Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

VÒI

Ông bạn tôi là một người ưa sưu tầm. Nghỉ hưu ông có cái thú la cà nơi các cửa tiệm để săn lùng đủ thứ lỉnh kỉnh. Nơi ông khoái nhất là các chợ trời hoặc garage sale. Phải công nhận ông có óc mỹ thuật. Ông thường bê về những thứ trang trí trong nhà ai thấy cũng mê. Ông tự hào vì chúng vừa đẹp vừa rẻ tiền, chỉ có mấy đồng bạc. Thứ ông vừa bê về là một chiếc ấm pha trà. Màu mạ bạc sáng chói, dáng thon thon, hài hòa, trông không chê vào đâu được. Sau bữa ăn, ông trịnh trọng mang chiếc ấm ra làm mẻ trà khai trương. Mọi người tấm tắc khen làm mũi ông nở ra hết cỡ. Khi rót nước trà thì ông lọng cọng. Dòng nước màu vàng nhất định không xuống chén mà cứ men theo thành ấm đi loanh quanh. Nước nhầy nhụa khắp mặt bàn. Lúc đó mọi người mới để ý tới cái vòi của ấm. Nó chỉ hơi nhú lên một chút nơi thành ấm. Đẹp thì có đẹp nhưng khi dùng thì hỡi ôi!

Ấm thì phải có vòi. Thường thì vòi của ấm pha trà vươn ra một cách thoải mái để có thể dốc nước ra thành dòng mạnh mẽ. Cái vòi ti tí trên cái ấm của ông bạn tôi không đủ tiêu chuẩn nên dòng nước cụp đuôi len lén chảy xuôi xuống. Từ đó có thể rút ra kết luận: ấm không có vòi ngon lành thì không ra cái ấm! Nhưng cái vòi của ấm là thứ đi chôm chĩa kỹ thuật của người khác. Đó là bản quyền của ông Adam. Chính ông nội này mới là người sở hữu cái vòi thứ nhất. Trên thế gian lúc đó chỉ có hai người, bà Eva không có. Ông là người duy nhất có nên mặt ông cứ vênh lên. Hội chứng “vênh mặt” có di truyền nên bọn con trai chúng tôi hồi nhỏ quả có hãnh diện với cái vòi của mình. Chúng tôi phun nước, vẽ vời đủ kiểu trước cặp mắt kính phục của bọn con gái. Có đứa còn ngon hơn, vắt vòi lên tạo một dòng nước vòng qua đầu như một cái cổng chào óng ánh phủ lên người. Dĩ nhiên bọn con gái rất tức tối vì thiếu cái thứ hùng dũng như vậy. Một cô bé mang cục tức về than thở với mẹ khi thấy một thằng bạn chơi chung tụt quần biểu diễn những đường nước vòng vèo, rồi chỉ vào cái vòi, vênh mặt lên nói: “Mày sẽ không bao giờ có cái này đâu!”. Thấy con nước mũi nước giãi nhòe nhoẹt, mẹ cô mách kế. Cô hộc tốc chạy lại công viên, tốc váy lên, chỉ vào giữa hai chân: “Nói cho mày biết: chừng nào tao còn có cái này thì tao muốn bao nhiêu cái như của mày cũng có!”.

Cái vòi đó có rất nhiều tên. Khi còn nhỏ người ta gọi là “con chim”, nghe rất dễ thương (mấy cô ca sĩ hát thành “chiêm” nghe còn dễ thương hơn nữa!). Khi lớn lên, con chim hết dễ thương, nên mang nhiều tên nghe rất bặm trợn. Vậy là có sự phân cách theo tuổi tác. Dùng tên một cách bừa bãi dễ gây ra chuyện lầm lẫn. Tại một ngôi làng kia, có một anh nông dân mất con chim sáo mà anh rất cưng quý. Anh nghi ngờ có người bắt trộm chim nên lựa lúc mọi người trong xóm tụ họp đông đủ, anh lên tiếng hỏi. Vì là một nông dân, rất khớp khi phải nói trước đám đông, nên anh lúng túng: “Ai trong số những người ở đây có ít nhất một con chim?”. Mọi người ngơ ngác không ai hiểu anh nông dân này muốn nói chi nhưng tất cả đàn ông có mặt tự động giơ tay lên. Thấy tình cảnh như vậy, anh nông dân cuống cuồng ấp úng cải chính: “À, tôi không có ý hỏi như vậy. Ý tôi hỏi là ai trong số các ông bà đã nhìn thấy một con chim?”. Số người giơ tay nhiều hơn gồm cả đàn ông và đàn bà. Anh nông dân cuống hơn, vội nói: “Không phải tôi hỏi vậy, chắc các ông các bà đã hiểu lầm. Ý tôi muốn hỏi xem có ai ở đây nhìn thấy con chim của tôi hay không?”.

