@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

@

Cái chữ chi trông lạ mắt. Đọc lên thì lạ tai. Mỹ đọc là AT, Tây đọc là arobase nhưng thông thường hơn làA commercial, Việt Nam ta trong nước đọc là “A còng”. Có lẽ người trong nước quen mắt với cái còng của nhà chức trách nên nhìn cái vòng thành cái còng. Cái chữ không giống ai, ngày xưa để chỉ một đơn vị đo lường Tây Ban Nha thời cổ, nay lại thông dụng hơn mọi chữ trong bảng chứ cái, còn vênh mặt lên vì nó tượng trưng cho thời đại điện tử ngày nay. Ông nào tạo ra cái chữ tốt phúc này vậy? Đó là ông Ray Tomlinson, một kỹ sư Mỹ, người sáng chế ra e-mail, một công cụ làm nhân loại xích lại gần nhau. Năm 1971, ông gửi đi cái e-mail đầu tiên có nội dung như sau: QWERTYUIOP. Mật mã chi đây? Mật mã chi mô. Đây chỉ là dòng chữ đầu tiên trên bàn phím. Tôi vừa đánh chữ này bằng cách lướt một mạch trên hàng đầu tiên của bàn phím, cứ như một nghệ sĩ dương cầm đang biểu diễn. Chắc ông Ray xúc động khi biết mình sắp làm một công việc lịch sử nên mới…ngây ngô như vậy. Bức thư lịch sử này không đi đâu xa. Nó chạy giữa hai chiếc computer đặt sát cạnh nhau trên bàn làm việc của ông Ray. Cũng có lẽ vì xúc động nên ông dùng ký tự @ để phân cách giữa tên người dùng và tên của computer. Sau đó @ được xử dụng trong các e-mail để phân cách tên người sử dụng và tên miền của dịch vụ e-mail. Vậy là ngày nay, chúng ta cứ…còng. Cái còng này là còng thân ái. Nó nối kết mọi người trên khắp thế giới lại với nhau.

Thời buổi điện tử của chúng ta ngày nay được gọi là thời @. Nó bắt đầu từ khi có máy computer. Trước năm 1975, chúng ta đã dùng computer. Nói là chúng ta nhưng thời đó cái computer nằm dềnh dang trong một căn phòng lớn tướng phải có máy lạnh đàng hoàng. Nếu nóng nảy quá  chàng có thể dỗi không làm việc nữa. Giá bao nhiêu một cái computer khủng như vậy, chúng ta chẳng cần lý tới. Vì chỉ có vài cái tại các cơ quan công quyền. Thứ như tôi chưa bao giờ có phúc được diện kiến anh chàng văn minh này. Chỉ thấy những rác rưởi do anh chàng khổng lồ này thải ra. Đó là những tấm bìa cứng có đục lỗ đôi khi thấy trong đống rác của những cơ quan này. Khi có những cuộc thi Tú Tài được chấm bằng computer IBM mà chúng ta gọi là “ABC khoanh” thì tôi đã rời ghế nhà trường từ khá lâu trước đó. Vậy nên tôi vẫn chưa có duyên với computer. Sau 1975, mấy ông bạn tôi nhấp nhổm chân trong chân ngoài, muốn học chút nghề mọn hầu có thể sinh sống nơi xứ người, đua nhau đi học vi tính. Tôi chỉ thấy các ông ấy ôm một đống bài in ronéo chứ chằng thấy bóng dáng cái computer ra sao tuy nghe nói nó đã thu gọn hình hài để có thể ngồi trên bàn làm việc được. Giữa năm 1985, khi tôi được đi định cư, đặt chân tới phi trường Mirabel của thành phố Montreal, tôi mới lần đầu tiên thấy…hắn. Hắn nằm trên bàn làm việc của nhân viên di trú. Trông hắn kềnh càng, màn hình tối đen, chữ màu cam, chẳng có tí nhan sắc nào. Trông hắn lạ lẫm và cao ngạo. Tôi không hề tơ tưởng có ngày được thân cận với hắn. Vậy mà chỉ ít năm sau, vào đầu thập niên 1990, tôi đã sở hữu được hắn. Chiếc computer đầu tiên của tôi được mua bằng một tháng lương, do một người nhường lại với giá trên ngàn đồng, giống y chang như chiếc computer tôi nhìn thấy trên phi trường. Cũng màn ảnh có nền tối đen, chữ màu cam, không có hard disk, muốn lưu giữ dữ kiện phải save vào chiếc đĩa mềm. Dĩ nhiên chưa có dấu tiếng Việt. Những chiếc đĩa mềm này đã thành đồ cổ từ lâu khi được thay thế bằng những chiếc đĩa cứng và nhỏ hơn, rồi những cái USB gọn gàng rất tiện mang theo bên mình.

