra layout rồi in. Tác giả không sợ nạn chữ tác đánh ra chữ tộ của những thư ký đánh máy trong các tòa soạn. Lại nhanh như điện, chỉ vài phút sau khi gửi là tòa báo nhận được liền. Thêm nữa là gửi free chẳng phiền tới cái túi tiền.
Bưu điện nửa đường đi xuống thì mấy thầy mấy cô đi phát thư bị anh thất nghiệp đe dọa. Chuyện này đã và đang xảy ra một cách khá ồn ào. Để giảm bớt chi phí, bưu điện đang thi hành việc lập những thùng thư công cộng. Không còn cảnh các ông phát thư tới cửa từng nhà nữa. Muốn nhận thư phải ra các thùng thư đặt chung ngoài đường phố. Dân chúng đang phản đối chuyện bất tiện này. Làm sao mùa đông tháng giá các cụ già có thể lội tuyết ra lấy thư, làm sao các người tàn tật có thể lê bước ra ngoài check thư mỗi ngày? Nhưng “làm sao mặc kệ làm sao”, bưu điện vẫn cứ phải cắt giảm việc đưa thư. Hậu quả nằm ngay trên công việc của các bưu tá. Thất nghiệp là cái chắc. Theo dự đoán của các nhà hoạch định thì tới năm 2022, số bưu tá viên sẽ giảm tới 28%.
Nghề thứ hai bị ảnh hưởng là một điều bất ngờ: nghề nông. Nghề này sẽ giảm số lao động tới 19% vào năm 2022. Ai cũng nghĩ làm ruộng thì ăn thua chi tới cái computer nhưng một khi việc làm ruộng được hoạch định bằng chương trình điện toán thì việc đồng áng sẽ nhẹ đi nhiều. Với những người hoài cổ thì ai ơi ta bảo trâu này / trâu ra ngoài đồng trâu cày với ta là cảnh đã biến mất. Trâu ngày nay cũng…thất nghiệp.
Theo dự báo của Career Cast thì nghề đọc đồng hồ điện và nước cũng biến đi tới 19% vào năm 2022. Chuyện này đã bắt đầu từ khuya. Khu nhà tôi ở, các đồng hồ điện thông minh đã được lắp đặt. Chuyện công nhân ôm cuốn sổ đi ghi đồng hồ điện đã là chuyện dĩ vãng. Đồng hồ nước thì chưa vì chẳng có nhà nào có đồng hồ nước cả. Lý do là vì, kể từ thời ông Jean Doré làm Thị Trưởng Montreal, từ 1986 đến 1994, ông đã chơi một cú ngoạn mục là tha tiền nước cho toàn dân thành phố. Từ đó dân Montreal chúng tôi xài nước thả cửa mà chẳng bận tâm tới sức khỏe của túi tiền! Ông Jean Doré, năm nay được 70 tuổi, đang chống trả với căn bệnh ung thư tụy tạng. Ngày 15 tháng 4 vừa qua, thành phố Montreal đã quyết định vinh danh ông bằng cách đặt tên ông cho bãi biển nhân tạo dài một cây số tại đảo Ile Notre-Dame. Không hiểu việc ông tha tiền nước cho dân thành phố có là một nguyên nhân để ông được vinh danh không.
Tôi kể sơ sơ ra ba nghề bị anh computer và anh internet đánh văng xi-lô một cách tận tình nhất. Còn nhiều nghề khác bỗng dưng biến mất, nhưng thôi, kể hết ra chắc không đủ chỗ. Tha cho hai anh chàng đang đắc thời này đi. Có những thứ mà người ta dự đoán hầu như chắc chắn sẽ biến mất như chiếc máy đánh chữ tôi mua năm xưa là: ngành bưu điện, các tấm ngân phiếu, điện thoại để bàn, băng đĩa âm nhạc, TV, chữ viết tay, hard disk trong computer, báo in và sách in. Thời gian còn lại của những thứ sắp tan vào dĩ vãng này không còn nhiều. Đời chúng ta hoặc đời con cháu chúng ta sẽ chứng kiến những sự ra đi này.
