Tôi mê đậu phọng. Từ khi còn nhỏ. Ngày đó, mua xôi ăn sáng, bao giờ tôi cũng chọn xôi đậu phọng. Gạo dẻo, đậu phọng bùi, lại thêm muối mè trộn đường, thấm làm sao! Đậu phọng, ngày đó còn ở Hà Nội, người ta gọi là lạc, là thứ hạt của trời. Ít nhất tôi cảm thấy như vậy. Chỉ luộc ăn cũng đã thấy ngon. Vị bùi của lạc luộc chẳng có thứ nào sánh bằng. Rang lên, đậu phọng lại quyến rũ theo cách khác. Vừa bùi vừa thơm. Lạc rang bóc vỏ, thả vào chén nước mắm ăn với cơm ngon cách chi. Nhưng lạc rang có mùi vị thần kỳ phải nói tới thứ phát xa của ông Tàu già ngồi trong tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Tôi kết thứ này đến nhẵn tiền túi mỗi ngày đi học.
Ông Tàu già này là nhân vật đã đi vào…lịch sử. Lũ học sinh Hà Nội lứa tuổi tôi, ngày nay mỗi lần gặp nhau nhắc tới kỷ niệm cũ thế nào ông già này cũng chen chân ngồi vào chỗ tốt nhất. Ông già người Tàu, răng cái mất cái còn, ngồi ôm cái túi nóng bay mùi húng lìu thơm ngát giữa đám học sinh vây quanh. Nghệ thuật gói phát xa của ông đã đạt tới đỉnh điểm. Ông lấy một mẩu giấy báo đã cắt sẵn theo khuôn khổ được xâu thành tập bằng một sợi dây thép. Tay ông thành thạo giật ra khỏi sợi dây thép, quấn mảnh giấy thành cái tổ sâu kèn hình phễu. Ông thò tay vào trong túi lạc nóng một cách mạnh bạo. Làm như thể ông sắp ôm tất cả mớ lạc ra. Nhưng khi bàn tay ông rút ra khỏi túi, nó lơ là chỉ dính vài hột đậu phọng vào mấy đầu ngón tay. Ông dúi mấy hạt lạc quý như vàng này vào cái phễu giấy, nhanh tay gấp cái phễu cho kín, ngửa tay ra lấy tiền và trao gói đậu phọng. Chúng tôi đứng quanh hồi hộp vì không biết có tới lượt mình trước khi bọc đậu phọng của ông rỗng hết không. Ăn mấy hột đậu phọng của ông như được ăn của trời cho. Ngon cách chi đâu!
Ngày nay, tôi vẫn còn thích đậu phọng. Đồ ăn vặt tôi mua về thứ chi cũng có mặt anh đậu phọng. Kẹo đậu phọng, bánh đậu phọng, đậu phọng da cá, đậu phọng rang, đậu phọng bọc đường và ngay cả đậu phọng bọc watashi của Nhật ăn vào mùi mù tạt xốc lên mũi mà vẫn khoái chí tử!
Nhưng sự si mê đậu phọng của tôi nay đã bị giới hạn. Không phải vì tôi mà vì lũ cháu của tôi. Tôi có tất cả sáu cháu nội ngoại mà có tới hai đứa bị dị ứng đậu phọng. Có chúng tới chơi là lập tức tôi phải kiêng đậu phọng trước và trong khi chúng tới. Như vậy, chỉ bằng vào lũ cháu trong gia đình tôi, tỷ lệ dị ứng với đậu phọng đã là 33%. Cao hơn nhiều so với tỷ lệ trong các cuộc nghiên cứu tại Montreal. Theo một nghiên cứu mới được thực hiện tại một số trường tiểu học trong thành phố được công bố trên Journal of Allergy and Clinical Immunology thì tỷ lệ này là 1.5%.
Củ đậu phọng trông hiền lành như vậy tại sao nên nỗi? Tuy dị ứng đậu phọng là phổ biến nhưng đậu phọng không chịu tội một mình. Người ta thống kê có tới mười thứ thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Đó là đậu phọng, hạt dẻ, mè, sữa, trứng gà, cá tôm sò ốc, đậu nành, bột mì, chất sulphites và chất mù tạt.
