Tôi lại vừa nhận được giấy phải đi khám mắt. Thật phiền! Ông Lộ Vận coi chuyện kiểm soát bằng lái xe, cứ hai năm lại làm phiền những người cao tuổi một lần. Cao tuổi thì cao…mắt. Mắt để trên trời, nhìn không rõ chuyện dưới đất chăng? Mắt tôi vẫn tốt. Muốn nhìn cái chi cũng thấu suốt. Nhưng luật là luật, lại phải mất công hẹn bác sĩ mắt, bỏ chút thời gian, chi tí tiền. Chắc có nhiều người hỏi: khi đã cầm tiền già thì được khám mắt thí, tiền chi vậy? Đúng là già thì được khám mắt khỏi phải bận bịu tới cái túi tiền nhưng chuyện bác sĩ chứng nhận trên giấy để nộp lại nha Lộ Vận là chuyện cá nhân, muốn có thì phải chi tiền ra!
Bà chị tôi vừa đi mổ cườm mắt. Gặp tôi, bà kéo lại nhìn mặt. Chi vậy? Vì thay cườm mắt bằng thủy tinh thể nhân tạo nên bà trông cái chi cũng rõ hơn. Bà nói cứ như có một con mắt mới, thích thật nhưng nhìn đời buồn hơn. Da mặt ai cũng nhăn nheo hơn bà thấy trước đây! Chuyện của Tạo Hóa mắc mớ chi con người can thiệp vào cho thêm nỗi buồn. Con Tạo sinh ra con người nên biết rất rõ cuộc sống của con người. Khi nhiều tuổi, cặp mắt nhìn nhập nhòa hơn để cho khỏi phải nhìn thấy sự xuống cấp của mặt mũi những người ham sống lâu. Mắc mớ chi mà sửa sang cho rầu đời!
Mấy ông thi sĩ ví von cặp mắt như cửa sổ của tâm hồn, đó là các ông ấy viết cho tuổi trẻ. Cặp mắt của tuổi trẻ…cửa sổ thiệt! Một cặp tình nhân đang mê mải yêu nhau, nhìn vào mắt nhau, thấy cả bầu trời xanh. Mắt nào mắt nấy lóng lánh như hột xoàn. Nếu vác tất cả các bài thơ ca tụng mắt của người yêu ra đây, chắc đến tối cũng chưa chép xong. Vất vả lắm. Vậy tôi vơ vội được hai bài thơ của hai nhà thơ tôi yêu thích. Đây là thơ của ông Hồ Chí Bửu.
Mắt rất đẹp nên mùa thu khép nắng
Cho yêu em thăm thẳm lối hoàng hôn
Ta yêu em quên hết những giận hờn
Đôi mắt ấy – đến ta bằng ma quái.
Sao rất lạ - với nàng ta si dại?
Sao bập bùng như lửa thuở liêu trai
Nỗi đam mê qua cơn lốc trượt dài
Ta phó mặc – đưa tay nàng trói chặt!
Vậy là rồi đời! Chỉ đắm đuối một ánh mắt mà chịu trói đôi tay. Bị còng tay mà cứ hân hoan như mới đạp tung được cửa thiên đàng. Nàng chỉ nhờ có ánh mắt mà thành cảnh sát!
Ông nhà thơ Hồ Chí Bửu tra tay vào còng. Ông nhà thơ Hoàng Lộc thì nức nở với ánh mắt. Nước mắt tràn lan nhưng hình như trong ánh mắt của người yêu, nước mắt cũng là niềm hạnh phúc.
bưng hạt lệ lên ngàn
để xin hóa thạch đầu non một đời?
ta cầm hạt lệ về khơi
chìm tan với biển quên trời phù vân?
sao không úp hạt lệ gần
lên vai nhau khóc một lần rồi thôi?
Đôi mắt thanh xuân nói năng lung tung như vậy, tới khi nhiều tuổi, đôi mắt bỗng…dại khờ. Nhìn cái chi cũng “bảng lảng hoàng hôn”. Vậy nên tôi mới phải đi khám mắt để giữ được tấm bằng lái xe, bà chị tôi phải mổ mắt để cái nhìn hết bảng lảng!
