Addyi
Adieu
Bánh
Béo
Biến
Chụp
Dâm
Đậu
Đồng
Gay
Hết
Hồi
Khóa
Mắt
Một
Mùng
Nấu
Nuy
Ồn
Rời
Rớt
Selfie

Tìm
Trai
Trăm
Trần
Trốn
Trùng
Tu
Vòi

PHỤ LỤC
Một năm Nguyễn Xuân Hoàng
Hai lần gặp Võ Phiến

ỒN

Trước đây ở Montreal chúng tôi có hai phi trường. Phi trường Dorval dành cho đường bay quốc nội và các chuyến bay tới từ Mỹ, phi trường Mirabel dành cho đường bay quốc ngoại. Khi tôi tới định cư tại Montreal vào năm 1985, máy bay British Airway từ Anh tới đáp xuống phi trường Mirabel. Đường về thành phố ngày đó đối với tôi rất ngắn vì tôi còn lạ nước lạ cái nên mải ngắm cảnh. Sau đó tôi biết là quãng đường mà tôi thấy ngắn đó cách trung tâm Montreal khoảng 55 cây số. Còn phi trường nội địa Dorval nằm ngay ngoại ô Montreal, lái xe chừng nửa giờ là tới.

Khi tôi đặt chân tới Mirabel bắt đầu cuộc đời tỵ nạn thì phi trường này đã được 10 tuổi. Chính xác phi trường bắt đầu hoạt động vào ngày 4 tháng 10 năm 1975. Lúc đó Mirabel là phi trường có diện tích rộng nhất thế giới, rộng tới 396 cây số vuông. Mãi tới năm 1999, phi trường quốc tế King Fahd của Saudi Arabia mới hạ được kỷ lục này. Thời hoàng kim của Mirabel chấm dứt vào năm 1997. Lý do là vì nó quá xa thành phố. Phi trường Dorval được mở rộng và lên chân đón tất cả các chuyến bay chuyên chở hành khách, chỉ dành cho Mirabel các chuyến bay chuyên chở hàng hóa và các chuyến bay của Air Transat cho tới năm 2004. Mười năm sau, tháng 11 năm 2014, phi trường Mirabel bị phá hủy với số tiền đập phá là 15 triệu đô! Phi trường Dorval trở thành phi trường quốc tế duy nhất của thành phố và được đổi tên thành phi trường Pierre Elliott Trudeau, tên vị Thủ Tướng thứ 15 của Canada.

Vì nằm sát thành phố nên phi trường Pierre E. Trudeau gây nên tai nạn tiếng ồn cho cư dân các vùng lân cận phi trường. Càng mở rộng càng ồn lớn! Nay tới lúc họ phải có ý kiến. Bà Carol Patch-Neveu viết trên báo Montreal Gazette số ra ngày 21 tháng 8 năm 2015: “Tôi sống tại khu Ahuntsic-Cartierville gần bốn chục năm. Khi tôi mua nhà tại vùng này vào năm 1977, phi trường Mirabel đã hoạt động. Hàng thập kỷ, chúng tôi không bị tiếng ồn quấy rối. Nhưng từ hai hay ba năm nay, mọi sự đã thay đổi. Tôi không có con số chính xác về số phi cơ bay ngang qua khu vực từ 7 giờ sáng tới sau nửa đêm, nhưng tiếng ồn đã gây phiền phức nhiều cho chúng tôi. Đây sẽ là vấn đề cho cuộc bầu cử sắp tới. Ứng cử viên của đảng NDP tại vùng này đã đề cập tới sự quá đáng của tiếng ồn. Tôi hy vọng là các ứng cử viên khác cũng có phản ứng tương tự. Cũng như những láng giềng của chúng tôi, chúng tôi gặp sự phủ nhận của ban quản trị phi trường Montreal về sự trầm trọng của vấn đề, điều mà chúng tôi đã nhiều lần than phiền…Thực đáng tức giận khi nghĩ rằng phi trường Mirabel đã không còn được sử dụng như một giải pháp tốt đẹp nhất”.

