Báo Montreal Gazette, ra ngày thứ bảy 25 tháng 7 vừa qua, đã loan tin là trên hàng rào ở cuối cầu tàu Jacques-Cartier ở Montreal vừa xuất hiện khoảng 100 ổ khóa…tình được gắn vào. Các người buôn bán ở Vieux-Port cũng cho biết là trên cầu đi bộ dẫn vào Terrasses Bonsecours cũng có treo khóa. Hầu hết các khóa còn mới và trên khóa có ghi năm 2015 bằng mực hoặc khắc lên khóa.
Các địa điểm kể trên đều nằm trong khu phố cổ của thành phố, nơi dập dìu du khách, nhất là trong mùa hè này. Hình như người dân Montreal chúng tôi, mỗi khi có khách ở xa tới chơi đều có mục dẫn đi phố cổ. Tôi có anh bạn đồng liêu ngày xưa ở Sài Gòn vừa từ Úc sang thăm cũng được tôi dẫn tới nơi đây để biết một nét văn hóa Pháp tại thành phố rất “tây” của chúng tôi. Nói như vậy để thấy đây không phải là một khu khỉ ho cò gáy trong thành phố. Vậy mà phóng viên của báo Gazette chỉ biết tới khi được một độc giả điện thoại cho biết. Kể ra làm báo mà lơ là như vậy là ít có máu nghề nghiệp trong huyết quản. Nói vậy cũng hơi vội. Có thể vì chuyện các cặp tình nhân treo khóa tình là hiện tượng phổ biến ở nhiều thành phố trên nhiều quốc gia nên là chuyện nhàm chán, không tạo được thành tin. Chạy tội như vậy cũng không thông. Vì khi được độc giả cho biết, báo Gazette đã cho đi thành một tin ba cột báo khá bề thế. Họ còn cử ký giả tới hiện trường đàng hoàng. Ông ký giả này lăng xăng làm một màn điều tra: khóa này do đâu mà có? Ông hỏi những sập bán hàng trong khu vực Place Jacques-Cartier thì được một ông bán hàng cho biết là có nhiều khách hỏi mua khóa nơi cửa hàng của ông nhưng ông không có bán khóa. Một ông bán đồ trang sức cho biết là chung quanh đây không có ai bán ổ khóa cả. Như vậy là các cặp tình nhân đã mang khóa tới. Vậy là Montreal chúng tôi…chậm tiến! Tại các nơi treo khóa ở khắp nơi, dịch vụ bán khóa là thứ kiếm bộn tiền. Chẳng lẽ tôi lại mách các bạn mang ổ khóa tới bán ở phố cổ Montreal!
Bán khóa là dịch vụ có thời hái ra tiền ở cây cầu Pont des Arts ở thủ đô Paris của Pháp, cây cầu nổi tiếng thế giới vì những ổ khóa tình yêu được treo tới oằn cả chiếc cầu. Ngày nay dịch vụ này đã chấm dứt ngang. Hồi tháng 6 năm nay, thành phố đã làm sạch khóa trên cầu. Chuyện khá lâm li bi đát!
Khuya ngày 8 tháng 6, một khoảng thành cầu Pont des Arts dài 2 thước 40 bị sập xuống lối đi. Nguyên nhân vì đám khóa tình treo vào thành cầu quá nặng. May không có ai bị thương. Những chiếc khóa tình đầu tiên được treo trên cầu vào năm 2008, tính ra mới có bảy năm, vậy mà chiếc cầu đã bị thương tích. Tình yêu thường nặng nề! Nói vậy kể cũng oan cho tình yêu. Chiếc cầu này cũng đã thuộc loại via, được xây dựng từ năm 1802 lận. Nếu cần nhắc lại sử Việt để níu lấy năm 1802 thì đó là năm vua Gia Long lên ngôi sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn. Ngày đó cầu Pont des Arts là một cây cầu đi bộ bằng gang nằm vắt ngang sông Seine. Trong hai cuộc thế chiến, cầu đã bị hư hại và được tu sửa lại nhiều lần. Chiếc cẩu hiện nay được hoàn thành vào năm 1984 và được Thị Trưởng Paris hồi đó là ông Jacques Chirac khánh thành. Cầu “nghệ thuật” này là một điểm phải đến khi du khách tới thăm kinh thành ánh sáng. Sách du lịch nói thế. Vậy mà tôi đã nhiều lần đặt chân đến Paris, vẫn chưa một lần bước lên cây cầu. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, chẳng lẽ thời của tình yêu đã chấm dứt nơi tôi!
