Ông Jacques Parizeau mới mất vào ngày 1 tháng 6 năm 2015, thọ 84 tuổi. Chắc ít người sống ở ngoài tỉnh bang Québec biết ông này là ai. Ông là lãnh tụ hoạt động hăng say nhất của đảng Parti Québecois, đảng chủ trương tách rời tỉnh bang Québec ra khỏi Canada. Dân Québec chính cống (họ tự cho là pure laine, 99 phần dầu!)rất khoái ông này. Nhưng dân nhập cư không ưa ông này chút nào. Tách rời hay không tách rời là lưỡi gươm treo trên đầu dân Québec do đảng này nắm chuôi. Chuyện lằng nhằng này làm cuộc sống của dân tỉnh bang không yên. Tôi, cũng như phần lớn dân Việt ta, dĩ nhiên không khoái ông này. Việc ông ra đi không hẹn ngày về chẳng có chi đáng nói tới vì ông rời chính trường đã lâu, từ năm 1995 lận. Vậy mà tôi cũng phải nhắc đến ông vì trong thời gian ông làm Thủ Hiến tỉnh bang, ông đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm thực hiện việc tách rời Québec ra khỏi Canada. Đây là cuộc referendum thứ hai về việc tách Québec ra khỏi Canada. Cuộc trưng cầu dân ý thứ nhất được thực hiện vào năm 1980 và phe chủ trương tách ra đã thất bại. Cuộc trưng cầu dân ý, gọi là referendum, được tổ chức vào ngày 30 tháng 10 năm 1995 là referendum thứ hai. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn hình dung ra được nồi nước sôi mà cuộc trưng cầu này gây ra hồi đó. Có hai phe rõ rệt. Phe oui gồm phần lớn dân da trắng Québecois do ông Parizeau dẫn đầu. Phe non do thủ lãnh đảng Tự Do Liberal Daniel Johnson Jr. cầm trịch. Dân ta cũng như các sắc dân thiểu số khác cương quyết lắc đầu. Hai phe ngang ngửa nhau. Các cuộc thăm dò dư luận được dân chúng theo dõi hàng ngày đưa ra những con số suýt soát nhau làm mọi người hồi hộp. Những ngày sát với cuộc trưng cầu dân ý, phe oui coi như thắng thế. Con số thăm dò vào ngày 27 tháng 10, ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, cho thấy phe ly khai được 47% so với 41% của phe chống ly khai. Ngày đó dân ta lo sốt vó, coi như hết hy vọng. Mọi người đốc thúc nhau đi bỏ phiếu. Tỷ lệ đi bỏ phiếu lên tới 93.52%. Kết quả phe non thắng với tỷ lệ 50.58% số phiếu. Số phiếu thắng cụ thể là 54.228 phiếu trong tổng số 4.671.008 phiếu hợp lệ.
Trở lại chuyện của ông Parizeau. Cái thắng tưởng như cầm chắc trong tay đã bỗng nhiên vụt mất. Ông tự tin đến nỗi chỉ soạn bài diễn văn “ly khai” chứ không thèm phòng hờ bài diễn văn nếu thất bại. Cuối cùng ông cũng phải lên ứng khẩu chấp nhận thua cuộc. Ông nói một câu không chính trị chút nào khi đổ tội sự thất bại của ông cho “tiền và dân thiểu số”. Câu này theo ông tới khi chết! Ông phải từ chức Thủ Hiến ngay sau đó.
Tôi phải nói kỹ càng một chút về cuộc trưng cầu dân ý referendum này vì, cùng khoảng thời gian khi ông Parizeau qui tiên, một nghiên cứu của Giáo sư Victor Grech thuộc Đại Học Malta được phổ biến trên tập san chuyên khoa Journal of Obstetrics and Gynaecology Canada. Theo nghiên cứu này thì cuộc trưng cầu dân ý, con đẻ của ông Parizeau, đã khiến cho dân Quebec thiệt mất các trẻ sơ sinh trai! Tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ ông Parizeau ngờ tới cái hậu quả chẳng ăn nhập tới chính trị chính em này khi quyết định tổ chức referendum.