Đó là tiếng nói của một cá nhân nhức tai vì tiếng ồn của máy bay lên xuống ngay trên đầu. Một tập thể cũng đã phản ứng mạnh. Đó là nhóm Les Pollues de Montreal-Trudeau của cư dân các vùng quanh phi trường Pierre E. Trudeau. Họ đã đặt máy thu âm tại 10 trạm cách phi trường ít nhất 6 cây số để lấy dữ kiện. Và họ cho biết tiếng ồn đã đe dọa tới sức khỏe của dân chúng ở gần phi trường. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì “việc chịu đựng liên tục tiếng ồn quá 55 dB có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ cao máu và trụy tim”. Đơn vị đo tiếng ồn dB là viết tắt của decibel. Số liệu mà nhóm Les Pollues đo được là 60 dB. Hai bên còn tranh cãi về chuyện ồn này, dĩ nhiên cường độ tranh cãi cũng rất…ồn! Bà Christiane Beaulieu, Phó Chủ Tịch phụ trách thông tin của phi trường, diễn tả tình trạng nhùng nhằng này: “Hai bên gặp nhau vào tháng 6 vừa qua, họ vẫn đặt những câu hỏi cũ và chúng tôi cũng vẫn giữ nguyên câu trả lời!”. Vậy là hai bên đều điếc! Ông Jean-Luc Dubois, cư ngụ tại khu Ahuntsic, chán chường nói: “Tôi đã đầu tư quá nhiều tiền vào căn nhà để khó có thể dọn đi, nhưng chắc tôi sẽ phải dọn đi!”.

Tôi đã kể lại một chuyện có tính cách địa phương tại thành phố tôi cư ngụ nhưng vấn đề tiếng ồn của phi trường là một vấn đề…quốc tế. Khi máy bay cất cánh đã phát ra tiếng ồn có cường độ lên tới từ 120 dB đến 140 dB. Với độ ồn này con người rất dễ bị tổn thương tâm trí. Tai là cơ quan bị hành hạ trước nhất. Thường với độ ồn khoảng 130 dB, chúng ta tự động bịt hai tai lại để giảm bớt tiếng ồn chui vào. Sau đó tiếng ồn tác động tới hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, bao tử và các cơ quan khác. Hậu quả là chứng mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng, huyết áp cao, bệnh tim mạch và bệnh điếc. Có nhiều người yếu sức chịu đựng thì chỉ tiếng ồn do xe chở hàng lớn gây ra đã bị tổn thương tuyến nội tiết, hệ thần kinh và tim mạch. Nếu tình trạng ồn ào này kéo dài hoặc thường xuyên, sự rối loạn sinh lý sẽ trở thành mãn tính và là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần! Khi phải chịu đựng tiếng ồn liên tục, cơ thể con người sẽ bị căng thẳng. Nếu căng thẳng kéo dài sẽ đẫn đến trầm cảm, tăng nguy cơ bị bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người sống gần sân bay, sân ga, đường xe lửa rất dễ bị các chứng bệnh trên.

Ban đêm yên tĩnh, một chiếc máy bay cất cánh hay hạ cánh bay ngang nhà hoặc một chuyến xe lửa xình xịch chạy ngang sẽ gây tiếng ồn rõ ràng hơn. Những người sống gần phi trường, nhà ga hoặc đường rầy xe lửa bị đánh thức làm thay đổi chu kỳ giấc ngủ, ngủ không sâu và nhiều mộng mị gây thiếu ngủ, mệt mỏi, bải hoải, buồn chán vào sáng hôm sau. Đó là nhận xét của các nhà khoa học.

Nhận xét của dân thường thường bậc trung chúng ta có khác chút đỉnh. Điểm qua những anh bạn sống gần đường xe lửa ngày còn ở Sài Gòn, tôi thấy hầu như họ có nhiều con hơn những người khác. Xe lửa ở Việt Nam quái ác lắm. Mỗi đêm ít ra cũng có vài chuyến chạy ngang nhà. Tiếng ồn phát ra làm cho người dễ ngủ tới đâu cũng phải thức giấc. Thức giấc vào những giờ oái oăm như vậy làm con người có những hoạt động mà bình thường nếu ngủ say sẽ không nhúc nhích như vậy. Những người sống ở gần sân bay cũng cùng hoàn cảnh. Kết quả là những đứa trẻ của tiếng ồn thi nhau ra đời.

