@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

NHỨC

Trời đất đang đổi mùa. Từ đông sang xuân. Dứt được những tháng ngày lạnh giá, ai cũng khoái chí tử. Trời hành trời làm cơn lạnh mỗi năm. Năm nào như năm nấy, sống trong cái lạnh mùa đông, con người như một con vật chui rúc. Chán chết. Vậy nên khi cái giá lạnh rút quân, con người như sống lại một đời sống mới. Năm nay, đời sống mới này hại tôi!

Đúng lúc chuyển mùa, cái đuôi mùa đông quật cho tôi một đòn đau điếng. Sáng ngủ dậy, bước chân xuống khỏi giường, bỗng thấy như khuỵu xuống. Chân tê dại. Lựa thế, thử lại cú nữa, người như muốn nhẩy lên. Không xong. Cái chân đang chơi trò phản bội. Nắn nắn thử. Hóa ra phía đàng sau mắt cá chân phải có chuyện. Ấn thử vào, thấy nhói đau. Cố gắng đứng lên. Nhức buốt chạy dài khắp cơ thể. Đành hạ mình nằm chờ đợi. Cái gân phía sau gót chân nhất định bất hợp tác. Đụng vào là buốt. Đứng lên là cả một cực hình.

Nhà có sẵn cây gậy, dựa vào, đứng lên, thử bước vài bước. Đi được nhưng đi trong nước mắt. Mỗi bước đi là một cái nhăn mặt. Coi xí trai hết biết. Chỉ vài giờ sau, cây gậy coi bộ yếu. Không vững vàng chút nào. Bước đi một bước chân quặn đau, chịu chi thấu. Nghĩ tới cây nạng. Giá cặp nạng cũng cả trăm đô, khỏe chân nhưng yếu…lòng. Mà biết tình trạng này kéo dài chừng bao lâu mà nạng chi cho phí. Chẳng lẽ ngày một ngày hai, xếp cái thứ bạc trăm này vào xó. Cùng tắc biến, nghĩ tới thằng con rể vài năm trước đây chơi bóng chuyền nhảy hăng quá, te tua cái gân gót chân phải đi nạng tới mấy tuần. Cây nạng đó nay ở mô? Bèn phôn hỏi. Còn nhưng không biết bây giờ ở chỗ nào trong nhà, phải có giờ kiếm. Buổi tối, đi làm về, kiếm được, con gái vội rước nạng lên xe tới nhà bố. Vậy là có đồ chơi. Điều chỉnh chiều cao xong, thử hai cây một lúc, dễ chịu nhưng trông…thương phế binh thời bình quá. Mất mặt bầu cua. Thử một chiếc, vất vả một chút nhưng…tư cách hơn. Vậy là cứ chơi với nạng đi loanh quanh trong nhà tới cả chục ngày mới…dứt nạng!

Mấy ngày đó, tôi mang bệnh dị ứng với những chiếc máy hình. Hình hạp vào mùa thương khó này coi bộ quê dữ! Khổ vì cái gân chân nhưng…sang! Vì giống các nàng đấu thủ quần vợt vừa đẹp vừa đông địa. Chỉ khác chút đỉnh là mình bị thời tiết quật, còn các nàng bị banh quật. Chỉ nguyên trong tháng 2 năm 2012 này, có tới bốn nàng bị chấn thương mắt cá. Trước hết là người đẹp Sharapova. Chắc cô nàng chạy nhiều quá, mắt cá chân không chịu nổi nên nghỉ chơi. Mấy ông bạn tôi, rặt một thứ thầy bàn nên…tán. Cô bé xinh xinh nhưng có tiếng hét vang rừng vang núi này mới đính hôn với anh chàng đấu thủ bóng rổ của đội Los Angeles Lakers tên Sasa Vujaic nên mới bong mắt cá chăng! Cô nàng thứ hai là Serena Williams. Lại mấy ông bạn thầy bàn của tôi luận. Cô này bong mắt cá chân là phải. Chỉ nguyên việc phải cõng những thứ phụ tùng nặng nề trên người mà chạy cũng đủ banh ta lông rồi. Nói chi tới chuyện chạy theo trái banh! Cô nàng một con Kim Clijsters cũng bong gân mắt cá trái. Cô này chắc đúng là chấn thương vì nghề nghiệp: cô bị trong trận đấu với đấu thủ Trung quốc Na Li trong giải Australian Open. Tuy vậy cô vẫn thắng. Trận sau, khi đấu bán kết với Victoria Azarenka, chấn thương đã làm cô thất bại. Cô nàng vô địch Australian Open năm nay Azarenka này, cuối cùng, cũng…bong gân. Trong trận chung kết giải Qatar sau đó với nữ đấu thủ Stosur, Azarenka đã phải dùng thuốc giảm đau để đi tới chiến thắng. Nhưng hậu quả là cô phải bỏ không tham dự giải Dubai được!

