Thành phố San Francisco mới có sáng kiến dựng những bức tường chống tè đường ở những khu phố người ta hay tới tè tự do. Thường thì dựa vào tường, nơi góc khuất, để giải tỏa bàng quang là thói quen của người tè đường. Chó cũng vậy. Xây tường là tiếp tay cho…địch chăng? Không! Các bức tường này thuộc loại đặc biệt nhờ nước sơn chống tè bậy. Lớp sơn này tạo nên một cấu trúc chằng chịt những hình lập thể lồi lõm tinh vi. Mỗi khi tè vào thì lập tức gậy ông đập lưng ông. Mớ nước thải được xả ra sẽ dội ngược trở lại vào quần áo, giầy dép của “tác giả”. Càng ép sát tường sức dội lại càng mau và mạnh.
Mấy ông nội của sở Tiện Ích thành phố này thật ác ôn. Quân ta phải rút lui có trật tự. Ngay tại ngã tư đường 16 và đường Mission, nơi dân tè vất vưởng thường ưa tới xả bầu tâm sự bỗng vắng khách một cách bất ngờ. Bức tường vẫn khô rang. Hành khách xuống trạm xe điện BART gần đó từ nay không phải nín thở bịt mũi nữa. Bà phát ngôn viên của sở Rachel Gordon khoan khoái: “Cho tới nay thì mọi sự vẫn tốt đẹp. Nhân viên của chúng tôi vẫn chưa ngửi thấy mùi khai của nước tiểu tại một điểm nóng như thế này trong thành phố của chúng ta”. Có chín bức tường ô nhục đã được dựng lên trên các khu phố vắng vẻ của thành phố nhộn nhịp này.
Tè bậy là một cái thú. Nhiều ông bạn tôi đã phát ngôn một cách…khai khai như vậy. Các ông ấy thường là dân bia bọt, bia vào thì tè ra. Cái trò khi ngồi nhậu thường rất ngại bước khỏi bàn nhậu. Vách tường gần chỗ ngồi nhậu thường là chỗ dựa vững chãi nhất của các ông ấy. Nhưng chẳng cứ gì dân nhậu, dân ta vẫn khoái…tự do. Đầu tháng 8 năm ni, ông Luân Hoán đi chùa Đại Tòng Lâm ở cách Montreal chúng tôi khoảng trên hai giờ lái xe. Chùa nằm trên một chu vi rất rộng, có cỏ cây, có rừng có núi loại mini . Khi leo lên đồi cao, ông mệt, ghé nghỉ chân nơi khúc đường vắng. Ông kể lại trong bài: “Dông Dài Một Chuyến Hành Hương”: “Thêm một người nữa ghé vào. Vị nam nhi này già hơn tôi thật. Lụm cụm với túi xách bên vai. Áo bỏ trong quần nhưng cái luộm thuộm của tuổi già vẫn lòi ra. Ông hỏi thăm tôi trước: sao không lên tiếp. Tôi vô tư khai thật cái chân giả. Ông nói, nhìn bình thường khỏe mạnh mà. Đứng chừng ba phút, ông lùi lại sau lưng tôi và tiểu tiện tự nhiên. Chán quá, tôi tìm đến nhiều bậc tam cấp, tiến sát tượng đức bồ tát Địa Tạng. Tượng được đặt trên một bệ rất cao, rộng rãi. Tôi ngồi, không nhập thiền mà nhập thơ ngay”. Chắc nhiều người muốn mắng vốn ông già này. Đi vào nơi tôn nghiêm mà vẫn sè sè bậy bạ. Ông Luân Hoán là người nghiêm chỉnh. Khi cần ông vào đúng chỗ đàng hoàng.
nín hơi mở vòi nước ngầm
một tay bịt mũi tay cầm đoản côn
mất hẳn món khoái sinh tồn
ý thơ đang tới sảng hồn trốn luôn
gắng chờ rung vội hồi chuông
không cần ngó lại vội chuồn ra ngay
cảm ơn trời tặng gió bay
tỉnh táo trở lại sợi mây bình thường
Không hiểu ông già đái vắt nơi gốc cây và ông bạn nhà thơ của tôi ai có lý hơn ai. Nghe ra ông già làm mưa giữa trời “thông minh” hơn. Ông là loại dân Việt chân chính! Tè đường là thứ “quốc hồn quốc túy” của dân ta. Bằng chứng là nơi quê hương của chúng ta chỗ nào cũng có bảng: “Cấm Đái”. Những bảng cấm này rất phong phú chữ nghĩa. Từ năn nỉ, van xin đến đe dọa, chửi bới. Nhưng phổ biến nhất vẫn là thứ chữ nghĩa chung chung, vừa phải: “Cấm Đái Bậy”. Thêm chữ “bậy” vào thật…bậy! Một anh hướng dẫn viên du lịch kể lại chuyện về chữ “bậy” này. Bữa đó một ông khách ngoại quốc người Anh hỏi anh: “Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Ở Việt Nam có hai bay (vịnh) rất nổi tiếng mà tôi đã tới nơi. Đó là “Ha Long Bay” và “Cam Ranh Bay”. Nhưng còn một vịnh tôi thấy quảng cáo rất nhiều, hầu như chỗ nào tôi cũng thấy bảng quảng cáo mà sao chưa thấy anh dẫn tôi tới?”. Anh hướng dẫn viên vội hỏi: “Còn vịnh nào nữa đâu! Ông có biết tên cái vịnh đó không?”. Ông khách chỉ lên bức tường và bập bẹ đọc: “Cam Dai Bay”.
