@
Bọt
Boxing
Chung
Của
Đào


Gầy
Giữ
Hương
Lãnh
Mademoiselle
Mao
Mông
Ngọng
Ngủ
Nhức
Qùa
Súng

Tiên
Tim
Tình
Tội
Trả
Trai
Trễ
Trời
Trùng
Vợ
Xả

XẢ

Thế giới ngày nay rất bén nhậy với chuyện bình đẳng. Nam nữ bình quyền là chuyện dĩ nhiên. Cứ thử chênh lệch trên dưới xem các bà có phản đối rầm rĩ không. Các bà nhiều khi làm quá khiến có nhiều ông phải xin…bình quyền. Nhưng có bình quyền tới đâu thì vẫn có một thứ mà các phụ nữ rõ ràng bị lép vế. Đó là thứ xếp hàng  xả xú bắp. Tôi thỉnh thoảng vẫn tham gia những chuyến đi chơi đây đó. Thời thanh niên, tôi vẫn thường dè bỉu chuyện đi chơi theo bầy đoàn này. Nó làm mình mất cái thú khám phá vốn là bản tính từ ngàn xưa của phe mày râu. Nhưng nay tuổi đời đã tích lũy đủ để thấy làm cái chi cũng ngại. Vậy là cứ phó thân cho các tua du lịch. Chỉ việc ngồi khểnh trên máy bay hay trên xe buýt, mấy cô cậu hướng dẫn viên muốn dắt tới đâu thi biết đó. Chẳng xông pha làm chi cho hao tồn tấm thân đã muôn phần bèo nhèo. Có đi chơi kiểu có người chăn dắt như vậy nên mới mục kích thường xuyên cảnh các bà các cô rồng rắn xếp hàng chờ vào chỗ xả cái thiên nhiên réo gọi.

Mỗi khi xe tới một trạm tạm nghỉ để cùng nhau tôi xả , anh xả, chị xả, bên các ông, cứ từ từ vào một cách thong thả, chẳng cần hàng lối chi. Nhưng bên các bà thì vui biết mấy. Họ nối đuôi nhau hàng dây dài. Bà nào cũng cựa quậy không yên. Có bà nhảy nhảy mà mặt không vui, có bà xoắn người mà mặt bí rị, có bà đôi mắt đăm đăm về phía chiếc cửa có vẽ hình người mặc váy một cách…tuyệt vọng. Đã có nhiều lần, cảm thương nỗi thương tâm của các bà, mấy tên đàn ông chúng tôi, đã đứng chặn ngoài cửa để các bà xâm lăng sang phía cánh cửa có vẽ hình một ông mặc quần. Nhìn ánh mắt các bà lúc đó mới thấy biểu lộ tất cả niềm ưu ái đối với phe đối lập.

Tại sao lại có cảnh bất bình đẳng như vậy? Tại…trời! Trong chuyện làm thủy lợi thì trời bất công rõ rệt. Đàn ông thì thoáng một cái, mở cửa sổ, rảy rảy là xong, vừa rửa tay vừa huýt sáo. Các bà thì muôn phần rắc rối. Chuyện lớp lớp cởi bỏ, chuyện…giấy tờ, chuyện vất vả kéo lên, chuyện sửa sang, chuyện soi gương dặm phấn, mới nói đã thấy tốn thời giờ. Vậy nên mới có cảnh kẹt người. Bất công như vậy đàn ông như chúng tôi cũng thấy bất nhẫn, huống chi là chính các nạn nhân của trời đất. Tháng hai năm con rồng, chuyện xả bỗng nổi cộm khi một nữ sinh Trung quốc đứng lên phất cờ khởi…chính nghĩa. Chúng tôi không muốn đứng nhìn các ông thong thả ra vô trong khi chúng tôi nhịn đắng nuốt cay đứng xếp hàng mút mùa lệ thủy chờ giải thủy. Vị nữ anh thư này là cô Li Tingting, sinh viên trường Cao đẳng Xi’an, Quảng Châu. Cô đã cùng hai chục sinh viên khác mang theo biểu ngữ kéo đến một công viên, xông vào toilet của các ông khiến một số ông đang hưởng cái thú vòi rồng đã phải ngượng ngùng rút lui. Bản tin không nói rõ những thiệt hại về phía các ông như bao nhiêu chiếc quần cần phải giặt, bao nhiêu vụ mắc kẹt có đổ máu hay không, khi các ông vội vã thu hồi vũ khí làm mưa.