Tôi tạt qua mấy cái gân mắt cá chân của bốn cô nàng tên tuổi trong giới quần vợt cốt để khoe mình bị thương gân gót chân là cùng loại với toàn thứ dữ. Ra cái điều…họ hàng. Cũng đáng chục ngày cà nhắc với chiếc nạng. Nhưng chỉ một tuần sau khi vứt được chiếc nạng, chân tôi lại bị quật ngã. Lần này là chân trái. Chân thay đổi, vị trí đau cũng thay đổi. Từ gót chân, nỗi đau tiến lên tới ngón chân. Đầu tiên là ngón chân út bé bỏng sưng tấy lên đỏ nhừ. Vết sưng di chuyển trong vài ngày, từ ngón chân út qua tới ngón chân cái. Nửa bàn chân vêu vao đỏ loét, nhức nhối thấy ông bà ông vải. Các ông bạn tôi rủ tôi đi nhậu không được bèn mắng: khi chết người ta chết từ bàn chân trở lên, tên này đi đúng lộ trình!

Lần này thì đúng là anh thời tiết chơi xấu. Không gout thì cũng rheumatism. Chẳng gút thì cũng phong thấp. Nhức chịu không nổi bèn được giới thiệu đi chụp hình chân. Ngồi trên chiếc giường cứng, bày chân ra dưới chiếc máy chụp, chưa bao giờ tôi có cơ hội ngắm chân mình kỹ càng đến như vậy. Hai bàn chân, một mũm mĩm đỏ lòm, một ốm ốm trắng xanh. chúng đã dẫn tôi đi trên đường đời khá lâu, quá lâu là đằng khác, vậy mà hôm nay tôi mới…diện kiến chúng. Chúng rực lên dưới ánh đèn pha, lật ngang lật ngửa mỗi bên ba kiểu chụp. Có bao giờ chúng được xuất hiện một cách trang trọng như thế này chưa? Cái mặt thì mòn đi vì đèn chụp chứ cái chân mang phận…dưới chỉ biết chạm đất chứ có bao giờ được ra ánh sáng như thế này đâu. Tôi thầm cám ơn anh gút hay phong thấp đã cho tôi dịp biết ơn đôi chân lấm láp.

Nhức chân là một cực hình. Thấy tôi rên rỉ, mấy ông bạn tôi coi bộ cứ lơ đi. Tìm được lòng thương nơi mấy ông hay cà khịa và nhiều ghen tương này coi bộ khó. Một ông còn mỉa mai: ông này chậm…nhức, như trẻ chậm mọc răng vậy! Hóa ra ông nào cũng nhức nhưng cứ cố bịt cái nhức lại cho ra cái điều ta đây…trai tráng. Chỉ có một ông hay la làng cái nhức. Đó là ông nhà thơ Luân Hoán. Ông này nhức…nhân tạo. Không phải vì thời tiết mà vì chiến tranh. Ông bỏ cái chân trái lại trên chiến trường Quảng Ngãi vì mìn. Đoạn chân thiếu hụt làm ông nhức kinh hồn. Nghe tôi nói chuyện cái chân nhức, ông hỏi ngay: “Anh đã ngâm nước nóng chưa?”. Nghe như luộc chân! Ông này là thợ nhức. Cứ thay đổi thời tiết là cái khúc chân trái của ông nhức. Nhức kinh khủng. Bao nhiêu loại thuốc nhức, ông ấy tỏ tường tên còn hơn thuộc tên tình nhân. Trời sắp mưa, sắp tuyết, sắp lạnh, cái chân đều mách bảo ông trước. Kể cũng vui, nhưng cách mách bảo của chúng thì không vui. Mách chi mà nhức nhối! Ngâm nước nóng chỉ là một chiêu, ông ấy còn chơi luôn máy sấy tóc, máy sưởi. Có cháy chân cũng không sao, miễn là hết nhức nhối.

nốc vào hai loại thuốc
Advil, Tylenol
ôm chân ngâm nước nóng
lấy sưởi tóc hơ tròn.

