Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

TRẦN

Ba cô gái tên Tameera, Nadia và Alysha Mohamed cùng nhau đạp xe đạp vào buổi chiều thứ sáu ngày 23 tháng 7 vừa qua. Bữa đó trời nóng khủng khiếp. Nhiệt độ cỡ 26 độ nhưng với độ ẩm, con người cảm thấy nóng tới 31 độ. Nơi các cô chạy xe là vùng Waterloo ở thủ đô Ottawa, khu vực gia cư. Trời nóng nên các cô cởi hết áo xống cho mát. Khi tới một khu đang xây cất, một bà cảnh sát vẫy tay chào các cô. Bà này chắc không thấy chi lạ. Cùng là phụ nữ với nhau cả. Tới khoảng 9 giờ tối, một chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát tốp các cô lại. Một ông cảnh sát nói: “Này các cô! Các cô nên mặc áo vào”. Cả ba cô lắc đầu. Lại còn giở luật ra nữa. Theo luật của tỉnh bang Ontario ban hành vào giữa thập niên 1990 thì các bà các cô có quyền topless. Ông cảnh sát vẫn lắc đầu viện dẫn lý do vùng gia cư này có con nít và có người đã thưa với cảnh sát. Cô Tameera, một dương cầm thủ đã từng được đề cử ở giải âm nhạc Juno, rút chiếc phôn tay ra và yêu cầu cảnh sát nhắc lại lời nói để cô thu hình. Ông này làm lơ, nói chuyện kiểm soát chuông và đèn xe đạp. Cô Tameera không phải tay vừa: “Chúng tôi là những người tranh đấu cho quyền của phụ nữ nên chúng tôi hiểu quyền của chúng tôi. Thật khôi hài, ông ấy không có quyền chặn chúng tôi lại. Dù ông ấy nói dối hay ông ấy không biết luật, cả hai đều là vấn đề, nên chúng tôi sẽ tới trụ sở cảnh sát làm cho ra lẽ”.

Chuyện chị em giải phóng khúc trên là chuyện được hô hào từ lâu nhưng cho tới nay vẫn sinh chuyện. Đầu tiên các bà hô hào tháo bỏ chiếc nịt ngực. Đó là biểu tượng của sự nô lệ! Tháo được chiếc nịt, các bà tranh đấu đòi quyền bình đẳng với các ông. Tại sao các ông cứ phơi ngực một cách thoải mái trong khi phụ nữ chúng tôi cứ phải nhốt trong chiếc áo kín mít. Như vậy là các ông cậy quyền chơi ép chúng tôi. Đời nào chị em chúng tôi chịu. Vậy là cứ phơi ra hết cho bình đẳng. Các ông thấy chẳng có chi trở ngại. Các bà muốn bình quyền thì cứ bình quyền cho vui mắt. Luật bi chừ đã về hùa với các bà, các ông cũng chẳng thèm phản đối. Còn chịu thua thiệt là đằng khác. Bi chừ các bà muốn phản đối chuyện chi, cứ tuột áo ra là thiên hạ rùm beng lên trong khi các ông có ở trần cả ngày cũng chẳng có ma nào nhìn nhõi tới. Không tin cứ hỏi các bà trong tổ chức FEMEN khắc biết. Các bà này cứ có dịp là tốc áo tranh đấu. Nhiều khi rất có kết quả. Còn các ông có muốn bắt chước tung hê áo ra tranh đấu, chắc kết quả sẽ thảm hại.

Thực ra các ông cũng lấn sân quá quắt lắm. Từ thời xa xưa lận. Từ mấy trăm năm trước, khi sự kiện thể thao như Thế Vận Hội chỉ có các ông tham gia tranh tài, các bà chỉ được ngồi coi. Ngày đó, các lực sĩ không những trần mà còn truồng nữa. Ném gậy, phóng lao chi cứ nồng nỗng ra trước mắt mọi người. Kể cũng quá quắt hung. Các bà có ghen tỵ cũng phải. Mát mẻ như vậy mà bắt người ta cửa đóng then cài. Chịu chi nổi!