Tại sao lại xảy ra dị ứng? Khi tiếp xúc với một chất gây dị ứng (allergène), cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra trong máu một loại kháng thể đặc biệt gọi là Immunoglobuline E, ký hiệu là IgE. IgE sau đó sẽ bám vào tế bào mastocytes là một thành phần của mô liên kết nằm dưới da cũng như tại vùng niêm mạc (hô hấp, tiêu hóa, mắt, mũi..v..v..). Để bị dị ứng với một chất nào đó thì cơ thể phải được cảm ứng với chất đó trước trong quá khứ, thường là lúc còn nhỏ. Trong lần tiếp xúc đầu tiên này, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể IgE và bám vào mặt ngoài của các tế bào mastocytes. Sau đó, khi chúng ta ăn một thực phẩm có chứa chất gây dị ứng nói trên thì kháng thể IgE sẽ dễ dàng nhận biết và khơi mào cho tế bào mastocytes giải phóng các hóa chất trung gian mà quan trọng nhất là chất histamine. Chính histamine đi đến các mô, bám vào các thụ thể H1 (récepteur H1) hiện diện hầu như khắp nơi trong cơ thể để gây ra các phản ứng sưng phù (inflammation), tăng sức thẩm thấu của các mạch máu nhỏ, làm đỏ da, gây phù thủng, ngứa ngáy, chảy nước mắt nước mũi, khó thở..v..v.. Ngoài ra có một loại thụ thể khác là H2 nằm trong dạ dầy và có nhiệm vụ trong việc tiết chất acide chlorhydrique.
Dị ứng với đậu phọng có thể xảy ra khi chúng ta trực tiếp ăn đậu phọng hay những thức ăn có chứa hoặc dính vào đậu phọng; da chạm trực tiếp với đậu phọng; hoặc hít vào chất có đậu phọng.
Theo một cuộc nghiên cứu của một nhóm các bác sĩ trên toàn Canada, trong đó có sự tham dự của các bác sĩ tại Đại Học McGill và Đại Học Montreal, thì các em bị dị ứng với đậu phọng chưa được chú ý đúng mức. Điểm quan trọng được nêu ra trong nghiên cứu này là địa điểm các em hay bị dị ứng. Trong 567 ca bị dị ứng được nghiên cứu thì có tới 37% xảy ra ngay tại nhà của các em, 14.3% tại nhà của người khác, 9.3% tại các tiệm ăn, 7.9% tại trường hoặc nhà giữ trẻ.
Dị ứng nặng hay nhẹ tùy trường hợp và tùy người. Tôi mới được đọc một bài báo trên mạng ngày 27 tháng 3 năm 2015 viết về một trường hợp nặng. Nhà hàng Indian Garden ở Yorkshire bên Anh dọn cho ông khách Paul Wilson, 38 tuổi, món khoái khẩu của ông là món cà ri. Vừa ăn xong món hẩu này, ông Paul Wilson đã ngã lăn quay ra và đi luôn! Cuộc điều tra sau đó cho biết chủ nhà hàng tên Mohammed Khalique Zaman đã dùng đậu phọng thay thế cho hạnh nhân để chế biến món ăn này. Ông Peter Mann, người thực hiện cuộc điều tra cho biết: “Có đủ bằng cớ để buộc tội ngộ sát cho Mohammed Khalique Zaman vì tính cẩu thả!”.