“Chim” là một thứ chỉ thị cái vòi sỡ hữu của đứa bé trai khi còn nhỏ. Anh nông dân này coi bộ biết hơn mấy người hàng xóm. Cái vòi của anh không thể còn là chim được. Nó có những cái tên khác rất ngại miệng khi phải nói ra. Nhất là đối với các bậc tu hành. Trên một chuyến tàu hỏa xuyên lục địa châu Âu hồi chưa có thị trường chung Âu Châu, một bà buôn hột xoàn ngồi cạnh một vị linh mục. Khi tàu tới biên giới hai  quốc gia, lính đoan sắp lên tàu khám xét, bà con buôn vội dúi vào tay vị linh mục một chiếc nhẫn hột xoàn bự nhờ cha giữ hộ với hy vọng lính đoan không nghi ngờ cha. Vị linh mục vốn có lòng nhân từ, nhận chiếc nhẫn, nói: “Chắc bà biết là tôi không thể nói dối đấy chứ?”. Bà con buôn kính cẩn: “Thưa cha, con biết, con chỉ biết nhờ ơn Chúa quan phòng”. Vị linh mục nhét chiếc nhẫn vào túi quần. Lính đoan bước vào toa bữa đó là một cô gái xinh đẹp. Khi tới chỗ vị linh mục, cô lễ phép hỏi: “Thưa cha, cha có gì phải khai không ạ?”. Vị linh mục tươi cười chỉ vào bụng: “Từ đây trở lên thì không có gì. Duy từ đây trở xuống có một vật be bé mà các bà các cô ai cũng thích”. Cô lính đoan đỏ bừng hai má, luống cuống bước tới chỗ hành khách khác.

Cái vòi lắm tên có một hỗn danh không ngại miệng khi phải phát âm nhưng rất trịch thượng: của quý! Có quý thật không còn tùy nhiều yếu tố. Nhưng người ta thường mặc nhiên công nhận đó là của quý. Không quý sao khi nó chết ngoẻo từ đới tám hoánh nào mà vẫn còn quý. Đó là trường hợp của nhà báo Victor Noir của Pháp. Ông này mất năm 1870 vì một cuộc tranh cãi chính trị khi bị bắn gục ngay trên đường phố. Cái chết của ông khiến dân chúng Pháp cảm kích. Hơn một trăm ngàn người đã xuống đường tiễn ông tới nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Neuilly. Hơn hai chục năm sau, năm 1891, thi hài ông được cải táng mang về chôn cất tại nghĩa trang  nổi tiếng Père Lachaise ở Paris. Chuyện tới đây chưa thấy chi…quý. Chỉ sau khi điêu khắc gia Jules Dalou khắc một bức tượng theo đúng tư thế ông nằm chết khi bị bắn bằng đồng đen và đặt nằm phủ lên trên mộ ông thì chuyện mới trở thành quý. Của quý của ông trên bức tượng được khắc u lên một cục. Tuy nằm dưới quần nhưng trông rất gợi cảm. Các bà các cô ở kinh thành ánh sáng đồn thổi nhau kéo đến chiêm ngưỡng của quý này. Họ tin rằng nếu hôn lên môi bức tượng trong khi tay lần xuống rờ rẫm cục u này thì sẽ mắn con, được hưởng một cuộc sống tình dục hưng phấn và cô nào còn độc thân sẽ có chồng chỉ trong vòng một năm. Vậy là nữ giới nườm nượp kéo tới xoa của quý của ông Victor Noir đến nỗi chỗ đồng đen ở đó mòn dần lộ ra một cục…vàng óng ánh. Vàng thì quý là cái chắc! Không biết có phải vì sợ bị các bà các cô bào mòn của quý của ông Victor Noir hay không mà năm 2004, một hàng rào được dựng lên để ngăn cản họ tiếp cận với ngôi mộ. Một phong trào được gọi là “nữ giới Paris” phản đối mạnh mẽ khiến người ta phải phá bỏ hàng rào oan nghiệt đó.