Tấm bảng cấm này thường không có uy dù có nơi người ta đã đề rõ số tiền phạt hoặc, dễ sợ hơn nữa, vẽ một cái kéo to tổ chảng bên dưới! Hình như thiên hạ cứ hè nhau tới cái bảng cấm này để tè! Blogger Nguyễn Huy Vũ đã luận về chuyện tấm bảng cấm bị chọc quê này: “Cấm Đái Bậy”, cái chữ thiệt to được vẽ lên tường, ngay tại nơi người ta thường đái bậy, mùi hôi thối bốc lên. Ba chữ này chỉ xuất hiện khi mà hậu quả đã xảy ra, nghĩa là có quá nhiều người đã đái tại đây, và chính quyền hay người dân gần đó hết chịu nổi. Hiểu theo nghĩa bình dân ở đây là cái gì không chịu nổi thì cấm. Chấm hết. Đái hôi quá. Cấm. Xả rác nhiều quá. Cấm. Trừ khi có các vị dân phòng hay công an túc trực, cấm đái, vẫn đái, cấm xả rác, vẫn xả rác. Chữ cấm gần như đã thể hiện sự bất lực. Cấm đã trở thành một giải pháp đơn giản, gọn nhẹ ít nhất là đối với người ra lệnh. Chỉ cần nhiều nhất là một văn bản. Xong. Tất cả những thằng nào phạm luật cứ thế mà bắt, cứ thế mà xử. Theo luật. Không có cãi cọ, lôi thôi. Cấm thì cấm, và người ta làm thì vẫn làm. Bổn cũ thực hiện. Nếu hiểu rằng một luật đưa ra, người dân không chấp hành: luật đó thất bại, thì trong những trường hợp như vậy, phản ứng của người dân là thước đo cho sự thành công của luật. Cái dân Việt Nam chẳng có văn hóa gì cả, đụng đâu đái đó thôi. Có thể một ai đó chặc lưỡi qua đường khi thấy một vài kẻ “đái đường”. Và nếu (lại thêm một chữ nếu) những nhà làm ra cái luật cấm kia hiểu rằng cái bảng “Cấm Đái Bậy” chỉ dành cho những kẻ chuyên đái bậy thì cách tốt nhất để “áp dụng” thành công cái “luật cấm đái” kia tốt nhất là nên tiếp xúc và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của “nhân dân”. Hãy hỏi họ thử vài câu đại loại như tại sao tụi mày khoái đái ở đây vậy ? Chắc hẳn sẽ tìm được câu trả lời: còn chỗ nào đâu nữa mà đái”.
Quả có như vậy. Tại Việt Nam người ta ít chú ý tới việc xây những nhà tiểu công cộng. Nhu cầu có đó nhưng không có chỗ giải quyết nên người ta phải tự lực cánh sinh. Viết tới đây, tôi nặn óc nghĩ thử xem ngày xưa, trước năm 1975, Sài Gòn có nhà tiểu công cộng không nhỉ. Nghĩ về những con đường, những góc phố, tôi không gắn được cái nhà tiểu công cộng vào chỗ nào được. May thay, đọc được blog của ông Nguyễn Ngọc Chính mới nhớ ra: “Người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ, con đường Lê Lợi (Bonard) chỉ đông vui phía bên này đường với những người đi “bát phố Bonard”, dập dìu tài tử giai nhân. Phía bên kia đường là hình ảnh ngược lại, vắng vẻ như chùa Bà Đanh. Không biết vì phần đường này ít ai lui tới vì không có tiệm lớn hay vì tại đây có một “cầu tiểu” xây bằng gạch để mọi người khi cần có chỗ “giải tỏa bầu tâm sự”. Điều đáng nói là “cầu tiểu” dù có nước chảy nhưng lúc nào cũng bốc mùi đặc trưng của nước tiểu. Trên trang Flickr của anh Mạnh Hải có sưu tầm được một tấm hình “cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi từ bộ sưu tập của Darryl Henley. Nhìn kỹ phía bên trái hình có cảnh một cậu học sinh, một tay cắp cặp còn tay kia giơ lên bịt mũi. A picture says a thousand words! Thêm một “cầu tiểu” nữa nằm ngay phía bên hông Quốc hội, ngày nay gọi là Nhà hát Thành phố. “Cầu tiểu” này trông “khang trang” hơn cái ở đường Lê Lợi nhưng chắc chắn các dân biểu không bao giờ bén mảng tới. Cầu nằm ngay trên lề đường, rất thuận lợi cho những ai vào “xả xú bắp”. Có điều rất nhiều người không biết đến địa chỉ này nên “cầu tiểu” lâm vào tình trạng… ế khách vãng lai! Dưới đây là hai bức hình cũng do anh Mạnh Hải sưu tầm, được chụp từ năm 1964”.
