Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

TRĂM

Chính phủ Nhật vừa phải đầu hàng những người trăm tuổi. Theo thông lệ có từ 52 năm nay, cứ cụ nào vượt ngưỡng trăm năm tuổi là chính phủ chúc mừng bằng cách tặng một đĩa đựng rượu sake được trang trí rất đẹp. Rượu sake là thứ…quốc tửu của Nhật. Tôi đã từng được thưởng thức thứ quốc tửu này nhiều lần. Vị rượu tương tự như rượu nếp của Việt Nam. Rượu được hâm nóng trước khi uống. Uống vào rất êm ái nhưng say lúc nào không biết. Nhất là khi ngồi chén anh chén em với các nàng geisha. Ngày nay dân Nhật sống dai quá. Gì chứ trăm tuổi là chuyện nhỏ. Hiện đất nước này đã có tới 54 ngàn cụ thọ từ trăm tuổi trở lên. Không hiểu giá chiếc đĩa này có đắt lắm hay không mà chính phủ cúp phần thưởng già của các cụ. Có lẽ vì chính phủ Nhật nghĩ là người già yếu ớt dễ bắt nạt nên thẳng tay cúp chăng. Âu cũng là nỗi buồn…trăm năm!

Coi rẻ tuổi trăm năm nhưng chuyện kỷ lục người nhiều tuổi nhất thế giới do tổ chức Guinness trao tặng thì coi bộ dân Nhật rất khoái. Các cụ ông cụ bà Nhật Bổn thi nhau đoạt kỷ lục già nhất thế giới. Đương kim…lão nhất thế giới là cụ Yasutaro Koide, 112 tuổi. Nói cho chính xác thì cụ sanh ngày 13 tháng 3 năm 1903. Cụ này “nối ngôi” một cụ người Nhật khác là cụ Sakari Momoi, cư ngụ tại thủ đô Nhật Tokyo, mới qua đời hồi tháng 7 vừa qua. Thường thì người ta hay tò mò để học hỏi làm sao các cụ có thể trụ lại cõi đời này lâu đến như vậy, cụ đương kim lão nhất thế giới này bật mí: “Điều tốt nhất là đừng làm gì quá độ”. Chuyện này thì ai cũng biết nhưng có thực hành được hay không là chuyện khác. Chúng ta thường hay chiều bản thân. Nhất là mấy ông nhà thơ nhà văn. Khoái chi cứ nhắm mắt mần. Mặc kệ hậu quả. Chuyện ngày mai để mai tính. Que sera sera!

Một năm là mấy tháng xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
Bảy mươi chống gậy ra ngồi
Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?

Tôi cố ý trích mấy câu ca dao về cái sự xúi chơi chứ không trích thơ của các ông bạn tôi. Sợ các ông ấy phiền. Có những lúc các ông ấy bốc đồng nhưng cũng có lúc các ông ấy rét. Chẳng nên làm phiền nhau!

Chơi thì phải quá độ chứ chơi nửa chừng chán phèo. Cụ Yasutaro Koide nói chi mặc kệ cụ. Đường ta ta cứ…chơi. Các ông bạn tôi chẳng màng tới cái kỷ lục Guinness. Sống tới tuổi cầm tiền già là đạt chỉ tiêu rồi. Sau đó là bonus trời cho, cứ tiêu xài thả cửa!

Vậy nên các ông ấy chẳng làm nên tích sự gì. Ngôi sống dai nhất thế giới nhường cho các cụ ông người Nhật tự tung tự tác. Nhưng phía các cụ bà thì khác. Trước tháng 4 năm 2015, ngôi vị cụ bà via nhất thế giới thuộc về cụ người Nhật Misao Okawa, thọ 117 tuổi. Nhưng cụ đã quy tiên vào ngày đầu tiên của tháng 4 năm nay và chức vô địch lão bà rơi khỏi tay người Nhật. Nối ngôi cụ Misao Okawa là một cụ bà người Mỹ, cụ Susanna Mushatt Jones, sống tại New York. Cụ mới mừng sinh nhật 116 tuổi. Cụ sanh ngày 6 tháng 7 năm 1899 và là một trong hai cụ sanh vào thế kỷ thứ 19 còn sống. Cụ kia là Emma Morano, người Ý. Cụ “kỷ lục” Susanna gốc da đen, thuở nhỏ làm ruộng nhưng cũng đã học xong trung học. Sau đó cụ dậy học và nghỉ hưu từ năm 1965. Sức khỏe của cụ hơi kém: mù, điếc nặng và phải ngồi xe lăn. Cụ đồng bệnh glaucoma với tôi và bị mù vào đúng năm 100 tuổi.  Lối sống của cụ chẳng có chi hấp dẫn, gồm toàn những “không”: không hút thuốc, không uống rượu, không party, không trang điểm, không nhuộm tóc. Cụ lập gia đình với ông Henry Kones vào năm 1928 nhưng ly dị sau đó vào năm 1933. Trong 5 năm vợ chồng cụ không sanh nở chi cả. Bí quyết sống lâu của cụ cũng hết sức nản: không lấy chồng lâu! Làm như việc lấy chồng của cụ là việc lỡ làng. Năm 2011, khi 112 tuổi, cụ còn cay cú “không biết ông ấy sẽ trở nên cái chi chi”. Tôi lại trích mấy câu ca dao. Cứ trích khơi khơi trúng đâu nấy chịu.

Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
Người ta lấy hết chổng mông mà gào.
Gào rằng đất hỡi, trời ơi,
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?

Cụ bà người Mỹ này không biết có nhấp nhổm không, vì cụ đang bị một cụ bà người Việt lăm le hất khỏi…ngai. Cụ nước tôi tên Nguyễn Thị Trù, ngụ ngay tại Bình Chánh, thành phố Sài Gòn. Năm nay cụ thọ 122 tuổi, ăn đứt cụ Susanna Mushatt Jones tới 6 năm.  Ông Lê Trần Trường An, Phó Chủ Tịch Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam, cho biết hội đã lập 3 bộ hồ sơ gửi tới 3 nơi: Tổ Chức Guinness có trụ sở tại Anh, Hiệp Hội Kỷ Lục Thế Giới (WRA) trụ sở tại Hongkong và Liên Minh Kỷ Lục Thế Giới (World Record Union) trụ sở tại Ấn Độ để xin xác nhận cụ Trù là người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới.

Hồ sơ đề cử cụ Trù có bản sao giấy khai sanh và giấy kết hôn kèm theo lời khai của 3 nhân chứng. Ngoài ra còn kèm theo hồ sơ của các con, cây gia phả ghi rõ ngày sinh, ngày mất của cha mẹ, anh chị, con cái của cụ Trù. Tháng 5 năm 2015, tổ chức Hiệp Hội Kỷ Lục Thế Giới đã công nhận và trao bằng xác lập kỷ lục thế giới cho cụ. Hai tổ chức còn lại vẫn đang thẩm định tuổi thật của cụ. Phó Chủ Tịch xã Đa Phước, ông Phạm Thanh Hùng, cho biết các giấy tờ hộ khẩu, căn cước được cấp sau năm 1975 của cụ ghi cụ sanh vào ngày 4 tháng 5 năm 1893.

Hiện giờ cụ Trù đang chờ và cụ Susanna đang hồi hộp. Không biết cụ Trù chờ được tới bao lâu nữa. Nếu cụ ráng thêm được một năm nữa thì cụ sẽ ẵm được một phần thưởng rất cụ thể: một triệu đô! Phần thưởng này do tỷ phú Dmitry Kaminsky, người Moldova, tặng cho người đầu tiên trên thế giới sống được tới 123 tuổi. Không hiểu sao ông tài phiệt này lại định con số 123 mà không là những số chẵn như 120 hoặc 125. Tôi vào mạng để kiếm ông này hỏi cho ra lẽ nhưng kiếm hoài kiếm hủy mà không thấy đâu cả.