Yêu sách của các nữ lưu son trẻ này là “phải tạo điều kiện hơn cho nữ giới và thúc đầy sự bình đẳng giữa nam và nữ”. Chuyện gay cấn chứ không phải chơi. Có lẽ phải yêu sách tới ông trời không chừng. Làm sao con tạo lại cắc cớ gây phiền phức cho một nửa con cái khi bắt họ phải ngồi hái hoa trong khi nửa kia cứ đứng dõng dạc mà tưới! Chuyện đứng ngồi chính là nguyên nhân gây bất bình đẳng. Nghĩ đi thì như vậy nhưng nghĩ lại cũng tội cho ông trời. Các hãng chế tạo xe hơi chẳng hạn, khi có lầm lỗi kỹ thuật có thể recall lô hàng hỏng về để sửa chữa một vài chi tiết. Còn ông trời, xa xôi như vậy, làm sao mà recall nửa nhân loại về trời mà xoay vần lại. Tôi vốn ít tư duy nên nghĩ như vậy là nghĩ quẩn. Một sản phẩm có thề bất tiện chuyện này nhưng lại tiện chuyện khác, sửa đi sửa lại thêm be bét ra!

Các cô nàng tranh đấu không nghĩ như tôi, họ chẳng dại gì đôi co với ông trời mà trâu đánh với mấy anh có tóc đang điều hành việc công. Nếu bên nữ tắc tị mà bên nam hanh thông là vì có sự không cân bằng giữa con số toilet phục vụ mỗi bên. Biết phe nữ chúng tôi lâu lắc trong công tác xả nên ứ đọng thì phải tính tới chuyện tăng cường số toilet công cộng dành cho bên nữ. Không thể anh một phía, tôi một phía đồng đều với nhau được. Theo luật được áp dụng tại Hương Cảng và Đài Loan thì tỷ lệ này phải là 1 và 1,5. Nghĩa là cứ một dành cho nam thì phải dành cho nữ gấp rưỡi. Tại Mỹ, 21 tiểu bang và thành phố cũng đã có những điều luật tương tự. Nhóm nữ sinh viên biểu tình nay đòi hơn thế nữa. Họ đòi tỉ lệ 1 trên 2. Cứ cho các ông một thì phải cho chúng tôi 2, gấp đôi. Họ sẽ từ Quảng Đông tiến về thủ đô Bắc Kinh đòi hỏi quốc hội phải hạ cố tới nhu cầu bức thiết của họ. Cô Li Tingting nhất định bắt các quan to dí mũi vào chốn này: “Chúng tôi muốc các giới chức cao cấp chú ý đến vấn đề này. Đây là vấn đề lớn của phụ nữ. Trong cuộc biểu tình ở Quảng Châu, chúng tôi đã thực hiện các cuộc khảo sát ngẫu nhiên và nhận thấy đa phần mọi người đều ủng hộ chúng tôi”. Thời buổi internet ngày nay, chuyện gì xảy ra cũng được các blogger nhảy vào góp chuyện. Một blogger đã viết: “Người Mỹ đã chiếm phố Wall, người Trung quốc lại chiếm toilet. Hai vấn đề này rõ ràng khác nhau”. Khác quá đi chứ! Chiếm phố Wall thì tiền đâu có chạy ra đường, nhưng chiếm toilet có nguy cơ…lụt là cái chắc!

Toilet là nơi phải đến khi thiên nhiên réo gọi. Mà thiên nhiên lại rất mẫn cán trong việc a-lô này. Tôi kiếm được một bức hình chụp một tấm bảng lớn ghi bốn câu thơ có chú thích là “ca dao Việt Nam”. Câu ca dao này tôi chưa bao giờ thấy và nghĩ chắc không phải là ca dao.

