Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

SELFIE

Trong năm vừa  qua, từ “selfie” đã được dân chúng xài nhiều hơn tới 17.000% và được Tự Điển Oxford chọn làm từ của năm. Dĩ nhiên, “selfie” phải có chỗ ngồi trong cuốn tự điển danh tiếng lâu đời này. Tự Điển Oxford định nghĩa “selfie” là “tấm hình tự chụp, điển hình là với điện thoại thông minh hay webcam và được bỏ lên một mạng xã hội”. Truy nguyên ra thì từ “selfie” được dùng lần đầu tiên tại Úc vào năm 2002 trên một diễn đàn trên mạng. Một người bỏ lên một tấm hình chụp khuôn mặt bị thương tích của ông khi té lăn trên mấy bực thang và xin lỗi vì hình chụp không chính xác không phải vì ông say rượu mà vì ông selfie. Mãi tới chục năm sau, năm 2012, từ “selfie”mới được dùng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thuộc dòng chính.

Thực ra selfie mới trở nên hot gần đây khi Giáo Hoàng Francis cũng selfie. Kể từ khi lên ngôi chủ chăn của người Công giáo, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của Ngài đều không giống các vị tiền nhiệm. Giáo Hoàng coi bộ gần với mọi người hơn. Không phải vì Ngài cúi xuống nhưng vì Ngài chọn đứng ở một chiều cao bằng với chiều cao của mọi người chúng ta.

Vào ngày Chủ Nhật Lễ Lá năm nay, nhằm vào ngày 29 tháng 3, khoảng 100 ngàn người tụ tập tại công trường Thánh Phêrô để hành lễ. Sau bài diễn văn mà Ngài bỏ không đọc bài soạn sẵn để ứng khẩu trước công chúng, Ngài đã đứng trên chiếc xe riêng đi chào mừng đám đông. Thấy một toán thanh niên đến từ Rio de Janeiro vác một cây thánh giá lớn bằng gỗ, Ngài đã nhảy xuống xe và selfie với họ. Vừa leo lại lên xe, Ngài thấy một đám trẻ khác người Ba Lan, vội nhảy xuống xe khi xe chưa ngừng hẳn. Và lại selfie. Sau khi đã tự chụp hình với các thanh niên, Ngài hỏi: “Có phải cuộc đời tôi đang say ngủ không?”. Ngài có ý nhắc tới sự kiện các tông đồ theo Chúa đã ngủ ngay trước lúc Chúa bị Judas phản bội. Ngài hỏi tiếp: “Tôi có giống như Pontius Pilate, người đã rửa tay khi thấy tình hình có vẻ phức tạp?”. Rồi Ngài buông ra một câu lửng lơ: “Trái tim tôi ở đâu?”.

Khi selfie là lúc con người nhìn thấu vào cõi lòng mình, tự hỏi nhiều câu hỏi về cuộc đời mình. Selfie ngon lành như vậy mà tiếng Việt chúng ta dịch thoát ra là “tự sướng”. Một ông bạn khá đạo mạo của tôi khi nghe chữ “tự sướng” đã nhăn mặt phán: “Không nên nói như thế!”. Nghĩ ra cái sốc của ông này cũng có thể hiểu được. Chữ “tự sướng” nghe quả có thiếu thanh tao. Giáo Hoàng selfie mà nói theo tiếng Việt kể cũng hơi kỳ.

Nhưng selfie vẫn cứ…sướng như thường. Ngay cả…vua!Ngày 19 tháng 12 năm 2013, trong khi cùng các nhà lãnh đạo thế giới và dân chúng Nam Phi dự lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Nelson Mandela, tonton Obama đã selfie. selfie này khá ồn ào trên khắp các phương tiện truyền thông vì có yếu tố nữ! Nữ đây là một thứ cồng lớn: Thủ Tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt. Vỗ tay vào có Thủ Tướng Anh David Cameron. Ba người vui vẻ tự sướng như những người vô tư nhất thế giới. Báo chí móc lò chuyện này là vì trong một buổi lễ tưởng niệm trang nghiêm, mấy ông bà lớn này lại giở chuyện vui chơi như ba đứa trẻ hồn nhiên. Phải nhận là bà Thủ Tướng Đan Mạch trông cũng dễ nhìn. Không biết có phải vì vậy mà ông Obama bỗng nhiên phơi phới, bỏ cả bà Michelle yêu dấu để ưỡn người sang chỗ khác vui chơi. Trong hình chụp trên các báo thì bà Michelle ngồi, mặt một đống, rõ ràng không vui với cái vui của ông chồng làm lớn mà ham chơi như con nít. Cuộc tự sướng của ba nhân vật đứng đầu ba nước đã lấn át các bài điếu văn trong buổi tưởng niệm một vĩ nhân của thế giới vừa nằm xuống. Đó là tin vui hấp dẫn trong một dịp buồn. Anh phó nhòm chớp được những tấm hình quý giá này là phóng viên nhiếp ảnh Roberto Schmidt của hãng thông tấn Pháp French Press Agency. Tôi chắc anh này kiếm được món tiền khẳm với những tấm hình độc đáo này. Nhưng anh lại nói là sự chú ý quá đáng vào tấm hình làm anh “mắc cở cho nhân loại”.