Mắt già theo với tuổi đời. Có tuổi thì cái chi cũng già đi, cứ chi con mắt. Già! Cái thứ khó thương. Con người thường không muốn chấp nhận mình già. Nói chuyện già chắc phải nhắc tới ông Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Ông này là chuyên viên…già. Trong tủ sách của tôi đã có tới ba cuốn sách của ông nói chuyện già: “Già Ơi…Chào Bạn”, “Gió Heo May Đã Về” và “Những Người Trẻ Lạ Lùng”. Ngộ cái là ông này nguyên là bác sĩ chữa bệnh con nít. Ngày xưa, lâu lắm rồi, tôi đã đưa con tới khám tại phòng mạch của ông vì ông nổi tiếng là mát tay với bệnh con nít. Kể cũng ngộ thiệt, ông già hồi nào vậy? Nghe ông trả lời: “Một bệnh nhân cũ, có lần gặp tôi ngạc nhiên: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bác sĩ! Thấy bác sĩ già đi nhiều!”. Tôi cười: “Đúng vậy! Hồi đó tôi còn trẻ hơn bây giờ!”. Rồi cả hai cùng cười không ngờ mình nói chuyện có duyên đến vậy. Có người nói cuộc đời chia thành ba hồi: “hồi trẻ”, “hồi trung niên” và “hồi đó”. Khi ta dùng từ “hồi đó” hơi nhiều để nhắc lại những chuyện xưa thì đó là dấu hiệu của tuổi già. André Maurois nói: “Thậm chí có khi ta chấp nhận tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già. Không muốn già”. Tôi đã có lần mắc sai lầm khi viết một bài báo gọi Giáo Sư Trần Văn Khê là “một ông già dễ thương” lúc ông mới 78 tuổi! Do vậy mà bị một độc giả - ông Khai Trí – viết thư cự nự: không có cái gọi là già! Vì, theo ông, lúc 20 – 30 tuổi, người ta còn quá trẻ! 30 – 40 đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn! Có chi là già đâu?”.
Già là chuyện khó chấp nhận. André Maurois đã viết: “Kỳ lạ thay cái tuổi già! Không ai nghĩ là mình sẽ già! Họa chăng là kẻ khác có thể già còn mình thì không. Cho đến một hôm, gặp lại người bạn cũ của 30 năm về trước, thấy trên mặt bạn mình những nét già nua tuổi tác, mới chợt giật mình nhưng cũng nghĩ đó là chuyện của bạn. Già đến với ta từ từ, khó mà nhận biết”.
Già thì già cả người, cái chi cũng già hết. Khi già thì cái cửa sổ tâm hồn cũng đầy bụi bậm, không còn trong sáng như tuổi đôi mươi nữa. Giờ mà nhìn vào mắt nhau chắc chỉ thấy…cataract! Cataract là món quà được chia rất đồng đều cho những người lớn tuổi. Gặp nhau, nếu nói chuyện mắt, cam đoan là anh cataract sẽ có chỗ ngồi. Cataract tiếng Việt gọi là bệnh cườm, hay chi tiết hơn là “cườm khô”. Đã có khô ắt phải có ướt. Cườm ướt chính là bệnh “cườm nước” (glaucoma) mà ngày nay chúng ta gọi văn vẻ hơn là bệnh “nhãn áp”. Chuyện này tôi khá rành vì từ gần chục năm nay tôi đã dính. Người khám phá ra bệnh của tôi là cô bác sĩ nhãn khoa. Trong một buổi khám mắt hàng năm thường lệ cô đo áp suất trong mắt và nghi tôi bị glaucoma. Đây là một bệnh mắt…già. Tới tuổi nào đó, người ta dễ có nguy cơ bị. Và dễ có nguy cơ mù. Nếu phát hiện sớm thì có thể kiểm soát được bệnh. Nguyên nhân bệnh là do áp suất chất dịch trong mắt tăng cao, chèn ép hủy hoại dây thần kinh mắt, có thể dẫn tới mù vĩnh viễn. Tôi hỏi quanh bạn bè thì thấy phần lớn đều dính. Khác nhau là mức độ. Xui cho tôi là khi phát hiện ra, bệnh của tôi đã có tầm cỡ. Tôi được gửi cấp tốc tới một bác sĩ chuyên khoa về bệnh này. Ông cho thử mắt ngay bằng cách “bắn chim”! Tôi được cho ngồi trên ghế, bịt một mắt bằng miếng chụp màu đen như...cướp biển, mắt còn lại nhìn vào một màn hình cong, tay cầm một cái bấm. Trên màn hình, người ta cho xuất hiện những chấm