Cây trên trần, đơm bông kết trái,
Trai gái nào, mắc quá cũng phải đi.
Còn nhỏ ta được mẹ xi,
Bây giờ ta lớn, ta đi một mình”.

Vậy là dắt tay nhau đi tới toilet. Ngày nay mới có căn phòng nho nhỏ nhưng cần thiết mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “phòng số 1” trong nhà. Ngày xưa khác. Cái phòng nho nhỏ nhưng cần thiết này không nằm trong đầu chúng ta. Khi thiên nhiên réo gọi, chúng ta vội vàng vơ nắm giấy chạy ra đồng. Có khi cũng chẳng thèm giấy tờ chi, xong việc, bứt vài chiếc lá là xong. Công việc này quen thuộc và phổ thông đến nỗi chúng ta gọi là “đi đồng”. Thời chạy loạn năm 1945, tôi đã trải qua chuyện…đồng áng này. Thật khổ cho cái lỗ mũi. Vậy mà chúng ta vẫn văn vẻ coi như đi làm…quận công! Khi di cư vào Nam, gia đình tôi mua được căn nhà mái tôn vách gỗ ở khu Cầu Ông Lãnh. Cũng như mọi nhà quanh xóm khác, nhà mua không có nhà vệ sinh. Gia đình tôi phải dựng một cái phía sau vườn lỡ khi có việc quan đòi gấp. Không có đường thoát, phải bắc đại ống ra phía mương chảy sau nhà. Đây là nơi chỉ được dùng khi khần cấp nên có cũng như không, trừ khi tối lửa tắt đèn mà bị chột bụng. Bình thường mọi người  rủ nhau ra sông, nơi có mấy dãy cầu công cộng, cứ điểm thả bom oanh tạc cá! Chuyện đi đồng đi sông của tôi chắc là chuyện chung của thế hệ chúng tôi. Tác giả Trần Bình Nam kể lại: “Năm 1940, tôi lên bảy, trong nhà tôi có mẹ và hai chị. Nhà không có cầu. Phần tôi mỗi buổi sáng tôi giải quyết nhu cần bằng cách chạy ra bờ sông Hương (nhà tôi cách bờ sông Hương 100 mét, giữa nhà và sông là một thửa ruộng nhỏ) ngồi trên bờ ruộng thong thả nhìn trời nhìn đất và giải quyết nhu cầu. Cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ tự hỏi mẹ và hai chị tôi đã giải quyết như thế nào. Bây giờ mẹ và chị đầu của tôi đã qua đời, chỉ còn chị kế của tôi còn sống ở Huế. Chị kế tôi có chồng – ông ta đã qua đời – từng làm ăn khá giả nên xây được một ngôi nhà gạch khá lớn bên bờ sông An Cựu nơi khu Nhà Đèn. Mỗi dịp về Việt Nam tôi lại thăm và ngủ lại ở nơi nhà chị. Nhà cao cửa rộng nhưng cái cầu vẫn luộm thuộm. Cầu xây chung với nơi giặt áo quần nên lúc nào nền cầu cũng ươn ướt. Và dùng xong phải múc nước dội cầu. Tôi biết chị tôi có khả năng làm một cái cầu trong nhà theo tiêu chuẩn tây phương. Tôi hỏi, chị tôi trả lời: “Cậu ơi, chị thấy cầu như vậy là được rồi. Làm cầu tiêu khô ráo người ta cười cho “cầu tiêu gì mà khô như một cái phòng ngủ”. Xưa kia ở với ba mẹ có cầu trong nhà đâu mà cũng xong cả”.