Một chuyện khác, lần này nạn nhân là một em bé 4 tuổi. Trên một chuyến bay của hãng hàng không Ryanair của Anh, có một bé gái bị dị ứng nặng với đậu phọng và các loại hạt. Các tiếp viên đã phải thông báo với hành khách yêu cầu không nên mở các túi hạt ra ăn để giữ an toàn cho bé gái 4 tuổi tên Fae Platten. Thông báo được nhắc lại tới ba lần. Tuy nhiên một người đàn ông ngồi ở hàng ghế thứ tư đã mở túi đậu phọng ra ăn. Một hành khách ngồi phía trên anh ta đã nhắc anh không được ăn nhưng anh ta vẫn phớt lờ. Ngay khi ngửi thấy mùi đậu, bé gái nói với mẹ là em thấy đau ở mặt. Một lúc sau, bé ngất lịm. Tiếp theo, lưỡi của bé bị sưng phồng, môi bị bỏng rộp. Bà mẹ cho biết: “Các tiếp viên đã thông báo yêu cầu hành khách không ăn các loại hạt đậu và các tiếp viên cũng không mời khách ăn các gói hạt đậu trong suốt chuyến bay. Khi bay được chừng 20 phút, bé Fae bắt đầu gãi”. Bà mẹ đã có đem theo thuốc chích hormone adrenalin theo. Sau khi bé bị ngất, em đã được tiếp viên hàng không chích thuốc này và tỉnh lại. Khi phi cơ hạ cánh ở Chelmsford, Essex ở Anh, bé đã được di chuyển khẩn cấp tới bệnh viện Broomfield. Cảnh sát điều tra cho biết người đàn ông thích ăn đậu phọng trên, khoảng ba bốn chục tuổi, người xứ Zimbabwe. Anh này đi du lịch cùng vợ và hai con. Có thể vì anh ta không rành tiếng Anh nên không hiểu thông báo của các tiếp viên. Tuy nhiên hãng hàng không Ryanair đã công bố lệnh cấm anh chàng này lên máy bay trong hai năm.
Cha mẹ của các cháu của tôi bị dị ứng đậu phọng luôn thủ theo thứ thuốc chích để dùng khẩn cấp. Trong môi trường và thực phẩm chế biến hiện nay, việc có chất đậu phọng rất thường xảy ra. Vì có cháu dị ứng với đậu phọng nên tôi có thói quen đọc kỹ bản kê các chất có trong các loại thực phẩm. Bản này nhà sản xuất bắt buộc phải ghi rõ theo luật. Luôn luôn họ thòng một câu đại loại như: có thể có chất đậu phọng bị dính trong quy trình sản xuất. Vậy là họ an toàn trên xa lộ. Có chuyện chi họ phủi tay. Vậy nên tốt nhất là chúng ta phải tự đề phòng. Đối với các phản ứng nhẹ như ngứa da, nổi đỏ ngoài da, chỉ cần uống thuốc chống dị ứng (antihistamine) như Benadryl bán tự do trên quầy thuốc. Nhưng nguy hiểm nhất là khi bị dị ứng nặng như sưng miệng, sưng cổ họng, khó thở…Khi đó phải dùng thứ nặng hơn là thuốc chích có chất epinerphrine thường được bác sĩ cho toa mua trước để phòng hờ. Thứ…đại bác này thường có tên gọi là EpiPen. Nếu là người lớn thì nên luôn luôn cặp kè thứ ống chích này bên người. Khi hữu sự là phập liền một khi. Theo lời khuyên của y giới thì người có bệnh nên thực tập cách chích trước để khỏi lúng túng khi cần hành động. Với trẻ em thì các bậc cha mẹ phải luôn luôn thủ EpiPen bên các em. Khi ở nhà trẻ, khi đi học, khi đi chơi và nhất là khi cần gửi các em cho ông bà hoặc người thân. Cũng cần chỉ dẫn cách dùng cho những người này để họ khỏi lúng túng. Và nhớ coi hạn dùng để thay thế khi thuốc hết hạn. Chuyện này chúng ta hay quên vì để thuốc trong túi hoặc sắc, năm này qua năm khác không đụng tới, chúng ta dễ để thuốc quá hạn dùng.