Ông Luân Hoán cậy mình cũng là giới chữ nghĩa mà không được như ông Victor Noir nên ganh tỵ. Nhà thơ mà ganh tỵ dĩ nhiên cũng phát ra thơ. Thơ như vầy:

tôi cũng làm báo làm thơ
cũng có các cái ngu ngơ bình thường
lúc kỳ vĩ lúc dễ thương
nhưng chết không tượng biểu dương mong gì
dù em muốn đến thầm thì
xin thơ, chẳng có chỗ quì, lấy đâu.

Của quý đó có từ khi đứa trẻ nam còn nằm trong bụng mẹ. Nơi mọc cơ quan sinh dục của thai nhi thoạt đầu chỉ là một cái gò nổi. Khi thai nhi được 8 tuần thì sự phân loại bắt đầu. Nếu là trai mang nhiễm sắc thể Y thì một số lượng lớn hormone sinh dục nam dihydro-testosterone được sản sinh ồ ạt tạo thành con chim. Ngày nay khi siêu âm, thường khoảng 32 tuần thai, thì con chim đã rõ nét, người ta có thể biết bào thai là nam hay nữ. Đó là thường tình. Nhưng cũng có những rối loạn khiến con chim chậm hình thành.

Chuyện con chim tưởng là chuyện cá nhân hóa ra đó cũng có thể là chuyện tập thể. Người ta đã khám phá ra tại ngôi làng Salina ở Cộng Hòa Dominica có nhiều em gái khi tới tuổi dậy thì bỗng biến thành trai với con chim ra ràng đàng hoàng. Họ có cả một tên gọi những em trước gái sau trai này. Đó là “guevedoces” có nghĩa là “mọc chim ở tuổi 12”. Hoặc một danh từ khác là “machihembras” có nghĩa là “trước nữ sau nam”. Đây là một hiện tượng lạ lùng làm ngạc nhiên giới khoa học. Theo ước tính thì cứ 90 trẻ ở ngôi làng này thì có một em bất nhất trước nữ sau nam. Những em này khi sanh ra có ngoại hình  nữ. Khi tới tuổi dậy thì cơ quan sinh dục bỗng đổi ý mọc lên một con chim. Giọng nói của các em cũng trầm hơn. Ngay từ thập niên 1970, Tiến Sĩ Julianne Imperato của Đại Học Cornell đã tới tận nơi để nghiên cứu hiện tượng lạ lùng này.

Không chỉ ở Salina, tại làng Sambian ở tuốt tận bên Papua New Guinea cũng có hiện tượng bất nhất này. Dân làng gọi những em “biến thể” này là những bản lỗi của tạo hóa. Nhưng những bản lỗi của tạo hóa ở làng Sambian không được như những em ở làng Salina. Tại đây, dân làng không welcome các em và mọi người cố tình xa lánh thứ nữ trước nam sau này. Em Johnny nay đã 24 tuổi là một trong những bản lỗi này. Khi sanh ra, dưới lốt bé gái, anh được đặt cho cái tên con gái là Felicity. Mang tên con gái, bận đồ con gái, nhưng anh luôn cảm thấy mình là con trai. “Tôi được  sanh ra ở nhà chứ không phải ở nhà thương. Họ không biết tôi thuộc giống nào. Tôi còn nhớ khi đi học tôi thường bận một chiếc váy màu đỏ. Tôi không thích ăn bận như con gái. Khi gia đình mua đồ chơi của con gái cho tôi, tôi không bao giờ muốn chơi những thứ đó. Tôi chỉ thích đi đá banh với lũ con trai”. Câu chuyện “biến thể” của Johnny được phát hình trên đài BBC trong loạt phóng sự Countdown to Life – The Extraordinary Making of You.