Từ chuyện ba cô Mohamed…trần, tôi lang bang có hơi nhiều. Từ hiện tại về tuốt tận thời mới khai sanh ra thế vận hội, từ chuyện trần qua chuyện truồng. Thật không phải. Nhân chuyện ba cô, tôi có hỏi ý kiến mấy ông nhà thơ. Các ông này vốn dĩ khoái chuyện mát mẻ. Thơ phải tung tăng. Chuyện trần trụi cũng tung tăng. Hợp ý là các chắc. Ông nhà thơ Quan Dương “bình” như ri:

Ngực trần là của người ta
Mắc chi giò cẳng bước ra khỏi hồn
Theo em xuống phố nửa đêm
Hạ rón rén nở bên thềm cái bông.

Quay đầu tìm lại thanh xuân
Mới hay không phải của mình từ lâu.

Còn ông Luân Hoán vỗ tay hơi lớn. Ông này vốn dĩ nòi tình. Cứ cái chi đụng tới…nát bàn của ổng là ông ấy dễ cà khịa.

cõi trần ngần ngại ở trần
dễ thành cõi lạ xa dần thế gian
em thân nhũ ngọc âm vàng
ngại đời lạc cõi bình an nên đành
thả hường nuôi hạnh phúc xanh
không thưởng còn phạt…nỡ hành hạ sao?
hồng trần không chỉ má đào
mà toàn ngọc thể nơi nào cũng thơm
thưởng ngoạn thụ hưởng, làm ơn!
để em chịu thiệt vuông tròn nghiệp em.

Các cụ đã dậy: đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại. Thứ ba cô em ở Ottawa phô ra là thứ đẹp. Chắc cũng thuộc loại đẹp ác. Đã đẹp thì ở hoàn cảnh nào cũng đẹp. Tại một lớp sinh học, các sinh viên làm bài thi giữa khóa. Đề thi của câu hỏi cuối cùng là: “Hãy kể ra bảy lợi ích của sữa mẹ”. Một sinh viên đã nhanh chóng kể ra được sáu lợi ích: đó là thứ sữa có công thức hoàn hảo nhất; tạo ra kháng thể chống lại được một số bệnh tật; luôn có độ ấm vừa phải; không tốn tiền mua; tạo được tình mẫu tử; muốn lúc nào là có ngay. Mới có sáu, còn thiếu một lợi ích nữa. Cậu sinh viên ngồi cắn bút suy nghĩ. Tới khi tiếng chuông báo hết giờ làm bài vừa rung lên, cậu vội viết vào lợi ích thứ bảy: sữa được chứa đựng trong hai chiếc bình dễ thương! Bài của cậu được điểm A!

Ôi thời gian! Tôi phải ta thán như vậy vì thời gian bào mòn nhiều thứ. Cái thứ bóng câu qua cửa sổ này là chuyên viên tàn phá. Nhưng thời gian là thứ khôn tổ! Nó cứ nhẩn nha tàn phá. Như một cơn bão tiệm tiến hiền lành. Phá tung ra mà làm như vô tội. Đôi bình dễ thương cũng không thoát khỏi quy luật của thời gian.

Một cặp nhân tình trẻ ngồi tâm sự trên ghế đá công viên. Chàng hỏi: “Chúng mình nên nói thật với nhau, trước khi yêu anh, em đã yêu ai chưa?”. Lưỡng lự một hồi, nàng rụt rè nói: “Hồi học trung học em có yêu một anh bạn cùng lớp. Để kỷ niệm mối tình này, em đã xâm khuôn mặt anh ấy lên ngực phải. Sau này, vào đại học, em cũng yêu một anh cùng trường và cũng để kỷ niệm, em xâm mặt anh ấy lên ngực trái”. Nói rồi nàng chỉ cho chàng coi mà trong bụng rất bối rối. Chỉ sợ chàng ghen. Chàng trai ngắm một hồi rồi cười sằng sặc. Cô gái ngẩn ngơ nhìn. Cứ tưởng chàng phải cau có khó chịu chứ đâu có cười vui như vậy. Cô ngạc nhiên, chờ cho chàng dứt cơn cười, khẽ hỏi: “Tại sao anh lại cười?”. Chàng dứt cơn cười, nói bằng một giọng vui vẻ: “Anh đang tưởng tượng vài chục năm nữa không biết mặt hai thằng này nhăn nhó khổ sở đến thế nào!”.

Vậy nên lúc đang độ, các nàng nên phơi phới phô ra cái bình sữa dễ thương của mình. Chẳng cứ ba cô nàng mang họ Mohamed mà “lịch sử” phô ra gồm rất nhiều sự tích. Sự tích liên quan tới lý lẽ của cô nàng Tameera làm quê mặt ông cảnh sát là một cuộc đối đầu rất can đảm của cô nàng tên Gwen Jacobs, sinh viên ở Guelph thuộc tỉnh bang Ontario.