Từ những chiếc computer thô sơ đó đến những chiếc máy màn ảnh màu mè bắt mắt technicolor, cỡ lớn cỡ nhỏ ngày nay, ổ chứa hard disk cả bao nhiêu gig, đánh chữ Việt kiểu cọ, chỉ mất có hơn ba chục năm. Cũng trong thời gian đó, chiếc computer đã nhúc nhích. Nó không chịu nằm yên trên bàn mà đã bẹo hình thành những chiếc laptop cặp kè đi đó đi đây. Cũng như thứ để bàn, laptop đã dần dần thu nhỏ hình dáng trở thành những chiếc máy gọn gàng, cứ như một em bé nho nhỏ xinh xinh cặp kè chủ nhân đi xe đi tàu, cưỡi máy bay phản lực ngày càng êm ru. Hầu như ai cũng có một chiếc laptop trên…đùi ( lap chẳng là đùi thì là chi!) Tiện lợi đẹp đẽ như vậy mà giá không còn là bạc ngàn như thời tôi mới mua chiếc computer cũ ngày xưa, mà chỉ bỏ ra vài ba trăm là ôm được…em laptop đảm đang vừa dùng để làm việc, vừa để chơi.

Con người ngày nay càng ngày càng hư, chơi nhiều hơn làm. Vậy là trò chơi ra đời. Chiếc máy e-reader nho nhỏ, vừa gọn trong bàn tay nếu là bàn tay hộ pháp. Với chiếc máy này tha hồ đọc truyện, coi hình, mail lung tung. Đúng là thứ chơi. Chơi kiểu này hơi hại cho giới cầm bút chúng tôi. Nó đã thay thế sách in. Người ta gọi là sách điện tử e-book. Một cái máy gọn gàng như một cuốn sách trăm trang mà chứa hàng trăm cuốn sách, đọc hết cuốn này qua cuốn khác, muốn đọc truyện mới cứ download xuống là có ngay. Sách điện tử rẻ hơn sách in nhiều. Có tốn giấy tốn mực chi mô mà đắt! Sách tây sách Mỹ thì khoảng chục bạc. Sách tiếng Việt mới chỉ có trang mạng Da Màu ở Mỹ bán, khoảng vài đồng. Rẻ như bèo. Độc giả ở Việt Nam lại còn được cho download thong thả, chẳng tiền bạc chi. Tiền Việt thì biết tính, biết tiêu ra sao! Sách ngoại ngữ thì trang mạng Amazon ăn trùm. Tới đầu năm nay thì số sách điện tử bán được đã vượt số sách in. Theo tiết lộ của Amazonchuyên kinh doanh sách thì sau 4 năm ra đời kể từ năm 2007, sách điện tử bán được nhiều tới 104 lần hơn sách in. Nghĩa là họ bán được một cuốn sách in thì cũng đã bán được 104 cuốn sách điện tử. Đó là không kể số sách điện tử được cho coi miễn phí! Còn chi là những cuốn sách in của người viết chúng tôi!