Cụ Trù trấn tại quốc nội, tại hải ngoại có cụ Trần Thị Nghiên, hiện sống ở Santa Ana. Cụ Nghiên sanh ngày 10 tháng 10 năm 1900 tại Nam Định. Tháng 10 sắp tới cụ sẽ tròn 115 tuổi. Cụ có tất cả 10 người con, 51 cháu, 107 chắt và 17 chút! Giấy tờ ở Việt Nam của cụ không còn nhưng thẻ ID do tiểu bang California cấp cho cụ ghi rõ ngày sanh tháng đẻ của cụ. Chuyện không lạ, cụ đã tản cư, di cư, chạy loạn biết bao nhiêu lần trong cuộc sống quá một thế kỷ, còn giấy tờ nào dính theo được bước chân bương bả đó. Cụ theo nghề biển tại Phan Thiết sau khi di cư vào Nam và là một người mẹ đảm đang, làm việc cần cù, dạy con kính trên nhường dưới, sống công bằng, bao dung và lương thiện. Theo bà Nguyễn Thị Đậu, con gái của cụ, thì có lẽ đó là nguyên nhân khiến cụ Nghiên sống thọ như vậy. Cụ vượt biên qua Mỹ vào năm 1980 cùng một người con trai và cho tới nay vẫn giữ nếp đi lễ hàng ngày. Bà Đậu cho biết: “Hằng ngày, cho dù có bận tối tăm mặt mũi, cả gia đình tôi đều dành thời gian để đi nhà thờ. Mẹ dạy anh chị em chúng tôi phải có đức tin, đi nhà thờ và đọc kinh mỗi ngày. Mẹ tôi luôn mặc áo dài và anh chị em tôi phải luôn ăn mặc tươm tất mỗi khi đi nhà thờ”. Tới bây giờ, sáng nào như sáng nấy, cụ Nghiên vẫn đi lễ ở nhà thờ Sainte Barbara ở góc đường Euclid và McFadden. Hình ảnh sáng sáng, bà cụ 115 tuổi mặc áo dài, ngồi xe lăn, tới dâng lễ có lẽ là hình ảnh trung thực nhất của cụ.

Cũng như thể thao có thứ cá nhân và có thứ toàn đội, tuổi thọ cũng vậy. Có kỷ lục sống thọ cá nhân và kỷ lục sống thọ gia đình. Tổ chức kỷ lục Guinness vừa trao kỷ lục “gia đình sống thọ nhất thế giới” cho gia đình bà Consolata Melis ở Ý. Gia đình này có 9 anh chị em, 3 trai 6 gái, còn sống thọ. Chị cả là bà Consolata năm nay 105 tuổi. Bà có 9 con, 24 cháu và 25 chắt. Bốn người trong số các em bà trên 90 tuổi, ba người trên 80 tuổi và người em út năm nay cũng đã 78 tuổi.

Nghe tới trăm tuổi, nhiều ông bà bạn của tôi cũng ham. Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, và tôi vẫn thở xuyên thế kỷ nghe ra là một điều khá thích thú. Chuyện trăm năm là chuyện của trời nhưng cũng là chuyện của người. Thế hệ chúng ta ngày nay có nhiều cơ may sống tới trăm tuổi hơn các thế hệ trước. Nếu một bé gái sanh ra ngày hôm nay thì có khả năng sống tới trăm tuổi cao gấp 8 lần so với một người sanh ra vào 80 năm trước. Cũng theo số liệu thống kê thì những thanh niên 20 tuổi ngày nay có khả năng đạt tới tuổi trăm cao gấp 3 lần so với thế hệ ông bà của họ, và cao gấp 2 lần so với thế hệ cha mẹ của họ. Năm 2011, người ta đã có bản phân tích cặn kẽ. Nếu một bé trai sinh vào năm này thì cơ may trăm tuổi là 26%, nếu sanh ra hai chục năm trước, tức 1991, thì cơ may xuống còn 19,5%, nếu sanh ra 10 năm trước nữa, tức 1981, thì cơ may chỉ có 16,5%. Đó là cho nam giới, nữ giới thì tỷ lệ cao hơn. Các bà vẫn được tiếng là dai hơn các ông!

Sống lâu trăm tuổi có thú vị chăng? Câu hỏi mà chúng ta, những người chưa sống đủ con số trăm, khó trả lời. Vì đã trải qua đâu mà biết có chi thú vị. Nhưng dù chưa tới tuổi trăm, nhiều cụ đã trở thành con nít lại. Làm như cuộc sống là một vòng tròn, sống giáp vòng là trở lại thời ấu thơ. Có chuyện này chăng? Ai cũng nghĩ là có. Hai cụ trong một nhà dưỡng lão ngồi trên ghế xích đu, dưới bóng mát, nói chuyện với nhau. Một cụ nói: “Tôi mới có 83 tuổi mà người đau đớn cùng khắp, đi đứng khó khăn, cụ cùng tuổi với tôi, cụ có thấy vậy không?”. Cụ kia cười trả lời: “Đâu có, tôi ấy à, tôi cảm thấy như một đứa trẻ sơ sinh!”. Ông cụ nhìn với vẻ thán phục: “Cụ nói thiệt à?”. Ông cụ kia trả lời ngay: “Thiệt chứ sao không thiệt! Này nhé, tóc không có, răng cũng không có”. Cụ ngồi ngây mặt rồi vội tiếp: “Úi chào! Bậy thiệt, tôi lại vừa làm ướt quần nữa rồi!”.