Thông thường tỷ lệ sanh trai gái là 51,5% trai và 48,5% gái. Số trẻ em trai được sanh ra nhỉnh hơn số trẻ sơ sinh gái một chút. Theo Giáo sư Victor Grech thì đây là một sự điều hòa của tạo hóa vì các thai nhi trai thường dễ bị chết hơn trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh nam dễ bị dị thường và bệnh tật nhiều hơn trẻ sơ sanh nữ. Khi thai nhi còn trong bụng mẹ thì thai nhi trai cũng thường bị ảnh hưởng của tình trạng stress của thai phụ nhiều hơn thai nhi gái. Những biến động khác thường của xã hội là một trong những nguyên do gây nên stress. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1995 của dân Quebec là một biến động bất thường, gây căng thẳng cho mọi ngườitrong đó có các sản phụ.
Để minh chứng cho lập luận của mình, Giáo sư Grech đã so sánh tỷ lệ sanh trai gái của tỉnh bang Québec và toàn quốc Canada trong thời gian có hai cuộc trưng cầu dân ý tách rời Québec ra khỏi Canada vào các năm 1980 và 1995. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1980 ít ảnh hưởng hơn là cuộc trưng cầu dân ý của ông Parizeau vào năm 1995. Theo thống kê thì vào tháng giêng năm 1996, 3 tháng sau cuộc referendum, số trẻ sơ sanh trai đã xuống chỉ còn 50,2% thay vì 51,5% như thông thường. Trong khi đó, tỷ lệ của các tỉnh bang khác của Canada vẫn giữ nguyên 51,5% không thay đổi.
Giáo sư Grech cho rằng cuộc trưng cầu dân ý năm 1995 của ông Parizeau nhiều kịch tính hơn khiến dân chúng bị stress nhiều hơn. Hồi tưởng lại thời gian đó, Giáo sư Grech nói: “Tôi còn nhớ những ngày đó, người ta đổ xô đi bầu. Ai cũng nghĩ là phe ly khai sẽ thắng. Rồi xảy ra cuộc tập họp chưa từng có ở Canada, có tới 100 ngàn người xuống đường tại Montreal ba ngày trước ngày bỏ phiếu để ủng hộ phe non. Và phe chống ly khai thắng trong đường tơ kẽ tóc…Cuộc referendum này đã làm dân Québec bị căng thẳng nhiều”.
Căng thẳng ảnh hưởng tới việc thiếu hụt bé trai là điều đã được chứng minh qua nhiều sự kiện lịch sử. Ba tháng sau vụ 9/11 tại Nữu Ước, tỷ lệ trai gái cũng sụt giảm trông thấy. Vụ thống nhất nước Đức vào năm 1991, vụ tử nạn của công chúa Diana vào năm 1997 đều “có ảnh hưởng tới số trẻ nam được sanh ra”. Tại sao có ảnh hưởng? Một giả thuyết cho rằng, khi bị stress, sản phụ có thể bị xảy thai nam nhiều hơn là thai nữ vì “thai nhi nam đòi hỏi sự trao đổi chất nơi người mẹ nhiều hơn”, đưa tới kết quả bị suy yếu hơn khi được sanh ra.
Ngày nay sanh trai hay gái không phải là chuyện đáng chú ý tuy dân ta có nhiều người vẫn cứ khoái có con trai nối dõi. Đó là ý tưởng của cụ Khổng xưa tới mấy ngàn năm rồi. Cụ về trời từ lâu nhưng câu nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô của cụ vẫn còn sống trong đầu của một số người. Ngày nay có nhiều người trong chúng ta đã không còn phân biệt trai gái khi sanh. Trai hay gái đều là con cả. Có khi gái lại tốt hơn trai. Con gái thường có hiếu với cha mẹ hơn, lo chăm sóc cha mẹ nhiều hơn trong khi con trai lại có hiếu và chăm sóc cha mẹ…vợ nhiều hơn! Nếu cụ Khổng tái sanh vào thời này chắc cụ sẽ mắc cở vì lời dậy của cụ.
Các bà mẹ ngày nay thích có nếp có tẻ hơn. Có gái rồi thì thích thêm trai, có trai rồi thì thích thêm gái. Nếu bận rộn quá chỉ có độc đinh thì trai hay gái cũng OK hết, không thành vấn đề. Tuy nhiên tính tò mò thì không có bà nào bỏ được. Cái thai nằm trong bụng là thằng cu hay cái đĩ, bà nào cũng muốn biết. Ngày xưa, phải chờ tới khi tiếng khóc oe oe chào đời rồi mới biết, ngày nay siêu âm là biết ngay. Các bà thích shopping nôn nóng biết hơn ai hết. Để sắm áo quần cho đứa con sắp chào đời, xanh hay hồng. Đây cũng là chuyện vẽ vời theo phương Tây. Con trai thì xanh, con gái thì hồng.
