@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

NGỦ

Chúng ta thường nói “ngủ ngáy” nghe cho có vần có điệu. Nhưng nếu bẻ chữ ra thì “ngủ” là tốt, “ngáy” là không tốt. Tốt sao được khi đêm khuya thanh vắng mà sóng dậy biển Đông, rất phiền cho người hàng xóm nằm bên cạnh. Vậy thì bỏ qua chuyện ngáy, chỉ nói tới chuyện ngủ cho…yên tĩnh.

Mấy ông bạn già của tôi, ông nào ông nấy, cứ đụng tới chuyện ngủ là than. Ngủ ít, khó ngủ là thực đơn mà hình như ông nào cũng đã nếm qua. Càng già càng khó ngủ. Cũng như càng già càng khó tính. Con nít chẳng bao giờ có chuyện năm canh trằn trọc. Thằng cháu tôi, tới giờ ngủ, cho cái tí giả vào miệng là mắt đã nhắm tít. Không biết nếu mấy ông bạn già của tôi, miệng có tí ti…giải trí có dễ ngủ hơn không. Chắc không! Vì các ông ấy không bao giờ thích xài đồ giả.

Tại sao già lại khó ngủ? Vì sống lâu quá nên cơ thể giảm hiệu quả hoạt động, hệ thống kiểm soát nhịp sinh học trong đó có nhịp thức ngủ cũng…làm biếng, cơ thể chai đi nên khó thích nghi với những thay đổi tác động vào cơ thể, gây rối loạn hoạt động trong đó có giấc ngủ. Đó là nguyên nhân sinh lý, già thì phải vậy. Chạy trời không khỏi nắng.

Già lại sinh bệnh khiến mất ngủ. Như bệnh đau đớn, nhức mỏi, nhất là ba cái khớp xương Chuyện này tôi mới trải qua. Chỗ đau cứ giật giật như hồi chuông đánh thức, ngủ chi nổi. Già thì tim cũng già, đập lộn xộn gây ra rối loạn nhịp thở dẫn đến mất ngủ. Tim suy thì thận cũng suy, cứ xoành xoạch thức giấc đi giải thủy, vậy là trắng mắt. Chấn động tâm lý như mất người thân, một ông bạn già chán sống đi ngủ với giun hay bà hàng xóm bỗng quay cu lơ vào nằm trong hòm, hoặc lơ mơ nghĩ ngợi tới những chuyện như tiền già mới bị cắt bớt, con cháu bỏ bê, cô đơn buồn tủi. Mấy món ăn chơi này món nào cũng tái tê mất ngủ.