Đó là chuyện giễu. Nhưng chuyện thật cũng giễu ra gì! Các cụ thường có mặc cảm bị bỏ quên. Con cháu thì bận bịu, người nào cũng kẹt chuyện làm ăn hoặc đi công tác không tới thăm các cụ thường xuyên được, vậy là các cụ giở trò. Chiêu thông thường nhất các cụ hay dùng là bỏ ăn, rên rỉ như người bị bệnh nặng, hỏi chi cũng dỗi không nói. Con cháu hoảng hốt tưởng các cụ bệnh nặng, kéo về thăm. Thấy con cháu đông đủ các cụ mới vui lại.

Chiêu đó chưa vui, chiêu các cụ ở nhà dưỡng lão kèn cựa nhau mới thiệt vui. Thường thì hai cụ ở chung một phòng, vừa tiết kiệm vừa có người chuyện trò cho bớt cô đơn. Nhưng hai cụ một phòng thường có chuyện xích mích. Như hai cậu bé chung phòng ngày xưa. Một cụ thích chong đèn đọc sách khuya, cụ kia khó chịu kêu để đèn cụ ngủ không được. Cụ này dỗi mang sách vào toilet đọc. Cụ kia muốn dùng nhà vệ sinh bị kẹt. Hai cụ lời qua tiếng lại, không ai chịu thua. Cụ không đọc sách tức khí cứ vào, coi như không thấy ai, hồn nhiên tè lên ướt cả người lẫn sách của cụ mọt sách. Vậy là cả hai đều bù lu bù loa gây náo động cả viện!

Làm sao sống trăm tuổi để vui như vậy được? Thường thì chúng ta nhận được những lời khuyên loại “cổ điển”: sống lành mạnh, không hút thuốc, không rượu chè, ăn ngủ điều độ, vận động điều hòa, giữ thư thái tâm hồn, kiêng khem đúng cách…Nghe mãi hóa nhàm. Tôi cố tìm những lời khuyên vui hơn, tân tiến hơn. Chuyện này tôi nói riêng với các cụ ông. Các cụ càng xuân tình thì tuổi thọ càng cao. Đại Học Queens University ở Anh đã công bố một nghiên cứu trên một ngàn hồ sơ của một ngàn ông đã tử vong trong vòng một thập niên qua. Họ nghiên cứu các số liệu về hoàn cảnh kinh tế, tuổi tác, sức khỏe và tần suất quan hệ tình dục. Kết quả cho thấy các cụ ông có ham muốn tình dục cao thường có tỷ lệ tử vong chỉ bằng nửa so với các cụ ít quan hệ tình dục. Các cụ bà, nếu nhìn trộm vào kết luận này, sẽ cho là chuyện tào lao, vô lý. Thường thì trong một cuộc đấu cờ người, các ông cho và các bà nhận. Cho thì phải hao hụt, sức khỏe hao tổn. Cứ để ý coi, khi đã “cho” xong, các ông mệt lử cò bự, lăn ra ngủ như chết. Nhưng đó là vì các ông không biết cách cho. Khoảng hai chục năm gần đây, các nhà khoa học tìm ra rằng quan hệ tình dục là một dạng năng lượng đặc biệt. Khi người phụ nữ đạt được cực khoái thì bản thân họ phát ra một dạng năng lượng rất lớn, thậm chí vượt xa phần năng lượng mà đàn ông bị tiêu hao. Nguồn năng lượng này còn kéo dài thành những sóng lăn tăn sau khi cực khoái, thấm sâu vào cơ thể người nam để tiếp thêm sức mạnh và làm trẻ hóa cho người nam. Nhưng các ông chỉ nhận được nguồn năng lực này nếu biết âu yếm vuốt ve đối tác sau khi mãn cuộc. Nếu ích kỷ, bỏ đi một mạch thì hỏng. Vì vậy, những cặp vợ chồng sống hạnh phúc, ông chồng vẫn sống thọ tương đương với bà vợ.

Đó là nói xuôi. Bi chừ nói ngược. Các ông không còn khả năng đàn ông như các hoạn quan ngày xưa sống thọ hơn những ông súng ống ngon lành. Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu ở Đại Hàn. Họ cho rằng các hormone nam làm giảm tuổi thọ của phái mạnh. Nghiên cứu hồ sơ phả hệ của các thành viên quý tộc trong triều đình nhà Chosun, trị vì từ năm 1392 tới 1910, ông Kyung-Jin Min của Đại Học Inha nhận thấy các hoạn quan sống thọ hơn các người đàn ông khác từ 14 đến 19 năm. Trong số 81 hồ sơ của hoạn quan được nghiên cứu, có 3 quan thị đã sống tới trăm tuổi! Trăm tuổi như vậy ai ham thì ham, không có tôi. Sống buồn hiu như vậy thì sống làm chi cho tủi cuộc đời.