Thử coi báo chí ồn ào như thế nào về vụ tự sướng của những nhân vật tai mắt này. Bà Laura Bennett, trong một bài viết trên National Review Online, đã hạ bút: “Tin quan trọng nhất trong buổi lễ tưởng niệm Mandela không phải là những bài diễn văn hào hứng hay những bài ai điếu cảm động. Đó là một bức hình được chụp sau buổi lễ của ba lãnh tụ thế giới với những khuôn mặt sát vào nhau. Khi tấm hình xuất hiện trên mạng, mọi người bổ nhào vào. Thật dễ hiểu tại sao tấm hình lại nổ tung thế giới mạng. Nó chứa đựng nhiều điều để phân tích. Cameron ngả người vào như một ông chú ngốc nghếch đang cố tham gia vào cuộc chơi. Obama lơ đãng cắn môi. Helle, miệng hơi há ra, đúng như khuôn mặt của những người selfie điển hình trước đó. Và từ một phía khác, Michelle có vẻ như đang giận nhưng cố làm như không chú ý tới chuyện này”.

Tonton vui vẻ tự sướng thì ông Ngoại trưởng John Kerry cũng bắt chước tự sướng theo. Không biết có rút kinh nghiệm từ cú selfie rắc rối với người đẹp của ông chủ nhà trắng không mà ông ngoại Kerry tự sướng với…voi! Mà voi ở Kenya, quê nội của tonton Obama đàng hoàng. Chơi với voi cũng nên chọn bạn mà chơi. Chuyện xảy ra trong chuyến công du mới đây của ông ngoại Kerry tới quê hương của ông Obama để sửa soạn cho chuyến vinh quy bái tổ của tonton Mỹ vào tháng 7 tới đây. Kenya là xứ của voi, chẳng biết có nhiều voi như xứ láng giềng của Việt Nam, nơi có cả một thành phố mang tên Vạn Tượng không. Nhưng nơi đến của ông Kerry là nơi nuôi dưỡng voi con “mồ côi” tên David Sheldrick Wildlife Trust Elephant Orphanage ở thủ đô Nairobi. Tại đây, ông ngoại Kerry hứng chí rút chiếc iPhone ra tự sướng với một chú voi con. Không biết chú voi con này có nhận ra…ông ngoại hay không mà cuốn vòi quanh cánh tay ông một cách thân thiện, mắt nhìn vào iPhone làm dáng. Tấm hình selfie này được quần chúng trên mạng hoan nghênh hết cỡ. Chơi với voi khôn hơn chơi với người đẹp, bài học kinh nghiệm này không hiểu có phải ông Kerry học được từ ông Obama hay không. Ông ngoại này đúng là một thứ ông…nội. Chuyện gì cũng ăn trùm thiên hạ.

Vậy thì chuyện selfie nghe chừng như là chuyện của các ông bà tai to mặt lớn chăng? Không phải vậy. Dân chúng cũng selfie ồn ào vui hết biết. Vui nhất là trên các mạng xã hội. Tôi hay vào Facebook và thấy người ta tự sướng rồi post lên cho sướng thêm khi được bà con cô bác vào phê bình ầm ỹ. Tại những nơi vui chơi giải trí hay các danh lam thắng cảnh, chuyện selfie là thường tình. Thường nhất là các cặp tình nhân châu đầu vào nhau, chàng giang cánh tay cầm smartphone ra cho dài hết cỡ, cười tít mắt tự sướng với nhau. Ít còn cảnh những cặp tình nhân này nhờ người bấm hình giùm như trước đây. Selfie sướng hơn nhiều. Vừa bấm hình vừa cười giỡn với nhau tỉnh bơ, coi thiên hạ xung quanh như pha. Nhờ người khác chụp đâu có sướng như vậy.