Nói tới chuyện ngủ ngáy của mấy ông già, chán chết. Tuổi tác làm cho các ông bà via cà cộ khó ngủ hay ngủ ít là chuyện dĩ nhiên, chẳng có chi làm rung động thế giới. Nhưng than thì trái địa cầu to sù cũng phải lắc lư. Chuyện ngủ ngáy của giới trẻ mới động lòng các nhà khoa học. Tôi muốn nói tới một hội nghị của bốn chục nhà khoa học Canada và Mỹ chuyên nghiên cứu về giấc ngủ vừa được tổ chức tại thành phố Montreal này. Hội nghị đã cho rằng mất ngủ hay ngủ ít không còn là chuyện cá nhân mà là chuyện cộng đồng. Nó làm nguy hại cho tất cả chúng ta. Cũng như sự cảnh giác của các  bác sĩ cấp cứu đã mang tới việc ra luật bắt buộc ngồi xe phải nịt đàng hoàng; báo động của các bác sĩ chuyên khoa phổi đã mang tới luật buộc các hãng sản xuất thuốc lá phải ghi cảnh báo bằng hình ảnh ghê rợn trên các bao thuốc bán ra khiến dân số phì phèo giảm hẳn đi; các nhà…ngủ học trong hội nghị này đã đề nghị phải ấn định một chính sách…ngủ. Ngủ có chính sách, nghe lạ tai thiệt! Nhưng theo các nhà khoa học này thì mất hay thiếu ngủ làm chuyện xã hội không…yên giấc. Bởi vì mất ngủ gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mập phì, ung thư, tim mạch và rối loạn cơ thể. Bệnh thiếu ngủ còn làm suy yếu hệ miễn dịch trong mỗi người. Đó là những thứ bệnh mà có nhiều vị tắc lưỡi coi như pha vì không thấy ngay tức thời. Chưa thấy quan tài,chưa đổ lệ. Nhưng thiếu ngủ gây ra những bất cẩn trong cuộc sống hàng ngày thì hậu quả nhãn tiền, thấy ngay tức khắc. Con gái tôi đậu xe dọc vỉa hè trước nhà, sáng sớm đã bị một chiếc xe chạy loạng quạng húc vào bẹp dí bên sườn xe. May mà có người trong nhà trông thấy, chạy vội ra bắt quả tang tài xế chiếc xe gây tai nạn. Đó là một thanh niên đi bỏ báo từ sớm, thiếu ngủ, trên đường về sau khi đã bỏ báo xong, buồn ngủ quá, thiếp đi, mất kiểm soát tay lái gây ra cú đụng. Hình như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về vụ lái xe buồn ngủ này, nhất là khi chạy đường trường trên xa lộ. Mấy ông tài xế xe tải thì khỏi nói. Rất nhiều tai nạn chết người trên xa lộ mà thủ phạm đích thực là…ngủ thiếu. Thống kê tại Mỹ cho biết 20% tai nạn xe cộ là do thiếu ngủ gây ra. Trên xa lộ 112 ở Rougemont, gần Montreal, nơi chúng tôi thường tới hái táo trong các khu vườn rộng mênh mông, một chiếc xe pickup đã cán chết ba người đi xe đạp. Chuyện xảy ra từ tháng 5 năm 2010 nhưng tới nay mới có kết luận điều tra. Nguyên nhân tai nạn là vì thiếu ngủ. Tài xế là một thanh niên 29 tuổi, làm việc tại một công ty chuyên ráp hệ thống báo động. Trong vòng 36 tiếng trước khi xảy ra tai nạn, đương sự làm việc 23 tiếng và chỉ ngủ có 4 tiếng. Bốn tiếng nhắm mắt này cũng không thẳng giấc vì phải trông chừng đứa con bị đau! Luật An Toàn Giao Thông Trên Xa Lộ của tỉnh bang Quebec (Quebec Highway Safety Code) không chỉ thị rõ ràng việc lái xe khi mệt nhọc. Luật chỉ nói lơ mơ cấm “bất cứ hành động nào có thể làm nguy hại tới tính mạng hay tài sản”. Hình phạt tối đa chỉ là một ngàn đồng tiền phạt và trừ 4 điểm bằng lái. Bà Suzanne Lareau, chủ tịch tổ chức Vélo Québec, tỏ vẻ bất bình: “Điều tôi thấy kỳ cục là khi tài xế lái xe trong lúc say rượu, khi chạy quá tốc độ cho phép, khi dùng ma túy, thì có hình phạt. Nhưng khi ngủ trên tay lái thì họ chỉ thấy đáng tiếc!”.

Nhà tâm lý học Reut Gruber của Trung Tâm Tâm Thần Douglas cho biết là có tới 25% người trưởng thành thiếu ngủ mà trầm trọng nhất là giới thanh niên. Tám chục phần trăm sinh viên Canada thiếu ngủ, 43% học sinh đi ngủ rất trễ. Hậu quả xã hội thấy rất rõ trong thành phần các sinh viên y khoa ở Bắc Mỹ phải trực 24 giờ tại các bệnh viện: khó tiếp thu kiến thức và gây ra các nhầm lẫn về chẩn bệnh và chữa bệnh mang lại nguy hiểm cho các bệnh nhân.