Lại nói xuôi. Cụ ông Li Ching-Yun có tới 23 bà vợ mà sống tới 256 tuổi. Không, tôi không nhầm lẫn số năm cụ sống ở đời. Ông cụ phi thường này sanh ra và mất tại cùng một ngôi làng. Đó là làng Kaishien thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 1930, Giáo sư Wu Chung-Chien đã tìm ra được “giấy chứng sinh” của cụ do hoàng gia cấp. Ngoài ra ông cũng đã tìm được những bức thư chúc thọ của các hoàng đế nhà Thanh, theo đó thì cụ Li sanh vào năm 1677, năm Khang Hy thứ 17, tại huyện Kỳ Giang thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Vào các năm 1827 và 1877, triều đình nhà Thanh đã cử hành rất long trọng lễ mừng thọ 150 tuổi và 200 tuổi cho cụ. Trong các thư chúc mừng này, cụ Li Ching-Yun đã được nhắc tới như một chuyên gia về thảo dược, một lão võ sư kiêm cố vấn chiến thuật, một bậc thầy về khí công của Trung Quốc. Trong 100 năm đầu của cuộc sống, cụ Li đã thu mua thảo dược tại Tây Tạng, Cam Túc, Mãn Châu và Thái Lan. Ngay từ năm lên 10, cụ Li đã học các phương pháp giúp trường thọ bằng cách chỉ ăn uống các loại thảo mộc và rượu gạo. Năm 1749, khi đã 71 tuổi, cụ mới gia nhập quân đội và trở thành thày dậy võ thuật kiêm chuyên viên cố vấn chiến thuật cho quân đội.

Năm 1927, cụ nhận lời mời của tướng Yang Sen của Trung Hoa Dân Quốc tới huyện Tứ Xuyên làm gia khách. Tại đây người ta chụp một tấm hình cho cụ. Tướng Yang Sen đã viết một bài mang tựa đề “Câu Chuyện Có Thật Về Một Người Đàn Ông 250 Tuổi” trong đó ông mô tả cụ Li “mắt rất sáng, cao khoảng hai thước, bước chân mạnh mẽ, nước da hồng hào đầy sức sống”. Một năm sau, một bài báo trên tờ New York Times đã miêu tả cụ Li lúc đó 251 tuổi mà trông như người 60 tuổi.

Sống thọ tới đâu thì cũng có lúc phải về quê. Trước khi mất, cụ Li nói với thân nhân: “Tôi đã làm xong những việc mà tôi cần phải làm, nay tôi sắp trở về nhà”. Cụ mất vào năm 1933. Báo chí đương thời như tạp chí Time và tờ New York Times đều có đưa tin. Cụ có tất cả 180 con, cháu, chút và chít. Phóng viên của New York Times đã viết: “Có những câu chuyện đã được chứng minh là đúng 100% mà ta vẫn không thể không hoài nghi. Bạn có tin là một cụ ông ở Trung Quốc có thể sống trường thọ tới 256 tuổi không? Ông cụ sanh năm 1736 hay 1677 chi đó và chỉ năm mất là 1933 được xác định. Theo tất cả các tài liệu tôi tìm thấy, hình như cụ chỉ ăn thực vật và trái cây hoang dã có trên núi. Các dược thảo mà cụ ăn hàng ngày gồm có wolfberry, hà thủ ô và nhân sâm”.

Ông cụ có tuổi thọ phi thường này chỉ cho một lời khuyên: “Luôn giữ một trái tim ôn hòa, ngồi tĩnh lặng như một chú rùa chậm chạp, đi nhanh nhẹn như chim câu và ngủ ngon như một chú cún!”.

Nói chuyện 100 năm mà vấp phải những 250 năm. Thật quá tải. Quá đến nỗi khó tin. Thôi thì cứ coi như một huyền thoại. Huyền thoại thường xa tay với nhưng biết đâu huyền thoại tân thời lại chẳng là một dự báo.

Suy ra thì có lẽ cụ Li Ching-Yun là hậu duệ của cụ Bành Tổ! Cứ tin như vậy cho vui!

09/2015