Vì đâu nên nỗi bất thường này? Khoa học giải thích: những em bé này thực chất là thuộc phái nam nhưng do một rối loạn gene dạng hiếm khiến thiếu sót enzyme cản trở sự sản sinh loại hormone đặc biệt của nam giới là dihydro-testosterone trong tử cung của người mẹ. Chỉ khi tới tuổi dậy thì, khi một làn sóng mạnh mẽ sản sinh ra testosterone xảy rathì những cơ quan sinh dục nam mới…lòi ra và giọng nói mới trầm xuống. Tóm lại, những gì đáng lẽ phải xảy ra ở trong bụng mẹ lại xảy ra khi đứa bé đã được 12 tuổi.

Đó là chuyện y học của những con chim xuất hiện muộn màng. Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới một y sĩ: Bác Sĩ Trần Lữ Y. Ông mất tại bệnh viện Jean Talon ở Montreal chúng tôi vào ngày 25 tháng 8 năm 2000, thọ 75 tuổi. Sao tự nhiên lại nhắc tới ông bác sĩ này? Muốn biết xin xem hồi sau sẽ rõ. Giờ thì cứ làm quen với ông trước đã.

Cái tên Lữ Y của ông là thoát thai của cái tên tây Louis. Ông vốn là dân Tây nhưng cũng là y sĩ binh chủng Nhảy Dù đầu tiên của Việt Nam. Ông thuộc dân Nhảy Dù là đúng chỉ số vì ông có nếp sống bình dị và ngang tàng nổi tiếng. Theo bài viết của một môn đệ của ông, Bác Sĩ Trần Thanh Nhơn, thì trong một đêm trực cuối tuần tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân rất đông, một viên Trung Tá áo quần rằn ri, cây súng colt lủng lẳng bên hông, bắt các bác sĩ trực phải khám cho người nhà ông ta trước. Ông thần này văng tục ầm ỹ và hăm dọa nhân viên trực. Ngay lúc đó, Bác Sĩ Lữ Y bước vào phòng để kiểm soát ca trực. Ông mặc lè phè chiếc áo ngắn tay bỏ ngoài quần, đi dép da lẹt xẹt, hỏi chuyện chi mà ầm ỹ. Nhân viên trực tường trình sự việc trong khi ông quan năm vẫn hầm hè gây rối. Bác Sĩ Lữ Y liền túm ngay ngực ông này và thoi một thoi như trời giáng vào mặt. Ông Trung Tá lồm cồm ngồi dậy và rút cây súng lục bên mình ra. Ông bác sĩ chịu chơi cũng rút cây súng lục bên hông ra, chĩa vào đầu ông Trung Tá và lớn tiếng: “ĐM, tao là Bác Sĩ Lữ Y, Bộ Trưởng Y Tế đây. Tổng Thống tao còn đ…ngán, hà huống chi tụi mày. Thằng nào ngon thì nhào vô đi”. Ông Trung Tá đành thui thủi ra về.

Bác Sĩ Trần Lữ Y là Bộ Trưởng Bộ Y Tế và Xã Hội thời nội các chiến tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ từ năm 1964 đến 1969. Lúc đó tôi làm việc tại bộ này. Tết Mậu Thân, ông đi thị sát cuộc cứu trợ đồng bào tỵ nạn cộng sản. Tại một địa điểm cứu trợ, đồng bào chen lấn mất trật tự, ông liền leo lên một bàn làm việc, rút súng lục ra bắn chỉ thiên. Vậy là ai nấy len lén xếp hàng đàng hoàng. Khi đi công tác ông luôn mặc một chiếc áo khoác rằn ri trông ngầu vô cùng. Chiếc áo này cũng là một giai thoại. Hình như nó chưa bao giờ được giặt. Khi ông cởi áo vứt xuống ghế, bụi bay mù mịt!