Nhưng selfie có cái bất tiện là cái mặt to chàng dàng trên hình che hết cảnh trí phía sau vì chiều dài của cánh tay quá ngắn. Nếu các cặp tình nhân tự sướng thì cần chi phong cảnh, nhưng nếu đi du lịch mà chụp chỗ nào cũng chỉ thấy cái mặt mình thì tốn tiền du lịch làm chi. Có khác chi ngồi trong phòng chụp đâu? Vậy là các nhà selfie có nhu cầu nối dài cánh tay. Dĩ nhiên cánh tay trời cho dài bao nhiêu dùng bấy nhiêu, làm sao mà kéo dài ra được. Nhưng khi có nhu cầu là các thương gia, vốn có cái mũi thính, có giải pháp liền một khi. Giải pháp cho giới selfie là cây gậy selfie stick.

Đó là một chiếc gậy có thể kéo dài hay rút ngắn lại một cách dễ dàng. Khi dùng thì kéo dài ra, khi hết dùng thì cho nó chun lại chỉ còn một mẩu nhỏ. Chuyện này không có chi đặc biệt. Ngay cả chiếc gậy của các cụ chống cũng có thể dài ra ngắn vào như vậy được. Ở đầu gậy có một chiếc ngàm để giữ chặt chiếc phôn thông minh. Khi dùng người ta có thể kéo dài gậy ra theo ý muốn. Cái cần thiết là phải làm sao để khi chụp người ta có thể bấm máy được. Với cánh tay vươn ra khi selfie thì người chụp có thể dùng ngón tay bấm thẳng vào máy. Với chiếc gậy đẩy chiếc phôn ra xa ngoài tầm với, người ta không thể dùng ngón tay được. Chuyện được giải quyết dễ ợt. Dùng một cái remote control để điều khiển từ xa. Cũng giống như cái remote control mà chúng ta dùng khi coi ti-vi ở nhà thôi. Vậy là tha hồ selfie với phong cảnh phía sau. Thiệt tiện lợi. Góc ảnh rộng hơn khiến phong cảnh hay di tích phía sau rõ ràng hơn.

Nhưng chuyện không giản dị như vậy. Mới ra đời vào năm 2014, cây gậy tự sướng bán đắt như tôm tươi. Báo Time đã chọn đây là một trong 25 phát minh tốt nhất trong năm. Ngay ông tonton Obama cũng đã sắm một cây. Dân chơi hầu như ai cũng…gậy. Các diễn viên, ca sĩ và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới ai cũng sắm một cây gậy cho đúng trào lưu. Mới lên ngôi được chỉ đúng một năm, cây gậy bỗng bị thất sủng. Không phải vì dân chơi gậy chán gậy mà vì gậy bị cấm ở nhiều nơi trên nhiều quốc gia.

Đại Hàn dẫn đầu phong trào chống…gậy. Nhà cầm quyền yêu cầu tất cả dân dùng gậy selfie phải kê khai và chịu sự kiểm tra chất lượng. Các nhà buôn không tuân theo lệnh này có thể bị phạt tối đa đến 27 ngàn đô hoặc phạt tù. Lý do họ đưa ra là sóng phát ra từ chiếc remote control có thể làm nhiễu sóng, gây trở ngại cho sóng wifi trong vùng. Lý do này bị dân chơi phản đối kịch liệt vì trên thực tế, sóng bluetooth phát ra từ remote control yếu xìu chẳng làm nhiễu được các sóng khác. Tôi không phải là tay chơi nhưng rất ủng hộ dân chơi gậy. Ngày nay các thiết bị có dùng remote control đầy dẫy mà có gây ra chuyện nhiễu sóng chi đâu. Nhìn quanh quất trong nhà tôi cũng đã thấy bộ phận điều khiển từ xa được dùng để điều khiển ti-vi, máy video, máy media player, hộp cable điện thoại và ti-vi, máy lạnh, quạt máy, đèn. Dĩ nhiên bất cứ vật chi phát sóng đều có hại cho môi trường sống nhưng chúng ta đã dùng remote control lung tung trong nhà có chết con ma nào đâu mà bi chừ bày đặt cấm cây gậy.

Singapore bắt chước Đại Hàn cũng cấm gậy gộc trong các sân vận động. Singapore có cấm cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên vì ngay nhai kẹo cao su cũng còn bị cấm nữa là gậy. Lý do cấm tại quê hương của ông Lý Quang Diệu có khác. Cây gậy vươn dài ra sẽ che khuất tầm nhìn của các khán giả khác trong sân vận động.

Paris văn minh ngất ngưởng cũng cấm dùng gậy tự sướng. Lý do lại khác hẳn. Gậy gộc nghênh ngang trên các địa điểm có đông du khách tại các danh lam thắng cảnh sẽ va chạm gây trở ngại hoặc gây thương tích cho du khách. Trong các bảo tàng viện, gậy có thể làm hư hại các hiện vật lịch sử hay các tác phẩm nghệ thuật vô giá. Gậy tự sướng có thể làm thương tích cô nàng Mona Lisa trong bảo tàng viện Louvre chăng? Chuyện có vẻ khôi hài vì cô nàng đã được che chắn bằng hàng rào cách xa tới vài thước để du khách không sờ mó chi được.