Thì cũng xong. Dân ta cái chi mà chẳng xong. Ngày Sài Gòn còn là Sài Gòn, cái cảnh các ông vắt vẻo bắc vòi rồng chữa cháy tại những nơi không có lửa cũng có đấy nhưng không nhiều. Ngày nay mỗi góc đường góc phố, mỗi con đường hẻm, mỗi gốc cây cột đèn đều là chỗ nhận ân sủng của các ông. Chỗ nào cũng có bảng cấm đái bậy. Nhiều đến nỗi một du khách phải hỏi anh hướng dẫn viên: “Tôi đã đến việt Nam nhiều lần. Ở Việt Nam có hai cái vịnh rất nổi tiếng là “Nha Trang Bay” và “Hạ Long Bay”, nhưng còn một vịnh tôi thấy quảng cáo rất nhiều, ở khắp nơi, anh có thể dẫn tôi tới coi được không?”. Chiều khách, anh hướng dẫn viên vội hỏi: “Còn vịnh nào nữa? Ông có biết tên không?”. Ông khách chỉ tay qua bức tường bên đường rồi bập bẹ đánh vần: “Cam Dai Bay”. Một du khách khác lại có một nhận xét khá dí dỏm về người Việt. Đó là một dân tộc đái công khai giữa đường nhưng khi hôn lại hôn lén trong bóng tối!

Nhà cầu trong ý nghĩ của chúng ta là thứ dơ dáy cần phải tống ra khỏi nhà. Nó thuộc thân phận thứ phòng hạng hai, cần tống khứ ra phiá bên ngoài. Khi cái cầu leo vào trong nhà nằm chung với các phòng khác là cả một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đã thay đổi quan niệm của con người, từ coi những thứ cặn bã xưa kia là dơ dáy bẩn thỉu đến sống chung hòa bình với chúng. Ngày nay khi đi mua một căn nhà, có lẽ cái chúng ta quan tâm tới đầu tiên là cái phòng tối cần thiết này.

Thiếu toilet trong nhà đã giết chết 5 ngàn người Việt mỗi năm. Nghe thật tội lỗi. Chẳng lẽ nín tiêu tiểu là một bệnh chết người chăng? Cũng dám chết lắm chứ. Tôi nhớ tới một câu chuyện đã thành giai thoại được nhiều người kể đi kể lại. Có một đám rưóc dâu xuyên tỉnh bằng xe hơi trong nhiều giờ. Cô dâu bị thiên nhiên réo gọi nhưng mắc cở không dám nói ra. Cô âm thầm nhịn đến khi bàng quang bị bể chết tốt! Con số 5 ngàn người là con số mà Ngân Hàng Thế Giới vừa công bố chỉ nói nguyên nhân một cách rất mơ hồ: tử vong liên quan đến điều kiện vệ sinh hạn chế. Thôi thì nghe vậy biết vậy. Thực ra người Việt ngày nay đã biết sự quan trọng của cái phòng cần thiết trong nhà. Tại thành phố đã có 92% dân thành thị xử dụng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn trong khi tại nông thôn mới chỉ có một nửa dân có nhà vệ sinh trong nhà. Vậy là vẫn còn một nửa dân quê của chúng ta vẫn còn làm…quận công!

Dân vùng biển Sơn Hải, xã Quỳnh Tiến, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thì hầu như toàn thể dân trong vùng đều là quận công. Ông quận công và bà cũng…quận chúa! Dân vùng này gồm 340 gia đình với nhân số lên tới 2300 người mà nhất định không nhà nào thèm biết tới nhà vệ sinh. Phóng viên báo VnExpress diễn tả: “Ban ngày, trẻ con người già đưa nhau ra khu rừng thông sau làng để giải quyết nỗi buồn. Tối đến khi thủy triều lên, cà làng rủ nhau ra biển. Tiếng ý ới gọi nhau đi vệ sinh vang cả một góc xóm”. Kể cũng…thơ mộng. Đây có lẽ là một nét văn hóa: biến chuyện riêng thành chuyện chung. Tập thể đến vậy thì thôi! Trả lời phỏng vấn của phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan đang ngồi bán mớ ốc biển vừa bắt được đã đỏ mặt cười: “Người dân vùng này như rứa từ mấy đời rồi. Lâu ni, bầy tôi không sử dụng nhà vệ sinh để làm gì cả bởi đất chật, người đông, cả làng đều cùng nhau ra biển, lên núi là xong hết!”. Chị Lan là dân làng nên quen nếp sống từ mấy đời rồi. Những người con gái khác, về làm dâu Sơn Hải, tội hơn. Như chị Nguyễn Thị Minh, về làm dâu từ hai chục năm nay, kể là những ngày đầu không quen với việc xả sú páp trên rừng nên cứ phải chờ tới tối mịt để ra biển. Ông Trần Đức Biển, xóm trưởng xóm Sơn Hải, tóm lại: “Từ bao đời nay, cả làng biển này không có thói quen sử dụng nhà vệ sinh. Thậm chí một số ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp nằm cạnh bãi biển cũng duy trì thói quen này….Hiện cả làng mới có khoảng mươi gia đình làm nhà vệ sinh, chủ yếu là người từ nơi khác đến hoặc những thanh niên trẻ mới xây nhà”.