Cũng vì chuyện hồng xanh này mà stress không chừng. Đó là chuyện hoàng gia bên Anh. Cô cháu dâu Kate Middleton của nữ hoàng Elizabeth mang bụng bầu lần thứ hai. Lần trước đã có hoàng nam, lần này dân chúng muốn có công chúa. Vậy là dân Anh lên cơn sốt. Hoàng tử William, thủ phạm tạo ra cái thai lại hờ hững, trai hay gái cũng tốt thôi, nên không siêu âm chi cả. Thực ra có siêu âm hay không, ông ấy không tiết lộ. Có khi ổng biết rồi nhưng không công bố để dân chúng hồi hộp theo dõi. Một cách quảng cáo…tuồng! Báo chí được dịp đưa tin lung tung. Hết hỏi ông hoàng tử Harris tới nhìn vào cái bụng của công chúa Kate. Ngày xưa, khi thế hệ chúng tôi sanh con, chuyện siêu âm chưa có, nhiều bà đoán cái thai là trai hay gái khi nhìn vào dáng cái bụng bầu. Bụng nhô ra trước gọn gàng là con trai, bụng chè bè là con gái. Đó là kinh nghiệm dân gian, có khi đúng có khi hổng đúng.
Gái hay trai ngày nay cũng như nhau. Trai làm chi, gái cũng theo bén gót. Tới lái máy bay, máy cày, máy chi các bậc quần thoa cũng làm tuốt. Mấy ngày nay, các nương tử khắp thế giới tụ về Canada chúng tôi để cũng FIFA như ai. Cũng hùng hục tranh nhau trái banh trên sân cỏ trong giải World Cup của phái nữ. Các ông bạn tôi mê mệt vì những cặp chân vờn bóng của các thiếu nữ đủ màu sắc. Ông Luân Hoán là người đam mê bóng đá. Các nam nhân tranh tài ông không bỏ sót trận nào. Nay các nữ nhân tranh đua, ông càng mê mải hơn. Các nàng đá banh có nhiều cái đáng coi hơn. Vừa coi các nàng múa chân ông nhà thơ này vừa mần thơ. Trong trận tứ kết giữa Mỹ và Trung Quốc, ông thơ như sau:
nhìn mấy o chệt đỏ
như các cậu xí trai
không phải vốn kỳ thị
nhưng cũng hơi khó coi
nhìn mấy em đế quốc
tóc vàng lẫn tóc nâu
body siêng thể dục
rõ từng nét nhiệm mầu
Thơ như vậy có thấy trái banh chi đâu. Chỉ thấy toàn những thứ…nhiệm màu!
Trai gái bi chừ bình đẳng như rứa, có chi mà phân biệt. Gái đâu có còn ngồi trong song cửa. Trai không còn độc quyền ra sa trường. Chuyện trong ngoài chi bây giờ cứ bình đẳng tuốt. Tôi vừa đọc trên báo một tài liệu của Viện Thống Kê Canada phổ biến vào ngày 24 tháng 6 vừa qua về tình trạng các ông nội trợ. Cứ mười gia đình thì có hơn một gia đình trong đó người chồng ở nhà giữ việc bếp núc, từ giặt giũ, nấu ăn tới trông nom con cái. Con số này càng ngày càng phình lên. Năm 1976, chỉ có 2% các “ông nội trợ” tại Canada chúng tôi. Tới năm 2014, tỷ lệ này lên tới 11%.
Tại sao có tình trạng các ông rụt đầu về trấn giữ nhà cửa cho các bà xông pha ngoài xã hội? Bởi vì con số các bà ra làm việc ngoài xã hội ngày càng tăng. Năm 1976 chỉ có 36% các bà đi làm. Năm 2014, số các bà thoát khỏi khung cửa hẹp của gia đình lên tới 69%. Các bà ra thì các ông phải vào thay thế. Cuộc suy thoái kinh tế năm 2010 là một cái đấm phũ phàng cho địa vị các ông ngoài xã hội. Năm đó, các xí nghiệp kỹ nghệ mà nhân viên phần lớn là các đực rựa đóng cửa lia chia. Số các ông về đuổi gà cho vợ ào ạt tăng thêm. Khốn nỗi ngày nay các bà không nuôi gà mà nuôi toàn những sản phẩm do hai người chung vai tạo thành. Những đứa trẻ này phải nhờ bàn tay của các ông thất nghiệp chăm sóc. Riết rồi, nghề dậy nghề, các ông ngày càng nhuần nhuyễn chuyện quá xuyến gia đình. Số các ông bố xách giỏ đi chợ tăng thêm đột ngột khiến cho các siêu thị phải thay đổi bộ mặt. Họ phải thay đổi cách quảng cáo và trưng bày các kệ hàng để quyến rũ các ông. Trước kia, các ông cũng có đi chợ, nhưng phần lớn là ông nào cũng thủ một tờ giấy ghi các món phải mua do các bà…sáng tác. Ngày nay phu nhân còn bận bịu nơi sở làm, các ông toàn quyền quyết định mua. Thứ các ông thích mua khác thứ các bà thích, vậy nên các chủ chợ phải thay đổi để chiều lòng các ông.