Lối xử thế khác người, chẳng giống Bộ Trưởng một chút xíu nào của ông là một dấu ấn khiến mọi người không quên ông được. Ông làm việc không mệt mỏi, không giờ giấc. Một buổi chiều, gần hết giờ làm việc, tôi nhận được cú điện thoại của văn phòng Bộ Trưởng nói tôi mang hồ sơ một vụ tôi đang phụ trách qua gặp ông Bộ Trưởng gấp. Tôi vội phóng xe từ trụ sở ở đường Nguyễn Du qua văn phòng ông trên đường Hồng Thập Tự. Khi vào phòng, tôi thấy ông đang ngồi làm việc trên ghế sa-lông với chồng hồ sơ dầy cộm. Người ông nhỏ nên bụng ông nhô ra. Ông ngửng đầu lên bảo tôi ngồi đợi ông. Ngồi trên chiếc ghế phô-tơi trước mặt ông, tôi nhìn ông vừa chúi đầu vào chồng hồ sơ vừa châm hết điếu thuốc này đến điếu khác. Ông hút thuốc liên tu bất tận nhưng không bận tâm đến việc gạt tàn thuốc. Chiếc bụng nhô ra bị tàn thuốc rơi xuống trắng xóa. Ngoài trời tối dần, giờ làm đã hết từ lâu, nhân viên đã ra về hết. Ông vẫn thản nhiên gạch gạch xóa xóa trên chồng hồ sơ ôm trước mặt. Tôi ngồi chịu trận, kiểm soát lại hồ sơ đến thuộc lòng mà ông vẫn chẳng nhìn nhõi gì tới. Mãi lâu sau, ông nhìn ra ngoài trời, bảo tôi: “Tối rồi, ông về đi!”.

Ông làm việc không giờ giấc, rất tùy tiện. Ông xuề xòa với nhân viên dưới quyền và rất được lòng mọi người vì đức tính bình dị hiếm có. Sự bình dị nhiều khi tới mức suồng sã. Bác Sĩ Trần Thanh Nhơn kể lại: “Bữa ấy, thầy Lữ Y tới khám bệnh cho một bạn thân tại khu Khánh Hội bùn lầy nước đọng. Đây là một bạn nhậu rất tâm đắc nên thầy phải tới tận nhà. Gia đình người bạn lăng xăng chờ đón Bác Sĩ Bộ Trưởng nên chẳng mấy chốc thiên hạ đã ùn ùn đến để xem mặt ông Bộ Trưởng. Trong số này, thành phần dân nhi đồng chiếm rất đông. Khám bệnh cho người bạn xong, ông lững thững ra về. Ông vốn có tật uống bia thay nước nên trong xe lúc nào cũng có sẵn cả lố bia để “chữa lửa”. Khi gần đến chỗ xe đậu, nhu cầu vệ sinh trong người ông bỗng đòi hỏi dữ dội. Đi ngược về nhà bạn thì bất tiện, và cũng do cái tính ngang tàng bất cần đời, thầy cứ đứng ngay gốc cây mà xả! Lũ trẻ hiếu kỳ được dịp la lên ầm ỹ: “Tụi bay ơi, ra coi ông Bác Sĩ đái đường!”. Thầy Lữ Y chẳng chút ngượng ngùng, nhăn răng cười với lũ trẻ: “Coi cái chó gì tụi bay! Bộ Bác Sĩ không có cu hả?”.

Đọc tới đây, chắc bạn đọc đã thấy chuyện ông bác sĩ liên quan tới chuyện cái vòi. Có điều từ cái vòi nho nhỏ của chúng tôi khoe khoang thời nhỏ tới cái vòi không còn nhỏ của ông, chuyện phải khác.  Phải cỡ bặm trợn như ông Bộ Trưởng của tôi mới dám khoe!

10/2015