Người ta ước lượng sức nặng của đám khóa móc trên thành cầu vào khoảng 45 tấn. Tình yêu quả cũng nặng khiếp! Tháng 6 (không biết trời có mưa không) mà thành phố đã đang tâm chấm dứt biểu tượng của những người yêu nhau, thứ làm cho cây cầu trở nên nổi tiếng. Người trách nhiệm về văn hóa của kinh đô ánh sáng, ông Bruno Julliard, đã an ủi mọi người: “Dù cây cầu có hay không mang những ổ khóa trên mình, nó vẫn là cây cầu tình yêu, và Paris vẫn là thành phố lãng mạn, thành phố của tình yêu”. Ông nêu ra những lý do mà thành phố phải có quyết định đau lòng này: bảo đảm an toàn và thẩm mỹ cho cây cầu. Với những ổ khóa chi chít trên thành cầu, người ta không ngắm được dòng sông Seine lững lờ bên dưới.
Ông Julliard nói sao thì biết vậy chứ cây cầu với những chiếc khóa tình đã nằm trong lòng du khách. Năm 2004, đạo diễn Eugène Green đã hoàn thành cuốn phim Le Pont des Arts diễn tả câu chuyện tình dang dở của hai người trẻ. Hai diễn viên Natacha Régier và Denis Podalydès thủ vai chính.
Ngày các công nhân với các máy móc kềnh càng tới cắt và tháo dỡ những mảng thành cầu nặng trĩu những lời thề thốt là ngày buồn cho cư dân và du khách. Hàng trăm ngàn ổ khóa bám theo những giải thành cầu bị dứt lìa khỏi cây cầu. Những ổ khóa thề thốt được khóa chặt đành phải buông tay vào nằm trong nhà kho của thành phố. Thành phố chưa biết giải quyết ra sao nên cứ chất vào kho, sau sẽ tính. Rất nhiều du khách bu trên cầu trong giờ phút lâm chung của những mối tình được khóa chặt đã ngậm ngùi tiếc nuối. Anh Anthony Boccanfuso bày tỏ: “Nhìn từ xa, không thấy rõ những mảng thành cầu này đầy khóa. Khi nhìn gần mới thấy chúng có đôi chút xấu xí, nhưng chúng kể những câu chuyện tình. Tôi hiểu lý do họ tháo bỏ những chiếc khóa, nhưng thực lòng thì việc nhìn thấy chúng trên cầu cũng khiến tôi vui”. Hai mẹ con du khách người Mỹ có mặt tại cầu cũng đã tiếc nuối: “Buồn thật! Nếu cây cầu không bị móc khóa, có lẽ mọi chuyện không tệ đến thế. Nhưng dù sao nó cũng đã ở trong danh sách những nơi nên đến ở Paris: tháp Eiffel, điện Louvre và cây cầu tình yêu”.
Ai nghĩ ra trò gắn ổ khóa trên cầu rồi vứt chìa khóa xuống dòng sông để tình yêu mãi mãi còn đó, không ai còn có thể mở khóa cho mối tình bay đi? Người đó không phải là dân Pháp mà là một người Ý. Anh này là một nhà văn. Dính tới nhà văn là rắc rối. Nhà văn này tên Federico Moccia. Cuốn tiểu thuyết gây bão mang tên Ho Voglia di Te, tạm dịch là “Tôi Muốn Em”, xuất bản vào năm 2004. Nhân vật chính là cặp tình nhân Step và Gin, trong một diễn tiến của truyện, đã bước lên cầu Milvia ở thủ đô Rome, tới cột đèn thứ ba, quấn một sợi dây xích quanh cột đèn rồi khóa bằng một chiếc khóa, viết những lời thề non hẹn biển trên khóa rồi vứt chiếc chìa xuống dòng sông Tiber, như một cử chỉ tượng trưng cho ước mong tình yêu của họ được bền vững. Chìa khóa đã nằm dưới sông, không còn cách chi mở được những lời thề. Cử chỉ lãng mạn do một anh nhà văn tưởng tượng ra lập tức được tuổi trẻ Ý khoái chí tử. Họ đua nhau tới cầu Milvia gắn khóa tình. Tháng 7 năm 2007, chiếc trụ đèn này bị sập vì sức nặng của những ổ khóa. Thành phố Rome dựng lên lại và gắn những sợi dây xích vào chân cột đèn để các cặp yêu nhau gắn khóa vào. Cuốn tiểu thuyết diễm tình này đã bán được tới 2 triệu rưỡi bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng gồm tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nga và Trung Hoa. Nhưng chưa có bản dịch tiếng Anh! Cuốn tiểu thuyết được phổ biến tới đâu, các chiếc cầu chịu sức nặng của khóa tới đó. Ngày nay khóa tràn lan trên nhiều chiếc cầu trải dài trên nhiều thành phố trên khắp thế giới. Tác giả của “Tôi Muốn Em”, đã ở vào tuổi ngũ thập, ô dề, đầu hói, khoái chí: “Đây là loại chuyện tình phổ thông nên ngày nay những chiếc khóa tình mới xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, kể cả trên cầu Brooklyn!”.