Một báo cáo mới nhất của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) tại Mỹ được phổ biến trên FoxNews cho biết là gần một phần ba công nhân tại Mỹ thiếu ngủ. Họ ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm trong khi tiêu chuẩn ngủ tối thiểu do cơ quan National Sleep Foundation đề nghị là từ 7 đến 9 tiếng. Các công nhân làm ca đêm thì còn thiếu trầm trọng hơn nữa, tới 44% lận! Thiếu ngủ là cái chắc bởi vì ngủ bù vào ban ngày không có chất lượng bằng ngủ đêm. Cái gì làm ngược với thiên nhiên là coi như…thua! Bản báo cáo nói trên viết: “Tìm cách ngủ ban ngày khi mà melanin xuống thấp (melanin là một kích thích tố trong cơ thể do tuyến não thùy tiết ra, vốn góp phần cho giấc ngủ) và nhiệt độ cơ thể tăng cao, thường đưa đến những giấc ngủ chập chờn từng chặp”. Làm ca đêm là một cuộc chiến chống với sự thèm ngủ. Cuộc chiến triền miên trong suốt ca làm việc mà rất nhiều lúc quân ta thua gật lia lịa. Một anh chàng mới xin được việc làm canh gác ban đêm cho một công ty. Sau ca làm việc đầu tiên, sáng hôm sau, Giám Đốc công ty ra vẻ chú tâm tới nhân viên, thân mật hỏi: “Thế nào, đêm làm việc đầu tiên ở đây anh ngủ ngon chứ?” Anh bảo vệ cảm động trả lời: “Dạ, cám ơn ông Giám Đốc hỏi thăm, em ngủ rất ngon ạ!”. Ông Giám Đốc nhếch mép cười nói: “Vậy thì anh có thể nghỉ việc được rồi đấy!”.

Giấc ngủ bù vào ban ngày đối với những người làm ca đêm thường là những giấc ngủ thiếu hụt. Ngủ vào thời gian trái khoáy, khinh thường thiên nhiên, làm sao mà khá được. Lại nữa, ban ngày mọi người sinh hoạt ồn ào, mình bịt tai vùi đầu vào giấc ngủ, thức giấc từng chặp là cái chắc. Vì sao vậy? Nghiên cứu của Tiến Sĩ Đặng Vũ Thiên Thanh chỉ rõ tại sao. Nhưng trước hết phải giới thiệu ông Tiến sĩ dân Việt ta này một chút. Anh còn rất trẻ, sanh năm 1980, năm nay mới 32 cái xuân xanh. Vợ con hay chưa thì tôi không biết. Anh theo bố mẹ sang định cư tại Bỉ từ khi mới 2 tuổi. Anh nổi tiếng học giỏi. Trong bảy năm dùi mài…kim chích tại trường Đại học Y Khoa, anh chỉ có hai lần “bị” xếp hạng ưu. Những năm khác toàn là…tối ưu! Tấm bằng Bác sĩ Y khoa anh đoạt được năm 23 tuổi dĩ nhiên cũng là tối ưu. Cầm tấm bằng bác sĩ trong tay anh có hai lựa chọn: hành nghề hay nghiên cứu. Hành nghề thì nặng túi hơn nhưng anh chọn nghiên cứu. Ít tiền nhưng thích thú hơn. Anh vốn có tâm hồn nghệ sĩ, coi đồng tiền rất nhỏ. Anh nói: “Quả thật vẫn còn nhiều chênh lệch về thu nhập giữa bác sĩ các chuyên khoa khác nhau và giữa người làm công tác nghiên cứu với người điều trị lâm sàng. Nhưng với tôi, các giá trị nhân văn và khoa học mới là mục tiêu tối thượng của nghề y chứ không phải yếu tố tài chính”. Anh có cuộc sống của anh, một cuộc sống rất nghệ sĩ của một nhà khoa học. Anh không chúi mũi vào việc học nhưng biết tổ chức hài hòa việc học tập và giải trí. Anh cho biết: “Tôi không phải “mọt sách” chỉ biết đến công việc. Tôi thích nhạc cổ điển và rất hay tìm hiểu về nghệ thuật nói chung. Những năm làm sinh viên y khoa, tôi vẫn theo học các lớp âm nhạc (piano, thanh nhạc, lịch sử âm nhạc). Tôi cũng thường xuyên đi xem các buổi biểu diễn hòa nhạc, opera và xếp lịch để chơi thể thao, đi du lịch. Những hoạt động này đã giúp tôi có một cuộc sống cân bằng”. Là một người ham nghiên cứu, học hỏi, anh thích ném mình vào những lãnh vực đòi hỏi nhiều tư duy. Thần kinh học là một trong những ngành phức tạp nhất của y học. Thành phố Liège, nơi anh định cư cùng gia đình lúc đó, lại là cái nôi của một trong những ngóc ngách của thần kinh học: nghiên cứu về giấc ngủ. Anh liên lạc với Trung Tâm Cyclotron thuộc Đại Học Liège và Giáo Sư Pierre Maquet, một nhà khoa học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu giấc ngủ thông qua phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Anh bị hút vào lãnh vực nghiên cứu này. Đây là một lãnh vực liên quan đến nhiều mặt của y khoa như thần kinh học, tâm thần học và đặt ra những vấn đề quan trọng về khoa học như bí mật của giấc mơ, chức năng của giấc ngủ, ý thức của con người trong giấc ngủ…