sáng, lúc thì bên trên, lúc bên dưới, khi bên phải, khi bên trái, khi tuốt ra mấp mé góc màn hình, lúc chình ình ngay trước mắt. Cứ nhìn thấy điểm sáng xuất hiện ở đâu là tay bấm vào nút liền. Vui như khi đi bắn chim vậy. Mục đích là coi xem mắt nhìn rộng tới đâu. Bởi vì bệnh nhãn áp làm cho tầm nhìn của mắt thu hẹp lại dần. Khi thu hẹp tới điểm chính giữa là mù. Kết quả khám nghiệm là tôi bị glaucoma khá nặng. Bác sĩ phải dùng laser bắn cho thoát dịch. Sau đó phải nhỏ thuốc mỗi ngày cho hạ áp suất trong mắt. Tôi phải nhỏ tới ba thứ thuốc: azopt mỗi ngày ba lần, combigan ngày hai lần và travatan ngày một lần. Ông bác sĩ chuyên khoa vui tính hỏi tôi làm nghề gì, tôi cho biết đã hưu. Ông nói ngay: “Từ giờ ông có việc làm lại rồi: nhỏ thuốc nhiều lần mỗi ngày!”. Được vài năm, bác sĩ bắt phải bắn tia laser lại vì thuốc không đủ sức chống đỡ bệnh. Giờ thì cứ mỗi sáu tháng lại đi…bắn chim! Ngay từ những ngày đầu điều trị, tôi được phát cho một cẩm nang về bệnh cườm nước này. Đọc thấy một lời khuyên: những người trên 40 tuổi nên đi khám mắt thường xuyên để đo thị lực và nhãn áp. Bệnh được phát hiện sớm sẽ dễ chịu hơn. Như ông bạn Luân Hoán, nhờ tính cả lo, nên phát hiện bệnh sớm, chẳng phải giao du với anh laser lại chỉ nhỏ một thứ thuốc một lần trong ngày thôi. Nếu để lâu không phát giác ra bệnh, có thể bị cườm nước cấp tính gây nhức đầu dữ dội, có khi nhức nửa đầu, ói mửa, mắt đỏ căng cứng, con ngươi nở lớn. Thông thường thì dân già bị cườm nước mạn tính chỉ thấy hơi đau mắt, mỏi mắt, xốn mắt và nhìn mờ dần, cứ tưởng là vì già, không chịu đi khám mắt. Vậy là lúa đời mắt!
Nói chuyện ướt thì phải tiếp theo chuyện khô. Cho đủ bộ. Ăn hủ tiếu, chúng ta có thể ăn hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô. Nhưng chuyện khô ướt của mắt không phải là chuyện chúng ta có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể bị vừa khô vừa ướt. Vừa glaucoma vừa cataract.
Khi thấy mắt bị mờ dần, có đốm đen bay bay trước mắt rồi cố định lại một chỗ, không đau nhức, không đỏ mắt, chúng ta dễ tưởng là do kính không đúng độ, dễ dãi cho qua. Không giản dị vậy đâu. Có khi chúng ta bị cườm khô. Thường già thì…khô, ít người tránh khỏi. Gặp nhau những người cao tuổi thường hỏi nhau đã mổ cataract chưa, làm như chuyện cườm khô là chuyện dĩ nhiên. Dĩ nhiên thiệt! Cườm khô xảy ra là do thủy tinh thể trong mắt bị đục khiến hạn chế tầm nhìn của chúng ta. Bệnh này không có thuốc chữa. Đã đục rồi thì không lau chùi chi được. Chỉ có cách vứt đi và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo khác. Chuyện mổ cataract là chuyện thường ngày, hầu như ai trong giới già cũng phải trải qua. Khi nào phải mổ, đó là quyết định của bác sĩ. Riêng tôi, chuyện ướt đã từng, chuyện khô khá phức tạp. Từ ngày còn ở Việt Nam, tôi đã thấy điểm đen chờn vờn trước mắt. Chuyện chi đây, tôi lo lắng vội đi khám. Bác sĩ bảo đó là hiện tượng “ruồi bay”, người trên bốn chục tuổi thường hay bị. Nhưng trường hợp tôi chưa sao, cứ mặc cho ruồi bay. Qua Canada, khi đi chữa cườm ướt, ông bác sĩ bảo tôi phải mổ cườm khô. Nghi ông bác sĩ này muốn mổ ngay để có tí tiền, tôi trở lại phòng khám của cô bác sĩ nhãn khoa quen, cô bảo chưa sao, cườm chưa…chín. Khi nào thật già mới phải mổ. Từ đó tới nay, dễ cũng đã cả chục năm, năm nào cũng đi khám, cô bác sĩ vẫn bảo chưa. Vậy là thủy tinh thể của tôi vẫn còn…gin!