Tiếng ồn đắc tội như vậy nên chuyện trừ khử chúng để khỏi gây hại cho con người là chuyện phải tính tới. Người ta đã tính tới bằng hai cách: hoặc di dời sân bay ra xa nơi cư ngụ của con người, hoặc làm giảm tiếng ồn của máy bay. Ngày nay cả hai cách này được tiến hành song song với nhau.

Chẳng hiểu các người có trách nhiệm tại Montreal chúng tôi tính toán làm sao mà dẹp phi trường Mirabel ở xa thành phố để nâng cấp phi trường Pierre E. Trudeau ở sát ngay khu dân cư. Đó là một quyết định…ngược! Quyết định…xuôi phải kể tới Nhật Bổn. Họ đưa sân bay ra tuốt ngoài biển để không làm phiền đôi tai của người dân. Xây dựng sân bay trên biển, chuyện tưởng như bất khả mà người Nhật đã làm được. Cho tới nay họ đã tạo được ba sân bay ngoài biển. Đó là sân bay Kansai, Itami và Kobe.

Người có ý nghĩ mang sân bay ra biển là kiến trúc sư Renzo Piano. Sân bay ngoài biển đầu tiên của Nhật Bổn, sân bay quốc tế Kansai, là công trình của vị kiến trúc sư dám mạo hiểm này. Trước hết ông kiến trúc sư mang họ “dương cầm” Piano này phải kiến tạo một hòn đảo nhân tạo đủ vững cho những chiếc máy bay khổng lồ lên xuống. Nhật Bổn là quốc gia gồm một chuỗi đảo thiên nhiên luôn chịu những thiên tai khủng khiếp như động đất và sóng thần nên ý nghĩ lập một sân bay ngoài biển gần như là một ý nghĩ điên rồ. Vậy mà ông Piano làm được sân bay Kansai ngoài vịnh Osaka.

Hòn đảo nhân tạo của ông Piano nằm cách đất liền 5 cây số, có diện tích 5,11 cây số vuông. Chỉ nguyên việc làm móng, xây đê và đổ đất cho thành hòn đảo đã mất 6 năm. Đáy biển Osaka có tầng đất nhão dày tới 20 thước, lớp đất dưới là đất hồng tích dày 400 thước. Người ta đã phải đóng một triệu cọc thép có đường kính 40 phân vào tầng đất nhão, sau đó đổ đất lên gây áp lực cho nước ở dưới tầng đất thoát ra ngoài để tạo một lớp móng chắc. Sau đó, họ xây một con đê để bảo vệ vùng biển sẽ xây đảo. Con đê này dài 11 cây số và được làm trong hai năm gồm 8666 thước đê bằng đá hộc đổ thoai thoải, 1790 thước bằng những khúc gang cong, 721 thước bằng các rọ đất đá và 780 thước đóng bằng các cọc sắt. Sau khi hoàn tất con đê người ta mới đổ 180 triệu thước khối đất cát hoàn thành một hòn đảo nhân tạo cao 33 thước từ đáy trở lên.

Sau khi hoàn thành đảo, người ta mới xây dựng sân bay với đồ án của kiến trúc sư người Ý Renzo Piano. Đây là một đồ án đã được nghiên cứu kỹ càng cho thích hợp với tình trạng của một đảo nổi trên mặt biển. Toàn thể đồ án không có một kiến trúc nào bằng bê tông. Mà chỉ là những thanh giằng bằng thép không gỉ ráp với kính màu. Từ trên nhìn xuống, tòa nhà sân bay trông như một con chim lớn đang xòe hai cánh với phần mái có hình uốn lượn như sóng biển. Các mái lầu hạ thấp dần để tháp kiểm soát không lưu có được tầm nhìn xa dễ dàng. Toàn bộ công trình trông rất nhẹ nhàng và thanh thoát.