Bóng đá, hay bóng tròn như chúng ta thường gọi ngày xưa, là sản phẩm của người Anh. Dân Anh mê bóng đá như tín đồ của một tôn giáo. Khi ông thánh tròn vo của đạo bóng đá lăn trên sân cỏ là lúc mọi người nín thở theo dõi. Vậy mà lại có những chiếc selfie stick nghênh ngang trước mắt thì ai chịu nổi. Vậy nên chiếc gậy tự sướng lại thêm một lần bị việt vị. Nó bị cấm cửa không cho vào sân dù chủ nhân của nó có mua vé. Cũng may, mới chỉ có hai câu lạc bộ ở Luân Đôn là Tottenham và Arsenal ra lệnh cấm này. Ngoài lý do là chiếc gậy che tầm nhìn của các khán giả, họ còn có một lý do khác vững chắc hơn nhiều. Chẳng là các cổ động viên bóng đá Anh là những người có thừa nhiệt tình nên, để ủng hộ đội nhà, họ không ngần ngại thượng cẳng tay hạ cẳng chân với tình địch là những người ủng hộ đội bên kia. Lúc đó, chiếc gậy tự sướng sẽ trở thành một vũ khí lợi hại gây thương tích cho người khác.

Ở Mỹ, hãng Apple đã thông báo cấm khách dự cuộc hội thảo triển lãm hàng năm Worldwide Developpers Conference được tổ chức tại San Francisco từ ngày 8 đến 12 tháng 6 sắp tới không được mang chiếc gậy selfie theo. Hội nghị triển lãm này được cả triệu người trên thế giới về tham dự. Năm nay sẽ có hơn 100 cuộc hội thảo kỹ thuật với sự có mặt của trên một ngàn kỹ sư của hãng. Có điều an ủi là lần này tuy bị cấm nhưng cây gậy tự sướng không cô đơn. Trong danh sách bị cấm còn có các thiết bị thu âm, thu hình, máy ảnh, máy video và thuốc lá dù là thuốc lá điện tử.

Chắc chúng ta không quên là trên thế gian này vẫn luôn luôn có những kẻ chuyên rình chụp hình dưới váy của phụ nữ. Chắc là số người này khá đông đảo nên người ta có cả một từ để chỉ định thứ chụp lén này. Đó là từ “upskirting”. Chụp lén phía dưới là một chuyện vất vả. Phải hạ mình xuống. Nay với chiếc gậy selfie, những kẻ hành nghề bệnh hoạn này bỗng dưng có một công cụ giúp đỡ rất hữu hiệu. Họ chỉ cần làm như lơ là cầm chúc đầu gậy xuống là mục tiêu rõ rành rành. Đúng là nối giáo cho giặc. Giặc đây là những kẻ bệnh hoạn, biến thái.

Ngày nay chiếc gậy tự sướng có mặt khắp nơi. Đi chơi đâu tôi cũng gặp chúng trên tay các du khách. Đa số họ là những người trẻ theo kịp các tiến bộ khoa học. Có một người không còn trẻ nhưng đi chơi đâu cũng chỉ selfie. Đó là ông bạn văn Võ Kỳ Điền của tôi. Tôi đã từng chu du Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cuba với ông. Tới đâu ông cũng giang thẳng cánh tay tự chụp hình, chẳng thèm nhờ ai. Ông bảo nhờ nhõi lích kích mất công, cứ tự sướng cho…sướng! Ông cho tôi coi hình ông chụp. Chỉ thấy cái mặt chàng dàng to tổ chảng của ông trên hình. Có cảnh kiếc chi đâu. Trong một lần cùng ông ăn nhậu ở Montreal mới đây, tôi nói cho ông biết về sự hiện diện của cây selfie stick. Ông khoái chí tử, la lên đó là thứ ông cần. Ông dọa là sẽ đi mua ngay. Nhưng, bằng vào kinh nghiệm làm bạn với ông mấy chục năm nay, tôi nghĩ là ông vẫn chưa có gậy. Bởi vì ông là người lề mề. Người ta ăn xong, bỏ đi cả cây số, ông vẫn chưa rời đôi đũa. Ông vốn tuổi con sên, cầm tinh con rùa! Nghĩ đi thì như vậy, nhưng nghĩ lại tôi thấy có khi ông là người lạc quan không chừng. Ông tưởng gậy nào cũng giống nhau nên không cần mua thêm nữa. Ông vốn cận thị nặng nên chẳng biết gậy có trăm đường gậy: có gậy sướng được nhưng cũng có gậy không thể còn sướng được!

05/2015