Thay thủy tinh thể mà chúng ta thường gọi là mổ cataract, chắc cũng giống như thay kính cho chiếc cửa sổ tâm hồn. Sáng choang là cái chắc! Bà chị tôi thú vị thấy như mình có con mắt mới. Khoa học ngày nay rất tiến bộ, đâu có chịu giới hạn vào việc thay kính cửa sổ. Phải làm hơn thế. Người làm hơn là một bác sĩ mắt tại tỉnh bang British Columbia của Canada, Bác sĩ Garth Webb. Ông mới phát minh ra thứ thủy tinh thể nhân tạo loại xịn có thể nhìn rõ hơn. Thường thì khi mắt chúng ta nhìn được 20/20 là hoàn toàn, không chê vào đâu được. Nhưng thứ thủy tinh thể mà ông Garth Webb phát minh ra nhìn rõ gấp ba lần thứ mắt 20/20 nói trên! Nếu thay loại thủy tinh thể có tên là Ocumetic Bionic Lens của ông thì dù trăm tuổi hoặc hơn nữa mắt cũng vẫn cứ như sao sa nhìn đâu rõ đấy. Những cái vớ vẩn mà chúng ta quan tâm ngày nay như cataract, kính áp tròng hay kính đeo mắt sẽ chỉ còn là…kỷ niệm. Ai cũng có thể thay thứ “mắt thần” này nếu đủ 25 tuổi, tuổi mắt đã phát triển hoàn toàn, chứ không cần phải chờ cho tới khi mắt mờ chân chậm. Bác sĩ Webb khoe: “Nếu bạn đứng xa khoảng 3 thước mà vẫn có thể đọc giờ trên một chiếc đồng hồ thì với thứ thủy tinh thể mới này, bạn có thể đứng xa tới 9 thước mà mọi con số vẫn rõ như thường”. Ngay từ khi còn học lớp 2, ông Webb đã khổ sở vì phải thay kính hoài mới nhìn rõ, vậy nên ông mới trở thành bác sĩ chuyên về mắt. Ông đã bỏ ra 8 năm và số tiền 3 triệu đô để nghiên cứu và hoàn tất loại thủy tinh thể này. Ngày nay ông là Chủ Tịch Điều Hành của công ty Ocumetics Technology Corp. Sáng chế của ông đã qua được thí nghiệm trên loài vật và những người mù. Hy vọng trong vòng hai năm nữa, dân Canada và các quốc gia khác có thể lắp đặt thủy tinh thể loại xịn này cho đời lên hương.