Cha đẻ của cái máy e-reader hại bạn này là ông Michael Hart, chủ nhân của kho sách trực tuyến Project Gutenberg gồm tới 36 ngàn đầu sách và cho download free. Khi còn là sinh viên của Đại Học Illinois, ông đã manh nha ý tưởng sách điện tử này. Nhưng phải đợi tới khi ông đi chợ mới lóe lên thành hình. Ngôi chợ…lịch sử này là chợ IGA. Ông kể lại: “Tôi tình cờ ghé vào chợ IGA vào đúng dịp nước Mỹ sắp kỷ niệm 200 năm, vì thế họ tặng khách hàng những văn kiện lịch sử. Thế nên khi lục túi đồ để kiếm cái gì lót dạ, tôi đã tìm thấy bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ, và đây chính là lúc một ý tưởng hoàn toàn mới lóe lên trong đầu tôi”.Vậy là sách điện tử ra đời.

Ông Nguyễn Hưng Quốc là người quảng bá nhiệt thành loại sách mới tinh này. Theo ông thì nó tiện lợi vô cùng. Khi đi máy bay đường dài, đáng lẽ phải tay xách nách mang vài cuốn sách để giết thời gian ngồi trên máy bay thì nay chỉ một chiếc máy nhỏ xíu, cầm lơn tơn gọn ghẽ trong tay, mà có tới mấy trăm cuốn sách. Tiện quá đi chứ! Nhiều người cho là cầm cuốn sách in trên tay vẫn khoái hơn cầm cái máy vô tri vô giác. Đọc chữ trên giấy thú vị hơn đọc chữ trên màn ảnh nhiều. Ông Nguyễn Hưng Quốc cho là nghĩ vậy không đúng. “Lúc đầu, đọc, cũng hơi khó chịu. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Ráng. Riết thành quen. Sau, tôi đọc sách điện tử trên màn ảnh cũng không thấy gì khác với sách in theo lối truyền thống. Quen nhanh nhất là loại sách biên khảo. Nhưng rồi đọc thơ cũng vậy. Cũng thấy được chữ trôi và thở. Cũng nghe được hơi ấm từ chúng. Y như trên trang giấy.Rồi tôi mua một cái Kindle, một loại máy chuyên đọc sách điện tử…” Tôi cũng mua một chiếc e-reader để đọc thử. Đầu tiên cũng thấy háo hức vì đang chơi một trò vừa mới lạ vừa văn minh. Nhưng đọc xong một truyện, đổi sang truyện khác, thấy cái truyện vừa đọc xong mất hút trong khoảng không, cũng bâng khuâng. Bỗng cảm thấy có điều chi cấn cái. Như vừa ôm một người tình bỗng hụt hẫng vì người vừa chia sẻ buồn vui với mình bỗng chìm lấp vào cõi hư không. Ông Quốc viết phê bình và nghiên cứu, tôi viết văn nên cảm thấy khác nhau chăng. Từ đó, chiếc e-reader của tôi nằm hứng bụi, cho tới khi tôi cho thằng con trai. Chắc chiếc máy hợp với người trẻ hơn. Mới đây, khi đọc tin người sáng chế ra máy e-reader, ông Michael Hartvừa qua đời vì ung thư ở tuổi 64, cỡ tuổi so với tuổi thọ ngày nay thì còn…trẻ, tôi đọc được một nhận xét của Tiến Sĩ Gregory B. Newby mới thấy cảm nghĩ của tôi về sách điện tử quá nghiêng về tình cảm. Sách điện tử nhắm xa hơn nhiều. Tiến sĩ Newby cho biết: “Phát minh ra sách điện tử không chỉ đơn thuần là một bước tiến công nghệ, mà đây còn là phương thức thuận tiện và hiệu quả trong việc truyền bá miễn phí văn học đến mọi người. Vì thế sách điện tử có thể mang đến cơ hội để nâng cao khả năng đọc, biết chữ, và nhờ đó mà mở ra nhiều cơ hội khác cho tất cả chúng ta”.