Người bác sĩ trẻ nhất của Hiệp Hội các Bác Sĩ Quốc Gia Bỉ đã và đang làm việc tại các đại học, bệnh viện và các tổ chức khoa học hàng đầu thế giới như Quỹ Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Bỉ (FNRS), bệnh viện Pitie-Salpêtrière tại Paris, bệnh viện Zurich ở Thụy Sĩ, Đại học Harvard ở Hoa Kỳ và Đại Học Montreal. Kể từ năm 2004 tới nay, Tiến sĩ Thanh đã giành được 12 giải thưởng lớn của Bỉ, Âu châu và Hoa Kỳ về các công trình nghiên cứu của anh..

Hãnh diện về một tài năng của đất Việt, tôi mải mê nói về anh nhưng vẫn nhớ chuyện nhà khoa học của chúng ta lý giải chuyện tại sao giữa tiếng ồn ào, người thì ngủ tỉnh bơ người thì trằn trọc thức giấc. Cái khác nhau của họ là tần sóng não. Anh và các cộng tác viên chọn 12 người trưởng thành và cho họ ngủ trong phòng thí nghiệm ba đêm. Đêm đầu tiên hoàn toàn yên tĩnh nhưng hai đêm sau thì tạo ra rất nhiều tiếng động như tiếng chuông điện thoại reo, tiếng người nói chuyện, tiếng máy móc chạy ầm ầm. Kết quả cho thấy những người có tần sóng não cao thì ít bị thức giấc bởi các tiếng ồn chung quanh. Anh Đặng Vũ Thiên Thanh nói với AOL Health: “Thông điệp chung là bạn có thể đoán biết chính xác người nào nhạy cảm với các âm thanh trong giấc ngủ, và một trong những dấu hiệu chính cho sự phỏng đoán này chính là tần số các đợt hoạt động của sóng não trong giấc ngủ”. Đồng tác giả của công trình nghiên cứu Jeffrey Ellenbogen tại Bệnh viện Đa Khoa Massachusetts thuộc Đại học Harvard giải thích thêm: “Não càng tạo ra nhiều sóng thì bạn càng có thể ngủ ngon cho dù chung quanh có rất nhiều tiếng ồn”.

Mấy ông bạn già nhiều chuyện của tôi bĩu môi bĩu mỏ: nghiên cứu như vậy có lợi chi đâu! Ai ngủ được, ai khó ngủ là…ý trời, nghiên cứu với ngâm cứu làm chi cho tốn công tốn của! Mấy ông già này biết một mà không biết hai. Chính việc chỉ rõ tường tận hoạt động của sóng não trong giấc ngủ sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra các loại thuốc hay thiết bị giúp gia tăng khả năng chịu ồn trong giấc ngủ, góp phần điều trị chứng rối loạn giấc ngủ cho nhiều người. Tiến sĩ Ronald Kotler thuộc phân khoa Y trường Đại Học Pennsylvania vỗ tay: “Đây chính là một nền tảng cơ sở mở ra rất nhiều hướng đi khác trong các lãnh vực liên quan đến giấc ngủ”.