Nhìn những tấm hình này, đầu tôi như được mở công-tắc. Nhớ ra liền hai nơi này. Quả thật ngày xưa đi bát phố Lê Lợi, tôi đã chỉ đi bên lề đường có nhiều tiệm đông vui trong đó có nhà sách Khai Trí. Phía bên kia đường là bức tường dài của khuôn viên Bộ Công Chánh thì phải. Giữa đoạn tường màu vàng đã úa theo thời gian là nhà tiểu công cộng. Tôi không biết tới năm nào nhà vệ sinh này bị dẹp bỏ.
Tè đường là độc quyền của các ông, các bà rất khó thi hành được công tác này. Thiên nhiên không cung cấp cho các bà những dụng cụ thuận tiện cho việc tè đường. Nói chung chung thì như vậy nhưng nhiều bà, nhất là các bà bán hàng rong cả ngày ở ngoài đường, cũng tè đường được như thường. Chắc ai trong chúng ta cũng đã từng mục kích những cảnh hiếm hoi này.
Ngày nay ở Việt Nam chắc nhà vệ sinh công cộng cũng rất hiếm. Tiền để xây tượng đài sướng hơn! Trong những lần về Việt Nam, tôi quả thực không để ý quan sát coi có những loại nhà quý báu này không. Có lẽ tôi lơ là chuyện này vì ở hải ngoại, chuyện giải quyết nhu cầu mỗi khi thiên nhiên réo gọi không là một vấn đề. Xã hội chúng ta đang ngụ cư có đầy đủ nơi chốn cho những người cần xả xú bắp. Cứ thong thả vào các shopping mall là thấy có bảng chỉ tới những nơi có dấu hiệu hai người đàn ông đàn bà liền một khi. Và đây là “tiệm” đắt hàng nhất trong một shopping mall. Nếu không có những thương xá thì cứ tự nhiên vào thăm các cửa hàng McDonald’s, Burger King hoặc Tim Hortons hay Subway. Chẳng cần mua bán chi, cứ toilet trực chỉ, không ai tính tiền giải thủy của chúng ta. Đó là nói ở Bắc Mỹ chứ ở Âu châu thì có khác. Ngay trong các thương xá, việc đi thăm chốn không được thơm tho đều có giá cả hết. Ngay cửa vào thường có một bà đầm ngồi thu tiền. Không tiền thì khỏi xả xú bắp. Cứ nhìn bản mặt của mấy bà này có khi nín luôn khỏi cần xả nữa.
Thứ nước xả này chúng ta hết sức khinh thường. Đó là một thứ bị thải hồi, coi như đồ bỏ. Nhưng dưới mắt các cụ ngày xưa thì khác. Đó là thuốc. Không phải chỉ các cụ của ta không thôi đâu. Các nền văn hóa cổ trên thế giới đều có liệu pháp nước tiểu (urine therapy). Thời La Mã cổ đại, nước tiểu được dùng để tẩy trắng răng vì trong đó có ammoniac là một chất tẩy khá mạnh. Trong Thánh Kinh và một số văn bản của Ấn Độ giáo có nhắc đến chuyện dùng nước tiểu để xoa bóp hoặc trị một số bệnh. Dân Pháp cổ ngâm chiếc vớ vào nước tiểu rồi quấn quanh cổ họng để trị bệnh. Dân Mexico trộn nước tiểu với bột bắp cháy đắp lên vết thương cho mau lành. Tại Đồng Quan bên Trung Quốc, người ta luộc trứng gà bằng nước tiểu của trẻ em dưới 10 tuổi để ăn cho bổ, mát và ngừa bệnh tim mạch, không sợ tai biến mạch máu não.