Tưởng e-reader chỉ đơn thuần để giải trí, vậy mà nó cũng có sứ mạng to lớn. Nhưng sách điện tử hình như không được phổ biến lắm tuy giá bán chỉ trên dưới một trăm đô. Nó có ưu điểm là gọn ghẽ nhưng không có nhiều chức năng. Phải đợi tới khi tablet ra đời thì tình hình mới nhộn nhịp. Khác với laptop, tablet chỉ có một mảnh như e-reader. Vậy là tiện hơn. Muốn xài chỉ cần mở cái bao da được làm như bìa một cuốn sách lên là tha hồ sờ sờ nắn nắn trên màn ảnh chứ không phải lích kích mở nắp như laptop. Tablet có màn hình lớn hơn e-reader và có chức năng nhiều gần như một chiếc laptop. Nhưng tablet vẫn nặng về chơi hơn là để làm việc, nhất là đối với những người viết tiếng Việt. Không thể đánh máy tiếng Việt bằng tablet được tuy có thể đọc được tiếng Việt. Vậy thì những người viết tiếng Việt như chúng tôi thấy bù trất. Đi xa, muốn làm việc vẫn cứ phải laptop ôm theo.

Tablet nổi tiếng nhất là chiếc iPad của hãng Apple. Ra đời vào tháng 4 năm 2010, iPad đã mở đầu cho kỷ nguyên tablet. Chưa đầy một năm sau, tháng 3 năm 2011, iPad được cải tiến với bản iPad2 gây ra một cơn sốt khác. Chỉ nguyên trong quý hai năm nay, iPad2 đã xuất xưởng 5 triệu 250 ngàn đơn vị. Ngày lăng xê của iPad2 đã làm điên đảo giới trẻ tiêu thụ đồ điện tử khắp thế giới. Khó mà mua được một chiếc với giá khoảng 600 đô cho cỡ rẻ nhất. Thiên hạ điên lên vì iPad2. Con gái tôi phải chờ tới ba tháng sau mới được cầm cái tablet của mình.

Ai là người có iPad2 sớm nhất? Chính Tổng Thống Obama. Trả lời phỏng vấn của ABCNews ông tonton da màu cho biết: “Tôi đang sở hữu tablet iPad2. Steve Jobs đã trực tiếp trao cho tôi sớm hơn một chút, trước khi bán ngoài thị trường. Nó rất tuyệt. Tôi thường dùng nó để đọc báo và xem blog trên internet”. Chính xác ra là Steve đã tặng Obama chiếc iPad2 vào tháng 2/2011 trong một bữa ăn tối trước khi tung ra thị trường một tháng sau.

Steve Jobs, cha đẻ của iPad, chínhlà chủ nhân ông của công ty Apple với cái logo trái táo bị đớp mất một miếng. Ông có một cuộc đời bi thương từ nhỏ. Cha ông là người Syrian theo Hồi giáo, mẹ là người Mỹ . Cuộc hôn nhân của hai người không được gia đình chấp nhận nên khi cậu bé Steve ra đời vào ngày 24 tháng 2 năm 1955 ở San Francisco, đứa bé đã được mang cho một gia đình nghèo hiếm con. Cha mẹ nuôi của Steve là ông bà Paul và Clara Jobs. Học tiểu học và trung học tại Cupertino, sau đó ghi danh học tại Reed College ở Portland. Chỉ được đúng một semester, cậu bé phải bỏ học vì không có tiền. Ra đời dang dở, tên là Jobs mà cậu chẳng bắt được cái job nào để nuôi thân, phải đi nhặt lon kiếm sống, ngủ bờ ngủ bụi và ăn cơm…chùa tại chùa Hare Krihna tới theo Phật giáo luôn! Trong thời buổi @ khởi đi từ cuối thế kỷ thứ hai mươi, muốn thăng tiến chỉ có theo con đường…@. Cậu bé Steve đã mày mò đi tới thành công. Chàng Steve đã…phiếm: nếu tôi chăm chỉ theo học đại học thì không có những sản phẩm hái ra tiền của Apple!