Nghiên cứu của nhà khoa học trẻ tuổi đẹp trai  có cái tên hay hết biết Đặng Vũ Thiên Thanh và các cộng tác viên sẽ mang lại giấc ngủ yên lành cho các người nhạy cảm với tiếng ồn khi ngủ. Nhất là các người có tuổi khó ngủ, làm sao cho họ có thể yên giấc được đủ 6 tiếng mỗi ngày. Ông Luân Hoán thì tôi bảo đảm không có được 6 giờ vàng ngọc này mỗi ngày. Ông nhà thơ này ngủ rất vất vưởng, chẳng ra sao cả. Ông nhà thơ Lưu Nguyễn thì khác. Cứ cho ông tự do ngủ chắc ông có thể chơi tới…24 giờ mỗi ngày! Tôi, tuổi thì cũng đã có nhưng ngủ cũng có luôn. Không bằng được ông Lưu Nguyễn nhưng cũng bỏ xa ông Luân Hoán. Cái “đức” ngủ của tôi cũng vào loại khá, được vợ tặng cho chữ “mắt liền”! Biến báo là nghề của chàng nên tôi đổ cho cái…di truyền. Ông nội tôi, ông bố tôi cũng thuộc loại dễ ngủ. Tới tôi thì có ngủ quá 6 tiếng mỗi ngày thì cũng đúng ý trời! Cãi như vậy tưởng là cãi chầy cãi cối nhưng tôi cãi có cơ sở khoa học đàng hoàng. Người ra tay giúp đỡ tôi là Giáo sư Ying-Hui Fu của Đại học California ở San Francisco. Ông giáo sư thần kinh học này, sau nhiều cuộc nghiên cứu đã nghi ngờ là sự biến đổi di truyền đóng một vai trò nào đó trong cơ chế kiểm soát giấc ngủ. Ông quan sát một gia đình sống tại California trong đó có hai mẹ con có giấc ngủ như nhau. Họ đi ngủ vào khoảng từ 10 giờ rưỡi tới 11 giờ đêm và dậy vào khoảng từ 4 giờ đến 4 giờ rưỡi sáng. Ông thử nghiệm máu của hai mẹ con và thấy họ cùng có một biến đổi nhỏ về di truyền gọi là hDEC2 có tác động đối với các gene khác và có liên quan đến cách ngủ. Những người khác trong gia đình không có sự biến đổi di truyền này và họ ngủ ngon lành 8 tiếng mỗi đêm chứ không chỉ ngắn khoàng 5 hoặc 6 tiếng như hai mẹ con này. Để xác định chính sự biến đổi gene này đã gây nên sự ngủ ít của hai mẹ con, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ying-Hui Fu đã tạo ra những con chuột có sự biến đổi di truyền trong cùng một gene. Kết quả là những con chuột này đã có giấc ngủ ngắn khác thường. Giáo Sư Fu giải thích: “Phát hiện này cho thấy hệ thống di truyền trong cơ thể con người điều chỉnh việc chúng ta cần ngủ bao lâu”. Ông còn cho biết thêm là nhóm nghiên cứu chưa biết cơ chế này được thực hiện như thế nào nhưng phát hiện này đã mở ra một cơ hội để tìm hiểu cặn kẽ cơ chế điều phối giấc ngủ và thời gian ngủ.