Cũng bùi ngùi chứ. Nhưng đối với những người viết chúng tôi thì bùi ngùi nhất có lẽ là hai thứ thiết thân: báo và sách in. Trước hết là chuyện báo bổ. Thanh niên ngày nay không rảnh để mở tờ báo ra đọc. Họ lướt qua trên internet là mọi chuyện xảy ra trong cõi ta bà này được liệt kê đủ hết. Không những mọi tin tức được loan báo đầy đủ và nhanh chóng, chỉ vài phút sau khi sự việc xảy ra, mà còn có video quay rõ ràng, cứ y như mình đang có mặt tại chỗ. Con người ngày nay như có thiên lý nhãn nhìn thấu khắp nơi trên thế giới. Dân Việt ta, cách xa đất nước hàng ngàn dặm, vậy mà những cuộc biểu tình, những chống đối của dân chúng ở trong nước, chúng ta được coi ngay tức thì, rõ ràng như coi xi-nê! Từ những hình ảnh tươi rói này, chúng ta thông cảm với sự hy sinh và lòng can đảm vô bờ bến của dân chúng trong nước khi hiên ngang đứng lên chống đối nhà cầm quyền. Mọi chuyện đã nhanh chóng và sống động đến như vậy thì chết anh báo in là cái cẳng. Cái thứ chữ và hình dẹp lép nằm dính trên giấy báo, phải chờ đúng ngày giờ mới xuất hiện, đủng đa đủng đỉnh như những ông bà già, có bị bàn dân thiên hạ lanh tay lẹ mắt cho đi vào dĩ vãng là chuyện bắt buộc. Vậy nên các báo thi nhau dẹp tiệm. Ký giả, văn nhân ngơ ngác, bỗng như có động đất, mọi thứ mất tiêu.
Cái chết đầy tính tượng trưng của báo giấy có lẽ là cái chết của tờ Newsweek. Đây là tờ báo tủ của tôi. Ngay từ ngày còn ở Việt Nam, tôi đã là độc giả trung thành của tờ báo này. Newsweek ấn hành song song với tờ Time nhưng nhạy bén và trẻ trung hơn tờ Time. Ra đời từ năm 1933 do một cựu biên tập của tờ Time chủ trương, Newsweek đã nhanh chóng là món ăn tinh thần của người Mỹ. Thời huy hoàng nhất của Newsweek là thời mà số độc giả trên toàn nước Mỹ lên tới con số 3 triệu 160 ngàn ấn bản. Ngoài bản tiếng Anh, Newsweek còn có các ấn bản quốc tế với 12 ngôn ngữ khác nhau. Đầu thập niên 1970, tại Saigon, vì thích thú với lối làm báo tin tức tổng hợp, một nhóm người trẻ chúng tôi hồi đó đã cho ra đời tạp chí Thời Việt, xuất bản hàng tuần, mang ảnh hưởng của tờ Newsweek. Tiếc thay, vì độc giả người Việt chưa quen với hình thức báo thời sự này nên tờ Thời Việt chỉ sống được vài chục số.
Từ năm 2010, khi internet đã khá phổ biến, Newsweek nửa đường đi xuống. Số lượng phát hành đã giảm xuống một nửa, chỉ còn 1 triệu 800 ngàn ấn bản. Qua năm 2012, chỉ còn 1 triệu 500 ngàn ấn bản. Doanh thu mất biến 80% vì quảng cáo giảm mạnh. Chịu không nổi nên vào tháng 10 năm 2012, Newsweek phải thông báo đình bản sau gần 80 năm góp mặt với đời. Số báo chót đề ngày 31/12/2012, một ngày buồn cho báo in. Bìa của số báo cuối cùng in hình trụ sở văn phòng của Newsweek ở New York nép mình dưới sức nặng của những tòa nhà chọc trời trên nền đen trắng. Nằm trên nền này là hàng chữ bắt đầu bằng một ký tự của thời đại điện tử là dấu #, tiếp theo là hàng chữ “last print issue”! Số báo in cuối cùng. Chữ “print” được in đỏ chót như một lời từ giã cay đắng! Nhưng ngày 3 tháng 8 năm 2013, IBT Media, chắc thương hoa tiếc ngọc, đã mua lại tờ Newsweek, và họ đã cho xuất bản lại tờ báo giấy Newsweek vào ngày 7 tháng 3 năm 2014. Chẳng biết sẽ thọ được bao nhiêu lâu!