Chuyện dùng nước tiểu của các trẻ em nhỏ tuổi là chuyện tôi đã khai thác lợi lộc. Khi tôi còn nhỏ, các bà thường dỗ dành để xin nước tiểu của lũ con trai chúng tôi. Chỉ con trai thôi, nước thải của con gái không thuốc thang chi được. Nhất là các bà mới sanh nở xong. Bọn con trai chúng tôi thấy nước tiểu của mình được săn đón nên làm eo làm sách. Phải có cái bánh, viên kẹo mới chịu vạch quần! Hứng cái bát vào lấy nước tiểu, bọt còn chưa tan hết, các bà đưa lên miệng uống nóng sốt. Cứ như uống nước trà.
Nước tiểu dùng để trị bệnh nghĩ ra cũng ngược đời. Thứ cơ thể đã thải ra là thứ độc, sao lại nốc vào miệng cho thêm độc? Cứ suy ra khắc thấy. Nước tiểu do thận lọc và thải ra. Thận là cơ quan bài tiết có nhiệm vụ lọc các chất độc từ máu ra. Đó là thứ cặn bã mà cơ thể không cần đến nữa. Trước khi thoát ra ngoài, nước tiểu đã đi qua niệu quản, bàng quang, niệu đạo, nếu các loại ống thoát này bị bệnh thì nước tiểu có nguy cơ tải thêm mầm bệnh. Người ta tính thứ nước thoát ra này hơn 80% không còn sạch nữa. Vậy tại sao lại rước chất độc trở lại cơ thể cho hệ tiêu hóa nhiễm độc theo? Cho tới nay chưa có một khảo nghiệm khoa học nào chứng tỏ nước tiểu có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu.
Nhưng nếu bạn ti toe muốn làm phi hành gia thì bạn phải tập uống nước tiểu. Cũng may, đây là thứ nước tiểu đã được tái chế. Các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế ISS đã dùng thứ nước này lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009. Ngày “khai mạc”, ba phi hành gia có mặt trên trạm không gian đã nâng ly chúc mừng các kỹ sư của NASA. Phi hành gia Mỹ Michael Barrett phát biểu: “Trước kia tôi luôn nghĩ rằng việc này chỉ có thể xảy ra trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Ai cũng nói tới chuyện tái chế nước trong một hệ thống kín nhưng từ trước tới nay chưa ai thành công. Ngày hôm nay chúng tôi có thứ nước tái chế đầu tiên”.
Vị nước tái chế từ nước tiểu này ra sao? Vẫn ông Barrett cho biết: “Ngon lắm. Đáng công!”. Kể cũng đáng công vì sáng chế này đã tiết kiệm được khá nhiều cho ngân quỹ của NASA. Họ không phải chở nước tiếp tế cho các trạm không gian bằng tàu vũ trụ. Giám đốc của dự án tái chế nước tiểu, bà Marybeth Ede, đã tiết lộ chu trình tái chế: từ toilet, nước tiểu của các phi hành gia được đưa tới một thùng lớn, đun sôi lên, thu hồi hơi nước, trộn với hơi nước ngưng tụ trong không khí, cuối cùng nước được đi qua các thiết bị lọc. Hệ thống này có thể làm ra khoảng 22 lít nước trong vòng 6 tiếng.
Uống nước tiểu, dù đã được tái chế, nghe hơi ớn! Nếu bạn nghĩ vậy thì cũng đừng nghĩ tới chuyện làm phi hành gia. Thực ra có chi mà ớn. Ông Michael Flynn, nhà khoa học của NASA ở Sunnyvale, tiểu bang California, hỏi ngược lại: “Bộ các bạn không biết là các bạn vẫn thường xuyên uống nước tiểu à? Bạn đi tiểu, giật nước bồn cầu, nước này đi vào nhà máy lọc rổi xả ra sông, cuối cùng chảy ra biển. Mặt trời đốt nóng nước biển khiến nước bốc hơi thành mây và làm mưa đổ xuống lại”.
Vậy ra nước tiểu là thứ tinh quái. Chúng ta xả nước ra từ phía dưới nhưng thứ nước tinh quái này len lỏi trở lại phía trên qua đường miệng, chui vào dạ dày của chúng ta, biến thiên để lại thoát ra phía dưới! Có nên triết lý một chút chăng? Cuộc đời là một vòng tròn luân chuyển. Alfa cũng là Omega! Khởi đầu cũng là kết thúc! Ông nhà thơ Du Tử Lê diễn ra thơ: đi với về cũng một nghĩa như nhau!
08/2015 |