Cái nhức của tôi thuộc loại…tiểu học, chẳng ăn nhằm chi với cái nhức thuộc bậc…tiến sĩ của ông nhà thơ. Nhưng ông thi sĩ có nòi này cũng đã biến cái nhức thành thơ. Nhức mà ra thơ, kể cũng là loại thượng thừa. Mấy ngày nhức chân, tôi chỉ biết ôm chân nhăn nhó, có viết được chữ nào đâu. Nhưng thơ…nhức cuả ông Luân Hoán triền miên. Tôi cố vơ vội ít dòng kèm trong bài này để quý vị thưởng thức thơ…nhức.

đang ngon lành tử tế
tự nhiên nhảy dựng lên
gân chân có ai chích
xốn nhói rùng cả mình

thời tiết đang thay đổi
nắng mưa lạnh nóng gì
cái chân bị hành tội
tận tình như tiên tri

Cái nhức nhối làm ông có khả năng thay trời báo trước cho trần gian những trận bão, những vạt mưa, những khối tuyết. Đã có lần tôi xúi ông đi làm cho đài truyền hình thời tiết. Được welcome là cái chắc vì ông biết trước bụng trời còn chính xác hơn máy móc! Ông chỉ cười trừ vì…làm biếng. Ông chỉ thích làm có một chuyện: làm thơ. Có thể còn những chuyện ông khoái làm khác nhưng tôi không biết vì ông chẳng bao giờ nói.

Bây giờ tôi mới cảm thông được với cái nhức của bạn. Trước đây, mỗi khi trái gió trở trời, bạn tôi phôn kêu nhức , tôi chỉ biết cười trừ. Nhức đến thế nào, tôi chịu. Giờ tôi mới biết thế nào là nhức. Cả tuần lễ, tôi chịu đựng cái nhức hành hạ. Tới chịu không nổi mới a-lô ông Trang Châu. Gặp được ông này ở phòng mạch khó hơn gặp ông…trời! Cuối cùng cũng có tí thuốc giảm đau hiệu nghiệm hơn Tylenol. Bạn với mấy ông đeo ống nghe coi bộ khá! Hai ông Trang Châu và Luân Hoán đều là bạn văn nghệ, thứ bạn hết sức…tình. Thuốc…văn nghệ của ông Trang Châu chắc sẽ có ép-phê. Nhưng dù sao cái nhức cũng khiến tôi thông cảm được với ông Luân Hoán khi ông nhức quá đổ hỗn với…ông trời.

lại nhức, rõ khốn nạn
cái chân cụt thật rồi
ta làm gì nên tội
mà hành phạt suốt đời

mẹ kiếp đời bỉ ổi
hành xác ta làm gì
có giỏi vật chết tốt
ta thề không tiếc chi

Nhức của ông Luân Hoán là cái nhức nhân tạo do cái chân trái thiếu hụt gây ra. Một bà bạn tôi cũng nhức khủng khiếp nhưng là cái nhức…thiên tạo. Bộ xương của bà còn đủ, chẳng thiếu một mẩu nào. Nhưng mỗi mẩu xương là một bãi đáp cho cái nhức. Nhức liên miên, thuốc nhức uống trong xoa ngoài thứ nào bà cũng nhẫn mặt. Nghe tin tôi nhức, bà phôn chỉ cho đủ thứ thuốc. Tôi lúc nào cũng nghĩ mình còn…trai tráng nên rất ngại thuốc thang. Đành để những mách bảo chí tình của bà trong hồ sơ lưu trữ. Cái nhức của bà bạn tôi là cái nhức điên người. Nhức chạy vòng vòng trong xương. Không ai có thể tưởng tượng được đâu, bà than. Nghe tôi tả cái nhức, bà cười thú vị: vậy là từ nay anh có thể thông cảm được cái sự nhức nhối rồi đó! Cái nhức của bà là cái nhức xuyên đại dương. Cơn nhức chỉ tạm lui khi bà đi du lịch về các xứ nóng hay ra nghỉ ngoài các bãi biển ấm cúng. Đó là một cách chữa rất thú vị. Chuyện này thì tôi thông cảm được. Và rất muốn…nhức!