Thứ cổ thụ như Newsweek còn phải đổ, tuy đã được tạm chống dậy, huống chi các thứ non trẻ hơn. Tờ tạp chí đứng hàng thứ ba của Mỹ, tờ US News & World Report cũng bai bai độc giả. Rồi tờ tạp chí chuyên về tài chánh SmartMoney cũng mồ yên mả đẹp!
Đó là chuyện người, chuyện của ta cũng bi đát không kém. Có một thời, làng báo hải ngoại chúng ta nở rộ. Chỉ nguyên báo văn học chúng ta có Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Làng Văn, Hợp Lưu, Gió Văn cùng nhiều tờ báo nhỏ khác. Ngày nay, nhìn lại, tất cả đã ra nghĩa địa. Tờ bám trụ kiên cường nhất là tờ Hợp Lưu cứ nửa đường đi xuống. Từ hai tháng ra một số, tới ba tháng, rồi sáu tháng, rồi…miên viễn!
Tổng Giám Đốc của Microsoft, Steve Ballmer đã dự đoán (có cam đoan chắc chắn sẽ xảy ra) là chỉ trong vòng chục năm nữa, báo in sẽ không còn có đất sống trên thế giới này. “ Chỉ trong 10 năm nữa, thế giới của truyền thông, thông tin và quảng cáo sẽ lộn tùng phèo – đó là ý kiến của tôi. Sẽ không còn việc tiêu thụ truyền thông không qua mạng. Sẽ không còn nhật báo, tạp chí in trên giấy. Tất cả sẽ được xuất bản bằng hình thức điện tử!”.
Dzậy là chấm hết! Với báo in. Sách in chắc cũng không qua được cơn bão điện tử nghiệt ngã. Chuyện in sách ngày nay với những người viết chúng tôi là chuyện…tự tử. Từ chết tới bị thương nặng. Thai nghén rồi hoàn thành một tác phẩm, nếu cứ giữ trong bụng thì ấm ách khó chịu. Phải cho nó chường mặt chào đời. Muốn sống còn, sách phải có độc giả. Mà độc giả ngày càng lơ thơ. Ngày nay, sống trong thời đại điện tử, con người bỗng đổi tính. Hình như con người lười đi. Họ chọn cuốn sách điện tử nằm gọn thon lỏn trong chiếc tablet nhẹ nhàng hơn là cuốn sách in dày cộm. Cũng chẳng trách được. Quả có gọn, quả có nhẹ. Ngay tôi cũng đã có gần ngàn cuốn sách nằm trong Ipad. Chiếc máy này kè kè bên mình, khi di chuyển, khi ngồi máy bay, khi ngồi chờ vợ đi shopping hoặc đi chợ. Cứ rảnh một chút là lôi ra đọc. Riết cũng quen. Dĩ nhiên, những người của muôn năm cũ như chúng ta đọc cuốn sách in vẫn thích hơn. Nhưng ở vào thời buổi mà thời giờ nhưvó ngựa, bắt chúng ta lúc nào cũng chơi trò chạy đuổi thời gian hộc hơi, đành phải chấp nhận.
Thời gian là kẻ thù thứ hai của những tác giả in sách tại hải ngoại. Độc giả đọc tiếng Việt thường là những người thuộc thế hệ “via” cả rồi. Thời gian bào mòn cuộc sống của những độc giả quý báu này. Người thì kém mắt không thể đọc chữ được nữa, người thì trí nhớ cùn nhụt đọc câu sau quên câu trước, người thì run rẩy không cầm nổi quyển sách, người thì bất đắc dĩ về với các cụ, toàn những thảm cảnh gây trở ngại cho sách. Lại nữa, chúng ta hầu như không có lớp độc giả kế thừa. Con em chúng ta không đọc sách quốc ngữ chữ nước ta được nữa. Số con em sang định cư thời gian gần đây còn thích đọc sách Việt không là bao. Vậy là cụt đường! Sách mang phận hẩm hiu.