Tôi chẳng biết nghiên cứu chi nhưng cứ nhận xét chung quanh thì thấy quả di truyền có vai trò trong việc ngủ nghê. Gia đình ông bác tôi rất mộ đạo. Tối nào cả gia đình cũng tụ tập để đọc kinh tối trước khi đi ngủ. Mới bắt đầu thì giọng đọc của mọi người còn vững chắc, rổn rảng, hàng xóm chắc cũng nghe thấy. Nhưng rất nhiều lần, hàng xóm là tôi thấy tự nhiên bên nhà ông bác im ắng trong khi tôi biết chắc là buổi đọc kinh chưa…amen! Tôi lén nhìn vào cửa sổ. Cả nhà gật lia gật lịa, không ai đọc nữa. Vậy là di truyền chứ chi! Mới đây, tôi được coi một bức hình chụp trong một buổi lễ chẳng biết là lễ chi, trên khán đài danh dự cả hai mẹ con Nữ Hoàng Elizabeth II của Anh và cậu con trai…già là Thái Tử Charles, ngồi mắt nhắm tít không biết đang lạc vào chốn tiên cảnh nào đó. Vậy là di truyền đứt đuôi rồi còn chi nữa!

Tục ngữ phán: ăn được ngủ được là tiên! Cứ  nhiều nhiều hai thứ ăn và ngủ là sướng ngất ngư như tiên. Sai bét! Thời gian ngủ lý tưởng của một người trưởng thành là từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Ngủ ít hơn thì thiếu ngủ, ngủ nhiều hơn thì…chết sớm! Các cụ ngày xưa chẳng biết nghiên cứu khoa học chi nên mới xúi dại con cháu cứ ngủ càng nhiều càng tốt. Một nghiên cứu do Đại học Warwick bên Anh thực hiện mới đây  cho thấy người lớn ngủ hơn 8 tiếng một ngày trong một thời gian dài có  nguy cơ đi ngủ với giun sớm gấp đôi so với những người chỉ ngủ 7 tiếng. Một nghiên cứu tương tự ở bên Phần Lan cho kết quả là nếu ngủ hơn 8 tiếng mỗi ngày làm tăng tới 20% nguy cơ tử vong sớm. Đặc biệt đối với các bà ở độ tuổi trung niên trở lên thì ngủ quá nhiều rất nguy hiểm. Đó là kết luận của một cuộc nghiên cứu tại Mỹ với sự tham gia của 93 ngàn phụ nữ trong độ tuổi từ 50 tới 79. Những người ngủ từ 9 tới 11 tiếng một ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 60% đến 70% so với những người ngủ 7 tiếng. Ngoài ra những người ngủ nhiều còn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mập phì, tiểu đường và tim mạch. Vậy là lại cứ theo gót ông Khổng Tử mà trung dung cho chắc ăn. Chuyện gì cũng vậy, đừng ham hố quá. Ngủ thì 7 tiếng thôi, chẳng nên ngủ nhiều kẻo sớm triền miên ngủ với giun với dế!

Ngủ nhiều có hại nhưng ngủ nhiều cũng có cái lợi. Không lợi cho mình mà lợi cho con cái. Thời buổi bây giờ thanh niên nam nữ yêu nhau là xáp vào nhau một cách dễ dàng ngoài tầm kiểm soát của các bậc mẹ cha. Ngày xưa chẳng được như vậy, chuyện chi cũng lén lút. Tình yêu luôn là chuyện khuất tất phải giữ kín không cho ai hay, nhất là các đấng sinh thành. Ông bà via mà biết được chỉ có nước nhừ đòn. Trai gái tình nhân ngày xưa chỉ mong chờ giấc ngủ của cha mẹ để thoát ra khỏi nhà tằng tịu với nhau. Bởi vậy nên cầu trời cho bố mẹ càng ngủ nhiều càng tốt, càng ngủ say càng dễ hành động. Bố mẹ có ngủ tới hơn 7 tiếng, sớm về với tổ tiên thì…cũng đành. Con cái vẫn cứ mong chờ tiếng ngáy trong đêm của mẹ cha.

Đêm nằm thổn thức vào ra
Chờ cha mẹ ngủ lén qua thăm mình
Tui than hết sức, tui dứt hết tình
Thiếu điều cắt ruột trao cho mình, mình ơi!

05/2012