Một chiếc cầu dài 3,7 cây số, cao 108 thước, nối liền sân bay với đất liền. Cầu có hai tầng: tầng trên rộng 30 thước, có 12 lằn đường cho xe hơi. Tầng dưới dành cho xe lửa. Tất cả có 31 mố cầu mà có tới 29 mố phải xây trên phần biển. Vì vậy, để tạo độ bền chắc, người ta phải đóng cọc sắt sâu xuống đáy biển tới 60 thước.

Xây một sân bay trên biển khó khăn đến như vậy nhưng người Nhật vẫn làm để tránh tiếng ồn cho cư dân. Hoàn tất sân bay vẫn chưa hết chuyện. Còn những khó khăn phải vượt qua. Trước hết là đối phó với gió biển. Vì nằm trơ khấc trống trải trên biển nên gió tự do thổi làm phiền tới việc cất và hạ cánh máy bay. Giới chức trách nhiệm sân bay đã phải quy định đình chỉ máy bay lên xuống nếu sức gió vượt quá 13 thước/ giây. May mắn là những ngày gió mạnh như vậy chỉ chiếm 0,6% của một năm. Trở ngại thứ hai là muối biển ăn mòn công trình. Muối trong nước biển là đương nhiên nhưng trong gió biển cũng có muối. Để chống trả, người ta đã phải lắp đặt một hệ thống lọc muối ở những chỗ thông gió và phải thay miếng lọc hàng năm rất tốn kém. Khó khăn thứ ba là sân bay thường xuyên bị lún. Theo tính toán của các chuyên viên thì phải sau từ 30 đến 50 năm hòn đảo nhân tạo này mới ổn định. Độ lún của đảo trung bình là 1 ly mét mỗi ngày, chiều cao của đảo từ dưới đáy biển trở lên là 33 thước, vậy cho tới khi đảo ổn định thì nó vẫn còn cao 4 thước trên mặt nước biển. Vậy là khỏe re! Nhưng số tiền phải bỏ ra không…khỏe. Tới 20 tỷ đô Mỹ! Khởi công từ năm 1987, tới 1994 sân bay mới được khai trương. Bảy năm sau, hội Kỹ Sư Dân Dụng Mỹ đã bình chọn sân bay Kansai là một trong mười công trình kiến trúc của thiên niên kỷ.

Tiếp theo sân bay Kansai, Nhật Bổn đã hoàn thành thêm hai sân bay nữa trên biển. Sân bay mới nhất là sân bay Kobe được khởi công năm 2002 và hoàn tất vào năm 2006. Lý do chính khiến Nhật phải lấn biển làm sân bay là vì muốn tránh cho dân chúng bị tiếng ồn quấy phá. Các sân bay này có thể hoạt động suốt ngày đêm mà không ảnh hưởng chi tới đời sống của người dân. Viết tới đây tôi lại phải suy nghĩ. Tại sao Montreal lại phá bỏ sân bay Mirabel sau khi đã hoạt động được gần ba chục năm? Chẳng lẽ chỉ vì đoạn đường xa 55 cây số tới trung tâm thành phố? Nếu chỉ vì vậy thì thật không hiểu nổi. Sức khỏe và sự an bình của dân chúng đã bị gạt qua một bên!

Thủ phạm chính của tiếng ồn là máy bay. Ai cũng nghĩ là do động cơ máy bay gây ra. Bé cái lầm! Anh động cơ bị oan. Đúng ra tiếng ồn phát sinh bởi luồng khí trên cánh máy bay, vành thân và bánh đáp. Chúng tạo ra âm thanh u u rền rĩ kéo dài giống như thể phát ra từ động cơ. Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại Học Florida sau một cuộc thí nghiệm. Giáo sư Lou Cattafesta, một trong những người cầm đầu cuộc nghiên cứu giải thích: “Hầu hết tiếng ồn sinh ra bởi sự không ổn định của dòng khí khi nó lướt qua các bộ phận của máy bay như cánh vỗ, phần đuôi ngang và thẳng đứng, bánh xe khi hạ cánh và phần rìa hoặc đầu mút của các bề mặt khác nhau”. Ngoài ra các nhiễu loạn như các xoáy nhỏ trong luồng khí khi tương tác với những bộ phận trên máy bay sẽ tạo ra cái mà các nhà khoa học gọi là “tiếng ồn khí động học”.