Cô con dâu của xóm Sơn Hải Nguyễn Thị Minh là người hiền ép mình theo tục lệ thả biển trôi sông của dân làng từ bao đời nay. Chứ cô dâu người Ấn Độ Anita Narre đâu có ép mình như vậy. Cô này kiên cường hơn nhiều. Cô này cũng là chân quê ngụ tại một ngôi làng thuộc tiểu bang Madhya Pradesh. Vừa về nhà chồng, thấy trong nhà không có toilet, cô lập tức bỏ về nhà cha mẹ liền. Vậy mới thấy cái oai của toilet: nó có giá trị hơn anh chú rể mới cưới! Anh chồng cuống lên. Tiền không có làm sao sắm được cái “xí sở” trong nhà đây! Cả làng phải chung nhau lo xây…hạnh phúc cho chú rể. Tám ngày sau, khi trong nhà đã lù lù một cái nhà lo việc hậu cần, cô dâu Anita Narre mới chịu về…động phòng. Theo bản tin của đài BBC thì một tổ chức phi chính phủ đã quyết định tặng cô dâu Narre 10 ngàn đô Mỹ vì hành động “dũng cảm” của cô nàng. Tôi ngờ rằng, với số tiền trên trời rơi xuống này, trong nhà chắc sẽ mọc lên tùm lum toilet. Cho bõ ghét!

Cứ ngỡ thân phận cái toilet là thân phận bèo bọt, ăn gửi nằm nhờ, ai ngờ nó lại giữ một địa vị quan trọng đến vậy. Ông Trương Duy Nhất là người ở trong nước nhưng hay đi nước ngoài, đã nhận thấy tầm quan trọng của cái phòng nho nhỏ này. Ông viết trong một bài báo: “Nhiều bạn phỏng vấn tôi: anh Nhất hay ra nước ngoài, thấy ấn tượng nhất điều gì? Tôi hay bảo: là… chủ nghĩa xã hội! Mô hình chủ nghĩa xã hội mà Mác và Lê-nin mơ tưởng nó đang hiện hữu ở các nước tư bản phát triển, chứ không phải ở các quốc gia Cộng sản. Họ tiến đến chủ nghĩa xã hội lâu rồi nhưng người ta im không nói, còn Việt Nam mình nói mãi, hô hào tiến lên mãi mà hơn nửa thế kỷ vẫn quẩn quanh ở “thời kỳ quá độ”. Có anh vặn: nói thế chung chung và mơ hồ quá, anh cụ thể vắn tắt xem chuyện gì, cái gì ấn tượng nhất, nói ra hiểu liền cơ! Hóa ra nói chủ nghĩa xã hội là chung chung mơ hồ. Thế thì cụ thể nhé: Nhiều người sang Mỹ đi Âu về ấn tượng bởi những tòa nhà chọc trời, về ô tô và mức sống như thiên đường… chủ nghĩa xã hội! Còn với tôi, ấn tượng nhất chính là chuyện…ị đé (mạn phép tác giả sửa me mé chữ tác giả dùng)! Hôm rồi đi Canada, buổi gặp nào với người Việt xa xứ họ cũng hỏi tôi “anh Nhất ấn tượng điều gì”. Lần nào tôi cũng thật thà: là chuyện ỉa đái! Người Canada gọi cái chốn ỉa đái ấy là washroom. Nhìn washroom, chui vào washroom biết cái đất nước này nó sạch và văn minh cỡ nào. Không biết họ “thiết kế” cái đất nước Canada ra sao mà đi đâu, nhìn đâu cũng thấy washroom, bất kể giữa trung tâm phố thị hay heo hút giữa núi rừng. Như thể cứ lúc nào nghe cảm giác buồn… là thấy ngay washroom trước mặt. Họ giải thích thế này: không vậy lỡ một người dân nào, bất chợt một lúc nào đó, ở đâu đó buồn ị mà tìm không kịp chỗ để cho họ đi, người ta sẽ kiện chính phủ ra tòa! Đi suốt từ Vancouver- Toronto- Ottawa- Montreal- Quebec… không thấy đâu họ thu tiền phí đé ị  như Việt Nam mình”.