Đau nhức là thân phận con người, thứ sinh vật khóc ré lên khi chào đời. Chẳng ai thoát khỏi cái kiếp đau nhức. Nói chung chung là như vậy nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Như bé Ashlyn Blocker chẳng hạn. Cô bé năm nay 13 tuổi, cư ngụ tại tiểu bang Goergia ở Mỹ, chưa hề biết đau nhức là chi. Ngay khi chào đời, bé cũng chẳng thèm khóc. Và trong suốt 13 năm cho tới nay chữ “đau nhức” không hề có trong ngôn ngữ của bé. Tại sao vậy? Bởi vì bé…bệnh! Bệnh vô cảm bẩm sinh với đau nhức do một chứng rối loạn rất hiếm và không thể chữa được. Giới y khoa cho là bé bị đột biến của một hoặc nhiều gene kiểm soát khả năng cảm nhận sự đau nhức. Bệnh chi mà quý hóa vậy không biết! Phải chi mình cũng…đột biến có phải đỡ hít hà vì đau nhức như bây giờ không. Dĩ nhiên y học không bỏ qua trường hợp hi hữu này. Họ quấy nhiễu bé Ashlyn tới nơi tới chốn. Theo Foxnews, từ năm 2004, Tiến Sĩ Roland Staud thuộc Đại học Y Khoa Florida đã mời cô bé tới làm thí nghiệm để nghiên cứu kỹ hơn về trường hợp lạ lùng của Ashlyn. Ông cùng một nhóm chuyên gia đã tiến hành một loạt nghiên cứu về thể chất, tâm lý, di truyền và thần kinh của cô nhỏ. Trong một thí nghiệm về khả năng cảm nhận độ nóng và lạnh của đồ vật, họ nhận thấy cô bé có khả năng phân biệt được nóng và lạnh như mọi người chúng ta. Nhưng khi nâng hoặc hạ mức độ nhiệt độ xuống tới mức mà một người bình thường cảm thấy đau thì cô bé vẫn tỉnh bơ chẳng đau nhức chi. Bà mẹ của bé, chị Tara cho biết là năm bé được 2 tuổi, chị đã hoảng sợ khi bé bị bỏng nặng nơi lòng bàn tay và các ngón tay. Vậy mà cô bé 2 tuổi không hề khóc và cũng không nhăn mặt chi cả. Bé còn nói: “Con không sao mà mẹ!”. Trong khi đó bà mẹ khóc nức nở vì cảm được cái đau đáng lẽ con bé phải cảm thấy.

Không đau nhức chi, sướng chứ! Thân thể được miễn nhiễm một cực hình của đời sống. Nhưng như chúng ta thường ví von, đồng tiền nào cũng có hai mặt. Không phải chịu đau nhưng đồng thời bé Ashlyn không có khả năng cảm thấy sự nguy hiểm. Tiến sĩ Staud giải thích: “Cuộc sống với một người không biết thế nào là đau thực sự rất khó. Cảm giác đau đớn như là một dấu hiệu báo trước sự nguy hiểm và làm người ta tránh xa sự nguy hiểm đó. Nhưng khi đã không biết đau là gì, bạn không hề biết trước được sự nguy hiểm đó”. Vậy nên bé Ashlyn bị thương lia chia. Không kể vô số lần bị thương tích nhẹ, bé đã ba lần bị thương nặng phải đi cấp cứu. Thời gian nguy hiểm nhất là khi bé chập chững tập đi. Đây là giai đoạn đứa bé mày mò khám phá thế giới chung quanh và học biết thế nào là an toàn. Chẳng hạn như bé bị té, đau đớn, và từ cái đau đó nhận ra là lần sau phải cẩn thận để không bị té nữa. Nếu không thấy đau như Ashley thì huề! Cứ té lia chia. Có đau đớn chi đâu mà phải tránh.

Số người may mắn hay bất hạnh, hiểu sao cũng được, như bé Ashley không nhiều. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào năm 1932 và từ đó tới nay có khoảng 50 ca được chẩn đoán.