Tình yêu như làn sóng biển, nhào lên ngụp xuống nhưng không bao giờ ngưng nghỉ. Tác giả Moccia nói: “Khi tôi dựng nên cảnh một đôi thanh niên gài chiếc khóa vào đây, tôi muốn cây cầu Milvia trở thành một truyền thống mới cho thế hệ những người tình La Mã, hy vọng truyền thống này sẽ truyền từ đời nọ tới đời kia. Nhưng họ đã kéo tình yêu vào chính trị, và tình yêu đã thua”.
Sự thể đã không đến nỗi như tác giả Moccio than thở. Đầu năm 2007, số dây xích và khóa đồng trên cây cầu đã nặng cả tấn. Giới hữu trách bảo vệ môi trường cũng như những nhà khảo cổ của thành phố bắt đầu lo lắng. Dưới sức nặng này, cột đèn có thể bị đổ, cầu có thể bị sập. Thành phố phải quyết định cắt những chiếc khóa để giải tỏa cho chiếc cầu cổ bằng đá và gạch được xây từ năm 207 trước công nguyên khỏi sập. Vậy là chấm dứt một thời lãng mạn của cây cầu. Nhưng các nam thanh nữ tú của thành phố đâu có dễ đầu hàng. Họ lập ra một trang mạng để có thể gài những chiếc chìa khóa ảo vào một không gian ảo của cây cầu xưa rích xưa rang. Tôi chẳng cần không gian này nhưng các độc giả trẻ có khi cần. Vậy nên tôi tiết lộ địa chỉ ảo này cho các bạn trẻ của tôi: www.lucchettipontemilvio.com. Cái tên khá lằng nhằng vì được viết bằng tiếng Ý. Diễn dịch ra như sau: những ổ khóa tình của cây cầu Milvio.
Những ổ khóa tình từ cây cầu Milvio lan dần ra khắp thế giới. Các cây cầu bỗng nhiên bị khóa vào những cuộc tình. Cầu Brooklyn ở Nữu Ước; cầu Charles ở Prague, Tiệp Khắc; cầu Eisemer bắc qua sông Main ở Frankfurt, Đức; cầu Lover’s Bridge ở Warsaw, Ba Lan; cầu Most Ljubavi ở Vrnjacka, Serbia; cầu ở thành phố Hillah, phía nam Baghdad. Kể sơ sơ vậy thôi, tình yêu nằm trên khắp mọi nơi trên thế giới, ai mà đếm được. Tình yêu bao giờ cũng đẹp ở thuở ban đầu. Khi em trong tay anh, bước lên cây cầu huyền thoại, trao nhau nụ hôn, khóa chặt tình yêu bằng ổ khóa gắn vào lan can cầu, vứt chiếc chìa xuống sông, cả anh và em đều nghĩ rằng chiếc khóa tình yêu sẽ không bao giờ bị mở ra. Hai người sẽ gắn chặt vào đời nhau. Nhưng trong hàng triệu chiếc khóa móc chặt vào thành cầu, có bao nhiêu cuộc tình suông sẻ, ai mà biết được. Những chiếc khóa chỉ là khúc đầu của một cuộc tình. Khúc cuối là chuyện mưa nắng của trời đất.
Khóa tình yêu không chỉ bám vào thành cầu như thuở ban đầu, khi những chiếc khóa đầu tiên được gắn vào cầu Milvia. Tình yêu có nhiều biến tấu. Nơi gắn khóa cũng có nhiều cách điệu. Không cứ là cầu.
Tại tòa tháp Nam San ở thủ đô Đại Hàn Seoul, người ta dựng lên bảy cây tình yêu bằng kim loại vững chắc trên sân thượng của tháp. Các cặp tình nhân tới tự tình mặc sức mà treo khóa. Tuy vậy nhà chức trách khu vực cũng vẫn e dè thói quen của các cặp thanh niên này nên hàng rào chung quanh đều được làm bằng kính trơn lù, chẳng có chỗ nào có thể gắn khóa được. Đại Hàn rất chú ý tới việc giữ gìn môi trường nên họ còn đặt những chiếc giỏ để bỏ chìa khóa vô. Hiện đã có tới hàng triệu chiếc khóa trên hàng cây này.
Tại thủ đô Moscow của Nga, trên cây cầu Bolotnaya, cũng có đặt những cây tình yêu. Cây không nở hoa mà nở toàn khóa tình. Những chiếc khóa muôn màu muôn vẻ cũng đẹp chẳng khác chi những đóa hoa. Tôi nghĩ có lẽ đẹp hơn nữa vì mỗi đóa hoa khóa là một cuộc tình. Trên cây cầu Tretriakovsky, cũng ở Moscow, cũng có cây tình yêu. Cây đầu tiên được dựng lên cao tới hai thước ngày nay không còn chỗ trống để móc thêm khóa vào.