Ngay từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng hai người bạn hoàn thành dự án thương mại với phát minh ra computer Apple. Chính phát minh này đã khiến chiếc máy computer IBM kềnh càng dùng trong ngành kỹ nghệ và quốc phòng trở thành cái computer nho nhỏ có thể ngồi trên bàn trong các công tư sở và sau đó trong mỗi gia đình. Qua đầu thập niên 80, với máy McIntosh và con chuột ra đời thì nhân loại đã tiến sâu vào thời @. Thung lũng Santa Clara gồm cả San Jose và Cupertino đã trở thành thung lũng điện tử mà dân Việt ta đã tụ lại để sinh sống.

Thành công vượt bậc trong thế giới @, ông chủ Steve đi lên từ những chiếc lon nhặt nhạnh được vẫn giữ nguyên tác phong của một dân homeless. Vẫn ăn mặc theo kiểu bụi đời mặc dầu tài sản đã lên tới trên 8 tỷ đô! Học hành phá ngang nhưng Steve đã được rất nhiều đại học trên thế giới trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự. Tất cả những phúc lộc của cuộc đời tụ hội trong tay đều trôi tuột với chỉ một bất hạnh. Ông đã vướng vào căn bệnh phổ biến của thời đại: ung thư gan. Chỉ với 56 tuổi đời, Steve đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 5 tháng 10 vừa qua để lại một vợ bốn con còn trẻ dại. Trong cuộc đời đã nhiều lần tới đọc diễn văn ra trường cho các tân khoa Đại học, bài diễn văn mới đây của ông có lẽ là bài diễn văn quan trọng nhất. How To Live Before You Die? Sống Ra Sao Trước Khi Chết? Ông đã đặt cho các tân khoa câu hỏi mang nặng tính triết học về lẽ tử sinh của kiếp người. Gia tài ông để lại không chỉ là bạc tỷ mà là những tư tưởng của một lối sống luôn biết vươn lên. Và một bản doanh mới của Apple mà ông không có thể chờ được ngày khánh thành. Trụ sở mới có mô hình như một phi thuyền vĩ đại với đủ chỗ làm việc cho 13 ngàn nhân viên và 10 ngàn chỗ đậu xe. Địa điểm: Cupertino, nơi ông chào đời và trải qua những ngày túng thiếu!

Miếng bánh tablet ngon ăn đang bị các công ty điện tử khác nhào vào chia chác với Apple. Nào là Acer Iconia, Samsung Galaxy, Lenovo Thinkpad, Archos 70, nào là Asus Eee Pad, Toshiba Thrive, Viewsonic gTablet, Blackberry Playbook. Cứ loạn cả lên. Cạnh tranh rốt ráo nên đua nhau hạ giá. Có chiếc từ 500 đô xuống nửa giá còn 250 đô. Anh HP Touchpad, vừa mới trình làng được 7 tuần lễ, coi bộ thấy không ổn nên tuyên bố không sản xuất nữa và mang số tồn kho cả vài trăm ngàn cái ra bán đổ bán tháo với giá chỉ 100 đô trên online. Tôi vớ được một cái. Đừng nghĩ tôi là người nhanh tay nhanh chân mà tội nghiệp. Ba ngày sau khi bắt đầu bán tôi mới biết. Vội vào online mua cho có với thiên hạ. Máy hỏi tới số credit card tưởng đã ngon ơ. Ai ngờ chỉ một ngày sau nhận được e-mail thông báo sorry máy đã hết vèo trong những giờ đầu tiên. Số tôi có lẽ là số @ nên có đứa cháu ở tuốt tận North Carolina mua được hai cái, nhường cho ông bác còn rất nhiều máu tò mò một cái. Vậy là cũng được vọc cái HP Touchpad tới nát nước. Nếu không có cái giá bèo này thì còn phải nghĩ ngợi chán khi muốn rước về một món đồ chơi…cao cấp! Phải công nhận là dùng rất tiện lợi. Cứ ấn ngón tay vào màn hình là muốn coi cái chi cũng đặng. Không lích kích mỗi khi mang ra xài như laptop. Hình ảnh lại rõ ràng. Chơi đủ kiểu. Facebook, Twitter, YouTube, Skype, e-book, e-frame, e-mail…trò nào cũng được. Lại rất thú vị cho những cặp mắt đã nhấp nhem khi chỉ cần dùng hai ngón tay xoãi ra trên màn hình là chữ đọc nở lớn bằng con gà mái! Nhưng chỉ để chơi. Để viết Phiếm thì quên đi!