Kể cũng lích kích. Nhưng có bệnh thì phải lụy bệnh, biết làm sao hơn được. Tôi lại mới đọc được một bản tin của hãng UPI nói về một cuộc thí nghiệm. Các bác sĩ chọn 600 em bé trong độ tuổi từ 4 đến 11 tháng có nguy cơ bị dị ứng cao. Họ chia các em ra thành hai nhóm. Một nhóm hoàn toàn không tiếp xúc với đậu phọng và một nhóm được cho ăn 6 gram protein đậu phọng mỗi tuần. Kết quả cho thấy các bé được ăn protein đậu phọng trước khi được 1 tuổi giảm đến 81% nguy cơ dị ứng với đậu phọng khi bé lớn. Chiêu này có lẽ là chiêu mà các cụ gọi là “dĩ độc trị độc”!
Chiêu của các nhà khoa học Pháp trong một cuộc thí nghiệm khác nhằm bẻ gẫy răng của đậu phọng coi bộ cũng khá hấp dẫn. Thí nghiệm của nhóm nghiên cứu do Giáo sư Annick Barre, Đại học Paul-Sabatier ở Toulouse, Pháp đã được báo Le Figaro đưa tin. Đã từ lâu, cấu trúc protein gây dị ứng của đậu phọng đã được xác định. Tuy nhiên cách vô hiệu hóa protein này rất khó khăn. Sau ba năm nghiên cứu, Giáo sư Annick Barre và nhóm của bà đã tìm ra được cách trừ khử thứ protein khó chịu này. Hạt đậu phọng được cho vào môi trường có nhiệt độ cao và áp suất lớn để phá vỡ lớp màng dày bảo vệ của nó. Sau đó, họ dùng một loại vi khuẩn đặc biệt thường được dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm để “chẻ nhỏ” và làm protein gây dị ứng mất khả năng hoạt động. Phương pháp này giúp loại trừ được 95% tác nhân gây dị ứng của đậu phọng. Giáo sư Barre khẳng định là trong tương lai gần sẽ đạt được hiệu quả 100%. Cho tới thời điểm này, đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên tìm được cách vô hiệu hóa khả năng gây dị ứng của đậu phọng một cách an toàn và tự nhiên. Một số nhà khoa học Mỹ trước đó đã từng nghiên cứu cách biến đổi gene của đậu phọng nhưng không thành công.
Điều phiền phức là sau khi bẻ được chiếc răng gây dị ứng của đậu phọng, đậu phọng không còn là đậu phọng nữa! Nó chỉ còn dạng bột và chỉ có thể dùng làm bơ đậu phọng hoặc dùng như một nguyên liệu trong chế biến thực phẩm. Đậu phọng chỉ còn là bột đậu phọng, nghe mà nẫu ruột. Còn chi là những hạt đậu phọng mà tôi thích nhấm nháp khi uống trà. Với tôi, đậu phọng phải luộc, rang, nấu xôi được mới là đậu phọng. Biến nó thành một thứ bột để dùng trong bếp núc thì chán mớ đời! Chán nên tôi tìm tới một ông đậu phọng nổi tiếng.
Chắc nhiều người trong chúng ta đã nghe tên Tổng Thống Jimmy Carter, vị Tổng Thống thứ 39 của Mỹ. Ông không phải là một Tổng Thống xuất sắc của Mỹ và chỉ đứng vững có một nhiệm kỳ, từ năm 1977 đến 1981. Tôi lôi ông vào đây vì trước khi làm Tổng Thống ông là một nông gia trồng đậu phọng. Nếu gọi ông là tonton đậu phọng cũng chẳng phạm thượng vì dân Mỹ cũng luôn gắn liền ông với hột đậu phọng. Các bức hí họa vẽ ông đều có hột đậu phọng đính kèm.