Một vòi phun nước ở một ngã tư đường ở Montevideo, Uruguay, đã khuyến khích những cặp tình nhân treo khóa tình chung quanh hàng rào. Câu rao hàng như sau: “Huyền thoại của vòi phun nước non trẻ này kể cho chúng ta biết là nếu một chiếc khóa có ghi tên của hai người yêu nhau được gắn vào đây, họ sẽ trở lại vòi nước này và tình yêu của họ được khóa chắc muôn đời”.
Bức tường Bá Linh có lẽ là nơi mọi người đều biết. Bức tường bị phá vào năm 1989, giải phóng cho dân Đông Đức khỏi chế độ cộng sản. Tuy nhiên, một phần bức tường vẫn được lưu lại như một dấu tích lịch sử, được gọi là East Side Gallery. Trên chiếc cổng sắt nằm trong đoạn tường được lưu giữ, các cặp tình nhân đã gắn những chiếc khóa tình đầy màu sắc vào như một lời thề thốt vững bền trên dấu tích của sự phân lìa. Những chiếc khóa này nay đã là một phần không thể tách rời của bức tường lịch sử. Những cặp yêu nhau đã gắn những chiếc khóa ăn theo này là những người đầy sáng tạo mang lại cho bức tường sự sống của tình yêu.
Một bức tường khác mà chắc chắn chúng ta biết là bức tường Vạn Lý Trường Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Trong một lần leo tường vào năm 2008, tôi đã thích thú khám phá ra những chiếc khóa tình treo dọc theo lan can lên bức tường. Lan can này bằng đá kín mít đã được gắn những chiếc đinh cách nhau khoảng hơn một thước. Móc vào những chiếc đinh có khuy tròn này là một sợi dây xích bằng kim loại thả võng xuống. Trên những mắt xích có gắn những chiếc khóa tình đầy màu sắc. Tôi vội chụp hình những chiếc khóa tình này để lưu giữ một chứng tích ít người để ý tới. Bức hình này tôi còn lưu giữ tới ngày nay.
Thành phố Toronto của Canada chúng tôi đã từng khổ sở với những chiếc khóa tình gắn trên lan can cầu Humber kể từ năm 2011. Nhà chức trách đã phải dùng kìm cắt đi hoài. Nhưng làm sao ngăn cấm được tình yêu, cắt đi rồi chúng mọc lại nhanh chóng. Chẳng lẽ cứ chơi trò cút bắt mệt mỏi này hoài. Họ phải nghĩ ra một lối thoát. Một bức tường có gắn hình một trái tim và hàng chữ LOVE bằng lưới sắt được dựng lên vào tháng 7 năm 2014 để các cặp yêu nhau tha hồ…khóa! Tiệm Biltmore Domicile ở gần đó đã có sáng kiến bán những chiếc khóa với giá 5 đô và đặt một bàn có sẵn vật liệu để khách hàng tha hồ trang trí chiếc khóa riêng của mình. Chủ tiệm khoái chí khoe: “Việc treo khóa sẽ vui hơn nếu họ bỏ chút thời gian ra để trang trí khóa”.
Cũng khuyến khích gắn khóa là chiếc cầu tình yêu mới toanh ở Đà Nẵng. Nằm ở phía đông đường Trần Hưng Đạo, đoạn giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn, cầu có hình vòng cung dài 68 thước, rộng 6 thước, nhô ra dòng sông. Đây là chiếc cầu cụt, không dùng để lưu thông mà để dân chúng ra ngắm cảnh và hưởng gió mát trên bến sông. Lan can cầu là những thanh sắt uốn hình cá chép hóa rồng được làm chắc chắn để đón nhận những khóa tình ngày càng nhiều thêm. Những cột đèn trên cầu được gắn những ngọn đèn đỏ xếp thành hình trái tim. Tính đến nay đã có khoảng vài trăm chiếc khóa được các nam thanh nữ tú đang ngập trong tình yêu tới gắn.
Đà Nẵng là quê hương của nhiều bạn văn của tôi, trong đó nòi tình nhất có lẽ là ông Luân Hoán. Không hiểu ông có biết tới cây cầu tình yêu mới này không mà tôi nghe ông ấy dọa sẽ về Đà Nẵng trong một ngày gần đây. Tôi nghĩ nòi tình như Luân Hoán thì ông sẽ gắn thơ như ông đang gắn trên facebook. Nhưng dù sao, khi ông về, tôi cũng sẽ tặng ông một ổ khóa. Chẳng biết một ổ có đủ không!
09/2015
|