Ngày 19 tháng 7 năm 1991 là một ngày rất nóng nực và ẩm thấp. Nhiệt độ lên tới 33 độ. Cô sinh viên Đại Học Guelph đã cởi áo cho mát, đi bộ về nhà. Trên đường đi cô đã bị cảnh sát chặn bắt và đưa ra tòa về tội công súc tu sỉ, vi phạm điều 173 của Hình Luật. Cảnh sát cho biết họ nhận được lời phàn nàn từ một bà mẹ có con nhỏ mà con của bà đã nhìn thấy ngực cô Gwen Jacobs. Cô Jacob biện minh là cô chỉ làm chuyện mà các ông đã từng làm ngày một và cho rằng đây là một hình thức kỳ thị. Cô cũng lý luận trước tòa là ngực của cô cũng chỉ là những tế bào mỡ bình thường. Tòa bác bỏ lý lẽ của cô và phạt 75 đô. Chánh án đã phán rằng “vú của các phụ nữ là một phần của cơ thể gợi dục đàn ông khi họ nhìn và sờ vào”. Cô Gwen Jacobs kháng án lên tòa Thượng Thẩm Ontario. Tòa này cũng bác bỏ luận cứ của cô. Cô kháng án tiếp lên Tòa Phá Án tỉnh bang Ontario.

Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra để bênh vực cô Jacobs và chống đối việc kết tội cô. Bà chánh án đã phán quyết: “Tôi không nghi ngờ chi là, bên cạnh những ý kiến của quần chúng về hành động này, đa số dân Canada đã đồng ý là việc này không đi quá sự cho phép của luật pháp”. Tội công súc tu sỉ được quy định nơi điều 173 và 174 của luật Hình Canada. Nhưng thế nào là công súc tu sỉ không được mô tả rõ ràng mà để ngỏ cho các tòa án suy diễn! Chiến thắng của cô Gwen Jacobs được ăn mừng hàng năm. Năm tới, 2016, là kỷ niệm một phần tư thế kỷ của chiến thắng này.

Chiến thắng được quyền cho đôi nhũ hoa nhìn thấy ánh sáng mặt trời của cô Gwen Jacobs có được dân Canada chúng tôi ủng hộ không? Một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào năm 1992 cho thấy dân Canada còn rất dè dặt. Đã có tới 62% không khoái trò phô bày vòng 1 trước công chúng. Năm 2005, một cuộc thăm dò khác đi sâu vào chi tiết hơn. Kết quả có 72% chống việc nhởn nhơ khoe ngực trên đường lộ của thành phố, 62% chống chuyện topless trong công viên và chỉ có 48% chống việc cởi trần trên bãi biển.

Cởi trần “chuyên nghiệp” là các thành viên của nhóm FEMEN. Họ mang đôi gò bồng đảo ra  hoan hô đã đảo khắp nơi tại Âu châu. Nhóm được thành lập vào ngày 11 tháng 4 năm 2008 tại Kiev, thủ đô của Ukraine. Cái tên Ukraine đã trở nên quen thuộc với thế giới từ sau vụ ông Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga. Đầu têu của nhóm là cô Hanna Huzol. Họ mang ngực ra tranh đấu. Không chỉ những vấn đề liên quan tới quyền của nữ giới mà luôn cả lãnh vực chính trị. Cứ hơi chút là họ phơi ngực ra, vẽ khẩu hiệu lên đôi gò, đứng la hét nơi đông người. Lối tranh đấu này quả có hiệu lực. Ai cũng muốn tới gần, hoặc để bĩu môi, hoặc để há miệng. Khi các thành viên trẻ của nhóm, phần đông là sinh viên, cho mọi người ngắm miễn phí thứ thường được che che đậy đậy thì dễ nhận được sự chú ý của mọi người. Chính tổ chức này cũng đã công nhận nếu họ chỉ tranh đấu bằng biểu ngữ và những tiếng hô thì ít ai chú ý tới họ. Trần là vũ khí lợi hại nhất khiến mọi người chú tâm tới mục tiêu tranh đấu của nhóm. Đầu tiên địa bàn hoạt động của họ chỉ ở Ukraine. Họ phản đối nạn mãi dâm của du khách và đám ma cô bản xứ. Từ năm 2011, họ mở rộng hoạt động ra các nước khác ở Âu châu. Năm 1012, họ mở trung tâm huấn luyện ở Paris, Pháp, và Hamburg, Berlin ở Đức.