Bức tượng tonton và đậu phọng được đặt tại Plains, quê hương của ông Carter, là một công trình đặc biệt. Cách nay đúng 40 năm ba công dân Indiana là James Kiely, Doyle Kifer và Loretta Townsend đã hoàn tất bức tượng lịch sử này nhân cuộc viếng thăm Evanston của ông Carter vào năm 1976. Bức tượng cao gần 4 thước có hình một hạt đậu phọng với cái cười để lộ ra hàm răng dài đặc biệt của ông Carter. Sau cuộc diễn hành chào đón ông Carter, bức tượng được mang về đặt tại Plains. Phía sau bức tượng có một vết cắt dài mà ai cũng tưởng là các nghệ sĩ cắt vì lý do kỹ thuật khi tạc tượng. Nhưng không phải. Theo bà Loretta, một trong ba tác giả, thì vết cắt đó là do nhân viên an ninh bắt làm vì sợ bên trong có chứa bom hay dùng làm chỗ núp cho một sát thủ. Du khách tới đây ai cũng muốn chụp hình với bức tượng lịch sử này. Năm 2000 một chiếc xe đã tông vào bức tượng làm hư hại nặng. Ngày nay bức tượng đã được trùng tu lại như xưa.
Tôi đã viết ở trên là ông Jimmy Carter không phải là một Tổng Thống tài ba để lại được dấu ấn chi trong vẻn vẹn có một nhiệm kỳ của ông. Đó là cái nhìn của người dân Mỹ và có lẽ của các sử gia sau này. Nhưng đối với dân tị nạn Việt Nam, ông Carter là một Tổng Thống mà họ phải mang ơn nhiều. Báo Time số ra ngày 13 tháng 8 năm 1979 đã viết một bài đặc biệt về chuyện này. Năm 1979 là năm các thuyền nhân Việt Nam ào ạt đổ ra biển để trốn chạy chế độ Cộng sản.
Khoảng 65 quốc gia đã tiếp nhận người tỵ nạn nhưng các trại tị nạn vẫn tràn ngập thuyền nhân Việt. Người ta ước tính đã có tới 300 ngàn người bỏ mạng trên biển. Trước tình trạng ứ đọng này, các nước Đông Nam Á bắt đầu thi hành chính sách kéo thuyền tị nạn ra biển, không cho vào đất liền. Tin thời sự ngày đó cho biết có 3 thuyền tị nạn với 443 nhân mạng tới Hồng Kông đã bị cảnh sát kéo ra khơi và gặp trận bão Hope xô lật thuyền khiến tất cả vùi thây dưới biển. Nguy hiểm như vậy nhưng làn sóng người vẫn ồ ạt ra khơi trốn chạy. Chỉ nội trong hai tháng 5 và 6 năm 1979 đã có 110 ngàn người lao ra biển. Bão tố, hải tặc và sự làm ngơ không cứu vớt của các tàu viễn dương khiến chỉ có 22 ngàn người tới được bến bờ.
Không chỉ các tàu dân sự không cứu vớt thuyền nhân mà ngay cả các tàu chiến của Mỹ cũng quay mặt làm ngơ. Xót xa trước tính mạng của đồng bào vượt biển, dân Việt đã kéo nhau tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn biểu tình thắp nến trước tòa Bạch Ốc. Các tu sĩ Công giáo và Phật giáo cầu kinh suốt đêm dưới ánh nến lung linh của đoàn người Việt mất quê hương. Từ cửa sổ trên lầu dinh Tổng Thống, ông Carter nhìn xuống những ánh nến chập chờn cầu cứu. Và ông lập tức hành động. Tổng Thống ra lệnh cho bộ An Sinh Xã Hội tiếp nhận gấp đôi số thuyền nhân Việt từ 7 ngàn lên tới 14 ngàn người mỗi tháng. Bộ Quốc Phòng biệt phái 5 tuần dương hạm của Đệ Thất Hạm Đội chỉ để cứu vớt thuyền nhân. Mục tiêu là tất cả các thuyền nhân phải được cứu vớt. Cuối năm 1979, tin tức vớt người bay về tới Việt Nam. Cả Sài Gòn lên cơn sốt vượt biên.
Không có chỗ đứng huy hoàng trong lịch sử Hoa Kỳ nhưng vị Tổng Thống thứ 39 của Mỹ đã có chỗ danh dự trong tâm khảm của những người tỵ nạn Việt Nam. Như một cứu tinh. Như một người có lòng. Tấm lòng…đậu phọng!
05/2015
|