Nói chuyện về phát minh của Bác sĩ Garth Webb, tôi nghĩ tới một phát minh của một bác sĩ khác, người Việt Nam, là Bác Sĩ Phạm Hoàng Tánh. Ngay từ năm 2010, Hội Đồng Y Khoa của tiểu bang California (Medical Board of California) đã công nhận kỹ thuật mới mang tên Acrysof ReSTOR Lens của ông. Nhân loại ngày nay bị vướng víu với kính đeo mắt. Già thì ai cũng phải đeo kính viễn thị. Khoảng 15% người trẻ bị loạn thị, cận thị cũng phải tròng chiếc kính trắng trên mắt. Rồi phải mổ cataract. Mà thủy tinh thể nhân tạo thay thế khi mổ chỉ có thể giúp nhìn xa trong một phạm vi tương đối chứ không thể giúp đôi mắt điều chỉnh tầm nhìn xa hay nhìn gần như mắt bình thường được. Vậy nên dù có mổ cataract thì vẫn phải đeo kiếng như thường. Phát minh của Bác Sĩ Phạm Hoàng Tánh, mà người ngoại quốc biết tới với cái tên Randal Pham, nhằm giúp con người dứt khoát với kiếng. Dù loạn thị, viễn thị, cận thị hay mổ cataract đều sẽ vĩnh viễn được thoát khỏi cái kiếng cấn cái trên mắt. Hai người Mỹ được Bác sĩ Tánh điều trị đã vui mừng viết trên báo chí Mỹ khoe từ nay họ không còn lệ thuộc vào cặp kiếng nữa. Đó là bà Odine Wiens của Học Khu Evergreen và ông Ben Murach, nhà thiết kế các rotor của trạm không gian và phi thuyền Con Thoi của NASA. Ông này phải làm việc liên tục trên computer nên cảm thấy rất phiền phức khi phải luôn thay kính với độ cao hơn, kính dày hơn. Được bà Odine Wiens giới thiệu với Bác Sĩ Tánh, nay ông thoát khỏi cảnh mang kiếng và thay kiếng rắc rối tơ vò. Ký giả Hạnh Dương, trong một bài báo giới thiệu phát minh của Bác Sĩ Tánh, đã giải thích: “Thủy tinh thể (human lens) ở mắt của con người cũng như một thấu kính (lens) của máy chụp ảnh. Thủy tinh thể của mắt người được cấu tạo bằng thủy dịch (nước) và protein. Protein giúp ánh sáng lọt qua và chiếu đọng (focus) trên võng mạc mắt (retina). Theo tuổi già của mắt, protein bị phân hủy dần và tạo ra màng mờ che lên thủy tinh thể của mắt, làm cho mắt không thể nhìn gần được nên tạo ra chứng viễn thị (presbyopia). Khu vực tối che trong mắt người lúc đó gọi là cataract (bệnh đục thủy tinh thể). Nhiều năm qua, y học tại Hoa Kỳ và nay trên toàn thế giới đã giải phẫu bỏ cataract để thay vào mắt người một thủy tinh thể bằng kính do công nghiệp chế tạo. Nhưng những người sau khi đã thay thủy tinh thể nhân tạo, cũng phải mang mắt kiếng để có thể đọc được sách báo. Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh là vị bác sĩ nổi danh về vi phẫu thuật mắt, đã nghiên cứu và chế ra một loại thủy tinh thể có khả năng điều chỉnh độ nhìn gần xa, rộng hẹp như một loại kiếng đa tròng (multi-focal and progressive lens).Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Hạnh Dương, ông cho biết rằng phát minh mới nầy của ông đã được Hội Đồng Y Khoa của Tiểu Bang California công nhận và ông đã chữa cho trên 150 bệnh nhân hoàn toàn không cần đeo kiếng nữa. Sự thành công là hoàn hảo với mọi trường hợp về kiếng lão, cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc đục thủy tinh thể. Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh cho biết rằng, hiện đã có một số bệnh viện Hoa Kỳ đang muốn áp dụng phương pháp mới phát minh của ông, nhưng hầu như sự thành công là chưa ổn định”.
Nghe thấy mà ham. Tôi muốn đi San Jose ngay để được bàn tay kỳ diệu của Bác sĩ Tánh làm phép cho khỏi đeo kính. Chuyện quan trọng là, để được hưởng lợi ích của phát minh này, túi tiền của tôi có chịu nổi không. Chắc không! Các bệnh viện Hoa Kỳ áp dụng phương pháp của Bác Sĩ Tánh đã chém 15 ngàn đô cho một mắt. Phiền nỗi là con người có hai mắt nên số tiền này phải nhân gấp đôi là 30 ngàn đô chẵn chòi. Túi tôi đâu có đủ chỗ để mang 30 ngàn đô đi cải thiện mắt. Nhưng ông ký giả Hạnh Dương lại cho biết là chính Bác Sĩ Tánh, người phát minh ra kỹ thuật Acrysof ReSTOR Lens lại chỉ tính có 5 ngàn đô mỗi mắt. Hai mắt là 10 ngàn đô. Được quá đi chứ. Vậy ai có đủ 10 ngàn đô thì xin cho tôi biết, chúng ta rủ nhau đi cải thiện mắt cho vui. Ông ký giả Hạnh Dương không nói rõ giá này có phải là giá dành cho đồng hương hay cho tất cả mọi người dù trắng, vàng, đen hay tai tái. Nhưng cứ nghĩ là ông Bác Sĩ tài giỏi người Việt dành giá rẻ cho người Việt đi. Cho ấm lòng!
06/2015 |