Bà Nora Spinks, Tổng Giám Đốc Điều Hành của Viện Nghiên Cứu Gia Đình Vanier Institute of the Family, phát biểu: “Bước thay đổi lớn nhất làm thay đổi hoàn toàn thế giới phương Tây là sự kiện các phụ nữ ồ ạt tái gia nhập lực lượng lao động sau khi đập bầu vào thập niên 1980. Đó là điều thay đổi căn bản về sự năng động của gia đình dẫn tới sự năng động của cộng đồng, làm thay đổi vị trí trong gia đình. Kết quả là người chồng đã phải đứng lên gánh vác gia đình trong khi người vợ đi làm”.
Mặt đồng tiền đã thay đổi, các ông lo việc nhà, các bà lo việc ngoài xã hội. Vậy thì bé trai hay bé gái chẳng thành vấn đề nữa. Ngay một định chế cổ xưa như hoàng gia Anh cũng chẳng còn phân biệt trai gái nữa trong việc nối ngôi. Luật lệ nối ngôi của hoàng gia từ trước tới nay là con trai được ưu tiên kế vị vua. Khi vua không có con trai thì con gái mới được lên ngôi nữ hoàng. Vì vậy ngày nay dân Anh mới có Nữ Hoàng Elizabeth. Luật mới Succession to the Crown Act 2013 được Quốc Hội Anh thông qua, quy định đứa con đầu tiên của nhà vua, bất luận là trai hay gái, được ưu tiên nối ngôi.
Trai hay gái không còn là vấn đề nên việc các bà bị stress làm giảm số trẻ em trai cũng không mấy ảnh hưởng. Có chăng sự phân biệt là chỉ vì chuyện nếp tẻ, có thứ xanh chen lẫn thứ hồng trong nhà thì vui mắt hơn. Trai hay gái không còn phải là chuyện sống chết như các ông bố ngày xưa thấy vợ cứ sòn sòn sản xuất toàn một thứ thị mẹt đã quày quả bỏ nhà hộ sanh ra về chẳng cần nhìn thấy tác phẩm mới! Chuyện sống chết quan trọng ngày xưa nay nhẹ tựa lông hồng. Chuyện vui thôi mà!
Cô cháu gái tôi có thai lần đầu. Cha mẹ ngong ngóng trông tin. Cô đi siêu âm, biết rõ đứa con trong bụng thuộc phe nào rồi, nhưng cô không tiết lộ. Chuyện vui thôi mà, nên chuyện tiết lộ cũng phải cho vui. Cô mở một party mời cha mẹ, anh em và các bạn tới dự. Tại một góc phòng, cô dựng một tấm bảng gỗ để gắn những trái bong bóng lên. Có bao nhiêu người tham dự thì có từng ấy trái bong bóng. Mỗi người được phát cho một mũi tên. Trong các trái bong bóng có nhồi bột màu trắng trừ một trái. Trái này sẽ chứa bột màu xanh hay màu hồng tùy theo từng trường hợp. Trường hợp của cô cháu tôi, vì đã biết là bé trai, nên cô dùng bột màu xanh. Mỗi người lần lượt phóng mũi tên cho nổ trái bong bóng. Khi nào có người phóng trúng trái có bột xanh tung ra thì cuộc chơi kết thúc giữa tiếng reo hò vui mừng vì biết đứa bé trong bụng là trai. Người phóng trúng “trái bóng biết nói” là người thắng cuộc.
Chuyện trai gái đã nhẹ nhàng như vậy thì ông Jacques Parizeau có làm các bà stress khi tổ chức trưng cầu dân ý khiến số bé trai bị hao hụt cũng có phần giảm khinh. Thôi, ông ra đi bình an nhé. Requiescat in pace!
07/2015 |