Nhưng gần đây, sách Việt đã có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Nếu tinh ý một chút, chúng ta thấy các tác giả Việt Nam tại hải ngoại cũng như trong nước đã đổ xô qua Amazon in sách. Amazon là một hệ thống nhà sách của Hoa Kỳ. Họ không chỉ bán sách mà ngày nay họ còn in sách cho các tác giả nữa. Lối in của họ khá tân kỳ và đáp ứng được tình trạng trì trệ của sách in ngày nay. Họ không in trước như chúng ta vẫn thường làm mà chỉ in khi có người đặt mua sách. Đó là lối in mà họ gọi là POD (Print On Demand). Nghe nói dàn máy in của họ khác với các máy in thông thường mà các nhà in ngày nay vẫn dùng. Máy in của họ có thể in một cuốn sách chỉ nhấp nháy trong vòng vài phút, từ in ruột, in bìa, xếp trang, đóng và cắt. Công đoạn mà các nhà in thông thường phải dùng nhiều máy và in hàng trăm hàng ngàn bản để bán dần thì Amazon chỉ dùng một máy làm tất cả mọi chuyện trong vài phút. Kết quả là không có sách tồn kho. Nhà in cũng chẳng mất chi. In cuốn nào bán ngay cuốn đó. Tác giả cũng được hưởng ké cái dễ chịu này. Họ không phải bỏ vốn in hàng trăm hàng ngàn ấn bản trước. Lại chẳng phải gửi sách chi cả. Amazon làm hết. In như vậy thiệt lý tưởng. Dại chi mà không tham gia. Xin trình làng là tôi cũng đã, qua nhà xuất bản Nhân Ảnh, tham gia vào lối in sách dễ chịu này bằng cuốn Phiếm 16 vừa được Amazon phát hành. Sách được gửi tới tay bạn đọc trên khắp thế giới. Cứ việc vào mạng order là sách được gửi tới tận nhà. Mai mốt sách còn được máy bay không người lái của Amazon cõng sách bay tới tận nhà người đọc. Gọi là máy bay không người lái nghe có vẻ to chuyện, tôi nhìn cái máy biết bay này thấy giống như con nhện cắp trứng dưới bụng. Đã cách chi đâu.
Tất cả những cái biến ở trên chỉ ảnh hưởng một phần nào cuộc sống vật chất của chúng ta, cái biến của sự đứt đoạn đối thoại giữa con người với nhau mới là cái mất đáng sợ. Nếu chúng ta có dịp vào một tiệm ăn nào, chúng ta sẽ dễ thấy cảnh một gia đình ngồi chung một bàn ăn mà vắng hẳn tiếng trò chuyện. Mấy đứa con cắm đầu vào tablet chơi game, ông bố dán mắt vào chiếc smartphone để check mail, bà mẹ tíu tít ngón tay bấm máy không biết chi tới chung quanh. Gia đình ngồi với nhau nhưng mỗi người có một cuộc sống riêng. Cuộc sống ảo. Họ đã đánh mất khung cảnh xưa khi gia đình nói chuyện với nhau trong khi chờ món ăn được dọn lên bàn. Bà Roberta Goodman, cư dân ở Côte-St-Luc, một độc giả của báo Montreal Gazette, vừa tiết lộ một chuyện mới. Bà viết: “Tôi nhìn thấy tại một tiệm ăn thuộc hệ thống tiệm ăn “gia đình” một cái máy được dán dính vào bàn trông như một chiếc iPad nhỏ. Tôi hỏi người hầu bàn đó là cái gì, cô cho biết đó là máy cho trẻ em chơi game trong khi chờ dọn ăn”. Bà này là một nhà giáo thâm niên ba chục năm nên…mô phạm: “Tôi đang chứng kiến cuộc nổi dậy của các bậc cha mẹ mới: chiếc computer! Ngày nay các bậc cha mẹ và con em của họ cho máy điểm cao hơn là con người. Đỉnh điểm là chúng ta để cho kỹ thuật kiểm soát chúng ta. Kỹ thuật có thể giúp thăng tiến cuộc sống và công việc của chúng ta nhưng chúng ta cần có uy lực để giới hạn chúng. Trẻ em cần luôn luôn học hỏi nghệ thuật giao tế. Chú tâm vào chiếc máy sẽ giết chết cốt lõi của đức tính căn bản này!”.
Trong các thứ mà kỹ thuật tân tiến làm biến mất, tình người là sự mất mát tệ hại nhất!
04/2015
|