Mới đây, vào ngày 17 tháng 2 năm 2015, họ đã có một cuộc phản đối ngoạn mục. Ông Tổng Thống Putin của Nga, người đã cướp bán đảo Crimea của Ukraine, công du sang thủ đô Budapest của Hungary. Các nàng chuyên viên vạch ngực người Ukraine tụ tập để dậy cho Putin một bài học. Lúc các nhà báo quốc tế đang tập trung trước cửa trụ sở  quốc hội Hungary để vào dự họp báo của hai nguyên thủ Orban Viktor và Vladimir Putin thì một cô gái tóc vàng, thành viên của FEMEN, đã xuất hiện, tốc váy trước các nhà báo năm châu bốn bể, miệng la những câu chửi rủa Putin. Lớp trong của váy có khẩu hiệu: “Putin go home!” và một mũi tên chỉ xuống bộ phận phía dưới của cô. Khi cô tốc váy, toàn thân cô trần truồng. Đám nhân viên an ninh bị bất ngờ, lúng túng không biết xử trí ra sao. Một lúc sau, họ mới mang một tấm mền ra phủ lên người cô nhưng cô đạp ra. Vài nhân viên an ninh phải nhào vào nằm đè lên người cô và khiêng ra xe. Cô dãy dụa hô to: “Putler kaput!”. Putler là lối chơi ghép chữ Putin và Hitler. Ngài Putin cũng độc tài và hiếu chiến như nhà độc tài Hitler.

Thành viên của FEMEN hoạt động hăng hái trên nhiều thành phố kể cả New York bên Mỹ. Họ đông cỡ nào mà khuấy tung lên như vậy. Theo cô sáng lập viên Anna Hutson thì con số thành viên đã lên tới 15 ngàn người. Tính tôi thích chi ly. Vậy thì 15 ngàn cô là 30 ngàn…vũ khí tranh đấu. Thế giới không nổ tung lên là điều lạ.

Thứ mà chúng ta thường đồng hóa với trái cây, từ quít, chanh, cam đến bưởi, dưa hấu là thứ dùng để tranh đấu, không hiền lành chút nào chăng? Không có đâu. Nhiều khi chúng chỉ là thứ vui chơi muốn hưởng chút ánh nắng mặt trời trong những ngày nắng hè. Nếu có dịp tới Paris và các thành phố lớn của Pháp, hẳn chúng ta sẽ thấy các nàng mang trái cây ra phơi phóng sau những ngày đông giá ẩn mình trốn lạnh. Sân phơi thường là những thảm cỏ xanh mướt trên các công viên. Dưới mắt tôi, và chắc dưới mắt nhiều người khác, đó là một tập tục đáng yêu.

Nhưng cũng có những người không thích thứ tập tục đã tồn tại bao nhiêu năm tại quốc gia cởi mở nhất hành tinh này. Đó là một nhóm phụ nữ Hồi giáo ngụ cư ở Pháp. Cô Angelique Sloss, 21 tuổi, đang phơi phóng trong công viên ở phía Bắc thành phố Reims thì bị một đám đông thiếu nữ Hồi giáo xông tới đánh đập dã man. Họ la hét kết tội cô Angelique ăn mặc đồi bại nơi công cộng. Họ là những kẻ ngụ cư mà tôn giáo của họ buộc họ phải mặc áo choàng kín mít. Đó là những vị khách không biết thân phận ăn nhờ ở đậu của họ. Ngày 27 tháng 7 vừa qua, các phụ nữ Pháp đã mặc bikini biểu tình phản đối. Ba trong số các thiếu nữ Hồi giáo từ 16 đến 24 tuổi gây chuyện đã bị bắt và sẽ bị đưa ra tòa xét xử vào tháng sau.

Không biết trong số họ có ai mang họ Mohamed chăng? Tôi nghĩ là có vì đó là tên họ rất phổ biến tại các nước Hồi giáo. Vậy thì kể ra cũng ngộ. Ba chị em Mohamed bên Canada chúng tôi đòi quyền phơi trong khi Mohamed bên Pháp lại bắt người khác không được phơi. Kỳ hén! Đúng là có hai ngả Mohamed!

08/2015