Tôi bỗng thấy ông Trương Duy Nhất này dễ thương quá trời. Ông đã nói lên một điều đáng tự hào của dân Canada. Đất nước này rất chu toàn cho “đầu ra” của người dân. Bạn bè tôi, dân Canada, du lịch đã nhiều, thấy chẳng đâu có nền văn minh toilet như đất nước chúng tôi đang ngụ cư. Qua Tàu, qua Thái Lan, qua Mã Lai, có bốc mùi đã đành. Nhưng qua các nước bên Âu châu bụng vẫn không yên. Lỡ cái bụng réo gọi đòi việc quan thì vất vả biết chừng nào. Các toilet công cộng là một chuyện hiếm hoi, lại ngồi chình ình một bà đầm phục phịch to hơn cái toilet để thu của bá tánh mỗi người 1 Euro mới cho vào. Ngay tại bảo tàng viện nổi tiếng Louvre, một anh bạn tôi đứng xếp hàng lâu quá chịu không nổi đã banh ta lông giữa bá quan thiên hạ. Khi về tới Canada, ông bạn thở phào: đây đúng là…thiên đàng! Ông Nhất này quả có cơn mắt tinh đời.

Nhìn người mà nghĩ tới mình, ông Nhất…ai điếu: “Nhìn chuyện ị đé, vào chốn ị đé của họ đủ biết mức sống, văn hóa của con người và dân tộc họ cách xa người Việt mức nào…Có quốc gia nào mà trung bình mỗi ngày, các đoàn tàu khách xuyên Việt thàn nhiên tống đổ xuống đường ray trên bốn tấn phân người và sáu vạn lít nước tiểu? Lâu rồi, tôi đã viết: trên thế giới này chắc mỗi người Việt có văn hóa…đái đường, Hễ thấy những ai thản nhiên móc tay kéo quần tè bên vệ đường thì không cần phải hỏi quốc tịch, bởi chắc chắn đó chỉ có thể là người Việt Nam..Trong vô vàn mục tiêu phát triển, thôi thì chưa phát được cái gì, trước hết hãy thay chuyển cho được chuyện ị đé. Ưu tiên cho mục tiêu ị đé trước có lẽ cũng là một cách thay chuyển văn hóa. Để thay chuyển hình ảnh đất nước, để đất nước phát triển và văn minh, có lẽ phải tư duy đầu tiên cho mục tiêu đé ị này! Lãnh đạo nhà mình, ai cũng “khiêm nhường” không muốn (hoặc không thể) tạo dấu ấn. Thôi thì đừng nói đến dấu ấn gì lớn lao, hãy cố gắng để lại dấu ấn làm thay chuyển chuyện ị đé này cũng đã là văn hóa và phước hạnh lắm rồi!”.

Chuyện bài tiết cỏn con hóa ra là chuyện…nước non. Ông Trương Duy Nhất đã thách thức nhà cầm quyền Việt Nam để lại dấu ấn ị đé cho đẹp mặt kẻ cầm quyền. Kể ra ông Nhất này cũng còn khá lãng mạn. Với cung cách cai trị hiện nay, họ đang xả ra cả đống bầy hầy trên quê hương. Dọn thứ của mình còn chưa xong huống chi dọn thứ của thứ dân!

03/2012