Vậy đau hay không đau? Thôi, xin được như một người bình thường, có đau đớn mới ra con người. Gặp khi nhức nhối như ông Luân Hoán, bà bạn tôi hoặc tôi bây giờ thì cứ thuốc mà chữa. Rồi ngày mai trời cũng sẽ sáng. Lại đi đứng hiên ngang như chưa từng đã có ngày phải gậy gộc nạng niếc rất nản chí trai!

Thuốc chữa trị hoặc làm giảm đau bây giờ thiếu giống chi. Mỗi năm thế giới chi hàng tỷ đô cho thuốc giảm đau và con số này càng ngày càng tăng. Hình như nhân loại ngày càng đớn hèn hơn. Họ nhác chịu đau. Bạn bè tuổi tôi, ông bà nào cũng ngốn mỗi ngày cả đống thuốc. Họ uống mỗi lần từng vốc chứ không phải từng viên. Uống thuốc nhiều không tốt cho sức khỏe, ai cũng biết vậy nhưng không uống thì nhức chịu chi nổi. Đúng là cái vòng luẩn quẩn. Vậy nên giới nghiên cứu y khoa vẫn phải bù đầu vào việc nghiên cứu. Một trong những vấn nạn là tại sao, với cùng một chấn thương, mà người này kêu đau nhiều hơn người khác? Các nhà khoa học của Đại học Minnesota đã thử làm một cuộc thí nghiệm. Họ chọn các tình nguyện viên và chia ra thành hai nhóm. Họ phát cho một nhóm mỗi người 80 tờ giấy bạc 100 đô, nhóm kia mỗi người 80 tờ giấy trắng. Họ yêu cầu các tình nguyện viên đếm các tờ giấy bạc hoặc giấy trắng trên tay. Tất cả đều không biết mục đích cuộc thí nghiệm. Họ chỉ được bảo là thí nghiệm muốn biết về mức độ khéo léo của các ngón tay khi đếm tờ giấy. Sau đó cả hai nhóm được bảo nhúng cả hai bàn tay vào một chén nước rất nóng và mô tả mức độ đau đớn bằng một thang điểm chung. Thêm vào là mô tả thời gian đau dài ngắn ra sao. Kết quả cho thấy là những người đếm tiền cảm thấy ít đau và thời gian đau ngắn hơn nhóm người đếm giấy. Nhóm nghiên cứu kết luận là não người có thể được điều khiển để dập tắt hoặc làm giảm cảm giác đau mà không cần dùng thuốc. Mấy ông bạn tôi phản ứng liền. Vậy mà cũng phải nghiên cứu, cứ cầm tiền thử coi có giảm đau ngay không. Ngặt một nỗi là thứ ăn tiền già thì tiền có tới đâu xào tới đó, dư dả chi mà cầm!

Cũng nghiên cứu giảm đau mà không cần thuốc, nhóm nghiên cứu của Đại học Y Khoa Stanford ở Mỹ lại không đi theo tiền mà đi theo…tình. Họ mời 15 sinh viên cả nam lẫn nữ đang yêu tham gia thí nghiệm. Họ được cho nắm một thiết bị gây đau ở mức nhẹ trong lòng bàn tay đồng thời được cho ngắm nhìn hình của người yêu. Não của các tình nguyện viên được theo dõi bằng máy chụp cộng hưởng. Kết quả cho thấy là não của những tình nhân này hoạt động giống hệt như khi được chích các thuốc chống đau morphine hoặc cocaine. Lặp lại thí nghiệm nhưng thay vì cho coi ảnh người yêu, họ được cho coi hình của một người khác phái có thân hình hấp dẫn. Não không có phản ứng như khi được coi hình người yêu. Tiến sĩ Sean Mackey, trưởng nhóm nghiên cứu kết luận: “Khi con người sống trong tình yêu thật sự và mãnh liệt, nhiều sự biến đổi lớn về tâm trạng xảy ra khiến họ không còn cảm thấy đau đớn như người không yêu”.

Biết được hai cuộc nghiên cứu rất đứng đắn của các nhà khoa bảng Mỹ, mấy ông bạn tôi bĩu môi tức tối. Nghiên với chẳng cứu! Toàn những thứ tào lao. Tiền với tình làm giảm đau nhức thì mặc mẹ chúng, ông chẳng cần biết!

Đó cũng là một thuộc tính của con người: nói tới những thứ đã rời khỏi vòng tay với, nhức nhối là cái chắc!

03/2012