Đại Học Cambridge ở Anh kết hợp với Massachusetts Institute of Technology, viết tắt là MIT, của Mỹ đã có một dự án về máy bay không tiếng ồn mang tên SAX-40. Mô hình của chiếc máy bay tương lai này đã được giới thiệu tại một hội nghị về hàng không tại Luân Đôn. Hình dáng chiếc máy bay này khác với các máy bay hiện hữu. Cánh được gắn vào thân và động cơ được đặt tại phần sau của máy bay khiến nó có dáng dấp như con dơi. Cấu trúc này sẽ giảm được tiếng ồn một cách đáng kể. Các nhà sản xuất dự kiến phải tới năm 2030 chiếc máy bay không ồn này mới được trình làng.

Tiến Sĩ Erikos Levis của Imperial College London lại có một suy nghĩ khác. Tại sao không nghiên cứu theo hướng cho máy bay đáp xuống biển. Thủy phi cơ đã có từ lâu nhưng thường chỉ dùng cho các phi cơ nhỏ. Việc nâng cấp chúng là việc khả thi. Thủy phi cơ là giải pháp cho hai vấn đề lớn nhất của ngành hàng không hiện đại là sân bay quá tải và ô nhiễm tiếng ồn. Ông nói: “Chúng ta có thể sử dụng thủy phi cơ để giảm tiếng ồn khỏi khu dân cư và giảm nhu cầu xây dựng những cơ sở hạ tầng rộng lớn. Những nghiên cứu phát triển thủy phi cơ có từ lâu nhưng bị tạm dừng vào thập niên 40, bởi vì so với máy bay hạ cánh trên đất liền lúc đó, hiệu quả khí động học và cấu trúc của thủy phi cơ kém hơn”. Nghĩ là làm, ông đã cộng tác với Giáo sư Varnavas Serghides để thiết kế một chiếc thủy phi cơ có thể chở được từ 200 đến 2000 hành khách. Hai ngàn hành khách, ông có lộn không? Không, ông cho biết là vì các phi trường trên đất liền bị giới hạn về chiều rộng của đường băng nên các phi cơ không phát triển theo chiều rộng được. Trên mặt biển mênh mông, phi cơ mặc sức phình ra mà không gây ra vấn đề chi cả. Ông lưu ý: “Cái chúng ta đang thiếu ở thời điểm này là ý chí muốn thử thách điều mới mẻ”. Điều mới mẻ của ông Tiến sĩ dám làm chắc còn phải mất nhiều thời gian mới trở thành hiện thực.

Nói tới tiếng ồn mà chỉ nhắm vào máy bay e có phần…tư thù máy bay. Đôi tai của chúng ta chịu vô vàn tiếng ồn do cuộc sinh hoạt hàng ngày gây ra. Từ tiếng rao hàng, tiếng xe chạy, tiếng còi xe tới tiếng tiếng xập xình phát ra từ những cơ xưởng, tiếng máy ngoài đường sá, và thậm chí tiếng nhạc mở hết cỡ của hàng xóm.

Tiếng ồn làm tổn hại tới sức khỏe của chúng ta nhưng, nếu được nhìn một cách thi vị hơn, cũng có những thứ tiếng ồn thân thương mang lại chút tình cho cuộc sống. Không biết tại sao mỗi lần nghe tiếng còi tàu thủy rền rĩ trong một buổi sớm mai khi sương mù còn giăng giăng trên sông nước, tôi bỗng thấy bâng khuâng lạ thường. Nghe ra như có sự chia lìa bứt rứt trong tiếng vọng buồn bã thê thiết đó.

Tàu súp lê một
Em ơi anh còn trông còn đợi
Tàu súp lê hai
Anh còn đợi còn chờ
Tàu súp lê ba
Tàu ra biển Bắc
Tay anh vịn song sắt nước mắt nhỏ từng hồi
Trời ơi nhân nghĩa của tôi xa rồi
Bướm xa tại nhụy, anh với em xa rồi cũng bởi tại ai?

09/2015