Tưởng chốn gió tanh mưa máu như thị trường tablet này chẳng ai dám héo lánh tới nữa. Vậy mà Amazongan cùng mình. Ông chủ Amazon,Jeff Bezos, vừa công bố sẽ cho ra đời máy Kindle Fire để nhảy vào cạnh tranh trong thị trường càng ngày càng lớn mạnh của tablet. Tuyệt chiêu của ông là giá cả. Kindle Fire chỉ bán với giá 199 đô trong khi iPad rẻ nhất cũng có giá 499 đô! Máy sẽ bắt đầu được tung ra thị trường vào ngày 15 tháng 11 sắp tới.

Tablet là đồ chơi của người lớn nhưng các bậc cha mẹ đang bị con nít dành. Theo một thăm dò thì bây giờ con nít say mê chơi game và coi phim trẻ em trên tablet từ năm 2 tuổi. Thằng cháu tôi, vừa tròn 3 tuổi, tay đã quệt trên màn ảnh chiếc iPad2 của bố mẹ như máy. Biết nhu cầu của bố mẹ muốn cho con nít chơi riêng một cái tablet đơn giản, hãng Leapfrog chuyên sản xuất đồ chơi con nít xông ngay vào chiến trường mini này. Họ sẽ tung ra chiếc tablet cho con nít vào dịp Giáng Sinh sắp tới với giá rất mềm là 109 đô.

Laptop, tablet, iPhone, iPod và nhiều thứ linh tinh khác đang góp phần giết chết chiếc computer để bàn desktop, mới ra đời được ba chục năm nay. Sẽ không còn cảnh chiếc computer ngồi trên bàn làm việc nữa. Ra đời chính xác vào ngày 12 tháng 8 năm 1981, desktop đã làm mưa làm gió, quất sụm một lúc máy đánh chữ, các hồ sơ lưu bằng giấy, những bộ bách khoa từ điển dày cộm, máy tính cầm tay, máy ghi âm cồng kềnh, máy chiếu hình, cuốn sổ tay, danh bạ. Tội của desktop kể cũng khá nặng. Tưởng nó sẽ sống lâu. Ai ngờ mới ba chục năm mà nó đã sửa soạn đi vào bảo tàng viện! Doanh thu của desktop đã xuống thảm hại. Hãng HP đã ngưng sản xuất. Google đã lơ là để qua o bế các thứ máy di động. Tương lai của computer sẽ là những chiếc máy nhỏ gọn dưới hình thức những chiếc bút viết hoặc cuốn lại thành một chiếc ống đeo lủng lẳng ở vai. Khi cần sử dụng người ta chỉ việc bày ra, dùng ngay mặt phẳng nào đó làm màn hình. Thật gọn gàng và tiện lợi.

Khi tôi tới phi trường Mirabel và được thấy lần đầu tiên chiếc computer tính ra đã được 26 năm. Chiếc computer nay đã…toan về già. Khi nhìn thấy chiếc computer đầu tiên, vừa ngạc nhiên vừa cảm phục, tôi không bao giờ tưởng tượng được nó mệnh yểu như vậy. Đó là đặc tính của thời đại điện tử @. Thời gian vùn vụt như ánh sáng. Ngày xưa chúng ta ví thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Ngày nay bước chân của ngựa chỉ là trò trẻ. Thời gian bước đi gấp gáp hơn nhiều. Sống trong thời đại @, con người có mau tàn như những chiếc computer không? Tôi nghĩ tới hai ông cha đẻ, một của e-reader Michael Hart, một của iPad Steve Jobs. Một ông đã ra đi vào tuổi 64, một ông đã hẹn gặp tử thần ở tuổi 56. Chẳng lẽ nhẫn tâm cũng là một đặc tính của thời @!

10/2011